Thế Hệ 2: Một Nan Đề của Chúng Ta Hôm Nay

Đỗ Văn Phúc0Flags
(Nhân vụ Cộng Đồng Tị Nạn phản ứng dữ dội việc Brian Đoàn triển lãm tranh tượng tại California, trong đó có tranh một cô gái mặc áo in màu cờ Việt Cộng, đứng bên cạnh tượng bán thân của Hồ Chí Minh)

Cuộc triển lãm “nghệ thuật” của nhóm trẻ VAALA bùng nổ và được dập tắt ngay đã cho thấy phản ứng nhậy bén và sự đồng tâm của các tổ chức, nhân sĩ người Việt hải ngoại. Đồng thời đã nổi bật lên sự tham gia của giới trẻ (Thanh Niên Cờ Vàng) có đầy đủ ý thức chính trị và lập trường minh bạch đối lại với một nhóm trẻ khác phản bội lại lý lịch của chính mình (Nhóm này tự xưng là Fresh off the Boat (FOB). Hiện tượng phản bội thì thời nào cũng có, chế độ nào cũng có.

Tuy nhiên, sự việc trên cũng là một điều rất đáng cho thế hệ 1 quan tâm để tự suy xét về trách nhiệm của mình đối với con em trên phương diện giáo dục chính trị xã hội.

Tre tị nạn đã già lắm rồi, mà măng tị nạn dù đã thành tre, nhưng chưa đủ mạnh để nối tiếp sự nghiệp quang phục quê hương. Từ Mỹ qua Úc, qua Âu, vai trò lãnh đạo các tổ chức, đoàn thể vẫn còn nằm trong tay thế hệ một mà tuổi đời đã trên 60, sức khỏe đã còm cỏi sau bao nhiêu năm chiến đấu, tù đày và lăn lộn kiếm sống. Một vài đoàn thể, đảng phái có gầy dựng nên những tổ chức cho thế hệ hai; nhưng thực lực chưa đáng kể ngoại trừ Mạng Lưới Tuổi Trẻ Lên Đường và Hội Văn Hoá Khoa Học mà nhiều người cho rằng là ngoại vi của một đảng chính trị mà theo nhiều người, có quan điểm không phù hợp với đường lối đấu tranh chung của người Việt hải ngoại.

Chúng tôi từng đi sinh hoạt với các nhóm trẻ và các hội Sinh viên VN tại các thành phố lớn của Tiểu bang Texas. Nhận xét đầu tiên là có quá ít thanh niên sốt sắng tham gia, dù các trại hè được tổ chức khá quy mô và hấp dẫn tại những thành phố mà dân số người Việt tị nạn lên tới hàng chục ngàn người. Các buổi sinh hoạt của sinh viên cũng chỉ lưa thưa vài ba chục em trên sĩ số sinh viên Việt là hàng trăm cho đến hàng ngàn tại các đại học lớn. Chúng tôi không đề cập đến sinh hoạt các đoàn thể thanh niên tôn giáo, vì ngoài phạm vi của bài viết.

Có chăng một sự lo âu rằng chúng ta đang để mất giới trẻ thế hệ 1.5 và thế hệ 2? Liệu các em, các cháu có lọt vào cạm bẫy Nghị quyết 36 của của Cộng Sản Việt Nam? Lỗi tại ai? Có thể còn kịp cứu vãn không?

Trước hết chúng ta thử xem xét lý do tại sao giữa hai thế hệ đã có hai thái độ và quan điểm càng lúc càng khác nhau:

Sự cách biệt hai lối sống, hai luồng giáo dục là nguyên nhân chính:

Thế hệ 1 sinh và lớn lên tại miền Nam Cộng Hoà. Qua các chương trình tiểu học và trung học, họ đã được dạy dỗ kỹ càng về công dân và đức dục để tạo được một ý thức về quốc gia khá vững. Sau đó, qua kinh nghiệm sống và chiến đấu, càng ngày ý thức này càng được hun đúc. Ấy thế mà cũng đã có hiện tượng bội phản. Trong khi thế hệ 1.5 lớn lên trong chế độ CS, bị nhồi nhét quan điểm tư tưởng CS. Cha anh họ sau nhiều năm tù trở về, trong môi trường bị kiềm chế, theo dõi cũng như với tâm trạng u uất, buồn lo đầy mặc cảm, đã không có sự hướng dẫn đúng mức cho con cái.

Khi qua đến đất tự do, quá lo cho đời sống mới, các bậc cha anh đã phó mặc hoàn toàn việc giáo dục thế hệ 1.5 và thế hệ 2 cho nhà trường – mà tai hại thay, không hề có môn công dân, đức dục để uốn nắn trẻ nên người như chúng ta mong đợi. Cùng với tâm lý nổi loạn của lứa tuổi “teen”, trẻ lớn lên, học đòi theo bạn bè nhiều hơn và không chấp nhận sự uốn nắn của cha mẹ vốn theo phương pháp Á Đông, nặng về áp đặt, rầy la hơn giảng giải, thuyết phục.

