Thời Sự Hàng Tuần 09-09-2017 – Lại chú Kim Jong Ủn!

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Vấn đề trẻ em bất hợp pháp

DACA là chữ tắt của Deferred Action for Childhood Arrivals (DACA) là một sắc lệnh hành chánh do cựu Tổng Thống Obama ký vào tháng 6, 2012 để cho phép một phần di dân bất hợp pháp mà khi vào Mỹ còn là trẻ vị thành niên đuợc tái cấp giấy phép ở lại Mỹ và được phép đi học và kiếm việc làm. Giấy phép ở lại này phải dược tái cấp hai năm một lần.

Ngay tù lúc ban đầu, Trung tâm Nghiên cứu PEW ước tính có khoảng 1.7 triệu người trong trường hợp này. Sắc lệnh DACA nhằm bảo vệ cho các trẻ em này không bị trục xuất.

Theo sắc lệnh hành chánh của Obama, để đưọc hưỏng chương trình DACA này, đối tượng phải hội đủ các điều kiện sau (nhưng cũng chưa hẳn đã được chấp thuận một các đương nhiên):

  • Đã nhập cư vào Mỹ trước khi đến tuổi 16.
  • Sinh sống liên tục ở Mỹ kể từ ngày 15 tháng 6, 2007.
  • Phải dưới 31 tuổi, tính đến ngày 15 tháng 6, 2012 (tức là phải sinh sau ngày 16 tháng 6, 1981)
  • Phải thực sự hiện diện tại Mỹ vào ngày 15 tháng 6, 2012, tức là ngày người này nộp đơn yêu cầu cứu xét hoãn sự thi hành với ơ Quan Di Trú và Quốc Tịch.
  • Không vi phạm trọng tội, hay trên hai lần vi phạm khinh tội; không có biểu hiện gây nguy hiểm về an ninh quốc gia hay an ninh công cộng.
  • Đã tốt nghiệp trung học hay GED, hay đang theo học tại các trường, hay đã xuất ngũ.
  • Không có vấn đề rắc rối nào với luật pháp (ý nói không có nghi ngờ gì về đủ các vấn đề hình hay hộ hay dân sự).

Vào tháng 11, 2014, Obama đã có ý định nới rộng chương trình DACA để bao gồm cả cha mẹ của những em này cũng được định cư, nhưng bị 25 Tiểu băng nộp đơn kiện. Vào tháng 2, 2015, Thẩm Phán Andrew Hanen ra phán quyết ngăn chận sự thi hành này. Khi lên tới Tối Cao Pháp Viện, thì bị khựng lại vì số phiếu thuận và chống ngang ngửa (4-4). Xin nhắc là sau khi ông Scalia bị đột tử, Tối Cao Pháp Viện chỉ còn 8 vị và các Dân Biểu Cộng Hoà không chịu đồng ý vị Thẩm phán bổ sung do Obama bổ nhiệm.

Qua tháng 6, 2016, Cơ quan Di Trú và Quốc Tịch Mỹ nhận được 844,931 đơn xin hưởng tình trạng DACA, có 741,546 người đuợc chấp thuận tức 88%, 60,269 bị bác đơn (7%) và 43,121 bị trì hoãn (5%). Hơn một nửa số người này cư trú ở hai tiểu băng Texas và California.

Con số học sinh sinh viên cư trú bất hợp pháp gia tăng đáng kể. Có khoảng 65 ngàn học sinh bất hợp pháp tốt nghiệp trung học mỗi năm tại Mỹ.

Hiện nay có khoảng 800 ngàn người ở trong tình trạng này (các em nhỏ nhập cư bất hợp pháp) trong đó một số đã lớn lên, tốt nghiệp Trung Học hoặc một số ít đã nhập ngũ trong quân đội Hoa Kỳ.

Sau khi Tổng Thống Trump nhậm chức và có biện pháp khắt khe với người di dân bất hợp pháp, có nhiều người bị bắt giữ để trục xuất. Như trường hợp Daniel Ramirez Medina, 23 tuổi, ở Northwest Detention Center, Tacoma, Washington ngày 14 February, 2017 và Daniela Vargas, 22 tuổi ở Jackson, Mississippi

Biện pháp của Hành pháp Trump

Ngày 16 tháng 6, 2017, Bộ Nội An tuyên bố vô hiệu hoá sắc luật hành chánh của Obama về việc nới rộng chương trình DACA này. Nhưng chương trình DACA nguyên thủy thì đang đuợc xét lại. Mới đây, ngày 5 tháng 9, Tổng Thống Trump tuyên bố hủy bỏ hẳn DACA. Nhưng vì sự chống đối của nhiều người, ông nhượng bộ, dành việc quyết định cho Quốc Hội. Ông ra hạn kỳ trong 6 tháng phải giải quyết xong.

