Về Đảng Dân Chủ 21

Đỗ Văn PhúcHMC1

Lời nói đầu:
Nhiều người Việt Hải ngoại đã có cái nhìn khá rộng rãi về các phong trào dân chủ trong nước. Nhưng cũng không ít dư luận bàn tán ra vào về việc ông Hoàng Minh Chính tuyên bố phục hoạt Đảng Dân Chủ. Bài này đã viết và đăng trên báo chí Hoa Kỳ và nhiều nước cũng như trên các báo điện tử ngay sau khi đảng Dân Chủ 21 được tái hoạt động. Sau này chúng tôi có viết một bài “Suy Nghĩ Về Các Phong Trài Dân Chủ VN”, mục đích để giúp xoá bớt những khoảng cách giữa người Quốc Gia và cựu Cộng Sản. Nhưng mới đây, ngày 10 tháng 11, 2006, ông Hoàng Minh Chính, với tư cách Tổng Thư Ký đảng Dân Chủ, đã ra Quyết định số 4 để chấp nhận đơn gia nhập đảng của cựu Trung tá quân đội CS Trần Anh Kim – Ông Kim hiện là một nhân vật đấu tranh tích cực tại VN- Trong điều 3.1, ông Chính đã viết câu:

“Ông Cựu Trung tá Trần Anh Kim có một quá khứ chiến đấu giải phóng dân tộc anh dũng và quá trình đấu tranh kiên cường, bất khuất vì lý tưởng cao quý Tự Do Dân Chủ Hóa Đất Nước;”

Qua vế đầu của câu trên, chúng tôi thấy ông Chính vẫn còn thừa nhận cuộc chiến xâm lược miền Nam do Cộng Sản Hà Nội chủ xướng và tiến hành là chiến tranh giải phóng dân tộc khỏi ách Mỹ Ngụy. Cộng với những câu ông viết trong tuyên cáo phục hoạt đảng Dân Chủ mà chúng tôi có dẫn chứng trong bài dưới đây, liệu chúng ta có thể tạm coi ông Hoàng Minh Chính là người thực sự cùng chung con đường chúng ta không?

Sinh hoạt đảng phái không phải là ý niệm mới. Ngày xưa trong các triều đại quân vương, các quan lại cũng chia phe nhóm để gây ảnh hưởng đến các vị vua chúa, tranh đoạt quyền bính. Tranh chấp quyền lực có lúc nhẹ nhàng, có lúc cũng đổ máu và đưa đến nội chiến.
Nhưng sinh hoạt dân chủ đa dảng hiện nay phát xuất từ nền văn minh dân chủ Tây phương trong đó các chính dảng sinh hoạt hợp pháp và tranh quyền thông qua các cuộc bầu cử tự do. Tại các nước sinh hoạt lưỡng đảng, thực ra có nhiều chính đảng; nhưng chỉ có hai, ba đảng lớn mạnh để tranh quyền, các đảng khác nhỏ hơn chỉ có khả năng gây ảnh hưởng đến chính sách phần nào thôi. Một ví dụ như tại Hoa Kỳ, đảng Xanh (Green Party) nhỏ bé bên cạnh đảng Cộng Hoà và đảng Dân Chủ . Các đảng bình đằng về chính trị, dù đảng lớn có hàng triệu đảng viên, hay đảng nhỏ có vài trăm. Tại các nước mà chế dộ dân chủ chưa thực vững mạnh hay nền chính trị càng thiếu ổn định, càng có nhiều đảng, có khi lên tới hàng mấy chục như tại Việt Nam ta thời đệ nhị Cộng Hoà, Thái Lan, Philippines hiện nay.

