Chủ Nghĩa Cộng Sản ABC

Đỗ Văn Phúc

1.- Muốn hiểu Cộng sản, nên đọc sách gì?communism
Sách vở viết về Cộng sản rất nhiều, vừa của các lý thuyết gia của chủ nghĩa Cộng sản vừa của các nhà nghiên cứu lý luận không Cộng sản. Có thể nói trong một thế kỷ qua, có cả hàng triệu cuốn sách được xuất bản bằng đủ tất cả các ngôn ngữ trên thế giới. Karl Marx là người khởi xướng chủ nghĩa Cộng sản khoa học. Ông viết cuốn “Chủ Nghĩa Tư Bản” (Das Kapital) và cùng Fredierick Engels soạn “Tuyên Ngôn Cộng Sản” (Communist Manifesto) được coi là hai tác phẩm lý luận căn bản của chủ nghĩa Cộng sản. Ngoài ra, ông còn viết hàng tá sách khác như tập “Sự Nghèo Nàn của Triết Học” (The Poverty of Philosophy, 1847), “Ngày Mười Tám Tháng Sương Mù của Napoleon” (Le 18ème Brumaire de Napoleon, 1852), “Dự Thảo về Kinh Tế và Triết Học” (Economic and Philosophical Manuscripts of 1844)… Thực ra những tác phẩm này rất khó đọc. Không phải vì chúng khó hiểu, cao siêu gì; mà vì đó chỉ là sự góp nhặt những thư từ qua lại của Marx, Engels và các nhà tư tưởng khác; các bài phê bình, lý luận rời rạc với nhiều chủ đề. Chúng không được hệ thống hoá có bố cục chặt chẽ như một cuốn sách ta thường đọc. Các bài viết nhiều đề tài trộn lẫn nhau như một mớ hổ lốn. Thành thử cuốn nào cũng dày hàng ngàn trang, nhưng thực ra chỉ cần cô đọng trong vài trăm trang là đủ hết những điều Marx muốn diễn đạt. Sau này, các lãnh tụ Cộng sản cũng làm y thế; nghĩa là góp nhặt tất cả những gì họ viết ra như công văn, thông cáo, thư từ, xã luận… cho in ra cả trăm cuốn sách với nhiều đề tựa khác nhau, nhưng tựu trung chúng na ná nhau về đề tài và nội dung. Có lẽ đây cũng là một lối mập mờ của những tay Mác xít chăng.
Nghiên cứu về Cộng sản mà đọc sách là hỏng bét, vì sách nào chẳng nói điều hay, sách nào chẳng dạy điều lành! Hàng triệu người từng say mê lý thuyết Marxist trở thành cuồng tín cũng chỉ vì bị những lý luận của nó mê hoặc. Phải có kinh nghiệm sống dồi dào, có trí phân tích sâu sắc thì mới thấy hết điều nghịch lý của chủ nghĩa Cộng sản. Vì thế, cách nhận thức về Cộng sản hay nhất là nhìn vào thực tế của nó. Thực tế đó diễn ra giống nhau ở khắp nơi, từ Nga Sô, Trung Hoa cho đến Việt Nam, Bắc Hàn, Cu Ba… từ những năm 1917 cho đến những năm cuối thế kỷ 20; thực tế đó chứng minh rằng cái sai, cái nghịch lý của Cộng sản là bản chất chứ không phải là chỉ là hiện tượng cá biệt như chúng thuờng ngụy biện.

2. Cộng sản là gì?
Cộng sản (Communism) do nhà tư tưởng Karl Marx (1818-1883), người Ðức gốc Do thái (Israel) khởi xướng dựa trên căn bản thuyết Duy vật Biện chứng (Dialectical Materialism) và Duy vật Sử quan (Historical Materialism), cho rằng lịch sử nhân loại là lịch sử đấu tranh giữa các giai cấp (Class War); sự thay đổi Thượng tầng kiến trúc ( Superstructure) gồm hệ thống chính trị, tư tưởng triết học…là hệ quả của sự thay đổi Hạ tầng cơ sở (Infrastructure). Căn cứ trên tình hình phát triển lúc sơ khai của chủ nghĩa Tư bản tại Anh có nhiều bất công và tàn nhẫn, Karl Marx cho rằng khi chế độ Tư bản (Capitalism) đi đến lúc phát triển cực thịnh, sẽ dẫn đến chủ nghĩa Ðế quốc (Imperialism), và phát sinh cuộc cách mạng vô sản (Proletarian Revolution), để giai cấp vô sản tiêu diệt giai cấp tư bản, thiết lập nên chính quyền Vô sản chuyên chế (Dictatorship of the Proletariat), xây dựng cái gọi là Chủ nghĩa Cộng sản. Theo nghĩa đơn giản, cộng là chung (commun, common), sản là tài sản. Chủ nghĩa Cộng sản chủ trương tất cả tài sản trong xã hội là của chung (collective ownership), thuộc quyền quản trị chung của tất cả thành viên trong xã hội. Như thế, Cộng sản phủ nhận quyền tư hữu vốn là quyền căn bản của con người.

3 .Thế nào là Quốc tế Cộng sản?
Cộng sản chủ trương thế giới đại đồng, là tiến lên một hình thái xã hội chung toàn thế giới, xoá bỏ biên giới quốc gia, xóa bỏ tinh thần dân tộc. Khi Marx đề ra bản Tuyên ngôn Cộng sản (Communist Manifesto), cộng sản chỉ là một phong trào, chưa kết hợp thành đảng. Họ gọi đó là Ðệ nhất Quốc tế. Sau đó các đảng Xã hội, tả khuynh tại Pháp kết hợp thành Ðệ nhị Quốc tế, chủ trương lấy công nhân làm nòng cốt. Ở nước Nga nông nghiệp lạc hậu, Lenin phải tận dụng giai cấp nông dân để làm cách mạng hạ bệ chế độ Sa hoàng, lập nên Ðệ tam Quốc tế (3rd Commintern), là phong trào mạnh nhất và thống trị thế giới gần thế kỷ qua. Cùng thời với Lenin, Trosky phản đối việc Lenin làm cách mạng chỉ trong một nuớc Nga, khác hẳn với lý thuyết của Marx là chờ cho mâu thuẫn chín mùi trên toàn cầu mới làm cách mạng. Trosky lập ra Ðệ tứ Quốc tế và bị tiêu diệt ngay. Phái đa số của Lenin trong đệ tam quốc tế gọi là Bolchevik thắng thế phái thiểu số gọi là Menchevik. Cộng sản Việt nam là một bộ phận của Ðệ tam quốc tế, trong khi Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm trong Nam là cán bộ của Ðệ tứ quốc tế.

4. Chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Xã hội khác nhau không?
Chủ nghĩa Xã hội (Socialism) được các tác giả Saint Simon, Fourier, và Robert Owen (cuối thế kỷ 18) cổ vũ, xem như một giải pháp để xóa bỏ bất công xã hội do chủ nghĩa cá nhân (Individualism) mang lại. Chủ nghĩa Xã hội coi trọng quyền lợi của tập thể xã hội trên quyền lợi cá nhân. Mọi thành viên trong xã hội phải phục vụ cho mục tiêu chung, yêu cầu chung của tập thể, tuy nhiên vẫn chưa đi đến việc trói chặt con người vào cái chung nhất. Karl Marx đi xa hơn, chủ trương xoá bỏ hẳn cá nhân, coi con người là một công cụ sản xuất, nhất nhất phải phục vụ quyền lợi tập thể. Con người không còn bản sắc riêng tư nữa, mà mọi suy nghĩ, hành vi đều phải mang tính chất chung. Theo Marx, sau khi giai cấp vô sản làm cách mạng thành công, họ sẽ qua một giai đoạn chuyển tiếp Xã Hội Chủ Nghĩa để tiến lên xây dựng một chế độ Cộng sản trong đó hệ thống nhà nước bị xóa bỏ, mọi người tự giác làm việc theo sức mình và hưởng thụ tùy theo yêu cầu của mình (from each according to his ability, to each according to his need); sẽ không có cảnh sát, quân đội, sẽ không có viên chức chính quyền vì theo ông, những hệ thống chính quyền chỉ là công cụ để đàn áp nhân dân.
Theo trên, ta thấy chế độ Cộng sản đẹp biết mấy. Nhưng thử hỏi làm sao có thể có chế độ Cộng sản trên thế gian này, dù chỉ với một xã hội nhỏ vài chục công dân? Con người sinh ra vốn không đồng đều, có người thông minh, chăm chỉ, cầu tiến; có người kém cỏi, lười biếng, cầu an. Sự đóng góp cho xã hội phải khác nhau, người nhiều kẻ ít. Không thể cho họ cá mè một lứa mà hưởng một số lương ngang nhau. Huống chi xã hội làm sao thỏa mãn đủ nhu cầu của con người mỗi ngày một gia tăng và phức tạp. Ngay cả trong một gia đình có hai vợ chồng và vài đứa con, vì tình yêu mãnh liệt, vợ chồng cùng nhau đóng góp lợi tức vào một và chia xẻ nhường nhịn nhau trong nhu cầu vật chất. Nhưng lỡ gặp anh chồng ăn nhậu phung phí, hay chị vợ đua đòi mua sắm, thử hỏi nền móng cộng sản trong cái xã hội bé tí tẹo này có bền vững được không? Hay là anh chồng hay chị vợ sẽ bắt đầu thấy sự thua thiệt của mình mà đòi quyền quản lý riêng tư lợi tức của mình? Nói như thế để thấy rằng chủ nghĩa Cộng sản quá không tưởng (utopic) đến nổi không thể thực hiện được trong cuộc sống. Jean Jacques Rousseau trong cuốn Khế Ước Xã Hội (Du Contrat Social) cho rằng chỉ có thể xây dựng một chế độ toàn hảo nếu trong đó ai cũng là thánh nhân cả (where men are all saints!)
Xã hội tư bản mà phần nào đã xã hội hoá như tại Hoa kỳ và các nước Tây phương đề cao sự bình đẳng về cơ hội (Equality of Opportunity). Xã hội tạo cơ hội đồng đều cho mọi công dân: Y tế, học hành, phúc lợi… Nhưng sau đó con người sẽ làm việc và hưởng thụ theo sự đóng góp của mình. Cộng sản muốn sự bình đẳng tuyệt đối, như thế sẽ tiêu diệt sự cạnh tranh vốn là động lực của phát triển xã hội, vì con người sẽ không thấy hứng thú khi phải nỗ lực thi đua mà chẳng được hơn gì. Do đó, trong thực tế hàng chục năm qua, ở Liên xô và các nước Cộng sản, kinh tế bị trì trệ; người ta chỉ thấy sự công bằng trong nghèo đói. Cộng sản san bằng mọi người trong sự nghèo đói trong khi giới lãnh đạo thì hưởng thụ đầy đủ đặc quyền đặc lợi được quy định và bảo vệ bởi chính hiến pháp và chính sách.

5. Duy vật biện chứng là gì?
Triết học Duy tâm biện chứng của Hegel lấy ý thức con người làm cơ sở, trong khi Frederick Engels đảo lại, lấy vật chất làm nền tảng. Marx dựa trên học lý của Engels cho rằng mọi thay đổi vật chất tác động làm thay đổi cơ sở tinh thần. Thí dụ, ông cho rằng con người khi sơ khai thấy cục đá, mới nghĩ ra công dụng của nó, làm ra cây dao hay cái cối; từ cái cối, con dao này, nảy sinh ra xã hội nông nghiệp sơ khai. Theo ông: “nhà máy xay lúa chạy bằng gió đẻ ra chế độ phong kiến, nhà máy xay chạy bằng hơi nước đẻ ra chế độ tư bản.” Nói rộng ra, cơ sở kinh tế thay đổi sẽ kéo theo thay đổi về triết học, chính trị. Ðiều này vừa đúng vừa sai, vì thực tế cả hai cơ sở vật chất và tinh thần nó tác động hỗ tương. Ví dụ, một người thấy cần có vật cắt, nghĩ phải tìm cái gì bén nhọn, thấy cục đá cứng bèn mài ra làm dao; cũng có khi thấy cục đá đẹp, bèn sáng kiến làm một món đồ trang hoàng. Vậy giữa vật chất và tinh thần, nó ảnh hưởng lẫn nhau tạo ra sự tiến hoá. Chính tư tưởng con người nghĩ ra máy móc, nghĩ ra cơ chế kinh tế cho phù hợp với giai đoạn mới; và triết học, chính trị luôn đóng vai trò khai phóng quyết định cho sự thay đổi xã hội.

6. Duy vật sử quan là gì?
Marx cho rằng con người từ khi sơ khai đã thiết lập một chế độ Cộng sản nguyên thủy trong đó không ai sở hữu vật chất gì riêng tư cả. Rồi do vật chất càng nhiều, mới nảy sinh ra tư tưởng tư hữu (private ownership). Từ đó lập ra xã hội nô lệ (Slavery), trong đó có hai giai cấp chủ nô và nô lệ. Sự tranh chấp giữa hai giai cấp này đi đến quyết liệt đẻ ra chế độ phong kiến (Feudalism) trong đó giai cấp phong kiến địa chủ đàn áp bóc lột giai cấp nông dân. Khi có máy móc ra đời, phát sinh giai cấp tư sản (Bourgeoisie) làm cuộc cách mạng tư sản lập nên chế độ Tư bản. Chế độ tư bản là một chế độ đàn áp dã man nhất, nên giai cấp công nhân lại làm cách mạng xây dựng chế độ Cộng sản khoa học (Scientific Communism) là chế độ hoàn toàn tốt đẹp và sẽ bền vững đời đời.
Như thế, theo Marx, trong bất cứ xã hội nào (trừ xã hội Cộng sản!) cũng có mâu thuẫn nội tại. Mâu thuẫn này khi đến cực đỉnh sẽ nổ bùng ra cuộc cách mạng. Thuyết Giai cấp đấu tranh là nền tảng của cộng sản, trong đó phát động căm thù giữa các giai cấp và dùng bạo lực cách mạng để cướp chính quyền. Khi dành được chính quyền họ sẽ tiêu diệt giai cấp tư bản tận mầm mống.

7. Hệ thống sản xuất là gì?
Theo Marx, hệ thống sản xuất là cơ sở hạ tầng của xã hội. Nó quyết định cho mọi cơ cấu thượng tầng. Hệ thống sản xuất bao gồm hai phạm trù: Quan hệ sản xuất và Lực lượng sản xuất.
Lực lượng sản xuất gồm nhân lực (người lao động), vật lực (sức kéo, trâu bò…), tài nguyên (lâm sản, hải sản, ruộng vườn…), công cụ (cái cày, cái bừa, máy móc…), và tiền vốn. Những thành phần này kết hợp với nhau trong một mối liên quan dựa trên những định chế: sự phân công (ai quản lý tài sản, ai chỉ huy, ai điều hành…) và sự phân phối lợi nhuận. Ðó là quan hệ sản xuất. Cộng sản cho rằng mối quan hệ sản xuất trong các xã hội phong kiến, tư bản là bất công, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bóc lột. Vì vậy cách mạng Cộng sản nhằm xoá tan mối quan hệ này để lập nên quan hệ mới trong đó không ai nắm giữ quyền tư hữu các tài sản. Tài sản trở thành của chung. Tục ngữ ta có câu: “Cha chung không ai khóc.” Thực thế, chẳng ai bỏ công ra chăm sóc cái của chung đó. Khi xài, thì xài cho tận sức, xong vứt bỏ xó, chẳng ai ngó đến mà bảo trì, tu sửa. Thực tế đã chứng minh tại Việt Nam, những gì là công quản đều mau hư hỏng. Nhà máy quốc doanh thì hoàn toàn thua lỗ, hàng hoá quốc doanh thì kém phẩm chất, nhân viên quốc doanh thì làm chiếu lệ, vô trách nhiệm. Ngược lại, trong chế độ tư bản, mọi thứ đều được cải thiện hàng ngày cho tốt hơn lên vì chúng là của tư riêng, đem lại lợi nhuận cho người sở hữu.
Chính ở điểm này, ta thấy Cộng sản coi con người là một công cụ lao động không hơn không kém.

