Nhân Quyền, Lợi Khí Sắc Bén

Nhân Quyền, Lợi Khí Sắc Bén Nhất Hiện Nay
để Giải Thể Chế Ðộ Cộng Sản Việt NamBieuTinhChongTruongTanSang
Washington DC đang vào giữa mùa xuân. Tuy giữa trưa mà ánh mặt trời vẫn dịu dàng chứ không gay gắt như mặt trời Texas. Hai bên đường những phố chính chạy qua toà Bạch Cung, Quốc hội Lưỡng viện, những cây anh đào nở hoa trắng hồng làm du khách thấy lòng nhẹ nhàng, thơ thới. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng ta khi đi qua cầu trên dòng sông Potomac để đi vào khu trung tâm là Tháp bút tưởng niệm vị Tổng thống đầu tiên Washington, mà dân điạ phương gọi là cây bút chì, đang ở trong giai đoạn tu bổ, Giàn giá kim loại bao quanh tháp để thợ làm việc, tuy vậy không làm mất đi vẻ mỹ quan của kiến trúc. Từ tháp bút này, đi qua hai công viên lớn là đến toà Bạch Cung, nơi Tổng thống Hoa Kỳ làm việc, và cũng là nơi Ủy ban Tổ chức Vận động Quốc tế cho Nhân quyền VN đang tổ chức tuyệt thực và biểu tình ngày Chủ nhật 9 tháng 5 vừa qua.

Tiếc thay, chúng tôi không phải là du khách để có thì giờ chiêm ngưỡng những công trình tráng lệ, đầy tự hào của thủ đô một nước siêu cường hàng đầu trên thế giới. Chúng tôi, 30 người từ Austin, đã vượt hơn 1500 dặm xuyên bang về đây đóng góp phần nhỏ bé của mình vào phong trào đấu tranh cho Nhân quyền cho Việt Nam, diễn ra ở Thủ đô vào trung tuần tháng 5 này.
Cách đây 5 năm, Quốc hội Hoa Kỳ đã chấp thuận chọn ngày 11 tháng 5 là ngày Nhân Quyền cho Việt Nam. Ðạo luật này đã được Tổng thống Bill Clinton ban hành; từ đó làm cái mốc cho ngườI Việt Nam chúng ta thúc đẩy các hoạt động đấu tranh hướng về quê hương, nơi hơn bảy mươi triệu đồng bào ta đang sống rên xiết trong sự đàn áp cùng cực của bạo quyền Cộng sản.
Chỉ vì hai chữ Nhân Quyền, dân tộc ta đã phải đổ xương máu không phải chỉ trong thế kỷ 20 này chống lại thực dân và Cộng sản, mà triền miên từ bao đời trước chống lại các ách thống trị phong kiến hoặc xâm lược từ Trung Hoa. Những ngày đó ít ai biết tới hai chữ Nhân Quyền dù rằng nó phải gắn liền với cuộc sống chúng ta ngay từ khi lọt lòng mẹ.

Nhân Quyền là Căn Bản.

