Thời Sự Hàng Tuần 10-07-2017 Thảm sát tại Las Vegas

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Tin Đặc biệt: Thảm sát tại Las Vegas.

Vụ thảm sát được coi là đẫm máu nhất lịch sử cận đại Hoa Kỳ vừa xảy ra lúc gần nửa đêm ngày Chủ Nhật 1 tháng 10, 2017 tại Las Vegas, gây tử thương cho 59 người và làm bị thương gần 530 người khác.

Đó là một buổi tối cuối tuần, khi có khoảng 22 ngàn người tham dự một buổi trình diễn ngoài trời nhạc Country. Chương trình nhạc ba ngày có tên là Route 91 Harvest Music Festival ở trên con đuờng chính của thành phố Las Vegas. Đêm Chủ Nhật là đêm cuối của chương trình. Khu vực này đối diện với khách sạn và sòng bạc Madalay Bay, nơi tên hung thủ đặt súng ở tầng thứ 32 bắn xối xả vào đám đông bên dưới chỉ cách khoảng 400 feet.

Lúc đó, ca sĩ Jason Aldean đang hát trên sân khấu. Khán giả nghe tiếng súng liên thanh nổ nhưng tưởng rằng đó là những tràng pháo. Cho đến khi thấy có nhiều người ngã xuống mới biết là bị bắn vào, nên hốt hoảng xô đẩy chạy tìm nơi trú ẩn. Tên hung thủ đã thuê một suite có hai phòng. Hắn đã dùng búa đập vỡ kính cửa sổ ở hai phòng để đặt súng bắn vào đám đông bên dưới mà không bị một thứ gì cản trên đuờng đạn đi. Vì thế, đã gây thương vong ở mức tối đa. Hắn đã bắn xối xả vào đám đông trong ba đợt, cách nhau chừng hơn nửa phút. Trong số nạn nhân, có một phụ nữ gốc Việt là cô Michelle Võ, đến từ thành phố Los Angeles với người bạn mới quen là ông Kody Robertson. Họ cùng tham dự đêm ca nhạc. Michelle trúng đạn và được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Báo cáo đầu tiên đến với cơ quan công lực là lúc 10:08 giờ đêm. Phải mất hơn một giờ, toán SWAT của Cảnh Sát Las Vegas mới tìm ra nơi hung thủ đặt súng và đã dùng chất nổ để phá toang cửa vừa lúc hung thủ quay súng tự sát. Khi khám xét căn phòng khách sạn, cảnh sát tìm thấy có đến 23 khẩu súng loại tiểu liên tấn công, trong đó có vài súng bán tự động mà hung thủ đã cải biến thành hoàn toàn tự động. Lục soát tại tư gia, cảnh sát còn tìm ra thêm 19 cây súng khác và hàng ngàn viên đạn. Đến tối thứ ba, thì số vũ khí khám phá tại ba nơi là 47 cây súng! Người ta thắc mắc là làm thế nào mà tên này chuyển vào khách sạn đến 23 cây súng mà không bị phát giác?

Biết gì về hung thủ?

Hung thủ tên là Stephen Paddock, 64 tuổi, người da trắng. Ông này cư trú tại thành phố Mesquite cách đó khoảng 80 dặm; chưa hề có tiền án hay vi phạm gì để bị lọt vào hồ sơ đen của cảnh sát. Ông ta có một bạn gái người Philippines và người này đang về nước trong thời gian thảm sát xảy ra. Theo lời thân nhân của hung thủ, thì ông ta không hề có biểu lộ gì về sự hung bạo để đưa đến hành vi giết người hàng loạt, mà Tổng Thống Trump gọi là “pure evil”.

