Có Nhau Suốt Đời

Đặng Kim HoaHoaNTTXH

(Phòng Xã Hội,Trường Chỉ Huy Tham Mưu QLVNCH)

Giữa đầu năm 1967, sau khi mãn khoá quân sự ở Trường Nữ Quân Nhân, chúng tôi được trả về Cục Xã Hội để chờ nhập khoá Nữ Trợ Tá. Cục Xã Hội nằm ẩn khuất trên đường Đồn Đất với những dãy nhà ngói cũ kỹ thấp lè tè nhưng lại rất nhộn nhịp vì có các khoá sinh Nữ Trợ Tá lúc nào cũng cười nói ồn ào. Khoá chúng tôi khai giảng trễ một tháng nên trong lúc chờ đợi, chúng tôi được giao các công việc lặt vặt tại các văn phòng của Cục. Tôi và hai bạn Nghĩa (cũng dân Đà Lạt) và Mỹ (dân Thủ Đức) thì giúp cho Phòng Nhân Viên nhận, chuyển hồ sơ. Có khi lại được qua giúp bác sĩ Tôn Thất Thận để sắp xếp thuốc men trong kho vốn rất dồi dào.

Cũng có thời gian chúng tôi được biệt phái qua Trường Nữ Quân Nhân để tập diễn hành chuẩn bị cho ngày Quân Lực 19 tháng 6, 1967. Địa điểm tập diễn hành luân chuyển có khi thì qua Trường Quân Y vì nơi đây có sân rộng và tráng nhựa bằng phẳng, thẳng tắp. Những lúc di chuyển, Trung Úy Hồng, Trưởng Ban Quân Xa là người chịu trách nhiệm đưa đón. Ông vui tính và rộng rải, thỉnh thoảng dẫn chúng tôi đi ăn kem hoặc cho xe chạy một vòng dọc bến Bạch Đằng để ngoạn cảnh Sài Gòn lúc chiều về.

Còn vài hôm nữa là ngày diễn hành. Lòng chúng tôi vừa hồi hộp vừa thích thú, hãnh diện. Lại gặp lúc các anh khoá 1 Sinh Viên Sĩ Quan Đại Học Chiến Tranh Chính Trị cũng về Sài Gòn dự lễ. Họ tập trung trên khúc đường Cường Để để tập. Chúng tôi đi qua hàng ngũ các anh, thấy trên vai áo các anh những phù hiệu Lục Đại Chiến  như phù hiệu chúng tôi. Chúng tôi đâm ra có cảm tình đặc biệt đối với những người cùng một ngành phục vụ. Cũng cần nhắc lại là khi Khoá 1 khai giảng ở ngọn đồi đối diện với trường Bùi Thị Xuân của chúng tôi, thì tôi cũng là một nữ sinh đang sắp sửa rời mái trường để gia nhập quân đội, chỉ vì quá mê màu thiên thanh của bộ đồng phục Nữ Trợ Tá.

Ngày diễn hành căng thẳng, mệt nhọc đã qua đi. Lúc này chúng tôi đang được phép đi dạo phố. Đảo lên, đảo xuống dọc đại lộ Lê Lợi nhìn những dòng người nam thanh nữ tú đủ màu đủ kiểu cũng thấy vui lây. Lại chạm mặt mấy ông Chiến Tranh Chính Trị, mà trong đó có một người dong dõng cao, khuôn mặt vừa sạm nắng thao trường, nhưng cũng còn mang đôi chút nét thư sinh. Anh ấy chặn tôi lại làm quen dễ dàng, nhanh chóng như “người Sài Gòn”. Tôi đọc vội bảng tên trên túi áo tiểu lễ và tự giới thiệu tên mình. Anh nghe không rõ – chắc là vì tôi ngượng ngập nói quá nhỏ chăng. “Cô là Thoa?” “Không, em là Hoa, Kim Hoa.”

Rồi chẳng thấy anh nói gì nhiều ngoài vài câu có vẻ xã giao. Chúng tôi đường ai nấy đi.

