Thời Sự Hàng Tuần 08-19-2017 Đạn đã lên nòng

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Đạn đã lên nòng

Đó là lời tuyên bố mới đây của Tướng Mattis, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ; và cũng nằm trong những câu tuyên bố tương tự của ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Rex Tillerson, trước sự việc Kim Jong Un liên tục thử nghiệm hoả tiễn tầm xa và hung hăng đe dọa sẽ tấn công vào lãnh thổ Hoa Kỳ.

Chính các hành pháp trước đây của Mỹ đã nhiều lần quá e dè, thiếu cứng rắn; và đã dùng những biện pháp ngoại giao nửa vời, nhượng bộ; nên ngày nay, Bắc Hàn từ không có gì, đã tiến gần đến mức một cường quốc về nguyên tử. Và với chính sách độc tài tàn bạo công với bản tình hung hăng của một đứa trẻ háo thắng của tên lãnh tụ điên khùng, Bắc Hàn đang trở nên mối đe dọa cho không chỉ Hoa Kỳ mà còn cả thế giới.

Những đe dọa của Kim Jong Un đã đặt Tổng Thống Trump trước một sự lựa chọn khó khăn.

Tiếp tục các biện pháp ngoại giao để tránh một cuộc chiến thì e rằng sẽ như nước đổ đầu vịt và càng làm cho Kim Jong Un thấy mình đã thành công khi dám đe doạ một cường quốc đứng đầu thế giới có tiềm lực gấp trăm Bắc Hàn vừa về kinh tế lẫn quốc phòng. Bắc Hàn rồi sẽ chơi trò lùi một bước tiến hai bước như từng được các nhà nước Cộng Sản làm trong quá khứ. Rồi họ sẽ mua thêm thời gian để hoàn thiện các vũ khí mang đầu đạn nguyên tử, và đến một lúc nào đó thì mối nguy tận diệt nhân loại sẽ không còn tránh được.

Nhưng nếu tỏ ra bản lãnh đập đầu con rắn trước khi nó bùng dậy mổ vào người mình – tức là hành vi quân sự cấp thời -, thì cũng không phải là điều dễ dàng. Hoa Kỳ có dư khả năng dìm cả nước Bắc Hàn xuống tận vực sâu địa ngục đấy. Nhưng Hoa Kỳ còn phải e ngại sự can thiệp của Trung Cộng, mà mới đây đã tuyên bố họ sẽ bênh vực nước láng giềng Á Châu. Ngoài ra còn thái độ của Nga chưa lường được.

Hoa Kỳ, dù mạnh dến đâu, khả năng cũng không phải là vô tận. Hiện nay, Hoa Kỳ đang tham chiến ở Iraq, Afghanistan. Quân đội có mặt rải rác trên nhiều nước từ khối NATO đến Nam Mỹ, Phi Châu, Á Châu. Trong nước thì đang đối phó với vô vàn khó khăn do sự xung đột màu da, các phong trào tả khuynh chống lại Tổng Thống diễn ra gần như trên khắp các tiểu bang. Một nước mà nội bộ chưa yên thì khoan nói đến chiến tranh với nước khác.

Trong khi Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết cấm vận để trừng phạt Bắc Hàn, Tổng Thống Trump đã tuyên bố rất cứng rằn để răn đe Bắc Hàn rằng họ sẽ đụng phải “lửa và thịnh nộ” (Fire and Fury). Với Nghị quyết mới nhất của Liên Hiệp Quốc nhằm ngăn cản các quốc gia không giao thương với Bắc Hàn, nước Cộng Sản này đã thấy trước mắt hơn một tỷ đô la bị mất đi. Quốc gia mà gần đây còn buôn bán với Bắc Hàn là Trung Cộng. Mậu dịch của Trung Cộng chiếm đến 80% tổng số mậu dịch các nước với Bắc Hàn.

Vì thế trong đầu tuần này, sau khi Trung Cộng nhảy vào để ủng hộ biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, Bắc Hàn đã dịu giọng và tuyên bố không bắn hoả tiễn vào khu vực đảo Guam nữa. Tuy nhiên tên Ủn này vẫn còn cao giọng đe rằng hắn có thể đổi ý nếu nguyên văn: “bọn Mẽo còn ngoan cố có những hành vi nguy hiểm cho Bắc Hàn.”

Thật ra thì cả Mỹ lần Trung Cộng đều muốn đùn đẩy các trách nhiệm ngăn cản Bắc Hàn mà phải nói là rất khó khăn. Nhưng cả hai bên đều muốn sự việc phải được giải quyết theo chiều hướng của mình.

