Thời Sự Hàng Tuần 04/22/2017- Xã Đồng Tâm quật khởi

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Việt Nam sôi động về vụ xã Đồng Tâm

Trước hết, xin loan tin ngày hôm nay, dân chúng các nơi ở Việt Nam tiếp tục xuống đường. Đây là tuần lễ thứ 8 sau khi Linh Mục Nguyễn Văn Lý ra bản kêu gọi biểu tình hàng tuần của Tập Hợp Quốc Dân Việt.

Việc nhà nước Cộng Sản Việt Nam cướp đất đai của dân chúng để bán cho các công ty tư bản xây cơ sở hay nhà máy đã xảy ra từ mấy chục năm nay rồi chứ chẳng mới mẻ gì. Vì thế, tại Việt Nam đã xuất hiện một thành phần gọi là “Dân Oan” rất đông từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng lên cao nguyên. Đa số dân oan này, oái oăm thay lại là những người từng tin và đi theo đảng Cộng sản trong thời chiến tranh. Sau chiến tranh, họ trở về làng cũ nhằm vào thời gian có cuộc đổi mới về kinh tế, giải tán các hợp tác xã nông nghiệp… Họ đã lần hồi tậu được nhà, đất để canh tác hay làm nơi cư ngụ. Nhưng vì mối lợi bán đất cho tư bản, nhà nước Cộng sản tìm mọi cách để thu mua với giá rẻ mạt trong khi bán ra với giá cao khủng khiếp. Không mua lại được, thì họ đưa công an và bọn du đảng cùng xe cày, xe xúc đến cướp đất và đã nhiều lần chúng cho xe cán qua người những người dân chống đối.

Xã Đồng Tâm thuộc huyện Mỹ Đức, là một huyện ngoại thành Hà Nội, có khoảng 6000 dân.

Từ đầu thập niên 1980, nhà cầm quyền VC đã ra quyết định tịch thu gần 48 hecta đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm và vài xã lân cận để xây phi trường Miếu Môn do Lữ Đoàn 28 Không Quân VC quản lý phục vụ cho công tác quốc phòng để làm sân bay và sân bắn.

Dân chúng đã nhiều lần làm đơn khiếu nại nhưng đều không được giải quyết.

Theo tài liệu của Ngân Hàng Thế Giới, Việt Nam là một nước nặng về nông nghiệp với ¾ dân là nông dân, nhưng chỉ có chưa tới 7 triệu trên 33 triệu hecta đất dùng cho nghề nông, tức khoảng 21%.

Sau một thời gian thấy không thể thực hiện dự án phi trường, đến 2007, Lữ đoàn 28 đã bàn giao lại diện tích từng là đất nông nghiệp này lại cho Ủy Ban Nhân Dân xã Đồng Tâm, đồng thời với việc phân định ranh giới đất nông nghiệp và đất quốc phòng làm nơi đóng quân cho Lữ Đoàn này. Dân chúng lại phản đối vì việc đất dành cho nông nghiệp đã bị gán cho đất quốc phòng.

Ông Lê Đình Kinh, 83 tuổi, một người cao niên trong xã, vừa là một cựu thương binh bộ đội Cộng sản, đã thay mặt dân chúng cho rằng phần đất bị tịch thu nằm ngoài phạm vi 47 hec ta mà dân đã giao cho nhà nước 37 năm trước đó. Phần đất này bị nhà nước giao cho công ty Viettel là một đại công ty về viễn thông của quân đội Cộng sản.

Cuối năm 2016, nhà chức trách huyện Mỹ Đức đã đưa khoảng 600 công an, cảnh sát cùng xe xịt nước và xe thùng để trấn áp dân chúng. Từ đó, các cuộc phản kháng lại nổ ra càng ngày càng thêm trầm trọng.

Sáng ngày 15 tháng 4, ông Kinh bị nhà cầm quyền lừa gạt bằng cách mời ra khu đất để thương lượng, đo đạc, xác định lại mốc cắm. Nhưng tại đây ông và khoảng 15 người khác đã bị bắt giải đi về đồn Công An huyện. Đã có vài người dân bị đánh trọng thương trong ngày hôm đó.

