Thời Sự Hàng Tuần 01/14/2017 – Mại dâm vị thành niên tại California

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận 

Mại dâm của trẻ vị thành niên không còn là phạm pháp tại California

Tiểu bang California vừa thông qua đạo luật 1322 coi việc hành nghề mãi dâm của các trẻ vị thành niên không phải là tội phạm. Luật này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2017, sẽ ngăn cấm cảnh sát bắt giữ các em này để điều tra hay truy tố về tội mãi dâm. Quốc Hội và hành pháp California đang nằm trong tay đảng Dân Chủ với hơn 2/3 tỷ lệ áp đảo, từng đưa ra nhiều đạo luật rất phóng khoáng.

Việc này gây tranh cãi giữa hai khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến (phóng khoáng).

Phe cấp tiến coi việc loại bỏ tính cách phạm pháp của hành vi mãi dâm của vị thành niên “decriminalization” là một chính sách tốt đẹp về phương diện xã hội nhằm giúp cho các nạn nhân của các vụ buôn người.  Họ biện minh rằng để giữ cho các em khỏi bị tì vết trong hồ sơ tội phạm. Những người bênh vực cho luật này cãi rằng “decriminalization” không thể coi là “legalization”.

Phe bảo thủ có cái nhìn ngược lại. Họ xem đây là sự hợp pháp hoá hành vi mại dâm vị thành niên.

Trong bản văn Đạo luật 1322 dùng chữ “decriminalization” như vậy có thể xem là “legalization” được không?

Xét về ngôn từ, “decriminalization”, theo định nghĩa là đổi một hành vi trước đây bị coi là phạm pháp, nay trở thành hợp pháp “legislation that makes something legal that was formerly illegalhttp://www.thefreedictionary.com/decriminalization. “to make (something that is illegal) legal by changing the law” https://www.merriam-webster.com/dictionary/decriminalize

Chúng tôi xin lấy một thí dụ gần gủi để thấy sự lắt léo trong việc sử dụng ngôn từ.

Khi biết một siêu thị có treo cờ Việt Cộng, chúng tôi thành lập một phái đoàn đến giải thích và thuyết phục họ tháo bỏ lá cờ đỏ. Để cho tiếng nói mạnh hơn, chúng tôi thường cho họ hay rằng “người Việt tị nạn Cộng sản rất dị ứng với lá cờ CSVN, họ không muốn nhìn thấy cờ đó ở những nơi họ lui tới.” Đó là cách nói nhẹ nhàng nhưng hàm chứa sự đe doạ rằng ngưới Việt sẽ tẩy chay siêu thị đó. Bởi vì nếu nói thẳng ra hai chữ “tẩy chay” thì e rằng sẽ gây ác cảm và đưa đến hậu quả bất lợi. Trong trường hợp Đạo Luật 1322 cũng thế, dùng chữ “decriminalization” thì có khác chi “legalization” (hợp pháp hoá)

Thay vì cứ giữ nguyên tình trạng cũ, coi việc mãi dâm vị thành niên là phạm pháp để có cơ sở lần ra đường dây để bắt tội bọn buôn người, bọn tú bà, sở khanh. Còn đối với các em, là những nạn nhận, khi xét xử sẽ dựa trên sự cảm thông và nhân đạo mà trả các em trở về với cuộc sống ngây thơ cùng gia đình và bạn bè.

Giới bảo thủ cũng cho rằng luật 1322 này mang lại hiệu quả rất tồi tệ như là khuyến khích thêm bọn buôn người sẽ rộng tay hơn khi tiếp tục dụ dỗ các trẻ vị thành niên vào con đường mại dâm vì khi các em không bị cảnh sát bắt giữ điều tra, thì không làm sao truy tìm ra được đường dây buôn người của tổ chức tội phạm. Và ngay cả với các em, nếu vì lý do nào đó mà tình nguyện dấn thân vào đường mại dâm, sẽ không còn lo sợ bị bắt giữa, truy tố.

Bà Nancy O’Malley, Công Tố Viên của Quận Alameda là người lãnh đạo nghiên cứu trong các vấn đề buôn người, đã nói với báo chí rằng “điều này (luật 1322) mở rộng cửa cho bọn buôn người để dùng các trẻ em vào tội phạm và khai thác các em tồi tệ hơn.”  (It just opens up the door for traffickers to use these kids to commit crimes and exploit them even worse.) Một công tố viên khác cũng cho rằng nếu bọn buôn người viết ra luật để tự bảo vệ, thì chúng sẽ viết theo nội dung cuả đạo luật 1322.

Vì các em là nạn nhân, chính quyền lại cần giúp đỡ đưa các em ra khỏi nanh vuốt bọn buôn người thay vì coi việc các em bán thân xác là hợp pháp. Luật 1322 đã vi phạm giá trị đạo đức xã hội.

Tiểu bang California là một tiểu bang tả khuynh?