Khi điều tra thêm, cảnh sát khám phá ra thân phụ của hung thủ Benjamin Hoskins Paddock, là người có nhiều lần đánh cướp ngân hàng. Như lần xảy ra ngày 6 tháng 10, 1960, cướp ngân hàng Valley National Bank ở Phoenix, Arizona, từng bị bắt khi ăn cắp 25 ngàn đô la cũng vào mùa hè 1960 ở Las Vegas. Ông bị xử đến 20 năm tù và từng vượt ngục ở Texas. Sáu tháng sau, Paddock lại tham gia vụ cướp có vũ khí tại một ngân hàng ở San Francisco.

Ông Benjamin (Paddock cha) sinh năm 1926, mang nhiều tên giả và biệt danh như “Big Daddy” hay “Old Baldy,” và từng có tên trong danh sách Top Ten Most Wanted của cơ quan FBI từ năm 1969 đến 1977. Sau này, ông hoàn lương và trở thành một nhân viên quản lý một cửa hiệu chơi Bingo ở Oregon. Paddock cha có những vụ gian lận về cơ bạc khi điều hành trò chơi bingo và từng bị phạt đến 623 ngàn đô la vì tội vặn ngược các đồng hồ bingo để gian lận.

Theo hồ sơ, thì Paddock cha có triệu chứng về tâm thần và có khuynh hướng tự sát và được cảnh sát đánh giá là nguy hiểm cho xã hội. Paddock cha sau này về sống ở Tiểu bang Texas cho đến khi qua đời vào năm 1998.

Hiện nay cảnh sát đang tìm nguyên nhân vụ thảm sát và chưa kết luận điều gì. Nhưng có tin hung thủ đã chuyển 100 ngàn đô la qua Philippines. FBI sẽ lần theo mối này để xem số tiền đi về đâu? Vào cá nhân hay một tổ chức nào?

Người bạn gái của Stephen Paddock là Marilou Danley là một phụ nữ có nhiều bí ẩn. Theo tin mới khám phá thì bà này sử dụng hai thẻ an sinh xã hội khác nhau trong thời gian ở Mỹ khoảng hơn 20 năm Bà này từng khai phá sản, có nhiều địa chỉ khác nhau như Arkansas, Tennessee, California, Florida và vài tiểu bang khác; bà ta cũng di chuyển nhiều thành phố trong cùng một tiểu bang. Bà ta khai nhiều ngày sanh khác nhau trên các giấy tờ do các Tiểu Bang cấp. Marilou Danley khi đến Mỹ mang tên Marilou Natividad  có một lúc hai hôn thú với hai người chồng là Geary Danley và Jose Bustos. Cả hai hôn thú được cấp tại Clark County, (bao gồm thành phố Las Vegas), dù rằng ông Danleys thì cư trú tại Tennessee và Arkansas, còn ông Bustos thì ở California. Tại California, thì bà này mang tên Marilou Natividad-Bustos và khai sinh vào tháng Giêng, 1962 (55 tuổi); còn ở Nevada, thì khai tên Marilou Lou Danley sinh vào tháng 12, 1954 (tức 62 tuổi). Vào thời điểm Paddock gây tội ác, thì Marilou di Philippines và Macau rồi quay về Philippines, hiện nay đã bay về Mỹ và đang bị FBI thẩm vấn.

Với những dữ kiện trên, theo cách nhìn riêng của chúng tôi; biết đâu cô bồ của hung thủ là một thành viên tổ chức khủng bố nào đó, và đã dùng tình cảm lung lạc được anh này để thi hành sự khủng bố?

Ngày thứ Tư, cảnh sát cho hay có đến hơn 200 hồ sơ báo cáo về hoạt động đáng nghi ngờ của Paddock trong đó có nhiều vụ chuyển ngân ở các sòng bạc.

Phản ứng chung

Tổng Thống Trump đã lên tiếng ngay với những lời chia buồn với gia đình các nạn nhân. Ông coi vụ thảm sát này là “pure act of evil”. Trưa ngày thứ Hai, Tổng Thống Trump cùng Đệ Nhyất Phu Nhân và hai vợ chồng Phó Tổng Thống Mike Pence cùng toàn thể nhân viên Toà Bạch Cung đã ra vườn sau để cử hành 1 phút mặc niệm.  Toà Bạch Cung cũng như nhiều cơ quan công quyền đã treo cờ rũ để tang các nạn nhân. Tháp Eiffel ở Pháp cũng tắt hết đèn trong đêm, một toà nhà lớn ở Isreal thắp đèn màu cờ Mỹ để chia buồn.