Hôm thứ Ba, Tổng Thống Trump nói rằng ông rất muốn vấn đề này được giải quyết sớm trong sự cảm thông và tình cảm. Sở dĩ ông bất bình là do việc cựu Tổng Thống Obama đã vi phạm hiến pháp khi ông vượt quyền Quốc Hội để ban hành sắc lệnh mà theo ông Trump thì có những nguy hiểm trong việc ân xá. Theo ông, chỉ có Quốc Hội mới có thẩm quyền làm luật. Ông cho rằng DACA tạo ra mối nguy hiểm là khuyến khích thêm nhiều người di dân bất hợp pháp mà đã được chứng minh với làn sóng nhập cư bất hợp pháp kể từ năm 2012. Ông Bộ Trưởng Tư Pháp và nhiều giới chức cũng xác nhận sắc lệnh DACA của Obama là bất hợp pháp, bất hợp hiến và nếu đưa ra toà, nó sẽ không đứng vững được.

Tổng Thống Trump dứt khoát rằng chỉ có một đạo luật do Quốc Hội làm ra mới khả thi để giữ an ninh công cộng, bảo vệ giới trung lưu và nền kinh tế của Mỹ.

Đúng thế, chính cựu Tổng Thống Obama đã từng nói rằng ông ta không thể tự mình làm những việc này. Nhưng trong thực tế, ông dã làm vậy khi tự ý ban hành lệnh mà né tránh sự can thiệp của Quốc Hội. Quốc Hội đã nhiều lần bác bỏ khuynh hướng của Obama là ưu tiên ân xá trước đã. Do khuynh hướng này mà nở rộ lên việc người các nước Trung Mỹ ồ ạt đưa con cái nhỏ tuổi ném vào nước Mỹ như chúng ta thường thấy nhưng chuyến tàu với hàng trăm em ngồi trên nóc hay những ngưới dắt mối dẫn đi mỗi lần hàng chục trẻ gần như công khai vượt qua biên giới Mỹ-Mexico.

Bọn tội phạm, cũng nhân đó mà xâm nhập vào Mỹ. Hậu quả là băng đảng khét tiếng MS-13 được tăng cường nhân sự là các em nhỏ nay đã lớn lên. Cũng cần nói đến một việc tắc trách và nguy hiểm. Các em nhỏ Trung Mỹ khi vào Hoa Kỳ không có cha mẹ, than nhân đi kèm. Vì thế, các cơ quan chức trách đã tìm cách giao chúng cho những gia đình người Hispanic trông giữ. Mà oái oăm thay, phần lớn gia đình này lại là di dân bất hợp pháp. Vì thế, các em lớn lên trong những môi trường thiếu lành mạnh và có nhiều cơ hội hư hỏng, tham gia băng đảng.

Nhận xét:

Về mặt nhân đạo, thì Hoa Kỳ được hình thành bởi di dân. Bức tượng Nữ Thần Tự Do, mà trong vòng hơn trăm năm nay, người di dân khi đặt chân lên thành phố New York của Hoa Kỳ xem đó là biểu tượng, sự chào đón những người rách rưới, bất hạnh tìm đến mảnh đất hứa Hoa Kỳ với cơ hội thăng tiến, thực hiện giấc mơ cuộc đời. Vì thế, Hoa Kỳ luôn luôn có những chương trình di dân để cho phép những người dân các nước đến định cư. Nhưng phải có những hạn chế, như cấp khoản bao nhiêu người trong một năm, chia ra cho từng nước, từng châu lục chứ không để bất cứ ai cũng ồ ạt tràn vào. Làm như thế để vừa quân bình các sắc dân, vừa bảo đảm cho việc phối trí công ăn việc làm. Lãnh vực nào cần người thì sẽ có sự ưu tiên hơn.

Nhưng Hoa Kỳ luôn đối phó với nạn nhập cư lậu. Những người từ Mexico và các nước Trung Mỹ hàng năm xâm nhập vào Hoa Kỳ với những con số chóng mặt. Mỗi lần chính quyền ra ban hành biện pháp hạn chế thì không thiếu gì người hay các tổ chức phản đối. Rồi khi có biện pháp điều chỉnh, nới rộng, thì lượng người di dân bất hợp pháp lại lợi dụng tràn vào nhiều hơn. Những di dân bất hợp pháp là một mối đe dọa cho an ninh trật tự và cho cả công ăn việc làm của công dân Mỹ. Chưa kể ngân sách phúc lợi xã hội, ngân sách giáo dục, y tế khổng lồ để chăm sóc cho họ, dù họ chưa bao giờ đóng góp một xu vào ngân quỹ.