Người ta lo ngại rằng trong tương lai, chính quyền tả khuynh tại California sẽ còn ban hành nhiều biện pháp để thực hiện các chương trình phóng túng không tưởng của họ. Chúng ta không quên, trong quá khứ, Thống Đốc Jim Brown đã ký lệnh cấp bằng lái xe cho bọn di dân bất hợp pháp, Tiểu Bang California có nhiều thành phố bao che cho bọn bất hợp pháp dù trong đó có nhiều tên tội phạm.

Ông Jim Brown cũng đã ký ban hành một đạo luật hủy bỏ một cải cách năm 1996 nhằm hạn chế sự lạm dụng phúc lợi xã hội (welfare) của những phụ nữ sinh đẻ nhiều con để cứ thế mà lệ thuộc vào trợ cấp. Theo luật cải cách này, tiền phúc lợi xã hội (welfare) của các phụ nữ sẽ không gia tăng nếu họ sinh đẻ thêm nhiều con. Điều này là để tạo điều kiện cho hàng triệu phụ nữ tìm cách tự lập và bảo vệ sự tự trọng. Nhưng ông Jim Brown đã hủy bỏ sự cải cách này để tái tạo sự lệ thuộc vào quỹ an sinh xã hội của những người chỉ biết lạm dụng. Chúng ta ai cũng biết rằng Tiểu Bang California là thiên đường của những người ăn tiền phúc lợi xã hội (welfare) và phiếu thực phẩm foodstamp. California cũng là thiên đường của giới LGBT (Lesbian-Gay-Bisexual-Transgender). Từ 1960, California đã thừa nhận quyền lợi của giới này. Năm 1999, California trở thành tiểu bang đầu tiên công nhận tính cách pháp lý của các quan hệ LGBT, và năm 2008, thừa nhận hôn nhân đồng tính.

Về khuynh hướng chính trị, có 43% cử tri ghi tên với đảng Dân Chủ, 27.6% Cộng Hoà, 24% không có đảng nào. Điều này phản ánh qua kết quả bầu cử Tổng Thống 2016 vừa qua là 9,753,788 (61.73%) bỏ phiếu cho Clinton, và 4,483,810 (31.62%) bỏ phiếu cho ông Trump. Cũng ghi nhận là năm 1960, con số cử tri bỏ phiếu Tổng Thống của hai đảng tương đương nhau. Từ 1968 đến 1988, đảng Cộng Hoà thắng thế cho đến 1992 thì đảo ngược tình hình.

Năm 2015, có 39% dân số California là dân Hispanic hay Latino. Số dân này dự trù sẽ tăng lên đến gần 50% trong vài thập niên tới. Tính chung, các sắc dân thiểu số đã lên đến hơn 60% dân số California theo thống kế 2011. Dân da trắng giảm từ 80& vào năm 1970 xuống dưới 40% vào năm 2011.

Theo số liệu 2011, dân số California chiếm khoảng 12% dân số toàn nước Mỹ; nhưng số người thụ hưởng an sinh xã hội tại California lại chiếm 2/3 tổng số người hưởng an sinh xã hội toàn quốc! Là tiểu bang chi phí cho phúc lợi xã hội (welfare) nhiều nhất Hoa Kỳ (6.67 tỷ) trong khi đó thì nợ công là 265 tỷ.

 http://video.foxnews.com/v/5270974216001/?#sp=news-clips

http://www.washingtonexaminer.com/california-democrats-legalize-child-prostitution/article/2610540

Vấn nạn Mãi dâm của trẻ vị thành niên

Theo Luật Quốc Tế, và do Liên Hiệp Quốc tuyên bố, nạm mãi dâm của trẻ vị thành niên là bất hợp pháp. Có hàng trăm tổ chức quốc tế đã ra đời hoạt động để chống lại vấn nạn này.

Theo ông James Cole, Phụ tá Bộ Trưởng Tu Pháp Hoa Kỳ, đa số nạn nhân là các trẻ em ở trong hoàn cảnh không được che chở, là con mồi của bọn săn lùng. Các em có thể là do bỏ nhà trốn đi, hay là nạn nhân các vụ cưỡng hiếp, bạo hành gia đình, bị cha mẹ ruồng bỏ… Ngoài hậu quả là các em có thể bị hành hạ, thương tích, thì còn dễ dàng đưa các em vào nghề mãi dâm.

Nạn mãi dâm vị thành niên có mặt trên thế gian cũng từ thời rất xa xưa. Tại các nước Hy Lạp và La Mã cổ đại, đã có các em làm điếm trong các nhà chứa. Theo một nhà nghiên cứu Ronald Flowers, các bé gái Ai Cập đẹp thuộc đẳng cấp cao bị ép đưa vào nghề mãi dâm cho đến khi có kinh nguyệt lần đầu.

