Những Người Bị Quên Lãng

Đỗ Văn Phúc

Bà Barbara Sonneborn, góa phụ một quân nhân Hoa Kỳ tử trận tại Việt Nam năm 1972, đã đến VN để quay cuốn phim Regret to Inform. Sau khi trình chiếu tại Hoa Kỳ, cuốn phim đã tạo nên làn sóng phản đối dữ dội trong các cựu chiến binh Hoa Kỳ và cộng đồng người ViệVNWMIAt. Ðài truyền hình KLRU (PBS) tại Austin đã mời 4 cựu chiến binh trong đó có ông Ðỗ Văn Phúc đại diện cựu quân nhân Việt Nam, tham dự một buổi thảo luận truyền hình dài 30 phút để nói lên phản ứng của mình. Ðây là lá thư gửi bà Sonneborn.

Thưa bà Sonneborn,
Tôi đã xem qua cuốn phim Regret to Inform do bà Karen Quebe của đài truyền hình KLRU, Austin giới thiệu và cũng được bà Quebe yêu cầu cho biết ý kiến về phim này.
Tôi rất xúc động khi thấy một goá phụ Mỹ đã lặn lội hàng vạn dặm để đến một vùng rừng núi hẻo lánh cách nửa vòng địa cầu để thăm lại chiến trường xưa, nơi người chồng yêu quý của bà đã để lại thân xác cho nền tự do dân chủ của một nước đồng minh. Tôi cũng buồn khi thấy hình ảnh của những bà cụ già sống sót sau vụ thảm sát Mỹ Lai.
Bà đã làm một điều rất đúng khi ghi lại và chuyển ra một thông điệp hung hồn đến với nhân loại. Đó là: Hãy chấm dứt chiến tranh; hãy giải quyết trong ôn hoà những tranh chấp.
Vì cũng là một nạn nhân của chiến tranh, tôi sẽ rất vui lòng góp một bàn tay vào chính nghĩa hoà bình đó.
Nhưng qua cuốn phim, càng cảm thông với nỗi đau đớn của bà bao nhiêu thì tôi càng uất hận bấy nhiêu vì chính nội dung phim đã giúp tuyên truyền lừa bịp cho bọn Cộng Sản Việt Nam. Chắc hẳn bà không thể ngờ rằng, Cộng sản đã lợi dụng cuốn phim để gán cái tội gây chiến cho phía Hoa Kỳ cũng như thuyết phục rằng chúng vô can về tất cả những đau thương từng xảy ra trong 21 năm chiến tranh Việt Nam.
Xin bà hãy bình tâm, đọc kỹ chuyện đời của tôi vì nó cũng không kém bi thương hơn những câu chuyện bà đã nêu ra trong phim.
Tôi là một cựu sĩ quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, từng bị cầm tù trong các trại tập trung của Cộng Sản từ 1975 đến 1985. Hiện tôi là Chủ tịch Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH tại Austin, Texas.
Tôi đã lớn lên trong sự thiếu vắng một người cha. Cụ thân sinh của tôi bị Cộng Sản bắt cóc và giam giữ tại trại tù Lý Bá Sơ ở Thanh Hoá cho đến ngày ký kết Hiệp Định Geneve năm 1954. Theo Hiệp Định này được ký kết bời Pháp và Việt Cộng, thì nước Việt Nam bị chia thành hai miền với hai chế độ đối nghịch. Quân đội Pháp phải rút khỏi miền Bắc; và ngược lại, quân Cộng Sản phải rút khỏi miền Nam. Một trong các điều kiện là việc trao trả các tù nhân. Mẹ tôi và tôi đã mong chờ sự trở về của người thân yêu. Nhưng thân sinh tôi đã không về được. Cộng Sản đã phục kích và ám sát ông trên đường về quê sau hơn 8 năm tù khổ sai. Tội nghiệp cha tôi, ông chỉ bị gán cho cái tội là con nhà giàu có. Cộng Sản đã liệt kê ra bốn thành phần mà họ phải tiêu diệt tận gốc: những người có học, những người giàu có, những người có đất đai ruộng vườn, và các hào mục.