Sau đó, dân chúng bắt giữ 2 xe của Công An, và khoảng 38 công an cảnh sát. Những cảnh sát này bị giam giữ trong nhà Văn Hóa của Xã. Dân chúng uất ức tưới xăng vào các vật dụng bắt cháy quanh nơi giam giữ đám cảnh sát này và dọa sẽ thiêu sống họ nếu nhà cầm quyền không thả những người dân bị bắt giữ. Dân chúng cũng lập ra các toàn thanh niên để chặn các xe của nhà cầm quyền về giải cứu công an của họ.

Ngày 15 tháng 4, xã thả hết những người dân chỉ còn ông Lê Đình Kinh còn nằm trong bệnh viện do bị thương ở chân trong khi xô xát. Phía dân chúng, đã thả ra 18 công an. Khu vực xảy ra biến động này đã bị cắt đứt các phương tiện truyền thông ra bên ngoài.

Chiều 18 tháng 4, 2017, dân chúng tại xã Đồng Tâm, Mỹ Đức đã thành lập đội quyết tử để quyết tâm bảo vệ làng xóm và đồng bào trước những đợt tấn công của Công An và bọn du côn xã hội đen. Nhiều chướng ngại vật quanh làng đã được dựng lên để làm rào cản với những mồi lửa sẵn sàng đốt để quyết sống chết với bạo quyền. Tin mới nhất cho biết Công An đã cúp điện nhà Văn Hóa thôn Hoành. Dân chúng phát giác ra có vũ khí và đạn dược có thể do người nào đó là nội tuyến đã tuồn cho những công an đang bị bắt giữ. Vào ban đêm, có nhiều hồi kẻng báo động người lạ từ bên ngoài xâm nhập vào làng. Bọn du côn ném gạch đá vào làng, thách thức đồng bào. Trong khi đó, hình ảnh từ các vệ tinh cho thấy nhiều công an thuộc lực lượng “cơ động” đóng tại các xã lân cận và trên đường số 73 đi vào xã Đồng Tâm.

Sàng ngày 19, có nhiều viên chức đến nói chuyện với dân chúng và hứa sẽ đưa vụ này lên Quốc Hội để xin giải quyết; nhưng vẫn không thấy sự xuất hiện của viên chức cầm quyền như Chủ Tịch hay Bí Thư Huyện và Chủ Tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Theo tin mới nhận: Tình hình tại Đồng Tâm Miếu Môn đang rất căng thẳng; cán bộ xã bỏ trốn hết, dân chúng loan tin nói có rất đông bọn xã hội đen được đưa về để chuẩn bị đàn áp.

Theo kinh nghiệm của các luật sư VN, vụ này cuối cùng thì đâu vào đó. Nhà cầm quyền sẽ dựa vào sức mạnh, chẳng bao giờ chịu nhận phần sai về họ; và chắc chắn sẽ có nhiều người dân vào tù.

Hàng ngàn người dân Vĩnh Tân, Bình Thuận xuống đường đụng độ với Công An

Ngày 19 tháng 4, trong khi vụ Đồng Tâm còn giằng co, thì tại quận Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, hàng ngàn người dân địa phương đã xuống đường chống đối ô nhiễm môi sinh do nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân thải ra khí độc. Liên tục nhiều ngày từ 14 tháng 4, dân chúng đổ xô ra quốc lộ ngăn chặn xe cộ lưu thông gây nhiều cảnh hỗn loạn. Ủy Ban Nhân Dân địa phương đã đến tận nơi với nhiều lời hứa hẹn. Nhưng dân chúng không còn tin vào lời hứa của những người Cộng sản. Họ đòi nhà máy điện Vĩnh Tân, của người Tàu Trung Cộng làm chủ phải ngưng nhả khói độc và xả rác thải vào nguồn nước uống của dân chúng. Nhà máy điện này là hợp doanh giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Điện khí Thượng Hải (Trung Cộng) đầu tư với số vốn 23,500 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ đô la). Nó được khởi công xây dựng vào ngày 8-8-2010, có công suất 1,244 megawatts với 2 máy lớn sử dụng than cám lấy từ mỏ than Cẩm Phả, Quảng Ninh. Hiện Trung Cộng còn nhiều dự án xây thêm các nhà máy điện loại này trên nhiều nơi ở Việt Nam.

Dân chúng xuống đường đã đụng độ với công an. Họ sử dụng gạch đá và cả bom xăng ném vào lực lượng đàn áp.