Tại Ấn Độ, cha mẹ thường dâng con gái vào các đền Hindu để chúng trở thành “devadasis”. Theo truyền thống, các devadasis có nhiệm vụ bảo trì và dọn dẹp trong đến thờ và được dạy các nghề ca múa. Nhưng sau đó, truyền thống này biến dạng, các em trở thành gái điếm cho giới thượng lưu. Dù hiện nay, việc này bị luật pháp ngăn cấm, nhưng vẫn còn tồn tại.

Tại Âu Châu, nghề mãi dâm vị thành niên phát triển rất mạnh cho đến cuối thế kỷ 18. Tại Paris, 50% của số gái điếm là trẻ em vị thành niên cả nam lẫn nữ.

Tháng 7, 1885 tại Anh, sau một vụ bê bối phát hiện qua những bài báo của William Thomas Stead đăng trên tờ Pall Mall Gazette có tựa đề “The Maiden Tribute of Modern Babylon”, chính phủ cho tăng tuổi hợp pháp hành nghề mãi dâm từ 13 lên 16. Loạt bài này là kết quả cuộc điều tra một hệ thống chuyên buôn bán trẻ em cho các nhà chứa, trong đó có nêu tên nạn nhân là em Eliza Armstrong bị bán lúc em mới 13 tuổi còn trinh với giá 5 Lires thời đó (tương đương 500 Lires vào năm 2012). Thời đó, ở Âu Châu và cả tại Hoa Kỳ, người ta không sử dụng các chữ gái điếm trẻ em (prostituted children), mà dùng danh xưng Nô Lệ Trắng (white slavery).

Ước tính trên thế giới hiện nay có hơn 10 triệu trẻ em đang hành nghề mãi dâm. India là nước có con số cao nhất (1.2 triệu), kế đó là Thái Lan (có thể đến 800 ngàn), Brazil (500 ngàn), Philippines, Taiwan, Malaysia (100 ngàn mỗi nước). Con số tại Hoa Kỳ cũng xấp xỉ 100 ngàn.

Trên thế giới vẫn còn nạn buôn người

Theo Văn Phòng của Liên Hiệp Quốc về Ma Túy và Tội Phạm (the United Nations Office on Drugs and Crime (UNODC)), nạn buôn người được định nghĩa là sự tuyển mộ, vận chuyển, che giấu hay tiếp nhận một hay nhiều người bằng biện pháp cưỡng bách hay qua việc dùng vũ lực hay bất cứ việc ép buộc nào như bắt cóc, lừa bịp với mục đích khai thác những người đó.

Theo cơ quan này, trên thế giới có khoảng 2.5 triệu nạn nhân của bọn buôn người mà trong đó dùng để bán làm nghề mãi dâm chiếm 79% với đa số là đàn bà mà trong số đàn bà đó, có 20% là trẻ vị thành niên kể cả các em còn rất nhỏ.

Năm 2007, LHQ thành lập tổ chức toàn cầu chống lại nạn buôn người có tên là United Nations Global Initiative to Fight Human Trafficking (UN.GIFT). Tổ chức này được sự góp sức của Quỹ Yểm Trợ Nhi Đồng LHQ (UNICEF), Tổ chức An Ninh và Hợp Tác Âu Châu (the Organization for Security and Cooperation in Europe (OSCE), và Quỹ Phát Triển Yểm Trợ Phụ Nữ (the United Nations Development Fund for Women (UNIFEM). Bước đầu, cơ quan UN.GIFT phát động việc giáo dục để mọi người nhận thức việc buôn người là vô luân và sau đó, kêu gọi các quốc gia, các tổ chức, những nhà thiện nguyện cùng góp sức giải quyết vấn nạn buôn người.

Qua nghiên cứu cho thấy các nạn nhân thường bị ép buộc, bắt cóc hay lừa gạt. Nhưng cũng có nhiều trường hợp gia đình quá nghèo mà phải đành lòng bán con. Đa số các em xuất thân từ các khu vực có mức tội phạm cao và thiếu sự giáo dục. Các trẻ em thường được đưa ra nước ngoài, vì nơi đây các em không thể tiếp xúc với người khác do ngôn ngữ bất đồng và cũng do các em hoàn toàn không biết về quyền luật định của mình. Bọn buôn người ưa chuộng các trẻ em dưới 12 tuổi vì dễ sai khiến và các em còn trinh tiết nên giá bán cao hơn các em khác.

Nhà Tâm lý trị liệu Mary De Chesnay vạch ra 5 giai đoạn của diễn trình buôn người: Tìm những người không có khả năng tự bảo vệ (vulnerability), tuyển mộ (recruitment), chuyên chở (transportation), khai thác (exploitation), và diễn trình cuối là sự trốn thoát hay được giải thoát (liberation). Giai đoạn này thường ít khi thành công vì đa số nạn nhân có thể bị giết, chết vì tai nạn, tự sát.