Nói thương người thì rất dễ, nhưng không ai nghĩ tới việc trước hết là phải thương dân mình, sau mới thương đến dân lạ.

Hàng năm, số tội phạm do bọn di dân bất hợp pháp rất cao. Họ vào đất Mỹ mà không có tay nghề, không có khả năng sinh ngữ nên không kiếm đuợc việc làm. Một số không nhỏ là bọn buôn bán vận chuyển ma túy. Vì vậy hậu quả là tội phạm trong đám người này gia tăng.

Về Pháp Lý: Hoa Kỳ là quốc gia tôn trọng pháp luật. Hoa Kỳ đã có luật di dân cho phép những ai muốn tìm cơ hội có thể được xét cho vào Mỹ. Việc nhập cảnh bất hợp pháp cần phải được chấm dứt. Biện pháp của Tổng Thống Trump, ngay cả của cựu Tổng Thống Obama là trục xuất người bất hợp pháp là rất đúng. Tổng ThốngTrump đã hứa rằng những người bị trục xuất có thể làm đơn xin vào Mỹ một cách hợp pháp. Chính vì nhu cầu chính trị, cần lá phiếu trong bầu cử, cần sự ủng hộ của những người Latino, mà các hành pháp Dân Chủ, đảng Dân Chủ đã chủ trương nới tay. Sắc lệnh mở đường cho trẻ em bất hợp pháp không bị trục xuất của Obama vi phạm hiến pháp, vì qua mặt Quốc Hội. Các ứng cử viên Dân Chủ cũng từng đòi phải cấp thẻ xanh, quốc tịch cho hết cả 11 triệu dân đang sống bất hợp pháp ở Hoa Kỳ. Nếu làm như thế, con số dân nhập cư bất hợp pháp lại sẽ gia tăng, và một ngày nào đó, dân số bất hợp pháp sẽ trở thành đa số trong dân chúng Mỹ.

Những người chống lại việc cho trẻ em ở lại hợp pháp e ngại rằng việc này sẽ mở đuờng cho việc người các nước Trung Mỹ tuồn trẻ em vào thêm, và các em khi lớn có quốc tịch sẽ bảo lãnh cha mẹ, anh chị em, rồi tuần tự, những người này bảo lãnh tiếp. Làn sóng nhập cư của sắc dân Hispanic sẽ rất đông gây tình trạng bất quân bình chủng tộc ở Mỹ.

Vì thế, để bảo vệ quyền lợi tối cao của đất nước, bộ Nội An sẽ có phương cách để chuyển tiếp sắc lệnh DACA này sao cho thuận lợi, giảm thiểu sự gián đoạn. Đó là cách tạm ngưng chấp thuận những đơn xin làm việc, nhưng vẫn chấp thuận những người đang có việc làm cho đến khi hết hạn trong phạm vị hai năm tới.

Vì những người trẻ bất hợp pháp này được gán cho nhãn hiệu “Dreamer”, ông Trump nhấn mạnh: “Trên tất cả, chúng ta phải nhớ rằng, chính thanh niên Mỹ cũng là những Dreamers. Chúng tôi là nhà cầm quyền, nên phải đặt sự ưu tiên. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là ổn định công ăn việc làm, lương bổng, và an toàn cho lao động Mỹ cùng gia đình họ, rồi mới nói đến cải cách về di dân

Có thể, Tổng Thống Trump sẽ thương lượng với Quốc Hội để mặc cả. Hợp pháp hoá DACA thành một đao luật để đổi lấy việc cắt bới một nửa con số trong chương trình di dân hợp pháp.

Bắc Hàn lại hung hăng 

Thật khổ tâm khi một nước lớn như Hoa Kỳ mà cứ bị nước nghèo mạt rệp, nhỏ xíu nay thách thức, mai quấy phá.

Dù bị các nước phản đối gay gắt, dù bị Liên Hiệp Quốc ra phán quyết lên án và cấm vận sau gần một năm liên tục thử nghiệm các hoả tiễn mang đầu đạn; Bắc Hàn hôm Chủ Nhật tuần trước lại cho thử vũ khí nguyên tử lần thứ 6, mà lần này rất mạnh, có khả năng tạo ra sức nổ gấp 10 lần loại đầu đạn mà họ sẵn có.