Tại tại thôn Vọng Đông, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, cũng do vụ nhà nước cướp đoạt đất đai, ngày 20 tháng 4, nhiều nông dân đã mang cả chiếc quan tài ra đường thề quyết chết để đòi lại đất. Cộng sản đã đưa hàng trăm cảnh sát cơ động đến đàn áo làm 1 người gãy tay, một cụ già bị ngất xỉu. Chúng bắt đi 10 người biểu tình.

Sáng 20/4/2017 dân Xuân Hội – Nghi Xuân – Hà Tĩnh kéo đến Ủy Ban Nhân dân Huyện biểu tình vì đền bù Formosa không thỏa đáng, không rõ ràng, nhà được bồi thường, nhà không có gì ráo.

Chưa hết, tại miền Tây, đồng bào thuộc giáo hội Phật Giáo Hoà Hảo cũng kéo nhau xuống đường phản đối công an đàn áp tôn giáo. Công an huyện An Phú cùng công an xã Phước Hưng cướp xe đò của bà con Phật Giáo Hoà Hảo khi họ đi tham dự ngày giỗ của tù nhân lương tâm Bùi Văn Trung tại nhà ông này ở xã Phước Hưng. Công an đã chặn và cướp đoạt xe cùng giấy tờ và còn cho côn đồ hành hung cựu tù nhân Mai Thị Dung.

Trong một cuộc biểu tình tuần qua trước trụ sở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, nhiều đồng bào đã mang theo lá cờ vàng ba sọc đỏ. Họ cũng cắm nhiều lá cờ dọc theo một con đường. Dù rải rác, đã có nhiều lần lá cờ VNCH xuất hiện nhiều nơi. đây là lần đầu tiên bà con, đặc biệt là dân miền Bắc đã chọn lá cờ vàng ba sọc đỏ để biểu lộ tinh thần chống Cộng. Có nhiều phụ nữ đã cắt may chiếc áo dài hoặc choàng khan màu cờ VNCH; cũng có lần vài thanh niên đã tổ chức lễ chào quốc kỳ VNCH trong các ngày lễ, tết.

Giáo dân Cồn Dầu được tái định cư quanh giáo đường

Giáo xứ Cồn Dầu từng có mặt trên 150 năm tại Đà Nẵng đã nhiều lần bị bạo quyền Cộng sản đàn áp, cướp phá.

Sau khi đã cướp đoạt đất đai và tài sản của Giáo xứ Cồn Dầu (Đà Nẵng) mà đã đưa đến việc hàng trăm người phải chạy trốn, vượt biên. Sau nhiều năm thương lượng, hiện nay, nhà cầm quyền Đà Nẵng đã đồng ý cho khoảng 100 gia đình giáo dân được trở về sinh sống trên phần đất chung quanh nhà thờ.

Ngày 12 tháng 4, báo chí của Cộng sản đã đưa tin nhà cầm quyền đã chia khu đất quanh nhà thờ thành 431 lô để dành cho việc xây dựng khu cư trú của giáo dân. Khu vực trước cổng nhà thờ trước đây bị dùng xây hồ nước, cản trở sự đi lại và làm mất vẻ mỹ quan của giáo đường.

Bắc Hàn đe doạ Mỹ

Sau khi Hoa Kỳ đưa Hàng không Mẫu hạm Carl Vinson đến vùng biển Triều Tiên, chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un đã lên tiếng đe doạ rằng Mỹ sẽ phải gánh chịu một hậu quả khốc liệt nếu tiếp tục gia tăng hoạt động quân sự ở vùng này.

Bắc Hàn cho hay họ sẽ có những phản ứng thích nghi, cứng rắn để đối phó với Hoa Kỳ.

Tuần qua, sau khi bị lên án bởi một loạt thử nghiệm hoả tiễn mang đầu đạn mà kết quả là việc Hoa Kỳ tăng cường hải quân, Bắc Hàn đã tiếp tục phóng lần thứ 5, nhưng thất bại vì hoả tiễn này vừa được phóng ra đã rơi xuống biển ngay lập tức.