Buôn người là một thương vụ béo bở vì ít hiểm nguy mà thu lợi nhiều vì lúc nào cũng có như cầu sử dụng nạn nhân để làm nghề mãi dâm hay bán làm lao nô. Hiện nay, bọn buôn người lợi dụng các phương tiện internet để lùa các nạn nhân vào đường nô lệ ví dụ như các quảng cáo công khai dịch vụ Escort mà thật ra là gái bao từng giờ hay ngày, các nơi massage, spa, các nhà thổ ngay trong các khu dân cư…

Obama thả gần hết tù nhân khủng bố ở trại Gitmo

Hôm thứ Tư, 4/1/2017, Obama thả thêm 4 tù khủng bố ở Gitmo để chuyển qua cho Saudi Arabia quản lý. Ông hứa sẽ thả thêm 20 tù trước khi mãn nhiệm. Trại tù Gitmo, hay đúng ra là Guantanamo Bay Detention Camp, là trại tù ở căn cứ Hải Quân Mỹ Guantanamo Bay trên một hòn đảo của Cuba. Nơi đây, sau khi đánh tan bọn Taliban ở Afghanistan, Tổng Thống Bush thành lập trại tù để giam giữ những tên tù binh khủng bố Islam được coi là hết sức nguy hiểm. Đó là bọn chiến binh Hồi giáo cực đoan thuộc các nhóm khủng bố. Ngày 11 tháng 1 năm 2002, 20 tên đầu tiên được chuyển đến nhà tù này. Con số tù nhân sau đó lên đến khoảng 779 người. Dưới thời hành pháp của Tổng Thống Bush, có khoảng 500 tù được thả hay chuyển giao đến các nước Ả Rập để quản lý. Bọn này được xét là không còn đáng ngại về mặt an ninh cho Hoa Kỳ nữa.

Đến khi Obama tranh cử, ông ta xem việc giam giữ bọn Hồi cực đoan tại trại tù Gitmo là một vết nhơ đối với những nguyên tắc căn bản của đạo lý và luật pháp Hoa Kỳ. Ông đã hứa sẽ đóng cửa Gitmo trong mùa tranh cử và cũng là lời hứa đầu tiên của Obama khi nhậm chức Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2009.

Tân Tổng Thống Trump thì chống lại việc thả hết tù nhân ở Gitmo, vì coi bọn này là cực kỳ nguy hiểm. Thả chúng ra là tăng thêm nhân lực cho bọn khủng bố toàn cầu. Trong thực tế, có một tỷ số 30% bọn tù sau khi được thả đã trốn vào các vùng của bọn khủng bố để gia nhập vào đạo quân ISIS, al Qeada, Taliban hay những nhóm khác.

Hiện nay con số tù nhân còn bị giam tại Gitmo là 55 tên trong đó có 5 tên dính líu đến vụ khủng bố 11 tháng 9, 2001 là vụ dùng phi cơ dân sự đâm vào toà tháp đôi tại New York, Ngũ Giác Đài và Pennsylvanis.

Việc thả tù trại Gitmo gặp sự phản kháng mạnh mẻ từ Ngũ Giác Đài và Quốc Hội Hoa Kỳ.

Phía Obama thì lý luận rằng việc giam giữ tù nhân Gitmo như là một động cơ để bọn khủng bố có cơ hội tuyên truyền, tuyển mộ thêm thành viên.

Toà án San Jose quy tội Thành phố San Jose vi phạm Đạo luật Brown trong vụ đặt tên một khu buôn bán người Mỹ gốc Việt.

Đầu năm 2017 đánh dấu một thắng lợi to lớn của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Bắc California trong vụ kiện thành phố San Jose đã vi phạm Đạo luật Brown. Vụ kiện này kéo dài gần một thập niên, đã gây nhiều chia rẽ, xáo trộng trong tập thể người Mỹ gốc Việt tại thành phố có đông dân Việt tị nạn.

Ngày 5 tháng 1, 2017, tờ báo Mercury News tại địa phương đã đăng một bài viết của ký giả Ramona Giwargis loan tin vụ kiện đã kết thúc khi thẩm phán Vincent J. Chiarello của Toà Tối Cao Quận Santa Clara  tuyên bố thành phố San Jose đã vi phạm luật trong vụ quyết định đặt tên trung tâm buôn bán Story Road là Saigon Business District thay vì Little Saigon như theo nguyện vọng của đa số người Việt tại đây.

Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Bắc California đã đệ đơn kiện do sự thông đồng, đi đêm của Nghị viên Madison Nguyễn với 5 nghị viên khác để thuyết phục họ bỏ phiếu cho cái tên Saigon Business District.

Trong việc chọn một tên gọi cho một khu phố nơi có đông người Việt buôn bán, người Việt tại San Jose đã ký tên trong một thỉnh nguyện thư gửi lên Hội đồng thành phố đề nghị dùng tên Little Saigon. Nhưng Nghị viên Madison Nguyễn có lẽ do sự thúc bách của một nhóm nào đó, đã muốn dùng tên Saigon Business District. Trong thời gian Hội Đồng họp để chọn tên, bà Madison Nguyễn đã bí mật tiếp xúc với 5 nghị viên khác để thuyết phục. Kết quả, 6 phiếu thuận với tên Saigon District so với 5 phiếu chống. Sau vụ này, cộng đồng Việt Nam đã phản đối dữ dội và đòi truất phế bà Madison Nguyễn nhưng không thành công.

