Thời Sự Hàng Tuần 07-29-2017 – Còn gì Biển Đông của Việt Nam!

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Thôi rồi! Còn gì Biển Đông của Việt Nam!

Mở đầu cho một đầu tuần này là tin tức từ Việt Nam cho hay bọn Tàu Cộng đã tuyên bố chủ quyền hoàn toàn trên vùng biển Đông của Việt Nam. Lời tuyên bố này không chỉ là nói suông mà còn kèm theo lời đe doạ sẽ cho quân đội tấn công các đảo còn lại của Việt Nam trên biển Đông, nếu việc khoan tìm các mỏ dầu của công ty Repsol không ngừng lại các hoạt động của họ. Công ty Repsol của Tây Ban Nha được nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam chấp thuận cho tiến hành dự án khoan tìm dầu ngoài thềm lục địa của Việt Nam. Dự án này có tên là Rồng Đỏ, thực hiện ở lô số 136-03 cách bờ biển Việt Nam khoảng 400 kilometers, được giao cho công ty nhánh Repsol-Vietnam khai thác. Trong khi đó, Tàu Cộng thì đặt tên là lô Vạn An Bắc số 21 và họ cho một công ty khác thuê để khai thác. Hai năm trước đây, công ty Brightoil, do các viên chức cao cấp trong Đảng Cộng Sản Trung Hoa làm chủ, có trụ sở ở Hongkong đấu thầu khai thác ở lô này, nhưng sau đó họ bỏ cuộc.

Chỉ vài ngày sau khi công ty Repsol xác nhận có mỏ khí đốt lớn, Trung Cộng đã bắt buộc phiá Việt Nam phải kêu công ty này dừng lại và rút hết giàn khoan ra khỏi vùng.

Tên tướng Tàu Cộng Phạm Trường Long ngạo mạn tuyên bố các đảo ở Nam Hải (tức biển Đông) là của Trung Cộng. Tên tướng này là Phó Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương của cái gọi là Quân Đội Giải Phóng Trung Hoa vừa đến thăm Việt Nam trong tháng trước; nhưng đã trở về Tàu ngay khi có tin công ty Repsoil nhận được thầu thăm dò dầu ở biển Đông.

Run sợ trước lời đe doạ của Trung Cộng, phiá Việt Cộng đã yêu cầu công ty Repsoil ngưng các công việc thăm dò và rút giàn khoan ra khỏi khu vực. Việc ngưng thăm dó này sẽ làm cho phía Việt Cộng phải bồi thường rất nhiều tiền cho công ty Repsol mà uớc tính sơ khởi là khoảng 300 triệu đô la cho những công tác xây dựng hạ tầng cơ sở. Ngoài việc hao tốn, còn phải kể đến những hệ lụy lâu dài là sự chùn chân của những công ty khác đang muốn đầu tư vào lãnh vực dầu khí ở Việt Nam; và nhất là các quốc gia láng giềng sẽ đánh giá sự nhu nhược, hèn yếu mà mất lòng tin vào nước Việt Nam để có thể cùng liên kết trước mối đe dọa của Trung Cộng.

Vùng biển Đông của Việt Nam là nơi có một trữ lượng dầu khá lớn có thể đem lại nguồn tài chánh khổng lồ; vừa là con đường thông thương trên biển nhộn nhịp nhất thế giới. Hàng năm, có hàng ngàn tỷ hàng hoá được chuyên chở qua vùng này. Trung Cộng đã ngang ngược ỷ mạnh mà chiếm đoạt một vùng biển mà chúng gọi là vùng lưỡi bò có vị trí phía nam cách xa bờ biển Trung Hoa đến 1600 kilometers.

Từ lâu, các nước trong vùng đều lên tiếng tuyên bố chủ quyền của mình trên các hòn đảo hay một phần biển mà Trung Cộng chiếm đoạt. Đó là các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Philippines và Indonesia là hai nước từng có phản ứng quyết liệt chống lại Trung Cộng. Họ cho biết sẵn sàng dùng quân sự để bảo vệ chủ quyền trên biển. Trong khi đó, về phía Việt Nam, có những lãnh tụ cao cấp đã bày tỏ quan điểm phản động thừa nhận chủ quyền của Trung Cộng trên lãnh thổ, lãnh hải của nước ta do tổ tiên để lại. Họ luôn kêu gọi và tuyên bố “đánh giá cao quan hệ hợp tác Việt-Trung”

Nghe có tin Trung Cộng đã đưa thêm một giàn khoan có tên Blue Whale (cá voi xanh) đến Biển Đông ngoài giàn khoan Hải Dương 981 đã có sẵn từ lâu. Cũng có những hình ảnh về việc người Tàu trên dàn khoan này bắn vào các ngư thuyền Việt Nam đang đánh cá gần đó. Họ tố cáo các ngư thuyền Việt Nam quấy nhiễu giàn khoan của họ.

Hồi đầu năm, Công ty ExxonMobil đã ký một thoả ước khai thác khí đốt ngoài biển Đông nhưng không rõ hiện tình ra sao. Công ty này trước đây do Ngoại Trưởng Rex Tillerson là Chủ Tịch.

