Sống Lại Với Tình Chiến Hữu Trong Sáng

Đỗ Văn PhúcBanhopca
Kể về chuyến đi tham dự hai kỳ Ðại hội Counterparts và Tổng hội Ái Hữu cựu SVSQ/CTCT kỳ 8 tại Orange County, California
Chúng tôi đến Los Angeles lúc xế chiều. Từ I-10 đi thẳng là vào L.A., rẽ vào đường 57 là đi xuống Orange County. Ðường 57 rồi đường 22, exit đường Bolsa là bắt đầu thấy lạc vào thành phố Saigon vì nơi đâu cũng là người đồng hương. Những dãy phố lớn đầy dẫy những bảng hiệu Việt Nam: tiệm phở 54 danh bất hư truyền, Hủ tiếu Thanh Xuân, khu Phước Lộc Thọ… Cali độ này nắng dữ. Tại biên giới Arizona và California, nhiệt kế chỉ 105 độ F. Giờ này đã gần tối mà còn nóng gắt không thua gì ở Texas mình. Sau khi ghé thăm một người bạn, ngồi nhâm nhi chút khô cá thiều, bàn chuyện những ngày sắp tới, chuyện hội họp, chuyện giới thiệu sách, chúng tôi vội tìm đến khách sạn Hilton ở phi trường John Wayne, thành phố Irvine phía Nam của Orange County. Người bạn cho hay cứ vào 405, chạy chừng 5 miles thì exit đường Mac Arthur, quẹo phải đến góc Douglas là thấy khách sạn. Theo dõi kim đồng hồ đã chạy đến 7 miles vẫn chưa thấy exit. Bảng chỉ dẫn lại chỉ đi về San Diego. Tôi sợ càng đi xa càng khó kiếm đường về bèn exit đại ra một con đường dẫn đến một highway khác, vòng vo một hồi mới thấy một cây xăng để hỏi thăm. Hoá ra mình đã đến cận khách sạn lúc nào không hay.

Tôi là người đầu tiên trong thành phần tham dự đại hội Counterparts đến check in. Như thế, tôi có đến hai ngày rảnh rang để đi thăm bạn bè, lo việc riêng tư trước khi đi vào ngày đại hội chính thức. Tiền phòng khách sạn rất cao, nhưng Counterparts đã đặt phòng sẵn, nên chỉ trả $60 một ngày. Bù lại ăn uống ở đây quá tốn kém. Chúng tôi phải đi xa khoảng 2 miles mới thấy một cái restaurant để ăn tối.
Ngày thứ Hai, thứ Ba, đưa gia đình đi khắp vùng Garden Grove, Santa Ana, Anaheim thăm bạn bè cũ. Có người dễ đến hơn ba mươi năm mới gặp lại. Tôi gặp anh Viễn Bổn, người trưởng Hướng Ðạo từ thời tôi còn ở Thiếu đoàn Lam Sơn ngoài Quảng Trị năm 1960. Anh đã đến tuổi về hưu, nhưng thân thể còn tráng kiện. Giọng nói ấm áp chân tình của người đầu đàn năm xưa dẫn dắt tôi về lại những chiều trại bay La Vang, đêm tuyên hưá ngoài Ái Tử. Rồi cùng anh Bổn và Trưởng Tôn Thất Hy đi tìm mua phù hiệu Hướng Ðạo ở Scout Shop trên đường Talbort. Thấy thứ gì cũng thích, cũng muốn có. Chọn mãi mới mua được ba chiếc hoa huệ đeo áo cùng ít stickers, mugs về làm quà cho bạn. “Một ngày là Hướng Ðạo, thì trọn đời là Hướng Ðạo.” Vì thế tình anh em Hướng Ðạo gắn bó như tình anh em ruột thịt. Trưởng Hy nhắc tôi đóng góp bài cho tờ Bạch Mã, tôi biếu anh cuốn Quê Hương Và Hoài Vọng và nói, “anh xem có bài nào hợp thì anh cứ trích đăng, chứ em quá bận e không viết được.” Tuy QHVHV bao gồm những bài tham luận chính trị, nhưng cũng có nhiều bài thích hợp cho Hướng Ðạo, như các bài về Mẹ cho ngày Vu Lan. Trưởng Hy trước khi chia tay có hứa sẽ giúp tài liệu để lập phong trào Hướng Đạo ở Austin.

