Thời Sự Hàng Tuần 06-24-2017 Sự tàn độc của Cộng Sản Bắc Hàn

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Hoa Kỳ quyết diệt bọn ISIS

Tướng James Mattis, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ mạnh dạn tuyên bố hủy bỏ những cái gọi là “đường lối” nhu nhược của cựu Tổng Thống Obama vì đường lối này chỉ nhắm ngăn chặn bọn khủng bố “Nhà Nước Hồi Giáo” ISIS và có lúc thì quá nhu để cho chúng phát triển mạnh tại Iraq và Syria. Ông Mattis đã ra lệnh cho Quân Đội Hoa Kỳ bắt đầu tập trung mọi lỗ lực để tiêu diệt ISIS. Đại Tướng Joseph Dunford, Chủ Tịch Ủy Ban Tham Mưu Hỗn Hợp (coi như là Tham Mưu Trưởng Liên Quân) nói với báo Breaking Defense rằng: “Khi ông Bộ Trưởng Mattis xét đến chiến dịch chống ISIS của chúng tôi, ông nhận xét rằng chiến dịch này như thể là đẩy quân khủng bố từ nơi này chạy qua nơi khác. Ông đã yêu cầu chúng tôi phải có những nỗ lực không những ngăn chặn mà còn phải quyết tâm tiêu diệt bọn chúng.”

Tuy nhiên, Bộ Quốc Phòng chưa tiết lộ một chiến lược nào để thực hiện lệnh của ông Bộ Trưởng như ông từng nói: “Chúng ta đã chuyển hướng các chiến thuật từ việc ngăn chặn làm cho bọn ISIS phải dời đi nơi khác sang chiến thuật tiêu diệt ngay tại nơi chúng ta bao vây chúng nó. Mục tiêu của chúng ta là không để cho bọn chiến binh ISIS sống sót sau trận đánh để bôn tẩu về nước gốc của chúng ở Bắc Phi, Âu Châu, Mỹ, Á… Chúng ta không cho phép chúng. Chúng ta sẽ chặn dứng và xé nát nhà nước Calphate.”

Khi còn tại vị, Tổng Thống Obama đã không hề có một chiến lược nào để đánh quân khủng bố. Ông từng trả lời như thế khi các báo chí hỏi đến. Cách thức của ông là thụ động, tuỳ cơ ứng biến chứ không đề ra một đường lối nào dứt khoát. Ông từng hứa rút quân khỏi Iraq và Afghanistan; và ông đã làm điều này dù tình hình tại hai nơi này chưa ổn định. Kết quả là sự ra đời và phát triển vượt mức của ISIS. Cuộc chiến lan tràn trên nhiều nước Ả Rập và Hồi Giáo và nạn khủng bố lan tràn qua Âu Châu và Hoa Kỳ. Khi Obama mới lên làm Tổng Thống, chưa lập được thành tích gì, đã được Ủy Ban giải Nobel trao cho giải Nobel Hoà Bình; làm cả thế giới ngỡ ngàng và chán chường. Có lẽ vì vậy mà Obama không hề có hành vi nào cương quyết vì sợ mất tiếng tăm “Tổng Thống hoà bình” của mình?

Cũng từ chiến lược cứng rắn và mạnh dạn đó của tân hành pháp Trump, Chủ Nhật tuần qua phi cơ phản lực chiến đấu F-18 Super Hornet của Mỹ đã bắn hạ 1 chiếc chiến đấu cơ SU-22 của Syria khi chiếc này đánh vào kháng chiến quân do Hoa Kỳ yểm trợ tại thành phố Raqqa phía đông nước Syria. Vài ngày sau, Mỹ lại bắn hạ một chiếc phi cơ không người lái (drone) của Syria (thực ra là của Iran).  Đây là lần đầu tiên trong 20 năm tham chiến mà Hoa Kỳ bắn hạ phi cơ địch trong một cuộc không chiến. Lần trước đó là vụ chiến đấu cơ F-15 của Mỹ bắn hạ một phi cơ MIG-29 của Serbia trên vùng trời Kosovo năm 1999.

Những hành vi này của tân hành pháp khác xa với cách chùn bước của hành pháp Obama khi Nga, Syria, Iran nhiều lần thách thức, đối đầu và vượt qua làn mức đỏ mà chính Obma đã vạch ra để hù dọa. Tướng Dunford tuyên bố Hoa Kỳ không chủ trương đánh lại quân Syria của chính phủ Assad hay quân Nga, nhưng sẽ không ngần ngại khi cần bảo vệ nhóm kháng chiến do Mỹ yểm trợ.

Kể từ 2015, Nga đứng về phía Tổng Thống Bashar Assad, cung cấp không yểm cho quân chính phủ để vừa chống lại kháng chiến quân do Hoa Kỳ yểm trợ, vừa chống quân khủng bố ISIS. Giữa Nga và Mỹ đã có một sự thoả thuận nhằm tránh những va chạm khi không quân hai nước tham gia vào các cuộc hành quân tại Syria.

