Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngoại Phỏng vấn Nhà Văn Đỗ Văn Phúc

LC: Tác giả Đỗ Văn Phúc đã có bài đăng trên Mạch Sống số 66 và 67. BiaSắp tới đây, ông sẽ xuất bản cuốn hồi ký trong tù có tựa đề ” Cuối Tầng Địa Ngục” Quyển sách này sẽ có lời giới thiệu của Ts Nguyễn Đình Thắng ( Chủ Nhiệm nguyệt san Mạch Sống), nhiều nhận xét khích lệ của các văn hữu, bạn tù, và độc giả khác, cũng như của Hoàng Lan Chi phóng viên Sóng Thần (VA) và Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngoại. Trước khi mời ông ĐVP, chúng tôi xin tóm tắt về tiểu sử của ông.
Đỗ Văn Phúc sinh năm 1946 tại Quảng Trị, tốt nghiệp khoá 1 Đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt. Ông phục vụ tại Sư đoàn 5 Bộ binh và Sư Đoàn 2 Không quân. Giải ngũ năm 1974 vì bệnh Thyroid. Sau 1975, ông đã bị giam cầm 10 năm qua các trại tù Long Khánh, Suối Máu, Hàm Tân và Xuân Phước. Ông đến Hoa Kỳ năm 1990 trong chương trình HO-1, từ đó đến nay, ông tích cực hoạt động chính trị bằng các bài chính luận sắc bén và các buổi diễn thuyết cho nhiều đối tượng, đặc biệt là với thanh niên và sinh viên. Ông hiện là Chủ tịch Hội Chiến sĩ VNCH tại Austin, Ủy viên Điều hành tại Hải Ngoại của Hội Tù Nhân Chính trị Tôn Giáo VN, hội viên sáng lập Hội Các Nhà Văn VN Lưu Vong. Ông hiện cộng tác với hàng chục tờ báo tại Hoa Kỳ, Canada, và Úc Đại Lợi.

Bây giờ xin quý vị theo dõi buổi phỏng vấn của Hoàng Lan Chi với tác giả Đỗ Văn Phúc. Xin chào ông ĐVP

ĐP: Xin kính chào quý thính giả Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngọai, chào chị Hoàng Lan Chi

LC: Thưa ông, Ông sắp ra mắt “Cuối Tầng Địa Ngục” coi như môt tập hồi ký về những năm tháng tù đày. Xin ông cho biết sách được thai nghén từ bao giờ, dày bao trang, và có những gì đặc biệt vì như ông biết, loại sách này được viết khá nhiều?

ĐP: Khi mới đến Hoa Kỳ, tôi đã bắt đầu viết vài bài về trại tù Xuân Phước A-20. Mục đích là để luôn luôn nhắc nhở những gì mà bọn Cộng Sản phi nhân đã làm đối với anh em quân nhân VNCH. Sách gồm 5 chương. Bốn chương đầu về bốn trại tù : Long Khánh, Suối Máu, Hàm Tân, và Xuân Phước. Độ dài ngắn mỗi chương là do thời gian ở tù của tôi tại mỗi trại. Cuốn sách phải là một chứng tích trung thực và tương đối đầy đủ về một giai đoạn đau thương của những quân cán chính VNCH. Về tình cảnh anh em trong tù, tôi cố gắng nêu lên những khắc khoải, lo âu, nhưng vẫn luôn giữ được tinh thần, ý chí. Tôi muốn cuốn sách là một bản hùng ca nói lên tinh thần bất khuất của anh em chúng ta dù sống trong vô vọng, đói khát, bị đe doạ, khủng bố từng giờ, vừa là bản bi ca về những tấm gương sáng chói của những anh em tuẫn tiết trong tù và tình cảm gia đình dạt dào trong tâm tư người tù cũng như người thân bên ngoài xã hội. Dù tôi không có khả năng để viết một tác phẩm xuất sắc, thì ít nhất, tôi cũng để lại cho thế hệ sau biết rằng cha anh của các em đã sống và chiến đấu anh hùng như thế nào để chống chỏi lại hoàn cảnh khắc nghiệt và kẻ thủ gian ác trong các trại tập trung mà mức độ tàn bạo không thua kém các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Ngoài ra, qua cuốn sách, tôi muốn gửi một thông điệp cho những chế độ phi nhân biết rằng, không bạo lực nào có thể dập tắt được ý chí quyết sống của con người.
Tôi muốn cuốn sách ra mắt sớm, vì có hàng ngàn anh em các trại đó hiện còn sống và đang cư trú tại Hoa Kỳ, sẽ đánh giá cho tính trung thực của cuốn hồi ký. Như ký giả Vũ Ánh, hiện là Chủ bút Nhật báo Người Việt ở Cali, nhà văn Nguyễn Chí Thiệp hiện ở Houston, nhà văn Trần Yên Hòa ở California, nhà văn Duy Lam, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm.…
Khi các phân đoạn được đăng trên trang KBC Hải Ngoại, Cánh Thép, Vietland, Việt Báo, Viễn Đông, Ánh Dương, Đối Thoại vân vân. Chỉ trong vòng chưa tới một tháng, đã có hàng ngàn người đọc. Các bài đăng trên Saigongate đều có số lượng độc giả cao gần cả ngàn người mỗi bài. Trên trang Thư Viện Việt Nam, chỉ trong một tuần, đã có hơn 2500 lượt độc giả. Có rất nhiều độc gỉa đã gửi thư khích lệ, tán thưởng.
Sách dày 260 trang, bìa do họa sĩ Hoàng Việt (nhóm Vietland) vẽ.