Tháng 2 năm 2008, Cộng Đồng Việt Nam đệ đơn kiện lấy lý do Hội Đồng Thành Phố vi phạm luật Brown Act khi bà Nguyễn thảo luận riêng tư với các nghị viên khác để dành đa số. Theo Đạo Luật Brown, các vấn đề của thành phố phải được toàn bộ 11 nghhị viên bàn bạc công khai.

Bà Madison Nguyễn đã xem việc vi phạm của bà là sự sai lầm khi có những cuộc nói chuyện bất ngờ chứ không phải có ý đồ gì cả. Bà ta đã thất cử khi ra ứng cử vào Hạ Viện Tiểu Bang California trong tháng 11 vừa qua. Người đắc cử là ông Ash Kalra, một người được ủng hộ của cộng đồng Việt tị nạn.

Thị trưởng Sam Liccardo, và cựu Phó Thị Trưởng Rose Herrera cùng nhiều nghị viên thú nhận rằng Hội đồng thành phố San Jose đã có ít nhất 3 lần vi phạm khác đối với Đạo luật Brown trong năm qua. Chưa rõ Hội Đồng Thành Phố có làm đơn kháng cáo hay không.

San Jose có dân số hơn 1 triệu người, đứng hàng thứ 10 trong toàn quốc về số dân. Trong tổng số dân của thành phố, có đến gần 35% dân gốc Á. Với gần 100 ngàn di dân từ Việt Nam đến sau cuộc chiến kết thúc năm 1975, cộng đồng Việt tại San Jose được coi là tập thể người Việt đông nhất trên thế giới ngoài nước Việt Nam. Tại vùng Orange County, tuy số người Việt đông hơn, nhưng họ bị chia ra trong các thành phố Garden Groove, Westminster, Anaheim, Santa Ana.

http://www.mercurynews.com/2017/01/05/judge-rules-san-jose-council-violated-brown-act-in-little-saigon-dispute/

Về việc Nga xâm nhập vào hệ thống máy điện toán của Đảng Dân Chủ

Trên thế gian này, người ta do thám nhau từ phạm vi cá nhân, gia đình, cho đến đoàn thể, quốc gia. Hoạt động gián điệp xảy ra mọi nơi mọi lúc nhằm khám phá những bí mật từ quốc phòng, binh bị, cho đến công nghiệp, khoa học và ngay cả những điều nhỏ nhặt như chuyện gì xảy ra trong gia đình hàng xóm, bạn bè…

Gián điệp có từ xa xưa. Trong kinh Cựu Ước cũng đề cập đến Joshua và Caleb cùng 12 điệp viên khi xâm nhập vào vùng đất hứa. Nhà chiến lược Tôn Tử của Tàu và Chanakya của Ấn Độ cũng viết về gián điệp trong các cuốn sách về binh pháp mà cả ngàn năm sau người ta vẫn còn học hỏi.

Vì thế, khi có chiến tranh nóng hay lạnh, và ngay thời bình; giữa các nước đối nghịch hay với cả nước đồng minh, vẫn có những hoạt động gián điệp nhòm ngó nhau, đánh cắp tài liệu của nhau.

Hoa Kỳ cũng có nhiều cơ quan điệp báo. Đứng đầu là CIA, FBI, NSA (National Security Agency), DIA (Defense Intelligence Agency), các quân binh chủng cũng có các cơ quan tình báo riêng… Rồi những tổ chức như Đoàn Thanh Niên Hoà Bình (Peace Corps), AmeriCorps… tuy bên ngoài hiền lành, thân thiện, nhưng bên trong cũng có những nhân viên điệp báo hoạt động. Nói chung là công tác điệp báo được khai thác bằng mọi cách, mọi phương tiện.

Biết thế, thì ngược lại, công tác phản tình báo cũng phải được tổ chức tinh vi chặt chẽ để ngăn ngừa đối phương xâm nhập, bảo vệ bí mật quốc gia.

Hoa Kỳ không chỉ hoạt động gián điệp tại các nước địch thủ; mà còn xâm nhập vào cả các nước bạn thân thiết nhất như Đức, Anh, Israel… Theo báo chí, có ít nhất 35 vị nguyên thủ các nước từng phàn nàn Hoa Kỳ đặt con bọ để nghe lén điện thoại của họ. Chỉ vài giờ sau khi bà Thủ Tướng Đức Angela Merkel đối đầu với Tổng Thống Barack Obama về việc Hoa Kỳ xâm nhập vào chiếc cell phone riêng của bà, thì có nhiều tài liệu được tung ra cho thấy hàng chục nguyên thủ khác cũng bị Hoa Kỳ nghe lén.

