Ngày Xuân, Lại Tản Mạn Về Thành phố Hoa Ðào

phuchoa29Đỗ Văn Phúc

Con đường này tôi đã qua lại hàng chục lần, nhưng mỗi khi trở lại, vẫn thấy lòng gợn lên nhiều bâng khuâng khó tả. Tôi luôn mang nỗi nôn nao của một người tha phương lâu năm nay trở về quê hương cũ, nơi chôn dấu bao nhiêu kỷ niệm êm đềm của một thời hoa bướm.
Từ chân đèo ở quận lỵ Sông Pha, leo hết khoảng 30 km đường đèo ngoằn nghèo, qua nhiều khúc quẹo gắt như cùi chỏ tay, xe đến Ðơn Dương vừa kịp giờ ăn trưa. Từ độ cao gần ngang với mặt biển ở đồng bằng khô cháy của tỉnh Ninh Thuận lên tới độ cao gần 1500 mét, khí hậu thay đổi một cách bất ngờ và dễ chịu. Ðứng trong cái không khí mát lạnh của cao nguyên Lang Biang, nhìn về phía Ðông để thấy cả một vùng bình nguyên ngập trong nắng, chạy dài ra tới bờ biển Ninh Chữ. Những ngày nắng tốt, mắt thường cũng có thể nhìn thấy thị xã Phan Rang và một vùng biển Thái Bình Dương. Chiếc xe Dodge pick up 6 chỗ ngồi màu xanh của tôi mang biển số và phù hiệu của Không Quân Phan Rang quá rộng cho cả gia đình gồm hai vợ chồng và 3 đưá con nhỏ. Thời đó tuy chiến cuộc gia tăng nghiêm trọng ở các vùng khác, nhưng tại Ninh Thuận thì rất an toàn. Trên con đường Phan Rang Ðà Lạt, nhiều xe nhà binh qua lại mà không cần hộ tống. Tôi cũng chỉ mang theo trong người cây súng Smith Wesson 5 viên để làm cảnh thì nhiều hơn là để chiến đấu tự vệ. Chỉ còn khoảng nửa giờ xe là chúng tôi đã trở về thành phố sương mù: quê ngoại của các con tôi.
Tôi biết Ðà Lạt trễ tràng. Suốt cả thời thiếu niên đi học, là những tấm bưu ảnh thác Cam Ly, hồ Than Thở, những đồi thông xanh, những con đường viền hoa đủ màu sắc; tôi hình dung Ðà Lạt như một thành phố của những câu chuyện cổ tích êm đềm, như một Thiên Thai của Lưu Thần, Nguyễn Triệu; một nơi nào đó rất xa cõi trần ô trọc này. Khi những chiếc phi cơ vận tải C-123 đáp xuống phi trường Cam Ly vào tháng 5 năm 1967 chở gần hai trăm anh em chúng tôi về nhập trường Ðại học Chiến Tranh Chính Trị, hình ảnh thực đầu tiên của Ðà Lạt trong tôi là căn nhà sàn bằng gỗ xinh xắn lẫn giữa những hàng thông xanh – là nơi chúng tôi nghỉ ngơi chờ điểm danh và lên xe về trường. Hai trăm anh chàng sinh viên sĩ quan mà 4 tháng quân trường Thủ Ðức đã làm cho đen đúa, ồn ào chúng tôi bổng dưng thấy lạc lỏng giữa những người Ðà Lạt da dẻ hồng hào, ăn nói nhỏ nhẹ và cử chỉ khoan thai. Ðà Lạt đây rồi, nơi chúng tôi sẽ văn ôn võ luyện trong hai năm tới, đã đón chúng tôi bằng những sợi nắng vàng tơ đậu trên cầu vai alpha bóng loáng, bằng hơi sương lành lạnh luồn nhẹ vào ngực áo treilli đã sờn bạc nhiều nơi. Cô gái Ðà Lạt chúng tôi gặp đầu tiên trong quầy bán cà phê tại phi trường quả là một thiên thần, một nàng tiên cá.