ĐP: Chiến tranh Việt Nam dai dẳng và khốc liệt nhất từ sau Thế Chiến thứ 2. Chế độ lao tù của Cộng Sản Việt Nam cũng dã man nhất trong các chế độ lao tù trên thế giới. Thế nhưng đã có một Papillon của Henri Charrière, Quần Đảo Ngục Tù của Aleksandr I. Solzhenitsyn, mà chưa có cuốn sách nào có tầm cỡ của Việt Nam để diễn tả đầy đủ nỗi cơ cực đọa đày trong lao tù Cộng Sản. Sau khi vài bài viết về trại tù A-20 được đăng trên báo và trên web, nhiều vị đã gửi email và điện thoại khuyến khích tôi viết trọn bộ hồi ký kể từ ngày đầu cho đến ngày ra trại. Ngoài ra, tôi đang nỗ lực viết bằng Anh Ngữ cuốn hồi ký này cho độc giả ngoại quốc và các em Việt Nam không đọc được tiếng Việt.

LC: Người ta gọi trại Xuân Phước là trại trừng giới, xin ông giải thích?

ĐP: Theo tâm lý thông thường, ai ở trại nào, cũng đều cho trại tù của mình là kinh hoàng nhất. Mỗi trại tù có một đường lối, chế độ khác nhau. Nhưng phải nói trại A-20 Xuân Phước, hay A-30 cùng ở Phú Yên là hai trại trừng giới của miền Nam. Đó là nơi giam giữ thành phần tù quân chính mà Cộng Sản cho là bất trị hoặc đám hình sự bị án chung thân, tử hình. Trại tù này đã được nhà văn Nguyễn Chí Thiệp viết đến trong cuốn “Trại Kiên Giam”, nhà văn Phạm Trần Anh viết trong cuốn Đoạn Trường Bất Khuất. Về mặt dã man tàn bạo, thì trại A-20 có lẽ thua xa các trại Kà Tum, Vườn Đào, Đầm Đùn và nhiều trại cực Nam… Những nơi đó, họ giết người như nghoé. Bọn Việt Cộng Miền Nam man rợ và hiếu sát, đầy thú tính. coi mạng người như cỏ rác. Nhưng ngược lại, Trại A-20 thì sự khủng bố tinh vi hơn. Đó là đúc kết kinh nghiệm coi tù của mấy chục năm Cộng Sảntại miền Bắc, cọng với bản chất man trá, đểu cáng của bọn Công an Cộng Sảngốc Thanh Nghệ Tĩnh.
Chúng nó không giết mình ngay, mà cho chết dần mòn vừa về thể xác vừa về ý chí. Thế mới độc

LC: Vâng, hy vọng với những sư kiện xác thực, nhân chứng rõ ràng và cách hành văn mạch lạc, lôi cuốn sẽ khiến CTĐN sẽ được đón nhận nồng nhiệt. Xin cho biết, muốn mua sách thì liên lạc thế nào, và giá sách bao nhiêu?