Tôi không kiên nhẫn chờ đến ngày mai để gặp bạn cũ

Ben Meyer, với chiếc mũ beret đen có phù hiệu binh chủng Thiết giáp Việt Nam, ngồi ở quầy rượu cho đến khuya, trò chuyện cùng tôi. Với mái tóc đã điểm bạc, bộ râu mép dài vuốt thành hai mũi nhọn chĩa ra hai bên, ông nói: “Tôi không có kiên nhẫn chờ đến ngày mai mới được gặp bạn bè cũ.” Năm nào Ben cũng về dự Ðại hội Counterparts. Ông là người giữ trách nhiệm tìm kiếm giùm bạn bè hai phía Việt Mỹ dựa trên những bản danh sách dày cộm của các hội đoàn, đơn vị… J.C. Fischer từ Temple, Texas đến nhập bọn ngay trong đêm thứ Hai. Ngày thứ Ba, đã có rất đông người, từ các tiểu bang xa xôi trên toàn nước Mỹ. Các bạn từng là cố vấn quân sự cạnh các đơn vị QLVNCH đã về đây, trên đầu là những chiếc nón beret đủ màu sắc các binh chủng, những chiếc áo gắn đầy phù hiệu, huy chương của quân lực Hoa Kỳ lẫn VNCH. Các bạn thuộc Vietnam War Historical Society & Traveling Museum đang chuẩn bị trưng bày các quân trang, quân dụng, hình ảnh về chiến tranh VN tại phòng hội lớn nhất của khách sạn. Nơi đây, bạn có thể thấy đủ màu áo trận, từ loại áo saut nhảy dù thời Pháp, cho đến bộ da beo của Biệt kích, từ cây súng Mas-36 cho đến cây M-18 có gắn phóng lựu; những chiếc nón nâu, nón đỏ; những túi C-ration có năm điếu thuốc Pall Mall; những tờ truyền đơn thông hành dành cho cán binh Cộng sản hồi chánh; những lá thư, hình ảnh lấy từ các tử thi các cán binh Cộng sản bị giết trên chiến trường; còn cả hàng trăm loại vật dụng khác. Tôi dọ ý Paul Miraldi, người quản lý Bảo tàng Chiến tranh VN, về một chuyến đi Austin để trưng bày trong một dịp nào đó. Anh ta vui lòng nhận lời và hứa không lấy thù lao. Tuy nhiên, phải nghĩ cách nào để có thể chia sẻ với anh về phí tổn vận chuyển và ăn ở.
Ðêm nay, chúng tôi thức đến 2 giờ sang. Bia ở khách sạn là $3, thêm tiền tip, nhưng chúng tôi cứ uống cho thoả. Lại chơi theo lối Việt Nam, anh nào cũng dành trả tiền. Ben nói: “Tôi ở Việt Nam quá lâu, nên Việt Nam hoá rồi.” Tôi có mang theo chú nhóc tì 8 tuổi. Chú cũng ham vui chạy xuống tham gia, lại đòi ăn kem. Tôi cho chú $10, bảo trả tiền ly kem xong, để lại $1 tip. Khi cô chiêu đãi trả lại tiền thối, chú lưỡng lự một hồi rồi vơ cả cho vào túi quần. Cả bàn cười oà lên. Cô tiếp viên người Mỹ gốc Ý phải giải thích cho chú thế nào để trở thành một gentleman như bố (sic).
Ngày thứ Tư, nhiều cựu quân nhân Việt Nam đến, có cựu Tướng Thủy Quân Lục Chiến Trần Văn Nhựt (Tư lệnh SÐ 2/BB), cựu Tướng Nguyễn Văn Toàn (Tư lệnh QÐ3), vài vị Ðại tá cựu tỉnh trưởng (tôi chỉ nhớ tên đại tá Lê Khắc Lý). Ða số là dân mũ đen; vì sau Counterparts là đại hội Thiết giáp cũng tổ chức tại đây ngày thứ Sáu, thứ Bảy. Có thể nói ngày July 4 là dịp các hội đoàn tổ chức gặp gỡ, Hội Võ bị Quốc gia, Hội CTCT, các hội tương tế đồng hương….
Trong dịp này, các bạn Counterparts và tôi cùng trao đổi danh sách các bạn muốn truy tìm bạn bè cũ. J.C. khoe mãi rằng nhờ báo Lửa Việt mà anh tìm lại được Ðại uý Tường. Mike Little thì về tận bên Việt Nam dưới danh nghĩa đại diện Coca Cola, tìm được những đưá “con” và “cháu nội” sau hai mươi năm xa cách. Anh đưa ra những tấm hình hai vợ chồng trong tấm saron miền thượng Pleiku bên cạnh những đưá con, cháu Rhade trong căn nhà sàn mái tranh, cùng uống rượu cần vui cười hạnh phúc. Nhờ nhật báo Los Angeles Times, nhiều người biết đến đại hội đã tìm đến thăm hỏi. Trên dãy bàn kê ngoài hành lang phòng họp, tôi cũng chiếm cho Hội CQN/QLVNCH Austin một góc, trưng bày hình ảnh sinh hoạt, báo Lửa Việt. Nhiều bạn, tuy không đọc được tiếng Việt cũng đã mua tập truyện Vườn Ðịa Ðàng hay xin tờ báo số tháng 7 có đăng nhiều hình ảnh Quân Lực VNCH.