Trong khi dân chúng bàng hoàng trước biến cố đau thương này, thì từ phía tả khuynh, cô Hayley Geftman-Gold, một luật sư ở trong ban điều hành của đài Truyền hình CBS tỏ ra vô lương tâm khi hớn hở cho rằng cô không thấy thông cảm gì cho những nạn nhân, vì họ là những người theo cô là cử tri đã bỏ phiếu cho Tổng Thống Trump. Cô nhìn những người mê loại nhạc Country đều là bọn bảo thủ theo Cộng Hoà, là bọn người ưa dùng súng đạn. (I’m actually not even sympathetic bc country music fans often are Republican gun toters.) Những lời bất nhẫn của cô này được tìm thấy trên các trang mạng xã hội chỉ vài giờ sau khi biến cố xảy ra. Sau đó lại có vài vị Dân Chủ lên tiếng đồng thuận với lý luận rằng những người mê nhạc Country là những người ủng hộ Tổng Thống Trump. Như thế, với suy luận bình thường, có phải họ muốn nói những nạn nhân bị chết là đáng kiếp hay không?

Rất nhiều vị dân cử, truyền thông Dân Chủ vội vàng mượn biến cố này vào mục tiêu chính trị của họ bằng cách gợi lại vấn đề cấm đoán vũ khí.

Xét theo kinh nghiệm, thì súng đạn không phải là nguyên nhân đưa đến sự giết người, mà chính là từ hành vi của con người. Đã có sẵn máu lạnh, hay đã có một duyên cớ hận thù vì chính trị, tôn giáo, thì có súng dùng súng; không súng dùng dao, thậm chí dùng cà xe hơi tông vào đám đông. Chẳng lẽ chính quyền cấm luôn việc mua dao, cấm luôn việc mua bán xe hơi để tránh việc giết người? Và dù luật pháp có cấm đoán việc buôn bán súng đạn, thì bọn giết người vẫn tìm ra nguồn cung cấp từ chợ đen. Bằng cớ là bọn găng tơ, buôn lậu ma túy có mua súng từ các tiệm bán chính thức hợp pháp đâu?

Trong khi đó, trên một tờ báo ở Việt Nam (tờ Pháp Luật) lại đăng hình của Stephen Paddock và cho rằng tên này thuộc Trung Đoàn 12 Bộ Binh, từng tham chiến ở Việt Nam và rất hiếu chiến. Nguyên văn như sau: “Theo thông tin gần nhất, em trai của Stephen Paddock cho biết hung thủ từng là một cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (1971-1972). Stephen Paddock nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Việt Nam khi vừa tròn 18 tuổi. Trong nhiều lá thư gửi về cho gia đình trong thời gian chiến đấu tại Việt Nam, Paddock đã rất hào hứng khi được tham chiến và trực tiếp xả súng trong nhiều trận giao tranh ác liệt.”

Theo tài liệu của FBI, Stephen Paddock chưa hề đi lính ngày nào. Vả lại thời gian mà Trung Đoàn 12 Bộ Binh tham chiến ở Việt Nam là khoảng 1968 đến 1970. Lúc đó Paddock chưa tới 18 tuổi thì làm sao có thể đi lính?

Hôm thứ Tư, Tổng Thống Trump đã đến Las Vegas để thăm viếng, ủy lạo các gia đình nạn nhân và khen thưởng cơ quan công lực tại đây. Được biết ngày trước đó, ông và Đệ Nhất Phu Nhân đã bay đi thăm dân chúng bị nạn bão lụt ở Puerto Rico.