ĐP: Sách sẽ được bán tại các nhà sách ở các thành phố lớn, giá bán 15 dollars (cộng 3 dollars cước phí bưu điện, nếu ở xa). Hoặc liên lạc email về [email protected]

LC: Bây giờ, xin phép đi sâu vào cá nhân một chút, ông sinh truởng ở Quảng Trị, vùng đất địa linh nhân kiệt này đã ảnh hưởng thế nào đến ông?
ĐP: Không rõ chị Hoàng Lan Chi muốn nói đến ảnh hưởng về cá tính hay về sự nghiệp. Quý vị cũng biết rằng các vùng đất Quảng ở hai phía Bắc và Nam của xứ Huế thơ mộng là những vùng đất nghèo khổ, dân tình lam lũ. Vì thế, từ bao đời, người dân bốn Quảng phải cật lực đấu tranh bền bỉ trong cuộc sống. Hậu quả là người Quảng rất kiên cường, dứt khoát. Về mặt xã hội, họ là những người hiếu học và bền chí. Về mặt chính trị, họ rất trung kiên và cương quyết. Dù theo bên Quốc Gia hay Cộng Sản, họ rất trung thành và bất khuất. Trong thời chiến tranh Quốc Cộng, các đảng phái Quốc Gia như Quốc Dân Đảng, Đại Việt đã rất vững mạnh ở các tỉnh này. Và ngay cả đảng Cộng Sản cũng thế. Vì thế, đó là vùng đảng tranh mãnh liệt và đổ nhiều máu nhất trong nước.

LC: Ông chọn ngành chính trị từ Đại Học CTCT Đà Lạt rồi Vạn Hạnh. Vây trong gia phả của ông, có ai hoạt động cách mạng và giòng máu ấy truyền đến ông?

ĐP: Gia đình bên ngoại tôi có vài vị theo kháng chiến chống Pháp và kẹt lại theo Việt Minh. Sau 1975 đã trở về trong tâm tư chán nản, thất vọng và bất mãn cùng cực. Gia đình bên nội của tôi ngược lại, phục vụ vương quyền nhà Nguyễn và hai chế độ Cộng Hoà; không có ai theo Cộng Sản. Cha tôi từng bị Phát Xít Nhật đưa ra chém đầu. May nhờ chú là Cảnh Sát Trưởng Thành Phố Huế cứu kịp. Sau đó, Người lại bị Việt Minh bắt cóc đưa ra giam giữ và thủ tiêu ở trại Lý Bá Sơ ngoài Thanh Hoá. Vì thế, tôi đã bắt đầu có những suy nghĩ rất nặng về chính trị từ lúc bé.

LC: Trước 75, Ông có thường viết bài xã luận chính trị không và cho các báo nào?