Counterparts bầu nhiệm kỳ mới

Ngày chính thức Ðại hội là thứ Năm, 4 tháng 7. Phía sau bàn chủ tọa đoàn là dãy quốc kỳ những nước đồng minh từng tham chiến ở Việt Nam (Hoa Kỳ, Úc, Tân Tây Lan, Ðại Hàn, Trung Hoa Quốc gia, Phi Luật Tân, Thái Lan, Malaysia (Malaysia tuy không trực tiếp tham chiến nhưng có nhiều đóng góp trong việc huấn luyện du kích chiến)). Sau các tường trình ngắn gọn về hoạt động một năm qua, các bạn đã đi vào chương trình sắp tới mà mở đầu là cuộc bầu cử ban Chấp hành mới. Ed Abraham tiếp tục làm thủ lĩnh, Bob Sterling được bầu làm ủy viên điều hợp. Hội nghị biểu quyết địa điểm đại hội 97 sẽ được tổ chức tại Fort Benning (Georgia), đại hội 98 tại Austin (Texas). Mike Little tường trình các chuyến đi về Việt Nam và đời sống người Thượng du Trung phần. Robert Donohue phát ra tập báo cáo chuyến đi Khe sanh. Ðại tá Lý và các thành viên Việt Nam luôn nhắc các bạn Mỹ rằng những thay đổi mà họ thấy tại VN chỉ là thay đổi bộ mặt bên ngoài có tính phô trương, còn thực chất vẫn là chế độ độc tài toàn trị mà hậu quả là làm cho đời sống càng ngày càng cách biệt giữa lớp giàu mới gồm cán bộ đảng viên và lớp dân nghèo là đại đa số quần chúng.

Thế hệ con em chúng tôi trả nợ xương máu cho nhân dân Hoa Kỳ

Ðêm dạ tiệc thật đầm ấm. Ðặc biệt bà Mike Little đã mặc bộ áo dài Việt Nam bằng lụa đen trông rất duyên dáng. Chúng tôi được đãi một tô phở không phải tô xe lửa mà là tô “hàng không mẫu hạm” . Phở rất ngon, chỉ một tô là quá no. Tôi thay mặt Ban Chấp hành Hội CQN/QLVNCH/Austin trao tặng thủ lĩnh Ed Abraham tấm giấy biểu dương về sự đóng góp của Counterparts trong sự duy trì, phát triển mối quan hệ tương thân giữa những chiến hữu Việt Mỹ, kèm phù hiệu QLVNCH. Ðặc biệt và cảm động nhất trong đêm dạ tiệc là chương trình của chiến hữu Lê Quang Anh tức Andy. Ông đã trình chiếu bộ video gồm hình ảnh Quân lực Hoa kỳ từ khi bắt đầu tham chiến tại Việt Nam, kèm hình ảnh trưởng thành của QLVNCH: những gian khổ, hy sinh mà lớp thanh niên Hoa Kỳ phải chịu đựng trong cuộc chiến đẫm máu dai dẳng, đương đầu với một kẻ thù ranh ma. Kế đó là thảm kịch 30 tháng 4, với làn sóng người di dân ồ ạt đến bờ vịnh San Diego với những Tent Cities, thảm kịch thuyền nhân… Rồi một thế hệ Việt Nam mới lớn lên trong lòng Hoa Kỳ. Theo ông Lê, người Việt Nam chịu một ơn nặng của máu xương 57000 quân nhân Mỹ tử trận, của hàng chục ngàn chiến binh khác đã hy sinh một phần thân thể, tuổi thanh xuân, của hàng ngàn chiến binh còn mất tích. Vì thế, thanh niên Việt Nam đã góp mặt trong đại gia đình Quân đội Hoa Kỳ như một sự đền đáp lại ơn cưu mang lúc nguy khốn.
Tất cả cử tọa nín lặng vì xúc động, nhiều bà đã không ngăn được dòng lệ khi nghe những lời dẫn giải của Lê Quang Anh. Ông cũng cho phát lại hát hai bài ca do chính ông viết được các ban nhạc trứ danh hoà âm, ca tụng những anh hùng vô danh đã âm thầm chiến đấu và hy sinh cho Tự do Dân chủ bên kia bờ Thái Bình Dương xa xôi.
Qua ngày sau, một số ở lại dự Ðại hội binh chủng Thiết Giáp VNCH, một số chuẩn bị trở về địa phương. Ðêm cuối cùng không muốn đi ngủ. Ben Meyer, Joe West, John Frost, J.C., Mike và tôi ngồi uống cho đến say mèm. Lại chuyện xưa tích cũ, kể hoài không chán. Bàn đến cuộc bầu cử Tổng thống cuối năm nay, chúng tôi cùng đồng ý một acronym ABC (Anybody But Clinton).

