Người Mỹ Gốc Việt và Sinh Hoạt Chính Trị Ðịa Phương

Đỗ Văn PhúcCBPHLDHV

Trong phần mở đầu của bản Tuyên ngôn Ðộc lập của nước Hoa Kỳ, có đoạn: “Mọi người sinh ra bình đẳng, được đấng Tạo hoá ban cho những quyền bất khả nhượng, trong đó có quyền Sống, quyền Tự Do, và quyền Mưu Cầu Hạnh Phúc.” Ðiều đó xác nhận những quyền căn bản của con người vốn gắn bó ngay từ khi con người sinh ra, góp mặt với đời. Nhưng thực tế nó không đơn giản và dễ dàng tự nhiên có được. Kể từ khi nền Cộng hòa La mã, Hy Lạp nhường chỗ cho các đế quyền, những quyền con người này bị giới thống trị tước đoạt trong hàng ngàn năm và chỉ được dần dần tái xác nhận sau các cuộc cách mạng Anh do Oliver Cromwell lãnh đạo (thế kỷ 17), cách mạng Pháp năm 1789, đưa đến bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Ðể có được một bản Tuyên ngôn như thế, hàng vạn người bao thế hệ đã phải hy sinh mạng sống của mình, bao nhiêu chiếc đầu đã rơi trên pháp trường, bao nhiêu vạn con người khác phải chịu đày đọa trong các trại tù từ Âu sang Mỹ. Ngay cả sau khi Bản Tuyên ngôn Ðộc lập ra đời, không phải mọi người sống trên mảnh đất Hoa kỳ đều được hưởng đầy đủ quyền tự do. Dân chủ, tự do chỉ áp dụng cho người da trắng; còn dân da đen, da đỏ vẫn cam kiếp sống nô lệ, bị chèn ép, tước đoạt từ của cải, đất đai và ngay mạng sống. Phải đến sau cuộc nội chiến (1814-1861), nô lệ da đen mới được giải phóng và chỉ mới thực tế được hoàn toàn bình đẳng trong khoảng ba mươi năm nay thôi.
Dĩ nhiên không phải giới cầm quyền tự ý trao trả cho dân quyền Tự do Dân chủ; dĩ nhiên không phải người da trắng thương mến người da đen mà cho họ bình đẳng. Khởi đi từ những nhà lý luận thời xa xưa như như Platon, Aristote, cho đến Montesquieu, Jean Jacques Rousseau, Benjamin Franklin…, những nhà hoạt động, đấu tranh như Cromwell, Danton, Saint Just, Martin Luther King…, những phong trào với hàng vạn hàng trăm ngàn người cùng nhất tề đứng dậy. Khi dũng mãnh như ngọn cuồng phong, khi ôn hòa như cơn gió thoảng; nhưng đã biểu lộ một quyết tâm “Sống tự do hay là chết” để vãn hồi những quyền cơ bản của mình.
Vậy, Tự do dân chủ không tự có đuợc, cũng không do xin xỏ, van nài mà có được. Nó phải do một quá trình đấu tranh lâu dài, bền bỉ, thấm nhiều xương máu, hao tốn nhiều tài lực, hy sinh. Dĩ nhiên con người phải luôn luôn duy trì đấu tranh để bảo vệ nó, làm cho nó thăng hoa, đáp ứng mưu cầu vì hạnh phúc của bản thân , gia đình và của tất cả mọi người trong thế hệ này hay cho các thế hệ mai sau.
Dân tộc Việt Nam đã đấu tranh trong hàng ngàn năm để dành độc lập chủ quyền cho đất nước. Quá trình dân chủ hoá chỉ mới được bắt đầu từ khi thiết lập chế độ Cộng hòa năm 1956 với bản hiến pháp theo khuôn mẫu Tây phương ấn định tam quyền phân lập và ghi rõ đầy đủ quyền tự do dân chủ của công dân. Dân miền Nam mới tập tểnh đi vào nếp sống dân chủ và dĩ nhiên có nhiều điều trắc trở. Trước hết là do sự giáo dục chính trị chưa rộng khắp, ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ chưa được phát huy, sự hiểu biết và áp dụng tự do có khi còn hạn chế hay sai lạc đi đến quá trớn. Kế đó là nguyên do của một chính quyền mới tiếp thu từ chế độ quân chủ, thuộc địa còn mang nặng tư tưởng phong kiến. Giới lãnh đạo còn xem dân như là giới bị trị, nên nạn lộng hành và xâm phạm tự do đã trở nên nghiêm trọng dẫn đến biến cố 1-11-1963, thiết lập nền đệ nhị Cộng hòa do nhóm tướng lãnh vô tài nắm vai trò lãnh đạo đất nước.
Từ đó, nền chính trị Việt Nam trở nên rối ren hơn bao giờ hết. Người dân hưởng một chế độ dân chủ tự do, nhưng không tròn nghĩa của nó, mà là thứ tự do vô trật tự, Dân chủ bị lạm dụng từ nhiều phía. Bên cạnh, sự đe dọa của xâm lăng Cộng sản làm cho dân chủ tự do bị hạn chế trên nhiều mặt. Ðiều này ta không trách cứ chính quyền được, vì cần bảo vệ an ninh trật tự trước sự xâm nhập phá hoại, khủng bố của Cộng quân.