ĐP: Từ những năm 1970, tôi đã có bài đăng rải rác trên các báo Chính Luận, Tiền Tuyến, Thời Nay. Khi về Không Quân, tôi đã làm chủ bút tờ Nội San Gió Cát của Căn Cứ 20 Chiến Thuật Không Quân. Báo ra hàng tháng.
Tôi nhớ một kỷ niệm: Chuyện ông Dân Biểu Ngô Văn Luông (nguyên Trung Úy QLVNCH), cậy thế mình là cháu của Tổng Thống Thiệu, bị Quân Cảnh làm khó dễ ở cổng phi trường, đã viết văn thư đến Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ 20 CT để khiển trách. Chỉ Huy Trưởng lúc đó là Đại Tá Nguyễn Đình Giao, vừa bực mình vì bị một anh Dân Biểu Trung Uý cậy thế cậy thần hống hách, vừa e ngại cái thế lực quá lớn của anh ta, đã không vừa ý các thư trả lời do Chánh Văn Phòng đệ nạp. Ông gọi tôi lên nhờ viết thư trả lời. Sau khi đọc thư của tôi, ông nói: “Chú viết rất khéo, vừa đủ để mắng cái tên phách lối, mà vừa không làm cho nó có điều kiện để ton hót lên Tổng thống làm hại mình.”
Khi còn học năm thứ Ba tại Đại Học Vạn Hạnh, giáo sư môn Bang Giao Quốc Tế là Đại Đức Thích Giác Đức đã chỉ định các sinh viên trưởng nhóm luân phiên thuyết trình các chương trong cuốn sách của Giáo sư Hans Morgenthau. Sau khi nghe phần thuyết trình của tôi, Giáo sư Giác Đức đã giao hẳn cho tôi việc thuyết trình những chương còn lại của năm thứ Ba, và liên tục trong năm thứ Tư. Còn Thầy thì ngồi cuối phòng để nghe và cho ý kiến bổ sung. Nhân đây, tôi xin muợn qua làn sóng Đài Phát Thanh Việt Nam, gửi lời kính thăm sức khoẻ Giáo Sư Đại Đức Thích Giác Đức, Giáo Sư Nguyễn Văn Canh, Giáo Sư Phạm Như Hồ, Giáo Sư Phạm Thị Tự, Giáo sư Nguyễn Thị Huệ và Giáo Sư Tạ Văn Tài là những vị thầy khả kính đã nâng đỡ tôi trong những năm học ở Đại học Vạn Hạnh. Tôi cũng đã học được ở Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy phong cách nói chuyện đơn giản mà rất gây ấn tượng trong lòng người nghe.

LC: Đuợc biết ông phục vụ ở Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Bình Dương và Sư Đoàn 2 Không Quân, Phan Rang khiến tôi tò mò muốn hỏi vậy “chuyên lính” của ông là gì, thưa ông? Trên bốn vùng chiến thuật với gót giầy đinh hay cánh dù giữa rừng thẳm?

ĐP: Trước khi nhập ngũ, tôi cũng đã làm thông dịch viên cho Cơ quan Chống Khủng Bố của Hoa Kỳ trong gần hai năm. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại Học CTCT, tôi được bổ nhiệm làm Đại Đội Phó tại một Tiểu đoàn tác chiến của Sư Đoàn 5 Bộ Binh một thời gian. Nhưng thấy đường binh nghiệp có vẻ bế tắc, cuối năm 1969, tôi quyết định xuất nghành để trở thành Đại Đội Trưởng. Có rất nhiều anh em cùng khoá tôi đã trở thành các Tiểu đoàn trưởng xuất sắc như Đại Úy Nguyễn Văn Mục (SĐ5BB), cố Thiếu tá Nguyễn Đình Cang (SĐ22BB), Đại Úy Đỗ Minh Hưng (Trinh Sát 5 Biệt Động Quân), Cựu Trung úy Dương Quang Bồi thuộc Sư đoàn 5 BB, được chọn là Sĩ quan xuất sắc nhất Quân đoàn 3 năm 1971.
Cuối năm 1972, qua chương trình phát triển Hải và Không Quân, tôi được chuyển về Sư Đoàn 2 KQ, và làm Trưởng Phòng Chính Huấn Căn Cứ 20 Chiến Thuật tại Phan Rang.

LC: Cuộc đời binh nghiệp ngắn ngủi, chỉ 8 năm nhưng ông được thưởng khá nhiều huy chương, nào là 6 Anh Dũng Bội Tinh, trong đó có một với nhành Dương liễu, các bội tinh cho Quân, Dân vụ, Chiến thương và cả Tưởng Lục cấp sư đoàn khiến tôi vô cùng tò mò, hẳn ông đã phục vụ rất đắc lực trong các ngành mà ông lưu dấu giầy?

ĐP: Tôi là một người lính hiện dịch và rất yêu binh nghiệp. Dù ở hoàn cảnh nào cũng cố gắng làm hết sức mình, phục vụ cho đất nước và cái lý tưởng mình theo đuổi. Ra trận tiền, chính khói thuốc súng, tiếng bom đạn làm mình náo nức, can đảm thêm. Vả lại, với tư cách đơn vị trưởng, nắm trong tay sinh mệnh hơn trăm người, mình phải biết làm gương dù rằng trong cái ranh giới tích tắc của sự sống và cái chết, ai mà không cảm thấy sợ hãi. Tôi xin bày tỏ lòng mến phục sâu sắc, sự biết ơn và cầu nguyện đến những người lính đã góp máu xương để chiến đấu cho quê hương, làm nên những chiến công cho đơn vị. Mỗi lần đọc các cuốn đặc san của các hội đoàn Cựu Quân Nhân, nhìn hình ảnh những quân nhân ưu tú, khôi ngô mà đã hy sinh hay còn sống sót, lòng tôi rất bồi hồi. Năm tháng dù trôi qua, nhưng trong tôi, những người lính Việt Nam Cộng Hoà vẫn là hình ảnh sáng ngời nhất.