Bắc Hàn hiện nay đã chế tạo và thử nghiệm thành công trái bom khinh khí đầu tiên. Đó là loại bom có sức tàn phá rất dữ dội so với các loại đầu đạn mà Bắc Han đang tồn trử trong kho của họ. Sức công phá của nó có thể nói mạnh hơn sức mạnh tổng hợp của tất cả các lần thử nghiệm trước đây gộp lại.

Theo cơ quan tình báo Hoa Kỳ, thì sức nổ này tương đương 140 kilotons (ngàn tấn) thuốc nổ TNT. Bắc Hàn đã thử nghiệm vũ khí nguyên tử lần đầu vào năm 2006 với sức nổ dưới 1 kiloton. Lần thứ hai có sức mạnh 9 kilotons. Lần thứ ba và lần thứ tư, sức nổ tăng lên khoảng 12 kilotons.

Lần thứ năm trước đây, vào tháng 9, 2016, nó vọt lên khoảng 20 kilotons, cùng lúc với việc sản xuất đầu đạn nguyên tử tương đuơng với trái bom Little Boy mà Hoa Kỳ đã thả ở Hiroshima ngày 6 tháng 8 năm 1945. Với những klhả năng nêu trên, rõ ràng Bắc Hàn đã có thể đánh phá được nhiều thành phố của Mỹ hay những thành phố đông dân của các quốc gia khác.

Tuần san Newsweek đã dùng bản đồ nguyên tử của nhà sử học về nguyên tử Alex Wellerstein để tính ra sự tàn phá nếu Bắc Hàn tấn công vào các thành phố của Hoa Kỳ. Với trái bom 15 kilotons đánh vào trụ sở của báo Newsweek ở Manhattan, New York, nó có thể làm chết ngay lập tức 174, 640 người và làm bị thương đến 291,630 người khác.  Con số người chết sẽ tăng lên 477,470 cộng với 1.5 triệu người bị thương nếu sử dụng đến trái bom 150 kilotons.

Trái bom mà Bắc Hàn vừa thử hôm Chủ Nhật với 120 kilotons, sẽ mạnh gấp 8 lần trái bom Hoa Kỳ thả xuống Hiroshima.

Tính khí hung hàng của Kim Jong Un

Thật khó mà dò được hành vi điên rồ cũng như khó mà đối phó với Kim Jong Un. Bản chất điên rồ, cộc cằn thô bạo của Un từng thể hiện khi còn nhỏ.

Lúc còn học bậc trung học, Kim Jong Un đã từng có hành vi thô bạo với cô bạn gái 15 tuổi, khi cô này chỉ khuyên Un bỏ thuốc lá. Đó là tiết lộ của ông Nam Sung Wook, cựu Giám Đốc Trung Tâm An Ninh Chiến Lược Quốc Gia, là cơ quan nghiên cứu về các vấn đề đối nội của Triều Tiên.

Kim Jong Un đã nổi bùng cơn giận dữ với cô bồ chỉ vì một lời khuyên bảo. Tính khí này theo mãi trong con người Kim cho đến nay, dù đang ở cương vị lãnh tụ một nước. Ông Nam đã từng theo dõi hành vi của Kim Jong Un trong thời giam Un còn theo học tại Trung Học Quốc tế ở thành phố Bern, Thụy Sĩ.

Theo ông Nam, không có phương cách gì để giải quyết tính khí điên loạn của Kim ngoại trừ việc loại bỏ Kim Jong Un. Ý nói phải ám sát Kim. Ông nói: “Việc thử nghiệm nguyên tử mới đây đã bộc lộ hẳn ý đồ hung hản của Un. Nếu không triệt anh ta, thì sẽ không giải quyết được gì cả.

Cha của Un là Kim Jong Il, lãnh tụ tiền nhiệm của Bắc Hàn từng bị đột trụy tim mạch và chết vào tháng 12 năm 2011. Un là con thứ ba, lẽ ra không được nối ngôi cha. Nhưng anh của Un là Kim Jong Nam thì sống biệt xứ ở Macau nhiều năm; đứa con thứ hai là Kim Jong Chul thì bị cha xem là yếu ớt như con gái. Kim Jong Nam sau này bị ám sát chết ở Kuala Lumpur, Malaysia vào tháng 2 năm nay. Người ta cho hay đó là do âm mưu của Kim Jong Un.

Như vậy, quý vị đã thấy ngoài chế độ độc tài Cộng Sản, lại còn một lãnh tụ điên rồ. Thảm họa của thế giới là ở đó..