Khi Cộng sản chiếm miền Nam, người dân Nam mới thấy hối tiếc những ngày tháng tự do dân chủ trước kia, thì đã muộn. Tuy nhiên, trong thất bại mà lại thấy nhiều điều lợi về chính trị; đó là sự mở mắt cho đồng bào, cán bộ miền Nam thấy được sự khác biệt giữa chế độ Cộng hòa miền Nam và chế độ Cộng sản miền Bắc. Hệ quả của sự khai hoá chính trị này là Cộng sản đã không thành công trong việc áp đặt các biện pháp thô bạo nhằm kềm kẹp dân chúng theo khuôn khổ mà chúng đã thành công ở miền Bắc từ 1954. Hệ quả cũng là những tầng lớp cán bộ trước đây vì lòng yêu nước mà lầm lỡ theo Cộng sản đã thức tỉnh thấy mình bị lừa dối cho một bọn người vô lương bịp bợm. Những Nguyễn Hộ, Hà Sĩ Phu, Dương Thu Hương viết lên những bản án sâu sắc về tội ác mà Cộng sản đã gieo rắc trên quê hương, đồng bào trong hơn nửa thế kỷ qua (tuy những người này vẫn chưa nhìn nhận cái sai trái của chủ nghĩa Cộng Sản).
Phong trào đấu tranh trong nước lên cao mạnh mẻ xuất phát từ nhiều tầng lớp dân chúng, tôn giáo. Hàng ngàn trại tù khắc nghiệt không làm chùn bước chân những chiến sĩ đấu tranh cho tự do dân chủ.
Nền tự do dân chủ Việt Nam đã phải mua bằng quá nhiều máu xương của nhiều thế hệ mà cho đến nay vẫn chưa thành công. Ðó không phải là vì nhân dân thiếu tinh thần, thiếu quyết liệt hay vì chế độ Cộng sản hay ho mà bảo toàn được chuyên chính của chúng. Ðể chống lại một lực lượng quân sự, công an hàng triệu tên võ trang đến tận răng, dựa trên một chính sách cực kỳ tàn bạo, nhân dân ta cần có nhiều hổ trợ bên ngoài. Ðó là lực lượng những người quốc gia đã may mắn đến bến bờ tự do và thành đạt. Buồn thay, người quốc gia hải ngoại, dù có nhiều đoàn thể đảng phái chân chính hết lòng vì lý tưởng chung, thì cũng không thiếu bọn đầu cơ, trục lợi, bọn đón gió trở cờ và lũ người vô luân chuyên phá hoại bôi bẩn lẫn nhau. Vô tình hoặc cố ý, những hành vi này làm cho sự yểm trợ của đồng bào vào công việc chung lơi dần, lòng tin bị mai một. Và tâm trạng chán chường đã đưa đến việc đại đa số người đứng tách ra bên lề, làm kẻ ngoại cuộc đối với khổ đau của đồng bào; làm ngơ trước những khát vọng tự do của ngay chính bạn bè, thân nhân mình nơi quê hương xa xôi kia.
Cũng chính vì hậu quả của những năm sống trong chế độ hỗn loạn miền Nam, khi mà công việc điều hành quốc gia bị coi là việc của người cầm quyền; hoặc trong những năm dưới chế độ Cộng sản, người dân bị tước đoạt hết tất cả dân quyền, ngay cả nhân quyền, người Việt tha hương khi đến Hoa Kỳ định cư cũng đã đứng bên ngoài mọi sinh hoạt chính trị địa phương. Họ tận hưởng những tự do dân chủ vốn sẵn có mà không hề thắc mắc về công lao ai đã đấu tranh cho được như ngày hôm nay, hoặc thắc mắc làm sao để có thể bảo vệ nó, hoặc phát triển thêm dân chủ tự do cho sắc dân mình trong xã hội đa chủng này.

