Thời Sự Hàng Tuần 04/15/2017 – Tin mới nhất về Mỹ-Syria-Bắc Hàn- Trung Cộng

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Một hành khách Mỹ gốc Việt bị lôi ra khỏi phi cơ

Ngày 10 tháng 4, trên chuyến bay số 3411 của hãng hàng không United Airline khởi hành từ Chicago bay đi Louisville, một hành khách người Mỹ gốc Việt đã bị nhân viên an ninh phi trường giằng ra khỏi ghế và lôi xềnh xệch dọc theo hành lang giữa hai hàng ghế để đuổi khỏi máy bay.

Sự việc là như thế này. Vị khách này là Bác Sĩ David Đào, 69 tuổi (tên Việt là Đào Duy Anh, vừa là một nhạc sĩ sáng tác nhiều bài hát lời Việt trong đó có bài Tát Nước Đầu Đình từng được thu thanh song ca cùng với giọng hát của ca sĩ Hoàng Oanh. Ông đã mua vé và đang ngồi vào ghế của mình trên phi cơ chờ cất cánh. Nhưng hãng United Airlinelại cần ghế trống cho vài nhân viên của họ. Tiếp viên trên phi cơ yêu cầu vài vị khách tình nguyện nhường chỗ với sự đền bù nghe đâu vài trăm đô la và sẽ được thu xếp cho đi chuyến khác. Bác Sĩ Đào đã tình nguyện, nhưng khi biết chuyến bay mà ông được thu xếp là vào ngày hôm sau nên ông lấy lại ý kiến.

Sau khi không tìm được người tình nguyện, theo lời của nhân viên hàng không, họ chọn một cách ngẫu nhiên để đuổi xuống, và lại trúng tên ông bác sĩ này.  Ông đã không chịu rời ghế vì lý do ông cần về trong ngày để gặp bệnh nhân cần điều trị.

Hãng United Airline đã gọi nhân viên an ninh phi trường Chicago đến. Có hai, ba cảnh sát đã thô bạo lôi Bác Sĩ Đào ra khỏi ghế và nắm hai tay ông lôi xềnh xệch suốt chiều dài hành lang như người lôi một con vật. Hành khách trên phi cơ la ó, bộc lộ sự bất bình và có nhiều người đã lấy cell phone ra quay cảnh tượng đó và post lên các trang mạng. Ông Đào sau đó được đưa trở lại phi cơ với khuôn mặt dính đầy máu, có lẽ do mặt bị đập vào thanh tựa của ghế ngồi khi bị an ninh lôi đi.

Chỉ vài giờ sau, một làn sóng phẫn nộ đã dấy lên để phản đối và lên án hành động man rợ này của United Airline. Một kháng thư đưa ra trên trang Petition online đã có đến gần 72 ngàn chữ ký tính đến chiều thứ Tư.

Trong một video được đưa ra công chúng, ông Oscar Munoz, CEO của hãng United Airline đã đổ thừa cho vị khách là quấy rối và tỏ ra hung hăng. Một bản tuyên bố khác sau đó, thì Munoz cho rằng vì Bác sĩ Đào đã cãi lệnh của nhân viên an ninh. Phải chờ cho công luận tiếp tục lên tiếng và chỉ sau khi thấy các khách hàng đốt thẻ tín dụng của hãng United Airlinevà post trên internet, ông ta mới chịu lên tiếng nhận lỗi một cách tổng quát. Cho đến chiều ngày thứ Tư ông ta mới có lời xin lỗi đến cá nhân Bác Sĩ Đào cùng gia đình.

Trước đó, trên nhiều trang báo lôi ra quá khứ phạm pháp của Bác Sĩ Đào như việc trao đổi thuốc để được thú vui tình dục, hay bị Hội Đồng Y Khoa treo bằng hành nghề. Mục đích như để biện minh cho việc làm của hãng United Airline là đúng. Thật ra thì việc tội phạm trong quá khứ và việc ông ta bị lôi xuống máy bay là hai việc riêng rẽ, không ăn nhập với nhau. Và hãng Hàng Không United Airline không có quyền gì phân biệt đối xử với khách hàng đã trả tiền mua vé dựa trên quá khứ hay vấn đề cá nhân của họ, trừ phi có nghi vấn về những vi phạm an ninh như không tặc, khủng bố hay có biểu hiện gây rối trên máy bay. Chính ông Munoz cũng đã phát biểu rằng hành khách phải được tôn trọng và đối xử với phẩm cách. Hoa Kỳ không phải là một nhà nước cảnh sát như kiểu phát xít hay Cộng sản để cho các nhân viên công lực lạm dụng quyền thế mà cư xử thô bạo đối với công dân.