Chỉ một tuần sau, Ðà Lạt đã thấy xuất hiện những chú lính mới không giống ai. Cô đơn giữa phố phường xa lạ, cáphuchoa6c anh chàng CTCT trong bộ quân phục kaki vàng, nón beret không phù hiệu ngơ ngác từng tụm năm tụm ba ở các góc đường hay ngồi yên lặng trong các quán phở, cà phê, nhìn người qua kẻ lại cho hết một ngày rồi lặng lẽ về trường. Trong khi đó, các anh chàng Võ Bị đẹp mã trong bộ worsted 4 túi, alpha, nón két viền màu đỏ tươi, hãnh diện đi bên cạnh các cô gái xinh tuơi, má đỏ môi hồng. Ôi, cái thân hình đen đúa Trương Chi này biết bao giờ mới được cái diễm phúc kia!!! Cho dù chỉ cách một ngọn đồi đối diện là ngôi trường nữ trung học Bùi Thị Xuân với hàng trăm em gái nõn nà, thơm phưng phức, những hình ảnh tha thướt áo dài xanh kia cũng chỉ là một giấc mơ thôi.
Cà phê Tùng, Mê Kông, Tuổi Ngọc dần dần trở thành tụ điểm của anh em chúng tôi. Rồi cũng đến lúc chúng tôi ra phố với đầy đủ quân phục đạo phố muà hè, phù hiệu, cấp hiệu chỉnh tề. Rồi cũng đã thấy nhiều anh đã có người đẹp tháp tùng. Nhưng tội nghiệp cái túi tiền nhỏ bé của anh chàng SVSQ chỉ cho phép đôi bạn dạo lên xuống, quanh quẩn bờ hồ rồi dừng chân bên nhà Thủy Tạ hưởng chút hương vị ấm áp của ly cà phê đậm đắng. Tôi chẳng có bạn gái, nên cuối tuần ra nhà người chú ở ngoại ô, trên con đường mà nay đã quên tên, vui đùa cùng một tá những đưá em tuổi từ đôi mươi xuống đến tuổi mặc quần thủng đáy. Sáng chủ nhật của tôi là ngồi uống cà phê, hút thuốc một cách yên lặng trên hành lang căn biệt thự cổ, nhìn xuống chân đồi, nơi những bóng người qua lại trong sương. Cứ như thế này dễ trở thành triết gia hay thi sĩ hơn là một quân nhân lắm. Chỗ này đây, gần trường trung học Trần Hưng Ðạo, nơi đầu thập niên 60 đã xảy ra một mối tình lãng mạn tai tiếng làm nòng cốt cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Vòng Tay Học Trò” của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng mà tôi cũng có đôi chút quan hệ gia đình.
Cô giáo Trâm, nhân vật chính của truyện cũng như nhiều nhân vật phụ khác là có thực. Dì Trâm (tạm gọi như thế) và tôi ở cùng nhà trước đây vào năm 1964 tại Nha Trang. Dì là một phụ nữ đẹp, nở nang, duyên dáng và lịch thiệp. Dì có đôi má rất hồng; hồng một cách tự nhiên; lại có đôi mắt rất đen đượm nét đa tình mà lúc nào cũng long lanh như khuyến khích, mời gọi. Khách đa tình mà lại ở một nơi hữu tình như Ðà lạt thì chẳng có bờ đê nào có thể ngăn được những cơn sóng tình dạt dào chực tuôn vỡ khỏi con tim tràn đày nhựa sống của lứa tuổi thanh xuân.