Những vụ thảm sát nổi tiếng tại Mỹ

Xin chỉ kể những vụ giết người bằng sung, không kể các vu khủng bố bằng bom hay phương tiện khác (như vụ Timothy McVeil ở Oklahoma City hay vụ 911 ở New York City)

Ngoài vụ mới đây ngày 1 tháng 10 gây tử thương cho 59 người, bị thương 515 người khác, thì còn các vụ như sau (theo thứ tự số người bị giết từ cao đến thấp)

Ngày 12 tháng 6, 2016 – Omar Saddiqui Mateen, 29, xả súng vào hộp đêm “Pulse” của người đồng tính ở Orlando, Florida. Trong vụ này có 49 người chết và hơn 50 người bị thương. Tên Mateen là mọt người theo Hồi Giáo, bị cảnh sát bắn chết tại chỗ.

Vụ thảm sát tại khuôn viên Đại Học Virginia Tech ở Blacksburg ngày 16 tháng 4, 2017. Tên Seung-Hui Cho, 23, bắn chết 32 người và gây thương tích cho nhiều người khác tại hai địa điểm khác nhau trước khi tự sát.

Ngày 14 tháng 12, 2012 – Adam Lanza, 20, bắn chết 20 học sinh mẫu giáo từ 6 đến 7 tuồi, và 6 người lớn gồm thầy giáo, nhân viên trường Sandy Hook Elementary School ở Newtown, Connecticut. Sau đó tên này tự sát sau khi đã bắn chết mẹ anh ta là Nancy Lanza.

Ngày 16 tháng 10, 1991 – Tại Killeen, Texas, tên George Hennard 35 tuổi đâm chiếc xe pick up vào tiệm ăn Luby’s Cafeteria. Sau đó lùi xe ra và bắn chết 23 người. Cuối cùng hung thủ cũng tự sát.

Ngày 18 tháng 7, 1984 – Tại San Ysidro, California, James Huberty, 41tuổi, dùng loại súng tiểu liên tấn công Uzi cùng súng shotgun và súng lục, bắn chết 21 người lớn vừa trẻ em ở một tiệm ăn McDonald. Cảnh sát phải dùng một tay thiện xạ để giết tên này.

Ngày 1 tháng 8, 1966 – Tên Charles Joseph Whitman, một cựu binh sĩ TQLC Hoa Kỳ đã leo lên toà tháp chính của trường Đại Học Texas ở Austin bắn xối xả vào đám sinh viên bên dưới, gây tử thương 16 người và bị thương 30 người khác. Tên này đã giết mẹ và vợ trước khi gây vụ thảm sát ở trường UT. Cảnh sát đã bắn hạ tên này.

Ngày 2 tháng 12, 2015 – Hai vợ chồng tên Hồi Giáo Syed Rizwan Farook và Tashfeen Malik bắn vào một đám nhân viên đồng nghiệp đang tụ tập ở Inland Regional Center tại thành phố San Bernardino, California. Có 14 người chết và một số khác bị thương. Cặp vợ chồng  này bị giết chết ngay sau đó.

Ngày 20 tháng 8, 1986 – Tại thành phố Edmond, Oklahoma, một nhân viên bưu điện tên là Patrick Henry Sherrill, dùng đến ba cây súng bắn chết 14 đồng nghiệp chỉ trong vòng 10 phút, rồi quay súng tự sát.

Ngày 5 tháng 11, 2009 – Một tên Hồi phục vụ trong Lục Quân Mỹ là Thiếu Tá Nidal Malik Hasan xả súng bắn chết 13 người và làm bị thương 32 người khác ở trại Fort Hood, Texas. Tên này bị kết án tử hình.

Những vụ mà con số tử thương ở mức 13 người:

Ngày 3 tháng 4, 2009, tại Binghamton, New York, tên Jiverly Wong giết chết 13 người và làm bị thương 4 người ở một trung tâm cộng đồng di dân.

Ngày 20 tháng 4, 1999 – Hai tên Eric Harris (18 tuổi) và Dylan Klebold (17 tuổi) giết chết 12 học sinh và 1 thầy giáo tại trường Columbine High School – Littleton, Colorado.