Sáng thứ Tư, trang web Fortune.com báo tin cổ phần của United Airline tụt mất 6.3% trên thị trường chứng khoán tức là hãng United đã mất đi 1.4 tỷ đô la của 21 tỷ trị giá chứng khoán và chắc chắn sẽ còn mất nhiều triệu cho một vụ kiện mà nhiều luật sư đang hăm hở tìm ông Đào để thúc dục ông ta kiện.

http://fortune.com/2017/04/11/united-airlines-stock-drop/

Quyền hạn của phi hành đoàn

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, thì quả tình các hãng hàng không có rất nhiều quyền đối với hành khách. Theo những điều khoản trong cái gọi là “Contract of Carriage” Họ có thể từ chối không cho hành khách nào đó lên phi cơ. Ví dụ: Hành khách gây gỗ với nhân viên phi hành đoàn, không tuân thủ các quy định trên phi cơ, hay khách có thái độ quậy phá, ăn mặc không thích ứng hay các phụ nữ có thai gần ngày sinh đẻ.

Thường là các máy bay bán thêm vé ngoài số ghế có sẵn vì họ biết thế nào cũng có vài người sẽ đến trễ hay đổi chuyến bay hay bỏ không đi. Tình trạng này gọi là overbooking. Điều này các quy định của chính phủ cho phép họ làm vậy. Và họ sẽ phải trả cho hành khách một khoản bồi thường xứng dáng bằng 4 lần giá vé nhưng không vượt quá 1350 đô la. Nhưng đa số các trường hợp từ chối khách lên tàu là do vấn đề thời tiết mà số phi cơ bị hạn chế, hay số hành khách phải bị giảm chon he chuyến bay. Vào mùa đông năm 2015, theo tài liệu của Bộ Giao Thông, có đến 46 ngàn người bị buộc ra khỏi máy bay. Trong mùa này có đến 14 ngàn chuyến bay bị hủy bỏ.

Trong trường hợp United Airline, năm ngoái họ đã buộc không cho lên tàu 3765 khách do sự bán quá nhiều vé so với ghế ngồi. Lần này, đối với ba vị khách mà họ yêu cầu nhường ghế cho nhân viên của họ, họ chỉ hứa bồi hoàn 800 đô la. Và tệ hơn, họ đã đuổi khách sau khi khách đã lên tàu và yên vị trong ghế mình. Và còn tệ hơn nữa là cách mà họ gọi an ninh đến để lôi người khách ra mang tính chất vô cùng thô bạo, diễn ra trước hàng trăm người khác. Sau khi thấy công ty mất số tiền lớn, ông Munoz mới lên tiếng rằng: “Tôi chân thành xin lỗi vị khác đã bị cư xử thô bạo cùng với tất cả các hành khách khác trên chuyến bay. Không ai đáng bị đối xử như thế.” Sau đó, hãng United Airlineloan báo sẽ bồi hoàn tiền vé máy bay cho tất cả các hành khách của chuyến bay 3411 vì phải chứng kiến sự việc không đẹp này.

Thái độ cần có của khách đối với phi hành đoàn và nhân viên an ninh.

Dường như xã hội Mỹ càng ngày càng thiên về bạo lực. Nửa thế kỷ trước, khi phim ảnh phản ánh xã hội Mỹ như một thiên đường, an toàn đầy nhân ái, người ta ăn nói với nhau nhẹ nhàng, sẵn sàng giúp đỡ nhau… Ngày nay, càng ngày càng thấy những chuyện to tiếng, gây gỗ, dẫn đến việc bắn nhau tại học đường, ngoài đường phố, trong rạp hát… Khi đã có nhiều những công dân như thế, các nhân viên công lực vì để bảo vệ mạng sống của mình, cũng đã phải áp dụng nhiều biện pháp thô bạo. Cảnh sát được trang bị vừa súng bắn điện (Taser) vừa súng lục, có khi cả súng liên thanh. Họ được huấn luyện hể đã rút súng ra bắn, thì phải trúng chỗ nhược, gây tử vong cho đối tượng thay vì bắn vào chân để khống chế.

Khoảng 2 năm trước đây, chúng tôi đã có lần mời ông Cung Nhật Thành, một cựu nhân viên Cảnh Sát thành phố Dallas lên đài để trình bày nhiều vấn đề liên quan đến Cảnh sát, trong đó có phần về cách thức chúng ta phải làm khi đối diện với Cảnh Sát.