Sau vụ Hoa Kỳ bắn hạ máy bay Syria, Bộ Quốc Phòng Nga coi đây là sự cố ý về phía Mỹ vi phạm các cam kết giữa hai nuớc và đã lên tiếng đe dọa sẽ bắn vào phi cơ Mỹ hay đồng minh nào bay trên vùng trời Syria kể từ phía tây sông Euphrates. Tướng Dunford nói rằng: “Tôi rất tự tin vào việc liên lạc giữa Trung Tâm Hành Quân Mỹ và Trung Tâm Hành Quân của Nga. Và tôi cũng tự tin rằng các lực lượng của chúng ta có đủ khả năng tự bảo vệ.” Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng tuyên bố rằng phi cơ của lực lượng đồng minh Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hành quân trên toàn lãnh thổ Syria, nhắm vào ISIS và yểm trợ tích cực các lực lượng bộ chiến của quân bạn.

Cũng tin chiến sự, Iran đã bắn hoả tiễn băng qua lãnh thổ Iraq đánh vào ISIS ở Raqqa nói là để trả thù vụ quân khủng bố ISIS xâm nhập vào Quốc Hội Iran bắn chết mười mấy người trong hai tuần trước đây.

Đảng Dân Chủ từ sỉ vả thô tục chuyển qua bạo lực.

Nói rằng đảng Dân Chủ đang chủ trương hay cổ vũ cho bạo lực chống lại hành pháp Trump hay chống lại đảng Cộng Hoà cũng không sai mấy. Sau rất nhiều những lời đe dọa trên online, facebook… sau nhiều lần có những lời tuyên bố thô tục và nẩy lửa của các dân biểu nghị sĩ Dân Chủ, các celibrities phe Dân Chủ… sau những hình ảnh máu me giả chặt đầu Tổng Thống, giả bắn súng vào Tổng Thống, đập nát hình tượng Tổng Thống, giả ám sát Tổng Thống… thì giữa tuần qua, một tên cuồng Dân Chủ xách súng vào tận sân base ball ở thủ đô Washington, bắn xối xả vào các dân biểu Cộng Hoà gây trọng thương cho Dân Biểu Steve Scalise và 5 người khác. Hôm đó sắp diễn ra trận đấu giữa các thành viên Quốc Hội hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà. Tên James Hodkinson, 66 tuổi, là người tích cực ủng hộ và là tình nguyên viên cho ông Bernie Sanders trong muà bầu cử 2016. Y bị cảnh sát bắn chết ngay tại hiện trường. Khám trong chiếc xe van của James, người ta tìm thấy danh sách 6 dân biểu Cộng Hoà mà y có ý định sẽ ám sát. Ngay khi vừa dừng xe đi đến sân banh, tên này đã hỏi rất kỹ nhóm nào là Dân Chủ, nhóm nào là Cộng Hoà. Tình trạng ông Scaliste từ nghiêm trọng đã chuyển qua nguy ngập do vết thương quá nặng. Ông đã phải trải qua nhiều lần giải phẫu nhưng hiện nay có thể trò chuyện với thân nhân.

Tại thành phố New York, vở kịch ám sát Caesar tại hí viện công cộng (Public Theater) đã bị phản đối kịch liệt. Nhiều khán giả đã công khai phản đối vở kịch này. Hôm thứ Sáu, hai anh Javani Valle và Salvatore Cipolla nhảy lên sân khấu và la lớn “Liberal hate kills” (chính sự thù hận của phe phóng túng giết người) và “Goebbels would be proud!” (Chắc Goebbels phải hãnh diện lắm.)  Goebbels là một trong những thủ lĩnh hàng đầu của Đức Quốc Xã. Ông này nổi danh vì cầm đầu hệ thống tuyên truyền rất hữu hiệu của Quốc Xã.

Phe Dân Chủ biện bạch rằng vở kịch là thể hiện quyền tự do phát biểu. Nhưng rất nhiều nhà bình luận cho rằng quyền này cũng phải có một giới hạn nào đó để không phải là sự tuyên truyền hay cổ vũ cho bạo lực.