Phi cơ Tàu Cộng khiêu khích Mỹ

Chiều Chủ Nhật, trong khi chiếc phi cơ thám thính của Hải Quân Mỹ đang bay trên vùng biển Đông của Trung Hoa, hai chiếc phản lực chiến đấu của Trung Cộng đã xáp lại gần khiêu khích. Cả hai chiếc phi cơ Trung Cộng đều có võ trang hoả tiễn không-đối-không. Một chiếc của Tàu loại J-10 bay phía dưới phi cơ EP-3 của Mỹ rồi đột ngột bay vụt lên phía trước mũi chiếc này ở khoảng cách 100 mét làm cho chiếc EP-3 phải nhanh chóng chuyển hướng để tránh va chạm.

Việc khiêu khích này xảy ra cách một thành phố hải cảng của Tàu là Quingdao khoảng 90 dặm, và chỉ một ngày sau khi Đô Đốc John Richardson, Tư Lệnh Hành Quân Hải Lực của Hoa Kỳ, kêu gọi phía Trung Cộng cùng ngồi lại để thảo luận các biện pháp nhằm gây áp lực với Bắc Hàn để làm giảm sự căng thẳng trong vùng và làm cho chế độ quỷ quyệt Bắc Hàn ngưng các chương trình thí nghiệm vũ khí hạt nhân.

Vào cuối tháng Năm vừa qua, cũng đã xảy ra vụ các phi cơ Mỹ và Trung Cộng suýt va chạm nhau trên vùng duyên hải gần Hongkong.

Trong tháng bảy này, Hải quân Hoa Kỳ đã cho chiếc Khu trục hạm có trang bị bằng hoả tiễn đuợc hướng dẫn vào vùng tranh chấp trên vùng biển Đông của Việt Nam. Đó là sự thách đố mà Tổng Thống Trump thực hiện để nói lên quyết tâm bảo vệ sự tự do lưu thông đuờng biển trước sự ngang ngược chiếm đóng và tuần tiểu cả một vùng rộng lớn ở biển Đông.

Mức phạm pháp giảm sút khi thành phố bao che hợp tác với cơ quan Liên bang

Thành phố Phoenix thuộc Tiểu bang Arizona đã chấm dứt tình trạng thành phố bao che (Sanctuary City) và đã hợp tác với cơ quan công lực liên bang trong việc lung bắt bọn phạm pháp trong đám di dân bất hợp pháp.

Trong khi trả lời phỏng vấn của đài Truyền hình Fox News, ông Levi Bolton, Giám Đốc Điều Hành Hội Cảnh Sát Arizona đã thừa nhận kết quả khả quan là tình hình vi phạm luật pháp, các vụ bạo hành, trộm cắp xe cộ đã giảm đến 25%, sau khi thành phố xoá bỏ tình trạng bao che và hợp tác với Liên Bang. Ông nói: “Từ 20 năm nay, đây là lần đầu mức phạm pháp giảm sút đáng kể, do việc chúng tôi đuợc phép làm việc với các cơ quan liên bang.”

Chỉ trong vòng một năm đầu tiên sau khi xoá bỏ tình trang Sanctuary city ở Phoenix, các vụ giết người giảm đi 27%; ăn trộm xe giảm 36%, cướp giảm 23%, ăn cắp giảm 19%, trộm gỉảm 14%, và các vụ tấn công giảm 13%.

Kể từ khi có chính sách cứng rắn và những lời răn đe kịch liệt của Tổng Thống Trump, sự xâm nhập bất hợp pháp qua đuờng biên giới Hoa Kỳ-Mexico đã giảm đi khoảng 53%. Đó là con số mà các nhân viên cảnh sát biên giới cho là kỳ diệu.

Hy vọng rằng các thành phố, tiểu bang bao che khác sẽ nhìn thấy thành quả này của Phoenix mà thay đổi chăng?

Tại thành phố San Antonio mới hôm đầu tuần, người ta phát giác trong thùng xe một chiếc xe 18 bánh đậu ở trong khu parking của cửa hàng Walmart có hàng chục người đang ngộp thở và khô kiệt do sức nóng bên ngoài ở Texas đã lên đến hơn 100 độ, thì bên trong càng nóng hơn rất nhiều. Số người này là di dân bất hợp pháp từ Mexico đuợc bọn buôn người đưa vào giấu trong thùng xe để vượt qua biên giới ở thành phố Laredo. Có tin 10 người đã chết trước khi được phát hiện, số còn lại được đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu. Tài xế, 60 tuổi, khi bị bắt đã khai rằng ông ta không hề hay biết gì về số người nói trên. Đây là một thảm trạng mà đã xảy ra nhiều lần ở nhiều tiểu bang khác nhau từ Texas cho đến New Mexico, Arizona, và California.

Hồng Y cũng lạm dụng tình dục!

Hồng Y Goerge Pell, 76 tuổi là người cao nhất trong giáo hội Thiên Chúa ở Úc, vừa là cố vấn tài chánh cho Giáo Hoàng Francis, đã bị nhiều người tố cáo về tội lạm dụng tình dục trong những năm trước đây. Ông đã bỏ công việc đang tiến hành ở Roma để về lại Úc và thứ Tư vừa rồi. Ông phải ra trước toà trong một phiên gọi là hearing.