Trung Cộng cho biết họ sẽ cấm vận, không nhập cảng than đá, sắt và hải sản của Bắc Hàn bắt đầu từ hôm thứ Ba. Trung Cộng nói ra điều này như là một phản ứng sau khi Tổng Thống Trump cho hay ông có một kế hoạch để phanh phui việc Trung Cộng ăn cắp các tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ.

Sơ qua về một tuần căng thẳng

Ngày 4 tháng 7, 2017, Bắc Hàn phóng thành công hoả tiễn liên lục địa có mang đầu đạn và có khả năng bay đến lãnh thổ Hoa Kỳ.

Ngày 28 tháng 7, lại phóng một hoả tiễn xa hơn, có khả năng bay đến tận Denver hay Chicago, nếu được phóng trong điều kiện toàn hảo.

Ngày 5 tháng 8, Liên Hiệp Quốc với số phiếu đồng thuận, ra nghị quyết áp dụng các biện pháp cấm vận chống Bắc Hàn.

Ngày 6 tháng 8, Bắc Hàn lên án nghị quyết này là sự tấn công trực tiếp và là sự vi phạm thô bạo chủ quyền của họ.

Ngày 8 tháng 8, Tổng Thống Trump tuyên bố Bắc Hàn sẽ phải đụng vào lửa và cơn thịnh nộ nếu còn tiếp tục đe dọa Hoa Kỳ.

Ngày 9 tháng 8, Bắc Hàn dọa sẽ phóng một loạt hoả tiễn vào vùng quanh đảo Guam

Ngày 10 tháng 8, Tổng ThốngTrump cho hay lời răn đe của ông chưa đủ cường độ.

Ngày 11 tháng 8, Tổng ThốngTrump tiết lộ rằng quân lực Mỹ đã sẵn sàng, đạn đã lên nòng.

Cũng ngày 11 tháng 8, Tập Cận Bình khi điện đàm với Tổng Thống Trump đã khuyên nên tự chế ngự. Họ đồng ý các biện pháp cấm vận.

Ngày 12 tháng 8, Hành Pháp Trump loan báo kế hoạch điều tra việc Trung Cộng đánh cắp các sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Ngày 14 tháng 8, Trung Cộng thông báo ngưng mua của Bắc Hàn than đá, sắt, và hải sản.

Ngày 15 tháng 8, Bắc Hàn tuyên bố hủy bỏ ý định bắn vào Guam.

Cuộc chiến tranh bằng mồm giữa Bắc Hàn và Mỹ càng leo thang, càng gây rối loạn cho thị trường thế giới, và làm rung động đến các quốc gia khác. Các lãnh tụ thế giới đều cho rằng thế giới đang đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh nguyên tử. Trong đầu tuần, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ sụt điểm một cách đáng lo ngại.

Tổng Thống Trump và Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình trong cuối tuần đã có cuộc điện đàm về những biện pháp cần áp dụng để ngăn cản Bắc Hàn tiến tới việc phát triển vũ khi nguyên tử và hoả tiễn.

Tổng Thống Trump nói rằng các lực lượng quân sự Mỹ dã ứng trực và đạn đã lên nòng, chỉ chờ bấm cò súng mà thôi trong trường hợp Bắc Hàn có hành vi ngu xuẩn..

Cần nhắc lại là Bắc Hàn chỉ trong một thời gian ngắn, đã thử nghiệm thành công chương trình hoả tiễn liên lục địa có gắn đầu đạn. Lần thử trong tháng 7 qua, Bắc Hàn đã đặt lục địa Bắc Mỹ vào tầm ngắm. Kim Jong Un đã đe dọa sẽ bắn vào đảo Guam của Mỹ trong vùng Thái Bình Dương. Người ta nghi vấn rằng Bắc Hàn đã mua được các động cơ hoả tiễn do Nga chế tạo qua đường dây buôn lậu phát xuất từ nước Ukraina hay có khi từ cả nước Nga. Đó là dự đoán của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế đưa ra hôm thứ Hai.

Trong khi đó, thì Hoa Kỳ  và Nam Hàn tuyên bố vẫn tiến hành cuộc tập trận chung bắt đầu từ đầu tuần tới. Giáo Sư Stephen Noerper của trường Đại Học Columbia cảnh cáo rằng việc tập trận này có thể làm cho căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên trở lại, và lần này có vẻ nghiêm trọng hơn nhiều.

Ngón đòn của Tổng Thống Trump với Trung Cộng

Vào đầu tuần này, Tướng Joe Dunford, Chủ Tịch Ủy Ban Tham Mưu Hỗn Hợp của Quân Lực Mỹ nói rằng Mỹ xem các lời đe dọa của Bắc Hàn là nghiêm trọng mặc dù phía Nam Hàn tỏ ra nghi ngờ khả năng của Bắc Hàn có thể phóng hoả tiễn một cách chính xác đến Hoa Kỳ.