Làm người Cộng Hoà hay ủng hộ Cộng Hoà lúc này thật nguy hiểm. Trong thời gian bầu cử, ít ai dám trưng các bảng cổ động cho ông Trump trước sân nhà vì sẽ bị đập phá. Mặc áo, đội nón ủng hộ Trump thì bị bọn cuồng Dân Chủ chận đánh tàn tệ. Dán sticker ủng hộ Trump thì bị chúng bắn vào xe. Biểu tình ủng hộ Trump thì bị những nhóm người kéo đến la ó, hành hung. Học sinh có hành vi hay lời nói ủng hộ Trump thì bị đuổi ra khỏi trường… Vừa rồi có một học sinh đã kiện nhà trưòng vì ảnh của anh này mặc áo có in chữ Trump bị gạt ra trong cuốn sách lưu niệm (yearbook) của trường. Người ta cũng thấy những khẩu hiệu “Hunt Republicans” trên các trang Face Book và Tweeter do những nhân vật Dân Chủ có tên tuổi post lên. Hiện nay có một website kêu gào đâm chết những người ủng hộ Tổng Thống Trump. https://www.facebook.com/foxandfriends/videos/1445510978869827/

Rõ ràng cái đảng mang tên Dân Chủ đã biểu lộ những sự thiếu dân chủ và đang trên đà suy thoái vì thiếu phương hướng đúng đắn và hiện nay đang chuyển qua bạo lực như một sự vùng vẫy tuyệt vọng. Vở kịch Julius Caesar với hình tượng của Tổng Thống Trump bị đâm chết đang làm cho khoảng cách chính trị giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà càng ngày càng xa hơn.

Một tin đáng mừng là Đảng Cộng Hoà vừa thắng hết 4 ghế trong cuộc bầu cử bổ sung các dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ (Georgia, Kansas, Montana, South Carolina). Tại Georgia, bà Karen Handel thuộc đảng Cộng Hoà vừa đánh bại đối thủ Dân Chủ là Jon Ossoff (52 vs 48). Bà sẽ ngồi vào ghế thay thế ông Tom Price được bổ nhiệm là Bộ Trưởng Y Tế và Các Dịch Vụ Nhân Đạo. Đây là bàn thắng rất quan trọng đối với phe ủng hộ Tổng Thống. Trong cuộc tranh cử này, tiền vận động do sự ủng hộ của cử tri và SuperPAC lên tới 50 triệu mỗi bên, đuợc coi là tốn kém nhất trong các cuộc tranh cử vào Quốc Hội. Phe Cộng Hoà làm bá chủ tại khu vực Atlanta từ thập niên 1970 đến nay.

Tàu chở hàng Philippines đụng tàu chiến Mỹ

Xui xẻo thế nào mà trên đại dương mênh mông, chiếc tàu hàng của Philippines tông mạnh vào chiếc tàu chiến USS Fitzgerald của Mỹ khi chiến hạm này đang tuần tiểu khoảng 65 dặm cách bờ biển Nhật Bản vào cuối tuần qua. Chiếc tàu hàng lớn gấp bốn làn tàu chiến. Và khi va chạm là lúc chưa bình minh nên mặt biển còn bị bao phủ bằng màn tối.

Sự va chạm mạnh đến độ làm móp hết một bên sườn chiến hạm làm nước tràn vào nhiều khoang làm các thủy thủ mắc kẹt và chết ngộp trong đó.

Trong số 7 thủy thủ bị coi là mất tích và chỉ được tìm thấy xác mấy hôm sau, có một người Mỹ gốc Việt. Đó là Huỳnh Ngọc Trương, mới 25 tuổi, gốc thành phố Oakville, Connecticut. Thống Đốc Malloy của Tiểu Bang Connecticut đã ra lệnh treo cờ rũ để tang người thủy thủ này. Theo thể lệ, không có lá cờ nào đuợc treo cao hơn quốc kỳ. Do đó, các cờ tiểu bang, cờ thành phố, hay cờ các công ty, cơ sở… cũng phải hạ xuống giữa cột cờ. Huỳnh Ngọc Trương là Kỹ thuật viên Sonar cấp 3 trong Hải Quân Hoa Kỳ. Sonar là kỹ thuật dùng các sóng âm thanh để định hình các chướng ngại dưới mặt biển. Tốc độ của âm thanh thay đổi khi đi qua các môi trường khác nhau. Do đó, nó sẽ giúp tìm ra các vật cứng hay mềm mà trên màn ảnh monitor sẽ được biểu hiện bằng các màu sắc khác nhau. Nếu quét sóng Sonar trên một vật nào đó, chúng ta có thể có được hình ảnh vật đó một cách chính xác trên màn ảnh. Trong kỹ nghệ điện tử, chúng tôi dùng Sonar để kiểm soát các linh kiện sau khi đã hoàn thành; xem đuợc bên trong lớp vỏ nhựa bọc kín những dây vàng li ti được hàn chắc vào con chip silicon hay không, và lớp vỏ bọc có bị hở để bị không khí thâm nhập vào hay không…

Trong cái biến cố đau thương đó, đã nảy ra một tấm gương hy sinh cao cả. Một trong 7 thủy thủ tử nạn là Gary Leo Rehm Jr., 37 tuổi,  đã lặn xuống khoang bị ngập nước và kéo ra được ít nhất là 20 thủy thủ bị mắc kẹt.  Khi anh trở lại để cứu 6 người còn lại, thì khoang đã tràn ắp đầy nước và cánh cửa bị đóng hẳn không tài sức nào mở ra được. Anh đã hy sinh một cách vị tha và cao quý.