Phản ứng của Nam Hàn

Hiện nay Nam Hàn đang đe doạ sẽ dùng thứ hoả tiễn mang tên Frankenmissile để san bằng các giàn phóng và căn cứ nguyên tử của Bắc  Hàn.

Loại hoả tiễn Frankenmissle vừa được chế tạo có khả năng mang theo trái bom 2 tấn và bắn tới bất cứ nợi nào trên lãnh thổ Bắc Hàn, kể cả chui vào các hầm hố ở các căn cứ quân sự.

Cái tên kỳ lạ này ví loại hoả tiễn này là sự phối hợp của hai loại hoả tiễn đang có.

Việc tuyên bố về loại hoả tiễn này xảy ra sau khi cả Hoa Kỳ và Bắc Hàn đồng ý hủy bỏ kế hoạch nhằm hạn chế số lượng hoả tiễn của Nam Hàn. Trước đây, Nam Hàn bị cấm gắn các loại bom trên 500 kí vào các hoả tiễn có tầm xa 800 kim.

Thật sự thì Nam Hàn không có khả năng đánh sập các hầm ngầm kiên cố của Bắc Hàn nếu không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ với loại Bunker Buster Bomb.

Nhưng nay thì hai Tổng Thống Trump và Moon Jae-in cùng đồng ý về quyết định trên. Ông Moon nói rằng phải tìm những biện pháp thực tế và mạnh bạo để đối phó với khủng hoảng hiện nay và ngăn chặn một cuộc xung đột.

Giáo sư Kwon Yong Soo của trường Đại Học Quốc Phòng Nam Hàn nói rằng “Nhờ có biện pháp này mà đã thúc đẩy Nam Hàn vững tâm hơn trong việc trả đũa Bắc Hàn. Với hoả tiễn mang đầu đạn 1 tấn, thì Nam Hàn dư sức đánh vào các địa đạo miền Bắc bất cứ nơi đâu.”

Nam Hàn đang thành lập một đơn vị đặc nhiệm để ám sát Kim Jong Un và các lãnh tụ khác của Bắc Hàn. Đơn vị này sẽ xuất quân vào đầu tháng 12 này với sự phối hợp với toán SEAL 6, là toán biệt kích dã ám sát Bin Laden trước đây.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Nam Hàn đã trình bày trước Quốc Hội việc họ đã chuẩn bị xong kế hoạch này và sẽ bắt đầu vào đầu tháng 12.

Sáng sớm hôm thứ Tư, Không quân Trung Cộng đã thưc tập ở vùng biển Bố Hải, gần bán đảo Triều Tiên với một tiểu đoàn phòng không. Quân lính đuợc di chuyển từ một địa điểm miền trung Trung Hoa. Họ xem đây là thí nghiệm tốc độ phối trí của binh sĩ, sự phản ứng nhanh và khả năng tác chiến nhằm chống lại một cuộc tấn công bất ngờ. Việc thực tập này diễn ra ngay sau khi Bắc Hàn thử nghiệm trái bom khinh khí. Tuy thế, giới quan sát cho hay rằng Trung Cộng đang lo ngại việc Hoa Kỳ tập trung quân rầm rộ ở vùng này; nhất là hệ thống phòng thủ chống hoả tiển bố trí ở Nam Hàn.

Cũng hôm thứ tư, có một cuộc điện đàm giữa Tổng Thống Trump và Tập Cận Bình mà theo ông Trump, thì hai bên có những đồng ý rằng biện pháp ngoại giao cần thiết hơn quân sự. Tập Cận Bình cho hay Trung Cộng triệt để ngăn chận nguyên tử hoá vùng bán đảo Triều Tiên. Nhưng không nói rõ sẽ làm sẽ trong khi Bắc Hàn đã có bom nguyên tử!

Rõ ràng là có một thế đối đầu đa phương ở vùng này. Nga, Trung Cộng, Hoa Kỳ tuy cùng ngán ngẩm Bắc Hàn, nhưng họ cũng gờm nhau giữa từng cặp một.

Hoa Kỳ sẽ phải làm gì?

Mặc dù mức kiên nhẫn của Hoa Kỳ đã đến giới hạn, bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cũng phải thốt lên rằng”Kim Jong Un van xin chiến tranh”, và Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis đã nhấn mạnh rằng “chúng ta đã có sự lựa chọn sẵn về quân sự”, thì khuynh hướng chống lại sự can thiệp quân sự lại dâng cao hơn ngay cả thời gian trước khi Bắc Hàn bắt đầu con đuờng nguyên tử hoá vào giữa thập niên 1990.

