Nạn Buôn Nguời tại Việt Nam

Đỗ Văn PhúcSuongmo

Khởi đi từ những ngày sôi động giữa tháng Tám năm 1945 đau thương, khi Chiến Tranh Thế Giới thứ Hai chấm dứt với sự đầu hàng của Nhật Bản vào ngày 15; Việt Nam rơi vào một khoảng trống chính trị hiểm nghèo. Chính quyền đô hộ Pháp thì đã bị Nhật lất đổ từ mấy tháng trước, nhà chức trách Nhật thì vừa tan hàng đang chờ quân Trung Hoa vào giải giới, triều đình bù nhìn nhà Nguyễn thì ngơ ngác, bất lực; các đảng phái quốc gia còn quá non kém và thiếu chuẩn bị. Thế là trong ngày 19 tháng 8, lợi dụng cuộc biểu tình của công chức Hà Nội tại Bắc Bộ Phủ, Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản cướp lấy thời cơ, phất lá cờ đỏ sao vàng tuyên bố giành độc lập và thành lập một chính quyền cách mạng.
Bảy mươi năm bị dày xéo bởi thực dân vẫn chưa đủ, nên trời đã cho con quái vật mang tên đảng Cộng Sản Việt Nam đến để nhân thêm lên nỗi tang tóc điêu linh của dân tộc mà cho đến ngày nay vẫn chưa thấy lóe lên một chút ánh sáng ở cuối dường hầm.
Tiêu chuẩn tân tiến của một chính quyền là: Của Dân, Do Dân, và Vì Dân. Chính quyền phải từ trong lòng dân tộc, do sự lựa chọn của công dân và thực hiện lợi ích cho người dân mình. Ngay qua các triều đại phong kiến, thậm chí các thời kỳ đô hộ bởi ngoại nhân, tuy các bậc quân vương, quan lại, các toàn quyền, thống sứ không từ trong dân, không được dân lựa chọn; vẫn có nhiều nhà cầm quyền ngày đêm hết lòng săn sóc phúc lợi cho dân.
Nhà cầm quyền Cộng Sản khắp thế giới nói chung, tại Việt Nam nói riêng, hoàn toàn đối nghịch với ba tiêu chuẩn nêu trên.
Bất cứ ai cũng biết rằng họ đoạt được quyền lực bằng bạo lực, qua nòng súng và sự khủng bố che đậy bằng mỹ từ Cách mạng. Nhưng bằng cách nào đi chăng nữa, thì việc hành xử chức năng của nhà cầm quyền đối với dân chúng mới là điều đáng nói.
Ngày xưa, chỉ cần dùng chữ Kinh Tế là đủ nói lên chức năng của nhà nước. Kinh Tế ghép từ hai chữ Kinh Bang, Tế Thế, tức là lo việc trị nước, và giúp dân. Chúng ta có thể dùng các chữ Bảo Quốc, An Dân và kể ra các chức năng trọng yếu của nhà cầm quyền như sau: Quốc phòng (bảo vệ lãnh thổ), Phát triển Kinh tế (theo nghĩa hiện nay), An sinh Xã hội.
Thật khách quan để chấm điểm thì Cộng Sản Việt Nam chỉ đạt điểm loại về cả ba điều trên. Về quốc phòng thì mỗi ngày mỗi mất đất, mất biển về tay Trung Cộng. Về kinh tế thì đang là một trong những nước chậm tiến, lạc hậu cuối bảng của thế giới. Về dân sinh thì ngoài số cán bộ gộc có hàng tỷ, hàng trăm triệu đô là do cướp đoạt tài sản dân và ăn cắp viện trợ, sống xa hoa phung phí; thì tuyệt đại đa số dân Việt Nam còn quá nghèo đói và bị áp bức thậm tệ.