Cách an toàn nhất là tuân thủ các yêu cầu (gọi là lệnh cũng được) của nhân viên Cảnh Sát. Không nên bao giờ trái lệnh và có thái độ hung hăng, chống trả. Dù chỉ là sự vi phạm luật giao thông, Cảnh sát cũng có quyền bắt còng tay đưa về trụ sở những người chống lại. Chưa nói đến họ có thể nghi ngờ và nổ súng bắn chết nếu chúng ta vói tay lấy một thứ gì đó trong hộc xe.

Dù bị oan, chúng ta cứ ký vào giấy phạt và có quyền đánh dấu vào ô “không nhận lỗi” thay vì “nhận lỗi”. Nếu nhận lỗi, đơn giản là gửi đóng tiền phạt; ngược lại, chúng ta sẽ chờ một giấy gọi ra toà, mất một buổi làm. Ở toà, may ra anh Cảnh sát đã ghi giấy phạt bận gì đó mà không đến thì chúng ta có cơ may thoát nạn. Bằng không, với sự có mặt của anh Cảnh sát, xác suất cao là quan toà sẽ tin Cảnh sát hơn chúng ta. Toà có thể thương lượng cho chúng ta đóng một số tiền phạt ít đi để xoá lệnh phạt không ghi vào hồ sơ.

An ninh phi trường cũng là một loại nhân viên cưỡng chế như cảnh sát trong phạm vi nhỏ hơn mà thôi. Vì thế, chúng ta không nên có thái độ chống cự. Cứ thi hành lệnh rồi sau đó sẽ phản đối một cách hợp pháp, ôn hoà, hay mướn luật sư để giúp.

Chúng tôi đọc trên trang facebook vài vị nêu ý kiến rất kỳ lạ. Ví dụ: “Ông Bác sĩ gì mà để cho người ta lôi xềnh xệch…” Tôi không rõ vị đó khi gặp phải trường hợp tương tự sẽ phản ứng ra sao. Người Mỹ thường dánh giá người Việt Nam là nóng nẩy “hot temper” vì lúc nào cũng thấy quý vị Việt Nam dễ dàng la toáng lên được ngay cả trong nhiều trường hợp rất bình thường. Điều này cần thay đổi, vì nó sẽ dẫn đến bất lợi nhiều hơn. Dù chúng ta biết có nhiều cảnh sát, an ninh lạm quyền, chúng ta cũng phải chờ lúc khác để khiếu nại thì tốt nhất. Không phải chúng ta hèn nhát, nhưng ở bất cứ nơi đâu câu nói “Lý kẻ mạnh bao giờ cũng là lý đúng”. Cảnh sát họ mạnh vì họ có quyền và nhất là có súng.

Tưởng cũng nên biết thêm rằng hãng United Airline đã từng đe doạ sẽ còng tay một hành khách khác. Đó là ông Geoff Fearns, 59 tuổi, lại cũng là một bác sĩ. Ông này là Chủ tịch hội Cố vấn TriPacific Capital, một  doanh nghiệp có doanh số hơn nửa tỷ đô la ở Irvine, California.

Khi ông từ Hawaii trở về Los Angeles, ông trả khoảng 1000 đô la cho vé ngồi hạng nhất. Sau khi đã lên máy bay, ngồi vào ghế chờ phi cơ cất cánh; một tiếp viên chạy đến mời ông xuống với lý do phi cơ quá tải. Ông từ chối. Nhân viên phi hành nói rằng có 1 vị khách quan trọng hơn trong danh sách ưu tiên. Sau đó họ đã đe doạ sẽ còng tay ông Fearns nếu ông không tuân hành.

Hoá ra vì một lý do kỹ thuật, hãng United Airline đã hoán đổi chiếc máy bay nhỏ hơn dự trù; vì thế không đủ chỗ cho hành khách vé hạng nhất mà đã gây ra chuyện rắc rối này.

Một nhân viên trên máy bay lại thương lượng rằng nếu ông Fearns không muốn xuống máy bay thì có thể đổi ghế đến hạng bình dân.  Chuyện rắc rối kéo dài đến 6 tiếng đồng hồ. Chuyện này cũng xảy ra khi ông Oscar Munoz là CEO; và sau đó thì Munoz cũng xin lỗi vị khách, nhưng không chịu bồi thường theo yêu cầu.

Hoa Kỳ bắn hoả tiễn vào Syria đợt hai cùng lúc gửi chiến hạm đến vùng biển Triều Tiên

Tuần qua, trong lúc chúng tôi đưa tìn cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, cũng như tin Mỹ bắn vào Syria 59 hoả tiễn Tomahawk; thì ngay lúc đó, các chiến hạm Mỹ đã bắn thêm một đợt thứ hai, cùng tin Tổng thống Trump ra lệnh cho Hàng Không Mẫu Hạm Carl Vinson và các hộ tống hạm đang được lệnh đi về hướng nam đến Úc Châu, phải quay đầu tiến về vùng biển Hoa Đông như để sẵn sàng lâm chiến.