Tình chiến hữu, nghĩa đồng môn

Ðại hội kỷ niệm 30 năm thành lập trường Ðại Học CTCT
Từ Irvine, chúng tôi dời xuống Garden Grove cho gần gủi bạn bè, tiện việc đi lại. Ở Cali, xứ lạ quê người, mỗi lần đi lạc là mất ít lắm 30 phút vòng vòng mới tìm thấy lối. Các motels ở trung tâm thành phố đa số do người Hoa, người Mễ quản lý, nên dơ dáy, tối tăm. Ðành vậy, vì còn phải chi nhiều thứ tiền khác, nên chúng tôi phải tiết kiệm không dám ở khách sạn sang trọng.
Ðêm thứ Sáu, các khoá họp mặt riêng rẽ. Khoá Nguyễn Trãi 1 chúng tôi quy tụ tại nhà Nguyễn Gia Bình, đứa em út của khoá. Bình nhỏ tuổi và nhỏ con nhất khoá, ra trường đi Sư đoàn 18. Qua Mỹ sớm, Bình cố gắng học hành lấy được bằng Kỹ sư Ðiện toán. Nhưng tai biến đột xảy đến, bạn bị liệt một nửa phần thân thể. Tuổi đời còn nhiều hứa hẹn, đành cam kiếp phế nhân. Chúng tôi ai cũng thương Bình nên kỳ nào họp mặt cũng kéo đến nhà Bình. Ðêm nay có mặt Phó Đề Đốc nguyên Tư lịnh Hải quân VN Lâm Ngươn Tánh, vị chỉ huy trưởng đầu tiên của trường Mẹ, Trung tá Hoàng Minh Hoà, Văn Hoá Vụ Trưởng (người không bao giờ vắng mặt trong các đại hội). Kể về những thãm cảnh của những người còn ở lại quê nhà, về gia đình các bạn đã hy sinh trên chiến trường, trong các lao tù Cộng sản, ai nấy đều bùi ngùi. Chúng tôi tổ chức quyên góp tại chỗ được hơn $600, dành cứu trợ những bạn hay gia đình gặp khó khăn bên Việt Nam. Gặp lại nhau, tóc đã điểm hai màu sương tuyết, có anh đã có cháu nội, cháu ngoại, mà cứ thân mật gọi nhau tao mày, có khi còn kêu cả hỗn danh như khi còn ở quân trường. Có anh không còn nhìn ra nhau vì quá thay đổi, nhưng ngược lại, nhiều anh tưởng như còn quá trẻ. Vẫn dáng dấp hiên ngang, vẫn tiếng cười sảng khoái, các anh như sống lại một thời chinh chiến oai hùng, một thời sinh viên đầy hoa mộng trên ngọn đồi 4648, ngóng qua trường nữ Trung Học Bùi Thị Xuân tìm bóng dáng tha thướt tà áo dài người dấu yêu.