Những năm gần đây, Việt Nam bị coi là một trong vài nước xuất phát nạn buôn người trầm trọng. Nạn buôn người có từ hàng ngàn năm, bắt nguồn từ hậu quả các cuộc chiến tranh chiếm đóng. Quân nhân và dân chúng các nước bại trận, nếu không bị giết chết thì cũng bị đẩy vào vòng nô lệ và đem ra bán ngoài chợ. Nạn buôn người hạ thấp phẩm giá con người, coi con người như một món hàng, một con vật không hơn không kém. Qua cuối thế kỷ 20, nạn buôn người biến thái được che đậy bằng những hoạt động dịch vụ tìm việc, di trú, vượt biên… mà hiện nay, nổi bật nhất là ở Việt Nam với hàng trăm ngàn thanh niên, phụ nữ, trẻ em bị đưa ra nước ngoài làm nô lệ lao công hay nô lệ tình dục.
Sau khi chiếm đóng miền Nam, do chính sách kinh tế tàn khốc đã đưa đất nước vào thời kỳ nghèo đói tột độ, nhà nước thì gần phá sản. Nhà cầm quyền Việt Nam đã nghĩ ra cách đưa người lao động qua các nước phe Cộng Sản để vừa thu tiền lệ phí, vừa bóc lột tiền lương của công nhân để thu ngoại tệ và giải quyết nạn thất nghiệp trong nước.
Cho đến các thập niên gần đây, khi mức sống của giai cấp có quyền thế lên đến tột cùng của sự giàu có, và ngược lại những dân lành thì đã quá mức chịu đựng, Cộng Sản bắt đầu nghĩ đến nguồn lợi từ các thân xác những thiếu nữ ở các vùng quê nghèo mà giấc mơ kiếm được tấm chồng ngoại quốc để cứu vãn kinh tế gia đình đã quá thê thảm. Nhiều cơ quan nhà nước, cùng với nhiều công ty dịch vụ do nhà nước bao che đã mọc lên, quyến rũ các cô gái nghèo bằng những lời hứa hẹn, những tương lai đẹp đẻ được tô vẽ để họ trở thành những nàng Kiều thời đại mới. Trẻ em Việt Nam cũng không thoát ra khỏi lưới bẫy của bọn buôn người.
Có hàng trăm ngàn cô gái Việt đã theo con đường đó để ra được nước ngoài tiêu biểu là Nam Hàn, Trung Hoa, Malaysia, Singapore để cuối cùng hoặc rơi vào các nhà chứa để bán mình hoặc làm nô lệ tình dục cho cả cha con, anh em bọn Tàu dâm ô. Họ không có ngày mai, không cách vượt thoát.
Theo ước tính của cơ quan UNICEF và các tổ chức khác, có khoảng 400,000 phụ nữ và trẻ em Việt Nam đã bị bán ra nước ngoài, hầu hết là sau khi chấm dứt Chiến Tranh Lạnh. Nhiều phụ nữ, trẻ em Việt Nam bị bán qua Căm Bốt, Trung Hoa, Đài Loan, Nam Hàn, và Thái Lan để phục vụ trong các nhà chứa, lao động cưỡng bức trong các xí nghiệp, hay làm đầy tớ tư nhân.
Năm 2003, thế giới đã mục kích việc phụ nữ Việt bị rao bán trên trang web E-bay của Đài Loan; Năm 2005, có những hình ảnh thiếu nữ Việt Nam bị bày bán trong những lồng kính ở Singapour. Trên màn ảnh đài truyền hình CNN, người ta đã xem tường tận phóng sự về nạn mãi dâm của trẻ em tại Kampuchea, trong đó có nhiều em bé chỉ 5, 7 tuổi. Giữa các hình ảnh u tối của các nhà thổ rẻ tiền và các âm thanh hỗn độn “Yum Yum, Bum Bum”, chúng ta đau đớn khi nghe từ miệng các em bé gái những câu tiếng Việt non nớt.
Ngoài các phụ nữ, còn biết bao nhiêu thân phận con người đang phải chịu khổ nạn. Tại Việt Nam, rõ ràng có một sự câu kết giữa bọn tuyển mộ và nhà cầm quyền để quyến dụ người dân của họ phải trả những khoản tiến thật lớn – có khi lớn gấp bốn, năm lần tài sản của gia đình mình – để được tuyển vào một công việc ở nước ngoài mà tiền lương chỉ vừa đủ chi trả cho các món nợ, và chỉ có chút ít để dành. Một khi những công nhân này đã ra đến nước ngoài, họ bị chủ nhân tước đoạt thông hành, bị đe dọa, đánh đập, bớt tiền lương, và bắt làm việc ngày đêm. Trong bản Báo Cáo về Nạn Buôn Người năm 2008 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, có nhắc đến việc 1300 công nhân Việt Nam tại Mã Lai Á bị ràng buộc bởi những món nợ, bị lừa gạt về khế ước lao động, bị giam hãm, và đe doạ trục xuất về nưóc. Bản báo cáo cũng nêu ra chi tiết về “một nhóm hơn hai trăm nhân công nam nữ do các cơ quan nhà nước Việt Nam tuyển mộ đang phải chịu nhiều điêu đứng trong các xí nghiệp ở Jordan.”