Ngày 18 tháng 2, 1983 – Ba anh Tàu Kwan Fai Mak, Benjamin Ng và Wai-Chiu “Tony” NgThree đi vào một nơi cờ bạc Wah Mee ở Seattle (Washington State) cướp giựt 17 khách chơi rồi xả súng bắn vào đầu. 13 người chết tại chỗ. Hai tên Kwan Fai Mak và Benjamin Ng bị kết án sát nhân vào tháng 8, 1983 và bị tù chung thân. Tên thứ ba, Wai-Chiu “Tony” Ng, sau nhiều năm lẫn trốn ở Canada, đã phạm tội cướp và tấn công; Tên này sau khi ra tù đã bị trục xuất về Hong Kong năm 2014.

Ngày 25 tháng 9, 1982 – Tại Wilkes-Barre, Pennsylvania, George Banks, 40 tuổi là một nhân viên canh gác trong trại tù, đã giết chết 13 người trong đó có 5 đứa con của anh ta. Qua tháng 9, 2011, Toà Án Tối Cao Pennsylvania hủy bỏ bản án tử hình, nêu lý do anh này có vấn đề tâm thần.

Ngày 5 tháng 9, 1949 – Tại Camden, New Jersey, tên Howard Unruh, 28 tuổi, cựu chiến binh Thế Chiến thứ Hai đã dùng súng lục Luger của Đức bắn chết 13 người trên đuờng 32nd Street. Khi ra toà, luật sư biện hộ rằng ông ta bị bệnh tâm thần, nên được đưa vào bệnh viện tâm thần. Ông ta chết ở tuổi 88.

Tuy nhiên, nếu đi ngược giòng lịch sử, thì đã có những vụ thảm sát bi thảm hơn.

Năm 1873, trong một vụ thảm sát tại Colfax, La., số người chết là trên 60 và có thể lên đến 150 người trong một vụ nổi loạn của thời kỳ tái thiết (Reconstruction period)

Tại East St. Louis, năm 1917, có khoảng 100 người Mỹ gốc Phi Châu bị giết trong cuộc bạo loạn tại đây.

Năm 1919, ở Elaine, Arkansas, có khoảng 237 người Mỹ da đen bị giết sau khi họ giết một cảnh sát da trắng trong một cuộc họp để thu tiền từ sản xuất bông gòn.

Năm 1890, Quân đội Mỹ bắn chết thủ lĩnh da đỏ là Chief Big foot của bộ lạc Lakota cùng với hơn 150 người da đỏ tại một ngòi nước mang tên Wounded Knee.

Tổng Thống Trump cho lệnh phi cơ ngừng cất cánh để săn sóc một cảnh sát hộ tống.

Chuyện xảy ra hôm thứ Năm tuần trước mà không thấy đài truyền hình nào đưa lên bản tin. Tổng Thống Trump di chuyển ra phi trường để đi Indiana. Trong khi hộ tống đoàn xe, một cảnh sát viên đã bị té xe nằm sòng soại trên mặt đường xa lộ liên bang. Tổng Thống đã ra lệnh phi cơ Air Force One chờ để ông đến bên cạnh viên cảnh sát hỏi thăm tình hình và sau đó đã chúc lành cho anh ta khi nhân viên cứu thương đặt anh ta lên cáng đưa đi bệnh viện. Sau đó Tổng Thống Trump còn gọi điện thoại đến bệnh viện cho anh cảnh sát để theo dõi tình hình.

Nhân viên cảnh sát này tên là Robert Turner.

Đoạn phim về những hình ảnh cảm động này được Sở Cảnh sát Indianapolis chuyển lên các trang mạng xã hội cùng những lời cám ơn của các nhân viên cảnh sát đối với hành vi nhân ái của Tổng Thống Trump. Trong đoạn video, người ta thấy hình ảnh anh Turner cười đùa với Tổng Thống khi ông chúc anh ta chóng bình phục.