Con người khi sinh ra, không lựa chọn được môi truờng của mình. Có người sinh ra trong gia đình giàu sang, trong một xã hội tốt đẹp; lại có kẻ sinh ra trong bần cùng, nơi một nước nghèo nàn, lạc hậu. Ðó là sự bất công đầu tiên mà con ngưòi phải gánh chịu. Nhưng dù ở môi trường nào, thì con người vẫn bình đẳng trong quyền sống. Ðó là quyền thiêng liêng, bẩm sinh theo quan niệm của chúng ta ngày nay. Phạm vi của Nhân quyền rất rộng lớn. Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc liệt kê ra trong 30 điều khoản các chi tiết về nhân quyền mà trước hết, đó là quyền tự do và bình đẳng về nhân phẩm cũng như về quyền lợi. Nói chung là quyền được sống như một con người. Ðược có những điều kiện thăng tiến như nhau. Ðược suy nghĩ theo ý mình và phát biểu điều mình suy nghĩ. Ðược theo đuổi, hành xử theo điều mình tin tưởng là đúng, là hay. Ðược chọn nơi cư trú, được đi lại theo ý muốn của mình. Ðược theo đuổi công việc do sở thích và khả năng của mình. Ðược yêu điều mình yêu, ghét điều mình ghét.
Có lẽ trong cái xã hội thô sơ của con người thời khai thiên lập địa, họ đã thụ hưởng hoàn toàn nhân quyền của mình. Không ai tự cho mình có quyền hơn người khác cho đến khi có một tổ chức ra đời để cai quản sinh hoạt của các nhóm người sơ khai đó.
Quyền con người sau đó đã bị tước đoạt bởi kẻ dũng mãnh. Những kẻ này dùng sức mạnh của mình để chiếm lấy quyền cai trị và tự đặt ra luật lệ để trói buộc những người trong tập thể đó. Ðó là hình thức đầu tiên của chính quyền mà thông thường là độc đoán. Cũng có khi những nhóm người tự họp nhau lại, đặt ra một khế ước xã hội để cùng nhau sinh hoạt và tồn tại. Họ chọn ra người cầm đầu và ấn định những điều khoản về Dân quyền. Nhân quyền chắc chắn không thể nào là vô hạn khi con người phải sống chung trong một tập thể. Nhân quyền cũng bị hạn chế khi chính bản thân con người vi phạm thỏa ước xã hội. Sự giới hạn này là nhằm vào việc bảo vệ quyền lợi rất chính đáng của những người khác. Và đó là sự giới hạn trong công chính và thiện mỹ.

Ai Tước Ðoạt Quyền Con Người.

Từ khi củng cố quyền bính, các nhà lãnh đạo chuyên chế tự dành lấy quyền cho mình, coi nhẹ quyền của tha nhân. Nhưng để cho người dân mất dần ý thức về nhân quyền, giai cấp lãnh đạo đã đề ra những triết thuyết đánh lạc hướng con người vào những quan niệm thiên mệnh, sự khép kín của giai cấp. Bỏ qua một bên những khía cạnh tích cực của Nho Giáo về đạo lý xã hội, chúng ta sẽ thấy về phương diện chính trị, quan điểm của Khổng tử rất phản động. Ông phân biệt ba hạng người trong xã hội: hạng Thánh nhân, rất hiếm, là bẩm sinh; hạng Quân Tử,chiếm một tỷ lệ nhỏ trong xã hội, và hạng Tiểu Nhân thuộc đại đa số. Hạng Tiểu Nhân có thể tu tâm dưỡng tánh để thành người Quân Tử. Nhưng cả Quân Tử và Tiểu Nhân thì chẳng bao giờ trở thành Thánh Nhân. Vua Chúa theo ông có quyền lực là do thiên mệnh. Cả cuộc sống người dân cũng là do thiên mệnh đã an bài. Ðược an vui hạnh phúc hay khổ đau thì phải chấp nhận cuộc sống đó. Tuy ông chủ trương vua phải hiền đức, lo cho trăm họ, nhưng ông không ban phát một chút quyền nào cho ngườI dân đen bị trị. Chúng ta không lên án Khổng Tử như bọn Trung Cộng, vì đó là sự hạn chế của lịch sử. Chỉ có Mạnh Tử, học trò của ông là còn có chút khái niệm về dân quyền khi ông chủ trương ngườI dân có quyền lật đổ bạo quyền. Trải qua hàng ngàn năm, nhân loại đã chấp nhận cuộc sống bị trị mà chỉ biết cam tâm, than thở cùng trời đất chứ ít có mầm mống quật khởi để dành lại quyền thiêng liêng đó. Người ta đã mặc nhiên thừa nhận quyền của một hay nhiều ngườI khác cao hơn quyền của chính mình, thậm chí còn đem sinh mạng ra để bảo vệ cho thứ quyền phi lý đó!!! Những cuộc khởi nghĩa, đấu tranh tuy diễn ra với sự tham gia và ủng hộ rộng rãi của quần chúng bị áp bức, thực ra là chỉ để tranh giành quyền lực cho một người, hay một nhóm người. Hoặc nếu xa hơn là để giải thoát khỏi sự áp bức cùng cực. Chưa hề có cuộc đấu tranh thực sự cho nhân quyền một cách rộng rãi, mà kết quả là đem lại quyền sống và bình đẳng cho tất cả mọi người. Cuộc khởi nghĩa của nông dân thời Hậu Hán, cuộc khởi nghĩa của anh hùng áo vải Lê Lợi, Nguyễn Huệ cũng chẳng mang khái niệm nhân quyền nào.

