Đêm Nay Mẹ Không Về

Đỗ Văn Phúcsnuol3

Tiểu đoàn vừa hấp xong ở Trung Tâm Huấn Luyện Huỳnh Văn Lương thì có lệnh hành quân ngay. Lần này thì tăng cường, phối hợp với một Thiết Đoàn của Kỵ Binh Cơ Giới thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ (Big Red One). Từ Trung Tâm Huấn Luyện ở Bình Dương, đơn vị được đoàn xe vận tải GMC đưa thẳng đến quận Trị Tâm (Dầu Tiếng) và đổ quân ở làng Bến Tranh ở gần khu đồn điền Michelin. Tại đây một đoàn xe cơ giới bọc thép hàng chục chiếc đã chờ sẵn.
Chúng tôi chia nhau, mỗi Đại đội theo một Chi đoàn. Vì là chỉ huy Trung đội trực, Chuẩn Úy Phương đắt lính tìm đến đoàn xe đầu tiên và sắp xếp cho mội tiểu đội leo lên một chiếc M-113. Loại M-113 là xe chạy xích có bọc thép dày dùng chuyên chở quân, có thể chạy trên bộ và lội dưới nuớc. Nhưng vì tình hình chiến trường, tất cả quân nhân đều ngồi trên nóc xe thay vì trên hai dãy ghế trong lòng xe như đã được thiết kế. Trên sàn xe trống rỗng là hai lớp bao cát đầy. Người lái xe cũng ngồi trên mui xe, hai tay cầm hai cần lái đã được nối dài bằng hai thanh gỗ tròn. Lý do đơn giản là nếu xe chạm phải mìn chống chiến xa, thì sẽ giảm sự thiệt hại nhân mạng.
Xe chạy qua làng 13 Bis, nơi mà năm 1965, một Trung Đoàn của Sư Đoàn 5 Bộ Binh bị đánh tan tác do sự lơ là, chủ quan khinh địch của các vị chỉ huy. Trận cường tập ở đồn điền Michelin được coi là một trong những trận đẫm máu nhất, và là cái cớ để Hoa Kỳ đưa quân vào miền Nam trực tiếp chiến dấu. Mới tháng 2 đầu năm nay (1969), bọn Việt Cộng táo bạo đột nhập căn cứ của Lữ đoàn 3, Sư Đoàn 25 Bộ Binh Mỹ lúc nửa đêm, và đã bị đánh bật ra sau khi để lại hơn hai trăm xác chết.

Khi xe chạy ngang qua làng 13 Bis, nhìn cảnh vật tiêu điều có vẻ như còn mang dấu vết kinh hoàng của trận đánh năm xưa, Phúc chợt rùng mình nghĩ đến oan hồn hàng trăm chiến hữu đã hy sinh. Dù mới ra trường, chưa một lần cận chiến, nhưng qua nhiều phim về chiến tranh, anh cũng hình dung được sự tàn khốc của trận đánh. Những nhát mã tấu vung lên, chém phập xuống ngọt xớt vào các thân người, với tiếng thét đầy thú tinh rợn người của bầy quỹ dữ và hành động anh dũng cuối cùng của những chiến binh bị vây kín giữa trùng điệp quân thù. Ngày nay, Sư Đoàn 5 đã lấy lại phong độ với những cấp chỉ huy trẻ tuổi, có kiến thức, bản lĩnh và gan dạ. Họ đang chủ động trên chiến trường và quyết tâm trả mối hận năm xưa.
Khi đến làng13, gần suối Cầu Trắc, đơn vị được lệnh dừng quân bố trí và lục soát.
Ấp này có lèo tèo chừng vài chục nóc nhà mái tranh vách đất nghèo nàn. Không bóng dáng một người đàn ông. Trong khi các xe thiết giáp và bộ binh chia nhau trấn giữ ở bìa làng và lục soát tìm nơi ẩn náu của du kích, cán bộ Việt Cộng nằm vùng; các quân nhân Địa Phương Quân của Chi Khu Trị Tâm được lệnh tập trung dân lại để hoạt động dân vận.