Mãn khoá xong, hai cô lính mới gốc Đà Lạt may mắn được về Trường Chỉ Huy Tham Mưu Đà Lạt nhận việc. Tôi phụ trách Phòng Xã Hội với một cô nhân viên vừa là bạn đồng khoá. Từ sau tết Mậu Thân, Khối CTCT của Trường Chỉ Huy Tham Mưu không đủ nhân sự, nên Phòng Xã Hội không có ai làm việc. Mãi khi chúng tôi về trường thì công việc dồn ứ từ nhiều tháng nên rất bân rộn. Tôi lại được về Cục Xã Hội nhiều lần để lo chuẩn bị thành lập Ấu Trĩ Viên, chăm sóc con cháu của các quân nhân trường CHTM.PHUCHOA6

Bận thì bận, nhưng mối giao hảo với anh chàng sinh viên CTCT có nhiều dịp để kết sâu hơn. Hai quân trường chỉ cách nhau chứng vài cây số đường chim bay, nhưng đôi Ngưu Lang Chức Nữ phải chờ cuối tuần mới có dịp dung dăng dung dẻ trên các con đường êm mát của xứ anh đào. Nhưng mỗi ngày thì bưu tín viên cũng tìm đưa một lá thư từ KBC 4648 của chàng trai si tình. Qua năm sau, khi đã gắn thêm một gạch trên chiếc alfa, có ngờ đâu cái anh chàng xem mặt hiền lành đến thế, mà lại bạo gan hơn ai cả. Anh ấy nhảy rào ra phố gần như hàng đêm, đến nỗi sĩ quan cán bộ phải doạ cho ra trường với cấp bậc Trung Sĩ.

Ngày anh ấy mãn khoá, bắt thăm chọn về Sư Đoàn 5 Bộ Binh thì nỗi lo lắng càng dâng cao. Vì lúc đó, Sư Đoàn 5 là đơn vị chạm địch liên hồi, đánh những trận ngập máu ở chiến trường ba tỉnh phiá Bắc Sài Gòn.

Chúng tôi phải làm lễ cưới gấp để mong cho anh có chút con trai nối dòng phòng khi…. Chả là anh ấy là con trai độc nhất của gia đình.

Thế là cô Nữ Trợ Tá giã từ đời binh nghiệp ngắn ngủi để theo chồng khắp các địa danh nổi tiếng miền Đông Nam Phần. Làm vợ người lính bộ binh thật gian nan. Đã có nhiều lần ông Tiểu Đoàn Trưởng thương tình cho trực thăng đưa vào tận căn cứ hoả lực nằm sâu trong lòng mật khu Long Nguyên, Hố Bò… Cũng chịu cảnh pháo kích trong khi đang lui hui nấu cho chồng nồi canh chua lá dang khô sặc. Cũng phải nằm đong đưa co quắp trên chiếc võng nylon trong căn hầm ẩm mốc. Những năm anh ở Bộ Binh là những năm đêm không ngủ yên giấc, phấp phỏng mong chờ và hồi hộp khi thấy người đưa thư tiến về phiá nhà mình.

Rồi lại đến ngày 30 tháng 4, anh ấy bị đưa đi hết trại tù này, đến trại tù khác. Bắt đầu là khu vực Long Khánh, rồi xa hơn đến Hàm tân, và cuối cùng là địa ngục Xuân Phước. Mười năm chồng ở tù là 10 năm thân cò lặn lội kiếm ăn nuôi mẹ chồng và đàn con 4 đứa còn thơ dại. Mười năm, chỉ được thăm gặp chồng chừng vài lần. Có những lần đi hàng trăm cây số, vượt qua những khu rừng âm u, bang qua những dòng suối nước chảy siết  để khi đến trại thì không được gặp chồng. Lý do của bọn cai tù: “anh P. này ngoan cố, chống đối không chịu học tập, chây lười lao động, vi phạm nội quy. Chị phải viết thư động viên anh ấy chịu cải tạo thì lần sau trại sẽ cho gặp mặt.”

Trời cũng có mắt, trả công hậu hỉ cho người công chính, trung hậu.

Ngày nay gia đình chúng tôi định cư ở Texas. Con cái thành đạt, có đủ vợ chồng con cái hạnh phúc. Và đôi vợ chồng già vẫn gắn bó như đôi sam.

Nhanh thật! Kỷ niệm 50 năm các anh Khoá 1 nhập ngũ, cũng là đánh dấu của 47 năm tình nghĩa vợ chồng của hai người cùng đeo trên vai một phù hiệu Lục Đại Chiến, mà suốt thời son trẻ ít khi được gần nhau; phải chờ qua bao gian khổ, trầm luân mới được gắn bó.

Texas Tết 2016.

Đặng Kim Hoa

One thought on “Có Nhau Suốt Đời

Comments are closed.