Lễ Phủ Cờ, Có Nên hay Không?

Nếu Có, thì Phải Nghiêm Trang, Đúng Cách!phuco

Lễ phủ cờ trên quan tài là một ân sủng mà chính phủ thay mặt quốc dân, tỏ lòng biết ơn đối với những chiến sĩ đã bỏ mình vì tổ quốc. Những chiến sĩ này là quân nhân tại ngũ đã hy sinh ngoài chiến trận hay bị giết bởi quân địch trong những trường hợp khác. Cũng có thể quân nhân đã hưu trí nhưng từng có nhiều công trận đặc biệt, cũng có thể là các cán bộ, công chức bỏ mình khi thi hành công vụ – những điều sau này chúng tôi không chắc lắm.

Lễ phủ cờ chắc chắn phải do những văn bản hợp pháp như Công Lệnh, Quyết Định của các giới chức có thẩm quyền. Nghi lễ có những thủ tục diễn tiến do chính phủ quy định trong các văn bản lập quy. Đại cương, quan tài của tử sĩ có thể quàn ở nhà hay tại nơi công cộng để gia đình cử hành nghi lễ tôn giáo và để các đại diện chính quyền, quân đội đến thăm viếng, truy tặng huân chương hay huy chương, truy thăng cấp bậc tùy theo công trạng

Hiện nay, chúng tôi không biết rõ hết các nghi lễ ra sao nên không viết ra đây.

Nhưng chúng tôi còn nhớ là luôn luôn phải có ít nhất hai quân nhân đồng cấp đứng nghiêm chỉnh hai bên quan tài. Thường là quân nhân cùng đơn vị, binh chủng. Thời bình, họ phải mặc tiểu lễ; thời chiến họ có thể mặc quân phục tác chiến và phải được ủi thẳng thắn. Quan tài được phủ quốc kỳ bởi một toán quân nhân danh dự và quốc kỳ chỉ được xếp lại trước khi hạ huyệt. Trừ trường hợp bên Thiên Chúa Giáo; khi đưa quan tài vào thánh đường để làm lễ thì phải tạm thay bằng tấm khăn trắng có thêu các hình ảnh tôn giáo.

Chúng tôi còn thấy trên quan tài những người dân là nạn nhân của sự khủng bố do Cộng Sản gây ra cũng có phủ lá Quốc Kỳ (như nạn nhân bị Việt Cộng thảm sát hồi Tết Mậu Thân đã được cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ban lệnh phủ cờ). Nhưng không rõ họ có hưởng được những lễ nghi long trọng như đối với người chiến sĩ vị quốc vong thân hay không?

Ngày nay, việc phủ cờ được sử dụng trong hầu hết những tang lễ của các cựu quân nhân dù họ qua đời vì bệnh, vì tuổi già hay tai nạn. Không cần biết trong thời gian còn tại ngũ họ đã phục vụ như thế nào, có những chiến tích ra sao.

Và cũng không rõ chức quyền nào ban hành các công lệnh, quyết định để làm lễ phủ cờ.

Việc phủ cờ cũng tiến hành mỗi nơi một cách khác nhau. Các hội địa phương tự bày ra cách này hay cách nọ. Có nơi mua các cây súng gỗ để trang bị cho toàn dàn chào danh dự! Nhiều nơi đem cả Quốc Kỳ, Quân Kỳ ra hành lễ!

Từ khoảng 10 năm nay, xuất hiện một nhóm người Việt Nam tự xưng là Lực Lượng Trừ Bị Tình Nguyện Lục Quân Hoa Kỳ (US Army Volunteer Reserve). Tại mỗi thành phố lớn, họ lập thành một Lữ đoàn gồm khoảng 10 đến 20 người, có một người tự phong là Chuẩn Tướng làm Tư lệnh. Số còn lại ai cũng mang cấp Đại Tá, Trung Tá cho đến Đại Úy. Không có ai là Hạ Sĩ Quan hay Binh Nhì! Họ tự mua sắm quân phục lục quân Mỹ, từ huy hiệu trên nón kết cho đến bộ tiểu lễ màu cứt ngựa, đến các cấp hiệu, phù hiệu… đều là của Lục quân Hoa Kỳ. Nhưng họ không phải là quân nhân Mỹ, mà chỉ là những người Việt Nam bình thường. Họ họp nhau trong các tiệm ăn, quanh bàn rượu thịt. Họ có thể là những người thợ trong hãng xưởng, có thể làm nghề tự do, có thể đã về hưu… Đa số họ là các cựu quân nhân VNCH. Công việc chính của họ với danh nghĩa Lực Lượng Trừ Bị Tình Nguyện Lục Quân Hoa Kỳ là đến gia đình những người cựu quân nhân VNCH qua đời để xin được làm lễ phủ cờ. Vì thế, người ta nói châm biếm những người lính lạ này là “Lính Nhà Đòn”. Trong khi đó, cũng có những hội đoàn quân đội trong địa phương cũng dành công việc này.

Thật là hình ảnh lạ lùng khi trong tang lễ một người cựu lính Việt Nam lại có một nhóm mặc quân phục Mỹ đến làm lễ phủ cờ. Những ông già, thân hình thì nhỏ nhắn thấp lùn mà lại mặc áo quần của Mỹ dài và rộng, vừa lụng thụng vừa nhăn nhúm, đi đứng không đều chân theo nhịp, khi chào tay thì người đưa lên, kẻ hạ xuống, quay qua quay lại dáo dác; làm cho cuộc lễ trở thành hợm hĩnh, lố lăng rất buồn cười.