Dĩ nhiên Hoa Kỳ có thừa khả năng triệt hạ các cơ sở nguyên tử của Bắc Hàn với hàng loạt hoả tiễn Tomahawk như từng làm tại Syria hồi đầu năm nay. Nhưng có người lo rằng về phương diện tình báo chiến lược thì chúng ta không nắm rõ được các điạ điểm chính xác; do Bắc Hàn từ trước đến nay là một nước đóng kín, bị cô lập. Họ có những hầm ngầm để chứa vũ khí; ngay cả các giàn phóng hỏa tiễn cũng lưu động. Vì thế, đánh vào các mục tiêu như thế chỉ phí phạm bom đạn mà thôi. Nói là để nói! Chứ hệ thống vệ tinh của Mỹ bay trên trời nó soi rõ mọi thứ duới đất và ngay cả trong lòng đất nhờ máy dò sonar. Coi những cuốn phim gián điệp thì đủ thấy. Ngay cả việc đơn giản nhất là cái camera hiện nay gắn trên cao, nhưng nó đọc rất rõ bảng số xe dù xe chạy với tốc độ 70, 80 dặm một giờ và cái bảng số nó nằm ở một góc độ gần như thẳng góc với camera.

Trong khi đó, ngược lại, Bắc Hàn biết quá rõ về Hoa Kỳ. Nhất là nếu chúng nhắm vào các thành phố đông dân, thì với tầm phóng 6500 dặm, các thành phố này sẽ là những mục tiêu rất rõ ràng trong ống nhắm. Chưa kể đến việc Kim Jong Un có thể dùng tiềm thủy đỉnh để phóng đi.

Nếu tính về địa chiến, thì đừng quên rằng Bắc Hàn có một quân số đông hạng tư trên thế giới (1.2 triệu), nếu kể luôn lính trừ bị, dân quân thì đứng đầu thế giới. Bắc Hàn có hơn 1000 hoả tiễn các loại, lại còn vũ khí hoá học như chất Sarin, chất VX xâm nhập trực tiếp tàn phá não bộ con người. Theo tin tình báo Hoa Kỳ, Bắc Hàn có từ 30 đến 60 bom nguyên tử!

Hiện nay, thì lục địa Mỹ vẫn còn tương đối an toàn. Có thể, chỉ vùng phía tây như California là bị đe doạ. Nhiều người còn cho rằng Bắc Hàn không có ý đồ nhắm vào Hoa Kỳ lúc này, mà mục tiêu là các nước đồng minh như Nhật và Nam Hàn vừa đông dân vừa gần sát với Bắc Hàn. Tại Nam Hàn, hiện Mỹ có 28.5 ngàn lính; ở Nhật có khoảng 50 ngàn lính và khoảng 10 ngàn dân chính Mỹ. Có thể, đó là những mục tiêu đầu tiên của Kim Jong Un chăng?

Chắc chắn Hoa Kỳ còn phải vận động hai nước Nam Hàn và Nhật cùng quyết tâm thì mới dám đánh Bắc Hàn. Nhưng như đã nói, Nhật và Nam Hàn cũng ngại lắm chứ. Nhưng khi không còn cách nào khác để ngăn chặn Kim Jong Un, thì phải liều thôi.

Lỗi tại ai?

Việc ngăn cản bành trướng vũ khí nguyên tử, thật ra là lỗi của nhiều đời Tổng Thống Hoa Kỳ, lỗi của những quốc gia khác nữa, đã không ngăn chặn ngay từ trứng nước.

Ngay từ thời cố Tổng Thống Eisenhower khi đối đầu với Liên Sô, rồi Lyndon Johnson và Kennedy đối đầu với Trung Cộng thời Mao Trạch Đông. Từ phút đầu, việc ngăn chặn đã không vượt qua được những phân tích lợi hại; và lịch sử đã chứng minh là đúng thế. Người ta quá e sợ chiến tranh và đã làm cho tình hình tồi tệ hơn để đến khi nổ ra chiến tranh thật sự, thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Bắc Hàn đã đánh vào tâm lý lo âu này của nước giàu mạnh Hoa Kỳ và thường có nhiều thuận lợi nếu phải thương lượng.

Một ai đó đã nói một câu rất chí lý: “Nếu anh tạo được sự lo lắng trong lòng đối phương, anh sẽ thấy vô cùng thoải mái khi ngồi vào bàn thương lượng.”