Hôm thứ Ba, Tổng thống Trump đã lên tiếng về mối đe dọa từ Bắc Hàn sau khi nước này lại thử nghiệm những hoả tiễn mang đầu đạn. Ông e rằng Kim Jong Un có thể một ngày rất gần đây sẽ có đầu đạn nguyên tử có khả năng bắn tới Hoa Kỳ. Ông nói: “Bắc Hàn đang muốn gây rắc rối. Nếu Trung Cộng quyết định giúp giải quyết thì tốt; nếu không, chúng ta sẽ giải quyết lấy mà không cần họ.” Cách giải quyết của ông là tăng cường gửi hàng không mẫu hạm Carl Vinson thuộc thế hệ Nimitz tới vùng biển Bắc Hàn. Hàng không mẫu hạm này có trọng tải 97 ngàn tấn, chạy bằng năng lượng nguyên tử có khổ lớn hơn ba lần một cái sân football. Trung Cộng, sau khi chứng kiến việc Tổng thống Trump cho lệnh bắn hoả tiễn vào Syria, đã lên tiếng cảnh cáo thủ lãnh Kim Jong Un của Bắc Hàn rằng ông Trump không chỉ đe doạ suông đâu, mà sẽ thực hiện lời đe dọa đó. Theo báo New York Post, Tập Cận Bình qua tờ báo Nhân Dân Nhật Báo, đã yêu cầu Bắc Hàn chấm dứt việc theo đuổi thực hiện vũ khí nguyên tử nếu không, sẽ đối phó với sự tấn công quân sự của Hoa Kỳ. Nhân Dân Nhật Báo là cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng Sản Trung Hoa.

Trong bài báo có câu: “Hoa Thịnh Đốn không chỉ dư thừa sự tự tin và tự mãn sau vụ đánh bom vào Syria đâu. Ông Trump đã tự chứng minh là một người sẵn sàng thực hiện lời hứa của ông ta.”

Tờ báo cảnh giác Bắc Hàn chớ dại gây ra những sai lầm vào lúc này!

Xin nói sơ qua về Lực Lượng Xung Kích số 1 Hải Quân Mỹ.

Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có thể mang theo 90 phi cơ (fixed wing) và nhiều trực thăng. Phi cơ theo phân loại có Fixed wing, tức hai cánh cố định, rotary wing là cánh quay. Trực thăng thuộc loại rotary wing vì cánh quạt nằm phía trên được xem là cánh phi cơ. Hàng không mẫu hạm Carl Vinson là soái hạm của Lực Lượng Xung Kích số 1 của Hải Quân được thành lập năm 2009 với khoảng 7500 thủy thủ. Lực lượng này, về phi cơ có Không đoàn 2, Phi đoàn 1 Khu trục, Phi đoàn 2 Xung Kích, Phi đoàn 4 trực thăng chiến đấu trên biển, Phi đoàn 78 trực thăng xung kích, và nhiều phi đoàn khác.

Ngoài soái hạm, lực lượng này còn có Tuần dương hạm Lake Champlain trang bị hoả tiễn thế hệ Ticonderoga, hai khu trục hạm Michael Murphy và Wayne Meyer có trang bị hoả tiễn thế hệ Arleigh Burke

Lực lượng này được triển khai thường trực ở vùng tây Thái Bình Dương, là một phần trong Hạm Đội Thái Bình Dương. Hoa Kỳ có nhiều đoàn xung kích hàng không mẫu hạm để tuần tiểu trong vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương mà đội xung kích Hàng không mẫu hạm Carl Vinson là một đơn vị trong đó.

Trong một tuyên bố hôm thứ Bảy tuần qua, Hải Quân Trung Tá David Benham, phát ngôn viên của Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương đã nói rằng “BTL ra lệnh cho Độ xung kích Hàng không mẫu hạm Carl Vinson quay mũi hướng về hướng Bắc như là một biện pháp thận trọng để duy trì sự sẵn sàng chiến đấu và hiện diện trong vùng Tây Thái Bình Dương…. Mối nguy cơ lớn nhất lúc này vẫn là Bắc Hàn khi nước này tỏ ra vô trách nhiệm với các chương trình thử nghiệm hoả tiễn và khả năng nguyên tử mà sẽ gây bất ổn trong vùng. Hoa Kỳ phải bảo vệ các quyền lợi của mình.”

Những sự cảnh giác trên cũng được lập lại bởi Đại Tướng H. R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump.