Về phương diện chính trị, các em hiểu biết về Việt Nam theo cách giải thích của sách báo Mỹ mà đa phần là bị bóp méo, xuyên tạc vì nhu cầu phản chiến trước đây.

Tưởng cũng nên nhắc đến đạo quân thứ Năm gồm hàng trăm người mà Việt Cộng đã gài vào trong các chương trình Đoàn Tụ, Tị Nạn Chính Trị, Vượt biên, hay bảo lãnh Vợ Chồng … Bọn này đã xâm nhập rất sâu vào Cộng Đồng Tị nạn hàng chục năm qua, lai rai đã xuất đầu lộ diện công khai đánh phá chúng ta.

Trong những năm gần đây, do sự trao đổi giữa các Đại học Mỹ và Việt Nam, nhiều giáo sư từ Việt Nam qua đảm trách việc giảng dạy về Văn hoá và Việt Ngữ tại các Đại học lớn của Mỹ. Không cần nói, ai cũng biết rằng những người này phải là đặc công văn hoá của Cộng sản, xâm nhập, gây ảnh hưởng và tìm cách nắm lấy giới trẻ trí thức tương lai của Cộng đồng Tị nạn. Đó là chưa kể có vài tổ chức tuy mang danh nghĩa của người Mỹ gốc Việt, nhưng thành phần lãnh đạo có quan hệ với Việt Cộng và có nhận thức chính trị ngược lại với Cộng đồng. Họ cũng tìm cách len lỏi vào giới sinh viên để tuyển mộ và gây ảnh hưởng mà cộng đồng ít nghi ngờ tà tâm của họ. Cộng sản chỉ cần tách giới trẻ ra khỏi sinh hoạt Cộng đồng là coi như đã thắng lợi, vì sau khi thế hệ 1 qua đời, ngọn đuốc đấu tranh hải ngoại xem như tắt lịm.

Do đó, chúng ta đừng lấy làm lạ khi có những thành viên của thế hệ 1.5 và thế hệ 2 có những suy nghĩ và hành động phản bội lại lý tưởng của cha anh. Nhưng đó một số nhỏ mà tâm lý tự cao tự đại, tưởng mình đã trưởng thành chính trị, nhưng thực ra chỉ là những trí óc còn thiển cận, háo thắng và dễ bị lôi cuốn bởi những gì tỏ ra “cool”

Thế hệ 1 chúng ta ở miền Nam cũng đã từng chứng kiến những thanh niên sinh viên con nhà tư sản thành phố, nhưng đến trường với đôi dép râu, mặc áo ka kí túi có nắp, tác phong ra vẻ đối kháng chính quyền; mở miệng ra thì học đòi Sartre, Marx dù không biết Marxism là chi. Dù họ hoàn toàn không biết gì về lý thuyết CS, dù họ vẫn ham thích cuộc sống tự do, dân chủ và sung mãn của miền Nam; nhưng họ muốn tỏ ra ta đây “chì”, “ngon lành” qua cách hành xử có vẻ “cách mạng”. Đó là cái một cái mốt thời thương những năm giữa thập niên 60. Do đó, họ trở thành những con mồi ngon lành của các tổ chức thanh vận, trí vận Cộng Sản do Trần Bạch Đằng lãnh đạo. Nhiều người trong bọn u mê này hiện nay hoặc đang âm thầm ngậm đắng nuốt cay vì bất mãn, thất vọng; hoặc đang vùng vẫy như Tiêu Dao Bảo Cự, Trần Vàng Sao….

Đám trẻ hải ngoại cũng không là ngoại lệ của cái tâm lý thích nổi, thích “cool”, thích “chì” qua những suy nghĩ và việc làm ngược giòng của họ. Họ coi những diễn biến lịch sử thời chiến tranh và thời CS không dính líu gì đến họ. Đã có em phát biểu: “Việc bị tù đày, ngược đãi là của cha anh, sao đem gán vào họ.” hoặc “Chiến tranh đã chấm dứt từ lâu, sao cha anh cứ lưu giữ hận thù?” Đã có em con cái cựu nhân viên cảnh sát, quân nhân, nhờ cha mẹ tị nạn mà học hành đỗ đạt nhưng đã lên tiếng thoá mạ cha chú rằng: “Cựu binh Cộng Sản chiến đấu cho tổ quốc của họ. .. Thế hệ các chú được dạy để giết đồng bào.”

