Thời Sự Hàng Tuần 06/17/2017 Đòn Hồi Mã Thương cho James Comey và Loretta Lynch

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận 

Loretta Lynch và James Comey thấm đòn hồi mã thương

Chính bà Dianne Feinstein Thượng nghị sĩ Dân Chủ cũng đã kêu gọi điều tra trong vụ cựu Bộ Trưởng Tư Pháp Loretta Lynch đã công khai bao che cho Hillary Clinton khi bà Hillary này bị cơ quan FBI điều tra về vụ sử dụng email server sai nguyên tắc để cho những hồ sơ tối mật của quốc gia có thể bị xâm nhập. Đó là chuyện xảy ra trong mùa tranh cử 2016. Tuy có đầy đủ tang chứng về việc vi phạm nghiêm trọng của Hillary Clinton, ông James Comey đã yêu cầu Bộ Tư Pháp không truy tố.

Nhưng thứ Năm tuần trước, khi ra trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện để điều trần về việc Nga can dự vào cuộc bầu cử của Mỹ, cũng như việc Tổng thống Trump có cản trở pháp luật hay không khi yêu cầu Comey bãi bỏ cuộc điều tra đối với cựu Cố Vấn An Ninh Michael Flynn, ông cựu Giám Đốc FBI đã tiết lộ rằng bà Loretta Lynch đã chỉ thị cho ông không nên coi vụ Hillary là một cuộc điều tra (investigation) mà chỉ nên xem đó như một “matter” (tạm dịch là một vấn đề). Dựa trên điểm này, Comey nói rằng ông nghi ngờ bà Loretta Lynch làm việc cho bà Clinton.

Bà Thượng nghị sĩ Feinstein đề nghị rằng cuộc điều tra về Loretta Lynch phải tách biệt khỏi cuộc điều tra về việc Nga can dự vào bầu cử. Bà này là một thành viên Dân Chủ trong Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, vừa là thành viên trong Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện.

Như thế là sau hơn nửa năm từ khi phe thất cử đảng Dân Chủ làm ầm ỉ về việc Nga can dự vào cuộc bầu cử để giúp cho ông Trump đắc cử; đến nay, sau nhiều cuộc điều tra và mới đây, cuộc điều trần của ông James Comey; Tổng thống Trump đã cởi bỏ đuợc cái ách nặng nề đeo đuổi ông bởi các dân biểu, nghị sĩ, truyền thông phe Dân Chủ. Mà tệ hơn, nó mang đến cái hiệu quả ngược là vấn đề phạm pháp của chính cựu Bộ Trưởng Tư Pháp Loretta Lynch, và sẽ còn dây dưa đến Hillary Clinton. Cũng vấn đề cản trở pháp luật, khi ông Comey nói nguyên văn: “Trong câu nói của Tổng thống Trump, ông không yêu cầu ngưng cuộc điều tra [về ông Michael Flynn]”. Như vậy, cái tôi danh “cản trở pháp luật” (Obstruction of Justice) mà phe Dân Chủ chụp lên đầu Tổng thống Trump, nay được chuyển qua chính gà nhà của họ. Tương lai sẽ có nhiều màn gay cấn lắm.

Trong nỗi hân hoan thoát gánh nặng, và theo đà sai phạm của James Comey, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẵn sàng ra trần tình hữu thệ trước Quốc Hội.

Riêng về Hillary Clinton, từ sau khi thất cử cứ la toáng lên là vì sự can thiệp của Nga. Thì nay ông Comey đã xác nhận không phải như thế. Trong cuộc Hội Thảo Code Conference hôm thứ Tư tại California, Hillary quay ra đổ thừa và đả kích lại đảng Dân Chủ rằng đảng này đã không cung cấp cho bà ta các dữ kiện để tranh cử như ý (I set up my campaign and we have our own data operation. I get the nomination. So I’m now the nominee of the Democratic Party. I inherit nothing from the Democratic Party, … I mean, it was bankrupt. It was on the verge of insolvency. Its data was mediocre to poor, nonexistent, wrong. I had to inject money into it.) Và chắc chắn những thành viên Dân Chủ đang phản ứng lại.