Đại Úy Tiểu Đoàn Trưởng Vũ Huy Thiều luôn gọi máy căn dặn các đại đội rất cẩn thận. Vì trong vùng mà ảnh hưởng địch rất sâu đậm hàng chục năm qua, gia đình nào cũng có ít nhất một vài người trong hàng ngũ địch. Trong làng không có đàn ông con trai, mà đàn bà thì cứ mỗi năm một mang bầu. Những đứa trẻ lớn lên đã được cấy lòng căm thù đối với chính quyền miền Nam rất sâu săc. Vì thế, không thể tin một ai từ đứa bé 5 tuổi cho đến bà già đã 80. Hể ai cầm nổi trái lựu đạn hay có khả năng bóp cò đều là một chiến binh của địch. Phúc đi ra bìa làng, xem xét các trung đội phòng thủ và dặn dò. Khi đến Trung đội 3 của Chuẩn Úy Phương, gần một căn nhà tương đối khá, thì một cô gái chừng 17, 18, cao ráo, trắng trẻo và tròn trịa tìm đến lân la trò chuyện.
– Giờ này dân làng đang tập họp trên kia. Sao cô không lên đó?
– Em ở nhà coi mấy con trâu, sợ nó chạy sổng ra rừng.
– Nhà có trâu là khá lắm, có đóng thuế cho du kích không?
– Vùng này yên, có du kích gì đâu anh.
– Vậy chớ mấy anh đàn ông con trai đi dâu hết vậy?
– Mấy ảnh xuống Sài Gòn làm việc hết chọi.
Vừa đi vừa trò chuyện thì đã đến nơi binh sĩ Trung 3 đang lục soát bên trong bên ngoài một căn nhà tương đối khang trang. Những người lính dùng cây nhọn, xăm xăm dưới gậm giường trong hai phòng ngủ nhỏ xíu được che ngăn với phòng khách bằng một tấm màn bông. Sau khi không tìm thấy gì khả nghi, những người lính quay ra đi về phía vườn nơi có một chuồng trâu lớn. Cô gái bổng tỏ ra luống cuống. Đôi mắt cô cứ nhìn len lén về phía chuồng, sắc thái bồn chồn thấy rõ.
Cô gái đột nhiên lên tiếng:
– Thiếu Úy nói anh em vào nhà uống chút nước. Để em ra vườn hái mấy trái đu đủ cắt cho các anh ăn
– Thôi đừng bày vẽ.
– Thiệt mà, em mời mà.
Trung sĩ Khiết theo dõi từ lâu, bỗng nháy mắt ra hiệu cho Phúc
– Ông coi chừng con nhỏ này. Tui thấy nó khả nghi lắm. Đu đủ đâu không thấy mà toàn trái lựu đạn đó ông!
– Ừ, thấy nó cứ đeo theo tôi. Chắc có gì trong vườn nó.
– Ông để nó tui lo cho.
– Anh làm gì thì làm. Nó còn nhỏ, đừng mạnh tay tội nghiệp. Hù nó chút chút cho nó khai thôi.
– Ông Thầy yên trí, mười lăm phút là phun ra thôi.
– Anh mà đánh đập nó là tôi cho anh đi luôn đó.
Phúc bảo cô gái đi theo Trung Sĩ Khiết. Cô gái có vẻ sợ hãi, chùn chân lại. Phúc hỏi khẻ:
– Hỏi thiệt nhen. Có hầm hố gì quanh đây không? Có du kích núp đâu gần đây không?
– Hổng có đâu Thiếu Úy. Nhà em làm ăn đàng hwàng mà.
– Tôi mà giao cô cho ông Trung Sĩ này thì mệt cô lắm. Cô chịu hổng nổi đâu!
– Em lạy Thiếu Úy. Đừng! Đừng! Em hổng dám giấu gì hết chọi.
– Có hầm dấu du kích ở vườn hay chuồng trâu này không?
– Không! Không đâu mà ông Thiếu Úy!
Cô gái nói, nhưng đôi mắt không hề rời cái chuồng trâu. Cô dõi theo từng cử động của các anh lính đang xăm hầm, có lúc mặt cô thấy tái nhợt đi. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi giao cô gái cho Trung Sĩ Nhất Khiết và ở lại cùng đám lính.
Trong cái chuồng đang có ba con trâu, vì sợ, đứng tụm lại với nhau ở một góc. Phân trâu và rơm rạ tạo thành một lớp dày dễ đến cả tấc. Mấy anh lính ngần ngại bước vào trong chuồng. Họ chăm chỉ, cẩn mật xục xạo từng thước vuông bên trong bên ngoài. Chỗ nào có dấu vết đào xới khả nghi đều bị chiếu cố tận tình.
Chừng mười lăm phút sau, không thấy gì, Phúc đang tính cho binh sĩ chuyển qua nơi khác thì thấy Trung Sĩ Khiết dẫn cô gái trở lại.