Ngày thứ Bảy, đêm Tâm giao toàn trường, gần hai trăm người chiếm trọn hội quán Lạc Hồng đường Westminster. Từ 10 tiểu bang xa xôi, từ Canada, từ Bắc, Nam Cali, các anh đã về đây, từ khoá 1 đến khoá 6, cả “khoá 7” (Ðào Hồng giới thiệu phu nhân mình là SVSQ khoá 7 (sic)). Ngoài Phó Đề Đốc Tánh, còn có Ðại Tá Nguyễn Quốc Quỳnh (Chỉ huy trưởng kế vị), các Ðại Tá Ðỗ Văn Sáu (Chỉ Huy phó), Hoàng Ðạo Thế Kiệt (Tham Mưu trưởng), và nhiều vị sĩ quan tham mưu, giảng huấn nhà trường. Hội trưởng hoặc đại diện các hội từ các tiểu bang lần lượt trình diện, sau cùng là ban chấp hành Tổng Hội rồi thứ tự từng dãy bàn, các anh đứng dậy dõng dạc: “SVSQ Nguyễn văn X., khoá Y, thuộc Tiểu bang Z, trình diện Chỉ Huy trưởng.” Hai vị Chỉ huy trưởng mở đầu bẳng lễ chuyền ngọn lửa thiêng đến từng bàn, nhắc nhở trách nhiệm đối với quê hương. Sau đó là những tâm tình cởi mở, kể cho hết chuyện bao thăng trầm, biến đổi, nhưng tấm lòng người cán bộ CTCT vẫn đầy nhiệt huyết như xưa. Cảm động nhất là một Nguyễn Trãi 2 đã phát biểu: “Chúng tôi được học ở cả hai thầy, tình nghiêm khắc, cương trực của Phó Đề Đốc Tánh, tính nhân từ, mềm mỏng của Ðại Tá Quỳnh.” NT1 Nguyễn Ðức Luận, hiện là Phó Chủ tịch Cộng đồng VN tại Nam Cali nói: “dù bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, chúng tôi vẫn nghĩ đến danh dự của trường Mẹ nên hành xử đúng đắn, chính trực để nêu cao uy tín của trường.” Anh Luận nói đúng, cả trong hoàn cảnh tù đày nhục nhằn, đày ải, anh em cựu SVSQ/CTCT đã không hề quỵ gục, luôn bảo vệ được phẩm cách chính trị của người chiến sĩ Quốc gia.
Trong phần huấn từ, hai vị Chỉ huy trường đều ân cần nhắc nhở các học trò về nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ Quốc, Dân Tộc, về một lập trường dứt khoát đối với Cộng sản.
Ðêm nay, lại họp nhau riêng rẽ từng khoá chuẩn bị cho cuộc bầu Ban Chấp hành Tổng hội nhiệm kỳ 8 (1996-1998). Anh em NT1 cùng thỏa thuận để cho các khoá đàn em đảm đương trách nhiệm. Chúng tôi nêu ra tên hai người thuộc khoá 2 mà chúng tôi sẽ yểm trợ đắc lực. Trong cuộc bầu sáng Chủ Nhật, NT2 Trần Gia Hiếu được gần tuyệt đại đa số phiếu, từ nay là Chủ tịch BCH Tổng Hội. Anh trình diện một tân BCH hùng hậu gồm những thành viên từng hoạt động đắc lực nhất trong các năm qua. Chủ tịch nhiệm kỳ 7 Trịnh Tùng vì gia cảnh không ra tái cử. Trong nhiệm kỳ 7, anh đã đóng góp rất nhiều công sức, và kỳ Ðại hội này chứng minh sự thành công của anh cùng BCH nhiệm kỳ 7.