Sau khi bàn luận với Tổng Thống và các viên chức quân sự Nam Hàn, Tướng Dunford đã nói rằng dựa trên tốc độ phát triển và thử nghiệm vũ khí của Bắc Hàn, ông thực tâm nghĩ rằng xung đột sẽ xảy ra nay mai mà thôi. Nhưng không chắc Bắc Hàn sẽ bắn vào Guam hay vào lục địa Mỹ. Chỉ trong một năm qua, Bắc Hàn đã 15 lần thử các hoả tiễn. Tuy nhiên, cả Mỹ lẫn Nam Hàn đều biết rằng Bắc Hàn không có khả năng và kỹ thuật gọi là “missile re-entry technology” để có thể phóng loại hỏa tiễn liên lục địa này vào lục địa Mỹ một cách thành công.

Theo một chuyên gia về các vấn đề Bắc Hàn của trường Đại học Yonsei ở Seoul, ông John Delury, cho rằng quyết định mới nhất của Kim Jong Un là kết quả sau những tuyên bố cứng rắn và quả quyết của Tổng Thống Trump cũng như của Giám Đốc CIA Mike Pompeo, và hai Bộ Trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng là ông Rex Tillerson và Jim Mattis.

Hành động cấp thời của Tổng Thống Trump là một trong những nỗ lực của Washington nhằm đạt sự cân bằng cho Trung Cộng giữa việc phải hợp tác với Hoa Kỳ để chống Bắc Hàn hoặc sẽ bị xét lại việc giao thương mà Hoa Kỳ gánh chịu mức thâm hụt đến 347 tỷ đô la.

Hôm thứ Hai, Tổng Thống Trump khi ký một công lệnh về giao thương với Trung Cộng, ông ra lệnh cho nhân viên khai thác những viễn ảnh để cấm vận Trung Cộng vì họ đã đánh cắp khoa học kỹ thuật tân tiến của Mỹ. Ông đã không nhắc gì đến việc Trung Cộng ngăn cấm việc nhập hàng của Bắc Hàn trong khi đó thì ông cũng không ngại ngùng khi nói đến sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng mà ông cho rằng chỉ mới là sự khởi đầu. Công lệnh này là công lệnh chính thức đầu tiên về hoạt động giao thương với Trung Cộng của Tổng Thống Trump. Đã từ lâu, ông luôn nói đến tình trạng thua thiệt của Hoa Kỳ bởi sự ma mánh bất chính của Trung Cộng trong khi giao thương.

Theo lời ông: “Chúng ta sẽ chống lại bất cứ quốc gia nào đem những ưu đãi về thị trường để ép buộc một cách phi pháp các công ty của Mỹ chuyển giao cho họ những kỹ thuật cao… Sự đánh cắp tài sản trí tuệ làm cho Hoa Kỳ mất đi hàng triệu công ăn việc làm và hàng tỷ, tỷ đô la mỗi năm”

Tuy nói cứng, ông Trump lại có cách xử thế mềm mỏng, có tính toán.

Ông đã ra lệnh cho đại diện thương mại của mình bắt đầu nghiên cứu xem có nên mở cuộc điều tra về những cáo buộc rằng Trung Cộng ép buộc nhiều quốc gia phải đăng bạ những phát minh kỹ thuật cao cấp cho các công ty Trung Hoa để đổi lấy sự cho phép tham gia vào thị trường của Trung Cộng. Nếu cuộc điều tra được tiến hành, nó sẽ mất hàng năm trời trước khi Tổng Thống có đủ dữ kiện để trừng phạt Trung Cộng.

Nhưng Tổng ThốngTrump ra điều kiện để mặc cả. Đó là việc Trung Cộng phải tích cực thật tình trong việc chế ngự Bắc Hàn. Trong nội bộ hành pháp của Trump, cũng có khuynh hướng muốn tách biệt hai lãnh vực kinh tế và an ninh.

Dự tính của Hoa Kỳ trong việc công bố sự vi phạm của Trung Cộng đã tạm ngưng khi Trung Cộng bỏ phiếu thuận cho biện pháp trừng phạt Bắc Hàn của Liên Hiệp Quốc.

Tuy thế, ngoài mặt, cả hai nước Mỹ Hoa đều phủ nhận việc liên đới giữa vấn đề Bắc Hàn và vấn đề giao thương như là những điều kiện áp lực của Hoa Kỳ.

