Vì em, anh làm lính Nhảy Dù

Đỗ Văn PhúcHoaBTX

Từ sân trường Ðại học CTCT nơi ngọn đồi thấp cuối dường Võ Tánh, nhìn qua bên kia đồi là trường nữ trung học Bùi thị Xuân. Mỗi sáng thứ hai, liên đoàn sinh viên sĩ quan chỉnh tề trong quân phục tiểu lễ, cờ kiếm lấp lánh trong ánh nắng mai, nối hàng tiến ra vũ đình trường làm lễ chào cờ. Thì phía bên kia đồi, cũng lũ lượt từng đoàn các cô nữ sinh tha thướt trong những chiếc áo dài màu tím đang líu lo trò chuyện trên đường vào lớp học.
Có lẽ vì những bông hồng tươi tắn bên kia mà bao chàng trai CTCT trước khi trở thành tân sĩ quan, đã tự thao dượt những màn “nhảy dù” ngoạn mục mà sau những phút hân hoan gặp gỡ người đẹp, thường kết thúc bằng những màn phạt dã chiến hay những ngày lạnh lẽo trong phòng giam khinh cấm. Các đội viên của đơn vị Dù này đặc biệt là hoạt động riêng lẽ, không ai biết ai trong cùng đơn vị, cũng chẳng có người chỉ huy!!!

Tôi cũng là một trong những SVSQ thuộc tiểu đội (hay trung đội?) “Nhảy dù” nổi tiếng ở trường. Nhưng may mắn ít khi để dù sa vào tay kẻ địch là các “hung thần” cán bộ. Một phần là do lối đánh du kích rất táo bạo, vào những giờ giấc bất ngờ nhất, hoặc xuất quân từ những vị trí rất hở mà lại kín đáo vô cùng. Nhưng phải ghi công các bạn cùng trung đội đã bao che trong những lần điểm danh cuối ngày trước khi tiếng kèn buồn ngân nga đưa các sinh viên vào giấc ngủ sau những giờ học tập căng thẳng.
Cuối tháng 4 năm 1967, anh em khoá 1 Sĩ Quan Hiện Dịch Chiến Tranh Chính Trị được chuyển về trường sau 5 tháng học căn bản bộ binh tại Thủ Ðức. Ngôi trường sơ sài những căn nhà gỗ mái tôn. Những con đường rải đá dăm gập ghềnh nắng bụi mưa bùn. Chỉ có độc một bin đing hai tầng làm Bộ Chỉ Huy của trường là nguy nga đồ sộ mà thôi. Hình như lúc đó chưa có hàng rào kẽm gai phòng thủ. Phía sau trường, gần dãy nhà gỗ của Trung đội 6 là một dãy nhà của các quân nhân cơ hữu có gia đình, nơi tối tối, chúng tôi kéo xuống thưởng thức tô bún bò cay nóng hoâc những cuốn chả giò dòn tan. Từ đây, các chàng nhảy dù tập sự xuất phát sau giờ cơm chiều. Rẻ phía trái dọc theo chân đồi 4648 là con đường dẫn ra chùa Linh Sơn. Các chàng thường đón xe lam hay đi bộ ra phố; hay dừng lại quán Tuổi Ngọc uống cà phê, nghe nhạc. Từ Công Cẩn là người nhảy “saut” đầu tiên ngay tuần đầu tiên sau khi nhập trường. Có lần dù không bọc gió, Cẩn đã được Chuẩn Úy Trần Đình Thản “ưu ái” hộ tống về trường. Anh Thản, lúc đó là cán bộ Ðại đội A, chạy Honda có Cẩn chạy bộ theo sau rất nhịp nhàng. Sau đó dĩ nhiên là những màn dã chiến ngoạn mục trước ông cán bộ “Du Thản Chi” mặt sắt lạnh lùng.
Khi những vọng gác với những cái tên rất nên thơ mọc lên quanh trường cùng những lớp hàng rào kẽm gai dày đặc được giăng ra, thì việc trốn ra phố có phần khó khăn hơn nhiều. Nhất là khi việc điểm danh đêm lúc 10 giờ trở thành thông lệ.