Khi Nhân Quyền Ðược Tái Xác Nhận

Khi những người tị nạn từ các nước Âu Châu đặt chân lên mảnh đất Hoa Kỳ ngày nay, họ đã mang theo hạt giống của tự do và dân chủ. Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã được khai sinh trên căn bản của quyền con người. Trong đoạn mở đầu bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập (1776) có câu: “That all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable rights; that among these are Life, Liberty, and the pursuit of Happiness.” (Tất cả mọi người sinh ra bình đẳng, đuợc Thượng đế ban cho những quyền bất khả di nhượng, trong dó có quyền Sống, Tự do, và quyền theo đuổi hạnh phúc.)
Cách mạng Dân chủ Pháp đã dựa trên tinh thần bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập này để soạn ra Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền, trong đó nhấn mạnh quyền Tư Hữu, quyền Cá Nhân; và chính quyền Dân Chủ. Quyền Tư Hữu mở đầu cho chế độ Tư bản, thị trường tự do. Quyền Cá Nhân có các quyền tự do căn bản, tự do tín ngưỡng, bình đẳng trước pháp luật. Quyền Dân chủ, quan trọng nhất, là quyền lựa chọn thể chế và tiến hành cách mạng để giải thể chế độ độc tài.

Qua bao thăng trầm tiếp theo đó, mà máu đã đổ ra nhuộm đỏ nhiều địa danh giữa một bên là ngoan cố bảo vệ đặc quyền thống trị của giai cấp, một bên là cương quyết giành lại quyền con người, cuối cùng hàng loạt chính quyền dân chủ ra đời tại Âu Châu. Nhân Quyền đã thắng, được trả lại về tay người dân. Tại Hoa Kỳ, nhân quyền và tự do dân chủ chỉ dành cho người da trắng và những giới mày râu. Phụ nữ phải tiếp tục đấu tranh, người da đen phải tiếp tục đấu tranh. Nhân quyền bình đẳng trên lý thuyết, chỉ mới được cải thiện vào thời Tổng thống Kennedy khi người sinh viên da đen đầu tiên bước chân qua ngưỡng cửa trường Ðại học, và người da đen không bị phân biệt đối xử tại các nơi công cộng.
Mãi đến năm 1948, khi Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc đưa ra bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Về Nhân Quyền, nhân loại mới thức tỉnh ý thức về quyền sống của mình mà từ lâu họ tưởng như là một thứ ân huệ được ban phát hạn chế bởi các nhà cầm quyền.