Tình hình hiện nay rất căng thẳng khi Hoa Kỳ và Nhật Bản đang có cuộc tập trận chung. Phó Tổng thống Michael Pence đã đến thăm Nam Hàn và đến tận vỹ tuyến 38, nơi chia cắt lãnh thổ Nam và Bắc Hàn, để quan sát tình hình. Ngoại Trưởng Rex Tillerson thì cho hay việc Hoa Kỳ phóng hỏa tiễn Tomahawk vào Syria như là một thông điệp mạnh mẽ đến với những nước nào đang có những việc làm đi ra ngoại lề luật quốc tế. Dù ông không nhắc đến tên nước Bắc Hàn, nhưng câu nói đã quá rõ rệt là lời cảnh cáo với Bắc Hàn.

Nếu anh vi phạm các thoả ước quốc tế, nếu anh không thực hiện đúng những gì đã cam kết, nếu anh trở nên là mối đe doạ cho kẻ khác, chắc chắn lúc nào đó anh sẽ gặp sự phản ứng thích đáng.”

Gordon Chang, nhà biên tập cho báo Daily Beast và là tác giả cuốn sách “Nuclear Showdown: North Korea Takes On The World,” đã gửi một điện thư cho đài Fox News rằng việc Mỹ đánh bom vào phi trường Syria là để cảnh báo cho Kim Jong Un rằng anh ta phải thận trọng trước sức mạnh Hoa Kỳ – là điều mà Kim Jong Un trước đây vẫn coi thường. Trong thời gian Hoa Kỳ đánh vào Iraq năm 2003, người ta không thấy sự xuất hiện của Kim Jong Il trước công chúng trong một thời gian sáu tuần. Kim Jung Il là cha của Kim Jong Un. Việc đánh Syria, theo nhà báo này, cũng là hành động răn đe đến quân đội giải phóng Trung Hoa chớ có coi thường Hải quân và Không quân Mỹ. Tập Cận Bình khi được Tổng thống Trump tiếp ở Mar-a-Lago cũng gần như coi việc đánh Syria vào thời điểm 2 lãnh tụ Mỹ-Hoa gặp nhau là một dấu hiệu không tốt đối với ông ta.

Không quân Hoa Kỳ cũng tung ra một cuộc tập trận bất ngờ tại Nhật hôm thứ Tư. Cuộc tập trận Bản với toàn lực khả năng tác chiến trên không nhằm cảnh cáo Bắc Hàn không nên dại dột quấy rối lung tung,

Tham dự cuộc tập trận này có Không đoàn 18 với các phi cơ trực thăng HH-60 Pave Hawks, phản lực cơ F-15 Eagles, thám thính cơ E-3 Sentries và vận tải cơ khổng lồ KC-135 Stratotankers. Các viên chức quân sự cho rằng Không đoàn 18 là Không đoàn lớn nhất sẵn sàng lâm chiến.

Ngày 12 tháng 4 tại Căn Cứ Không Quân Kadena, Nhật, đã túc trực sẵn 2 phi đoàn 46 và 67 trang bị với phản lực cơ F-15, Phi đoàn 961 Tuần thám trên không với các phi cơ E-3 Sentries. Các hoạt động quân sự Mỹ được điều phối trong vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thuộc Á Châu được coi là lớn nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, có tin Tổng thống Trump tăng cường thêm hai Hàng không Mẫu hạm đến vùng biển Triều Tiên. Coi như chuẩn bị cho một khả năng tấn công ngay tức khắc khi có biến.

Theo thông tấn xã Nam Hàn, ngoài chiếc Hàng không Mẫu hạm CVN-70 Carl Vinson, nay có thêm hai chiếc Hàng không Mẫu hạm CVN-76 Ronald Reagan và CVN-68 Nimitz đang trên đường tiến đến vị trí. Chiếc Hàng không Mẫu hạm Ronald Reagan thì đang rời bến ở Yokosuka, Japan, còn chiếc Nimitz thì sẽ đến vùng biển Nhật Bản vào tuần tới.

Cả ba Hàng không mẫu hạm này sẽ phối hợp tham gia cuộc thao dượt với Hải Quân Nam Hàn.

Đi xa hôn nữa, Tổng thống Trump còn có ý sẽ áp dụng các hành động cấp thời, năng động nhất trong đó có thể kể đến việc không kích bất ngờ vào lãnh thổ Bắc Hàn để đè bẹp ngay bất cứ ý đồ điên rồ nào của Kim Jong Un.