So sánh với những thái độ hách dịch, hỗn láo của cựu Đệ nhất phu nhân Clinton mà nhiều cảnh sát viên, nhân viên Mật Vụ  trong Bạch Cung than phiền, thì mới cảm nhận được những đức tính của một vị lãnh đạo trong Trump.

Ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Rex Tillerson vừa lên tiếng xác nhận ông tin tưởng Tổng Thống Trump. Việc này như để phản bác lại nguồn tin từ đài truyền hình NBC cho hay ông Tillerson đã gọi TT Trump là “moron” và có ý định từ chức do bất đồng với TT về chính sách đối ngoại. Nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao trong cuộc họp báo đã phủ nhận lời cáo buộc do NBC đưa ra.

Phe tả không ngừng tìm cách để đánh phá TT Trump. Họ còn lên tiếng phê bình cách ăn mặc của Đệ nhất Phu Nhân khi đi thăm Puerto Rico, cho rằng bà mặc như biểu diễn thời trang!

Quân đội Iraq đánh những cú chót để chiếm lại thị trấn Hawija từ tay bọn ISIS.

Hiện nay, bọn ISIS chỉ còn chiếm cứ hai nơi trên lãnh thổ Iraq. Hôm thứ Tư, quân đội Iraq đã tấn công đợt chót để tái chiếm thị trấn Hawija gần thành phố Kirkuk ở phía Bắc Iraq, là nơi có nhiều dầu mỏ. Họ đã vào được vòng đai thị trấn ở khu vực Askari và Nidaa về phía tây sau nhiều giờ giao tranh.  Các hình ảnh đưa ra trên truyền hình cho thấy những cột khói dày đặc tại những bồn xăng dầu mà quân khủng bố đốt cháy để tạo màn khói tránh cho phi cơ không phát giác ra chúng. Quân tấn công gồm có quân chính phủ do Hoa Kỳ hỗ trợ và lực lượng dân quân giáo phái Shia do Iran huấn luyện.

Trước đó hai ngày, quân Iraq đã chiếm lại phi trường Rashad cách đó 20 dặm về phía Nam, là nơi bọn khủng bố dùng làm nơi huấn luyện và kho vũ khí.

Trong thị trấn Hawija, có đến 78 ngàn thường dân bị kẹt lại. Bọn ISIS tìm đủ cách để ngăn chận thường dân chạy thoát ra khỏi thị trấn. Một trong các cách đó là gài mìn quanh thị trấn.

Bị kẹp giữa gọng kìm của quân đội Syria và quân kháng chiến người Kurd do Mỹ yểm trợ, bọn ISIS hiện chỉ còn kiểm soát được vài vùng dất dọc theo biên giới Iraq và Syria, trong đó có thị trấn al-Qaim. Có thể coi rằng cái “nhà nước Hồi Giáo Syria và Iraq” (ISIS) đã sụp đổ từ tháng bảy vừa qua khi quân Iraq chiếm được thành phố Mosul là nơi chúng dùng làm thủ đô và tiếp theo là thành phố Sirte của ISIS trên đất Lybia cũng bị chiếm lại. Vào thời điểm cao nhất, bọn ISIS có đến 60 ngàn quân, trong đó có 40 ngàn là thanh niên Hồi từ các nước khác gia nhập vào ISIS.

Tên lãnh tụ tối cao ISIS là Abu Bakr al-Baghdadi, bị Nga cho rằng đã hạ sát trong một cuộc ném bom. Nhưng điều này không được kiểm chứng. Mới đây ISIS tung ra một đoạn audio thu thanh lời tên này để phủ nhận tin cho rằng hắn đã bị giết chết!

Thành phố còn lại hiện nay của ISIS là Raqa cũng đang bị tấn công.