Chính đảng theo định nghĩa là một tập hợp nhiều người, có tổ chức chặt chẽ, cùng theo đuổi một mục đích chính trị chung, và thông qua các cuộc bầu cử đưa những người đại diện của mình vào nắm chính quyền, thực thi đường lối riêng của mình hay gây ảnh hưởng đến chính quyền trong trường hợp không nắm chính quyền.
Ngoài chức năng tranh quyền, chính đảng còn chức năng thường xuyên là hướng dẫn, giáo dục quần chúng dựa trên cơ sở cương lĩnh của đảng mình để giành sự ủng hộ..
Theo định nghĩa như trên, chính đảng khác xa với các đoàn thể quần chúng, hay còn gọi là đoàn thể áp lực (pressure groups), đoàn thể quyền lợi (interest groups), vì những đoàn thể này chỉ đại diện quyền lợi của một nhóm, một thành phần kinh tế, xã hội, và không mang chức năng tranh quyền.
Về mặt tổ chức, chính đảng phải có đủ cơ cấu từ hạ tầng (đảng viên, chi bộ, lên tới các đảng bộ các cấp) rồi đến thượng tầng là một ủy ban Trung Ương, một ban Thường vụ, một ban chấp hành gồm Chủ tịch (đảng trưởng, danh xưng ít được sử dụng), hay Tổng Bí thư (hay Tổng Thư Ký). Đảng phải có sinh hoạt thường xuyên qua ban Thường vụ, phải có đại hội định kỳ để bầu bán ban Chấp Hành, ban Lãnh đạo, duyệt xét quá trình hoạt động đề ra phương hướng cho thời gian tới để phù hợp với tình hình chính trị xã hội đang thay đổi từng ngày.
Khi một nhóm người đứng ra thành lập đảng, trước hết họ phải soạn ra cương lĩnh chính trị. Cương lĩnh của đảng phải dựa trên hoặc một ý thức hệ hoặc ít ra một khái niệm về kinh tế, chính trị xã hội (Cộng sản với Duy Vật biện chứng, sử quan; Quốc Dân Đảng với thuyết Tam Dân, Đại Việt với thuyết Dân Tộc Sinh Tồn, Đảng Cộng Hoà Mỹ với nhãn quan bảo thủ, đảng Dân Chủ Mỹ với nhãn quan thiên về cấp tiến). Dù được tập hợp bởi một thành phần nào đó trong xã hội, các chính đảng này phải đại diện cho khuynh hướng rộng khắp của quảng đại quần chúng mà không giới hạn về giới tính, nghề nghiệp, sở thích…
Trong hoàn cảnh sinh hoạt chính trị dân chủ tự do thực sự, chính đảng phải vận động, thuyết phục quần chúng về quan điểm đường lối của mình để họ chọn người tranh cử của đảng mình vào chính quyền hòng thực hiện các điều đã đề ra. Quan điểm đường lối có thể phải thay đổi để theo kịp sự tiến hoá của xã hội về các phương diện. Nếu nền chính trị xã hội chưa có dân chủ, hay chỉ là thứ dân chủ giả hiệu, chính đảng phải hoạt động trong bóng tối; có khi phải đấu tranh bằng bạo động vũ trang. Có những đảng đã sử dụng đến khủng bố là điều thất sách nhất.
Các chính đảng lớn tại Anh khi không nắm quyền, thường lập ra một chính phủ trong bóng tối gọi là Shadow Cabinet, có đầy đủ các bộ tương ứng. Mục đích là theo dõi, phê phán các hoạt dộng của đảng cầm quyền, và sẵn sàng thay thế khi được chọn lựa.

Nhìn lại vấn đề Đảng phái Việt Nam hiện tại, sau một thời gian dài chính trường Việt Nam do một mình đảng Cộng sản độc chiếm, mới đây, ngày 31 tháng 5, 2006. cụ Hoàng Minh Chính đã ra một bản tuyên cáo để khôi phục hoạt động của đảng Dân Chủ Việt Nam. http://www.thtndc.org/modules.php?name=News&file=article&sid=252
Không nói đến hình thức dài lê thê và nội dung kể lể những điều không cần thiết và không phù hợp của một bản văn chính trị, cũng như cách dùng ngôi thứ “Tôi, Hoàng Minh Chính”, chúng ta thử nhận xét sơ khởi việc tái dựng lại đảng dân Chủ Việt Nam.