Chính cơ quan An Ninh Quốc Gia (NSA) đã khuyến khích các bộ trong chính phủ hãy chia sẻ những cái gọi là “rolodexes” về các cuộc tiếp xúc với nhân viên hay cơ quan ngoại quốc và sau đó, thì những nhân viên ngoại quốc này bị cơ quan NSA nhắm vào để do thám. Rolodex là thứ dụng cụ văn phòng có hai vòng kim loại với những tờ giấy cứng có thể lật qua lật lại. Trên các tờ giấy cứng có ghi tên họ, số điện thoại, số fax, địa chỉ và những chi tiết cần biết của bạn bè, khách hàng…

Việc Nga hack vào máy điện toán của Đảng Dân Chủ có làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử hay không?

Việc Obama kết án Nga xâm nhập vào hệ thống điện toán của Ủy Ban Tranh Cử của Clinton để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử, giúp cho ông Trump đắc cử xét ra là đúng về phương diện an ninh quốc gia và trách nhiệm của một Tổng Thống. Nhưng ông Obama không hề có biện pháp gì trừng phạt Tàu Cộng, Bắc Hàn và vài nước khác khi biết họ cũng hack vào các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ. Ông lại không chịu lên tiếng ngay khi biết Nga hack, mà phải chờ đến sau khi có kết quả bầu cử, và chỉ vài ngày trước khi tân Tổng Thống nhậm chức. Đó là điều mà người ta phê bình rằng ông đã làm một hành vi có tính toán để giảm uy tín của Trump.

Trong cuộc điều trần trước Quốc Hội hôm thứ Năm tuần trước, các Giám Đốc các cơ quan An Ninh đều cho rằng Nga đã do thám; nhưng ông Jamed Clapper, Giám Đốc NSI đã tuyên bố không cỏ bằng cớ nào cho rằng Nga đã giúp cho cuộc bầu cử của Trump. Ai cũng thưa nhận rằng kết quả bầu cử không bị ảnh hưởng bởi việc Nga xâm nhập. FBI đổ thừa cho ông Podesta và Đảng Dân Chủ không cho phép họ kiểm soát trong hệ thống điện toán của Dân Chủ. Trường hợp này cũng như một chủ nhà khai bị trộm nhưng không cho cảnh sát vào nhà lấy dấu tay, tìm DNA. Vậy làm sao dám quả quyết rằng ông Xoài, ông Mít nào đó đã chui vào nhà trộm đồ của mình?

Trong một chương trình trên đài Fox News, phóng viên Sean Hannity đã gặp và trực tiếp phỏng vấn Julian Assange, cha đẻ WikiLeaks. Ông Assange đang ẩn trú trong Toà Đại Sứ Ecuador tại London, thủ đô Anh Quốc. Ông ta xác nhận nguồn cung cấp tin tức cho Wikileakds không phải từ Nga mà từ trong nội bộ của đảng Dân Chủ nhưng Julian Assange không thể tiết lộ danh tánh.

Cơ Quan FBI lại công khai hoá nhiều email của bà Clinton

Vào tối chủ nhật tuần qua, cơ quan FBI lại đưa ra công khai thêm một số điện thư mà họ đã có trong khi điều tra việc sử dụng server riêng bất hợp pháp của bà Hillary Clinton. FBI đã đưa các hồ sơ lên trang mạng của họ nhưng không gửi ra ngoài với sự loan báo chính thức. Việc này cũng do Wikileaks thông báo mà chúng ta mới biết được.

Tất cả các hồ sơ đều có thể tìm thấy một cách đầy đủ, cũng như về cuộc điều tra của FBI sau khi cơ quan này tiếp nhận thêm các emails khác của bà Clinton và các ổ chứa (hardwares) trong máy của bà ta.

Trang web của FBI có cả thảy 5 tập hồ sơ. FBI xác nhận rằng trong tập 1 họ tìm thấy chứng cớ người ngoại quốc đã xâm nhập một cách thành công vào các accounts điện thư cá nhân của những người mà bà Clinton thường giao dịch từ đó họ có thể lấy được các điện thư do bà Clinton gửi và nhận từ account riêng của bà ta.

Cũng trong tập 1 này, có 940 điện thư liên quan đến account riêng của bà Clinton từ ngày 25 tháng 10 cho đến 31 tháng 12, năm 2010; trong đó có 56 điện thư thuộc loại được đánh dấu Classified. Thêm vào đó, có 302 điện thư trong số 940  thư này từ account Gmail đã không được nộp cho FBI vào năm 2014. Một trong số 302 thư này được đánh dấu Mật.

Như vậy, rõ ràng bà Clinton đã cố tình che giấu cơ quan điều tra về các điện thư “Mật” và việc các hồ sơ của bà từng bị những cá nhân hay tổ chức ngoại quốc xâm nhập, đánh cắp bí mật.