Theo ông Đại sứ Mark Lagon – Văn phòng Theo Dõi và Chống Nạn Buôn Người trực thuộc Bộ Ngoại Giao Mỹ – thì vấn đề tuyển mộ nhân công dẫn đến nạn buôn người là do những tổ chức tại Việt Nam có quan hệ mật thiết với chính phủ họ.

Sự đánh giá của ông Lagon được đưa ra trong cuộc họp của Ủy Ban Quốc Tế Công Pháp ngày 7 tháng 5 vừa qua đã làm thay đổi cách nhìn về Việt Nam. Ngoài sự việc bị xem là “một nước buôn bán phụ nữ và trẻ em cho dịch vụ lao động cưỡng bức và lao động tình dục” (Báo cáo của Bộ Ngoại Giao), thì nhà cầm quyền Việt Nam còn bị coi là quá bao che cho những công ty xuất cảng lao động để gửi hàng vạn nhân công đến các nước có tiếng không tốt về lạm dụng nhân công.

Cuộc viếng thăm của Thủ Tướng Việt Cộng Nguyễn Tấn Dũng mới đây tại Hoa Kỳ đã cho Tổng Thống George W. Bush một cơ hội để áp lực Việt Nam phải chấm dứt những dịch vụ buôn người. Nhưng theo những nguồn tin báo chí, thì ông Bush đã trấn an ông Dũng bằng cách làm lơ sự kiện nghiêm trọng đó. Ngay cả mới đây, khi ghé thăm các nước Á Châu trên đường tham dự Thế Vận Hội Bắc Kinh, ông Bush cũng đã nêu ra các vấn đề nhân quyền tại nhiều nước, kể cả tại Trung Cộng. Nhưng ông đã để Việt Nam ra khỏi danh sách các nước vi phạm nhân quyền.
Chỉ còn vài tháng nữa là chấm dứt nhiệm kỳ của Tổng thống Bush. Chúng ta thắc mắc tự hỏi, liệu ông Bush muốn lưu lại tiếng tăm là người quyết liệt tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền như ông từng lớn tiếng tuyên bố trong ngày nhậm chức và từng lập lại nhiều lần về sau.
Gần đây, qua các sự can thiệp của nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO), mà tích cực nhất là Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia (CAMSA) trong đó có sự hợp tác của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS), nhiều phụ nữ và nhân công Việt Nam đã được giải thoát. Nhưng nhà cầm quyền Việt Cộng vẫn từ chối giúp đỡ phương tiện cho họ hồi hương, để gánh nặng này cho các tổ chức Thiện nguyện phải lo liệu.
Tàn nhẫn, bất nhân, vô trách nhiệm đến thế thì không thể tưởng tượng được. Người Việt Hải Ngoại, từ ba mươi ba năm, đã vì tình cảm gia đình mà gửi hàng tỷ đô la mỗi năm về gián tiếp nuôi mập bọn cường hào Cộng Sản, nay lại phải gánh thêm việc giải quyết những tệ nạn do chính chúng gây ra.
Đôi lúc, chúng tôi không thể không tự hỏi: Những người Việt Chống Cộng hải ngoại còn bị bọn Cộng Sản coi là cái vú sữa bất tận cho đến bao giờ?
Hãy dừng lại thôi, hãy bắt buộc bọn cầm quyền Cộng Sản Việt Nam phải nghiêm chỉnh thực thi cái chức năng An Sinh Xã Hội của một nhà nước. Nếu không làm được, thì hãy xéo, để một chính quyền đúng nghĩa đứng ra đảm nhận.