Đại Tướng H.R. McMaster, cố vấn An ninh Quốc Gia, còn nói với phóng viên đài ABC trong chương trình “Tuần Này” (This Week) rằng Hội đồng An ninh Quốc Gia đang hợp tác với Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao để soạn ra những sự lựa chọn rồi đệ trình lên Tổng thống nếu tình trạng hiện nay tại bán đảo Triều Tiên không có mòi cải thiện được.

Phía Trung Cộng thì chưa có sự hứa hẹn nào sẽ tham gia vào các dự tính của Mỹ cả. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Cộng là Lu Kang nói rằng họ chỉ muốn thấy tình hình dịu đi để các bên có thể giải quyết vấn đề một cách ôn hoà. Ông ta nhấn mạnh Trung Cộng vẫn muốn tiếp tục cuộc đàm phán nhiều phe mà đã tạo ra sự tạm ổn vào năm 2009. Với Hoa Kỳ, ông ta nói việc Mỹ bố trí hệ thống hoả tiễn phòng thủ ở Nam Hàn đang làm cho bang giao giữa Mỹ và Trung Cộng bị một đám mây che mờ đi.

Tuy nhiên, tin mới nhất cho hay Trung Cộng đã đưa các oanh tạc cơ đến sát biên giới Trung Cộng và Bắc Hàn, đồng thời ra lệnh cho các đơn vị không quân ứng chiến phòng khi Bắc Hàn có những hành vi bất ngờ. Đây là việc mới nhất sau khi có tin 150 ngàn quân Trung Cộng cũng đang áp sát biên giới này để đề phòng một đột biến mà có thể gây ra nạn dân Bắc Hàn ồ ạt tràn qua.

Cả Nga và Trung Cộng đều đưa các tàu do thám đến trong vùng này.

Liệu Bắc Hàn có dám đánh Mỹ bằng bom nguyên tử không?

Trong khi đó, Trung Cộng thôi thúc Bắc Hàn không nên làm thêm điều gì để tạo thêm căng thẳng. Nhưng người ta e rằng Kim Jong Un sẽ cho thử nguyên tử lần thứ 6. Bắc Hàn hiện có các hoả tiễn mang đầu đạn có tầm xa tới biển Nhật Bản và có thể đến các đảo của Mỹ ngoài Thái Bình Dương.

Hình ảnh tử vệ tinh truyền đi cho thấy có những hoạt động tại căn cứ Punggye-ri là nơi thử nghiệm các hoả tiễn như để chứng minh rằng nhà cầm quyền Bắc Hàn đang chuẩn bị cho cuộc thí nghiệm nguyên tử lần nữa.

Hôm thứ Tư, Tổng thống Trump tỏ ra tin tưởng rằng Chủ Tịch Tập Cận Bình sẽ giúp để kiểm soát Bắc Hàn, ngăn chận những mối nguy cơ lớn thêm.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng ông ta sẽ giúp chúng ta trong vụ Bắc Hàn.” Khi Trung Cộng đã tỏ ra thiện chí mua than đá của Mỹ mà từ chối các chuyến tàu chở tham đá từ Bắc Hàn, ông cho rằng đó là một bước rất xa, vì Bắc Hàn đang có đến 90% thương vụ với Trung Cộng.

Thật ra việc Trung Cộng đề nghị giải quyết ôn hoà với Bắc Hàn là việc đã có từ xưa và luôn thất bại. Bắc Hàn như con ngựa điên, hung hăng hiếu chiến. Loại này chỉ thực sự lùi bước khi chạm trán với đối phương đáng kể và quyết liệt. Còn với những đối phương vì dè dặt, ngại gây ra đại chiến, ngại dư luận quốc tế; thì bọn Bắc Hàn, cũng như Việt Cộng ngày trước, chúng nó như nằm được con bài tẩy mà không bao giờ dừng lại. Đã có rất nhiều lần do nạn đói tràn lan, Bắc Hàn phải tạm ngưng hung hãn để nhận viện trợ lương thưc từ các nước Tây Phương và cả Nam Hàn. Nhưng rồi chứng nào tật đó. Không đánh chúng nó không chừa.

Hoa Kỳ sắp hạ thủy một Hàng không mẫu hạm tối tân nhất, vĩ đại nhất.