Nội dung cuộc điều trần của ông James Comey

Xin phép nhắc lại các cáo buộc quan trọng mà phe Dân Chủ bày ra để triệt hạ cho được ông Trump: (1) Cấu kết với nước Nga, (2) cản trở công lý bằng cách ra lệnh ông Comey ngưng điều tra vụ Michael Flynn, (3) bãi chức ông Comey để thoát khỏi sự điều tra.

  • Cấu kết với Nga: Rõ ràng cho đến nay, không có một tia sáng nào, dù le lói, để kết luận nhóm thân tín Tổng thống Trump có mối quan hệ gì với Putin hay với nước Nga cả. Tờ New York Times lần này bị hố to! Những lời điều trần của ông Comey cho thấy tin của NYT là tim bịa đặt. Ông Comey nói không có manh mối gì về những câu kết giữa nhóm Trump và Nga trong mùa bầu cử nhằm triệt hạ Hillary Clinton. Comey lập đi lập lại nhiều lần “it is not true” khi bị các nghị sĩ vặn hỏi về việc này. Ông Comey minh xác không có bằng chứng nào cho thấy có một lá phiếu bị gian lận vì sự can thiệp của Nga.
  • Cản trở công lý: Trong cuộc điều trần, chính ông Comey xác nhận rằng ông bối rối khi được Tổng thống hỏi ông có thể làm cho ông Flynn thoát được không. Nhưng ông cũng khẳng định: “theo ngôn ngữ của ông Trump, thì ông không ra lệnh ngưng điều tra”.
  • Bãi chức Comey để thoát vụ điều tra: Ông Comey đã có ba lần, xác nhận rằng ông tự mình thông báo cho Tổng thống Trump rằng ông Trump không hề bị điều tra. Vậy thì việc Tổng thống bãi chức ông Comey không thể coi là cản trở công lý (ngăn cản vụ điều tra). Tổng thống Trump có hỏi ông Comey về sự trung thành. Ông Comey trả lời rằng ông sẽ lương thiện, và Tổng thống Trump đáp lại: “Exactly, I want honest loyalty”. Đây là một vấn đề rất thông thường theo quan điểm giao tế, đạo đức giữa những người cộng sự, bạn bè, thân quyến. Vì những mối ràng buộc này đòi hỏi sự thẳng thắn, trung thành với nhau. Nhưng nó không có nghĩa trung thành một cách mù quáng. Chẳng ai có thể làm việc thoải mái với một người “đồng sàng dị mộng”, họ có thể phản mình bất cứ lúc nào! Nhưng theo ông Marc Kasowitz, luật sư của Tổng thống Trump, thì Tổng thống không hề đòi ông Comey phải trung thnàh, cũng như yêu cầu tha cho tướng Flynn. Hiện nay, không có bằng chứng nào về những lời đối thoại giữa Tổng thống Trump và ông Comey. Các nhân viên sở Mật Vụ trong Toà Bạch Cung xác định như thế. Vậy là trường hợp “He said, she said,” biết xử thế nào? Và dù sự việc có xảy ra hay không, thì đây không phải yếu tố cấu thành tội phạm để có thể đàn hặc một Tổng thống.
  • Nhưng bên cạnh những việc trên, ông Comey đã tạo ra một trái bom mới. Đó là việc ông thú nhận đã chuyển nội dung cuộc nói chuyện giữa ông và Tổng thống Trump cho một giáo sư Đại học Columbia, để ông này lại xì ra cho tờ báo New York Times. Việc này coi như vi phạm nguyên tắc trong nghề tình báo, điều tra. Ông Comey thú nhận ông đã quyết định tiết lộ tin này vào lúc nửa đêm, do sự bực tức làm ông trằn trọc không ngủ được. Ông muốn trả thù Tổng thống Trump! Người ta coi đây là một hành động giận quá mất khôn. Dù ông Comey nói rằng ông chỉ tiết lộ tin để phản ứng sau khi Tổng thống Trump tweet ra việc bãi chức, trong thực tế, việc tiết lộ này đã xảy ra trước qua việc New York Times đã trích dẫn trong tài liệu này một ngày trước cái tweet của Tổng thống Trump.
  • Việc này có tính cách pháp lý đấy! Vì đó là cuộc đối thoại giữa một Tổng thống và một Giám Đốc Tình Báo, diễn ra trong dinh Tổng thống. Nó được ghép vào loại tài liệu (có thể mật) chứ không phải chuyện cá nhân. Chính ông Comey cũng nói rằng có tin classified trong cái memo đó. Luật sư của Tổng thống cho hay sẽ lập thủ tục khiếu nại với Bộ Tư Pháp về vụ tiết lộ này!
  • Chiều thứ Ba, ông Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Session khi điều trần trước Thượng Viện, cũng cho biết không hề có chuyện các thành viên của TT Trump lien hệ với Nga. Ông gọi sự cáo buộc này là “Nói láo đáng sợ và đáng ghét” (appalling and detestable lie).