Chuyện Hồng Y Pell làm chúng ta nhớ đến cuốn phim The Thorn Birds (dịch tạm là những con chim tìm chết trong bụi gai). Phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn nữ người Úc là Colleen McCullough phát hành năm 1977. Cuốn sách được coi là best seller, bán ra 33 triệu bản. Còn về phim, thì dây là một phim nhiều tập ra đời từ năm 1983 và đuợc ưa chuộng nhất tại nhiều quốc gia. Đó là chuyên kể về một mối tình của Linh mục Ralph de Bricassart (sau lên Giám Mục rồi đến chức Hồng Y) với một phụ nữ tên là Meghann Cleary, mà ông biết khi bà này mới còn là đứa bé 4, 5 tuổi. Thời thơ ấu của Meggie sống trong tình yêu thương của cha de Bricassart cho đến khi cô trở thành thiếu nữ xinh đẹp thì mối tình đã trở nên say đắm. Ông thầy tu tham lam. Vừa nuôi tham vọng ngoi lên trong giáo hội, vừa không có can đảm từ bỏ mối tình ngang trái. Ông bắt cá cả hai tay, vi phạm cả ba lời nguyện với Chúa trước khi trở thành linh mục. Ông ta yêu say đắm nhưng không dám hy sinh tham vọng quyền lực của cá nhân. Ông ta cũng yêu Chúa vô cùng, nhưng không dám dứt khoát với chăn gối thơm tho bên người đàn bà đẹp mỹ miều! Ông không giữ đuợc đức vâng lời, đức trong sạch và đức nghèo khó. Ông đã lừa dối Chúa, lừa dối bề trên là Giám mục Vittorio di Contini-Verchese, ông đã gian dâm với Meggie khi đó đã là vợ của Luke O’Neil, và ông đã sống đế vương bằng tài sản của bà Mary Carson, chủ nhân trang trại Drogheda và cũng là người mê ông thắm thiết. Trong ông ta là cả một sự dối gạt, mâu thuẫn nghiêm trọng để rồi phải nhận lấy sự trừng phạt đau thương là gần gủi đứa con trai ruột thịt từ khi nó còn bé cho đến khi chết vì tai nạn mà không biết đó là con mình.

Chuyện các vị tu sĩ can tội lạm dụng tình dục xẩy ra thường xuyên. Chúng ta từng nghe vụ án rất lớn mà một giáo hội tại Mỹ phải bỏ ra hàng trăm triệu để bồi thường nhiều nạn nhân bị vị Giám Mục xúc phạm tình dục. Nhưng vụ ở Úc là có tầm vóc rất lớn vì người can tội là một Hồng Y. Mà đa số các vụ xâm phạm tình dục của các cha cố thường có nạn nhân là các em trai trắng trẻo, mủm mỉm. Trong khi phía Phật Giáo, thì có những vụ các thầy chùa bê bối với quý bà, quý cô là đa số. Có biết bao nhiêu vụ xảy ra sau các cánh cửa nhà thờ, nhà chùa mà không ai tố cáo hay phát giác?

Nga chẳng can dự gì vào bầu cử 2016

Đó là lời tuyên bố cuối tuần mới đây của Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer khi ông cho rằng bà Hillary Clinton không nên đổ thừa cho Nga can dự vào cuộc bầu cử mà đã đưa đến sự thất bại của bà ta. Theo ông, Clinton nên nhìn nhận rằng tất cả do sự yếu kém của bà.

Ông nói: “Khi bà thua cuộc trước một đối thủ chỉ có 40% được dân biết đến, bà không thể đổ thừa cho James Comey hay Nga. Mà hãy nên tự biết mình. Chúng ta đã làm những gì sai? Dân chúng không biết chúng ta tranh đấu cho cái gì mà chỉ biết rằng chúng ta chống ông Trump thôi. Và hiện nay, họ cũng nghĩ thế.”

Tổng Thống Trump ngay ngày thứ Hai sau đó đã viết trên twitter khen ngợi ông Schumer rằng: “Cuối cùng thì ông Schumer phải thừa nhận Đảng Dân Chủ của ông chẳng tìm ra đuợc bằng chứng gì về Nga can dự vào bầu cử, sau cả một năm điều tra.”

Bà Clinton trong mùa bầu cử, đinh ninh mình sẽ là Tổng Thống thứ 45 của Mỹ. Nhưng bà thất bại cay đắng trước một đối thủ không hề có độ dày chính trường như bà. Bà quay ra đổ thừa cho FBI, cho ông Comey, cho cả Đảng Dân Chủ của bà, cho sự phân biệt giới tính, và dĩ nhiên, đổ thừa cho Nga là không tránh khỏi.

Hiện nay, đảng Dân Chủ đang lúng túng về tài chánh. Trong tháng 6 vừa qua, họ chỉ quyên đuợc 5.5 triệu chưa bằng một nửa số tiền do đảng Cộng Hoà quyên đuợc là 13.5 triệu. Đó là do bản tin của Ủy Hội Bầu Cử Liên Bang cho hay hôm thứ sáu tuần trước.