Như đã nói, Trung Cộng là khách sộp nhất, chiếm hết 80% tổng số giá trị ngoại thương của Bắc Hàn; lên tới 3.5 tỷ đô la (so với ba nước kế đó là Ấn Độ, Pakistan, Nhật chỉ có chừng ba trăm triệu) . Từ lâu, Trung Cộng vẫn né tránh các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn phần vì e rằng làm cho nước Cộng Sản này sụp đổ, phần khác cũng do quyền lợi kinh tế của chính họ.

Phải thấy rằng cách xử trí của Tổng Thống Trump thật sâu sắc đã làm cho Trung Cộng cuối cùng phải nhượng bộ.

Trung Cộng cũng khó yên

Từ ngàn xưa, nước Trung Hoa vốn đã có tham vọng bành trướng. Họ tự tôn, coi mình là trung tâm, và xem các nước xung quanh là man di mọi rợ.

Trung Hoa đã thâu tóm các nước Mãn Châu, Ngoại Mông, Tân Cương, Tây Tạng. Từng đem quân chinh phục Việt Nam, Cao Ly…

Duới chế dộ Cộng Sản, tuy là anh em cùng lý tưởng, Trung Cộng vẫn nhiều lần gây hấn với Liên Bang Sô Viết mà nay là nước Nga.  Trung Cộng không ngừng quấy nhiễu ở biên giới tiếp giáp Ấn Độ.

Tin rất mới, là một cuộc chạm trán giữa quân Trung Cộng và quân Ấn Độ đã xảy ra hôm thứ Ba ở biên giới phần phía Tây của rặng Himalayas. Tuy chưa có súng nổ, nhưng hai bên đã xô xát, ném đá lẫn nhau  khi quân Trung Cộng xâm nhập vào trong lãnh thổ Ấn Độ gần hồ Pangong.

Đây không phải là lần đầu hai bên xô xát. Tại ngả ba biên giới giữa Trung Hoa, Ấn Độ và Bhutan, trong vùng Doklam, ngọn đèo tại đây đã bị đóng lại. Ở vùng Ladakh, quân Ấn nhiều lần phải dàn thành hàng rào người để ngăn sự xâm nhập của quân Tàu.

Bộ Ngoại Giao Trung Cộng đã ra thông cáo đòi Ấn phải rút quân đội và khí tài ra khỏi khu vực mà họ cho là thuộc chủ quyền Trung Hoa. Trong khi đó, phía Ấn Độ phủ nhận một đuờng ranh chung gọi là Line of Actual Control (ý nói không có gì rõ rệt vì không có gì làm mốc) ở vùng biên giới giữa hai nước. Sự xung đột xảy ra là do cách nhận thức khác nhau giữa lằn ranh vô hình này.

Trước việc vừa xảy ra, đã có lần quân đội hai nước đã có một sự trực diện đối đầu kéo dài trong hơn hai tháng ở một cao nguyên Daklam thuộc Ấn và bên kia là Donglang thuộc Trung Hoa. Đó là việc xảy ra từ tháng 6, 2017. Hai bên đã tăng cường quân đội tại khu vực này.

Trong lịch sử cận đại, hai nước đã có cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1962 và vấn đề biên giới đến nay vẫn chưa giải quyết được trong lúc căng thẳng càng ngày càng tăng thêm.

Hết Ấn Độ, lại xoay qua Nga.

Trên vùng đất không cây cối ở vùng cực đông Trung Hoa giáp giới với Nga, sự đối đầu đang trở nên nóng bỏng giữa hai nước khổng lồ về tiềm lực quân sự này. Đây là nơí cả hai nước đều có những sự phối trí các hoả tiễn có khả năng mang đầu đạn nguyên tử.

Vào tháng 6, Nga đưa đến khu vực này loại vũ khí tân tiến nhất để trang bị cho Lữ Đoàn 4. Đó là hệ thống hoả tiễn tầm ngắn có mang đầu đạn loại mạnh và nguy hiễm nhất có tên là Iskander-M.  Hoả tiễn này có tầm xa từ 250 đến 310 dặm Anh, tức là đặt Trung Cộng trong tầm bắn. Như thế, dọc biên giới Nga Hoa, con số các lữ đoàn có trang bị hoả tiễn này đã tăng lên gấp hai.

Trong đó, ở phía Nam biên giới, Trung Cộng đã đem vào những tỉnh Đông Bắc những hoả tiễn Dongfeng 41, là loại liên lục địa có khả năng mang nhiều loại dầu đạn nguyên tử khác nhau.

Tuy ngoài mặt, hai nước có vẻ là đồng minh như từng là đồng chí thời chiến tranh lạnh, mối quan hệ của họ đã căng thẳng thêm lên từ thập niên này. Năm 1969, những cuộc chạm súng ở biên giới đã xảy ra tưởng đã đưa đến cuộc chiến đẫm máu.

