Chương 3 Trại Tù Hàm Tân

Đỗ Văn Phúc

Phần 1: Bò Vàng vs. Bò Xanhkaki1

Chỉ cách quốc lộ 1 về hướng đông chừng vài cây số trong địa bàn quận Hàm Tân là một loạt những trại tù mang bí số Z30. Nơi đây trước là căn cứ 6 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, được nhà cầm quyền Cộng Sản biến cải, xây dựng thêm thành những trại tù kiên cố.
Chúng tôi được chuyển vào trại Z30C là trại gần quốc lộ nhất.
Đây là trại giam do Công an quản lý. Lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy những bộ đồng phục màu vàng đất và những khuôn mặt rất khó ưa của những người được coi là con cưng trung thành của chế độ. Đa số họ là dân vùng Thanh Nghệ Tĩnh, với giọng nói cộc lốc, trọ trẹ khó nghe. Những người tù đã gọi công an là bò vàng để phân biệt với bò xanh là các anh bộ đội.
Z30C có chừng mười hai dãy nhà vách gỗ, mái tôn nằm hai bên một khoảng sân rộng. Sát cổng ra vào bên trái là nhà 1, dành cho ban Trật tự thi đua và các thành phần được trại ưu đãi. Tiếp đó các dãy nhà đánh theo số thứ tự 2, 3, 4… Bên phải từ cổng đi vào là một hội trường rộng, kế đó là nhà bếp, và các dãy nhà giam khác kéo dài cho đến cuối trại là bệnh xá.
Những người từ Suối Máu đến được gom vào đội 45 và được đưa vào nhà 2. Trại cử hai người tù cũ ở Hàm Tân là anh Trần Hoà làm đội trưởng và anh Tài làm đội phó. Cả hai đều là thiếu úy Cảnh sát Quốc gia. Nhà 2 là căn nhà duy nhất trại có hàng rào tre bao quanh để cách ly với các nhà khác. Trong nhà hai có thêm các đội 41, đội 27, đội 9 là các đội bị chiếu cố theo dõi nhất trại.
Đội 41 có nhiều người rất nổi tiếng thời Cộng Hoà. Đầu tiên phải kể đến cụ Lê Kiên, bí danh Bùi Lượng, là Tổng thư ký Công đoàn Tự Do; cụ Ngô Khắc Tĩnh, Bộ trưởng Thông Tin Giáo dục, Ông Leng Sung, một Tổng trưởng trong chính phủ Lon Nol bên Kampuchea; nhà đại doanh nghiệp tỷ phú Trương Dĩ Nhiên, Vua kẽm gai Hoàng Kim Quy, Đại Đức Nguyễn Ngọc Đạt, dân biểu Trần Quý Phong …
Đội 27 gồm những quân nhân thuộc các binh chủng tác chiến nổi tiếng. Đội 9 gồm các thành viên các Mặt trận Fulro, Phục Quốc, và các tổ chức kháng chiến sau 1975. Họ là những người còn trẻ, nhiều người chưa hề tham gia quân đội.

Mỗi lúc đi lao động, các đội nhà 2 xuất trại sau cùng và nhập trại đầu tiên. Chúng tôi chỉ làm việc luẩn quẩn xung quanh khu nhà chỉ huy trại, chứ không được đi xa như các đội khác. Công việc thường là đào các ao cá, đào hào quanh hàng rào trại. Vì là đội được lưu ý, cán bộ ra lệnh đội trưởng cứ mười lăm phút phải điểm danh đội một lần.
Hàng rào trại Z30C gợi nhớ đến các khu ấp chiến lược thời đệ nhị Cộng hoà. Đó là hai lớp rào bằng các cây tre vót nhọn, cách nhau chừng hai mét để công an đi tuần thường xuyên. Mỗi góc có một tháp canh bằng gỗ, có bố trí súng đại liên. Bên ngoài hàng rào, chúng tôi phải đào một dãy hào sâu hai mét, có bờ đất cao bọc chu vi ngoài cùng.
Ngay bên ngoài cổng trại giam là khu nhà ăn của cán bộ. Họ đã xây nhà ăn rất đồ sộ, trang trí rườm rà, hoa hoè hoa sói với gạch bông đủ các kiểu, đủ các màu sắc trông như cửa hiệu trang trí đang chưng bày hàng hoá. Tuy nhiên, bên trong thì chỉ có những chiếc bàn gỗ thô sơ, không có ghế ngồi cho người đến ăn. Mỗi khi đến giờ ăn, các anh công an từ các nơi đổ về, trên tay cầm một cái chén đá và đôi đũa. Anh nào sang, có tiền thì mua chai xì dầu hay nước mắm cầm theo. Vì thức ăn dọn trên bàn cũng chỉ có các thau bo bo và các tô nước muối có pha chút nước màu, giả làm nước mắm. Có tận mắt nhìn thấy, mới đánh giá đúng mức cái chế độ này chỉ cốt loè bịp bên ngoài, mà thực chất thì chẳng ra gì. Đời sống cán bộ cũng thê thảm, chỉ hơn người tù ở chỗ họ được rộng chân hơn. Vì thế, đã có anh cán bộ viết lên vách những lời ta thán:
– Tù trong là ngụy, tù ngoài là ta
Hoặc:
– Trong kháng chiến, hy sinh gian khổ. Hoà bình lại gian khổ hy sinh. Biết bao giờ thì hết hy sinh hỡi đảng?
Bên dưới có sẵn câu trả lời:
– Bao giờ vào nằm giường 6 tấm!