Tiền lệ phí xin chiếu khán đi Việt Nam tăng giá và phức tạp

Chúng tôi không khuyến khích việc những đồng hương đi Việt Nam, nhưng xin đưa ra những tin mới mà những người Mỹ phàn nàn về việc các toà Lãnh sự Cộng Sản Việt Nam tính lệ phí xin chiếu khán mỗi nơi một giá, cũng như những ma mánh mà khách đi Việt Nam sẽ bị chém đẹp khi xuống phi trường ở Việt Nam.

Một du khách Mỹ mua vé đi Việt Nam vào tháng 10, 2016 phát giác ra phía Việt Nam đã có những thay đổi trong quy định cấp phát visa.

Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, vào tháng 4, 2016, giữa Hoa Kỳ và Việt Cộng đã sửa đổi lại vài điều trong thoả thuận cho phép phía Việt Cộng cấp chiếu khán với thời hạn 12 tháng cho du khách để đi và về nhiều chuyến thay vì phải xin chiếu khán mỗi lần đi ngắn hạn. Phía Hoa Kỳ cũng làm như thế.

Nhưng sau khi quy định này ra đời có hiệu lực, thì du khách không thể lựa chọn xin chiếu khán ngắn hạn mà bắt buộc phải xin chiếu khán 12 tháng. Chỉ có 1 lựa chọn độc nhất, và giá cả thì gia tăng lên gấp bội.

Để tìm hiểu xem lệ phí xin chiếu khán là bao nhiêu, du khách này đã cho biết là tuỳ nơi toà lãnh sự CSVN ở thành phố. Mỗi nơi định giá khác nhau. Trang web của Toà Đại Sứ VC không ghi lệ phí mà chỉ cho biết các nơi để tham khảo với địa chỉ email và số điện thoại. Nhưng khi gọi điện thoại thì không được trả lời.

Gửi điện thư thì không bao giờ được trả lời sớm, phải chờ vài ngày sau mới có hồi đáp. Điện thư từ toà Đại Sứ VC tại Hoa Thịnh Đốn cho biết lệ phí là $220, trong khi Houston thì $200, và San Francisco là $185.

Trước đây, khi cần đi Việt Nam một thời gian ngắn, chỉ trả $80 cho chiếu khán 1 tháng. Nay dù chỉ cần 1 tháng, 2 tháng, du khách phải trả lệ phí cho cả năm là từ 185 cho đến 220 đô la, tùy theo nơi.

Vì thế, quý vị nào cần đi Việt Nam, xin hãy tìm hiểu giá cả tại các toà Lãnh Sự để trả giá thấp nhất.

Ngoài ra, du khách trên còn cho hay phía Việt Cộng cho phép du khách hay doanh nhân và các công ty dịch vụ du lịch có thể thoả thuận trước để trả lệ phí khi đáp xuống Việt Nam. Nhưng Bộ  Ngoại Giao Hoa Kỳ cho hay rằng du khách phải coi chừng vì sẽ phải trả rất đắt khi lỡ đáp xuống phi trường.

Ca sĩ “đấu tranh” Mai Khôi dị ứng với Quốc Kỳ VNCH khi hát ở Washington DC.

Ngày 8 tháng 1, 2017, tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, một chương trình gọi là Chiều Nhạc Thính Phòng với chủ đề “Trói Vào Tự Do” đã do “nhà văn” Nguyễn Thị Thanh Bình tổ chức có mời nhiều khách tham dự. Người ca sĩ trong chương trình này là cô Mai Khôi, một người từ Việt Nam được xem là cô gái trẻ trong phong trào xã hội dân sự, từng hát những bài ca đấu tranh cho nhân quyền. Theo lời giới thiệu của cô Thanh Trúc, phóng viên đài RFA và SBTN, thì Mai Khôi là một người trẻ rất dũng cảm, không hề biết sợ ngụy quyền Cộng Sản Việt Nam. Cô chỉ nghe theo tiếng nói của lương tâm thôi. Cô từng mạo hiểm vượt qua sự canh gác của công an Việt Cộng để tìm cách gặp Obama khi ông đến Việt Nam và để yêu cầu giúp thúc đẩy cho tự do ngôn luận ở VN.

Nhưng trước khi chương trình bắt đầu với khoảng 20 khán giả và một vài phóng viên Việt Nam, đã thấy có những sự rắc rối. Hai lá quốc kỳ Mỹ Việt ban đầu được đặt ở ngay giữa khán đài là nơi trang trọng nhất. Nhưng do sự yêu cầu của cô Mai Khôi, lá cờ đã bị di chuyển xuống góc cuối phòng, rồi sau đó được đặt ở một bên góc phòng. Trong khi ông Đào Hiếu Thảo và cô Thanh Trúc lần lượt giới thiệu, cô Mai Khôi bỏ ra ngoài ngồi. Phải mười lăm phút sau, cô mới trở vào phòng sau một hồi thương lượng của ban Tổ chức. Cô lại yêu cầu đặt một chiếc ghế ở cạnh góc phòng trước chiếc bàn tiếp tân cho cô ngồi hát thay vì đứng hay ngồi ngay khán đài ở phía trước khán giả. Khán giả phải quay sang trái để nghe cô, và như thế, là quay lưng về phía hai lá cờ. Trước khi hát, cô than phiền giàn âm thanh không xứng đáng cho một buổi gọi là thính phòng. Cô đã hát một cách gương ép vài ba bài trong một chương trình trong đó có nhạc của Trịnh Công Sơn mà cô vinh danh. Xen kẽ là nhiều lần cô bỏ ra ngoài và trả lời vài câu hỏi của khán giả.