Anh Quốc lại bị khủng bố

Nhưng lần này thì khủng bố ngược chiều!

Đó là hành vi khủng bố do một người dân Anh nhắm vào nhóm dân Hồi Giáo. Việc này xảy ra lúc sau nửa đêm hôm thứ Hai, khi những người Hồi Giáo kết thúc buổi cầu nguyện và rời nhà thờ (Mosque) để về nhà. Một người đàn ông 48 tuổi đã lái chiếc xe van tông thẳng vào đám dân Hồi này làm một người chết tại chỗ và khoảng 11 người khác bị thương.

Đây là thời gian cuối của lễ Ramadan mà người Hồi trên toàn thế giới cử hành vào tháng thứ 9 của lịch Hồi Giáo để mừng sự ra đời của kinh Coran. Trong những ngày lễ này, người Hồi giáo phải nhịn ăn, cầu nguyện, đọc kinh Coran, chế ngự những xấu xa và hành xử khiêm cung. Tháng Ramadan năm nay được bắt đầu từ ngày 27 tháng 5 và kết thúc ngày 24 tháng 6. Ramadan đuợc coi là một trong 5 trụ cột của đức tin Hồi Giáo. Trong những ngày lễ Ramadan dài 1 tháng, người Hồi phải nhịn ăn, nhịn uống, nhịn cả việc làm tình từ lúc bình minh cho đến khi mặt trời lặn. Họ cũng phải tránh gây nên các tội lỗi, ngay cả việc nói dối, mạ lị, vu khống, chửi thề…

Thủ Tướng Anh, bà Theresa May lên án vụ khủng bố này cho rằng dù bất cứ nhân danh điều gì, khủng bố vẫn cứ là khủng bố. Hội Đồng Hồi Giáo của Anh tỏ sự lo ngại đối với sự gia tăng tinh thần bài người Hồi Giáo (Islamophobia) kể từ sau các vụ khủng bố ở cầu London và rạp hát ở Manchester.

Thánh đuờng (mosque) Finsbury được khai trương vào năm 1988 là nơi mà tên Abu Hamza từng truyền đạo. Tên Hamza là giáo sĩ người Ai Cập, và là một người tin tưởng vào Hồi Giáo cực đoan và ủng hộ bọn Hồi hiếu chiến. Anh Quốc đã dẫn độ tên Hamza qua Mỹ để ra toà nhận nhiều bản án chung thân tại Toà Liên Bang Hoa Kỳ tại Manhattan do những hành vi khủng bố vào năm 2015. Tên khủng bố chột mắt này từng can dự vào việc bắt cóc con tin tại Yemen năm 1998 mà kết quả có 3 công dân Anh và 1 công dân Australia bị chết. Tên Hamza cũng can dự vào các hành vi khủng bố tại Afghanistan. Hắn đã có những cố gắng để thành lập trại huấn luyện khủng bố ngay trên đất Mỹ tại thành phố Bly, Tiểu bang Oregon. Hamza bị cụt hai bàn tay và chột mắt trái khi sơ suất làm nổ trái bom mà bọn chúng gài trên đuờng ở Jalalabad, Afghanistan.

Tại phiên toà, Công tố viên Preet Bharara đã nói: “Cuộc hành trình đẫm máu của Hamza đã hoàn tất; từ một tu sĩ (cleric) trở thành can phạm (convict); từ một Imam trở thành inmate” (chú ý cách chơi chữ)

Con trai đầu tiên của Abu Hamza, Muhammed Kamel, lúc 17 tuổi cũng bị kết án tù 3 năm vì tội tham gia đặt bom khủng bố tại Yemen năm 1999.

Sự tàn độc của Cộng Sản Bắc Hàn

Một sinh viên Mỹ 22 tuổi bị Bắc Hàn kết tội và giam giữ trong gần 18 tháng vừa qua đời sau khi đuợc thả ra và được đưa về Mỹ hôm thứ Ba tuần qua.

Anh Otto Warmbier, là cư dân ở vùng Wyoming thuộc thành phố Cincinnati, Tiểu Bang Ohio và là sinh viên Đại Học Virginia. Năm ngoái, trong khi du lịch ở Bắc Hàn, anh đã bị chặn lại khi ra phi trường lên máy bay về Mỹ. Anh bị Bắc Hàn buộc tội đánh cắp một tấm bích chương tuyên truyền của họ trong một khách sạn ở thủ đô Pyongyang và bị kết án 15 năm tù lao động khổ sai.