Cứ theo lời cụ Hoàng Minh Chính thì đảng Dân Chủ được thành lập năm 1944, và đã cùng đảng “người anh kết nghĩa” (sic) là đảng Cộng sản đấu tranh giành độc lập cho Việt Nam, sau đó cùng sinh hoạt chính trị trong chế độ Cộng sản cho tới khi bị người “người anh kết nghĩa” này giải tán năm 1988.
Trong bản tuyên cáo phục hoạt đảng Dân Chủ, cụ viết: “Nhân dân Việt Nam chớp lấy thời cơ Vàng này ra lời Tuyên Ngôn Độc Lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 2-9-1945. Rồi sau đó Tổng tuyển cử tự do bầu Quốc hội đầu tiên đa đảng, lập chính phủ Liên hiệp Quốc gia năm đảng phái. Tất cả biểu hiện một chính thể dân chủ đa nguyên.”
Cụ dã thiếu thành thực ngay trong đoạn mở đầu này. Thưc ra, Hồ Chí Minh đã lợi dụng cuộc biểu tình của dân chúng Hà Nội để tuyên bố độc lập, cướp chính quyền, lập chính phủ trong đó có chia một số ghế cho các đảng không Cộng sản. Nhưng không lâu sau đó, thi hành chính sách khủng bố, thủ tiêu, để loại hết các phần tử Quốc gia.
Khoảng thời gian trước và sau cuộc giành chính quyền năm 1945, là thời gian đảng tranh gay gắt và đẫm máu nhất trong lịch sử Việt Nam. Đảng Cộng sản, có nhiều hậu thuẫn trong giới nông dân, có tổ chức công an hùng hậu, và có nhiều thủ đoạn gian ác, đã triệt hạ tất cả các đảng quốc gia kỳ cựu khác để giành độc quyền chính trị. Họ cấu kết với kẻ thù để ngăn chặn các đảng khác hoạt động, thủ tiêu các đảng viên các đảng khác một cách đã man, tuyên truyền bôi nhọ các đảng… Ấy thế mà họ duy trì hai đảng Dân Chủ và đảng Xã Hội trong gần nửa thế kỷ, cũng lạ!
Nếu nói rằng Cộng sản giữ hai đảng này như để làm cảnh trang trí cho cái chế độ mà họ tự cho rằng “dân chủ gấp vạn lần chế độ dân chủ tư sản” cũng không đúng. Vì trong gần năm chục năm dưới chế độ Cộng sản, hai đảng này chẳng có một sinh hoạt độc lập nào. Thậm chí không có đến một cơ cấu tổ chức thường thấy ở các chính đảng. Chúng ta chỉ nghe nói đến hai ông Nguyễn Xiễn (XH) và Nghiêm Xuân Yêm (DC) là hai Tổng thư ký hai đảng, mà không nghe đến các ban Chấp hành, đảng bộ nào khác. Tệ đến nỗi không dám tự phong cho mình là Chủ Tịch hay Tổng Bí Thư, sợ như thế sẽ tỏ ra bất kính với đảng Cộng sản chăng? Tệ hơn, mỗi khi đảng Cộng sản họp Đại hội thường kỳ, ra nghị quyết chính trị; thì hai đảng này lại tổ chức ủng hộ, tung hô, ca ngợi thành công và học tập nghị quyết của đảng Cộng sản. Có lẽ lâu lâu, đảng Cộng sản cũng ban cho hai đảng này vài ghế trong cái quốc hội bù nhìn để cho có vẻ dân chủ. Đáng lưu ý là ông Hoàng Minh Chính, Tổng thư ký đảng Dân Chủ, lại là Giám đốc Viện Nghiên Cứu Chủ nghĩa Mác Xít là một vai trò rất quan trọng mà chỉ có đảng viên Cộng sản cao cấp, đáng tin cậy mới đảm trách được.
Cụ Khuất Duy Quốc (trên 50 năm tuổi đảng CS) trong bài nhan đề Vài Lời Chân Thật với Huỳnh Văn Tiểng, đăng trên Diễn Đàn Dân chủ của Đàn Chim Việt Online (http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=1852) đã tiết lộ lý lịch chính trị của các thành viên đảng Dân Chủ như sau: “người trong Đảng Dân chủ đều lĩnh lương của đảng Cộng Sản cả. Anh Nguyễn Việt Nam làm chủ nhiệm báo Độc lập, anh Ngô Quân Miện làm thư ký toà soạn cũng là người của đảng Cộng Sản hết, mặc dầu các anh ấy không có tuổi đảng bằng anh (tức Hoàng Minh Chính), họ chỉ là công chức thường mãi cho tới khi được đảng Cộng Sản nhận vào hàng ngũ….. Anh Chính rời khỏi chức vụ Tổng thư ký đảng Dân Chủ là tại đảng Cộng Sản cử anh ấy đi làm công tác khác đấy chứ. Cho đến khi đi học trường đảng Liên Xô về anh Chính vẫn còn là một đảng viên cộng sản thuần thành cơ mà. Năm 1956 anh ấy còn viết giúp anh Trường Chinh cái báo cáo chính trị, nhưng không được dùng vì bị xem là ủng hộ đường lối mở rộng dân chủ của Khơ Rút Sốp. Cũng từ đó anh Chính mới xa rời cái chuyên chính vô sản, mới bị đảng Cộng Sản tặng cho cái danh hiệu “xét lại hiện đại”, hành lên hành xuống, cho vào tù mấy lần trên chục năm. Hoàng Minh Chính có bị khai trừ thật, nhưng là đảng Cộng Sản khai trừ chứ không phải là đảng Dân Chủ.”
Cụ Hoàng Minh Chính đã gọi đảng Cộng sản là “người anh kết nghĩa”. Trong chính trường, các đảng độc lập và bình đẳng với nhau. Chỉ có trên hè phố mới có băng đảng đàn anh, đàn em! Vả lại, đã là anh em kết nghĩa thì cũng “cá mè một lứa” thôi.
Cụ Quốc cũng lên tiếng về điều mà đảng Dân chủ tư nhận đã hợp tác với đảng Cộng Sản như sau :”Cái câu “Đảng Dân chủ đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tập hợp những nhà tư sản yêu nước ủng hộ, hợp tác với Đảng Cộng sản Đông Dương đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc” – là anh nói vống lên, chứ đảng Dân Chủ đâu có được hợp tác với Đảng Cộng sản Đông Dương. Hợp tác là phải bình đẳng với nhau mới gọi là hợp tác, chứ Đảng Dân chủ được lập ra chỉ để làm cho cái biển hiệu của đảng Cộng sản Đông Dương thêm đẹp mắt – giấu đi cái chuyên chính vô sản để không bị người ta sợ người ta tránh – thì bình đẳng với hợp tác cái nỗi gì?!”