Hải Quân Hoa Kỳ sắp hạ thủy chiếc Hàng không Mẫu hạm CVN 78 mang tên cố Tổng thống Gerald R. Ford là chiếc đầu tiên thuộc thế hệ mới, lớn chưa từng thấy, trang bị những kỹ thuật tân tiến nhất. Chiếc Gerald Ford này phải được gọi là siêu Hàng không mẫu hạm mới đúng.

Hàng không Mẫu hạm Gerald Ford do đại công ty Huntington Ingalls Industries ở Newport News, Virginia khởi công từ năm 2007 với ngân khoản lên đến 13 tỷ đô la. Đến nay căn bản đã hoàn tất 100%, nhưng còn chờ gắn thêm những bộ phận và thiết bị bên trong.

Ba ứng dụng tân tiến quan trọng nhất là giàn radar (dual band radar), hệ thống chận phi cơ khi đáp xuống bằng các gear (flight deck arresting gear, giải thích), và hệ thống phóng phi cơ bằng phương pháp điện từ (Electromagnetic Aircraft Launch System)

Chiếc Hàng không mẫu hạm mới này đang được chạy thử trước khi chính ghức gia nhập các hạm đội. Nó rời bến Newport News lần đầu tiên vào hôm 8 tháng 4, 2017 với các chuyên viên và nhân viên thanh tra để quan sát và lượng định chính xác các khả năng của nó.

Cái giá 13 tỷ đô la là chưa tính đến trị giá hàng chục phi cơ mà Hàng không mẫu hạm mang trên sán của nó. Hàng không mẫu hạm này sẽ mang theo các phản lực cơ chiến đấu tối tân nhất F-35 mà giá 100 triệu mỗi chiếc. Người ta ước tính Hàng không mẫu hạm Ford phải đến năm 2021 mới thực sự tham chiến.

Một vài chi tiết đáng nói Hàng không Mẫu hạm Ford có chiều dài 1,106 feet và có thể phóng ra 220 phi vụ không kích mỗi ngày. Thủy thủ đoàn có 4000 binh sĩ Hải quân và Thủy Quân Lục Chiến. Nó có khả năng tàng hình trước sự săn lùng của radar địch. Nó có một hoả lực rất hùng hậu xứng đáng với số tiền chi phí. Chiếc Ford có những trang bị kỹ thuật tân tiến và bí mật. Trong tương lại, Hoa Kỳ sẽ chế tạo thêm 3 chiếc siêu Hàng không mẫu hạm như chiếc Ford này.

Oanh tạc cơ Nga bay gần sát vùng Alaska.

Trước đây không lâu, ngày 10 tháng 2, ba chiếc khu trục cơ SU-24 đã bay rất thấp và sát khu trục hạm Porter của Mỹ đang hoạt động ở vùng Black Sea. Trước đó vài phút, có chiếc thám thính cơ Il-38 (động cơ chong chóng) bay qua như thăm dò.

Ngày 12 tháng 4, 2016, một khu trục cơ Sukhoi Su-24 đã bay rất thấp, lượn sát khu trục hạm Donald Cook đang tuần tiểu ở vùng biển Baltic để yểm trợ cho an ninh các nước NATO.

Tại Syria, đã có nhiều lần máy bay chiến đấu của Nga cũng đã bay gần các chiến đấu cơ của Mỹ khi cả hai bên đang bay yểm trợ quân bộ.

Trong 2 năm 2014 và 2015, có đến 400 lần phi cơ khối NATO phải bay lên đuổi phi cơ Nga xâm phạm không phận. Năm 206, số lần tăng lên 800. Nga thì cứ đổ thừa rằng họ bay yểm trợ Syria là nước có biên giới với vài nước thuộc NATO.

Quý vị còn nhớ vào tháng 11, 2015, Turkey đã bắn hạ một phi cơ chiến đấu của Nga tại biên giới Turk và Syria.

Nga đã nhiều lần cho máy bay áp sát các phi cơ của Mỹ, hay bay vào gần hải phận của Mỹ

Trong tuần này, Nga đã hai ngày liên tiếp mà trước đó tối hôm thứ Hai, 2 chiếc oanh tạc cơ cất cánh từ một phi trường ở Petropavlovsk bay đến trong vòng 100 dặm ngoài khơi Alaska. Sau đó 1 ngày, hai oanh tạc cơ tầm xa hôm thứ Ba đã bay sát duyên hải Alaska chỉ cách đất liền có 36 dặm. Đó là hai phi cơ TU-95H có khả năng mang bom nguyên tử, đã bị radar Mỹ nhận diện lúc 5 giờ chiều giờ địa phương.