Trong 6 tháng đầu năm, đảng Dân Chủ quyên đuợc tổng cộng 38.1 triệu so với Cộng Hoà có 75.4 triệu. Tính đến cuối tháng 6, đảng Cộng Hoà có trong tay tiền tồn quỹ là 44.7 triệu, trong khi đảng Dân Chủ chỉ có 7.5 triệu tức chỉ bằng 1 phần 6 tiền của đảng Cộng Hoà!

Việc sút giảm trong cuộc quyên tiền chứng tỏ rằng cử tri Dân Chủ đánh giá rất thấp những việc làm của họ. Từ sau bầu cử, họ chẳng làm đuợc điều gì hữu ích ngoài những việc quấy rối, cáo giác, vu khống tân Tổng Thống Trump. Quan trọng hơn cả là đảng Dân Chủ đã bỏ quên một giai cấp lao động da trắng.

Nhưng những nhà nghiên cứu chính trị cũng dự đoán rồi đây sẽ có cuộc cách mạng của giới lao động người da trắng. Giai cấp lao động da trắng thường có khuynh hướng thiên về Cộng Hoà, nhưng lại là đối tượng quyến rũ của đảng Dân Chủ trong những cương lĩnh đầy mâu thuẫn của họ. Điều này có nghĩa là đảng Dân Chủ nhìn thấy sức mạnh của lao động da trắng và tìm cách thu hút họ, nhưng đảng Dân Chủ lại vừa rêu rao, ve vuốt những thành phần khác mà nhân sinh quan trái hẳn với lao động da trắng.

Theo hai nhà kinh tế Anne Case và Angus Deaton (ông Deaton vừa đoạt giải Nobel về kinh tế), những người lao động da trắng ở lứa tuổi từ 45 đến 54 đang chết dần ở một mức độ bất thường. Trong khi tuổi thọ của người da trắng nói chung thì tăng lên; tuổi thọ của người da trắng nghèo thì giảm xuống. Hậu quả là chỉ trong 4 năm vừa qua, khoảng cách (tuổi thọ) giữa người da trắng nghèo và giàu có tăng lên 4 năm! Như thế, khoảng cách giàu nghèo tỷ lệ thuận với khoảng cách tuổi thọ. “Income Gap, Meet the Longevity Gap.”

Tác giả Joan Walsh, một nữ bình luận gia về các vấn đề chính trị của đài MSNBC lý luận rằng đảng Dân Chủ không thể nào được sự ủng hộ của giới lao động da trắng cho dù đem áp dụng tất cả các chủ trương kinh tế dân túy trên thế giới. Bà Walsh cũng có phần đúng khi cho rằng giai cấp lao động da trắng có tinh thần kỳ thị màu da và giới tính, nên không thích hợp với chủ trương phóng túng, cấp tiến hay của đảng Dân Chủ. Trong hai muà bầu cử 2012 và 2016, đảng Dân Chủ tập trung vào việc thu phục giới trẻ, các sắc dân thiểu số, phụ nữ độc thân và những giới chuyên nghiệp khá giả mà bỏ qua giai cấp lao động da trắng. Kết quả, giai cấp này đã dồn phiếu cho Trump.

Nhưng về phía Cộng Hoà?

Đảng Cộng Hoà cũng không hơn gì. Những nhà chính trị chuyên nghiệp sau khi vào các định chế công quyền đã càng ngày càng xa rời cử tri. Cùng với các chính trị gia Dân Chủ, họ tập hợp trong một nhóm mà người ta gọi là Establishment để củng cố địa vị và tranh nhau trong những vấn đề xa xôi mà bỏ quên những đòi hỏi cấp thiết của cử tri.

Ông Trump là người chưa hề tham gia chính trường, là người mà chúng ta gọi là “outsider” (để đối lại với những Establishment), đã thắng oanh liệt 15 đối thủ cùng đảng và thắng luôn bà Clinton, là những nhà chính trị chuyên nghiệp, dày kinh nghiệm và được sự yểm trợ tích cực của cá đảng Cộng Hoà cũng như Dân Chủ và sự tài trợ của giới doanh nghiệp tỷ phú.

Đó là do ông Trump thấy đuợc tầm mức quan trọng của giai cấp lao động da trắng là đại diện rộng rải cho cả giai cấp lao động Mỹ. Họ không hẳn là những người theo bảo thủ mà trong đó có những thành phần cấp tiến và trung dung. Nhưng họ đã chán ngấy tận cổ những lời hứa hẹn của các chính trị gia chuyên nghiệp. TT Trump từ Drain the Swamp nay đã đổi thành Drain the sewer.

25 ngàn gián điệp Trung Cộng trên đất Mỹ!

Không chỉ có 25 ngàn gián điệp thôi đâu! Còn có cả hơn 15 ngàn người khác mà Tàu Cộng tuyển một ngay trên đất Mỹ. Họ đang tích cực đẩy mạnh công tác do thám trong nhiều lãnh vực từ quốc phòng, khoa học kỹ thuật đến kinh tế, chính trị, xã hội nữa.

Đó là lời báo động do một nhà tranh đấu bên Trung Hoa tiết lộ. Ông Guo Wengui, một doanh nhân tỷ phú Tàu đả bày tỏ sự chống đối với nhà nước Cộng Sản Trung Hoa mấy tháng trước đây cho hay ông ta có mối liên hệ mật thiết với Bộ An Ninh Quốc Gia của Trung Cộng. Bộ này bao gồm lãnh vực tình báo dân sự lẫn hệ thống gián điệp quân sự của Quân Đội Giải Phóng Trung Hoa.