Giữa hai trại Z30C và Z30D là một con suối lớn. Mùa mưa, nó trở thành con sông với nước trên nguồn ào ào đổ về. Bao nhiêu rác rến, cây mục, đất đỏ từ trên rừng theo dòng nước cuồn cuộn trôi về ra biển đông. Khi đó, khoảng cách hai bờ có thể lên đến năm, bảy chục mét. Tù nhân đã làm chiếc cầu treo bắc qua suối và được trại khen như một kỳ công vĩ đại.
Mùa hè, suối khô. Nước chỉ còn đọng từng vũng nhỏ. Nước tưới tiêu từ các khu vườn rau trên bờ chảy xuống các vũng đó, mang theo đủ thứ chất dơ bẩn như phân người, nước tiểu mà tù nhân dùng để bón rau.
Mỗi chiều, sau khi lao động, hàng ngàn tù nhân được ra suối để “tắm”. Anh nào lẹ chân thì chiếm được vũng nước lớn, nhẹ nhàng múc từng lon nước màu vàng vàng phía trên mặt để lau thân mình. Một chút động nhẹ là các thứ bùn bên dưới bị quậy lên, nước sẽ đặc quánh và chuyển qua một màu nâu sẫm.
Nhà bếp trại dùng nước suối này để nấu ăn và cung cấp nước uống cho trại viên. Họ khoét một hố thật sâu và rộng để bơm nước vào các hồ chứa trong bếp. Mỗi chiều đi lao động về, mỗi người được lãnh đúng một lon gô nước sôi. Để yên chừng năm phút, chất cặn sẽ lắng xuống, đóng thành một lớp dày khoảng 5 phân dưới đáy lon.
Lon nước này, chúng tôi phải sử dụng dè xẻn cho ba việc: uống, rửa mặt và đánh răng.

Thú vui độc nhất trong trại là nấu nướng. Những lần sau khi được gia đình thăm nuôi, anh em gầy lò ngay sau nhà giam. Người ra vô tấp nập rộn ràng. Một lần, anh Công đổ mỡ vào soong, phi chút hành. Mùi hành phi bay ngào ngạt, bốc lên tận vọng gác. Anh công an đang gác hỏi vọng xuống:
– Này anh kia, nàm gì mà thơm thế?
– Báo các cán bộ, tôi phi hành tỏi cho thơm.
– Gớm các anh trại viên mà ăn uống sang như ở sứ quán!
Thì ra, ở miền Bắc, thức ăn chẳng có gì. Năm thì mười họa có chút thịt heo, bò thì họ chỉ biết luộc chín hay kho với muối mà thôi. Chỉ có các cấp trung ương hay ở các toà đại sứ mới có các món biến chế thơm ngon. Thảo nào, trong thực đơn của một đám cưới cán bộ, chúng tôi đã đọc thấy một dãy thức ăn: Thịt nợn nuộc, thịt gà nuộc, thịt bò nuộc…
Anh Đại đã kể chuyện sau ngày 30 tháng tư năm 75, tại quận Phú Thọ, người ta đã mổ một con bò để làm tiệc mừng. Chị đầu bếp, người Nam, hỏi ông thủ trưởng mới từ Bắc vào:
– Báo cáo thủ trưởng cho biết làm những món gì?
– Thì cứ nuộc lên mà ăn chứ nàm gì nà nàm thao?