Trả Lại Ý Nghĩa Ngày Quốc Hận

Đỗ Văn Phúc

Nthucdaydihững biến cố xảy ra trong lịch sử đều được đặt những danh xưng đúng với tầm vóc và ý nghĩa của nó. Ngày Quốc Khánh là ngày vui chính của quốc gia, thường là ngày lập quốc, ngày độc lập, ngày ban hành hiến pháp, ngày cách mạng thành công… Ngược lại ngày Quốc Tang, Quốc Hận là những ngày đau buồn, mất mát lớn lao chung của đất nước và dân tộc. Những danh xưng có khi do các văn bản của nhà nước ban hành, ấn định; nhưng cũng có khi từ sự sử dụng và chấp nhận bởi quần chúng cùng chia sẻ những thành quả, hệ lụy của biến cố. Tuỳ theo quan điểm chính trị, mà ngày vui của người này có thể là ngày buồn của người kia.

Đối với người Việt Nam vào thời đại chúng ta, ngày 20 tháng 7 năm 1954 là ngày Quốc Hận vì nó đánh dấu sự chia đôi lãnh thổ, bắt đầu cho cuộc chiến tranh tàn khốc giữa hai miền. Kế đến là ngày 30 tháng 4 năm 1975, đánh dấu ngày Việt Nam Cộng Hoà bị Cộng Sản Bắc Việt xâm chiếm mà hệ quả là hàng triệu đồng bào phải bỏ nước ra đi trong khi hàng chục triệu đồng bào còn lại chịu đựng bao nhiêu cảnh tang tóc, tù đày, áp bức, bóc lột.

Những người may mắn vượt thoát ra các nước ngoài đã gọi ngày 30-4 là ngày Quốc Hận và đã hàng năm tổ chức những sinh hoạt một cách trang trọng, với những nghi thức để tưởng niệm đất nước đã mất trong tay quân thù là chính, sau đó là gợi lại những kỷ niệm, cảm xúc đau buồn và nuôi dưỡng quyết tâm khôi phục giang sơn.

Nhưng không hiểu vì lý do nào thúc đẩy, từ những năm qua, đã có vài người, vài tổ chức muốn thay đổi danh xưng ngày Quốc Hận. Trước đây, đã có những vị đặt cho những tên rất kêu như: Ngày Miền Nam Việt Nam, Ngày Hành Trình Tự Do. Đáng nói là nhiều vị đem tâm trí, thì giờ vận động các chính quyền Tiểu Bang, Quốc Hội để ban hành những văn bản thừa nhận ngày 30-4 dưới những danh xưng khác nhau. Mới đây, tại Orlando, Florida, có một tổ chức mang cái tên rất lạ “Hội Phụ Nữ Việt Nam Niềm Thương Nỗi Nhớ” do một quý bà tên Christine Đoàn làm Chủ Tịch, đã vận động thành phố ban hành một Nghị Quyết tuyên xưng ngày 30-4-2016 là Ngày Cựu Chiến Binh Người Mỹ Gốc Việt Chiến Đấu trong Chiến Tranh Việt Nam. (NOW, THEREFORE, I, BUDDY DYER, Mayor of the City of Orlando, hereby do proclaim April 30, 2016 as “VIETNAMESE-AMERICAN VETERANS OF THE VIETNAM WAR DAY”)

Những văn bản, từ các Tuyên Bố cho đến các Nghị Quyết của các cấp chính quyền địa phương nói lên sự quan tâm của họ đối với cộng đồng người Việt. Chúng ta vô cùng trân trọng và cảm ơn họ. Nhưng dù sao, họ không phải là người Việt Nam như chúng ta để có thể hiểu thâm sâu những vấn đề chính trị nội bộ của chúng ta. Họ không đơn phương, chủ động trong sự lựa chọn các danh xưng; mà chắc chắn phải do những người vận động đề ra. Vậy tại sao những vị này không yêu cầu họ dùng hai chữ Quốc Hận mà phải thay thế bằng những chữ Hành Trình Tự Do, Ngày Nam Việt Nam, Ngày Cựu Chiến Binh hay gì gì khác? Thiếu gì những ngày trong năm xứng hợp với các danh xưng đó? Đàng sau những việc làm này có ẩn ý gì chăng?