Dù mẹ tôi hết lòng chăm sóc bằng hết khả năng của người, tuổi thơ của tôi cũng không mấy hạnh phúc. Khi lên 5, một đêm, Cộng quân bắn súng cối vào quận lỵ. Hai trái rơi vào nhà chúng tôi; giết chết một người quen tạm trú và làm bị thương hai người khác. Chúng tôi may mắn thoát nạn nhờ ngủ dưới hầm sâu.
Thời gian sau 1954, miền Nam đã từng bước xây dựng một chế độ dân chủ với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Đó là thời gian hoà bình ngắn ngủi để nhân dân chúng tôi bắt đầu cuộc sống mới. Trên đất nước không có bóng dáng quân đội ngoại quốc, trừ vài nhân viên Hoa Kỳ trong các đoàn viện trợ. Sự việc một nước lớn giúp đỡ các nước nhỏ là thông thường; cũng như Nga sô và Trung Cộng giúp đỡ miền Bắc vậy.
Dĩ nhiên, chúng tôi không mong chờ rằng chính phủ miền Nam sẽ toàn thiện trên bước đường chuyển hoá từ chế độ phong kiến sang chế độ cộng hoà. Chắc chắn là phải có các nhược điểm mà chúng tôi có thể khắc phục dần dần. Nhưng Cộng Sản Bắc Việt không để chúng tôi yên. Hàng ngàn cán bộ mà họ để lại sau ngày ký Hiệp Định 1954 đã bắt đầu quậy phá; xây dựng những mật khu du kích. Cộng Sản đã gieo hạt giống căm thù trong nông dân. Những người nào cầm súng được đều được võ trang. Tiếp liệu từ miền Bắc bắt đầu ồ ạt đổ vào Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh. Vào tháng 12 năm 1960, Đại hội đảng Cộng Sản lần thứ 3 chính thức cho ra đời cái gọi là “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam’ để phát khởi cuộc chiến tại miền Nam.
Thế là chiến dịch khủng bố diễn ra khắp nơi. Về đêm, chúng bắt cóc và ám sát. Ban ngày, chúng pháo kích vào chợ buá, trường học. Không có ngày nào không có chết chóc. Năm 1964, chúng pháo kích vào trường Tiểu Học Song Phú và Cai Lậy, giết hàng trăm học sinh ngây thơ. Năm 1968, chúng thảm sát hơn ba ngàn thường dân tại Huế . Chúng chặt đầu, mổ bụng, lột da, bỏ bao thả trôi sông và bất cứ hành vi dã man nào đối với những người hợp tác với chính quyền miền Nam. Tội ác của Cộng Sản viết ngàn trang chưa hết.
Những người miền Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cầm súng chống lại bọn chúng.
Núp dưới danh nghĩa “Chống Mỹ Cứu Nước” thực ra đó là cuộc chiến của những người miền Bắc xâm lăng và người miền Nam bảo vệ tự do. Chúng tôi học và hiểu rằng Tự do, dân chủ không thể có được trong một chế độ Cộng Sản. Chính chúng tôi, chứ không phải những người Cộng Sản, mới là những người yêu chuộng hoà bình; bởi vì chúng tôi đã cật lực để phát triển. Chúng tôi không muốn chiến tranh làm hủy hoại thành quả của chúng tôi.
Năm 1965, Hoa Kỳ và sáu nước đồng minh khác đã gửi quân đội giúp chúng tôi khi chiến cuộc leo thang. Nhiều sư đoàn quân chính quy miền Bắc và hàng trăm tấn vũ khí, tiếp liệu từ các nước Cộng Sản Nga và Trung Hoa đã lấn lướt, đẩy chúng tôi vào thế phòng thủ nghiêm trọng.
Đó cũng là lý do mà người chồng yêu quý của bà cùng hàng trăm ngàn thanh niên Hoa Kỳ đã tham gia vào một cuộc chiến đẫm máu, lâu dài trên đất nước chúng tôi.
Chuyện đời của tôi còn bi thảm hơn khi chiến tranh kết thúc naăm 1975. Chúng tôi đã bị Cộng Sản lừa gạt đưa vào các trại tù khổ sai. Chuyện còn dài lắm, nhưng có lẽ bà sẽ không còn kiên nhẫn để nghe. Thôi thì chúng ta trở lại chủ đề chính là cuốn phim Regret to Inform.