Nếu như Hoa Kỳ và Nam Hàn tung tin ám sát lãnh tụ Bắc Hàn để làm nóng vấn đề, thì cũng có nguy cơ sai lầm trong tính toán. Nếu Hoa Kỳ thật sự muốn đánh phủ đầu Kim Jong Un, thì phải di tản hết kiều dân Mỹ ở các nước Nhật và Nam Hàn. Và những điều này sẽ là tiếng chuông báo động cho Bắc Hàn, biết đâu họ không chơi trò tiên hạ thủ vi cường?

Dù Hoa Kỳ dư khả năng xóa sạch Bắc Hàn trên bản đồ thế giới, thì ngược lại, với bản tính hung hăng, hiếu chiến, họ cũng sẽ quẫy mình để sống còn. Và hậu quả là sẽ có hàng triệu người vô tội bị chết oan ức.

Có thể kết luận rằng, đây là một thách đố nguy hiểm: Tao chết thì cả lũ chúng mày cùng chết theo!

Do đó, xin chớ trách cứ Tổng Thống Trump sao cứ doạ, dọa mãi mà không xuống tay! Hãy đặt bàn chân mình trong chiếc giày của ông ta. Thế giới đang có những phản ứng nghịch nhau trước việc này. Nó phản ảnh sự phân hoá trong chiến lược đối ngoại của các nước Tây phương và Đông phương. Tây phương thì muốn gia tăng sự cấm vận để gây áp lực mạnh lên Bắc Hàn. Chủ Tịch Hội Đồng Liên Âu Donald Tusk hôm chủ nhật yêu cầu Liên Hiệp Quốc chấp nhận gia tăng cấm vận. Các lãnh tụ Âu Châu khác cũng hưởng ứng mạnh như bà Thủ Tuớng Anh Teresa May, Thủ Tướng Đức Angela Merkel. Trong khi đó, các nước Đông phương thì muốn giữ nguyên trạng. Tổng Thống Nga Putin thì cho rằng cấm vận là vô ích và vô hiệu. Ông nói rằng: “Kim Jong Un thà để cho dân chúng chết đói hơn là mất quyền lực của mình”. TRung Cộng cũng tuyên bố “Chỉ cấm vận không thôi, chẳng giải quyết được gì cả.” Đối với Trung Cộng, sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên có nghĩa là ổn định cho Trung Hoa, cả vế kinh tế lẫn chính trị đối nội.

Rốt ra, các lãnh tụ thế giới cùng đoàn kết để né tránh chiến tranh dù Bắc Hàn cứ tà tà đi lên trên con đường nguyên tử hoá. Và đối với Bắc Hàn thì đó là con đuờng duy nhất để củng cố chế độ! 

Sơ lược vài điều về Bắc Hàn

Trước hết, xin làm quen với quốc hiệu Triều Tiên (Chosun). Chữ Cao Ly là do phiên âm của Tàu từ chữ Korea mà hiện đang được dùng làm quốc hiệu. Chúng ta gọi Nam Cao Ly là Hàn quốc là do chữ Hanguk.

Trước đây, năm 1910, Nhật chiếm Triều Tiên. Mãi đến khi Nhật thua ở Đệ Nhị Thế Chiến, Triều Tiên bị chia làm 2. Miến Bắc dưới quyền Nga, miền Nam do Mỹ quản trị. Mọi thương thuyết để thống nhất đều thất bại. Đến năm 1948, hai bên thành lập chính phủ riêng. Miền Nam theo dân chủ Tây phương là Cộng Hoà Cao Ly mà chúng ta quen gọi là Nam Hàn, miền bắc theo chế độ Cộng Sản có quốc hiệu là Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, chúng ta gọi là Bắc Hàn. Phía Bắc Hàn xua quân xâm chiếm miền Nam dẫn đến chiến tranh Cao Ly năm 1950 kết thúc năm 1953 khi quân Cộng Sản Bắc Hàn được sự trợ giúp của hơn 1 triệu chí nguyện quân Cộng Sản Trung Hoa, đẩy quân Mỹ từ sông Yalu (biên giới Triều Tiên và Trung Hoa) xuống tận miền cực Nam ở Fusan. Sau đó Mỹ phản công và đẩy ngược lại liên quân Trung Cộng, Hàn Cộng về bên kia vỹ tuyến 38. Khu vực Vỹ tuyến 38 trở thành khu phi quân sự theo một thoả ước ngưng chiến tạm thời nhưng không có một hiệp ước hoà bình nào được ký kết.