8. Tại sao các đảng Cộng sản có giai cấp nông dân và trí thức?
Ðây chính là điều mâu thuẫn của họ. Vì theo Marx, lẫn Lenin, chỉ có giai cấp công nhân là giác ngộ cách mạng (Revolutionary Consciousness); còn nông dân thì vẫn còn tư tưởng tư hữu, nên không tin tưởng được. Khi Lenin làm cách mạng vô sản, nước Nga đang ở tình trạng quân chủ, nông nghiệp lạc hậu, làm gì có một giai cấp công nhân vững mạnh. Cứ theo tiên đoán của Marx, thì lẽ ra cách mạng phải xảy ra ở Anh hay Hoa kỳ là các nước tư bản cực thịnh, có một lực lượng công nhân lớn. Nhưng tại hai nước này, mức sống công nhân càng ngày càng được cải thiện và không đi đến xung đột trầm trọng giữa chủ và thợ. Thực hiện cách mạng vô sản ở Nga, Trung hoa là trái với lý thuyết duy vật sử quan, nhưng Lenin vẫn cứ làm. Vì thế để có lực lượng hùng hậu, Lenin phải ghép thêm giai cấp nông dân vào thành phần vô sản. Ngoài Nga sô, các nước Trung Hoa, Việt Nam, các nước Ðông Âu không hề có cuộc cách mạng vô sản đúng nghĩa, mà chỉ lợi dụng phong trào đấu tranh giành độc lập (Việt Nam, Trung Hoa), hoặc chống Phát Xít Ðức (Ðông Âu) để áp đặt chủ nghiã Cộng sản.
Còn giai cấp trí thức ? Thực tế Cộng sản thù ghét và luôn nghi ngờ những người trí thức vì cho họ có mầm mống tư sản, cứng đầu khó dạy và vì họ có uy tín trong nhân dân nên càng trở thành nguy hiểm cho chế độ. Mao Tze Tung, lãnh tụ Cộng sản Trung Hoa đã nói rằng: “Trí thức không giá trị bằng một cục phân.” Thế nhưng trong cuộc đối đầu giữa hai thế lực Cộng sản và Tư bản, giai cấp vô sản thất học thấy rõ sự thua kém nên miễn cưỡng ghép thành phần trí thức vào giai cấp chúng. Tại Việt Nam, việc này chỉ mới áp dụng sau này thôi. Tuy được ghép vào chung với giai cấp công và nông dân, người trí thức vẫn bị nghi ngờ theo dõi và không được giao phó các chức vụ then chốt trong đảng và chính quyền.

9. Tại sao các nước Cộng sản vẫn nói đến xây dựng Chủ nghĩa Xã hội?
Bởi vì họ không làm sao thực hiện được chủ nghĩa Cộng sản theo như tiên đoán của Marx. cơ cấu chính quyền không bị tiêu vong mà lại càng được củng cố hơn, con người không thể làm việc một cách tự giác nên phải có công an cảnh sát kềm kẹp, vật chất không đủ để ai muốn hưởng gì thì hưởng nên phải duy trì một cơ chế để phân phối. Họ coi đây là giai đoạn chuyển tiếp (Việt Cộng gọi là thời kỳ quá độ) lên chủ nghĩa Cộng sản mà trong thực tế nó sẽ kéo dài mãi nếu như không xảy ra sự sụp đổ của Cộng sản. Chủ nghĩa Xã hội mà Cộng sản áp dụng là một quái thai. Nó hoàn toàn khác với tư tưởng Xã hội của các lý thuyết gia Saint Simon, Fourier, Oscar Wilde… Chủ nghĩa Xã hội áp dụng tại Liên sô, Ðông Âu và các nước Cộng sản Á châu đẻ ra trong xã hội một giai cấp mới có quyền lực bao trùm về mọi mặt. Từ đó chúng tự ấn định những đặc quyền vượt hẳn lên các giai cấp khác. Tỉ dụ như tại Việt Nam, chỉ những cán bộ Bộ Chính trị đảng Cộng sản mới được đi chữa bệnh ở các nước Liên sô, Ðông Ðức; cán bộ Trung ương đảng tại các bệnh viện lớn ở Hà nội, Saigon; cán bộ tỉnh ở các bệnh viện tỉnh, nhân dân thì ở các trạm xá với thuốc dân tộc và mức chữa bệnh đơn sơ. Phiếu mua thực phẩm, đồ dùng cũng được phân loại nhiều đẳng cấp khác nhau. Thí sinh vào các trường Ðại học cũng chia ra làm 13 loại trong đó con em cán bộ cao cấp ở những đẳng loại cao nhất; con em quần chúng lao động ở các đẳng loại thấp nhất không có cơ hội thăng tiến dù học rất giỏi (Xem Giai cấp mới).

10. Cộng sản vẫn nói đến Dân chủ, Tự do?
Dân chủ, Tự do là khát vọng của mọi người. Cộng sản rất sính dùng từ để lừa mị dân chúng. Ðối với chúng ta, dân chủ là sự góp mặt, góp ý của người dân trong việc điều hành công việc quốc gia xã hội. Một chính phủ Dân chủ theo cố tổng thống Abraham Lincoln là “của dân, bởi dân và vì dân” (of the people, by the people, for the people) trong đó người dân thực hiện quyền làm chủ của mình qua sinh hoạt chính trị như ứng cử, bầu cử để lựa chọn người thay mặt mình trong các cơ cấu quốc gia; qua báo chí truyền thông để phản ảnh ý kiến, nguyện vọng. Trong xã hội Cộng sản, các ứng viên do một tổ chức gọi là mặt trận chọn sẵn; mà mặt trận là một tổ chức do đảng Cộng sản lập ra. Thực ra, các ứng viên này đại đa số là đảng viên, được bầu vào cơ quan lập pháp, hành pháp, là các cơ quan không có thực quyền vì mọi sinh hoạt đều do đảng Cộng sản lãnh đạo. Chúng ta thấy mười mấy anh ủy viên bộ Chính trị chia nhau được bầu vào làm chủ tịch nhà nước, quốc hội, thủ tướng và các bộ quan trọng như Nội vụ, Ngoại giao. Cán bộ Trung ương đảng thì làm chủ tịch các tỉnh, Bộ trưởng các bộ khác. hay các cơ quan trung ương. Thỉnh thoảng ta thấy có vài người không phải là đảng viên, thì họ chỉ được làm khiêm tốn tại các bộ không quan trọng. Cộng sản gọi đây là chế độ dân chủ tập trung.
Còn về Tự do, chúng ta quan niệm tự do là có quyền làm được những điều mà luật pháp không ngăn cấm, miễn là không phương hại đến người khác. Cộng sản thì định nghĩa tự do là làm những điều được luật pháp cho phép. Ðiểm lắt léo là ở đây, Hiến pháp Tây phương quy định những điểm mà công dân bị ràng buộc, còn rộng ra thì được hoàn toàn tự do. Trong khi hiến pháp cộng sản ghi rõ những điều gì công dân được làm. Mà trên thực tế, ngay cả những điều có quy định theo hiến pháp Cộng sản cũng chỉ là cái bánh vẽ vì nó sẽ được giải thích lươn lẹo tùy theo ý thích của người lãnh đạo. Tỷ như Cộng sản vẫn nói tự do tôn giáo, nhưng lại kèm theo điều kiện là không được ảnh hưởng đến tính hình sinh hoạt, sản xuất. Cộng sản cũng ghi tự do ngôn luận, nhưng báo chí truyền thông phải thuộc sở hữu và dưới sự kiểm soát của nhà nước. Cộng sản nói tự do đi lại, cư trú. Nhưng muốn đi đâu, di chuyển chỗ ở phải xin phép chính quyền với nhiều thủ tục nhiêu khê, phiền hà mà chưa chắc đã được phép. Ðiều căn bản hàng đầu ghi trong hiến pháp Cộng sản Việt Nam là: “làm điều gì không phương hại đến chủ nghĩa Xã hội.” Cộng sản nói: “yêu nước là yêu chủ nghĩa Xã hội.” Vậy thì tự do tư tưởng của công dân là đâu. Nếu bạn nói rằng bạn yêu chủ nghĩa khác, bạn sẽ bị ghép vào tội phản quốc.
Khi chúng tôi còn ở tù trong các trại cải tạo, một số cán bộ Việt cộng giải thích: “Các anh được tự do phát biểu những điều gì xấu xa của Mỹ ngụy, và nói lên điều tốt đẹp của cách mạng (ám chỉ cộng sản).” Tự do là thế đấy, nhốt một con chim trong lồng rồi bảo: “ chim được tự do bay lên bay xuống trong cái lồng này, sướng nhé!”