Puerto Rico có thể trở thành Tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ?

Cuối tuần qua, dân chúng Puerto Rico đã tham gia cuộc trưng cầu dân ý và đã đồng thuận với một đa số tuyệt đối rằng Puerto Rico sẵn sàng trở thành Tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ. Đó là nguyện vọng về phía dân Puerto Rico, nhưng về phiá Hoa Kỳ, việc chấp nhận hay không còn phải qua cuộc bàn cãi và biểu quyết tại Quốc Hội. Đây không phải là lần đầu có cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Hoa Kỳ. Từ trước đến nay, đã có 4 lần, nhưng không đạt được kết quả. Tuy thế, trong lần trưng cầu dân ý thứ năm này, số người tham dự không nhiều (chí có 22.9% số cử tri đi bỏ phiếu).

Puerto Rico là một quần đảo trên Đại Tây Dương, ngoài khơi phía Đông Nam của Hoa Kỳ, Đông Bắc của biển Caribbean gần sát đảo quốc Cuba. Puerto Rico trước đây trong thế kỳ 19 là thuộc địa của Tây Ban Nha. Ngày 25 tháng 7, 1898 trong cuộc chiến tranh Mỹ- Tây Ban Nha, quân Mỹ đổ bộ lên Guanica của Puerto Rico, và Tây Ban Nha phải nhượng quần đảo này cho Hoa Kỳ (cùng lúc với đảo Guam và Philippines). Cũng thời gian này, Tây Ban Nha rút khỏi Cuba, nhưng không nhượng đảo này cho Mỹ. Puerto Rico sau đó trở thành một lãnh địa do Hoa Kỳ bảo hộ, tuy nhiên không được sáp nhập vào nước Mỹ. Năm 1917, tức đúng 100 năm trước, Quốc Hội Mỹ thông qua Đạo luật Jones-Shafroth Act cho phép dân Puerto Rico trở thành công dân Hoa Kỳ. Dân Puerto Rico có quyền đi lại tự do từ quần đảo và Hoa Kỳ, nhưng không có quyền bầu cử Tổng thống và Phó Tổng thống cũng như Quốc Hội Hoa Kỳ. Puerto Rico có Hiến Pháp riêng, dân chúng đi bầu Thống Đốc của họ.

Dân số Puerto Rico là 3.411 triệu vào năm 2016 (giảm 300 ngàn so với năm 2010), GDP per capita là gần 28 ngàn. Puerto Rico sử dụng đồng Đô la là tiền tệ chính thức.