Muà này Ðà Lạt đang nắng ấm. Nắng chiếu những tia vàng trong xuyên qua kẻ lá. Những cơn mưa hè rất nhẹ và ngắn thỉnh thoảng đổ xuống để lại những hạt kim cương đọng trên những cánh hoa như trang điểm. Hoa Ðà Lạt thì muôn màu, muôn hương, có đủ các loài hoa cho từng mùa. Hoa trồng tỉa khéo léo trong vườn nhà; vươn mạnh từ các bụi cây hai bên đường, hay trải rộng một vùng trên hai tầng chợ Hoà Bình. Ðẹp nhất là vào mùa xuân, khi hoa đào nở rộ trên những con đường. Ðâu đâu cũng thấy màu hồng tươi mát, mơn mỡn như má các cô nàng nữ sinh BTX. Chả thế mà ông Hoàng Thi Thơ đã cảm tác nên bản nhạc “Mối Tình Màu Hoa Ðào” nói lên mối duyên bẻ bàng của một cô gái Ðà Lạt với một người khách phương xa mà khi hai người đang ước mơ một hạnh phúc lâu bền, thì chàng hy sinh ngoài chiến địa (thực ra tôi không đồng ý với chữ bẽ bàng của HTT; vì không phải do nghịch cảnh làm hai người yêu nhau phải đành đoạn lìa nhau). Tôi lại chợt nghĩ đến chút duyên nào đó, mà trong số ít ỏi những bài hát hay và nổi tiếng về Ðà Lạt, có đến bốn bài do các nhạc sĩ người Quảng Trị sáng tác. Ngoài bài Mối Tình Màu Hoa Ðào nói trên, là bài “Giã Từ Ðà Lạt” của Duy Khánh, “Ai Lên Xứ Hoa Ðào” và “Bài Thơ Hoa Ðào” của Hoàng Nguyên. Ôi, còn gì thơ hơn là “Ðà Lạt là …giấc mơ tiên nữ giáng xuống trần; tóc mây buông lơi tha thướt bên hồ. Ðợi tình quân đến trong giấc mơ..”(BTHÐ) Tôi cũng ngờ ngợ rằng, bản nhạc tuyệt vời “Ðường Nào Lên Thiên Thai” đã được Hoàng Nguyên sáng tác khi anh dạy Việt văn tại trường Tuệ Quang khu phố 4, Ðà Lạt. Anh đã từ bỏ Việt Minh, rời chiến khu trở về thành năm 1952 (Hoàng Thi Thơ cũng về thành trong năm này). Bị công an đệ nhất cộng hoà bắt vào tù 2 lần vì những hoài niệm về kháng chiến còn phản ánh trong vài bài hát của anh (Anh Ði Mai Về, Lời Người Ở Lại, Hoà Bình, vân vân). Khi ra khỏi tù, anh chuyển hướng hẳn vừa về khuynh hướng chính trị lẫn về thể tài văn nghệ. Bài Bao Giờ Anh Trở Lại nhắn nhủ những người “lạc bước khi qua cầu” hoặc Anh Ði Về Ðâu, ca ngợi những quân nhân chiến đấu bảo vệ miền Nam. Bản thân anh cũng gia nhập quân đôi, lên đến cấp Ðại úy thì bị tử nạn ngày 21 tháng 8 năm 1973 tại Saigon.
Hai năm ở Ðà Lạt của tôi là hai năm thần tiên. Hàng rào kẽm gai, kỷ luật gắt gao quân trường không ngăn nổi Từ Thức đi tìm đào tiên của tiên nữ. Tôi cũng đã tìm được Ðường Lên Thiên Thai từ cổng trường CTCT nơi cuối đường Võ Tánh, đi dọc bờ hồ Xuân Hương, lên dốc nhà thờ Chính Tòa và dừng ở cư xá Bưu điện Ðà Lạt. Tôi đã chuyển cõi Thiên Thai nhỏ bé của tôi đó bằng đủ phương tiện, từ xe honda, xe jeep, GMC, trực thăng, C130… đến khắp các xó xỉnh vùng 3 Chiến Thuật và bây giờ neo lại ở thủ phủ tiểu bang Texas, cùng với 4 tiên đồng ngọc nữ.