Nguyên văn: I have visited my homeland in the last few years and have given money to former communist soldiers who fought in the war for their country and against you. .. I am sorry that young men of your generation were taught to kill their own countrymen because talking to them is not an option. (Trích điện thư của Luật Sư Tr. M. Vinh Phó Hội Trưởng Hội Bảo Tồn Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt, Austin, 27/2/2008)

Cô Michelle Phương Thảo, Giám đốc Viet Art Center (VAC) tại California, trong quá khứ có lần đã giúp cho nhóm The Friends tổ chức đêm ca nhạc về Trịnh Công Sơn mà nhiều đoàn thể trong Cộng đồng lên án. Theo tôi, việc giúp cho đêm nhạc Trịnh là do cách suy nghĩ sai lạc của cô vể một khía cạnh văn hoá do chưa thấu hiểu tầm quan trọng về mặt trận tư tưởng trong cuộc chiến chống Cộng Nhưng về căn bản, cô Michelle có cách nhìn hoàn toàn đúng đắn về vị trí của mình trong tập thể Người Việt Tị Nạn. Cô đã viết lá dài cho cô Trâm Lê và nhóm VAALA trong đó đã có những lập luận vững chắc nhưng rất hữu lý hữu tình để khai tâm. Trong đó có đoạn tâm đắc như sau:

Trích

No matter how young you were when you left VN, no matter if you were born in the US , no matter how perfect you speak English, no matter how liberal you try to be, you should not just “recognize, respect, and honor” the pain. You must “feel” the pain. In another word, the pain is in your flesh and blood; the pain is “you”; you are “the pain.” You are different from the other non-Vietnamese media reporters, the other non-Vietnamese artists, the other non-Vietnamese organizations, you are “Vietnamese refugees” and VAALA is a “Vietnamese-American organization”; these were the reasons for me to voice my opinion in VAC E-news: you are “one of us”.

Ngưng trích và tạm dịch:

Bất luận các anh chị rời Việt Nam ở độ tuổi nào, hay dù các anh chị được sinh ra tại Mỹ, dù các anh chị nói tiếng Anh lưu loát mức nào, dù các anh chị quan niệm phóng túng đến đâu; các anh chị cũng không thể chỉ ‘thừa nhận, tôn trọng, và vinh danh’ những đau đớn [của cha anh]. Các anh chị phải cảm nhận sự đau đớn đó. Nói cách khác, nỗi đau đó phải từ trong máu thịt của các anh chị; nỗi đau đó là các anh chị; các anh chị là nỗi đau đó. Các anh chị khác với những nhà báo ngoại nhân, khác với các nghệ sĩ ngoại nhân, khác với các tổ chức ngoại nhân; các anh chị là những người “tị nạn Việt Nam”; và VAALA là một “tổ chức của người Mỹ gốc Việt”. Đó là lý do mà tôi đã trình bày quan điểm của tôi trong bản tin điện tử VAC: Các anh chị là những “thành viên của chúng ta”.

Bên cạnh các vấn đề chính trị, chúng ta còn nhận thấy có những nhu cầu của giới trẻ mà Cộng đồng ít để tâm đến. Đó là tâm lý, nhiệt tình ham thích các hoạt động văn hoá xã hội, nhân đạo. Thời chúng ta còn thanh niên, chúng ta cũng đã trải qua những háo hức tham gia vào các công tác thiện nguyện: Hướng Đạo, Ủy lạo Thương bệnh binh, chữa cháy, giúp trẻ mồ côi, giúp người già, tàn tật, nan y …
Nhu cầu của họ cũng ví như một hố trũng, nếu chúng ta không trám vào được, thì sẽ có kẻ khác rình sẵn để thay chúng ta. Nhiều hội đoàn trẻ đã hăm hở về Việt Nam làm công tác thiện nguyện, mà nếu chúng ta lên tiếng thì cũng khó; không lên tiếng thì cũng kẹt. Đây cũng là con dao hai lưỡi, vì rất nhiều em sau khi đi Việt Nam đã bị luận điệu ngọt ngào đầy “tình tự dân tộc” của Việt Cộng lừa bịp. Phải nhìn nhận một khuyết điểm trầm trọng của chúng ta là mỗi khi tập họp được các em, chúng ta đã quá nặng về sinh hoạt chính trị mà thiếu sự chuẩn bị tâm lý các em. Do đó, các em ngỡ ngàng và e ngại, chán nản.

Tuy việc uốn lại một cây tre đã lớn là khó khăn, nhưng không phải không làm được trừ phi chúng ta hoặc quá cứng rắn làm cho các em quá sợ hãi và oán ghét; hoặc quá bi quan mà bỏ cuộc, để mặc các em vùng vẫy theo cái sai đó cho đến lúc hết thuốc chữa. Hoặc chúng ta lấy lại được hậu duệ của mình để tiếp tục sự nghiệp còn dang dở; hoặc để cho nghị quyết 36 của CS sẽ thành công ngay trên thành trì chống Cộng của chúng ta. Tất cả là do sự sáng suốt, kịp thời của các đoàn thể cộng đồng, và không thể không có sự trợ lực từ gia đình, các cha anh đã có nhiều kinh nghiệm.