Có nhiều điểm trong phim mà tôi cần đặt vấn đề để làm sáng tỏ:
1.- Một goá phụ Mỹ trong phim đã đặt câu hỏi: ”Những người Việt Cộng kia đã làm gì đe doạ đến Hoa Kỳ, mà quân đội Mỹ ta phải giết họ?”
Câu hỏi ngược lại của tôi là :
Tại sao chúng ta tham gia Thế chiến thứ Nhất, thứ Hai ? Tại sao chúng ta tham gia chiến tranh vùng Vịnh, chiến tranh Cao Ly, Somalia, Nam Tư ? Bà ấy có hỏi rằng những người Đức, Nhật, Hàn, Iraq … có làm gì nguy hại cho Mỹ không ?
Biết rằng giết người dân thường là sai hoàn toàn. Nhưng điều đó khó tránh khỏi trong chiến tranh. Bị kẹt giữa hai lằn đạn, dân thường là nạn nhân của cả đôi bên tham chiến. Xã hội nào cũng có những kẻ điên loạn giết người làm vui. Họ là những tội phạm mà toà án sẽ xử đích đáng. Sự kiện Trung Úy William Calley thảm sát dân làng Mỹ Lai là một tội ác cũng như các vụ quân Mỹ thảm sát dân Cao Ly mà công luận mới phát giác ra gần đây. Đúng, những vụ thảm sát như thế làm hoen ố chính nghĩa của chúng ta . Nhưng không vì thế mà coi đó là chính sách của các chính phủ. Trong lúc ngược lại, Cộng Sản giết người có tính toán, có hệ thống chứ không phải là hành vi cá nhân. Đó là sự đối nghịch giữa hai chế độ chính trị Tự Do và Cộng Sản. Chúng tôi chiến đấu là để tự vệ, không phải xuất phát từ lòng thù hận. Chúng tôi tin tưởng vào đấng Tối Cao và tôn trọng sinh mạng; trong khi đối với Cộng Sản : Bất cứ việc gì cũng làm, miễn họ đạt được mục đích.

2.- Một goá phụ của Cộng sản Bắc Việt trong phim, Bác Sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hiền, cũng như hàng trăm ngàn bà mẹ, bà vợ miền Nam, đều là nạn nhân của chiến tranh mà Cộng Sản gây ra. Họ không thể đổ tội cho chính quyền miền Nam. Cũng trong phim, người phụ nữ gầy nhom tự nhận mình là lãnh đạo phía Việt Cộng đã phàn nàn, lên án gắt gao về những bất hạnh của bà; trong khi bà quên rằng chính bà đã tự nguyện tham gia vào hàng ngũ du kích chống phá miền Nam. Đúng ra, chính bà là một điệp viên, một kẻ khủng bố. Bà phải chấp nhận hậu quả do việc bà gây ra.
Người bạn đồng hành của bà trong phim, bà Nguyễn Xuân Ngọc, đã lớn lên trong vùng du kích Cộng Sản, đã chứng kiến các cảnh chết chóc, đốt phá. Trong giọng nói của bà ta, chất chứa bao căm thù có thể thông cảm được. Nhưng bà ta không thể đại diện cho goá phụ của quân nhân miền Nam như được giới thiệu trong phim !
3.- Việc Hoa Kỳ thất bại trong chiến tranh không chứng minh rằng chúng ta sai. Những năm 1960, với sự chống đối của phản chiến, trợ lực bởi truyền thông vô lương tâm, bọn Jane Fonda, Angela David, Ted Turner… tình hình chính trị quân sự miền Nam đã bị xuyên tạc, bôi đen để thúc đẩy việc rút quân. Trong khi các chiến sĩ trở về từ Thế Chiến được coi là anh hùng, thì quân nhân về từ Việt Nam bị coi như những kẻ tội phạm ?
Đáng ra, họ phải được hưởng phẩm cách như họ xứng đáng, ngay cả những quân nhân tử trận cũng thế. Gia đình các tử sĩ, người mất tích phải được nhớ đến.
