Ghẻ từ miền Bắc vô Nam…

Đỗ Văn Phúcxalim3

Chữ ghẻ, mà miền Nam đã hoàn toàn quên từ lâu ngoài tĩnh từ để ghép thành các chữ “chó ghẻ, chiên ghẻ” ám chỉ loại người phản phúc, nay trở nên phổ biến trong trại.
Giữa mùa hè nắng gắt. Các giếng ngoài xóm cạn dần. Nước trở nên khan hiếm đến nỗi gạo chỉ vo một lần rồi cho vào chảo nấu. Mỗi người được chia một lon guigoz nước cho một ngày, vừa uống, vừa làm vệ sinh cá nhân. Những người mới ngày nào vào trại, còn tươm tất, gọn gàng, phần nào tươi tắn. Chỉ sau mấy tuần đã trở nên những người mới: xộc xệch, nhăn nhó, cáu bẩn. Và dĩ nhiên, tâm tính cũng dần dần đổi thay.
Trong hoàn cảnh thay đổi đột ngột môi trường sống, điều kiện vệ sinh tệ hại vì thiếu nước dùng để tắm rửa, một vài anh đã phát hiện các nốt ghẻ trên người. Bắt đầu từ hai cánh tay, bàn tay rồi lan dần ra lưng, bụng. Đã thấy nhiều anh bị ghẻ toàn thân, khổ sở vô cùng vì lúc nào cũng thọc hai bàn tay vào áo, vào quần để gãi. Trước còn e dè, che dấu. Sau thì chẳng thể nín, nên đứng đâu cũng thấy gãi sồn sột. Mà càng gãi thì càng lan thêm ra, lở loét trông rất ghê rợn. Trại không có trạm y tế, thuốc men gì cả. Chúng tôi cũng chẳng ai mang theo thuốc men gì theo ngoại trừ vài ba chai dầu Nhị Thiên Đường hay cù là Mac Psu. Anh bộ đội được nhờ kiếm mua thuốc ghẻ cũng lắc đầu không biết mua ở đâu vì tình hình chợ búa đang hỗn loạn. Anh chỉ kiếm được vài cây xà phòng loại dùng để giặt giũ ở thôn quê trước đây. Những anh bị ghẻ phải pha nước muối xoa rửa hàng ngày. Trong A của tôi, đã có ba anh bị ghẻ hành hạ. Tôi bị kẹt nằm bên cạnh anh S.. Thỉnh thoảng anh lên cơn ngứa, không nén được, đã cọ nguyên cánh tay vào chiếc mền của tôi để gãi gây cho tôi một cảm giác kinh hãi mà không nỡ trách bạn. S. thường ngồi cởi trần, phơi lưng ra nắng. Tấm lưng mấy hôm trước trắng trẻo mịn màng, nay thấy ứa ra những mủ vàng từ các đốm nâu vừa tróc vảy.
Ngoài bệnh ghẻ, lác đác một số anh đã bị bệnh đường ruột như tiêu chảy, kiết lị mà phương cách điều trị duy nhất là ăn cháo trắng và xức dầu cù là. Hôm trước đây, trại cho tập trung chích ngừa. Chẳng ai biết chích ngừa bệnh gì. Chỉ thấy một anh y tá bộ đội với một cây kim tiêm độc nhất và một ly nước lã và cục bông gòn to bằng trái táo tàu. Anh chấm cục gòn vào ly nước, quẹt lên cánh tay chúng tôi để “khử trùng” trước và sau khi tiêm. Cục gòn dùng cho hơn hai trăm người ngả sang màu xám đen mà chẳng thấy thay cục khác hay thay nước trong ly, Chúng tôi không rõ thứ thuốc gì trong cái lọ con con mà anh rút ra để chích. Chích được vài chục anh, thì mũi kim đã hết bén nhọn, nên đâm vào da đau đớn vô cùng. Thôi thì cứ phó mặc số mệnh, vì không ai trốn tránh việc chích ngừa được. Tuy nhiên, khi nhận được hai viên thuốc nhỏ màu vàng vàng, thì nhiều anh đã làm bộ nuốt rồi dấu vào góc miệng để nhổ ra sau khi đã ra khỏi phòng y tá. “Biết đâu họ đầu độc mình đây?”
Ngày thứ mười lăm đã đến! Trên khuôn mặt mọi người, vẻ thất vọng chán chường hiển lộ ra. Từng nhóm nhỏ bàn tán nhau, hỏi dò nhau dù rằng chẳng ai biết điều gì hơn ai. Bây giờ thì chúng tôi tự đặt một cái mốc mới là vài ba tháng. Dù thế, chẳng ai muốn nghe đến chữ “vài ba”.
Chỉ trong tháng đầu tiên, chúng tôi đã chứng kiến một thảm cảnh gia đình mà nguyên nhân chính là ranh giới ý thức hệ. Anh Thạc (Lê Văn Thạc?) ở đội bảy, một hôm được ban Chỉ huy trại gọi lên văn phòng để gặp người cha là một đại tá Cộng Sản. Ông này người Trung, tập kết ra Bắc sau Hiệp định Geneve; để lại vợ con ở miền Nam. Nay người cha trở về theo đoàn quân chiến thắng thì đứa con trai đầu lòng đang bị tập trung vì là sĩ quan miền Nam. Qua bao nhiêu năm chiến tranh, không biết có bao lần cha con đối đầu trên chiến địa, nhắm mũi súng vào nhau để rình giết nhau? Tuy nhiên, Thạc đã khẳng khái từ chối ân huệ của cha khi ông này khuyên con rán “học tập” để ông có thể xin cho về sớm hơn mọi người. Thạc đã yêu cầu ông không tìm cách đến thăm lần nữa; vì “tôi sẽ không ra gặp nữa đâu.”
Cũng ở trại này, đã nổi bật lên những người mà trong suốt quá trình mười năm tiếp, vẫn luôn luôn là tấm gương sáng ngời của lòng bất khuất và nghị lực kiên cường trước bao thử thách, đe dọa của kẻ thù. Trong tập hồi ký này, quý vị sẽ nhiều lần gặp gỡ Phạm Đức Nhì là người mà tôi biết nhiều nhất từ các trại Long Khánh cho đến Suối Máu, Hàm Tân và Xuân Phước.
Phạm Đức Nhì có lẽ là người khánh thành conex biệt giam tại trại tù Long Khánh vì anh là người đã sớm biểu lộ sự chống đối ra mặt trong lúc hàng trăm anh em khác còn giữ thái độ dè dặt nghe ngóng. Mỗi chiều sau lúc ăn tối, chúng tôi thường nghe tiếng la hét của anh vọng ra từ conex lấn át tiếng bịch bịch của những trận đòn thù của những tên vệ binh đang xúm vào đánh hôi.
Không nói ra, nhưng tất cả anh em chúng tôi đã nhận thức được hoàn cảnh của mình trong cái mà chính quyền mới gọi bằng mỹ danh Trại Cải Tạo.