Bắc Hàn tự coi mình là một nhà nước Cộng Sản tự lập. Thực ra thì có những giai đoạn họ ít nhiều lệ thuộc vào Trung Cộng. Đó là một quốc gia khép kín, cô lập gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Bắc Hàn nghèo đói lầm than cùng cực và chế độ thì rất độc tài và độc ác. Lãnh tụ Bắc Hàn do cha truyền con nối như thời quân chủ, và được tôn sùng như thần thánh. Đảng Cộng Sản Bắc Hàn có tên là Đảng Lao Động Cao Ly. Chế độ theo cung cách độc tài của Stalin bên Nga. Kinh tế Bắc Hàn vẫn còn là loại hình công trường, nông trường quốc doanh và hợp tác xã. Từ 1994 đến 1998, dân chúng Bắc Hàn trải qua một cơn đói thê thảm. Có gần nửa triệu người chết đói. Nam Hàn đã gửi qua nhiều đoàn convoy để viện trợ lương thực. Nhưng nhà nước Bắc Hàn vẫn duy trì chính sách Quốc phòng là ưu tiên hàng đầu. Quân đội Bắc Hàn có đến 9,495,000 lính vừa chính quy vừa bán quân sự. Với số lượng 1.21 triệu lính hiện dịch, Bắc Hàn đứng hàng thứ 4 trên thế giới chỉ sau Trung Cộng, Hoa Kỳ và Ấn Độ. Nam Hàn 650 ngàn lính hiện dịch; 3.2 triệu lính trừ bị. Như đã nói trên, Bắc Hàn đã gia nhập vào hàng ngũ những quốc gia có vũ khí nguyên tử.

Sau đây là vài con số để so sánh:

Diện tích: 120,540 km2, đứng hàng thứ 97 trên thế giới; Nam Hàn: 100,210 km2 (thứ 107)

Dân số: 25.155 triệu, đứng hàng thứ 48 trên thế giới. Nam Hàn 51.446 triệu (Hàng thứ 27)

GDP: 25 tỷ đô la (2015), tính theo đầu người $1000. Nam Hàn: $29,114 (thứ 27 trên thế giới)

Cộng Đồng Người Việt cứu trợ nạn nhân bão lụt

Cơn bão Harvey đổ bộ vào vùng Corpus Christi sau đó gây cuồng phong và lụt lội cả Harris County trong đó có thành phố Houston, Beamont bị nặng nhất.

Các tổ chức Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia đã sốt sắng ra thông cáo kêu gọi đóng góp để cứu trợ nạn nhân. Nhanh nhất là Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Tiểu Bang Georgia. Bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hanh đã ra thông cáo ngay khi mực nước ở Houston còn cao ngập nửa thân người. Ngoài phẩm vật, Cộng Đồng quyên được 29,500 đô la tiền mặt. Qua ngày thứ Hai, vào dịp lễ Lao Động, đoàn xe cứu trợ của Cộng Đồng trong đó có một xe tải container 18 bánh chở gần 45 ngàn pounds gồm nhiều thực phẩm khô, đồ ăn thức uống, tả lót, sữa cho em bé, mền, khăn tắm, vật dụng vệ sinh, bếp ga để bàn, nước, gạo, thuốc men, vật dụng hàng ngày, quần áo … phái đoàn đi được 4 địa điểm, 2 làng Vietnam (làng Thánh Tâm, làng San Joseph), đường 45 (45 South Houston neighborhood) và cuối cùng là Port Authur Civic Center để ủy lạo cho các sắc dân khác. Bà Chủ tịch đã đích thân đi Houston cùng 6 vị khác trong Cộng Đồng.

Hai Cộng Đồng Dallas, Tarrant phối hợp quyên được 42,820 đô la.  Ngoài phần đóng góp tài chánh, họ còn kêu gọi các anh chị em trẻ có sức khỏe cùng đến Houston vào thứ 7 tuần này – ngày 9 tháng 9, 2017 giúp dọn dẹp tạm thời nhà cửa, giúp điền đơn ngân quỹ FEMA cho đồng hương Houston.

Cộng Đồng Houston, có lẽ còn xính vính với tai nạn, nên ra thông cáo trễ hơn. Cộng Đồng San Antonio cũng góp sức với Cộng Đồng Houston.

Cộng Đồng Charlotte thuộc Tiểu Bang North Carolina cũng kêu gọi đồng hương đóng góp tài chánh. Số tiền quyên được sẽ gửi đến Hồng Thập Tự Hoa Kỳ và các nữ tu La San tại La San Foundation TX để giúp các sơ và các sơ phục vụ những gia đình nạn nhân Việt Nam sống trong khu mobile homes nghèo tại làng Fatima.