Khi anh bị bắt là thời Tổng Thống Obama. Ông ta đã không có một hành động nào nhằm can thiệp cứu giúp công dân của mình lâm nạn tại nước ngoài; đặc biệt, tại một quốc gia Cộng Sản tàn bạo.

Trong nỗ lực của hành pháp Trump để cứu anh, một phái đoàn Mỹ do một nhân viên Bộ Ngoại Giao hướng dẫn đã bay qua Bắc Hàn để thuyết phục nước này thả anh ra vì lý do nhân đạo và vì tình trạng nguy ngập về sức khỏe.  Anh đã được dìu lên phi cơ từ Pyongyang đưa về nhà ở thành phố Cincinnati hôm thứ Ba trong tình trạng hôn mê không có khả năng phản xạ. Một hôm sau thì có tin anh qua đời!

Theo các bác sĩ, anh Otto bị chấn thương não bộ rất trầm trọng trong suốt thời gian bị Bắc Hàn giam giữ. Có lẽ đây là hậu quả của những cuộc tra tấn dã man thường thấy trong các trại giam của Cộng Sản.

Phía Bắc Hàn đổ lỗi cho rằng anh bị nhiễm một thứ vi khuẩn từ thức ăn ngay sau khi anh bị đưa ra toà án vào tháng 3, 2016. Họ nói rằng anh lâm vào tình trạng hôn mê (coma) sau khi uống viên thuốc ngủ và từ đó không hề tỉnh dậy. Vi khuẩn clostridium có thể hiện hữu và phát triển trong các thực phẩm đóng hộp. Nó phát sinh ra một chất độc gọi là botulinum làm tê liệt các bắp thịt như ở tay và chân, nó cũng gây ra khó thở và bị hoa mắt. Nó cũng có thể dẫn đến rối loạn tim mạch. Theo các chuyên gia của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, bệnh này rất hiếm và chỉ có từ 3% đến 5% là gây tử vong. Y khoa cũng đã có sẵn thuốc chống lại từ lâu. Bệnh Botulism này không chỉ qua đuờng thực phẩm mà còn truyền qua các vết đứt trên cơ thể. Những người chích choác các loại ma tuý có nguy cơ rất cao lây nhiễm bệnh này. Trẻ sơ sinh được nuôi bằng loại mật tươi cũng có nguy cơ này, nhưng rất hiếm hoi.

Nhưng các bác sĩ cho rằng bệnh Botulism không thể dẫn đến tình trạng coma vì nó chỉ ảnh hưởng đến các bắp thịt và các dây thần kinh bên ngoài chứ không làm hư não bộ. Do đó, lời biện bạch của Bắc Hàn là không có cơ sở khoa học.

Việc bắt giam người tra tấn đến tàn phế hay tử vong trong nhà tù là việc thường xảy ra trong các nước Cộng Sản. Việt Nam thì không thiếu những trường hợp này. Nhưng quốc tế dù có hay biết cũng đành bó tay.

Tổng Thống Trump đã ra lời kết án nặng nề đối với Bắc Hàn và tuyên bố Kim Jung Un sẽ phải chịu trách nhiệm về việc giết người này. Hiện còn 3 công dân Mỹ đang bị Bắc Hàn giam giữ.

Kim Jong Un luôn sống trong nỗi lo sợ bị ám sát

Ở Hoa Kỳ thì các phần tử liberals, tả khuynh, Dân Chủ hàng ngày mạ lị, vu khống, đe dọa ám sát Tổng Thống hợp pháp Trump. Trong khi đó tại các nước độc tài, những hành vi trên chắc chắn dẫn đến các bản án khổ sai dài hạn, có khi bị tra tấn chết trung tù. Tuy nhiên, không phải dân chúng cúi đầu tuân phục là không phải không có những mầm mống nổi loạn bên trong.

Cũng như bất cứ nhà độc tài khát máu nào, Kim Jong Un cũng phải hiểu rằng sinh mạng anh ta không hề an toàn, mà có thể bị lấy đi bất cứ lúc nào.  Anh ta hiện rất lo sợ sẽ bị ám sát ngay cả trong khi di hành trong phạm vi lãnh thổ của nước Bắc Hàn bị cô lập bởi thế giới. Đã có nhiều triệu chứng để cho thấy việc ám sát không còn là mơ hồ, mà đã trở nên rất cận kề.