Bằng cách tăng cường loại hoả tiễn Isander-M, Nga dường như chứng tỏ sức mạnh của mình cho nước láng giềng phải kiêng dè.

Dọc theo chiều dài biên giới phía Viễn Đông này, bên Nga chỉ có 4 triệu dân so với 100 triệu dân Tàu. Từ nhiều năm, có khoảng 5 triệu dân Tàu chui qua biên giới vào nước Nga làm cho Nga lo ngại họ sẽ trở thành một đa số áp đảo tại khu vực. Tổng Thống Vladimir Putin từng tỏ ý lo ngại rằng mai đây, thế hệ con cái người Nga chỉ nói rặt tiếng Tàu.

Nhiều vùng quanh biên giới này ngày trước thuộc lãnh thổ một vương quốc có tên là Middle Kingdom. Sau này, đó là nơi hấp dẫn cho những nhà máy kỹ nghệ. Đó cũng là nơi có nhiều mỏ kim cương nhất của Nga, đứng hàng thứ ba về mỏ vàng; ngoài ra còn các mỏ kẽm, hơi đốt và các loại dầu khác.

Hiện nay, ngoài mặt hai nước khăng khăng chối việc họ bố trí các hoả tiễn nguyên tử, và tuyên bố họ vẫn là bạn đồng minh thân thiết.

Nhưng tại sao hai nước khổng lồ này quân sự hoá vùng biên giới nhạy cảm này?

Trong quá khứ, thời Nga còn là Liên Sô, những năm cuối thập niên 1960s, Trung Cộng đã từng lo sợ Nga tấn công đồng bộ vào Bắc Kinh và những tỉnh thành vùng Đông Bắc xuyên qua lãnh thổ Mông Cổ (lúc đó cũng là một nước Cộng Sản thân Liên Sô). Lúc đó Nga hơn hẳn Trung Cộng về mọi mặt, nhất là quốc phòng. Trung Cộng chỉ biết dựa vào lãnh thổ rộng lớn và số dân hàng tỷ để phòng ngự mà thôi. Về phía Liên Sô, họ cũng thấy lo sợ trước những tấn công biển người nên đã bố trí một hàng rào mìn nguyên tử dọc biên giới và chuẩn bị sẵn sàng bom nguyên tử để đánh Trung Cộng.

Từ đó cho mãi đến nay, hai bên vẫn tập trung quân đội để phòng ngừa nhau.

Thật đáng tiếc, chiến tranh đã không xảy ra. Vì nếu có, thì Trung Cộng đâu có viện trợ ồ ạt cho Việt Cộng và miền Nam Việt Nam đã không thất thủ; và ngày nay, dân tộc Việt đã không bị hiểm họa xâm lăng, đồng hoá của con quái vật khổng lồ tham lam và tàn ác.

Một tuần hỗn loạn tại Mỹ

Tại thành phố Charlottesville, Tiểu bang Virginia vào ngày 12 tháng 8, cuối tuần qua, có một vụ bạo động rất trầm trọng nổ ra giữa hai nhóm người. Trong khi một cuộc biểu tình của đám người da trắng cực đoan nhằm phản đối việc hạ bệ những bức tượng danh nhân miền Nam của thời Nội chiến, trong đó có tượng của Đại Tướng Robert Lee, Tư Lệnh Quân Đội miền Nam, thì lại có một nhóm khác kéo đến. Hai bên xung đột nhau dữ dội bằng gậy gộc. Trong lúc hai phe đang gờm nhau, một thanh niên da trắng đã lái chiếc xe ủi vào đám biểu tình làm chết một phụ nữ (cũng da trắng) và gây thương tích cho khoảng 20 người khác. Một trực thăng của Cảnh Sát Tiểu Bang (State Trooper) bị rơi trong khi theo dõi bạo động, làm chết hai nhân viên cảnh sát.

Tổng Thống Trump đã lên tiếng, lúc đầu ông kết án cả đôi bên. Nhưng đám truyền thông tả khuynh rêu rao rằng ông thiên vị. Sau đó ông phải nêu đích danh các tổ chức KKK, White Supremacy ra để tránh tiếng thiên vị.

Trong cuộc họp báo tại Toà Bạch Cung, ông giải thích rằng ông chỉ lên tiếng sau khi thu thập đủ tin tức chính xác chứ không hồ đồ hấp tấp để có thể sai lầm. Chúng ta còn nhớ có ít nhất 4 lần, cựu Tổng Thống Obama đã nhanh nhẩu lên tiếng mạt sát Cảnh Sát và bênh vực người da đen trong các vụ cảnh sát bắn chết, hay làm bị thương những tên vi phạm pháp luật. Điển hình là vụ tên Michael Brown, Trayvon Martin…  mà đã đưa đến những bạo động, cướp phá tại nhiều thành phố.