Khi nói về tội ác của Cộng sản, cụ Hoàng Minh Chính đã kể ra rất dài, mở đầu bằng: “Đáng tiếc thay! Suốt hơn nửa thế kỷ nay, đảng cộng sản đem áp đặt chủ nghĩa Mác-Lênin hoang tưởng, dùng chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp để thực hiện chủ nghĩa xã hội độc hại tại Việt Nam.”
Trong quá trình hai mươi năm nội chiến với miền Nam và những năm đau thương sau khi chiếm đoạt, cai trị cả nước, những tội ác khủng khiếp do Cộng sản gây ra phải chia một phần trách nhiệm cho hai đảng thuộc cấp là đảng Dân Chủ và đảng Xã Hội. Cái chế độ Cộng sản tàn nhẫn đến độ triệt tiêu mọi sự đề kháng của công dân, ngay cả những đảng viên của họ mà còn chút suy nghĩ về dân quyền và nhân quyền của mình. Cứ rộng lượng cho rằng hai ông Tổng Thư Ký của hai đảng DC va XH không phải là đảng viên Cộng sản, nhưng vì quá sợ hãi trước bạo quyền mà chịu im lặng để cho Cộng sản gây tội ác triền miên như thế, thì chính họ cũng phạm tội ác vậy. Nhà tranh đấu người Do Thái Elie Wiesel, giải Nobel hoà bình, đã nói: “Those who are indifferent [to the murder] are as guilty as the murderers”(Những người làm ngơ trước tội ác, cũng có tội như kẻ phạm tội vậy.)