11. Quyền Tư Hữu có ý nghĩa quan trọng ra sao? Làm chủ tập thể là gì?
Quyền tư hữu (Private Ownership) vốn là một ý thức bẩm sinh; cứ quan sát một em bé một hai tuổi, mới thấy em đã có ý thức làm chủ riêng tư về các món đồ chơi của mình. Quyền tư hữu là một động lực làm cho con người thi đua, tự cải thiện mình để đạt được điều mong muốn và thủ đắc nó như một minh chứng của sự thành công.
Cộng sản cho rằng chính sự tư hữu, nhất là tư hữu những công cụ sản xuất gây ra bất công, bóc lột. Họ muốn xây dựng một xã hội công bằng nên chủ trương xoá bỏ tư hữu. Hiến pháp Việt cộng nói rõ: “Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Ðảng lãnh đạo.” Trong xã hội cộng sản, ai cũng làm chủ cả, làm chủ không phận, hải phận, tài nguyên, nhà máy, ruộng đồng, cơ sở sản xuất; nhưng người nắm giữ và điều hành lợi nhuận là nhà nước, và phải làm việc theo chỉ thị của Ðảng Cộng sản.
Chế độ làm chủ tập thể (Collective Ownership) coi tất cả tài sản trong xã hội là của chung, ai cũng làm chủ tài sản đó. Hãy tưởng tượng, một người dân rách rưới chỉ vào bất cứ nhà máy nào và nói: “Nhà máy này là của tôi.”, rồi chỉ vào những cánh đồng bát ngát, nói: “ruộng đồng này là của tôi.” Hấp dẫn đấy, nhưng thử hỏi tiền lợi nhuận từ sản phẩm nhà máy làm ra, từ thóc gạo, vải vóc, năng lượng, anh ta có quyền quản lý và tiêu xài không? Không, nhà nước quản lý tất cả những thứ đó, và mọi tiêu xài đều theo lệnh đảng. Người công nhân, nông dân kia may mắn lắm thì chỉ lãnh được một chút lương thực ăn có sức để làm việc mà thôi. Nói tựu trung làm chủ tập thể là làm chủ tất cả trên lý thuyết mà không làm chủ cái gì cả trên thực tế.

12.- Thế Ðảng Cộng sản là ai mà đòi lãnh đạo cả xã hội?
Theo họ, đảng Cộng sản là nơi quy tụ những thành viên ưu tú nhất trong giai cấp công nhân, vì giai cấp công nhân trong xã hội tư bản là giai cấp tiền phong, bị chủ bóc lột nên sớm ý thức vai trò cách mạng của mình. Lẽ ra thì cách mạng Cộng sản phải nổ ra ở các xã hội tư bản phát triển cực thịnh theo tiên đoán của Marx. Thực tế, chưa có cuộc cách mạng CS nào ở Hoa kỳ, Anh, Pháp cả; mà nó xảy ra tại Nga là một nước nông nghiệp lạc hậu dưới chế độ Nga hoàng. Vì thế Lenin cộng thêm thành phần nông dân vào với công nhân trong giai cấp vô sản làm nòng cốt cho đảng Cộng sản (dù rằng Lê nin vẫn cho rằng nông dân còn tư tưởng tư hữu, khó có tinh thần cách mạng, vì thế, sự kết hợp nông dân chỉ là bất đắc dĩ, vì nếu không thì đám công nhân non yếu sẽ chẳng làm nên trò trống gì)
Ðảng cộng sản Việt nam nói riêng, và phong trào CS quốc tế nói chung, chỉ lợi dụng thành phần công nông, còn đa số bọn lãnh tụ đều xuất phát từ giai cấp tư sản, địa chủ cả. Chúng biết lợi dụng sức mạnh của công nông có thể làm nên sự nghiệp riêng, chứ chúng chẳng có gì gắn bó với công, nông dân. Trong giai đọan đầu, chúng bày trò “phong trào đi vô sản hoá”, tức là cho bọn cán bộ nòng cốt đi làm thợ một thời gian, để trở thành giai cấp công nhân, hòng lừa bịp thợ thuyền rằng mình cùng một giai cấp với nhau. Thử điểm qua vài khuôn mặt: Hồ Chí Minh là con nhà khoa bảng; Trường Chinh là con nhà địa chủ; Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Ðồng là con nhà quan lại hoặc có máu mặt mới được theo học cao trong xã hội thực dân. Chúng có bao giờ là vô sản đâu!

13. Ðấu tranh giai cấp là gì?
Theo Karl Marx, mọi vật trên thế gian đều hàm chứa mâu thuẫn. Trong một trái cây, có mầm chua và mầm ngọt; mầm ngọt sẽ diệt mầm chua để trái cây từ xanh đến chín. Trong xã hội cũng vậy, khi nào cũng có hai giai cấp đối kháng nhau (Opposing Classes) vì quyền lợi đối nghịch; một bên là giai cấp thống trị nắm giữ trong tay tư liệu sản xuất (Means of Production), Một bên là giai cấp bị trị không có tài sản. Giai cấp thống trị dùng quyền lực chính trị và kinh tế bóc lột đàn áp giai cấp vô sản. Sự xung đột giai cấp diễn ra khi thì âm thầm khi bộc phát dữ dội. Như một trái cây đến lúc chín, mâu thuẫn giai cấp sẽ bùng nổ ra cuộc cách mạng để giai cấp bị trị vùng lên lật đổ chế độ, thiết lập nên chính quyền của mình. Như thế, người Cộng sản coi đấu tranh giai cấp là động lực chính của cách mạng.

14. Bạo lực cách mạng:
Khác với các chủ thuyết khác từ trước đến nay luôn dựa trên căn bản đạo đức nhân ái. Cộng sản luôn kêu gọi lòng căm thù, khơi dậy sự khác biệt giữa các tầng lớp để tạo mối hận thù nhằm khích động đấu tranh. Cộng sản chủ trương: “cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Chỉ cần đạt đến mục tiêu, chúng có thể dùng tất cả mọi phương tiện, dù tàn nhẫn, phi nhân, dù lừa gạt, dối trá. Chúng cho đó là đạo đức cách mạng. Trong đấu tranh nhất thiết phải dùng bạo lực để trấn áp, dùng khủng bố để hạ tinh thần đối phương. Tám mươi năm qua, từ khi có chế độ Cộng sản trên thế giới ta thấy Cộng sản luôn đi đôi với khủng bố và máu lửa. Muốn bảo vệ chính quyền vô sản, họ chủ trương tiêu diệt tất cả mầm mống chống đối, dù chỉ ở trong tình trạng nghi ngờ. Sau khi Hồ Chí Minh nắm quyền ở Bắc việt, ông ta đã nêu ra 4 thành phần cần tiêu diệt: Trí (trí thức, có học), Phú (những người có tài sản, giàu có), địa (những người có đất ruộng), và Hào (những người có thế lực).
Mở đầu, Hồ phát động phong trào cải cách ruộng đất (Land Reform). Các làng xã thi đua tìm cho ra thật nhiều địa chủ để đấu tố. Nhiều nơi không có địa chủ, chúng đưa những người trung nông có chút ăn chút mặc so với đám bần nông nghèo khó ra thay thế; làm sao cho xã mình cũng sánh kịp xã khác (nếu không hơn được) trong phong trào đấu tố. Những năm 1953-54 Cộng sản phát động phong trào giảm tô, tiếp đó là phong trào cải cách ruộng đất (sau 1954) đánh dấu giai đoạn đẫm máu tàn khốc nhất, có hàng trăm ngàn người bị đấu tố và giết chết một cách dã man tại khắp các làng mạc miền Bắc, trong đó có cha mẹ Trường Chinh, khi đó là Tổng bí thư đảng Cộng sản (oái oăm thay, chính Trường Chinh lại là lãnh đạo phong trào). Ðấu tố ở Trung Cộng giết chết khoảng ba triệu nông dân là một vết đen trong lịch sử nhân loại. Ðể nắm được tận tư tưởng giới trí thức, Hồ Chí Minh phát động phong trào Trăm hoa đua nở, khuyến khích các văn nghệ sĩ nói lên sự thực. Tưởng Hồ thực tâm, các nhà văn nghệ sĩ bèn viết lên chân thực suy nghĩ của mình và rồi bị Hồ cho vào trại cải tạo hàng chục năm dài. Sau 1975, Lê Ðức Thọ chỉ huy cuộc cải tạo tư sản miền Nam, từng bước lừa gạt các giai tầng tư sản, tiểu thương để rồi chiếm đoạt toàn bộ tài sản, nhà cửa của họ; sau cùng đày ải họ vào các vùng rừng thiêng nước độc gọi là đi xây dựng kinh tế mới. Không thể giết chết hơn hàng triệu quân nhân và viên chức chính quyền miền Nam, Cộng sản cho tất cả vào các trại tù mà họ đặt mỹ danh là trại Cải tạo. Con cái của các tầng lớp địa chủ, hào phú, viên chức chính quyền cũ bị ngược đãi đè bẹp tận cùng đáy xã hội trong hàng chục năm trời.
Cộng sản nói, trong chế độ tư bản, nhà tù nhiều hơn trường học. Thực tế cho thấy tại miền Nam sau 30-4-1975, Cộng sản sử dụng cả khách sạn, trường học làm nơi giam giữ hàng triệu người mà họ coi là thành phần chống đối, dù rằng đây là những người đã thực sự buông súng theo lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh, hoặc những tu sĩ của các tôn giáo, hoặc những thành phần mà cộng sản đã tước đoạt hết tài sản…
Sau khi Liên sô tan rã, tại Nga, người ta phát giác hàng ngàn hố tập thể đầy hài cốt của hàng trăm ngàn người bị giết sau cách mạng tháng 10-1917.
Cộng sản không những ác với kẻ đối nghịch . Họ còn rất tàn nhẫn với ngay chính đồng chí, đồng đội. Cũng vì quan niệm cứu cánh biện minh cho phương tiện, họ sẵn sàng lùa vào lò lửa chiến tranh hàng triệu sinh mạng thanh niên, phá hủy toàn bộ tài sản, làng mạc phục vụ nhu cầu chiến lược chiến thuật. Hồ chí Minh đã từng nói dù phải hy sinh một nửa nước, ông ta cũng quyết làm, miễn sao chiếm được miền Nam.

