Hãy Tôn Trọng Sự Thật

Đỗ Văn Phúc

Ngo_Dinh_Diem_at_Washington
Thư gửi tạp chí Vietnam, phản ứng về bài “Ngô Đình Diệm, quái vật Frankenstein của Hoa Thịnh Đốn?” do Cựu Đại tá Herbert Schandler viết, đăng trên tạp chí Vietnam, số 3, bộ 19, phát hành trong tháng 7, năm 2006.

Thực là một sự ngỡ ngàng đến bàng hoàng khi tôi nhìn thấy một tấm ảnh nhỏ của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm trên góc trái tạp chí Việt Nam ra tháng 7-2006, kèm một câu giới thiệu độc ác: Diem, The Maniac Who Sucked Us Into War. Bên trong, từ trang 32 đến trang 45 là hình ảnh và bài viết của cựu Đại tá Schandler nhan đề Ngo Dinh Diem: Washington’s Frankenstein Monster?

Trong suốt tám trang giấy, ông Schandler đã trình bày diễn biến dẫn đến chiến tranh Việt Nam một cách sai lạc, dựa hoàn toàn trên các tài liệu tuyên truyền của Cộng sản Hà Nội trong thời kỳ chiến tranh để đổ lỗi cho chính quyền miền Nam đứng đầu là cố Tổng thống Ngô Đình Diệm.Đây là một thiên lệch có ác ý khi ông Schandler chỉ trích dẫn những lời dối trá của Hồ Chí Minh và các viên chức Cộng sản Hà Nội mà không đếm xỉa đến những ý kiến của giới lãnh đạo và nhân dân miền Nam.
Ngay cả từ sau khi chiếm đoạt miền Nam tháng 4 năm 1975, chính Cộng sản Hà Nội đã in ra hàng trăm tựa sách truyện, lịch sử… để thú nhận rằng họ đã chuẩn bị và điều khiển cuộc chiến tại miền Nam ngay từ sau khi Hiệp Định Geneve vừa ký kết và ở giai đoạn thi hành. Từ những chứng cứ đó và những dữ kiện lịch sử của miền Nam, mọi người đều thấy rõ bản chất thực của cuộc chiến tranh, và khám phá ra rằng thông tin trong suốt thời chiến tranh đã bị Cộng sản (cũng như bọn nhà báo phản chiến Mỹ) xuyên tạc, bóp méo, che đậy để đánh lừa dân chúng và dư luận quốc tế, cũng như lừa gạt công luận Hoa Kỳ.

** Schandler viết rằng: “Khái niệm Chiến tranh Nhân dân của người Việt đã có từ hơn một ngàn năm do các cuộc xâm lăng và chiếm đóng của ngoại nhân.”
Đây là một sai lầm do sự cẩu thả, thiếu nghiên cứu sử liệu. Chiến Tranh Nhân Dân là một hình thái chiến tranh do lãnh tụ Cộng sản Trung Hoa Mao Trạch Đông đề xướng trong cuộc chiến kháng Nhật và cuộc chiến Quốc Cộng tại Trung Hoa. Căn bản của Chiến tranh Nhân dân là dựa vào khái niệm chiến tranh lưu động và du kích, dùng dân chúng làm điểm tựa để cô lập và tiêu hao tiềm lực kẻ thù trong một kế hoạch lâu dài của đấu tranh võ trang cách mạng.
(http://en.wikipedia.org/wiki/People’s_war)

Nguời Việt Nam ta, trong quá trình lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, đã tự học được các hình thái chiến tranh mà vị anh hùng Trần Hưng Đạo – 3 lần đại thắng đoàn quân bách chiến Mông Cổ của Hốt Tất Liệt – đã cô đọng trong cuốn Binh Thư Yếu Lược. Hình thái Chiến Tranh Nhân Dân do Cộng sản Bắc Việt áp dụng trong hai cuộc chiến Đông Dương và Xâm lược Miền Nam.

** Schandler viết:”[Diem] tin rằng ông cai trị dựa trên thuyết Thiên Mệnh (Mandate of Heaven)…”
Điều này sai. Tôi không cố gắng bào chữa cho những sai lầm của cố TT Diệm khi điều hành quốc gia, còn có những phong thái còn sót lại của ảnh hưởng chế độ phong kiến mà ông từng làm quan Thượng Thư. Nhưng khi nhân dân miền Nam truất phế vua Bảo Đại để bầu ông Diệm làm tổng thống đầu tiên của nước Việt Nam Cộng Hòa, là đã khai trừ thuyết thiên mệnh ra khỏi nền chính trị quốc gia.