Chúng tôi rất thương cảm cho hoàn cảnh các cụ ra đi kháng chiến năm nào vì lòng yêu nước, mà đã bị mắc vào tròng của Cộng Sản, chịu nhục nhằn hàng chục năm qua cho đến nay mới nói lên được tiếng nói lương tri của chính mình. Nhưng nếu cụ Hoàng Minh Chính đứng ra cùng những nhà dân chủ lập ra một đảng mới toanh, thì hay hơn là phục hồi một đảng Dân Chủ đã từng là thuộc hạ của đảng Cộng sản.
Cũng trong bản Tuyên Cáo, cụ viết: “Đảng Dân Chủ (XXI) mang tính nhân bản, nhân dân, đại chúng, tư do dân chủ triệt để. Vì vậy đảng kết nạp đảng viên là tất cả những người Việt nào tán thành mục đích tối thượng Tự Do Dân Chủ và các mục tiêu cụ thể kể trên; nhất thiết không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giới tính, thành phẫn xã hội, chính kiến riêng (ngoại trừ tư tưởng tuyên truyền chiến tranh, hằn thù dân tộc), bất kể những ai có đức tính trung thực, minh bạch và trong sáng với lý tưởng Tự Do Dân Chủ, và được dân chúng giám sát. Ngoài ra không có một điều kiện nào khác cả.”
Chúng tôi chưa hề nghe đến một chính đảng kết nạp đảng viên dễ dàng rộng rãi đến thế. Cụ đã bỏ điều kiện tiên quyết để trở thành đảng viên của một chính đảng là có một chính kiến phù hợp với chính kìến của đảng. Cái tiêu chuẩn rộng rãi trên chỉ là để kết nạp vào phong trào, chứ không phải vào chính đảng.
Trong bản tuyên cáo dài khoảng 5 trang giấy in, cụ đã viết hơi nhiều những lời dẫn chứng lên án chế độ Cộng sản mà lại quá ít cho mục tiêu, chương trình hoạt động cấp bách của đảng. Chúng tôi thiết nghĩ cụ nên tập trung vào điểm này để thuyết phục quần chúng theo mình.
Ngoài ra, là một nhà trí thức, có chiều dài sinh hoạt chính trị đáng kể, có lẽ cụ Hoàng Minh Chính hiểu rằng việc sử dụng ngôi thứ “tôi” trong những văn kiện chính trị của một tổ chức sẽ làm người trong và ngoài tổ chức cảm thấy mình bị tách biệt ra.

Thêm một sự kiện đáng để ý. Ngày 8 tháng 4, 2006, 118 nhà đấu tranh dân chủ tại Việt Nam đã cho ra mắt bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ Cho Việt Nam 2006. Đây là một sự kiện lớn đánh dấu bước trưởng thành mới của phong trào dân chủ trong nước.. Qua ngày 14/4/2006 một văn bản gọi là “Tuyên Ngôn Dân Chủ/Lời Kêu Gọi Đại Đoàn Kêt Vì Một Nền Dân Chủ Thực Sự Cho Việt Nam” với nội dung khác hẳn bản Tuyên Ngôn trên do ông Trần Khuê, nhân danh Phong Trào Dân Chủ Việt Nam (trong đó có cụ Hoàng Minh Chính), ký và tung ra trong sự ngạc nhiên tột độ của quần chúng. Tuy cùng mang một mục tiêu tự do dân chủ, nhưng về tinh thần và nội dung thì khác nhau rõ rệt. Điều khó hiểu là chính ông Trần Khuê mới trước đó vài ngày đã ký tên mình vào bản Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006 của 118 nhà dân chủ trong nước. Trong buổi công bố “Tuyên Ngôn Dân Chủ/Lời Kêu Gọi Đại Đoàn Kêt Vì Một Nền Dân Chủ Thực Sự Cho Việt Nam” này, một bài phát biểu của cụ Hoàng Minh Chính đã được đọc lên làm cho mọi người lại thêm thắc mắc. Chúng tôi vẫn chưa đọc được lời giải thích của cụ hay của đảng Dân Chủ.