Lần trước, Hoa Kỳ đã cho khu trục cơ bay lên kèm sát để đuổi phi cơ Nga. Nhưng trong lần thứ hai, chỉ cho một chiếc tuần tiểu thuộc loại E-3 bay lên để phát tín hiệu cảnh giác mà thôi. Hai phi cơ Nga này dã bay trở về một căn cứ ở Anadyr, miền Dông nước Nga, cách Alaska chừng 1000 dặm.

Lãnh hải Hoa Kỳ được tính là 12 hải lý tính từ bờ biển.

Nga có khả năng dùng bom điện tử đánh tan Hải quân Mỹ

Nga vừa tuyên bố họ có đủ khả năng đánh tan toàn bộ Hải quân Hoa Kỳ chỉ trong một đợt với thứ vũ khí điện tử. Đó là cách họ sẽ áp dụng các tín hiệu điện tử để gây nhiễu các hệ thống điện tử của Hải Quân Hoa Kỳ và sẽ làm cho tất cả tàu chiến, phi cơ, hoả tiễn Mỹ trở thành vô dụng.

Một tờ báo Nga cho hay rằng: “Ngày nay, binh chủng Tác chiến Điện Tử của Nga có thể phát giác và vô hiệu hoá bất cứ mục tiêu nào trên các chiến hạn, radar, cho tới các vệ tinh trên không gian.

Bản tin tiết lộ chỉ cần một phi cơ Nga bay vài lần quanh chiến hạm USS Donald Cook của Mỹ hôm 12 tháng 4 năm ngoái đã phá hết hệ thống điện toán trên khu trục hạm này và làm cho tàu trở nên bất khiển dụng. Tin này được một vị tướng cao cấp của Mỹ là Frank Gorenc xác nhận mấy ngày trước đây khi ông nói: “Vũ khí điện tử của Nga làm tê liệt hoàn toàn những trang bị điện tử của Mỹ gắn trên các hoả tiễn, phi cơ, và chiến hạm.”

Nga cũng có khả năng tạo ra những tín hiệu gây nhiễu ở đầu mũi phi cơ của họ, để làm cho chúng trở thành tàng hình trước radar đối phương. Ho hãnh diên nói rằng họ không cần đến những vũ khí đắt tiền để thắng cuộc chiến. Chỉ cần gây rối loạn hệ thống điện tử đối phương là đủ.

Tưởng cũng cần nhắc thêm rằng sau khi Hoa Kỳ bắn hoả tiễn Tomahawk vào phi trường của Syria, Syria đã chuyển phi cơ của họ đến một căn cứ quân sự của Nga gần biên giới với Syria.

Nội loạn ở Venezuela

Venezuela từng là một nước tuy không phải Cộng Sản, nhưng có có khuynh hướng Cộng Sản từ khi Cesar Chavez được bầu làm Tổng thống năm 1998. Chavez là người lập ra đảng Xã Hội Thống Nhất Venezuela và Phong Trào Đệ Ngũ Cộng Hoà. Ông này bị truất phế năm 2002 sau một cuộc đảo chánh nhưng trở lại cầm quyền hai ngày sau đó và ở tại chức cho đến ngày chết vào năm 2013.  Chính sách của Chavez là cực tả, mị dân nhưng dã đưa nước Venezuela càng ngày càng nghèo đói, lạc hậu, dù Venezuela là nước có nhiều mỏ dầu với trữ lượng rất cao.

Năm 2014, thời Tổng thống Nicolás Maduro, nước Venezuela bước vào thời kỳ suy thoái trầm trọng. Tình trạng kinh tế tồi tệ đã đưa hàng triệu người thất nghiệp, đói khát. Nhiều người phải toả ra đường bới tìm trong các đống rác để kiếm ăm. Hiện tượng này có thể thấy hàng ngày ngay trên các đường phố.

Vì thế, dân chúng nổi dậy làm loạn khắp nơi.