Ông nói: “Tôi biết rất nhiều về hệ thống gián điệp của Trung Hoa (Cộng sản), tôi có đủ tài liệu chi tiết từng phút giây mà họ hành động.”

Guo cho hay ông ta biết được các hoạt động gián điệp của Trung Cộng qua cựu phó bộ trưởng An Ninh Ma Jian và cựu Giám Đốc Quân báo Ji Shengde.

Ma Jian từng là Giám Đốc Sở 8 của Bộ An Ninh đảm trách về phản gián mà đối tượng là những nhà ngoại giao, doanh nhân, báo chí ngoại quốc cho đến khi ông ta bị loại khỏi đảng CS vào tháng 12, 2015 và sau đó bị bắt cầm tù vào tháng 1 năm 2017. Ông bị buộc tội tiết lộ những tin tức về sự tham nhũng của Wang Qishan, một viên chức cao cấp trong trách vụ chống tham nhũng. Ma Jian hoạt động tình báo trên 30 năm, đi đi về về từ Hoa Lục qua Mỹ nhiều lần và đã đưa nhiều gián điệp vào Mỹ.

Cựu Giám Đốc Quân Báo Ji Shengde là người có dính líu đến vụ Trung Cộng chuyển tiền tài trợ cho Bill Clinton khi ông này ra tái ứng cử năm 1996. Ông ta bị Toà Án Quân Sự xử tử hình nhưng hưởng án treo vì tội hối lộ và gây quỹ phi pháp. Tuy Ji còn ở bên Tàu, vợ ông ta hiện cư trú tại thành phố Los Angeles. Gao đã phải trả tiền cho Ji trong 25 năm như một thoả thuận cho Trung Cộng sử dụng các doanh nghiệp để yểm trợ công tác tình báo.

Guo là một nhà kinh doanh địa ốc đã trốn thoát khỏi Hoa Lục năm 2015 và đang cư trú tại thành phố New York với tên mới là Miles Kwok. Ông đang bị tình báo Trung Cộng theo dõi và tìm các ám sát để bịt miệng.

Vào tháng 5, hai nhân viên tình báo cao cấp của Trung Cộng là Sun Lijun, Thứ trưởng bộ An Ninh và người phụ tá Liu Yanpang đến Hoa Kỳ tìm cách thuyết phục chính phủ Mỹ cưỡng bách ông Guo hồi hương về Hoa Lục. Hai người này đe doạ ông Guo và gia đình cũng như các người cộng tác làm ăn với ông ta; nhưng hứa rằng chính phủ Trung Cộng sẽ giải toả các trương mục khoảng 17 tỷ đô la của Guo nếu ông ta hứa sẽ giữ im lặng về các hoạt động tình báo của Trung Cộng.

Liu bị FBI bắt giữ vì vi phạm các thủ tục Visa. FBI tịch thu cả cell phone, laptop của ông này trước khi thả cho ông này về lại Hoa Lục.

Trong mấy tháng vừa qua, ông Guo đã bắt đầu phóng ra trên Twitter và YouTube những đoạn video dài những điều ông biết về tình trạng tham những và hoạt động gián điệp của Trung Cộng. Một trong những video đó có liên quan đến Wang, thành viên Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Trung Hoa và là viên chức cầm đầu chống tham những. Guo cho hay tên Wang này những năm 1980s đã bỏ ra 30 triệu đô la để mua 111 bất động sản ở California, mà theo thời giá hiện nay lên tới từ 2 đến 3 tỷ đô la. Các bất động sản này rải rác tại các thành phố Los Angeles, San Jose, Cupertino, Sunnyvale, Palo Alto, San Carlos, và San Francisco. Ngoài ra còn có nhiều nhà và apartment ở Washington D.C.

Tại 14 căn nhà do Wang và thân nhân làm chủ ở một ngoại ô thành phố thuộc California, có hầm cất giấu nhiều vàng ngọc và tài liệu tình báo. Theo Guo, nếu cơ quan FBI muốn lục soát các căn nhà này, phải thương lượng với chính phủ Trung Cộng.

Guo dọa sẽ tiết lộ nhiều bí mật tham những của những viên chức cao cấp khác trong đảng Cộng Sản Trung Hoa. Trả lời báo chí, Guo nói rằng ông muốn mang lại sự thay đổi toàn bộ hệ thống chính trị của Trung Hoa. Guo tuyên bố vẫn yêu nước Trung Hoa, nhưng thù ghét chế độ Cộng Sản.

Guo cho biết trước năm 2012, Trung Cộng đã gửi qua Mỹ bằng cách này cách nọ từ 10 ngàn đến 20 ngàn gián điệp. Trong năm 2012, Trung Cộng đưa qua thêm 5000 nhân viên núp dưới danh nghĩa du học sinh, doanh nhân và cả di dân nữa. Ngoài ra, Trung Cộng còn tuyển mộ ngay trên đất Mỹ khoảng từ 15 ngàn đến 18 ngàn nhân viên không chỉ trong cộng đồng người Hoa mà còn các sắc dân khác như da đen, Hispanic và ngay cả người da trắng. Cả hai thành phần này đang ở trong tình thế tấn công tích cực vào sinh hoạt chính trị xã hội của Mỹ mà theo giải thích của Guo là triệt phá nước Mỹ trong cách làm của họ.