Ðiều chắc chắn là những kỷ niệm xứ hoa đào này đã là chất keo hàn gắn mối tình lâu bền dù trải qua bao lần thăng trầm đắng cay của cuộc sống lưá đôi. Những lần có chuyện không vui xảy ra, tôi cứ ngồi ôn lại những ngày êm đềm để thấy càng yêu, càng thêm trách nhiệm với người bạn đời.
Ða số các cô gái Ðà Lạt lấy chồng Võ Bị hoặc CTCT. Vì thế số phận hồng nhan các cô rất đa truân. Một tỷ lệ không nhỏ các bà đã trở thành goá phụ sau thời gian ngắn ngủi mà hương lửa ái ân chưa kịp mặn nồng. Những bà may mắn thì cũng vò vỏ đêm thâu làm thân thiếu phụ Nam Xương, giật mình theo từng tiếng đại bác từ chiến trường vang vọng về thành phố, hay hồi hộp theo dõi bản tin mới nhất trên đài phát thanh, báo chí về một trận đánh đẫm máu nơi nào đó đêm qua. Khi tôi còn chiến đấu ở bộ binh, người đẹp của tôi đã nhiều lần theo tôi đi khắp khu 32 CT, từ chiến khu D đến Tam Giác Sắt, từ Lai Khê cho đến An Lộc, Lộc Ninh. Có khi vào tận căn cứ đại đội đóng quân trong rừng Long Nguyên giữa tiếng nổ chát chúa của đạn cối, hỏa tiễn địch chào đón chiếc trực thăng vừa đáp xuống. Nàng cũng ăn cơm sấy pha nước hố bom, cá khô nướng vội như những người lính chúng tôi. Tối, hai đứa nắm xoay hai hướng chia nhau một chiếc võng nylon nghe từng giọt mưa buồn tí tách trên poncho. Cũng có lần phải nhào xuống lòng giếng cạn vì trái đạn nổ rất gần.
Tôi về Ðà Lạt rất thường xuyên khi phục vụ tại Căn cứ 20 Chiến Thuật Không Quân (Phan Rang). Có khi theo phi tuần A-37 đi đánh bom ở cao nguyên vùng 2 chiến thuật; khi về, thế nào cũng năn nỉ phi tuần trường (Dương Thiệu Chí, Võ Phi Hổ) tách hợp đoàn, bay tạt qua Ðà Lạt. Sà xuống thấp trên thành phố, tôi chỉ vào khu nhà nằm lẫn trong vườn mận Trại Hầm khoe với Chí, “Kia là nhà vợ tôi”; “đó, đó là con đường tình yêu”. “đây, trường CTCT; kià, xuống thấp chút nữa để xem mấy cô Bùi Thị Xuân tan học về.”
Dường như chí ít, Không quân Việt Nam cũng đã làm quà cho Ðà lạt mỗi loại phi cơ một chiếc; chiếc thì đâm nhào xuống hồ Xuân Hương, chiếc thì gãy cánh trên sân cù do các anh phi công đa tình, liều mạng biểu diễn cho người đẹp xứ hoa đào thưởng ngoạn. Có cô vợ anh chàng F-5 đem con cái cùng gia đình đứng chờ xem chồng để rồi thấy chiếc phản lực vì bay quá thấp đã vướng dây điện đâm xuống đất nổ tung.
Rồi đau thương ập đến sau 30-4 bảy lăm. Bao cô gái xinh đẹp ngày nào lại quần ống cao ống thấp, lem luốc trên đường vật vả kiếm sống, nuôi chồng tù tội trước sự dụ dỗ, hăm dọa của bọn cán bộ Cộng sản. Cô gái Ðà Lạt mủm mĩm của tôi ngày nào nay lại phải thức hàng đêm muối cá làm mắm hay đong từng lon gạo đi bán kiếm vài ba xu một ngày. Rồi một thân một mình vượt hàng chục cây số đường rừng, gánh hàng chục ký quà, lặn lội thăm chồng tận các trại tù “cải tạo” miền Trung, miền Bắc xa xôi hẻo lánh. Con cháu nữ tướng Bùi Thị Xuân đã sống, đã chiến đấu can trường không thua kém các anh đang chịu cảnh tủi nhục gông cùm nhà giam.