Tổng thống Trump đã thề rằng sẽ đưa Kim Jong Un vào vòng kiểm soát dù có sự hợp tác của Trung Cộng hay không. Ông cũng giải thích cho Tập Cận Bình hay rằng nếu họ hợp tác, thì việc giao thương với Hoa Kỳ sẽ tốt đẹp hơn nhiều.

Như để tỏ sự hợp tác với Tổng thống Trump, vừa qua, Trung Cộng đã từ chối, trả về Bắc Hàn những tàu chở than dá và đồng ý mua than đá của Hoa Kỳ. Qua một cuộc điện đàm hôm thứ Tư, Tập Cận Bình nói với Tổng thống Trump rằng Trung Cộng sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ để chấm dứt việc Bắc Hàn tiến tới chế tạo và sở hữu vũ khí nguyên tử; nhưng việc này theo ông ta cần tiến hành theo cách thức ôn hoà. Ông nói trong một chương trình của truyền thông nhà nước Trung Cộng rằng: “Trung Hoa ủng hộ việc giải trừ vũ khí nguyên tử trên bán đảo Triều Tiên và mong muốn duy trì sự liên lạc và hợp tác với phía Hoa Kỳ về vấn đề này.”

Tuy nhiên, Trung Cộng cũng tỏ ý không muốn lật đổ chế độ Bắc Hàn vì lo ngại làn sóng tị nạn từ Bắc Hàn sẽ tràn vào gây ra bất ổn vùng Đông Bắc Á. Nhưng rõ ràng, ông ta trong thâm tâm lo ngại sẽ tạo thêm chính quyền thân Mỹ tại Bình Nhưỡng khi Kim Jong Un bị lật đổ. Có tin cho hay Trung Cộng đưa klhoảng 150 ngàn quân đến sát biên giới với Bắc Hàn.  Nhiều người bình luận cho rằng Trung Cộng hưởng ứng hợp tác với Mỹ; nhưng theo chúng tôi, đây là do Trung Cộng sợ khi có biến động lớn, làn sóng di dân đói khát sẽ ồ ạt từ Bắc Hàn khát tràn qua Tàu nên họ phải lo phòng ngự trước mà thôi.

Sự căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên đã lên đến cực độ đến nỗi Đại Tá Robert Manning, phát ngôn viên, đã thông báo rằng Đại Tướng Vincent Brooks Tư Lệnh Quân Lực Mỹ tại Nam Hàn đã không thể về Mỹ để giải trình trước Ủy Ban Quân Vụ của Quốc Hội vào tháng 4 này.

Cùng trong khoảng thời gian này, Nhật Bản đã cùng Hoa Kỳ tổ chức thao diễn quân sự gần bán đảo Triều Tiên. Lực Lượng Phòng Vệ Nhật đã gửi nhiều khu trục hạm tham dự. Việc này có thể gây ra bất bình đối với Trung Cộng, vì từ lâu giữa Trung Cộng và Nhật Bản đã có những tranh chấp trên biển.

Phía Bắc Hàn trong khi chuẩn bị tổ chức kỷ niệm sinh nhật của Kim Nhật Thành vào hôm nay (15 tháng tư) đã la lối rằng Hoa Kỳ phải gánh chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hậu quả tai hại khôn lường trong việc đối đầu này. Họ tuyên bố sẽ có chiến tranh nếu Hoa Kỳ gia tăng quân sự tại vùng này.

Tình hình bang giao Nga Mỹ sau vụ Syria

Nước Nga và Iran đã can thiệp trực tiếp để yểm trợ cho Tổng thống Bashar Assad của Syria chống lại kháng chiến quân do Hoa Kỳ yểm trợ. Assad một lúc vừa chống lại quân kháng chiến, vừa chống lại ISIS. Vì thế tình hình ở Syria vô cùng phức tạp. Nếu trước đây năm 2013, cựu Tổng thống thực hiện lời đe doạ trừng phạt và đánh đổ Assad, có lẽ tình hình đã không đến nỗi nguy hiểm như hiện nay. Cuộc nội chiến tại Syria làm chết gần 500 ngàn thường dân và đưa đến con số hàng triệu dân tỵ nạn chiến tranh.

Sau khi hai khu trục hạm Mỹ bắn hoả tiễn vào các phi trường của Syria, bang giao giữa Nga và Mỹ càng trở nên căng thẳng hơn. Trong thời gian Ngoại Trưởng Mỹ đến Nga và được tiếp đón một cách bất thân thiện, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng giữa hai nước đã mất đi sự tin tưởng lẫn nhau. Tại Hoa Thịnh Đốn, Tổng thống Trump cũng nói rằng Hoa Kỳ không “get along” với Nga và cũng thừa nhận mối quan hệ đã lạnh nhạt ở mức thấp nhất từ trước đến nay; dù rằng trong thời gian tranh cử, ông luôn kêu gọi mối giao tình đầm ấm giữa hai nước và điều này đã đưa đến nhiều sự chống đối cũng như lên án trong hàng ngũ các nhà lập pháp, kể cả Cộng Hoà.