Việt Nam: Còn Nhiều Vi Phạm Nhân Quyền Nghiêm Trọng

Tuy nhiên, tại các nước Á, Phi, Mỹ Latin, ánh sáng nhân quyền chưa thấy rọi đến. Ða số các nuớc này còn chìm đắm trong màn đêm của chế độ nô lệ thuộc địa . Những tên thực dân phương Tây coi người bản xứ còn tàn tệ hơn súc vật. Tấm biển “Cấm Chó và người Trung Hoa” được thấy tại các công viên trên lãnh thổ Trung Hoa bị người Tây Phuơng chiếm đóng. Người Việt Nam, đau thương hơn, trải qua các trào Phong Kiến, Thực dân, lại đến Cộng Sản. Người Việt ta hầu như mất hẳn ý thức về nhân quyền. Câu ca dao:
Con Vua thì lại làm vua,
Con sải ở chùa thì quét lá đa.
Nói lên sự chấp thuận một thân phận của mình mà không hề than van, thắc mắc. Xã hội Việt Nam đã tạo ra một tâm lý phó thác và vô can trước sự đàn áp của bạo quyền. Một phần cũng do guồng máy cai trị quá khắc nghiệt với các hệ thống đàn áp tinh vi và tàn bạo làm con người phải chùn bước đấu tranh.
Từ năm 1954 đến khi Cộng sản chiếm đoạt miền Nam, người dân miền Bắc không hề biết nhân quyền là gì. Họ không hề được nghe, được thấy điều gì của thế giới bên ngoài cái xã hội đóng kín của Cộng Sản. Họ không biết đến sự so sánh để thấy nổi đau khổ của mình to lớn dường bao. Họ cam phận cho cuộc sống ràng buộc của một nô lệ mà không mơ điều tốt đẹp hơn. Người miền Nam ngược lại, do đã sống 21 năm tập tành dân chủ tự do, mới nhận chân cái thứ quỷ sứ Chủ Nghĩa Xã Hội là tồi tệ đến tận cùng trong các chế độ từng diễn ra trong lịch sử loài người. Nhiều người đã than tiếc trả giá quá đắt cho một hòa bình sau 21 năm chiến tranh máu lửa. Ðó là cái giá mất nhân quyền. Nhưng làm sao bây giờ, khi một dân tộc đã quá kiệt quệ sau hơn một trăm năm chiến tranh. Tâm lý an phận vẫn thắng thế.
Dù bị Cộng sản đối xử như kẻ thù, như tôi tớ, thậm chí như súc vật, người Việt trong nước cũng khó lòng quật khởi khi miếng ăn lại là nhu cầu khẩn bách nhất. Thành phần ưu tú để lãnh đạo đấu tranh thì một phần lớn đã ra nước ngoài, một phần nhỏ thì vừa chớm lên đã bị cho vào tù. Cái hệ thống tư pháp vô luật lệ và chế độ khắc nghiệt của nhà tù đã thành công phần nào trong việc đàn áp các phong trào đấu tranh. Dân chúng chỉ còn nhìn ra hải ngoại, nghe ngóng từng tin tức để nuôi một hy vọng.

Ai Ðấu Tranh, Ðấu Tranh Như Thế Nào?

Buồn thay, tôi phải lập lại câu nói của Cộng Sản: “Nơi đâu có áp bức, nơi đó có đấu tranh” Ðúng thế, chính bản thân người bị áp bức phải phát khởi sự đấu tranh. Dù thành tâm đến đâu, người ta không thể đấu tranh dùm mà đem lại hiệu quả mong muốn được. Nhân Quyền không phải là thứ ân sũng để xin xỏ, đó là quyền tối thượng phải dành lại bằng đấu tranh, có khi bằng máu xương. Chúng tôi phải ca ngợi những sự dấn thân của nhiều nhân vật Việt Nam hải ngoại đã không ngừng cổ vũ phong trào đấu tranh cho dân tộc. Bản thân họ không cần gì phải đấu tranh, vì cuộc sống tại nước ngoài đã cho họ đủ điều kiện an vui, hạnh phúc. Họ đã bỏ thì giờ, tiền của, an vui hạnh phúc riêng để đi vận động Nhân Quyền cho Việt Nam chỉ vì tấm lòng yêu thương đối với đồng bào bất hạnh của mình. Dù ai có phê bình họ mang ít nhiều tham vọng, thì tôi vẫn ngưỡng mộ họ và sẵn sàng cùng tham gia. Nhưng họ không thể là nỗ lực chính. Chúng ta cũng không thể là thành phần xung kích trong cuộc chiến. Hãy dành trách nhiệm vinh quang này cho chính đồng bào ta tại nội địa. Ông Nguyễn Ðan Quế đã làm đúng khi chấp nhận ở lại Việt Nam để tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh.
Nói như thế không phải là cho rằng ông Nguyễn Chí Thiện, Ðoàn Viết Hoạt là không đúng khi chấp nhận ra đi khỏi nuớc. Mỗi người, trong vị thế và điều kiện của mình sẽ có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp, miễn là họ biết tận dụng thứ vũ khí, phương tiện sẵn có của mình một cách có hiệu quả. Chính các ông là chứng nhân sống, hùng hồn về một chế độ bạo tàn Cộng Sản