Tên độc tài 33 tuổi này là đời thứ ba của Kim Il Sung người lãnh tụ đảng Cộng Sản và là Chủ Tịch đầu tiên của nước Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên. Kim il Sung chết (1994), trao quyền cho con là Kim Jung Il, và kế đó (2011) Jung Il chết vì bệnh tim, trao quyền cho Kim Jong Un. Theo tin tình báo Nam Hàn, Kim Jong Un hiện rất ưu tư về những âm mưu ám sát anh ta qua một chiến dịch mang tên “decapitation plan”  nhắm vào Kim và các thành viên cao cấp trong guồng máy nhà nước Bắc Hàn. Kế hoạch này có từ cuối năm 2015 khi Hoa Kỳ và Nam Hàn ký kết “Operation Plan 2015”. Đó là một chiến lược hợp tác giữa hai nước về một dự kiến về chiến tranh có thể xảy ra với Bắc Hàn.  Theo Viện Nghiên Cứu Brookings, kế hoạch này gồm có một cuộc chiến tranh hạn chế nhấn mạnh vào các cuộc không tập mà mục tiêu là các vị trí chiến lược ở Bắc Hàn và những cuộc tập kích bất ngờ nhằm ám sát các lãnh tụ Bắc Hàn. Vào tháng giêng năm nay 2017, có nhiều báo cáo cho thấy Nam Hàn tăng cường thành lập các đơn vị đặc biệt tinh nhuệ dành cho nhiệm vụ này.

Trong hai cuộc tập trận mang tên Foal Eagle và Key Resolve chung với quân đội Nam Hàn, các đơn vị Navy SEAL của Mỹ tham gia vào những tập dợt decapitation với quân Nam Hàn lần đầu tiên. Trong số có toán Navy SEAL 6 là toán đã thực hiện cuộc tập kích giết chết tên trùm khủng bố Usama Bin Laden. Sau khi cuộc tập dượt kết thúc, chiếc tiềm thủy đỉnh USS Michigan vẫn còn đậu lại ngoài khơi hải phận Bắc Hàn. Chiếc tàu ngầm này là phương tiện chuyên chở các toán Navy SEAL.

Việc ám sát các lãnh tụ Bắc Hàn không phải là mục tiêu du nhất của chính phủ Mỹ, mà còn là sự lật đổ để thay đổi thể chế chính trị của Bắc Hàn nữa.

Tuy nhiên, việc thực hiện cuộc tập kích vào Bắc Hàn không dễ như khi nhảy vào thành phố Abbottabad, Pakistan, để giết Bin Laden. Thủ đô Bắc Hàn hiện được phòng thủ dày đặc bởi các vũ khí phòng không. Việc di chuyển của Kim Jong Un cũng rất khó đoán đuợc và hắn thường di chuyển bằng các đuờng hầm thay vì chạy trên các đuờng phố. Dù thế, Hoa Kỳ vẫn có những thứ vũ khí đặc biệt như các hoả tiễn được hướng dẫn một cách chính xác hay các loại bom đánh sâu vào các bunkers.

Chữ “decapitation” dường như đã gây ám ảnh cho tên độc tài Kim Jung Un. Kim quá lo sợ, nên đã tìm cách ngụy trang các lần cần di chuyển. Hắn chỉ di chuyển khi trời mới bình minh, trong chiếc xe Mercedes Benz 600 có màn che và với một đoàn xe cận vệ.

Tổng Thống Trump thay đổi chính sách về Cuba

Việc cấm vận, cắt đứt ngoại giao với nước Cộng Sản Cuba đã diễn ra hơn nửa thế kỷ cho đến khi Tổng Thống Obama thiết lập lại quan hệ ngoại gia, dù rằng Cuba vẫn còn là nước Cộng Sản, vẫn còn vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Trong 8 năm cầm quyền. Obama ra sức làm những việc nghịch chiều với chính sách cố hữu của Hoa Kỳ, nhất là trong lãnh vực đối ngoại. Tổng Thống Trump ngay sau khi nhậm chức đã đảo lộn hết những gì Obama làm.Với nước Cuba Cộng Sản, Trump đã chấm dứt cái “deal” một chiều của Obama. Gọi là một chiều vì chỉ có Obama thoả thuận những việc thay đổi có lợi cho Cuba trong khi không đòi hỏi gì ở Cuba đáp ứng lại.

Tổng Thống Trump chủ trương hạn chế việc công dân Mỹ đi du lịch ở Cuba, ngăn cản sự đổ tiền vào cho Cuba nuôi dưỡng quân lực của họ. Ông cũng đòi hỏi điều kiện là Cuba phải cải thiện nhân quyền, nới rộng tự do cho dân chúng. Theo ông một cái “deal” có thể chấp nhận đuợc là phải hợp lý và công bằng; phải mang lại tình trạng hai bên cùng có lợi “win-win situation”. Hai bên, theo ông là Hoa Kỳ và dân chúng Cuba. Ông nói rằng ông đứng chung với nguyện vọng của dân Cuba, chứ không vì quyền lợi của chính quyền Raul Castro.

Hôm thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017, Tổng Thống Trump đã xuất hiện tại rạp hát Manuel Artime, thành phố Miami, Florida. Trước số cử toạ người Mỹ gốc Cuba, ông tố cáo tội ác của nhà cầm quyền Cộng Sản Cuba, ca tụng lòng yêu nước của họ và chính thức ký sắc lệnh tái cấm vận Cuba. Tổng Thống Trump nói sẽ không bãi bỏ cấm vận nếu Cuba không chịu thả hết các tù nhân chính trị và không có một kế hoạch bầu cử tự do có sự giám sát quốc tế.