Người da đen cũng thường là nạn nhân của những vụ bắn giết của Cảnh Sát. Không hẳn phía cảnh sát chỉ nhắm vào họ vì màu da; nhưng vì việc họ gây tội phạm và thường có hành vi kháng cự, có khi sử dụng cả súng để bắn chết cảnh sát. Nhung bất kỳ hoàn cảnh nào, nguyên nhân nào, thì người da đen cũng đoàn kết bênh vực nhau.

Gần hai năm qua, chúng ta thấy phong trào Black Lives Matter đã phát triển, thêm sự xúi dục của phe tả khuynh. Họ đã gây hỗn loạn khắp nơi và đã đưa ra những đòi hỏi phi lý. Họ xem việc cha ông của họ bị bắt làm nô lệ như một tội ác mà nay người da trắng phải đền bù. Vì thế có rất nhiều người da đen không chịu kiếm công ăn việc làm mà kéo nhau đến các văn phòng Phúc Lợi Xã Hội để nhận tiền trợ cấp hàng tháng như là một việc đương nhiên.

Chính những sự phi lý, đòi hỏi quá đáng cuả họ làm cho những người bình thường cũng bất bình, phẫn nộ. Và nhóm da trắng cực đoan từ lâu vẫn giữ im lặng, nay có cơ hội bùng lên. Nước đã vỡ bờ.

Họ muốn xoá bỏ lịch sử Hoa Kỳ chăng?

Phe Dân Chủ, Liberal mấy năm qua đã biểu tình đòi tháo gỡ các bức tượng, các biểu tượng mà họ cho rằng gơi lại quá khứ nô lệ của dân da đen. Tại Louisiana, có hàng chục bức tượng của những nhân vật nổi tiếng miền Nam đã bị thành phố New Orlean hạ xuống, đem cất. Tại nhiều thành phố khác cũng thế. Người da đen trong Black Lives Matter quên rằng lịch sử đã qua đi lâu rồi, nước Mỹ đã hàn gắn ngay từ sau khi Bắc Quân chiến thắng Nam Quân. Tình trạng nô lệ, sản phẩm của một giai đoạn xa xưa cũng đã  xoá bỏ và người da đen dần dần có những quyền công dân như bất cứ sắc dân nào trên đất Hoa Kỳ. Nhưng nhân vật miền Nam nổi tiếng về nhiều phương diện khác nhau. Nếu cứ đổ cho họ là những người chủ trương nô lệ, thì e rằng có ngày họ sẽ đập nát Tháp Bút ở Thủ Đô hay bức tượng trên núi đá Rushmore ở South Dakota tưởng niệm vị Tổng Thống khai quốc George Washington. Hoặc Đài Kỷ Niệm Tổng Thống Thomas Jefferson. Vì cả hai vị Tổng Thống này cũng từng là chủ nô. Hoặc ở Georgia, họ sẽ cho mìn nổ tung Stone Mountain, nơi có chạm khắc hình ảnh Tướng Robert Lee. Tư Lệnh quân Miền nam thời nội chiến? Thật ra thì tượng của Tướng Lee đã bị triệt hạ tại vài thành phố do áp lực của bọn BLM rồi.

Hôm thứ hai, một nhóm người tả khuynh kéo đến trước khuôn viên Toà Án tại thành phố Durham, North Carolina. Một người leo lên thòng dây vào cổ một bức tượng đồng của một người lính vô danh của quân đội miền Nam đã có hơn 100 năm nay, để cho đồng bọn kéo đổ nhào xuống. Rồi cả đám đông nhảy vào, nhổ nước bọt, đạp vào mặt bức tương người lính. Theo báo chí cho hay, nhóm người tả khuynh này bao gồm bọn Dân Chủ Xã Hội Mỹ, Đảng Lao Động Thế Giới, Đảng Lao Công Kỹ Nghệ Thế Giới. Nghe những tên đã thấy sắc mùi Cộng Sản.

Họ hô vang những khẩu hiệu chống Cảnh Sát, chống KKK, chống Phát Xít và đặc biệt kêu gọi bạo lực. Chúng tôi ghi nhận trong một đám biểu tình bạo động ở Oregon, có lác đác vài lá cờ búa liềm của Liên Bang Sô Viết.

Giám mục da đen James E Dukes ở Chicago, ngày thứ Tư đã viết thư gửi Thị Trưởng Rahm Emanuel yêu cầu bỏ tên đường hai Tổng Thống Geoge Washington và Andrew Jackson ở một công viên phía Nam thành phố; đồng thời hạ luôn cả bức tượng của TT Washington tại đây. Sáng thứ năm, vừa mở TV ra, đã thấy Thống Đốc McAuliffe của Tiểu Bang Virginia đòi hủy bỏ tất cả những bức tương của những danh nhân miền Nam thời Nội Chiến. Ông này hiện đang bị điểu tra cấp Liên Bang về những vụ tiền bạc lem nhem trong chiến dịch vận động bầu cửa năm 2013.