Ðêm nay, lại một kỷ niệm mà trọn đời không thể nào quên.

Bộ quân phục tiểu lễ mùa hè trên người các anh trong tân ban Chấp hành do chị Trịnh Tùng bỏ công thực hiện lại gợi nhớ hình ảnh năm nào trên đường phố Duy Tân, Ðà Lạt. Cũng chiếc alpha kim tuyến trên nền nhung đen, phù hiệu quân trường, phù hiệu cán bộ hệ thống tự chỉ huy… Chúng tôi không đếm nổi, nhưng tính ra có khoảng hơn 500 người, ngồi chật cả nhà hàng seafood đường Brookhurst. Trên sân khấu, toán thủ kỳ trong quân phục olive, đai nịt trắng, cờ kiếm sáng ngời lấp lánh. Dàn nhạc do NT1 Phạm Ðức Vượng điều khiển bắt đầu trổi lên những khúc quân hành. Lễ chào cờ nghiêm trang, hội trường vang lên lời quốc ca hùng hồn kêu gọi dấn thân. Lễ mặc niệm chiến sĩ trận vong, tưởng niệm các đưá con của trường Mẹ hy sinh trên chiến trường, trong các trại tù, trên biển khơi, hay đã ra đi nơi đât khách quê người. Lần lượt tên tuổi các anh được xuớng lên giữa tiếng sáo buồn, lời văn tế trầm ấm đầy xúc động. Nơi đây không có ánh đuốc chập chờn của một đêm mùa đông lạnh lẽo trên ngọn đồi Ðà Lạt, không có tiếng gió vi vu hoà theo như réo gọi linh hồn tử sĩ, không có tiếng báng súng garant M-1 đồng nhịp gõ xuống nền Vũ đình trường những âm thanh sắc gọn. Mà sao lòng chúng tôi lắng đọng, từ trong tận đáy con tim, như có ai bóp mạnh làm dâng trào lên những giòng nước mắt xúc cảm. Ôi Lê Minh Châu, Nguyễn Ngọc Quang, Dương Phước Duy, Quách Kế Nhơn… ngày nào dòng màu nóng từ lồng ngực thanh xuân chảy ra thấm ướt chiếc áo trận; ôi Quách Dược Thanh, Nguyễn Văn Sang vẫn dõng dạc lời kết án chế độ Cộng sản cho đến khi nhắm mắt lìa đời trong tra tấn cực hình của bọn cai tù Cộng sản. Trường Mẹ đã dâng cho tổ quốc Việt Nam những đưá con thân yêu ngay cả khi đang còn thới gian thụ huấn, nhờ đó trên quân kỳ của trường, đã hãnh diện quàng lên dây biểu chương màu Quân công Bội tinh.
Chúng tôi diễn lại đúng nghi thức SVSQ trong giờ ăn, SVSQ trực đọc thực đơn đầy dí dõm, cả hội trường đáp lời chúc ăn ngon của Chỉ Huy Trưởng, rồi thì râm ran những lời trò chuyện. Ðêm nay là đêm cuối, ngày mai phải chia tay ai về nhà nấy, lo cuộc mưu sinh.
Các bài hát quân hành lần lượt được các khoá đồng ca. Tiếng đếm nhịp một, hai, ba, bốn, xem vào lời ca hùng tráng như thuở nào dẫn dắt bước quân đi ra chiến trường. Chúng tôi vừa hát vừa chấm nước mắt. Ôi sao nhớ quá, nhớ sân trường xưa ngợp ánh nắng vàng, cờ xí rộn ràng tung bay; nhớ đêm di hành trời lấp lánh trăng sao; nhớ đêm nằm tiền đồn ngóng về ánh đèn đô thị; cũng nhớ luôn những đêm chui rào trốn ra với người yêu; nhớ vọng gác Bạch Cúc, Hướng Dương co ro trong tấm áo field jacket chờ nghe ngóng địch tình những đêm Mậu Thân; nhớ đại giảng đường vừa ngồi vừa ngủ gật vì những môn học kéo dài cả tuần lễ. Trăm ngàn nỗi nhớ, trăm ngàn niềm thương, biết kể sao cho xiết. Quý phu nhân lại đóng góp thêm những bài tình ca hướng về Ðà Lạt sương mù, nơi hoa đào trải lối đưa những chàng trai CTCT đến với các cô gái má hồng hây hây. Biết bao cuộc tình đã diễn ra bên bờ hồ Xuân Hương trong mát, trên đồi cù cỏ mượt mà xanh mướt, hay trên con đường Thung lũng tình yêu có bóng tối đồng lõa. Ðà Lạt, CTCT, Võ bị…. một thời để yêu, một thời để nhớ; đối với tôi là để nhớ muôn đời.
Hợp rồi phải tan, gặp nhau rồi cũng đến lúc chia tay. Những bạn bè, anh em bùi ngùi nắm tay nhau lần cuối, trao nhau những tấm danh thiếp, những lời hưá hẹn giữ chặt mối thâm tình. Có thể nói, trong đời tôi, chưa thấy mối chân tình nào nồng nàn bằng tình đồng môn CTCT; chưa thấy sự tương kính nào vượt qua được sự thương kính mà môn sinh, đàn em dành cho quý thầy, các niên trưởng từ mái trường ÐH/CTCT.
Rời Cali một sớm mai, hướng về phương đông rực nắng, vượt qua hai tiểu bang Arizona, New Mexico, một chặng đường dài gần 1300 miles. Tôi cứ ôn lại kỷ niệm đêm tao ngộ, ghi nhớ lại từng hình ảnh thân thương mà tưởng trọn đời sẽ không bao giờ phai nhạt.