15. Giữa Cộng sản và Phát xít, ai tàn ác hơn?
Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, Phát xít Ðức giết hàng chục triệu người một cách dã man. Tổng cộng, Cộng sản cũng giết hàng chục triệu người, nhưng tàn nhẫn hơn là họ giết ngay chính đồng bào của họ, có khi cả đồng chí của họ nếu thấy nghi ngờ về lòng trung thành, hay chỉ vì tranh chấp quyền hành. Ðôi lúc, giết người chưa hẳn là tàn nhẫn nếu so với việc tiêu diệt lần mòn thể xác và ý chí con người, dày đọa con người xuống tàn tệ hơn loài súc vật như Cộng sản thực hiện với anh chị em sĩ quan chế độ Cộng hoà miền Nam. Những người này không bị giết để được giải thoát một lần, mà phải kéo lê cuộc sống tuyệt vọng, đói khổ, lạnh lẽo, bị khủng bố, chà đạp nhục nhã hàng ngày và bất lực biết tin gia đình tan vỡ, con cái mất tương lai ngoài xã hội. Nếu không vì kiệt quệ kinh tế và bị thế giới bao vây, cô lập, nếu không vì đồng dollar đầy quyền lực của Mỹ, thì không bao giờ Cộng sản chịu thả những người tù cải tạo và cho ra đi nước ngoài như chuơng trình Định Cư Cựu Tù Nhân Chính Trị mấy năm qua.

16. Ðạo đức Cách mạng (Cộng Sản) là gì?
Xã hội Việt Nam dựa trên nền tảng đạo đức cổ truyền, thấm nhuần chân lý 3 tôn giáo chính Nho, Phật, Lão; lấy 5 tín niệm Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín mà cư xử với nhau, trong đó Nhân được đưa lên hàng đầu. Ca dao tục ngữ Việt nam luôn kêu gọi lòng nhân ái, đối với đồng bào, đồng loại. Xã hội Tây phương lấy căn bản đạo Chúa Ky tô, trọng công bằng và bác ái. Người Cộng sản tự đặt cho mình một hệ thống đạo đức hoàn toàn khác hẳn, họ gọi đó là đạo đức cách mạng. Trước hết và trên tất cả là lòng trung thành tuyệt đối với đảng. Khẩu hiệu “Hồng hơn Chuyên”, Hồng là màu đỏ, là màu của cách mạng, là màu cờ Cộng sản, là máu tươi, là sự sôi sục tâm can. Hồng có nghĩa là phải thuấm nhuần tư tưởng Cộng sản, phải mang tính đảng. Người Cộng sản không có quốc gia, họ tôn thờ thuyết đại đồng, coi quốc tế cộng sản là tổ quốc chung, coi lãnh tụ Cộng sản quốc tế là tổ tiên, cha mẹ, thầy học mình. Từ đó con người phải hy sinh tất cả cho sự nghiệp của đảng. Họ không coi gia đình là nền tảng xã hội, họ coi tôn giáo là một thứ thuốc phiện đầu độc tâm hồn con người; vì thế ta thường gọi Cộng sản là Tam vô : vô gia đình, vô tôn giáo, vô tổ quốc.
Người Cộng sản không biết đến cha mẹ, vì đã có đảng nuôi nấng, giáo dục. Họ không coi nặng tình cảm vợ chồng, vì vợ chồng chỉ là phương tiện sinh tồn, việc hôn nhân phải do đảng thu xếp sao cho hợp với quyền lợi của đảng. Người Cộng sản cũng nói đến yêu thương, nhưng là yêu thương đồng chí với nhau, và chỉ là đồng chi khi nào họ cùng mang chung một quan điểm, không có chút dị biệt nào. Họ cũng đôi lúc nói đến yêu thương đồng bào, nhưng phải là thứ đồng bào theo đảng, và bên cạnh yêu thương phải luôn luôn cảnh giác coi chừng đồng bào là phản động. Con người trong chế độ Cộng sản luôn luôn nhòm chừng nhau, nghi ngờ nhau, vợ có thể tố cáo chồng, con cái tố cáo cha mẹ, và coi đó là nghĩa vụ đối với đảng. Nhà trường Cộng sản từ mẫu giáo cho đến đại học không có môn giáo dục đạo đức, chỉ có môn phê bình và tự phê bình, như một cách xưng tội và tố giác kẻ khác. Vì thế trên tờ báo Thanh niên của đoàn Thanh niên Cộng sản Sài Gòn năm 1989, có bài viết của em Phạm Hồng Sơn, đặt vấn đề: “tại sao hàng chục năm qua, không giáo dục đạo đức mà chỉ biết dạy hận thù?” Có gì lạ đâu, bởi hận thù là bản chất cố hữu của người Cộng sản. Nhờ có hận thù, cộng sản mới khích động được một tầng lớp người nổi dậy đấu tranh dành chính quyền. Họ phải duy trì lòng hận thù để trấn áp những thành phần chống đối.
Mặt khác, đạo đức Cộng sản lấy man trá, lừa lọc làm cách sống. Từ trung ương đến hạ tầng, họ lừa lọc nhau, tô vẽ mọi điều tốt đẹp, tâng bốc nhau. Bởi dè chừng nhau,trong dân chúng, bạn bè, vợ chồng, không ai dám nói thật điều mình suy nghĩ, lâu dần sự dối trá trở thành bản chất và người ta không thấy xấu hổ hay mặc cảm tội lỗi khi làm điều gian dối. Lịch sử Cộng sản là những chuỗi lừa lọc, phản bội, họ phản bội những người đã hiến xương máu, tài sản cho sự thành công của đảng; họ phản bội nhân dân các nước đã từng vì hiểu lầm mà ủng hộ cho họ thành công. Hôm nay Trung Cộng còn là đồng chí, “ núi liền núi sông liền sông, tình hữu nghị sáng như rạng đông”, ngày mai là bọn bành trướng, thâm thù, bè lũ phản động. Ðạo đức của họ là nhận vơ những gì hay tốt của nhân loại vào làm của họ. Hồ chí Minh lấy câu nói của Chúa Giê su trong Kinh Thánh làm của mình: “bảo vệ sự đoàn kết như bảo vệ con ngươi của mắt mình.”, Hồ cũng ăn cắp một câu trong Kinh Thi “vì lợi mười năm, trồng cây; vì lợi trăm năm, trồng người.” Các công trình khoa học giá trị của nhân loại, họ cũng nhận là của phe họ. Tóm lại, đạo đức Cộng sản hoàn toàn trái hẳn với đạo đức chúng ta. Vì thế, trong khi chúng ta dành tình cảm thiêng liêng đối với cha mẹ; thì người cộng sản Việt Nam chỉ biết có đồng chí vĩ đại Staline:

Ông Xít ta lin ơi, ông Xít ta lin ơi,
Hỡi ơi ông mất, đất trời còn không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng,
Thương mình thương một, thương ông thương mười!