Việc hô hào đập phá di tích nhằm xoá bỏ lịch sử này có khác chi hành động của bọn cuồng tín ISIS hay bọn Cộng Sản sau khi chúng chiếm cứ các thành phố, đã đập nát hàng trăm, hàng ngàn bức tượng, chùa chiền, nhà thờ, đốt sách vở của một nền văn hoá mà chúng cho là thù địch.Chúng ta, những người Mỹ gốc Á, bị đặt vào thế kẹt giữa hai lằn đạn. Dĩ nhiên, người Mỹ gốc Á không thể là bạn của nhóm da trắng cực đoan; và cũng không thể yên ổn trước bọn tả phái mà đa số là dân da đen và bọn thân Cộng. Dù chúng ta bất mãn về bọn tả khuynh, nhưng chúng ta cũng không thể chấp nhận tư tưởng tôn vinh người da trắng. Tư tưởng cực đoan dễ đưa đến chế độ phát xít, cũng là một nguy cơ cho nhân loại. Cách hay nhất là né tránh trong những xung đột như thế và trông chờ vào sự giải quyết thỏa đáng của chính quyền.

Không chào cờ: Phản đối hay phản bội?

Khác với các nước Cộng Sản mà lá cờ và chế độ chính trị gắn bó nhau như một, tại các quốc gia không Cộng Sản, lá cờ là biểu tượng thiêng liêng, có tính cách lịch sử của dân tộc mà dù qua bao biến đổi về thể chế, lá cờ vẫn tồn tại. Người dân có thể bất mãn, đứng lên chống chính quyền, nhưng không thể nào làm nhục quốc kỳ.

Tại Mỹ, do Tu Chính Án số 1 bảo vệ quyền tự do thể hiện, phát biểu của công dân mà đã xảy ra nhiều trường hợp oái oăm. Có những người đốt cờ, xé cờ, dùng cờ làm giẻ lau, nhưng luật pháp không thể trừng phạt vì coi đó như sự biểu lộ chính trị của người dân. Dĩ nhiên, các hiện tượng này là sai trái vô cùng, làm phẫn uất cho bao nhiêu người khác, nhất là những gia đình có cha ông, con em đã, đang chiến đấu, hy sinh thân xác cho lá cờ đó đứng vững trên chiến tuyến.

Chúng ta từng biết tên Colin Rand Kaepernick, một cầu thủ football nổi tiếng của đội bóng San Francisco 49ers, đã ngồi thụp xuống khi tất cả cầu thủ, khán giả đứng dậy chào quốc kỳ. Tên này là một tên mồ côi da đen, đuợc một cặp vợ chồng da trắng nhận làm con nuôi. Y được hưởng thụ mọi quyền lợi cuả một công dân, học hành, chơi thể thao kiếm hàng chục triệu mỗi hợp đồng. Sau khi có hiện tượng trên, số khán giả theo dõi của Hiệp Hội Football Quốc Gia (NFL) đã giảm sút 8% trong năm đó. Hậu quả là các đội bóng không còn muớn y chơi nữa.

Rồi mới dây, cũng một cầu thủ football da đen khác, Marshawn Lynch của đội bóng Oakland Raiders, đã không chịu đứng dậy khi hàng ngàn người trong sân banh nghiêm chỉnh chào quốc kỳ. Việc này xảy ra trong trận đấu giữa Raiders và Cardinals của Arizona.

Và dĩ nhiên, khán giả đã phản ứng. Dân biểu Allen West, một cựu Trung tá Lục Quân và là một người da đen, đã viết trong lá thư gửi ra cho những tên không chịu chào cờ rằng: “Trước hết, tôi xin làm sáng tỏ, Các ông là những người làm ra hàng chục triệu nhờ vào việc ném banh. Các ông có quyền ngồi thụp xuống khi quốc thiều trổi lên. Nhưng xin các ông đừng bao giờ quên  rằng, cái đất nước mà các ông đang sống trong đó đã cống hiến cho các ông mọi ưu quyền, trong đó có quyền tự do.”