Ngưòi Việt chỉ mới bắt đầu những hoạt động dịch vụ nhỏ như mở tiệm ăn, siêu thị, sửa chữa xe cộ … Họ chưa đụng chạm đến những vấn đề cạnh tranh lớn cần có sự hổ trợ của pháp luật và những nhà hành pháp, lập pháp. Vì thế nên ý thức tham gia để có tiếng nói của cộng đồng Việt Nam trong nghị trường chưa được phát triển. Người Việt tại nhiều thành phố đã tạo nên một tỷ lệ khá cao so với các dân khác, chỉ đứng sau người da đen và Mexico. Nhưng cộng đồng lại không mạnh, thiếu tổ chức, thiếu hướng dẫn. Mà dù có chăng nữa, thì cũng chỉ gói gọn trong phạm vi sinh hoạt riêng, chưa bung ra trong sinh hoạt chung với các cộng đồng bạn, và nhất là chưa tham gia sinh động vào chính trị Hoa kỳ.

Người Mỹ tham gia chính quyền qua sử dụng quyền cử tri, dùng là phiếu để biểu lộ chính kiến, chọn người vào trong guồng máy công quyền. Vì họ có sức mạnh của lá phiếu, nên tiếng nói của họ luôn luôn được lắng nghe và tôn trọng bởi những người do họ bầu ra. Dân chủ cũng có luật chơi của nó. Ðó là Cho và Lấy. Có sẵn sàng cho người ta lá phiếu, thì sau này mới mong lấy được những quyền lợi mà người đại biểu tranh đấu hết lòng cho mình nơi nghị trường. Trong mỗi mùa bầu cử, từ cơ quan nhỏ như thành phố, county cho đến cơ quan trung ương, người công dân Mỹ bỏ tiền ra hàng trăm triệu dollars để ủng hộ cho người tranh cử. Họ bỏ cả những ngày làm việc để đi cổ động, tham dự tại các cuộc nói chuyện, biểu dương… Họ sẵn sàng đi xa hàng ngàn miles để dự một cuộc tụ họp lớn nói lên tiếng nói của họ.
Cứ lấy gương những người Cuba tị nạn thì thấy rõ do đâu mà trong hàng chục năm qua, Hoa Kỳ vẫn còn giữ các biện pháp nghiêm nhặt đối với chế độ Cộng sản do Fidel Castro cầm đầu. Chúng ta không chối bỏ sự kiện là một nước Cuba cộng sản bên hông Hoa kỳ là một cái gai nhọn, ảnh hưởng đến cả chính sách Mỹ tại châu Mỹ. Nhưng phải thấy sự đoàn kết chặt chẽ của người Cuba chống cộng và những nỗ lực của họ để duy trì sức mạnh làm hậu thuẫn cho các chính sách của Hoa kỳ hướng về Cuba trong ba mươi lăm năm qua. Khi cần có chục triệu dollars để lobby chính quyền, dân Cuba quyên góp ngay trong thời gian rất ngắn. Khi cần có hàng ngàn người biểu tình, dân Cuba triệu tập ngay làm thành một làn sóng khổng lồ để cho giới cầm quyền Mỹ thấy rằng không thể bỏ qua nguyện vọng của họ là đấu tranh cho một Cuba tự do. Vừa qua, Quốc hội Hoa kỳ đã thông qua đạo luật cho phép người Cuba tị nạn kiện ngụy quyền Castro để đòi lại toàn bộ tài sản mà họ đã bị Castro chiếm đoạt. Tại tiểu bang Florida, cử tri người Cuba đi bầu chiếm một tỷ lệ rất cao. Ðó chính là trọng tâm của sức mạnh chính trị của họ.