Nhờ những lời bình phẩm mỉa mai của công chúng, mà tình trạng “lính nhà đòn” này hiện đã bớt đi rất nhiều. Xin nói thêm về cái gọi là Lực Lương Trừ Bị này. Đây là những tổ chức do người Mỹ, người Tàu lập ra, mà trang web Wikipedia cho hay không thống thuộc bất cứ đơn vị quân đội nào. Báo LA Times thì nói rằng họ là những đơn vị dỗm, một thời thấy xuất hiện trong các lễ hội và diễn hành, nay thì đã rút lui vào im lặng. (The United States Army Volunteer Reserve Association is a volunteer organization unaffiliated with any military unit or reserve unit. The Los Angeles Times called it a “Phony Army unit” and referred to them as “faux military units”. The group was once very visible in parades and civil ceremonies, but politicians and the Reserve Association now stays on a low key)

https://en.wikipedia.org/wiki/United_States_Army_Volunteer_Reserve_Association

Có nhiều vị ủng hộ việc phủ cờ như là một hình thức để vinh danh những người đã khuất, gây một tác động tâm lý cho gia đình họ; mà còn là vinh danh và lưu giữ hình ảnh lá Quốc Kỳ mãi mãi sống trong cộng đồng người Việt tị nạn.

Chúng tôi không phản đối việc này, nhưng xin góp thêm những ý kiến xây dựng để việc phủ cờ có tầm vóc giá trị.

Trước hết, liệu việc phủ cờ này có chính danh hay không đối với một vài cựu chiến sĩ? Vì người cựu quân nhân trên quê người không chết vì công vụ, không bỏ mình vì Tổ quốc… Biết đâu trong thời gian tại ngũ trước 1975, có người là lính kiểng, có người vi phạm những tội về quân kỷ hay hình sự, có người tham ô nhũng lạm, … thì họ có xứng đáng được vinh dự phủ lên lá quốc kỳ không? Chúng tôi còn biết có nhiều người ở Mỹ hàng chục năm không hề có chút đóng góp vào sinh hoạt của các hội đoàn, cộng đồng; có người đi về Việt Nam như đi chợ để vui chơi, làm ăn, lấy vợ bé…

Đối với những loại người kể trên, vìệc phủ lá Quốc Kỳ lên quan tài của họ là một sự mỉa mai, là sự sỉ nhục đối với những cựu quân nhân từng chiến đấu hào hùng và hiện còn mang trong mình lý tưởng và đã trọn lòng trung thành với lý tưởng đó.

Chúng tôi biết được cố Thiếu Tướng Lê Quang Lưỡng và vài cựu Tướng lãnh VNCH đã dặn dò gia đình không được làm lễ phủ cờ, vì theo họ, “Xin mặc đồ đen, không mặc quân phục, nếu muốn đến tiễn đưa tôi lần chót”. “Tôi làm Tướng không bảo vệ được nước, khi nước mất tôi đã không dám chết theo nước, nên khi tôi chết già yêu-cầu đừng phủ quốc-kỳ lên quan-tài tôi, vì tôi biết mình không xứng-đáng được hưởng nghi lễ nầy.”

Quý vị Tướng lãnh đó là những chiến binh có độ dày quân vụ đáng kể và có nhiều chiến công hiển hách đóng góp cho công cuộc chống Cộng bảo vệ tự do cho Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta có thể phủ lên quan tài người quá cố lá Quốc Kỳ như để xác minh lý lịch VNCH của họ. Nhưng nếu quý hội đoàn quân đội vì tình chiến hữu, vì lòng mến thương kính trọng người quá cố mà quyết định phủ cờ; chúng tôi xin đề nghị quý vị tìm hiểu thật kỹ các nghi thức cho đúng, và toán danh dự phải tự chăm sóc quân phục và chịu khó bỏ thì giờ tập cho thuần thục để buổi lễ diễn ra nghiêm trang.

Bài viết này không nhằm chỉ trích đả phá trong nội bộ, mà chỉ muốn kêu gọi sự tôn trọng đối với lá Quốc Kỳ; vì đó là hồn thiêng núi sông, nên khi đem ra sử dụng phải đúng chỗ, đúng lúc và trong một không khí trang trọng.

—————————————————————————————————————–

Kính thưa quý vị,

Sau khi bài viết về Việc Phủ Quốc Kỳ được chuyển ra công luận, chúng tôi nhận một email trách rằng viết Thiếu Tướng Lê Quang Lưỡng không cho phủ cờ là sai sự thật, là ngụy tạo. Người gửi email có chuyển trang web http://lequangluong.blogspot.ca/ trong đó có một bài viết của Chiến Hữu Phạm Hoà, viết rằng Th/Tướng Lưỡng chỉ dặn làm tang lễ đơn sơ, mà không dặn cấm phủ cờ. Nhưng cùng trong trang web đó, bên dưới lại có bài của hai sĩ quan dù là Võ Trung Tín và Nguyễn Hữu Viên thì xác nhận việc cấm phủ cờ.

Trích:

Ngày 21/9/2005 Tướng Lê Quang Luỡng đã qua đời tại Bakefield California vì chứng bệnh Gan, thọ 73 tuổi, để lại nhiều luyến thương sâu xa cho đoàn quân Mũ Đỏ. Đến phút cuối, ông nhất định không cho phủ Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ lên “quan tài của một bại tướng lưu vong”, ông cũng trăn trối không nhận vòng hoa đưa đám, chỉ nhận tiền mặt để gởi về quê nhà giúp các đàn em thương tật.

Hết trích.

Vậy thì chẳng biết tin nào là đúng. Vậy, chúng tôi xin gửi ra để quý vị góp ý.

Trân trọng