Nhân vụ cờ, xin nói qua về việc một thanh niên trong tháng này đã nhiều lần mang lá cờ của Việt Cộng thách thức đồng hương Việt tị nạn tại Virginia. Người này tên là Vũ Trọng Khá, chừng trên 30 tuối, không rõ xuất xứ lai lịch. Lợi dụng luật pháp Hoa Kỳ, anh ta đã chạy xe vào tận Thương Xá Eden ở Falls Church, Virginia, có gắn trên xe lá cờ đỏ sao vàng. Nhiều lần, đồng hương bao vây anh ta và gọi cảnh sát đến can thiệp. Sau khi các tổ chức Hội đoàn như Cộng Đồng, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ đã tiếp xúc với Cảnh Sát và người chủ khu Thương Xá để tìm biện pháp ngăn cản, anh này đã chạy qua khu đối diện để tiếp tục thách thức. Hôm 16 tháng 8, hai lần đồng hương đã giật đuợc lá cờ và xé nát. Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ đã có thông cáo yêu cầu đồng hương bình tĩnh, xử lý theo pháp luật bằng cách nhờ Cảnh sát can thiệp và tẩy chay những loại người như thế; đồng thời vận động lập pháp địa phương ban hành nghị quyết cấm hẳn việc trưng bày cở đỏ trước mắt những người tị nạn Cộng Sản.

Trục xuất tội phạm, chứ không phải trục xuất người tị nạn.

Hôm qua, một người bạn chuyển cho chúng tôi bản tin trên đài VOA về việc một người Việt gốc thiểu số Thượng ở Tiểu bang North Carolina đã bị cơ quan ICE bắt và trục xuất về Việt Nam. Người này có tên là Chuh A, 31 tuổi, can tội vận chuyển ma túy MDMA, mà bên Việt Nam gọi là “thuốc lắc”. Anh ta có lệnh trục xuất từ hồi tháng 6 năm ngoái 2016; nhưng do phía Việt Nam không chịu cấp Visa để cho anh ta hồi hương. Anh ta bị giam giữ tại nhà tù ở Irwin County, Tiểu bang Georgia cho đến ngày bị đưa lên phi cơ về Việt Nam. Chuh A là con của Ton Ngiu, một người Thượng ở Kontum từng tham gia vào lực lượng bán quân sự do Mỹ tuyển mộ gọi là CIDG (Civilian Irregular Defense Group) mà chúng ta thường gọi là Dân Sự Chiến Đấu hay Biệt Kích Thưọng. Gia đình này đến Mỹ theo thành phần tị nạn vào năm 1998, khi đó Chuh mới 13 tuổi nhưng đã không nhập tịch Hoa Kỳ. Do đó ở trong tình trạng bất hợp pháp. Chuh bị trục xuất nhưng người vợ không hôn thú (common-law wife) là Rex Ny, một người làm nghề Nails ở lại Mỹ với 4 đứa con nhỏ từ 5 đến 12 tuổi.

Việt Nam đứng sau Trung Cộng và Cuba về số người bất hợp pháp phạm pháp đang chờ bị trục xuất. Trung bình hàng năm, Hoa Kỳ trục xuất khoảng 40 người Việt sống bất hợp pháp và có phạm tội. Có đến 8500 trường hợp người Việt đang chờ bị trục xuất theo dạng này.

Có những lời kêu gọi để can thiệp vào các trường hợp người Việt bị trục xuất. Họ không nêu ra tiêu đề là người Việt cư trú bất hợp pháp và phạm tôi; nhưng gọi một cách mơ hồ là người Việt tị nạn. Đó là cách nhập nhằng của phe tả khuynh để đánh lạc hướng dư luận, vu khống cho chính quyền là đàn áp người thiểu số.

Người Mỹ gốc Việt dĩ nhiên phải bảo bọc nhau khi có những hoạn nạn, khó khăn. Nhưng chúng ta không thể bao bọc cho kẻ phạm pháp. Tất cả người trên đất Mỹ không ai được miễn trừ về phương diện pháp luật.

Những người tị nạn chúng ta cần hiểu rằng đất nước Hoa Kỳ đã mở rộng vòng tay, cưu mang chúng ta , tạo cho chúng ta cơ hội đồng đều để sinh hoạt, học hỏi, làm việc và thăng tiến. Để đền đáp cái ơn này, đại đa số người Việt đã có những đóng góp tích cực vào xã hội Mỹ. Con sâu làm rầu nồi canh. Bên cạnh những người lương thiện, cũng có những kẻ bất lương, lạm dụng và gây tội ác. Công tâm mà nói, thì làm tốt sẽ được khen thưởng; và làm bậy thì sẽ bị trừng phạt. Chúng ta không nên nhắm mắt bênh bừa. Vì nếu đây là đất nước Việt Nam của chúng ta, chúng chắc chắn cũng đưa kẻ tội phạm vào giam giữ sau cánh cửa sắt.

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt không có gì phải hoang mang, lo lắng, nếu chúng ta đang sống hợp pháp và biết tôn trọng pháp luật nghiêm chỉnh.