Tổng thống Putin cứ một mực chối bỏ việc Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hoá học để giết dân Syria. Ông cho rằng đó là sự vu khống của những lực lượng kháng chiến chống chính phủ. Trong khi đó, Ngoại Trưởng Tillerson khi trả lời câu hỏi liệu có cáo buộc Assad về tội ác chiến tranh, đã nói rằng người ta đang lập hồ sơ về điều này. Khi đón tiếp ông Tillerson, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã kết án việc Hoa Kỳ bắn hoả tiễn vào Syria là bất hợp pháp và coi dây là một hành động bất thường, khó tiên liệu.

Tuy thế, vẫn có vài tiến bộ trong cuộc gặp gỡ này.  Ngoại trưởng Lavrov cho hay sẽ lập ra một nhóm cùng làm việc để xét lại mối quan hệ hai nước. Ông cho biết Tổng thống Putin đã đồng ý tái thực hiện thoả ước giữa Nga và Mỹ về an toàn không phận tại Syria mà Nga đã đơn phương ngưng thực hiện sau vụ Hoa Kỳ đánh bom.

Ngoại trưởng Tillerson cũng nhận rằng giữa hai siêu cường nguyên tử không nên có tình trạng bang giao nguội lạnh như thế này.

Trong khi trả lời phỏng vấn của báo Wall Street Journal, Tổng thống Trump nói rằng chính sách của hành pháp không yêu cầu hạ bệ Tổng thống Assad như là một phần trong việc giải quyết vấn đề Syria theo cách ôn hoà. Theo báo WSJ, ý của Tổng thống Trump tuy sẵn sàng có biện pháp trừng phạt Assad, nhưng lại không muốn dính líu sâu vào vấn đề Syria.

Tại Hội Đồng Bảo An LHQ, khi đưa vụ Syria ra bàn cãi, Nga đã ngăn cản tất cả mọi nỗ lực để lên án Assad thảm sát dân bằng vũ khí hoá học.

Tối thứ Năm, vào lúc 7 giờ 32, giờ địa phương, Hoa Kỳ đã sử dụng phi cơ vận tải khổng lồ C-130 lần đầu tiên thả những trái bom MOAB (Massive Ordnance Airbust Bomb) hay tên chính thức là GBU-43B, để đánh vào các hang động của bọn khủng bố Hồi Giáo tại quận Achin, tỉnh Nangarhar thuộc Afghanistan, là nơi tiếp cận biên giới với Pakistan. Ước tính có đến 800 quân khủng bố ISIS tại Afghanistan, mà đa số ở trong vùng tỉnh Nangarhar. Mục đích của vụ đánh bom là để gây thiệt hại tối đa cho quân ISIS và giảm thiểu sự nguy hiểm cho quân lính Hoa Kỳ và quân chính phủ Afghanistan khi họ sẽ tiến vào lục soát khu vực này.

Bom này được coi là “Mẹ của các loại bom” chỉ kém bom nguyên tử mà thôi. Mỗi trái bom cân nặng 21 ngàn pounds, coi hhư là bom nguyên tử loại nhỏ. Loại bom này được thử nghiệm đầu tiên vào tháng 3, 2003; sau đó đưa vào danh mục năm 2008 nhưng chưa hề đem ra xài trên chiến trường. Bom được hướng dẫn bằng hệ thống định vị GPS hnhằm phá sập các hang động hay các bunkers nơi bọn ISIS ẩn nấp, nhưng tránh không làm thiệt hại sinh mạng dân chúng. Trong chiến tranh Việt Nam, chúng ta còn nhớ những ngày cuối của chiến tranh Việt Nam, khi nhiều sư đoàn Cộng quân bao vây Xuân Lộc, cửa ngõ của thủ đô Sài Gòn, ngày 21 tháng 4, 1975, phi cơ C-130 của Không Quân VNCH từ độ cao 20 ngàn feet, đã thả trái bom Cluster Bomb (CBU-55) xuống đánh tan tác giết chết hang ngàn quân Bắc Việt. Bom CBU chỉ nặng 750 pounds đốt bằng khí Propane. Vào thời đó (1975) bom này cũng được coi là bom mạnh nhất chỉ sau bom nguyên tử mà thôi. Bom khi nổ tạo ra một trái cầu lửa toả ra một vùng rộng 16 ngàn mét vuông (4 mẫu tây). Nó đốt cháy dưỡng khí trong vùng làm địch quân chết vì ngạt thở.