Lần này, vẻ tươi mát đã biến mất mà chỉ còn một cô gái rủ rượi. Mái tóc và chiếc áo ướt sủng nước. Khuôn mặt ràn rụa nước mắt. Tay cô cầm chiếc bừa có dãy răng bén nhọn, hai chân đi xiêu vẹo giữa hai anh lính kẹp hai bên.
Trung Sĩ Khiết tỏ ra khoái chí la lên:
– Chạy đâu cho thoát! Nó khai rồi ông ơi.
– Anh làm gì nó vậy?
– Chút chút thôi mà! Nó nhát lắm, mới hù đã phun ra hết.

Phúc tránh đường cho cô gái đi vào trong chuồng. Cô ngần ngừ vài giây rồi vừa khóc vừa cào lớp phân trâu ở khoảng góc chuồng. Vừa vặn lòi ra một cái nắp hầm có khoen móc bên trên.
Một anh lính gạt cô qua một bên rồi rút trái lựu đạn cài bên hông, rút chốt.
Cô gái la lên:
– Đừng ném trái, đừng ném để em kêu họ lên. Anh Bảy ơi, lộ rồi, anh lên đi không thì họ ném trái nổ đó.
Không có tiếng trả lời.
Phúc đẩy cô gái gần miệng hầm ra lệnh.
– Mở nắp ra.
– Em mở, em mở. Đừng ném trái. Anh Bẩy ơi, em lạy anh, anh lên đi.
– Có mấy người dưới đó ? Hả ?
Cô gái chỉ càng khóc to hơn mà không nói gì. Nhưng khi người lính vừa hé nắp hầm lên thì có tiếng nói từ bên dưới la to :
– Tui lên đây. Đừng bắn.
– Đưa súng lên trước, trở báng lên trời. Coi chừng, một hành động nhỏ là tao thả lựu đạn xuống.
Phúc và những người lính khác lùi ra sau, đề phòng ở dưới có thể ném lựu đạn lên. Giây sau thì thấy một cái báng AK-47 nhô lên, rồi bàn tay sần sùi nắm phần gỗ che nòng, rồi xuất hiện một khuôn mặt trắng bạch của một người trẻ chừng 25 tuổi. Anh ta leo lên và đưa tay chịu trói. Phúc để ý thấy anh ta nhìn len lén cô gái ngầm trách cứ. Nhưng cô né cái nhìn của anh mà rơm rớm nước mắt. Phúc nghĩ bụng : « Chắc vợ chồng bồ bịch gì đây »
– Còn ai không ?
– Dạ, còn anh Tư nữa.
Người có tên Tư leo lên cùng với một cây AK-47 khác. Cả hai tên đều đeo bên hông chiếc máy thu thanh nhỏ 4 băng có bọc vải ni lông.
– Ai nữa ?
– Nguời tên Tư liếc qua nhìn cô gái như trao một ám hiệu :
– Hết rồi. Chỉ có hai đứa tui.
– Ném lựu đạn xuống. Phúc ra lệnh.
Hạ sĩ Sang ném trái lựu đạn đã mở chốt cầm sẵn trong tay. Một tiếng nổ dữ dội vang lên. Chờ cho khói tan, Sang leo xuống hầm trong khi hai binh sĩ cầm súng thủ thế bên miệng hầm.
Bổng từ phía bià làng có một tràng đạn vang lên dòn tan. Trung Sĩ Khiết chạy ra và trở lại sau chừng vài phút.
– Tụi nó bắn được hai thằng từ bụi cây chạy ra rừng.
– Phải hai thằng này nằm chung hầm với anh không ?
Tên Tư cúi gầm mặt xuống không nói gì. Phúc thuận chân đạp cho tên Tư một cái vào bụng. Té ra cái hầm có địa đạo thông ra bụi cây gần bìa rừng. Hai đứa chắc phải quan trọng lắm nên không để bị bắt mà cố chạy trốn.
– Hai thằng đó cấp gì, chức gì ? Địt mẹ mày câm hả ?
– Dạ, bác Sáu Bí Thư và bác Năm Xã Ủy.
– A ! Trúng mánh rồi. Trung sĩ Khiết kêu ông Phương vào đây giùm tui.
Phúc chụp ống liên hợp máy C-25 báo cáo ngay về cho Trung Úy Lộc. Xong đem cô gái và hai tên tù binh ra chỗ Tiểu đoàn bộ. Nơi đây đã có các sĩ quan ban 2 Chi Khu đang làm việc thanh lọc. Trung Úy Lộc cũng vừa tới.