Trước năm 2012, Trung Cộng chi ra một ngân khoản 600 triệu mỗi năm cho việc thu thập tình báo. Ngân khoản hiện nay lên tới từ 3 tỷ đến 4 tỷ đô la mỗi năm.

Guo chê tình báo Mỹ phải đối phó với nhiều khó khăn, trong đó là sự thiếu hiểu biết về tình báo Trung Cộng.

Các vị không biết những cơ quan nào đang gửi gián điệp vào Mỹ, họ có kế hoạch ra sao, có mục đích thế nào. Hoa Kỳ hoàn toàn không hiểu đuợc sự vận hành của tình báo Trung Cộng… Bọn gián điệp này đang ngồi quanh các vị, ngủ bên các vị và họ có thể bỏ thuốc độc vào ly rượu vang của các vị mà các vị không hay.”

Theo Guo, mục tiêu chính của tình báo Hoa Lục là những kỹ thuật tân tiến về vũ khí và quốc phòng. Kế đó, họ sẽ nhắm mua chuộc những viên chức cao cấp trong guồng máy chính phủ Hoa Kỳ. Ưu tiên thứ ba là mua chuộc thành viên trong gia đình những chính trị gia hay giới ưu tú để giúp Trung Cộng đạt được những lợi thế trong việc giao dịch về doanh nghiệp. Ưu tiên thứ tư là xâm nhập vào hệ thống Internet và các cơ cấu hạ tầng của Mỹ để cấy các loại virus (malicious software.)

Theo Guo, Trung Cộng đã thành công trong việc xâm nhập vào những nhà thầu quan trọng có hợp đồng về quốc phòng với chính phủ Mỹ.

Đây là mối nguy hại nghiêm trọng nhất. Cho dù Hoa Kỳ có dư khả năng vũ khí tối tân, nhưng gián điệp Trung Cộng đã nằm trong huyết mạch của cơ cấu quốc phòng và đang bơm vào những virus để lấy tin hoặc để phá hoại. Trong lúc Hoa Kỳ lệ thuộc vào gián điệp kỹ thuật (máy móc) thì Trung Cộng dùng gián điệp sống (hàng chục ngàn nhân lực). Trung Cộng lại kết mưu với những chính quyền tồi tệ, khép kín như Bắc Hàn và Iran. Guo cho rằng khi nào bọn tồi tệ này cũng sẽ thắng vì chúng nó không theo quy luật văn minh.

Bà Michelle Van Cleave, cựu chuyên viên tình báo cao cấp trong hành pháp của Tổng Thống Bush cũng phải thừa nhận sự leo thang hoạt động điệp báo của Trung Cộng cùng những chiến địch nhằm ảnh hưởng đến chính tri Hoa Kỳ. Trong quá khứ, Trung Cộng đã xâm nhập vào hệ thống điện toán của Văn Phòng Quản Trị Nhân Viên để đánh cắp hồ sơ cá nhân của 22 triệu nhân viên chính phủ Mỹ. Họ có trong tay cả sổ lương, lý lịch, không những nhân viên mà còn bạn bè thân nhân, bạn đồng nghiệp. Họ sẽ dùng những tin tức này để mua chuộc, đe doạ, tuyển mộ. Bà cũng thừa nhận rằng Trung Cộng giỏi cả hai mặt tình báo bằng điện tử lẫn nhân sự.

Năm 2013, vào thời điểm Edward Snowden, một chuyên viên của cơ quan Tình báo Mỹ NSA đánh cắp 1.7 triệu tài liệu tình báo và trốn qua Hong Kong, Bộ An Ninh Trung Cộng cấp tốc gửi vào Hong Kong thêm 3000 nhân viên để tìm cách lấy tin.

Nước Mỹ đang chảy máu và không sớm thì muộn sẽ chảy hết máu thôi.

Cảnh cáo về một nước Trung Hoa mà Guo gọi là Mafia-like government, ông I.C. Smith cựu viên chức phản gián thuộc FBI nói rằng: “Trung Cộng không hề là bạn của chúng ta và cũng không bao giờ có thể là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng thế giới một khi mà đảng Cộng Sản còn ngự trị. Đó là một chế độ cảnh sát trị, một tổ chức tội phạm hư hỏng về mọi mặt đang nằm trong tay một bè lũ đầy quyền uy nhưng suốt ngày chỉ toan tính củng cố địa vị và làm giàu cho cá nhân.”

Về việc gian lận bầu cử

Tổng Thống Trump từng tố cáo có những gian lận về bầu cử tại nhiều tiểu bang mà chúng tôi đã có loan tin. Việc gian lận gồm việc cho dân bất hợp pháp đi bỏ phiếu, lập danh sách cử tri của hàng ngàn người đã chết. nhiều người bỏ phiếu tại hai thành phố hay tiểu bang khác nhau, việc tráo phiếu từ Cộng Hoà sang Dân Chủ…

Nhìn chung, sự gian lận là có thật, dĩ nhiên không đến mức độ quá lớn, nhưng cũng dư khả năng làm thay đổi kết qua bầu cử.