Trong những lần tiếp xúc với các nhà cầm quyền địa phương, chúng tôi đã được họ ngay thẳng cho biết người Việt Nam ít được họ quan tâm, vì họ không thấy sự đắc cử hay thất cử của họ có phần đóng góp của những lá phiếu Việt Nam. Không đi bầu phiếu, nhưng khi cần đến thì gõ cửa kêu gào. Năm trước đây, trước khi Hoa kỳ quyết định bãi bỏ cấm vận, rồi tiến đến bang giao với Cộng sản Việt Nam, nhiều đoàn thể, cộng đồng Việt Nam đã viết thư đến Quốc hội, Tổng thống Hoa kỳ để áp lực cho việc duy trì cấm vận, nhưng vô hiệu quả. Trong khi Việt Cộng bỏ ra hàng trăm triệu dollars qua tay tên phản bội Nguyễn Văn Hảo để mua chuộc bộ trưởng Thương mãi Ron Brown thúc đẩy nhanh chóng việc bỏ cấm vận. Chúng ta chắc chắn có thể vận động được hàng triệu dollars nếu như ai cũng ý thức quyền lợi tối thượng của tổ quốc – Máu xương còn đóng góp được, phương chi là đồng tiền dễ kiếm ra- Dù chúng ta không đủ tài lực, thì chúng ta cũng có dư nhân lực. Trong bầu cử, nhiều khi một lá phiếu, một thôi nhé, cũng đủ làm nghiêng phần thắng bại của ứng cử viên.

Ðã đến lúc phải mạnh dạn tham gia vào công quyền qua việc ghi danh và đi bầu. Ðã đến lúc người Mỹ gốc Việt phải là một lực lượng chính trị có tầm vóc tại điạ phương. Ðã đến lúc người Việt sẽ có những hoạt động kinh doanh, dịch vụ có tầm cỡ công ty, đại công ty và chắc chắn cần có sự bảo vệ của pháp luật Hoa Kỳ.
Chúng ta không cần phải bày tỏ sự ủng hộ đối với đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ, đó là quyền của mỗi cá nhân.Chúng ta chỉ cần bày tỏ mối quan tâm đến việc sử dụng quyền tự do dân chủ, và quan tâm đến việc bảo vệ cho những quyền đó. Chúng ta không thể cứ thừa hưởng công sức đấu tranh cuả người khác mà không đóng góp cho chính bản thân và thế hệ mai sau.

Hãy bắt đầu tham gia đông đủ vào các cuộc bầu cử trong năm 1996, xây một nền móng cho sinh hoạt chính trị để sắp tới đây có thể cử đại diện người Việt vào công quyền bắt đầu từ địa phương mình. Có thế mới mong có ngày đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh cho nền dân chủ tự do của Việt Nam qua những chính sách đối ngoại cần thiết từ chính phủ và quốc hội Hoa kỳ.