Và cũng vì thế, mà Trường Chinh (tên thật là Ðặng Xuân Khu) đã nỡ đem cha mẹ mình ra đấu tố dã man và giết chết trong đợt cải cách ruộng đất năm 1953-56.

17. Sách lược Mặt trận là gì?
Theo Lenin: “Mặt trận là một thể thống nhất của những mâu thuẫn.” Cộng sản chủ trương diệt tan những mâu thuẫn, nên dĩ nhiên không chấp nhận mặt trận. Nhưng trong lúc còn yếu thế, Cộng sản tạm hoà hoãn với những tổ chức khác, họ lập nên mặt trận để đưa ra chiêu bài rộng rãi đoàn kết toàn dân. Sau khi thành công, củng cố xong địa vị chính trị, là lúc họ tiêu diệt ngay cái mặt trận mà họ đã nhờ đó núp bóng, gây sức.
Mặt trận Việt Nam Ðộc lập Ðồng Minh hội (Việt Minh) trong giai đoạn chống Pháp quy tụ những người yêu nuớc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam với sự tham gia của những thành phần bất mãn chế độ Việt Nam Cộng Hoà đều do Cộng sản dựng lên và điều khiển. Các mặt trận trên là những giai đoạn chiến lược nhờ đó, Cộng sản lừa bịp được dư luận quốc tế, lợi dụng được lòng yêu nước của đồng bào và sự ngây thơ chính trị của các nhà hoạt động.

18. Tại sao gọi Trí thức Xã hội chủ nghĩa
Trí thức là những người được học hành, có sự hiểu biết sâu sắc về các mặt khoa học, nhân văn, xã hội… Họ là thành phần đóng góp đắc lực cho sự tiến bộ của xã hội. Cũng có người không học hành đỗ đạt, nhưng nhờ sự thông minh mà có khả năng suy luận, hiểu biết cao hơn người. Ðã là trí thức thì không có biên giới Tư bản hay Xã hội chủ nghĩa. Cộng sản trước đây thù ghét, coi nhẹ thành phần trí thức, về sau thấy càng ngày càng bị tụt hậu, nên bóp bụng ghép thêm trí thức vào danh mục những người trong hàng ngũ. Tuy nhiên chúng vẫn chỉ tận dụng khả năng của trí thức mà không hề ban cho chỗ đứng xứng đáng trong xã hội. Chúng gọi họ là Trí thức Xã hội chủ nghĩa, là những người tuy có học, có hiểu biết nhưng chịu sự chi phối của bọn ngu si, sẵn sàng nói theo luận điệu của chúng để liếm chút cơm thừa canh cặn. Ta còn nhớ, nhà khoa học có nhiều bằng cấp Phạm Hoàng Hộ, ngay sau khi Việt cộng chiếm miền Nam, đã viết trên báo Khoa học Phổ thông (năm 1976): “ba kí rau muống có giá trị dinh dưỡng bằng một ký thịt bò.” Cũng có những tên như Nguyễn văn Hảo, Chu Phạm Ngọc Sơn, Nguyễn Xuân Oánh, Phó bá Long, Võ Tòng Xuân chịu uốn lưng hợp tác với Việt cộng, chịu làm đẹp cho một chế độ bị phỉ nhổ, đang hàng ngày bóc lột đàn áp nhân dân. Những tên này, thực ra có tri mà không có trí; hoặc có trí mà không có thức.

19. Thế nào là nếp sống văn hoá mới.
Cộng sản cho rằng văn hoá tư bản là đồi trụy, nên chủ trương xỏa bỏ triệt để để xây dựng nên nền văn hoá mới Xã hội chủ nghĩa. Những năm đầu sau 1975, chúng cho bọn thanh niên a dua (cách mạng 30 tháng 4) đi sục sạo từng nhà, tịch thu và đốt đi tất cả sách vở, dù là sách khoa học kỹ thuật, từ điển, những tác phẩm lừng danh của nhân loại. Thay vào đó, chúng bán rẻ trong nhân dân những sách lý luận của Mác, Lenin, Hồ Chí Minh, những tác phẩm xuyên tạc đời sống miền Nam. Sách của Hồ Chí Minh thì có hàng trăm tựa đề, tựu trung là một số bài diễn văn được in đi in lại, sắp xếp theo các thứ tự khác nhau, dùng chủ đề khác nhau. Ðặc biệt sách lý luận chính trị của Hồ và các đồng chí Nga Hoa bán rất chạy; vì vừa rẻ mạt vừa cân nặng ký, nên được các bà buôn ve chai mua từng tạ. Nếp sống văn hoá mới là coi những hình thức lễ nghi cổ truyền là tàn dư phong kiến. Già trẻ lớn bé gọi nhau là anh là chị ráo trọi. Nếp sống văn hoá mới là cách ngồi xổm trên cả ghế salon, đưa hai hàng móng chân đen sì đầy cáu bẩn ra mà ngọ ngoạy, là kéo nhau hàng lũ cán bộ đến nhà người ta chờ chực ăn bữa cơm, hút chĩa điếu thuốc thơm đầu lọc; là ăn nói xô đẩy thô bạo sỗ sàng với bất cứ phụ nữ nào. Văn hoá mới cũng là những bài ca sặc mùi máu lửa, lao động sản xuất, khi hát lên chỉ nghe âm thanh re ré; Thứ văn hoá mới khi va chạm với miền Nam, chỉ thời gian ngắn thôi đã lộ rõ nguyên hình là thứ quái tượng cần xoá sạch.

20. Trí tuệ tập thể
Người Cộng sản tự cho họ là “Ðỉnh cao trí tuệ loài ngườI”, nghĩa là trong nhân loại, chỉ có người Cộng sản là thông minh, ưu việt và trí thức nhất. Cái trí tuệ đỉnh cao của họ thể hiện qua việc những cán bộ cao cấp, trung cấp không cần biết đọc biết viết cũng có thể đảm trách chức vụ Chủ tịch, Giám đốc, điều khiển hàng trăm hàng ngàn người. Năm 1990, có bốn ứng cử viên vào quốc hội thuộc Ðặc khu Vũng tàu, do đảng đề cử. Cả bốn anh đều tốt nghiệp Ðại học cao cấp, nhưng chưa hề qua trường tiểu học, trung học ngày nào. Các bản tiểu sử cho thấy họ chỉ là những giao liên, bộ đội chiến đấu từ lúc mười hai mười ba tuổi; rồi đùng một cái, được đưa ra Hà Nội theo học Ðại học cao cấp. Sau này, vì thấy không có bằng cấp thì nhẹ thể đối với dân miền Nam, Cộng sản mở các lớp bổ túc văn hoá gọi là lớp học tại chức cho cán bộ có chức quyền theo học. Chương trình Trung học 7 năm, họ chỉ cần học vài tháng. Vả lại, các anh giáo viên nào dám buộc học trò thứ dữ này học hành nghiêm chỉnh. Họ đi học trong các lớp học ở tiệm ăn, nhà tắm hơi…, và nhờ ở ‘đỉnh cao trí tuệ’, bọn cán bộ đều tốt nghiệp trung học, rồi đại học trong một thời gian mà bình thường, một học sinh giỏi chỉ học nổi được một môn thôi.
Cộng sản cho rằng, ngồi lại với nhau, thì phát sinh “trí tuệ tập thể”, bất cứ cái gì cũng biết, bất cứ nan đề gì cũng giải quyết xong. Ðó là thứ lý luận “Tam ngu thành hiền”, ba anh chăn trâu giỏi bằng một nhà bác học. Ðiều này có lẽ đúng trong xã hội nguyên thủy, khi trí tuệ con người chỉ quanh quẩn giải quyết những nhu cầu đơn sơ: dựng cái mái lều, chặt một cây cao, nhóm một ngọn lửa… Nhưng ở thời đại khoa học kỹ thuật này, một vạn thằng ngu ngồi với nhau đến sói đầu cũng chẳng làm sao bằng một chú học sinh tiểu học. Trong thời gian xây dựng lại con đường sắt xuyên Việt năm 1976, Việt cộng giao từng đoạn đường cho từng đơn vị quân, dân. Có một tiểu đoàn nọ phải làm lại một cây cầu sắt mà trong tay không một phương tiện kỹ thuật, trong đơn vị không ai hề biết gì. Cán bộ tiểu đoàn trình bày lên trên, liền bị rầy la, kiểm thảo ngay: “Thế trí tuệ tập thể của đoàn viên, đảng viên đâu, sao không vận dụng?” Không rõ loay hoay thế nào để họ làm xong cây cầu. Nhưng kết quả là con đường sắt sau khi hoàn thành, xe lửa cổ điển chỉ dám chạy với tốc độ 20, 30 cây số giờ. Cũng nhờ trí tuệ tập thể của đám người đỉnh cao đó, đất nước Việt Nam đang từ mức phát triển trước 1975 (dĩ nhiên trong Nam thôi), chỉ mười lăm năm năm thôi, đã tiến lên hàng nghèo đói và lạc hậu nhất trên thế giới.