Ban Tổ chức đã giải thích việc di chuyển lá quốc kỳ là vì cô e ngại đứng dưới lá cờ vàng sẽ tạo cho cô nhiều rắc rối khi trở về Việt Nam. Chúng ta không trách gì cô. Vì dù sao, cô cũng chỉ là người trẻ, thấy bất công, áp bực thì lên tiếng đấu tranh chứ chưa hề có ý thức phân biệt Quốc Cộng. Trong cuộc chiến chống chế độ Cộng Sản, chúng ta có thể coi cô như người đồng hành chung mục tiêu, nhưng chưa chung một chính kiến. Nhưng nếu cô là người thật sự đấu tranh và như được giới thiệu là vô cùng dũng cảm, thì việc cô đã dám đi ra hải ngoại để hát, và chắc cô cũng dư biết lập trường chống Cộng của người Việt hải ngoại; thì cô phải chịu hoà đồng. Cho dù cô có hát dưới lá cờ vàng hay không, chắc chắn cô sẽ gặp rắc rối khi trở về.

Sau khi có những phản ứng trên các trang face book và qua các diễn đàn, cô Mai Khôi đã viết ra một bài rất hỗm xược nhằm giải thích. Trong thư, cô cũng nói thẳng là chỉ đòi hỏi tự do nghệ thuật chứ không mang tính cách đối kháng chính trị với ngụy quyền Cộng Sản. Nhưng qua cách viết, ngôn từ, văn phong, cô đã để lộ ra một tư cách thấp kém, vô giáo dục và thiếu sự hiểu biết khi nói về lịch sử, chính trị. Vào trang face book của cô, xem những tấm ảnh của cô, thì thấy cô này cũng là một hiện tượng rất đặc biệt. Từ cách ăn mặc, phong thái, đến những câu viết; không phải của một phụ nữ đứng đắn. Dường như cô cũng đã đi khắp nước Mỹ rồi. Cô đến hát ở Houston ngày 23/12 rồi San Jose ngày 30/12.

Qua thư của cô, chúng ta thấy rõ lỗi này hoàn toàn ở ban Tổ Chức của bà Nguyễn Thị Thanh Bình.  Tóm lại, đây là một cuộc tổ chức luộm thuộm gây thất vọng, bẽ bàng cho cả hai phía.

Sau vụ này, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ đã ra một thông cáo gửi đến Cộng Đồng Thành Viên và đồng hương với nhận định như sau:

  1. Lá cờ Vàng ba sọc đỏ là quốc kỳ của nước Việt Nam Cộng Hoà mà chúng ta từng đổ máu hy sinh để bảo vệ. Hiện nay, lá cờ Vàng là biểu tượng cao quý, chính thức của người Việt tị nạn Cộng Sản tại hải ngoại được các Tiểu Bang và thành phố công nhận. Vì thế, bất cứ một sinh hoạt công cộng nào của những người Việt tị nạn Cộng Sản đều phải thưng bày quốc kỳ Việt Mỹ tại nơi trang trọng nhất. Đó là sự chứng minh lý lịch của người Việt Quốc Gia.
  2. Là những người đã bỏ nước ra đi vì bạo quyền Cộng Sản, mỗi khi tham dự những sinh hoạt có tính chất công cộng, chúng ta phải mạnh dạn lên tiếng thắc mắc, phản đối và sẽ không tham dự nếu ban tổ chức tỏ ra thiếu sự kính trọng đối với lá Quốc Kỳ. Chúng ta không thể tiếp tay cho những việc coi thường lá Quốc Kỳ, vì nó sẽ dần dần trở thành tiền lệ. Nhất là những vị đang nắm các vai trò lãnh đạo hội đoàn, lại càng phải tỏ ra cương quyết hơn.
  3. Những người đấu tranh tại Việt Nam vì nhiều lý do và có nhiều mục đích khác nhau, không phải ai cũng đấu tranh chống chủ nghĩa hay chế độ Cộng Sản. Do đó, chúng ta cũng nên có những thái độ cư xử hợp lý chừng mực với từng đối tượng khi họ đến đất tự do của chúng ta. Đối với trường hợp như cô Mai Khôi hay tương tự, những người tổ chức nên đặt vấn đề trước. Nếu họ không đồng ý đứng chung với lá cờ Vàng thì không nên ra công công cộng để tránh sự xung đột bẽ bàng cho cả hai phía.

https://www.youtube.com/watch?v=OOBfAtm7I6k&feature=youtu.be