Ngày nay, Nhân Quyền là lợi khí sắc bén và nhạy cảm nhất để triệt hạ chế độ Cộng Sản.
Ðã là Cộng Sản, thì chắc chắn là đối lập với Nhân Quyền và Dân Quyền. Những kẻ tiếm đoạt quyền bính bằng vũ lực, khủng bố và thủ đoạn; thì hẳn chẳng bao giờ chấp nhận nhượng bộ cho ai một chút nhân và dân quyền. Vì làm thế thì có nghĩa là tự chặt chân chiếc ghế thống trị của mình.
Ðối với các dân tộc văn minh, thì chỉ một chút hình ảnh đàn áp nhân quyền cũng đủ làm cho họ xúc động mãnh liệt. Trong cái xã hội mà con chó, con mèo còn có bác sĩ riêng, bệnh viện riêng, thì họ khó thể hình dung được hình ảnh con người bị chết vì không có miếng ăn hay bị ngược đãi như tại Việt Nam. Chúng ta thức tỉnh lương tâm họ, và làm cho họ thấy đồng tiền thuế của họ không thể dùng để giúp đỡ cho chính quyền vi phạm nhân quyền.
Cộng sản Việt Nam sống lây lất cho đến ngày nay là do sự giúp đỡ của các nước. Nào cho vay không lãi, nào đầu tư, nào viện trợ nhân đạo… Chúng cũng sống nhờ vào đồng tiền chúng ta gửi về cho thân nhân. Nếu các nhà kinh doanh tư bản đặt vấn đề lợi nhuận cao hơn lòng nhân đạo và ý thức chính trị, chúng ta hãy cho họ thấy rằng doanh thu của họ nhắm vào hai triệu người Việt ở hải ngoại cao gấp chục lần doanh thu mà họ mong muốn từ 70 triệu dân nghèo tại Việt Nam. Hãy tạm ngưng gửi tiền về cho thân nhân trong một năm. Chúng ta sẽ thấy ngay cái hiệu quả của việc này trên nền kinh tế què quặt của Cộng sản. Cho thân nhân 100, 500 dollars chỉ giải quyết cái nhu cầu trước mắt mà không thể thoả mãn ước vọng lâu dài. Hãy chứng minh cho các vị dân cử thấy rằng lá phiếu của chúng góp phần quyết định vào sự thắng bại của họ trong việc tranh cử. Hãy làm cho các nhà hoạt động xã hội, chính trị thấy rằng đứng về phía đồng bào bị áp bức là điều chính đáng.
Chúng ta đã có sự yểm trợ của Quốc Hội Hoa Kỳ, của Liên Hiệp Quốc trong vấn đề Nhân Quyền. Ngoài ra, chúng ta đang thấy sự tham gia càng ngày càng tích cực của giới trẻ trong các hoạt động đấu tranh, công tác cộng đồng. Họ không có hận thù sâu sắc, mất mát lớn lao vớI Cộng Sản, nhưng họ đã đến với đấu tranh qua con đường Nhân Quyền là một phạm trù nhậy bén và đễ gây xúc cảm nhất. Hãy trao ngọn lửa đấu tranh Nhân Quyền cho họ và tin tưởng vào khả năng cũng như nhiệt tâm của họ. Cộng Sản sợ giới thanh niên này hơn sợ chúng ta.
Người Việt tị nạn có mặt khắp nơi trên toàn thế giới thừa sức là một lực lượng hỗ trợ tích cực cho công cuộc đấu tranh giải phóng đồng bào. Chuyến đi Washington vừa qua tuy có nhiều điều chưa đáp ứng lòng mong muốn, nhưng ít ra là một bài học lớn về một phương thức đấu tranh mớI, có hiệu quả hơn và rộng khắp hơn. Một vài ngày sau đó, Việt Cộng đã thả ông Nguyễn Thanh Giang, là người có tên trong danh sách phái đoàn Austin chuyển dạt đến Quốc hội Hoa Kỳ qua dân biểu Lloyd Doggett của Tiểu bang Texas. Dù đó là hiệu quả tức khắc hay chỉ là sự ngẫu nhiên trùng hợp, chúng ta cũng hân hoan thấy rằng phương thức của chúng ta hợp thời hơn là việc cứ quanh quẩn tại địa phương, trong cộng đồng, hô hào la hét mà không làm cho Cộng Sản mảy may e ngại. ( Tháng 5 – 2000)