Tôi thường trốn ra đi từ chiều thứ sáu sau cuộc thanh tra doanh trại của cán bộ đại đội. Gói gọn bộ quân phục dạo phố, nón két, đôi giày da thấp cổ vào trong chiếc túi vải; tôi khoác lên người bộ chiến phục hoa rừng, nón bê rê xanh màu lá rừng, và phủ bên ngoài là chiếc áo lạnh dã chiến. Làm bộ đi tha thẩn dạo chơi, tôi lần đến phía bên sau căn nhà làm văn phòng Khối CTCT ở gần cổng chính. Nơi đây có một đoạn hàng rào khuất kín mà tôi đã cắt một lổ vừa đủ chui người ra. Ðậy phần cửa sổ kẽm gai này xong, tôi lăn người xuống chân đồi. Thế là ung dung đi ra đến đầu đường đón xe lam về nhà bạn gái tôi gần nhà thờ chính toà Dalat.
Ðêm Dalat, dù rằng vào mùa hè, cũng se se lạnh. Còn gì thú vị hơn là cùng người yêu, tay choàng tay, thả bộ trên con đường dọc theo bờ hồ Xuân Hương, nhìn sương mờ giăng giăng trên mặt hồ. Từ sân cù cỏ xanh non mơn mỡn đến những con đường viền những bông hoa rực rỡ sắc màu. Ai đã khéo đặt những mỹ danh rừng Ái Ân, hồ Than Thở, thung lũng Tình Yêu… mà mỗi nơi không thể không ghi dấu nhiều mối tình lãng mạn, thành đạt trong hạnh phúc hay tan vỡ trong đau đớn muôn vàn. Ngày xưa Từ Thức phải đi vạn dặm mới đến cõi Thiên thai “nơi hoa xuân không hề tàn, nơi bướm xuân không hề ngại, nơi tình xuân không hề nhạt phai”. Ngày nay, chàng trai Võ bị hay Chiến tranh Chính trị chỉ cần liều mạng một chút đã đã có thể vi vút đến non Bồng để được “chốn đây em xin dâng chàng trái đào thơm.”
Tối khuya, trở về từ quán phở Tùng nổi tiếng hay nhà hàng Thủy Tạ cất trên hồ Xuân Hương, chui vào trong lớp chăn ấm trong vòng tay người tình, đôi lúc cũng thấy âu lo. Chẳng biết giờ này trong trường, có ai phát hiện sự vắng mặt của mình hay không. Ðiểm danh tối do các cán bộ Ðại đội đảm trách. Họ không đếm đầu người, mà chỉ kêu tên tuần tự từng người, từng tiểu đội. Tôi đã có Nguyễn Mạnh Vỹ sẵn sàng hô “có” giùm. Và dưới ánh đèn 60 watts mờ mờ bên hông nhà ngủ, trước một đám lố nhố những SVSQ co ro trong bộ áo nhái, thì đố ai mà nhìn cho rõ được cái anh chàng hô “có” kia có phải đúng là cái người đang được gọi tên không.
Sáng thứ bảy, nếu không có lệnh phạt tập thể, thì sẽ có một nửa quân số được xuất trại đi phố chơi cho đến chiều. Nửa còn lại sẽ đi vào ngày chủ nhật. Tôi thường chờ ngày đại đội mình đi phép mới chường mặt ra phố. Thế là an toàn một trăm phần trăm. Lỡ xui gặp phải cuối tuần cả tiểu đoàn bị phạt cấm trại, thì mình cứ như ngồi trên lò lửa. Thầm đoán chuyện gì đang xảy ra trong khuôn viên nhỏ bé của ngọn đồi 4648. Thôi thì cứ mặc. Dù hình phạt có ghê gớm đến đâu cũng chỉ thoáng qua trong ưu tư của những kẻ đang say đắm hưởng thụ hạnh phúc ái tình. Như anh chàng hoàng tử si tình trong câu chuyện Vườn Ðịa Ðàng của Hans Christian Andersen dám đánh đổi ngàn năm cuộc sống cho một giây phút thần tiên này “If it were to be everlasting night to me, a moment like this were worth it.”