Sau khi có kết quả, phe Dân Chủ đã đòi kiểm lại phiếu bầu ở ba tiểu bang mà họ từng có những thắng lợi. Nhưng kết quả ê chề, vì việc kiểm phiếu đem lại cho ông Trump số phiếu bầu nhiều hơn làn đếm phiếu đầu tiên.

Tổng Thống Trump cho thành lập một Ủy Hội để xét lại việc gian lận này. Sau khi Ủy Hội gửi văn thư yêu cầu các Tiểu bang giao nộp hồ sơ cử tri, có 17 tiểu bang và vùng D. C. đã từ chối không nộp, lại có 30 tiểu bang chỉ giao nộp một phần. Họ nại lý do phải bảo vệ bí mật về lý lịch của công dân. Ủy Hội đã yêu cầu các chi tiết về cử tri như tên họ, ngày tháng năm sinh và số an sinh xã hội. Nhưng đã bị Trung Tâm Điện Toán về Tin Tức Cá Nhân ở Washington nộp hồ sơ kiện ra toà vì coi là vi phạm sự riêng tư của công dân.

Hôm thứ hai, Thẩm phán Liên Bang đã khai thông vấn đề này để Ủy Hội Thanh tra sự Gian Lận Bầu Cử đuợc tiếp tục thu nhận tài liệu về cử tri từ các tiểu bang.

Bà Thẩm Phán Colleen Kollar-Kotelly của Toà District Court ở DC đã ra phán quyết chống lại nhóm người muốn ngăn chặn không cho Ủy Hội thu nhận tin tức cử tri.Những vụ kiện tương tự cũng xảy ra ở Texas, Florida và New Hampshire. Tổ chức có tên là American Civil Liberties Union cũng nhảy vào ăn có.

Hiện nay còn các tiểu bang Alabama, Hawaii và Idaho chưa cho biết quyết định của họ có tuân thủ lệnh Toà hay không.

Theo ông Trump, nếu không có sự gian lận, thì cần gì phải giấu diếm?

Sự hao tốn của chế độ thư lại

Ngân sách quốc gia, ngân sách tiểu bang, thành phố hàng ngàn tỷ, hàng trăm triệu mỗi năm một tăng đến độ chóng mặt. Nhưng thực tế, trong các dự án xây dựng, có hao tốn đến mức như thế không? Hay qua những trung gian, nhà thầu, số tiền chi phí thật chỉ bằng một phần 10, một phần trăm. Còn 9/10, 9/100 họ chia nhau?

Một phanh phui mới đây cho thấy cách làm ăn thư lại đã hoang phí tiền thuế của dân đến mức nào. Tuy chuyện xảy ra ở Toronto, Canada; nhưng cũng rất phổ biến ở Hoa Kỳ và chắc cũng tại nhiều quốc gia khác.

Thành phố Toronto kêu một nhà thầu đến làm một bậc cấp ở một công viên. Bậc cấp cũ lót đá đã hư hỏng làm cho nhiều người bị té gây thương tích. Các nhà thầu ra giá từ 65 ngàn 150 ngàn. Sau nhiều ngày nghiên cứu và thương thảo, một nhà thầu đồng ý giá 65 ngàn đô la để làm một bậc cấp có 8 bước lên xuống. Tính ra, mổi bước lên xuống mất 8 ngàn đô la!

Ông Adi Astl, một cư dân Toronto, là một người thợ đã về hưu thấy quá tốn kém. Ông bèn mướn thêm một người khác phụ để tự mình xắn tay áo làm lấy một bậc cấp hầu tiết kiệm cho ngân sách thành phố. Ông chẳng phí thì giờ vẽ ra những sơ đồ, chiết tính, kế hoạch gì và cũng chẳng đợi sự chấp thuận của thành phố. Ông kêu gọi sự đóng góp của những người xung quanh để trả cho phí tổn làm bậc cấp. Giá thành là 550 đô la, thay vì 65 ngàn như thành phố dự chi cho nhà thầu.

Bậc cấp làm xong, dân chúng ca ngợi và tỏ lòng cám ơn ông Astl về sáng kiến đó.

Nhưng về phía thành phố?

Cái thói quen thư lại đã làm cho viên chức thành phố không thể thừa nhận những khuyết điểm của họ. Họ nại lý do cái bậc cấp của ông Astl không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và phù hợp với các điều khoản của City Codes. Thanh tra thành phố thì cho rằng nó thiếu nền móng, có độ dốc không hợp, và tay vịn không an toàn. Thế là thành phố quyết định phá bỏ cái bậc cấp của ông Astl dù rằng rất nhiều người phản đối. Họ làm các chướng ngại vật ngăn cản dân chúng đi vào khu vực có bậc cấp. Thị Trưởng John Tory tỏ ra sự chống đối với sáng kiến của ông Astl và nói rằng những người dân không nên xây cất một công trình gì trên dất công của thành phố. Ông nói: “Chúng ta không thể để cho bất cứ ai ra ngoài tiệm Home Depot mua vật liệu rồi xây một cái bậc cấp theo ý họ đuợc!” Tuy nhiên, sau cùng ông ta cũng cho rằng cái giá từ 65 ngàn đến 150 ngàn là không thực tế!