LC: 10 năm tù đày, điều gì còn đọng lại trong ông vào ngày hôm nay, sau 32 năm Sài Gòn mất tên? Thù hận vẫn rực lửa, bao dung hay ..?

ĐP: Những năm mới đặt chân đến Hoa Kỳ, lòng tôi chan chứa tràn ngập hận thù. Họ đã cướp của tôi 15 năm đẹp nhất của tuổi thanh xuân; những hạnh phúc quý báu bên người vợ trẻ và đàn con thơ. Họ đã phá hủy tuổi thơ và tương lai các con tôi. Khi chủ trương tờ báo Trách Nhiệm của Hội Cựu Quân Nhân Austin, tôi đã mở một mục lấy tên: Hãy Nhớ Lấy Để Căm Thù. Với bài viết đầu tiên nhan đề: Trại Cải Tạo A-20 Xuân Phước, tôi đã trút vào đo tất cả những sự oán thù, khinh bỉ đối với chế dộ, con người Cộng Sản. Sau đó, đăng đẳng nhiều năm tôi không ngừng dùng ngòi bút để lên án Cộng Sản. Gần hết một cuộc đời, tôi vẫn giữ ý chí lập trường chống Cộng. Nhưng cái chế độ Cộng Sản tại Việt Nam ngày nay chỉ còn là cái bình phong cho một tập đoàn Mafia phản quốc trong khi nhu cầu cấp bách của đồng bào là Nhân Quyền, Tự Do, Dân Chủ. Vì thế, tôi phải đặt mục tiêu hàng đầu là tranh đấu cho các khái niệm trên.
Dĩ nhiên, tôi có học được sự độ lượng, bao dung qua nhiều năm hoạt động tại Hoa Kỳ. Đó là từ sự cảm thông hoàn cảnh con người sinh ra, sống và bị ảnh hưởng bởi môi trường chính trị, xã hội, kinh tế. Xét cho cùng, những cấp nhỏ cũng chỉ là những nạn nhân của chế độ. Chúng ta quyết liệt lên án bọn đầu sỏ, bọn ngoan cố bám lấy quyền lực, giáo điều để thủ lợi, đàn áp đồng bào, đưa đất nước đến sự suy vong. Nhưng chúng ta cũng cần vận động lôi kéo các cấp thừa hành để tăng sức mạnh đấu tranh của chúng ta. Tôi rất có cảm tình với những người trong nước thuộc giới trẻ hay những vị từng ở phe bên kia mà nay thức tỉnh. Họ từ trong lòng chế độ, sẽ có phương thức đấu tranh hiệu quả hơn, và tiếng nói của họ đối với người dân sẽ có sức thuyết phục hơn chúng ta.

LC: Năm 1996, ông nói chuyện với thanh niên nhân ngày quốc hận cho Đài Truyền Hình ACTV, đền 2002 thì Đài Truyền Hình Fox 7 lại mời ông nói chuyện với sinh viên UT. Thời gian 6 năm có gì khác biệt trong cách nói chuyện với giới trẻ? Và rút tỉa, ông sẽ cho một lời khuyên thế nào với thế hệ 60 về cách gần gũi với thế hệ 20?