Ngôn ngữ chính của Puerto Rico là tiếng Spanish (94.7%). Chỉ có 5.3% dân Puerto Rico nói tiếng Anh. Về sắc dân, có đến 75.8% là da trắng (có lẽ là dân gốc Tây Ban Nha); 12.4% da đen (con cháu của dân nô lệ)

Puerto Rico là một xứ nghèo và lạc hậu. Đầu năm nay, xảy ra cuộc khủng hoảng lớn nâng món nợ quốc gia lên đến 73 tỷ đô la. Sự gia tăng nợ là do tình hình kinh tế suy thoái cả thập niên trước. Nạn thất nghiệp lên tới 12.4%. Năm 1935, Puerto Rico cũng trải qua nạn suy thoái nghiêm trọng và đã được Hoa Kỳ tài trợ để phục hồi.

Cuộc trưng cầu ý kiến năm 2012 cho thấy kết quả như sau: 46% muốn duy trì tình trạng lãnh địa bảo hộ của Mỹ; 34.64% muốn trở thành một Tiểu Bang của Mỹ; 18% trở thành Tiểu bang tự trị, và 3% muốn thành một nước độc lập. Kết qua trưng cầu dân ý năm nay tuy có 97% muốn thành Tiểu Bang của Mỹ. Nhưng đó là 97% của 22% số cử tri đi bỏ phiếu. Tính ra chỉ có 21.34% tổng số cử tri Puerto Rico mà thôi.

Như thế, con đuờng trở thành tiểu bang của Hoa Kỳ vẫn còn nhiều chặng chông gai, và có khi không tới bến.

Tại thành phố New York, những cư dân gốc Puerto Rico đã tổ chức diễn hành ngày Chủ Nhật để mừng kỷ niệm 100 năm ngày Hoa Kỳ cho dân Puerto Rico nhận quốc tịch Mỹ. Nhưng có những luồng phản ứng phẫn nộ khi một số những người đòi phong tặng danh vị “anh hùng dân tộc” cho một kẻ khủng bố từng bị bắt tù tại Mỹ.

Đó là Oscar Lopez Rivera, 74 tuổi, trước đây thuộc nhóm Lực Lượng Vũ Trang Giải Phóng (FALN) để đòi độc lập cho Puerto Rico. Người này đã từng chế tạo bom khủng bố giết hại nhiều ngưòi trong các thập niên 1970 và 1980 ở New York.  Ông ta bị Hoa Kỳ kết án giam giữ 35 năm, và đã được cựu Tổng thống Obama giảm án trước khi ông ta hết nhiệm kỳ Tổng thống. Lopez Rivera mới ra khỏi tù tháng trước.

Trong những người ủng hộ việc vinh danh Lopez Rivera có cả dân từ thành phố Chicago, Tổng Giám Mục Desmond Tutu của Nam Phi. Tuần trước, chính Lopez đã nói lên sự từ chối vinh dự này, mà chỉ muốn tham gia cuộc diễn hành trong tư cách khiêm tốn của một cụ già Puerto Rico.

Nhưng dân Hispanic, dân đồng tính phản đối. Nhân viên cảnh sát và cứu hoả, cũng như ông Thống Đốc New York là Andrew Cuomo cho biết họ không tham dự cuộc diễn hành ăn mừng của người Puerto Rico do việc có mặt tên khủng bố Lopez Rivera. Thống Đốc Cuomo nói thẳng rằng ông không muốn đi chung với tên khủng bố.

Các cuộc diễn hành như thế này được khởi đầu từ năm 1958 khi họ được phép treo lá cờ Puerto Rico (có màu sắc và hình ảnh như cờ Cuba) trên quần đảo. Sau này, các cuộc diễn hành rầm rộ hơn với những đám đông hoá trang, ca hát nhảy muá trên đuờng phố Fifth Avenue. Vào năm 2000, những người Puerto Rico cũng tổ chức diễn hành nhưng đã có hàng chục thanh niên tấn công các phụ nữ khi đến công viên Central Park. Bọn này tạt nước vào các cô gái, lột áo quần họ và bốc hốt. Qua năm 2014, Sở Tư Pháp Tiểu Bang New York khui ra việc ban tổ chức diễn hành gian lận, biển thủ 1 triệu đô la tiền họ gây quỹ.