Những người chống đối đã dự tính tổ chức một ngày lấy tên “the mother of all marches” để đánh dấu kỷ niệm ngày Venezuela kháng chiến dành độc lập từ tay của Tây Ban Nha. (Venezuela độc lập từ Tây Ban Nha vào ngày 5 tháng 7, 1811, và từ Gran Colombia ngày 13 tháng 1, 1830, và được thừa nhận vào ngày 30 tháng 3, 1845). Trong cuộc biểu tình đã có 3 người bị quân đội bắn chết và trên đường phố đầy vết máu.

Trong tuần nay, ngày 19 tháng 4, tại thủ đô Caracas, đã tái diễn hình ảnh Thiên An Môn của Trung Cộng, khi trong màn khói cay mịt mù, một phụ nữ đã hiên ngang đứng chặn trước một chiếc xe thiết giáp trong đoàn xe của Vệ binh Quốc gia do chính phủ gửi đến đàn áp.

Không ai biết tên người phụ nữ này, họ gọi bà ta là “La Dama.” Bà đội chiếc nón màu cờ và choàng qua cổ một lá cờ lớn khác.

Chiếc xe bọc thép phải cài số lùi. Người đàn bà bình thản bước tới.

Những cuộc biểu tình đã xảy ra từ đầu tháng 4 với nhiều cuộc đụng độ giữa Vệ binh Quốc gia và người biểu tình. Họ đòi phải tổ chức bầu cử chính quyền mới và đã thề sẽ ở lại trên các đường phố trong suốt mùa Phục Sinh.

Đã có nhiều người chết trong cuộc biểu tình.

Tin khủng bố 

Tuần này, tại Paris, ngay khu vực Champs Elisées là nơi có nhiều cửa hàng ăn uống và bán hàng lưu niệm cho du khách, gần các cơ quan chính phủ, một tên khủng bố đã nhảy từ một chiếc xe van xuống, trực diện với một toán cảnh sát đang canh giữ trị an. Tên này đã xả súng bắn vào cảnh sát, làm chết một và bị thương nhiều người khác. Cảnh sát, sau đó đã bắn gục tên khủng bố. Pháp xem đây là một vụ khủng bố của ISIS.

Hôm thứ ba 18 tháng 4, tại thành phố Fresno, California, một tên da đen, Kori Ali Muhammad, 39 tuổi, đã xách súng bắn 16 phát đạn làm chết ba người đàn ông da trắng tại ba nơi cách nhau không xa chỉ trong vòng 2 phút. Ba nạn nhân này bị tên da đen bắn một cách ngẫu nhiên. Muhammad đã post trên các trang mạng xã hội rằng hắn thù ghét người da trằng và nhân viên chính phủ. Vì không tìm ra liên quan giữa tên Mohammad này với các tổ chức khủng bố, Cảnh sát trưởng thành phố Fresno Jerry Dyer cho rằng vụ giết người này chỉ là loại gây tội phạm do thù ghét chứ không liên quan đến khủng bố, dù rằng tên Ali Mohammad này dã hô to câu “Allahu Akbar” (có nghĩa là Alla vĩ đại). Tuy nhiên, khi loan tin, các hang thong tấn tả khuynh đã không dung đúng chữ Allahu Akbar mà dịch trại thành “Chúa Trời Vĩ Đại” (God is Great)

Tên Muhammad cũng bi cáo buộc tội đã bắn một người đàn ông da trắng 59 tuổi khi ông này vừa bước ra khỏi nhà. Nhưng viên đạn đã đi trật nên ông ta thoát chết.

Tên này cũng từng giết người vào tuần trước khi hắn bắn chết một nhân viên an ninh không mang vũ khí vào ngày 13 tháng 4 ở bên ngoài khách sạn Motel 6 cũng ở Fresno.

Vì thế, khi ra toà sẽ bị buộc bốn tội giết người và hai tội tấn công bằng vũ khí.

Về tiền án, Mohammad từng bị bắt về tội tàng trữ và buôn bán ma túy, sở hữu trái pháp 2 súng trường tự động và một súng lục. Nhưng luật sư bào chữa đã nêu lý do tên này có bệnh tâm thần do hồ sơ bệnh lý của các bác sĩ về tâm lý. Vì thế, y không có khả năng để bị xử trước toà. Sau khi đưa tên này vào một cơ sở điều trị vào tháng 10, 2005, qua năm 2006, toà đã xử anh ta 110 tháng tù, nhưng chỉ thụ án 92 tháng.