ĐP: Tôi xin đưa ra ý kiến, chứ không dám khuyên ai. Sự nghiệp đấu tranh cho Việt Nam Dân Chủ Tự Do phải chuyển qua các bàn tay của thế hệ 40, 20. Đó là luật đời. Thế hệ trên 60 càng ngày càng ít dần và đa số đã tỏ ra mệt mỏi. Mà thế hệ tiếp nối thì càng lớn mạnh và có suy nghĩ khác với chúng ta. Một phần thế hệ trẻ là những người hấp thụ văn minh dân chủ Hoa Kỳ, một phần lớn là những người mới đến Hoa Kỳ sau này. Họ đã sinh ra và lớn lên trong sự tuyên truyền của Cộng Sản Việt Nam. Vì thế, chúng ta không thể xơ cứng, đi mãi trên một con đường mòn mà đã tỏ ra kém hiệu quả trong hơn 30 năm qua. Thế giới thay đổi hàng ngày. Ngay cả chế độ Cộng Sản cũng thay đổi để sống sót. Một khi đối tượng của chúng ta đã có thay đổi, tài nguyên nhân sự của chúng ta cũng khác với chúng ta, thì bắt buộc, chúng ta cũng cần thay đổi cách làm việc. Sự thay đổi về phía chúng ta mà tôi muốn trình bày ở đây là một chiến lược đấu tranh phù hợp nền văn minh dân chủ mà các thế hệ nối tiếp đã thu nhận qua giáo dục tại Hoa Kỳ và các nước tự do. Chúng ta không thể cố nhét cái lòng căm thù CộNG SảN của chúng ta vào tâm thức các em. Đối với các em, phải nặng vể hoạt động xã hội hơn chính trị; phải thuyết phục bằng lý luận, chứng minh cụ thể. Chúng ta nên truyền đạt kinh nghiệm về Cộng Sản để các em suy nghĩ; mà không nên cưỡng ép, áp đặt một cách độc đoán. Dĩ nhiên, ai cũng biết Cộng sản thì tinh ma, giỏi lừa bịp. Nhưng chúng ta phải có một niềm tin vào thế hệ trẻ mà nên đóng vai trò hướng dẫn trong tinh thần tương trọng cùng học hỏi nhau thì hơn.
Một điều cần cảnh giác là hiện nay Cộng Sản đổ công sức, tiền bạc cho những tên Việt Gian len lỏi vào các hoạt động Cộng Đồng nhằm thu hút giới trẻ hải ngoại. Họ đưa ra những mục tiêu nhẹ nhàng hấp dẫn như Văn Hoá, Công tác Nhân Đạo, vân vân. Nếu chúng ta không khéo và sáng suốt, nguồn nhân lực quý báu này sẽ rơi vào tay bọn CộNG SảN. Chừng đó, chúng sẽ dễ dàng thi hành nghị quyết 36, nhuộm đỏ Cộng Đồng hải ngoại.

LC: Vâng, cảm ơn Ông. Trước khi tạm biệt, xin cho biết dự định tương lai?

ĐP: Thưa chị, hiện tôi còn viết dở dang hai cuốn “Nơi Đó Mùa Xuân Chưa Về” và “Nanh Hùm Nọc Rắn”
“Nơi Đó Muà Xuân Chưa Về” là tuyển tập các bài viết về quê hương, về các bà Mẹ Việt Nam và hoàn cảnh quê hương còn đọa đày trong tay giặc. Đó là hồi tưởng một thời thanh bình hoan lạc của Miền Nam, và niềm khao khát về một quê hương an bình trong tương lai. Tuyển tập sẽ có các bài để vinh danh những người Lính Việt Nam đã chiến đấu và xây dựng trong 21 năm của nền Cộng Hoà.
“Nanh Hùm Nọc Rắn” gồm các bài tham luận chính trị vạch trần thủ đoạn gian manh của Hồ Chí Minh và bè lũ Cộng Sản Việt Nam, cổ võ cho phong trào dân chủ tự do tại quê nhà; là những bài rất được ưa chuộng tại hải ngoại trong những năm qua.

LC: Xin cảm ơn ông. Xin chúc “Cuối Tầng Địa Ngục” sẽ được đón nhận rộng rãi.

ĐP: Xin chân thành cảm ơn Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngoại và chị Hoàng Lan Chi. Đồng thời cám ơn quý thính giả đã theo dõi chương trình. Trước thềm năm mới, kính chúc tất cả quý vị một năm Mậu Tý an lành và hạnh phúc. Mong ước được sớm thấy ngày quê hương Việt Nam tự do, dân chủ và phú cuờng