– Tiếc quá, hai thằng cao cấp kia chết thẳng cẳng rồi. Lấy được hai K-54.
Nhìn qua hai tên tù binh đang ngồi ủ rủ. Cô gái cũng ngồi cách đó mấy bước, khuôn mặt mếu máo và tránh nhìn hai tên Việt Cộng. Phúc động lòng lục túi lấy ra mấy tờ giấy bạc 100 đồng dúi cho cô gái.
– Cô cầm theo mà chi dùng. Chút nữa Ban Hai Chi Khu hỏi cung, cứ thành thật trả lời vài bữa họ tha về. Không sao đâu mà lo.
– Em có đưá con nhỏ, Thiếu Úy ơi. Cô oà lên khóc.
– Con của ai ?
– Dạ, cha nó không có ở đây. Đi làm ăn xa
Phúc nghĩ thầm : « Lại làm ăn xa. Chắc chồng nó là một trong hai thằng tù này. »
– Thế đứa nhỏ ai giữ ?
– Dạ, má em. Bả ở đàng kia. Chỗ thanh lọc đó.
– Cô muốn tôi kêu bả lại cho không ? Bả tên gì ?
– Dạ, cho em thấy con một chút và nhắn má em vài câu.
Không muốn chứng kiến cảnh tượng thương tâm sắp diễn ra, Phúc giao cho Trung Sĩ Hùng mọi chuyện rồi chạy ra xem xác hai tên Việt Cộng gộc.
Chuẩn Úy Phương đã cho lính lục soát hai tử thi, trên tay anh đang cầm một xấp những giấy tờ lấy từ túi áo của địch. Bên cạnh hai xác chết do nhiều vết đạn là một cái ba lô con cóc bằng vải kaki màu nâu đựng một số tiền chưa đếm được, nhưng cũng phỏng đoán chừng cả trăm ngàn. Thằng mang ba lô chắc là kinh tài về thu thuế trong ấp. Anh Thiếu Úy ban 2 Chi Khu cũng vừa ra tới, ghi ghi chép chép. Anh ta đang muốn nhấc cái ba lô lên thì Phúc giằng lại.
– Anh không đụng tay vào cái gì ở đây được. Chiến lợi phẩm của tui tôi.
– Các anh chỉ lo hành quân bảo vệ thôi. Tụi tôi làm thanh lọc mà!
– Đem lính ra đây mà đánh nhau với chúng nó thì lấy gì cũng được. Anh về đi, tụi tôi lo ở đây. Anh lo trong kia kìa.
Trung Úy Lộc gọi máy cho Phúc gom hết các chiến lợi phẩm đem về giao cho Tiểu đoàn.
Khi về dến chỗ Tiểu đoàn đóng quân, Phúc thoáng thấy cô gái đang theo gót hai tù binh bước lên chiếc xe M113 để được giải giao về Chi Khu. Hai tay cô bị trói quặt ra sau. Cô đưa đôi mắt buồn nhìn ngoái lui phía bà mẹ đang bế một đứa bé chừng một tuổi. Cả hai bà cháu đều khóc rống lên.
Đôi mắt Phúc chạm vào đôi mắt cô gái. Cô gái mím môi, biểu lộ chút oán hờn. Lòng Phúc chùng lại. Người lính miền Nam phải đối đầu với một địch thủ vừa quỷ quyệt vừa độc ác trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt ; vì sự lựa chọn giữa sống và chết phải có những quyết định trái với bản chất của mình, nhưng tấm lòng của họ vẫn không thể giữ sắt đá vô cảm được. Phúc tự trấn an mình khi nhớ đến hình ảnh hàng ngàn người bị giặc chôn sống ngoài Huế hồi Tết Mậu Thân. Lại nhớ những hình ảnh bọn Việt Cộng giết hàng trăm đàn bà trẻ con ở Dak Sun vì họ bỏ chạy không theo chúng.
Thế là chiều nay, bên mâm cơm đạm bạc trong căn nhà có cái chuồng trâu tai ác kia, sẽ có một đứa bé thiếu bàn tay mẹ đút cơm cho và chẳng biết bao nhiêu tháng nữa bé sẽ không dựa được hơi ấm từ lòng mẹ trong những đêm đông lạnh buốt như đêm nay.

Cuối năm Kỷ Sửu
January 2010.