Vài điều cần biết về nước Syria

Syria, tên chính thức là Cộng Hoà Ả Rập Syria nằm ở cực tây Á Châu. Phía tây giáp biển Địa Trung Hải và nước Lebanon, đông giáp Iraq, bắc giáp Turkey, nam giáp Jordan, tây nam giáp Israel. Thủ đô là Damacus.

Từ khoảng năm 10 ngàn trước Tây Lịch, Syria là trung tâm của nến văn hoá Neolithic, mà dân cư đã biết trồng trọt và chăn nuôi đầu tiên trên trái đất. Đây là nền văn minh đồ sứ. đi trước nền văn minh đồ đồng. Các nhà khảo cổ đồng thuận rằng văn minh Syria là xưa cổ nhất chỉ sau nền văn minh Lưỡng Hà (Mesopotamia).

Năm 640 sau Tây Lịch, đội quân Ả Rập Rashidun dưới quyền Khalid ibn al-Walid chiếm đóng Syria lập ra triều đại Umayyad, đóng đô ở Damacus. Triều đại này kéo dài đến năm 750 thì bị lật đổ, thay thế bằng triều đại Abbasid và kinh đô được dời về Baghdad. Từ đó, tiếng Ả Rập trở thành ngôn ngữ chính thay tiếng Hy Lạp và Aramaic của thời đại Byzantine.

Vùng đất Syria cũng là nơi các đạo quân Thập Tự Chinh từ Âu Châu chiếm đóng  từ 1098 đến 1189, khi họ trên đường chiến đấu với quân Hồi Giáo. Sau đó, từ 1175 đến 1185, lãnh chúa Saladin thuộc sắc dân Kurdish chiếm Syria lập ra triều đại Ayyubid tại Ai Cập. Hai thành phố Aleppo và Damacus  vào năm 1260, rơi vào bàn tay quân Mông Cổ.

Các cuộc chiến kéo dài mãi đến năm 1516 thì Syria lại rơi vào vòng cương toả của đế quốc Ottoman. Nhưng lần chiếm đóng này có vẻ hiền hoà vì người Turks cũng có cùng ngôn ngữ và tôn giáo với dân Syria.

Nước Syria tân tiến được hình thành sau hàng thế kỷ ngự trị bởi đế quốc Ottoman. Ottoman được xem là một đế quốc rộng lớn và lâu dài nhất lịch sử nhân loại. Nó chỉ chấm dứt sau Thế Chiến thứ Nhất. Sau một thời gian dưới sự bảo hộ của Pháp, nước Syria ra đời tuyên bố độc lập ngày 24 tháng 10 năm 1945 và trở thành hội viên LHQ. Từ 1949 đến 1971, Syria trải qua những biến động chính trị, nhiều cuộc đảo chánh. Bashar Assad nối nghiệp cha là Hafer al-Assad để trở thành Tổng thống Syria vào năm 2000.

Ngày nay, Syria là một nước với 17 triệu dân, thành phần dân số và tôn giáo khá phức tạp. Đa số là dân Syria Ả Rập, ngoài ra còn dân Hy Lạp, Arameans, Armenians, Assyrians, Kurds, Turks, Circassians và Mandeans. Tôn giáo thì đủ cả Hồi (87%) gồm Hồi Sunni, Hồi Shia, 10% Thiên Chúa Giáo và số còn lại gồm nhiều tôn giáo nhỏ khác.

Thành phố lớn nhất của Syria là Aleppo cũng được xem là thành phồ kỳ cựu nhất trên thế giới. dây là nơi mà quân khủng bố ISIS đã chiếm làm thủ đo trong mấy năm qua trước khi được giải toả bởi quân đội Syria cuối năm ngoái. Tuy nhiên các di tích lịch sử cổ đại quý giá trong thành phố này đã bị bọn ISIS cuồng tìn đập phá hết.

Syria từng có chiến tranh với Israel khi họ liên minh với Ai Cập khởi động cuộc chiến có tên là Yom Kippur War. Syria cũng từng chiếm đóng nước Lebanon trong 30 năm kể từ đầu năm 1976.

Những năm cuối thập niên 1970, các phong trào cách mạng Hồi Giáo do nhóm Muslim Brotherhood chủ trương nổi dậy tại Syria. Họ tấn công nhân viên chính phủ và cả dân thường. Quân đội Syria trấn áp khốc liệt. Trong cuộc thảm sát Hama vào năm 1982, có từ 10 ngàn đến 40 ngàn người bị quân đội Syria giết chết.