So với các nước Tây phương mà nền dân chủ đã được trên dưới 200 năm, so với nhiều nước Á Phi Mỹ Latin tập tễnh trên bước đuờng từ sau đệ nhị thế chiến; thì dân tộc Việt Nam chúng ta quả quá đau thương. Mãi đến đầu thế kỷ 21, mới dám bùng lên khát vọng dân chủ. Bao nhiêu thế hệ dân ta đã cam chịu cảnh sống bị đàn áp tận cùng và đã chấp nhận thân phận đó như một sự hiển nhiên như từng cam phận thuyết Thiên Mệnh của Nho Giáo dưới chế độ quân chủ ngày xưa.
Dĩ nhiên chúng ta không quên hai chế độ Cộng hoà tại Miền Nam mà căn bản dân chủ đang từng bước được xây dựng thì bị uổng tử. Chúng ta cũng không quên phong trào Quỳnh Lưu, Nhân Văn Giai Phẩm tại miền Bắc, mà đã sớm bị Cộng sản đàn áp, tiêu diệt. Mãi cho đến vài năm gần đây, chúng ta mới nghe đến những cuộc biểu tình, đình công, đấu tranh đòi quyền sống có hệ thống, quy mô.
Sự xuất hiện của các nhà văn phản kháng, các cựu kháng chiến, cựu đảng viên Cộng sản phản tĩnh, các nhà tu hành, các nhà dân chủ mỗi ngày một đông. Sinh viên có dịp đi du học hải ngoại mở mắt trước sinh hoạt dân chủ mà ý thức vai trò của mình trước quốc dân. Chúng ta rất phấn khích trước những tiến bộ của phong trào dân chủ, và càng mong muốn đóng góp vào, không cần để ý đến sự khác biệt trong quá khứ, miễn sao cùng có chung một mục đích dân chủ tự do cho Việt Nam. Dù người đó là Tiêu Dao Bảo Cự mà đã phản bội miền Nam trong thời chiến tranh. Dù người đó là BT, NKT, DTH mà 31 năm trước đã theo đoàn quân viễn chinh Bắc Việt vào cướp đoạt tài sản và cuộc sống của dân Nam. Vì sự sinh tồn của nòi giống, vì tự do dân chủ, hạnh phúc ấm no của dân ta, chúng ta bỏ qua hết những dị biệt xưa để cùng đi chung con đường tranh đấu.
Vì thế, khi phải viết về một phong trào dân chủ trong hay ngoài nước, chúng tôi rất e ngại, đắn đo để khỏi gây thêm sự nghi kỵ, chia rẽ trước một kẻ thù chung là Cộng sản.
Nhưng không vì thế mà chúng ta thiếu sự cảnh giác hay để cho tình cảm bồng bột che lấp lý trí. Quá khứ lịch sử cho chúng ta nhiều bài học rất thiết thực trong việc đối phó với Cộng sản. Người quốc gia từng giai đoạn, đã bị Cộng sản lừa gạt cay đắng. Cộng sản biết khi nào quả bóng quá căng để sẵn sàng xì bớt chút hơi cho nó khỏi nổ tung. Trong lúc những người đảng viên trung kiên bao năm đã lên tiếng kết án những sai lầm của đảng, trong lúc nội bộ xâu xé tranh ăn, tranh quyền; trong lúc cộng đồng thế giới áp lực thay đổi định chế, đảng Cộng sản Việt nam biết rằng không thể né tránh được nguyện vọng cấp bách của toàn dân mà trước mắt là sinh hoạt đa nguyên, đa đảng. Mà Cộng sản lại không dễ gì từ bỏ quyền lực mà họ có được thông qua bạo lực. Tự do bầu cử một cách dân chủ sẽ loại ra khỏi quyền lực những kẻ bất tài, thất đức. Vì thế, đối với Cộng sản, cách giải quyết tốt nhất là phân thân thành hai đảng đối lập nhau trên hình thức. Một đảng không Cộng sản được họ hậu thuẫn sẽ độc chiếm số cử tri chống Cộng. Như thế, quyền lực lọt sàng xuống nia. Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai.
Người dân Việt Nam ngày nay cũng như người bị đắm tàu sắp chìm trên mặt biển, người ta sẵn sàng níu vào bất cứ cái phao nào trôi đến trong tầm tay, mà có thể quên rằng phao đó chỉ là lưng con cá mập. Tốt nhất, trong hoàn cảnh tranh tối tranh sáng hiện nay, chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo trước khi tham gia, ủng hộ hay phủ nhận, bài khích..
Với lòng tin rằng nhân dân Việt Nam đã trải qua quá nhiều kinh nghiệm chính trị, sẽ đọc bài này như một góp ý và tự chính mình sẽ tìm câu trả lời thích đáng. Chúng tôi ước mong cụ Hoàng Minh Chính và các thành viên đảng Dân Chủ, nếu thực lòng vì một nền dân chủ cho đất nước, xây dựng một đảng Dân Chủ hoàn toàn mới, thực sự đối lập với đảng Cộng Sản, có tiêu chuẩn cao trong việc kết nạp đảng viên để thu phục sự ủng hộ rộng rải của quần chúng.

Muốn rõ thêm về việc ra đời của Đảng DÂN CHỦ, xin đọc bài của cụ Khuất Duy Quốc ở trang web Hưng Việt:
http://hungviet.org/vact/khuatduyquoc080606.html

Austin, TX tháng 6, 2006