Manuel Artime là người anh hùng Cuba đã chỉ huy cuộc đổ bổ ở Vịnh Con Heo vào tháng 4, 1961 nhằm lật đổ chế độ Cộng Sản Fidel Castro nhưng thất bại.

Hiện diện hôm đó, có Phó Tổng Thống Michael Pence. Ông đã nhiệt tình giới thiệu Tổng Thống Trump và nói với những người Cuba chống Cộng: “Hôm nay, Tổng Thống Donald Trump sẽ trình bầy một cách minh bạch, Hoa Kỳ luôn đứng về phía các bạn. Hoa Kỳ luôn hậu thuẫn cho những người bị bách hại, áp bức và bóc lột tại Cuba. Hoa Kỳ không làm bạn với bọn độc tài mà luôn yểm trợ cho những người Cuba can đảm, đã và đang đấu tranh giành tự do, sự sống và những quyền mà Thượng Đế đã ban cho” Giữa tiếng vỗ tay vang dội hội trường, ông Pence đã hô to bằng tiếng Tây Ban Nha: “Cuba Tự Do Muôn Năm” (Que Viva Cuba Libre).

Trong bài diễn văn của mình, Tổng Thống Trump công kích Tổng Thống Obama đã phản bội các giá trị dân chủ tự do qua việc thừa nhận chế độ và chính quyền Cộng Sản Cuba. Theo ông, hành vi này của Obama không mang diều lợi nào cho dân chúng Cuba cả mà càng giúp cho Cộng Sản Cuba có thêm cơ hội đàn áp các phong trào đấu tranh tại Cuba..

Ông cũng cực lực lên án chế độ Cộng Sản đã tàn phá Cuba nói riêng và tại các nước khác mà họ nắm quyền. Tổng Thống Donald Trump cũng kêu gọi mọi người không thể im lặng trước sự đàn áp của Cộng Sản. Đối với những ai có kinh nghiệm về tội ác Cộng Sản, ông kêu gọi họ hãy lên tiếng tố cáo tội ác đó; và đã đến lúc sự thật cần phơi bày và thúc đẩy mọi người phải hành động.

Đặc biệt, Tổng Thống Donald Trump cũng đòi Cộng Sản Cuba phải trao nộp bà Joanne Chesimard, thành viên thuộc tổ chức khủng bố Black Liberation Army. Bà này vào năm 1971, đã bị toà án Mỹ kết án tội giết người vào và đã vượt ngục năm 1979 trốn sang sang Cuba năm 1984. Ông cũng đòi Cuba phải giao những tên tội phạm bắn hạ hai chiếc phi cơ của Brothers to the Rescue là một tổ chức nhân đạo được thành lập để cứu vớt những người tỵ nạn Cuba vượt biển. Vụ bắn hạ phi cơ gây từ thương cho 4 người.

Tổng Thống Trump đã cảm động kể lại câu chuyện về một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng người Cuba là Luis Haza. Cha của nhạc sĩ Haza bị Cộng Sản giết chết khi họ mới lên nắm quyền. Lúc đó ông mới có 8 tuổi. Cũng ma đầu như các chế độ Cộng Sản khác, nhằm mục đích tuyên truyền cho cái mà họ gọi là lòng nhân từ độ lượng, Cộng Sản Cuba tổ chức một chương trình truyền hình trong đó nhạc sĩ Haza đang trình diễn cho tên độc tài Fidel Castro nghe. Nhưng Haza đã can đảm từ chối. Khi bị dí súng vào đầu, lạ lùng thay và đáng khâm phục thay, ông trình bày bản quốc thiều Mỹ.

Tiểu bang Dân Chủ California chi ra gần 50 triệu đô la để trả sở phí pháp luật cho di dân bất hợp pháp.

Như để thách thức hành pháp Trump về việc cưỡng chế và trục xuất di dân bất hợp pháp, các nhà lập pháp tiểu bang California vừa qua đã chấp thuận một ngân sách 45 triệu đô la để nới rộng sự hoạt động trợ giúp pháp lý cho di dân tại tiểu bang này.

Ngân sách này còn lớn hơn ngân sách dự trù của Thống Đốc Jerry Brown và sẽ đuợc chuyển nhận từ nay cho đến hết năm 2020. Các khoản tiền sẽ đuợc trả các cơ quan dịch vụ pháp lý, các nhóm tranh đấu cho quyền lợi di dân và các tổ chức có tính cách tôn giáo dưới tên gọi là One California.