Syria cũng có tham gia vào cuộc chiến vùng Vịnh do Hoa Kỳ cầm đầu để đánh Iraq, lật đổ Saddam Hussein. Khi đó, Syria đứng về phe Hoa Kỳ.

Từ mùa xuân 2011 khi các phong trào Arab Spring nổ ra tại nhiều nước Trung Đông và Ả Rập để lật đổ các chế độ độc tài, tại Syria cũng thế. Khi các phe phái đứng ra chống lại chính phủ của Assad và đảng cầm quyền Ba’athist, cuộc nội chiến bùng nổ và càng ngày càng đẫm máu. Các thế lực chống đối chiếm cứ vài vùng lãnh thổ. Mạnh nhất là nhóm Kháng chiến Syrian, nhóm Liên Minh Bắc Syria, và dĩ nhiên ISIS. Ngay trong danh xưng ISIS (Islamic State of Iraq and Syria) đã khẳng định tính chất lãnh thổ của nhóm là bao gồm Iraq và Syria. Hay còn gọi là ISIL ( Islamic State of Iraq and the Levant) vì Levant cũng là một tên khác của Syria.

Cuộc nội chiến hiện nay khởi phát từ phong trào Cách Mạnhg Ả Rập (Arab Spring). Bắt đầu là các tổ chức chống đối bất bạo động vào năm 2011. Họ bị quân đội Syria đàn áp dã man.

Vào tháng 7, 2011, một số quân nhân ly khai tuyên bố thành lập Quân Đội Syria Tự Do (Free Syrian Army) và bắt đầu chiến đấu bằng vũ lực. Nhóm chống đối này đa số thuộc Hồi Giáo Sunni, trong lúc những người cầm đầu chính quyền thì theo Hồi Giáo Alawites

Theo nhiều nguồn tin, từ 2011 đến 2013, có đến 100 ngàn dân bị chết do chiến tranh, trong đó có 11 ngàn trẻ em. Gần 5 triệu dân thường chạy trốn qua các nước lân bang như Jordan, Iraq, Lebanon, và Turkey. Có khoảng 450 ngàn người Thiên Chúa Giáo Syria phải bỏ nhà đi lánh nạn. Tháng 11, năm 2016, Tổ chức Nhân Quyền Syria cho hay tổng số thường dân bị chính phủ Assad giết hại lên tới 188,279 người.

Vào tháng 8, 2013, Syria bị nghi ngờ dùng bom hoá học đánh giết dân mình. Ngoại trưởng John Kerry khẳng quyết rằng việc Syria dùng bom hoá học là có thật. Tổng thống Obama đã lên tiếng đe rằng Hoa Kỳ sẽ có biện pháp mạnh để ngăn chặn việc này nhưng ông đã không thực hiện lời đe doạ này khi Syria tái phạm.

Việc trừng phạt phải chờ đến tháng 4 năm 2017 này khi Tổng thống Trump ra lệnh hai Khu Trục Hạm nắn hoả tiễn Tomahawk vào phi trường quân sự của Syria.

Quân lực Syria có khoảng 400 ngàn lính. Syria cũng có các hoả tiễn Scud-C (tầm xa 310 dặm), Scud-D (tầm xa 430 dặm) do Bắc Hàn cung cấp. Syria hiện đang có 2 đồng minh viện trợ và chiến đấu bên cạnh là Nga và Iran.

Báo Anh Daily Mail bị phạt tiền vì vu khống Đệ Nhất Phu Nhân Mỹ

Tờ báo lớn tại Anh Daily Mail vừa qua đã phải trả tiền phạt cho bà Melania Trump đến gần 3 triệu đô la vì đã loan nhnữg tin tức sai lạc về bà Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ.

Hôm 12 tháng 4, tờ báo đã viết: “Chúng tôi xác nhận những tin do chúng tôi đưa ra về bà Melania Trump là sai sự thật và xin rút lại những tin trên.” Báo cũng ngỏ lời xin lỗi đến bà Trump và xin sẵn sàng chi trả cho bà các thiệt hại về tinh thần và chi phí pháp lý.

Sau khi bị báo Daili Mail nói rằng bà chẳng phải là người mẫu gì cả mà chỉ là gái gọi (Escort Girl), bà Trump đã đưa đơn kiện tờ báo. Tờ báo còn vu khống rằng công ty về các người mẫu tại New York, nơi bà Melania từng cộng tác chỉ là một dịch vụ môi giới mại dâm hạng sang cho những khách giàu có.

Tiền bồi thường thiệt hại là để bù đắp việc bà Melania đã mất đi nhiều dịp chụp hình làm mẫu trên các bao bì mỹ phẩm, thời trang. Bà đã đòi tiền phạt là 150 triệu đô la.