21. Ðoàn ngũ hoá.
Trong chế độ Cộng sản, mọi người phải nhất nhất giống nhau; từ tư tưởng suy nghĩ cho đến sinh hoạt. Ðôi dép râu, chiếc nón cối cho cả thanh niên lẫn thiếu nữ, cho cụ già lẫn em bé (cứ ra Hà Nội thì thấy). Phát ngôn phải cùng luận điệu, mở đầu thường là “nhờ công ơn bác Hồ và Ðảng…” Trong một trăm bài báo cáo chính trị các đảng bộ, từ trung ương đến địa phương, đều cùng một bố cục, một nội dung, bao gồm những câu khẩu hiệu. Nào là: “Chủ nghĩa Mác Lenin bách chiến bách thắng…Tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội…. Hoà trong khí thế thi đua của cả nước…. “
Thời kháng chiến, nhiều đơn vị bộ đội có lệ ra ngắm trăng tập thể, nghĩa là tất cả mọi người cùng được lệnh ra xem trăng lên, đố ai dám vắng mặt. Ăn tập thể, ở tập thể, vui tập thể, và xin lỗi chắc cũng có màn làm tình tập thể cho trọn đạo Mác Lênin.
Bởi vậy, cho nên Cộng sản chú trọng đến việc đoàn ngũ hóa nhân dân, già trẻ lớn bé. Hội phụ lão cứu quốc, đoàn Thanh niên Cộng sản, hội Phụ nữ yêu nước, đội thiếu nhi Bác Hồ…. Tất cả đều là đoàn thể ngoại vi của đảng, là công cụ để trói chặt con người, theo dõi kiểm soát từng hành vi, tư tưởng của nhân dân. Khi có chiến tranh, những đoàn thể này lại được trưng dụng làm lao công chiến trường; khi hoà bình, đảng xài họ trên các công trường, nông trường làm một thứ nô lệ, đã không được trả công mà còn phải đem tiền bạc, lương thực tự nuôi mình.

22. Anh hùng xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta chỉ gọi là anh hùng, những người có những hành động dũng cảm hơn người, và hành động đó phải có một ý nghĩa xứng đáng làm gương cho dân chúng. Cộng sản ban phát danh nghĩa anh hùng một cách vô tội vạ, vì chúng không tốn kém gì mà lại kích động được bọn người ngu tối sẵn sàng vì hai chữ anh hùng mà làm theo điều chúng muốn. Một người gánh gánh phân đầy, nặng cả tạ, cũng được nêu lên là anh hùng. Hai chữ anh hùng không đổi ra cơm gạo được, nhưng nó làm cho bao con thiêu thân trở thành thân tàn ma dại trên các công, nông trường. Việt cộng khoe: “miền Bắc đi đâu cũng gặp anh hùng.” dân miền Nam liền mỉa mai: “đi đâu cũng gặp thằng khùng thằng điên!”

23. Tư tưởng Hồ Chí Minh
Các vị lãnh tụ lớn thường có những sáng kiến trong các lãnh vực chính trị, và khi được đem ra áp dụng thì người ta lấy tên đặt cho những sách lược đó. Ví dụ : Học thuyết Monroe của Tổng Thống Hoa kỳ James Monroe coi châu Mỹ của người Mỹ, học thuyết Truman (Tổng thống Harry Truman) về bao vây ngăn chận (Containment) khối Cộng sản. Phiá Cộng sản thì có tư tưởng Lenin, tư tưởng Mao là sự thêm thắt vào chủ nghĩa Cộng sản cho phù hợp với hoàn cảnh nước họ. Hồ Chí Minh thì chẳng có gì mới lạ, vì bản thân y chẳng có tài trí gì để có thể thêm bớt những tư tưởng lớn của nhân loại. Y chỉ là một con vẹt, lặp đi lặp lại những gì quan thầy mớm cho. Nhưng Cộng sản cũng bày đặt ra tư tưởng Hồ Chí Minh mà chúng ta mất công nghiên cứu cũng không tìm thấy điều gì khác. Có chăng đó chỉ là một mớ tạp nham ăn cắp từ các câu nói của các nhà triết học Ðông Tây, kim cổ rồi tự nhận là của mình (chúng tôi đã chứng minh qua các phần trên). Sau này, trong một tài liệu do một cựu đảng viên Cộng sản đã lập lại câu nói của Hồ, đại ý: các tư tưởng lớn đã do Lenin, Karl Marx viết ra cả rồi, Hồ chẳng có điều gì khác lạ.

24. Chính sách đổi mới
Thứ gì Nga sô có, Trung Cộng có, thì Việt cộng cũng phải có. Khi Gorbachev lên làm lãnh tụ cộng sản Nga, ông ý thức sự cần thiết phải thay đổi đường lối để cứu vãn nước Nga sau hơn 70 năm thực thi Cộng sản; ông đề ra chính sách cởi mở và đổi mới (Glasnov, Petrestroika), cải thiện sinh hoạt chính trị và chăm sóc đến đời sống dân Nga. Việc này đưa đến cách mạng nhung lật đổ chế độ Cộng sản, đưa nước Nga trở lại dân chủ tự do; và mở màn cho việc tan rã cả khối cộng sản Ðông Âu. Việt Cộng cũng đề ra chính sách đổi mới: nới tay ra cho tiểu thương được buôn bán trở lại, bỏ hẳn các hàng rào kiểm soát thu thuế của các địa phương, kêu gọi tư bản nước ngoài vào đầu tư. nhưng chúng chỉ áp dụng đổi mới một phần nào về lãnh vực kinh tế mà không đá động đến chính trị. Thay vì trước đây, nhà nước quản lý toàn bộ hoạt động kinh tế, thì nay chúng cho hoạt động song song nhiều thành phần (nhưng kinh tế quốc doanh vẫn là chủ đạo). Nhìn qua thấy bộ mặt kinh tế có đổi thay, tại các thành phố lớn có vẻ tấp nập, phồn thịnh; dân chúng ăn xài hàng ngoại nhập, xa hoa. Nhưng có ai biết được đến 90 phần trăm dân chúng nông thôn và ngay cả dân lao động thành thị đang sống trong điều kiện cùng cực của đói nghèo. Một nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa không bao giờ đi đôi được với nền chính trị độc đoán xã hội chủ nghĩa. Vì hai nghịch lý này nằm ở hai thái cực đối chọi nhau và chỉ muốn tiêu diệt nhau thôi.