Từ khi có khoá 2 vào trường chia sẻ những phiên gác đêm, các anh lính dù khoá một nay đường hoàng đi ra cổng chính mà không lo đàn em làm khó dễ. Những đêm ứng chiến tại trường Bùi Thị Xuân hay chùa Linh Sơn, đài phát tuyến đã tạo cơ hội tốt cho những tân binh gia nhập vào binh chủng Dù ngày càng đông đảo. Vã lại sắp đến ngày tốt nghiệp nên các cán bộ cũng tỏ ra dễ dãi hơn. Gần như quán Tuổi Ngọc đêm nào cũng tràn ngập các anh chàng CTCT. Anh Thản, Tịnh, Quý có đi qua trông thấy thì cũng giả bộ tai ngơ mắt nhắm thôi.
Thế là tôi cứ mỗi tuần ra đi từ chiều thứ sáu và chỉ trở về trường vào sáng sớm tinh mơ ngày thứ hai, ngồi thu mình giữa những cần xé bánh mì sau thùng xe GMC hoả thực. Một lần, tôi về trường lúc tiểu đoàn bất ngờ có lệnh đi học chiến thuật bên trường Võ Bị. Xe bánh mì vừa dừng trước nhà phạn xá, đã thấy các anh em lỉnh kỉnh ba lô súng đạn leo lên đoàn quân xa chờ lãnh phần ăn sáng là chuẩn bị khởi hành. Tôi ba chân bốn cẳng nhảy vội xuống xe bất kể có sĩ quan hay SVSQ cán bộ nào trông thấy hay không. Quơ vội các thứ nào dây nịt đạn, áo quần trận, giày vải đi rừng, nón sắt súng đạn cho vào tấm Poncho và leo thoắt lên xe của trung đội mình. Thu mình trong một góc xe, tôi bắt đầu thay áo quần giày vớ, bọc lưới nguỵ trang vào nón sắt và thở một hơi dài khoan khoái thấy mình thoát được đại nạn.
Còn chừng vài tuần nữa là đến ngày mãn khóa; tôi đang bị nhốt trong cái toa lét bên hông nhà bếp. Án phạt 15 ngày cho tội dù không bọc. Ðỗ Minh Hưng lúc này làm SVSQ an ninh, ngày hai bữa đem dĩa cơm muối vào cho tù ăn. Nhưng khi nào tôi cũng khám phá phần cá thịt dấu bên dưới do một chú khoá hai liều lĩnh nào đó. Tôi không còn nhớ đã quen với Hoàng Hưng Nam (khoá đàn em) trong trường hợp nào. Nam hằng đêm đã ném vào phòng giam một sợi dây chão lớn cho tôi leo ra; bởi vì cái toa lét không có trần nhà. Thế là trong lúc cán bộ đinh ninh anh tù đang nằm co ro dưới sàn nhà vệ sinh, thì anh ta đang đường hoàng ấm êm trong căn phòng hủ hỉ với người đẹp mà anh ta sẽ mang theo về Sư đoàn 5 Bộ binh nửa tháng sau đó.

Tôi không biết chính xác có bao nhiêu chàng CTCT làm rể Bùi Thị Xuân. Nhưng chỉ riêng tại địa bàn Houston, mỗi lần có đại hội các “em” Bùi Thị Xuân, là thấy có ít nhất một bàn đầy các chàng rể CTCT. Vui thay, cái duyên này tương đối bền vững dù sau bao nhiêu năm chinh phụ mỏi mòn chờ chồng đang chiến đấu cam go ngoài biên ải, hay đến cả thập niên lao nhọc trong các trại tù Cộng sản sau năm bảy lăm. Năm ngoái, nhân ngày đại hội Bùi Thị Xuân 2001 tại Houston, trong vòng quen biết đã nhận mặt được năm anh. Bốn thuộc khoá một, một người khoá hai. Dù tuổi đã xế chiều, các anh trai CTCT vẫn hào hoa, lịch lãm cử người trao tặng các em những bó hoa hồng rực rỡ. Thậm chí có anh còn cả gan lên cất giọng oanh già để hát những bài tình ca. Cứ như sống lại thời hoa mộng 33 năm về trước trên đất Ðà Lạt sương mù.
Mà cũng vui thay, các “em” dù phận gái chuyên chuyện bếp núc trong nhà, vẫn luôn bày tỏ cái lập trường chống Cộng rất tích cực mà các em đã bị lây từ bên ngọn đồi đối diện.