4.- Thưa bà, bà có tin rằng việc Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới tự do chống lại khối Nga Sô và chư hầu là chính đáng không ? Nếu bà tin thế, thì thại sao bà còn nghi vấn việc Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam ? Hay bà cho rằng trường hợp Việt Nam không nằm trong khuôn khổ cuộc chiến tranh ý thức hệ ? Hay bà cho rằng nhân dân chúng tôi không xứng đáng được hưởng tự do như dân Mỹ của bà ?
5.- Chúng ta cần hàn gắn lại những vết thương chiến tranh cho các gia đình người Mỹ. Năm mươi tám ngàn quân nhân Mỹ hy sinh tại Việt Nam không phải chỉ để dành tự do cho chúng tôi, mà là chiến đấu cho nhân loại chống lại chủ nghĩa Cộng Sản. Vì Hoa Kỳ là quốc gia cổ vũ và tiên phong cho dân chủ tự do, thiển nghĩ chúng ta nên lấy việc chiến đấu tại Việt Nam là điều vinh dự.
6.- Khi bà đến Việt Nam để thực hiện cuốn phim, bà có biết rằng bà chỉ được phép tiếp xúc, hợp tác với những người mà Cộng Sản sắp xếp không ? Thực ra, đa số họ là đảng viên Cộng Sản. Nếu bà có thì giờ và chịu khó theo dõi các báo cáo hàng năm về vi phạm nhân quyền tại Việt Nam do bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các cơ quan đấu tranh Nhân quyền thực hiện, chắc bà phải biết rằng tại Việt Nam Cộng Sản, không hề có quyền tự do ngôn luận, Mọi phương tiện thông tin dều do nhà nước nắm giữ và kiểm soát. Người dân chỉ có thể nói những điều mà nhà nước cho phép nói.
7.- Trong phim, bà đã cho phép một nữ Việt Cộng xử dụng chữ “bọn cướp » để nói về những người lính Mỹ đồng hương của bà. Bà không thấy xấu hổ sao ? Nếu mục đích của bà là hàn gắn vết thương, thì trái lại cuốn phim của bà càng làm cho vết thương đau lở loét thêm. Nó đã cắm một con dao bén vào vết thương của những người cựu chiến binh để làm họ đau đớn hơn lên.
8.- Khi bà coi hai bên tham chiến là Mỹ và Việt Cộng; thưa bà bà đã bỏ quên phe Việt Nam Cộng Hoà chúng tôi. Hàng triệu người dân miền Nam đã chết vì bom đạn do miền Bắc gây ra. Hơn hai trăm ngàn anh em chiến binh miền Nam đã hy sinh trong khi chiến đấu bên cạnh người bạn Mỹ. Hàng triệu đồng bào đã đổi mạng để quyết ra đi thoát khỏi chế độ Cộng Sản sau năm 1975 mà gần một nữa chết trên biển Đông. Chúng tôi đã hai lần là nạn nhân của Cộng Sản.
Tất nhiên, chúng tôi thông hiểu nỗi đau đớn của những gia đình miền Bắc có con em chết trong chiến tranh, vì chính họ, họ cũng là nạn nhân của đảng Cộng Sản nhiều tham vọng. Quý phụ nữ miền Nam cũng có linh hồn và con tim biết đau khổ chứ ? Họ không những chịu sự mất mát người cha, người chồng, mà chính họ cũng là nạn nhân của chế độ Cộng Sản sau năm 1975 nữa. Họ cũng phải được lên tiếng chứ ?
Chúng tôi đòi hỏi sự công bằng và nhân đạo
Thưa bà Sonneborn,
Tuy cộng đồng Người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ chưa đủ mạnh trên quê hương mới này, nhưng chúng tôi đã góp phần tích cực vào sinh hoạt chính trị xã hội và kinh tế của Hoa Kỳ. Chúng tôi đòi hỏi công luận và truyền thông Hoa Kỳ phải phản ảnh trung thực về cuộc chiến Việt Nam. Kẻ thắng không hẳn là có chính nghĩa. Bảy mươi năm sau Cách Mạng Tháng 10, người Nga tự do đã cắm lại lá cờ ba màu trên điện Cẩm Linh. Việt Nam rồi cũng thế, sớm hay muộn.
Xin bà đọc kỹ và suy xét về các điểm tôi vừa nêu trên.Chúng tôi luôn hướng lòng về quý bà và các goá phụ Hoa Kỳ.
Kính chào bà.