Khi đã thay đổi danh xưng cho một biến cố, chắc chắn người nào cũng hiểu rằng nó sẽ thay đổi cách nhìn và cảm xúc đối với biến cố đó. Nói đến Quốc Hận, là nói đến mất mát đau thương, oán hận… Nhưng khi nói đến Hành Trình Tự Do là nói đến nỗi hân hoan, vui mừng vì đã thoát ra khỏi sự ràng buộc, nô lệ, tiến đến đời sống an vui… Dĩ nhiên ra khỏi đất nước Việt Nam, đến những nước văn minh dân chủ thì hân hoan là phải. Nhưng nó không lấp khỏa được nỗi đau buồn mất nước.

Một nhân vật truyền thông quen thuộc đã viết trong một điện thư đặt vấn đề rằng: “Như thế, sang năm và các năm kế tiếp, đến ngày 30-4, người Việt Nam ở Canada, ở Florida chắc sẽ tổ chức kỷ niệm “Hành Trình Tự Do” “Ngày Cựu Chiến Binh…” thay vì “Quốc Hận”? Và đã kỷ niệm như thế thì phải vui, phải có liên hoan, văn nghệ để mừng. Thế là Ngày Quốc Hận tự nhiên bị xoá bỏ?”

Những người bênh vực cho tên “Hành Trình Tự Do” đưa ra tin tức nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam phản đối lồng lộn tên gọi này để chứng minh rằng đó là một thắng lợi của người Việt tị nạn, là đòn chí tử đánh vào chế độ Cộng Sản…   Xin thưa, trong chính trị đầy mưu lược quyền biến. Bạn của thù chưa hẳn là thù, thù của thù chưa hẳn là bạn. Những gì kẻ thù của ta ca tụng, chưa hẳn là đáng ghét; và những gì kẻ thù của ta chống đối, cũng chưa hẳn là đáng theo đâu. Sự kiện Việt Cộng chống đối đạo luật công nhận Hành Trình Tự Do chỉ là tung hoả mù làm cho người Việt hải ngoại háo hức, tưởng mình đã chiến thắng cho đến khi bình tâm suy nghĩ mới chợt nhớ ra mình đã đánh mất ngày Quốc Hận.

Đó là chưa kể đến việc danh xưng “Cựu Chiến Binh Người Mỹ Gốc Việt Chiến Đấu trong Chiến Tranh Việt Nam” mà Thị Trưởng Orlando dùng cho ngày Quốc Hận đã mang lại những thắc mắc như sau: Có phải khi dùng danh xưng này, sẽ bao gồm luôn cả các cựu chiến binh Cộng Sản Bắc Việt, Việt Cộng nếu họ đã định cư tại Mỹ và đã trở thành công dân Mỹ? Để xác minh lý lịch người Quốc Gia, không gì đúng bằng danh xưng “Cựu Chiến Sĩ (hay Cựu Quân Nhân) Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà”. Mà cũng lạ, một Hội Phụ Nữ “Niềm Thương Nỗi Nhớ”có biết bao nhiêu việc phải làm trong phạm vi của họ, sao lại còn thì giờ lo lắng giùm cho các Hội đoàn Cựu Quân Nhân nhỉ? Nhất là Nghị quyết về Ngày Quân Lực VNCH cũng đã từng được ban hành?

Ngoài ra, còn một điều rất đáng lo ngại. Việc vận động đổi danh xưng này đã đem lại sự bất đồng sâu sắc trong tập thể người Việt. Hai bên thuận và chống đã đi quá xa khi tung ra những bài viết, điện thư chống phá nhau với lời lẽ thiếu hoà nhã có khi còn mạ lị nhau tệ hơn là đối với Cộng Sản kẻ thù chung. Từ một việc làm không cần thiết, bất lợi, không rõ những vị khởi xướng có nhìn thấy hậu quả đáng buồn đem đến chia rẽ trong cộng đồng do “thiện chí” của mình không? Phải chăng chúng ta lại rơi vào cái bẫy của Nghị Quyết 36?

Và cũng còn một điều đáng đề cập nữa. Tại sao chúng ta cứ quan trọng hoá những tấm giấy của các nhà cầm quyền địa phương để công nhận ngày này, tháng nọ? Có thêm Nghị Quyết của Tiểu Bang, Tuyên Cáo của Thành Phố thì càng vui, mà không có các văn bản đó, chúng ta vẫn cử hành các ngày Tết, kỷ niệm của chúng ta thoải mái; vẫn cứ treo lá cờ Vàng Ba sọc Đỏ bất cứ đâu miễn không vi phạm luật pháp sở tại. Có phải chăng đây là cái mặc cảm tự ti cho nên cần bám vào ân sủng của viên chức sở tại để thấy vinh dự hơn?

Đỗ Văn Phúc