Năm 2000, người Puerto Rico ở Mỹ diễn hành vinh danh Pedro Albizu Campos, lãnh tụ đảng Puerto Rican Nationalist Party, là người đứng ra kêu gọi dân chúng Puerto Rico vũ trang chiến đấu giành độc lập. Ông ta bị kết án năm 1950 vì xúi dục nhân viên của mình ám sát Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman.

Một nhân vật khác cũng được dân Puerto Rico vinh danh là Lolita Lebron, là thành viên nhóm Puerto Rico cực đoan năm 1954, đã xâm nhập vào trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ. Cô này đứng lẫn lộn với người tham dự trên balcony và xả súng bắn xuống phòng họp Hạ Viện làm bị thương 5 dân biểu Mỹ.

Khu an toàn cho thanh niên Hồi Giáo?

Hội Đồng Hồi Giáo Tiểu Bang Victoria (ICV) ở Úc, tự nhận là đại diện của 200 ngàn người Hồi Giáo tại Tiểu Bang, đã cho rằng cộng đồng của họ đã chịu đựng quá nhiều về tâm thần và những vấn đề khác phát xuất từ những ngờ vực họ phải đuơng đầu do dân chúng điạ phương lo âu về nạn khủng bố. Họ đã yêu cầu thiết lập một khu an toàn dành cho những người trẻ Muslim tại đây.  Dĩ nhiên bằng ngân sách do người dân Úc đóng thuế.

Theo Hội Đồng ICV này, thì mục đích của khu vực an toàn là cho giới trẻ Muslim để họ có thể diễn đạt một cách an toàn những quan điểm “nóng bỏng” mà nếu đưa ra công luận thì sẽ gặp nhiều rắc rối (inflammatory views that would cause trouble if voiced publicly.) Điều này phải chăng là khu vực cho những người trẻ Hồi Giáo tha hồ có những tuyên truyền mà chắc chắc đi ngược lại văn hoá và văn minh của người Úc?

Việc này chưa rõ có xảy ra bên Úc hay chưa. Nhưng nó đã đuợc nêu ra tại Hoa Kỳ. Trong chương trình của Tucker Carlson trên đài FoxNews đầu tuần, cô Blair Imani, một người Hồi Giáo là Giám Đốc của tổ chức “Equality for HER” (Bình đẳng cho quý bà) đã cho rằng việc lập ra khu an toàn cho thanh niên Hồi là một ý kiến hay. Theo cô, đó là nơi mà họ sẽ không sợ bị theo dõi, không bị quấy nhiễu hay không ai có hành vi bạo lực chống họ. Và cũng theo cô, phải có khu an toàn khắp các thành phố!

Cô Imani cũng thừa biết rằng khi giới chức an ninh theo dõi những người Hồi là vì do những nỗ lực để ngăn ngừa khủng bố. Cô cũng phát biểu cho hay có những hành vi khủng bố nhân danh chúa trời Allah của Hồi. Nhưng cô đổ cho rằng chính phủ Mỹ ngược đãi những người Hồi vì lý do tôn giáo! Cô quên rằng ngay chính những người Hồi cũng phải thừa nhận rằng đám Hồi Giáo cực đoan là một phiên bản xấu của đạo Islam.

Cũng liên quan đến khủng bố Hồi Giáo, Lực Lược Đặc Biệt Hoa Kỳ đã đến Philippines để giúp cho quân đội Philippines đánh bật quân khủng bố Hồi ra khỏi thành phố Marawi. Việc quân khủng bố tấn công chiếm đóng Marawi và giết hại người dân ở đây đã được chúng tôi loan tin hai tuần trước.

Đánh dấu 1 năm sau vụ tên Hồi Omar Mateen dùng súng bắn chết 49 người đang vui chơi trong một club; hàng ngàn dân chúng ở Orlando đã đến tận nơi đặt hoa và tưởng niệm. Trong khi đó 2 tờ báo lớn nhất nước là Washington Post thì gọi biến cố trên là Gun Violence, tờ New York Times thì coi là vì kỳ thị chủng tộc (Racism). Giới tả luôn né tránh nói thẳng hai chữ Islamic Terrorism.