Năm 1986, sau một năm ra trại và hết sự quản chế của công an địa phương Vũng Tàu, tôi về thăm lại Ðà Lạt. Cũng vẫn cảm giác bồn chồn xưa, nhưng niềm vui đã tan mất khi nhìn một bầu trời xám xịt bao phủ trên một thành phố tiêu điều. Những con đường đẹp đẻ ngày xưa, giờ loang lỗ những ổ gà, bùn đất. Quanh hồ Xuân Hương chỉ thấy rác ruởi. Những lượt là nhung gấm ngày xưa giờ đã biến mất, thay vào đó là màu áo quần vàng úa của bọn công an xen lẫn trong các bộ áo quần rách rưới của đám quần chúng lam lũ. Những đôi dép râu dẵm lên những vỉa hè mà ngày xưa dành cho những gót chân ngà ngọc. Chỉ thấy nón cối. Chỉ thấy những bộ áo quần bộ đội nửa muà. Chỉ thấy màu đỏ máu thay cho các màu sắc tươi sáng ngày xưa. Ðà Lạt như chết thật rồi. Hồ Xuân Hương giờ khô cạn cũng chết rồi. Người Ðà Lạt thanh lịch đã đi bớt, nhường chỗ cho đám con dân “bác Hồ” vừa phét lác vừa ngốc nghếch làm bẩn cả thành phố dấu yêu. Những người anh em bạn bè cũ của tôi nay có người đạp xe thồ, bán bong bóng, hay dọn về làm rẫy ở một vùng sâu trong rừng Tà In, Di Linh an phận với cuộc đổi đời hiếm có. Các cháu lớn lên sau này, nhìn thấy chiếc xe Honda hai bánh như là một vật từ cung trăng rơi xuống; chạy theo cố sờ thử một lần cho biết mùi văn minh!!!
Ðà Lạt bấy giờ là cà phê bằng bột bắp, dù hàng ngàn mẫu đất quanh đó cho một sản lượng đáng kể. Ðà Lạt bấy giờ là tô phở lỏng bỏng nước được nêm bằng một muỗng bột ngọt. Ðà Lạt bấy giờ là các cô bán hàng quốc doanh trọ trẹ giọng Nghệ An xấc láo ném hàng vào mặt khách. Ðà Lạt bấy giờ với chính tôi lẻ loi, gầy còm, ngơ ngác lê đôi dép nhựa trên con đường Minh Mạng, Phan Ðình Phùng, cố tìm chút dấu vết xưa. Chỉ còn những người thân, mà chính họ cũng phải đổi thay theo cơn lốc phủ phàng của giòng đời. Còn đâu những lần “dừng chân bên hồ nghe chiều rơi,..chiều xuân mây êm trôi..” rồi để lòng mình “dạt dào vương ý thơ…và … lạc bước trong lãng quên”
Hai mươi năm ở Hoa Kỳ, tôi chưa về lại VN. Nghe đâu Ðà Lạt đã sáng sủa hơn nhờ kỹ nghệ du lịch để moi tiền du khách và Việt kiều. Tôi vẫn không tin rằng Ðà Lạt sẽ được phục hồi như ngày xưa. Cảnh sắc có thể đẹp lại, có thể hơn xưa nhưng tâm hồn con người Việt Nam nói chung, Ðà Lạt nói riêng chỉ thực sự phục hồi trong một môi trường văn hoá tự do mà thôi.
Ở Mỹ đây, tuy không có cảnh nên thơ của Ðà Lạt sương mù; nhưng những con người Ðà Lạt thanh lịch ngày nào ngồi lại với nhau cũng đủ tạo một không khí ấm cúng sưởi ấm tâm hồn những người hoài niệm về quê hương đã mất.