Một chương trình do sở Công tác Xã Hội với ngân sách 30 triệu nhằm giúp đỡ hàng ngàn người xin nhập quốc tịch. Với ngân sách khổng lồ này, cơ quan Xã Hội sẽ có khả năng giúp cho những người di dân chống lại lệnh trục xuất để có thể xin nhập tịch.

Trong một bản văn, các tổ chức giúp đỡ cho di dân bất hợp pháp đã kết án hành pháp Trump sử dụng hàng tỷ đô la để “xé nát” các cộng đồng dân cư qua việc trục xuất di dân bất hợp pháp. Họ mãn rằng California thì đã có từng bước đáng kể để bảo vệ họ chống lại những hậu quả gia đình tan nát vì việc trục xuất.

Những chưong trình như trên đều đuợc các dân biểu đảng Dân Chủ đề ra và ủng hộ nhằm giúp khoảng hơn hai triệu người đang sống bất hợp pháp tại California. Trong số các đề nghị, có một dự luật do Thượng Nghị Sĩ Ben Hueso (Dân Chủ – San Diego) dành 12 triệu đô la để trả tiền luật sư giúp họ không bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ. Có 3 triệu sẽ đuợc dành cho các trẻ em vượt biên giới một mình, nhập cư bất hợp pháp mà không có cha mẹ đi kèm. Ông Hueso khoe rằng: “Việc chấp thuận ngân sách hôm nay là để tái xác định trách nhiệm cua chúng ta để bảo vệ những quyền của những người sinh sống trên đất Mỹ mà căn bản là một nền dân chủ.”

Được biết ngân sách của Tiểu Bang California là 183 tỷ đô la từ tiền dân đóng thuế. Cần biết thêm là Tiểu Bang California đã mướn ông Eric Holder, cựu Bộ Trưởng Tư Pháp thời Obama để giúp các dịch vụ pháp lý cho di dân bất hợp pháp.

Người Tàu mở hội ăn thịt chó

Hôm thứ Tư, tại thành phố Yulin, người Tàu nô nức khai mạc “hội ăn thịt chó” với nhiều người biểu diễn cách thui chó, xả thịt và nướng trên các bếp lò một cách công khai trước hàng trăm người xem (và chờ mua ăn).

Vì có sự phản đối của các tổ chức bảo vệ thú vật, ban tổ chức có hứa chỉ cho phép mỗi gian hàng chỉ đuợc chưng hai con chó trên quầy mà thôi. Nhưng rồi họ không giữ lời hưá.  Cảnh sát Trung Cộng đứng bên ngoài các chợ và tại các ngả tư đường, nhưng không quan tâm can thiệp vào các gian hàng thịt chó. Dù họ có kiểm soát thì cũng không làm được vì các người buôn sỉ sẽ làm tại nhà hay tại các nơi bí mật rồi mang đến dần dần. Tại hai chợ chó, có hàng chục gian hàng bày biện nhiều con chó đã thui vàng; chiếc đầu còn nhe hàm răng trắng.

Dù trời mưa, nhiều người đã che dù đội mưa sắp hàng bên ngoài các tiệm ăn. Phía sau hai dãy dài những người bán thịt chó tại chợ Nanqiao, còn có các gian hàng bán lưỡi bò chung lẫn với ruột gan chó.

Du khách ngoại quốc bị ngăn cản không cho chụp ảnh. Theo cư dân tại đây thì ăn thịt chó là việc thông thường, truyền thống của họ.

Có nhiều con chó dùng săn bắn, giữ nhà cũng bị đem ra làm thịt vì chủ không thích nữa. Những người Tàu tại đây cho ý kiến rằng chó nhỏ thị không ngon, Cả chó quá mập cũng dở. Việc này phải hỏi lại mấy vị dân nhậu vùng Bảy Hiền xem đúng hay không!

Có cuộc hội này, mức tiêu thụ thịt chó tăng lên gần 9 lần so với ngày thường. Một chủ tiệm thịt chó cho hay mỗi ngày ông phải làm thịt 6 con mới đủ bán. Hàng ngàn con chó đã bị giết thịt trong cuộc hội thịt chó này. Có những con chó bị đánh và luộc sống vì người Tàu tin rằng con chó khi bị đánh, sợ hãi thì thịt sẽ mềm ngon hơn. Kiểu giống như khi ngưiờ ta làm thịt dê. Phải đánh đập, hành hạ để con dê toát hết mồ hôi thì thịt mới không hôi.

Truyền thống mở hội thịt chó có từ thời nhà Minh khi dân chúng cho rằng ăn thịt chó sẽ tăng thêm sức mạnh. Mỗi năm có khoảng từ 10 triệu đến 20 triệu con chó bị giết thịt ở Trung Hoa, là nơi cho phép ăn thịt chó.

Về vụ ăn thịt chó, Việt Nam hiện nay chắc cũng không chịu thua kém ông chủ Trung Cộng!