25. Tư bản đỏ
Sau khi Nga sô dựng lên nước Cộng sản Nam Tư, một đồng chí của lãnh tụ cộng sản Nam Tư Tito, ông Milovan Djilas sớm thức tỉnh và viết ra cuốn Giai Cấp Mới (The New Class), mô tả bọn cán bộ Cộng sản khi có quyền đã tạo ra cho mình thành một giai cấp đầy đặc quyền đặc lợi, vui hưởng xa hoa phung phí trên đau khổ của đồng bào. Ðiều này xảy ra tại Việt Nam ngay sau khi Cộng sản chiếm chính quyền. Bọn chúng chia nhau nắm giữ các chức vụ then chốt về hành chánh, kinh tế, xã hội… Bóc lột, tham nhũng tài sản quốc gia và của dân chúng để làm giàu riêng, trong khi hàng năm khai lổ lã cho các xí nghiệp do chúng quản lý hàng trăm triệu đồng. Bọn này được chính thức cho phép mua hàng xa xỉ với giá rẻ mạt, cả những thứ chúng đã dư dùng. Những năm 1980, cán bộ cấp giám đốc được mua xe Honda Dream miễn thuế, chỉ trả tượng trưng vài ba chỉ vàng, trong khi cán bộ nhỏ hơn mua giá cao hơn chút đỉnh, dân chúng thì mua với giá ba, bốn lượng vàng. Giai cấp này có hệ thống săn sóc y tế riêng với đủ thứ thuốc ngoại nhập, có hộ lý riêng, có nhà nghỉ mát riêng tại các trung tâm du lịch…. Nhờ chính sách “Cởi mở” và “Ðổi mới”, bọn này làm giàu nhanh chóng, gửi ra ngân hàng ngoại quốc hàng trăm triệu dollars. Những tên tép riu như Dương Văn Ðầy, giám đốc du lịch Saigon, Ngô Thế Dũng, giám đốc du lịch Vũng Tàu đọc không nổi một cái tên ngoại kiều (tôi đã phải cố lắm để khỏi bật cười khi nghe tên Dũng đọc tên Thérese là Té rè xe), nhưng sống xa hoa hơn cả các nhà đại tư bản Hoa kỳ. Cộng sản có chủ trương tư bản hoá bọn cán bộ cao cấp để một khi tình thế đòi hỏi tự do bầu cử, bọn này sẽ có đủ tài chánh đứng ra ứng cử, tự nhận là thành phần tư bản nhưng lại tiếp tục con đường cộng sản một cách hợp pháp.
Hiện nay, tại Việt Nam có hàng trăm cán bộ cao cấp Cộng sản thủ đắc những tài sản khổng lồ lên tới hàng tỷ đô la Mỹ.

26. Có phải Cộng sản học thói tham nhũng từ chế độ Tư bản?
Có người hỏi tôi rằng: “Ngày trước ở miền Bắc, Cộng sản rất liêm chính, vào Nam mới học thói tham nhũng của chính quyền ta?”. Câu hỏi hay đấy. Nhưng thử hỏi như thế này: “Giữa đám ăn mày với nhau thì lấy gì mà tham nhũng?” Xã hội miền Nam ta giàu quá, nên các ông to tham những thường ăn của đút bạc trăm ngàn, bạc triệu. Ở miền Bắc, ăn không có được bữa cơm; mặc không có chiếc áo lành, thì thử hỏi tên cán bộ muốn vòi điều gì? Chúng cũng tham lam, thèm muốn lắm. Nhưng trong cảnh nghèo đói của đồng bào Bắc Việt, một điếu thuốc lá Thăng long đen sì, một miếng thịt chó nướng kèm ly rượu quốc doanh là những của đút lót thông thường. Khi chúng tôi còn ở trong tù (gọi là trại Cải tạo), nhiều người đã cho tên cán bộ điếu thuốc rê, vài gram bột ngọt, là có thể được an nhàn. Về sau, nhờ tình hình kinh tế gia đình có phần khá hơn, thì của đút là cây lạp xưởng, thuốc đầu lọc… Tham nhũng trong xã hội miền Nam là do những kẻ làm sai pháp luật, trốn tránh nghĩa vụ bày ra để thoát thân. Tham nhũng trong chế độ Cộng sản là do cán bộ có uy quyền tuyệt đối, sanh sát với nhân dân nên sinh ra lạm dụng. Trước khi chiếm miền Nam, chúng chỉ biết chiếc đồng hồ, cái radio bỏ túi, chiếc xe đạp là những “mơ ước của một đời ngườI” (Lời một cán bộ trung cấp). Khi mới vào Nam, nhiều đứa chưa hề biết đến vàng, chưa hề thấy viên ngọc, kim cương đen đỏ ra sao (có tên thú nhận rằng đã nhặt một valise kim cương ở phi trường Ðà Nẳng mà vứt đi không thèm lấy, chỉ ham cái xe honda thôi). Chỉ vài năm thôi, trên báo Nhân Dân, Thanh Niên, Công An, ngày nào cũng có hàng chục chuyện về cán bộ tham nhũng; và sau này thì nó đã trở thành phổ biến ở hết cả các cấp. Tham nhũng trắng trợn chứ không lén lút kín đáo như hồi xưa ở miền Nam. Nay thì bọn Cộng sản đã biết ăn hối hàng trăm ngàn đô la rồi, vượt lên làm thầy những ông tướng tá tham nhũng của miền Nam trước kia.

27. Nói thế tất cả những người Cộng sản đều xấu cả sao?
Bàn tay có ngón ngắn ngón dài,người có người tốt kẻ xấu. Trong chế độ ta, tương đối tốt nhưng cũng có nhiều viên chức xấu. Chế độ Cộng sản thì xấu cùng cực, nhưng ta cần phân biệt như sau.
Có người yêu chuộng điều tốt, yêu nước thương dân thật lòng, bị lý thuyết Cộng sản mê hoặc mà đi theo; đến khi thấy được thì đã muộn. Ðó là những vị tham gia cuộc kháng chiến, tưởng Cộng sản sẽ đem lại hạnh phúc ấm no cho dân; sau này vỡ mộng chỉ biết âm thầm chịu đựng mà thôi. Có người sinh ra lớn lên trong xã hội Cộng sản, bị giáo dục của nó làm hư hỏng hay có người vẫn còn giữ được nhân tính, nhân cách. Ðạo đức không có giá trị tuyệt đối, nơi này coi điều này là tốt, thì nơi kia coi là xấu. Một bộ lạc ở Phi châu cho rằng ăn thịt cha mẹ là có hiếu thay vì đem chôn xuống đất cho sâu bọ ăn. Cộng sản coi điều dối trá, điều ác là đúng thì người dân trong xã hội Cộng sản làm điều ác, điều dối trá mà không thấy tội lỗi. Vì vậy họ đáng thương hơn đáng trách. Chỉ có bọn lãnh đạo, chúng biết hơn ai hết, nhưng chúng vẫn làm điều ác vì quyền lợi riêng chúng. Ðó là bọn có hình dạng người nhưng tâm địa loài dã thú. Chúng không những có tội với dân mà còn có tội ngay cả với bản thân chúng vì đã tự tiêu diệt mầm nhân tính trong thể xác người mà cha mẹ, thượng đế đã tạo ra cho.

28. Muốn chống Cộng sản, phải dùng học thuyết gì là hay nhất?
Chống Cộng sản trước hết là chống sự độc tài, vì thế, ta không thể áp đặt một chủ nghĩa độc tôn nào được. Tự do, Dân chủ ví như một vườn hoa, trong đó có đủ sắc hoa thơm cỏ biếc, nhưng cũng phải có loài cỏ dại. Ðảng Cộng sản vẫn hiện hữu ở Hoa Kỳ, các nước Âu châu, có sao đâu! Khi dân trí cao, mức sống cao, thì cộng sản không phát triển được. Ví như thân thể tráng kiện thì có thứ vi trùng nào xâm nhập hoành hành được. Vì Cộng sản vô thần, chúng ta chọn hữu thần, tin tưởng vào một đấng thiêng liêng, tin theo những giá trị luân lý để hạn chế điều xấu trong con người. Vì cộng sản vô gia đình, nên ta chọn gia đình làm nền tảng, làm hạt nhân của xã hội. Vì Cộng sản vô tổ quốc, nên ta chọn Tổ quốc, Dân tộc làm cứu cánh thiêng liêng nhất để phụng sự. Tự do kinh tế để đẩy mạnh nhịp phát triển. Tự do dân chủ Tây phương nhưng phối hợp nhịp nhàng với các giá trị đạo đức cổ truyền để xã hội được lành mạnh, bền vững. Và quan trọng hơn hết là biết quý trọng con người vì con người là chủ thể cao quý nhất của xã hội.