** Ông Schandler nói rằng Hồ Chí Minh không có mưu đồ thôn tính miền Nam, mà chỉ muốn có một diễn trình đấu tranh chính trị thuần túy để thống nhất đất nước. Thực tế lịch sử đã chứng minh luận điểm này là sai trái. Ngay khi Hiệp định Geneve vừa ký xong, thay vì rút hết quân của họ ra Bắc, Hồ đã để lại miền Nam hàng ngàn cán bộ nằm vùng, hòa nhập vào trong dân chúng những miền quê hẻo lánh, lấy vợ miền Nam, sinh con đẻ cái để tạo cơ sở để chờ lệnh của Hà Nội, mở màn chiến tranh du kích tại miền Nam. Trong suốt một thời gian trườc khi nổ ra cuộc chiến Nam Bắc, bọn nằm vùng này đã thi hành một chiến dịch khủng bố mà mỗi năm sát hại khoảng 4000 thường dân vô tội. ây có phải là điều mà tác giả Schandler gọi là “pure political struggle”?

** Schandler đã trích dẫn câu nói của một nhân vật Cộng sản Hà Nội Nguyen Khac Vien: “Chúng tôi buộc phải từ bỏ sách lược đấu tranh chính trị, mà đã thất bại do những chiến thuật tàn bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với dân chúng… Chúng tôi bị ép buộc phải cầm súng ở miền Nam vì Hoa Kỳ và ông Diệm đã ép buộc chúng tôi phải cầm súng. Chúng tôi muốn một giải pháp hòa bình, nhưng không thể thống nhất đất nước nếu không đấu tranh quân sự.” Tác giả đồng thới trích câu nói của Hồ Chí Minh khi kêu gọi chính quyền miền Nam: “đặt quyền lợi tổ quốc trên quyền lợi địa phương.”
Có lẽ ông Schandler không học kỹ chủ thuyết đại đồng của Cộng sản. Kể từ khi chế độ CS được xây dựng tại Liên Sô, họ đã đề ra mục đích xuất cảng cách mạng bạo lực đến các nước nhằm xích hoá toàn cầu. Có ông Diệm hay không, có sự can thiệp của Mỹ hay không, thì miền Nam cũng là một mục tiêu xích hoá của của Cộng sản Hà Nội, tay sai của khồi Cộng sản quốc tế, chứ chẳng phải vì “quyền lợi tổ quốc” như lời đường mật của Hồ Chí Minh.

** Schandler trách ông Diệm đã từ chối không cho Hoa Kỳ đổ quân chiến đấu vào miền Nam.
Là một nhà ái quốc, ông Diệm đã làm đúng khi không nhận quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam. Vì làm thế, chẳng khác nào giúp cho Cộng sản có chính nghĩa khi họ trương ra khẩu hiệu “Chống Mỹ Cứu Nước” Chính do hành động ái quốc này, ông Diệm và người em Ngô Đình Nhu đã bị đám tướng lãnh phản bội thảm sát theo lệnh của bạn đồng minh (chắc ông Schandler biết rõ ai rồi!)
Ngày nay, 31 năm sau ngày cuộc chiến kết thúc, chính cựu Đại tá Cộng sản Bùi Tín (Từng là Tổng Biên tập báo Quân Đội Nhân Dân) đã ca ngơi tinh thần ái quốc và tác phong đạo đức của cụ Diệm hơn hẳn ông Hồ Chí Minh. Xin tìm đọc bài 40 năm đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm – 1/11/1963: Cái nhìn từ Hànội (40 years after the coup d’etat to unseat Ngo Dinh Diem: The View From Hanoi; 2003 Conference on Vietnam, Lubbock Oct. 2003). Một lãnh tụ như ông Diệm không thể bị bôi nhọ bằng cách gọi “the maniac who sucked us into war.”

** Rất ít người từng chống đối chính quyền ông Ngô Đình Diệm tham gia vào Mặt trận Giải phóng Miền Nam, là công cụ của Cộng sản Hà Nội. Đa số đã trở lại đời sống công dân bình thường hay tham gia vào hàng ngũ quân dân miền Nam chống Cộng. Những hiểu biết về Mặt trận Giải phóng trong bài của ông Schandler’s tỏ ra trùng hợp với những luận điểm tuyên truyền mà Hà Nội đã sử dụng trong thời gian tiến hành chiến tranh để lừa bịp công luận Hoa Kỳ nhằm tranh thủ sự ủng hộ để chấm dứt chiến tranh theo chiều có lợi cho họ. Trong một giới hạn của bức thư, tôi chỉ nêu ra một vài điểm chính.Còn rất nhiều sai lầm trong bài của ông Schandler mà tôi sẽ đào sâu khi có thời gian.
Tôi đề nghị ông Schander dành thêm thì giờ nghiên cứu các tài liệu ấn hành sau này, ngay cả những sách báo do Cộng sản Việt Nam xuất bản sau 1975, để chấn chỉnh lại những hiểu biết sai lầm, lỗi thời của ông và chấp nhận những sự thật mà phía Cộng Sản đã che đậy trong nửa thế kỷ qua.