Một cư dân là bà Dana Beamon phải than phiền rằng “Thành phố có quá nhiều thư lại mà không có óc sáng tạo.” (We have far too much bureaucracy. We don’t have enough self-initiative in our city, so I’m impressed)

Bản than tôi cũng có vài kinh nghiệm thực tế. Khoảng 10 năm trước, gia đình tôi có một tiệm dry clean. Thanh tra thành phố bắt phải làm một thùng chứa nước nóng thoát ra từ cái boiler để cho nguội trước khi xả vào ống nước thải. Họ giới thiệu vài nhà thầu với giá từ 2500 đến 4000 đô la. Thấy việc cũng dơn giản, chúng tôi tự làm lấy với chi phí không đến 50 đô la vật liệu cộng với hơn nửa ngày công. May thay, thành phố quên bẳng việc tái kiểm soát vì nếu họ trở lại, chắc chắn họ sẽ không đồng ý việc chúng tôi tự làm lấy. Qua năm sau, những người thanh tra khác đến, không thấy thắc mắc gì về cái thùng chứa nước và các ống dẫn mà chúng tôi tự gắn lấy.

Giết người để tế thần!

Một tôn giáo bình dân của người Mexico vẫn còn giữ hủ tục giết người để tế thần. Việc này thường xảy ra trong các băng đảng tội phạm, bọn buôn người, bọn ma cô tú bà và được gọi mỹ danh “Holy Death”, cái chết hiển linh. Tại tiểu bang Texas, thì có tên gọi là Saint Death (cái chết thánh thần), và đang đuợc các giáo hội Thiên chúa cùng giới chức chính quyền cảnh báo đến dân chúng. Cả hai Holy hay Saint Death, đều có tên gốc từ Mexico là La Santa Muerte (Thần Chết)

Trong cộng đồng người Mỹ gốc Mễ theo Thiên Chúa Giáo, thì tục lệ giết người tế thần này đã trở thành phổ biến từ những năm cuối thập niên 1980.

Santa Muerte là một nữ thần của người Trung Mỹ, được hình dung bởi một đầu lâu của một nữ tu mặc áo chùng đen, trên tay cầm một lưỡi hái có cán dài. Người Mexican cầu nguyện bà ta về những điều huyền bí, tránh những sự xui xẻo, bất hạnh cũng như cầu xin giết chết kẻ thù hay bảo vệ cho họ chống lại nhân viên công lực trong những vụ buôn bán ma túy.

Nhưng họ lại dùng những lời kinh, lời cầu nguyện của Thiên Chúa Giáo và họ cũng lập các bàn thờ màu sắc sặc sở để thờ cúng thần chết. Trên bàn thờ có thể thấy đuợc các thứ như đĩa táo, hoa, các cây nến đủ màu, chai ruợi Tequila

Giáo Hội Thiên Chúa Mỹ và Mexico cũng không thừa nhận loại thánh này và cho rằng loại tôn giáo này rất nguy hiểm. Tổng Giám Mục John Wester ở Santa Fe nói rằng: “Bà ta (Santa Muerte) chẳng phải thần thánh gì cả. Chẳng ai cầu nguyện bà ta mà đạt đuợc ước nguyện. Giáo Hội có biết bao nhiêu vị thánh đại diện cho giáo lý của Chúa Jesus Christ.” Vào tháng hai, từ Tiểu bang Texas hai Giám Mục El Paso là Mark Seitz và Giám Mục San Angelo là Michael Sis đã gặp các giới chức Công Giáo Mexico để cùng ra lời kêu gọi giáo hữu Công Giáo nên xa lánh loại đạo thờ thần chết này.

Ngay cả những giới chức ngành cưỡng chế pháp luật ở Austin cũng loan báo trên đài truyền hình KVUE rằng loại đạo này đã trở nên thịnh hành trong giới giang hồ buôn bán ma túy và các tội phạm hình sự.

Những nhân viên cơ quan ATF (Cảnh sát kiểm soát về Rượu, Thuốc Lá, và Vũ Khí) cho hay khi họ vào khám các căn nhà bọn tội phạm gốc Mexico, thường thấy các bàn thờ thần chết ngay chính giữa phòng khách. Tại Austin, chưa khám phá ra vụ giết người để tế thần; nhưng cảnh sát đã tìm thấy 2 lần, trên các mảnh giấy ở bàn thờ có viết tên một thẩm phán và một cảnh sát trông về quản chế (probation officer). Điều này đuợc cắt nghĩa là bọn tội phạm cầu nguyện thần chết để hãm hại những nhân viên toà án hay công lực nào cản trở những việc làm phi pháp của chúng.

Năm 2008, bọn băng đảng Gulf Cartel đã bắt cóc bọn Sinaloa Cartel và thực hiện cuộc hành quyết hàng loạt dâng lên thần chết.

Mới đây, vào tháng trước tại một nhà tù Mexico cũng đã diễn ra cuộc tế thần dính líu đến hàng chục tên phạm nhân. Báo Reforma ở Mexico cho hay tại trại tù Las Cruces ở Acapulco, có 28 phạm nhân đã bị băng đảng ma tuý đối phương giết tế thần.