Sau vụ cô đào hài hước Kathy Griffin chụp hình với chiếc đầu đẫm máu của Tổng thống Trump, thì nay đến vụ một vở kịch nhan đề Julius Caesar được công diễn tại một rạp lớn ở thành phố New York do đài CNN và tổ chức mẹ Time Warner yểm trợ. Vở kịch diễn tả cảnh hai tên phản bội Brutus và Cassius đã đâm chết vị Tổng Tài Caesar vì cáo buộc ông có khuynh hướng độc tài. Nhưng các nhân vật trong vở kịch không phải là những người La Mã thời cổ Caesar và Brutus… mà là nhân diện của Tổng thống Trump và những người thời nay trong các bộ complet. Việc trình diễn này đã gây phẫn nộ trong quần chúng. Hãng máy bay Delta và ngân hàng Bank of America liền nhanh chóng rút ra khỏi danh sách tài trợ cho nhóm kịch và nhà hát.

Những người tả khuynh liberals đi quá xa khi có những hành vi quá khích trên đối với một Tổng thống hợp pháp, đương quyền.

Các nước Ả Rập chống lại Qatar

Qatar theo chế độ quân chủ lập hiến, nhưng cũng có thể coi là quân chủ chuyên chế. Đứng đầu là một Emir cha truyền con nối. Theo hiến pháp Qatar, thì luật Sharia là căn bản của lập pháp. Trong thực tế, có sự pha trộn giữa luật dân sự và luật Sharia. Luật Sharia áp dụng trong luật gia đình, luật thừa kế và vài lãnh vực trong luật hình sự như tội ngoại tình, trộm cắp, giết người… Trước toà, lời khai của phụ nữ chỉ có giá trị bằng một nửa lời khai của đàn ông. Qatar cho phép đa thê.

Qatar từng yểm trợ cho các nhóm khủng bố như nhóm Muslim Brotherhood, nhóm Hồi cực đoan tại Syria như al-Nusra có quan hệ với al-Qaeda. Dù trong cuộc chiến tại Yemen, Qatar có gửi quân tham gia vào liên minh với Saudi Arabia để đánh loạn quân Houthis do Iran yểm trợ, Qatar vẫn còn yểm trợ tích cực cho các nhóm khủng bố khác. Vì thế, tuần mới đây, các nước Hồi trong vùng như Ai Cập, Saudi Arabia, United Arab Emirates, Bahrain, Yemen và Lybia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.

Thực ra, tình hình các phe nhóm trong khu vực các nước Hồi rất phức tạp. Nó không đơn thuần là cuộc chiến giữa phe khủng bố cực đoan và phe chống khủng bố; mà là sự tranh chấp quyết liệt trong nội bộ Hồi Giáo giữa hai phái lớn Sunni và Shia và các phái nhỏ Ibadi, Ahmadi. Rồi trong mỗi giáo phái đó còn những chi phái kình chống nhau như Hanafi, Hanbali, Maliki, Shafi’i trong giáo phái Sunni và các chi phái Ismaili, Jafari, Zaidi,.. trong giáo phái Shia.

Có thể kể ra các nước có đa số là Sunni: Jordan (95% dân số), Egypt, Syria (75%), Saudi Arabia (85%), Yemen, Bahrain, Nigeria. Các nước mà đa số là Shia: Iran (95% dân số), Afghanistan, Kuwait, Qatar, Lebanon, một phần Iraq. Nhìn trên bản đồ, màu vàng đậm là các nước có Sunni là đa số; các nước có màu xanh càng đậm thì càng có Shia là đa số.

Cho nên, dù có đồng minh với họ trong giai đoạn này, thì cũng phải nghĩ tới giai đoạn khác khi mà họ trở mặt chống lại mình.

2 thoughts on “Thời Sự Hàng Tuần 06/17/2017 Đòn Hồi Mã Thương cho James Comey và Loretta Lynch

Comments are closed.