Có tin cho hay trong cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd ở Iraq, có đến 90% đồng ý tách ra khỏi Iraq để thành lập quốc gia riêng. Tin này làm cho Thổ Nhỉ Kỳ và Iran lo ngại vì số dân Kurd tại hai nước này rất đông, có thể cũng đòi tách ra.

Áo ban hành luật cấm che mặt

Sau những vụ khủng bố liên tiếp xảy ra tại Pháp, Anh, Hoà Lan…, để việc nhận diện đuợc dễ dàng, mới đây Quốc Hội Austria đã ban hành luật cấm ngặt việc mang các loại khăn choàng trùm kín mặt trong đó có loại niqab và burqa là thứ khăn của phụ nữ Hồi Giáo.

Dân chúng gọi luật này là “Burqa Ban”. Nhưng để cân bằng, luật cũng cấm mang các mặt nạ loại “ski mask” và “surgical mask” ngoài khu vực trượt tuyết và ngoài khuôn viên các bệnh viện.

Những người vi phạm có thể bị phạt đến 150 euros (khoảng 180 đô la). Cảnh sát được lệnh dùng vũ lực đối với những ai bất tuân lệnh này, chống lại cảnh sát khi được yêu cầu tháo gỡ khăn choàng che mặt. Hai nước Pháp và Bỉ cũng có những luật tương tự; trong Khi Đức thì chưa có. Nhưng Đảng Quốc Gia của Đức đang vận động để có luật này.

Các nước đã ban hành luật cấm mang khăn che mặt Burqa sau khi có hiện tượng phụ nữ choàng mặt sử dụng bom tự sát;

Tại Phi Châu có: Cameroon (tháng 7, 2015 ), Chad (tháng 6, 2015), Cộng Hoà Congo (tháng 5, 2015 do chính El Hadji Djibril Bopaka, Chủ tịch Hội Đồng Tối Cao Hồi Giáo ban hành), Gabon (2015), Morocco (tháng 1, 2017 cấm luôn việc sản xuất, buôn bán các khăn che mặt). Tại Á Châu có: Israel (2010), Syria (chỉ cấm ở các Đại học, còn ngoài công cộng thì không cấm, nhưng khuyến khích không mang khăn che mặt), Tajikistan tuy không cấm một cách trực tiếp, nhưng bắt buộc phụ nữ phải ăn mặc theo lối cổ truyền.

Tại Âu Châu: Áo, Bỉ (tháng 7, 2011), Bulgaria (tháng 6, 2016) cấm che mặt tại các nơi công cộng, công sở, trường học, Pháp (từ 2004 tại các trường học; đến 2010 thì cấm hẳn tại những nơi công cộng), Germany (2017 tuỳ từng Tiểu Bang), Italy, Latvia, Malta, Hoà Lan, Thụy Sĩ cũng cấm. Duy tại Anh, chưa có lệnh nào vì còn tranh cãi!

Úc thì cũng còn tranh cãi, nhưng đại đa số dân Úc tỏ sự đồng ý cấm burqa. Tại Tiểu Bang New South Wales, cảnh sát được quyền bắt buộc phụ nữ lật khăn che mặt khi cần nhận diện.

Saudi xử tử 100 người trong năm nay

Từ đầu năm cho đến nay, con số người bị xử tử tại Saudi đã lên đến 100, tính cả 60 người bị tử hình trong ba tháng mới đây. Kể tứ tháng Bảy, cứ mỗi tuần có trung bình 5 người bị xử tử. Mức độ này làm cho Saudi trở thành quốc gia đứng đầu trên thế giới về số người bị xử tử. Bốn mươi phần trăm số tội nhân là những người vi phạm tội về ma túy.

Thứ Ba vừa qua, thêm 1 người bị chém đầu, nâng tổng số lên 101.

Tổ chức ân xá quốc tế kêu gọi Saudi hãy thực sự có những cải cách và tiến tới việc xoá bỏ án tử hình. Tổ chức này cũng cáo buộc Saudi có những phiên toà bất công và dùng tội tử hình làm công cụ trấn áp những người đối kháng.

Vào tháng 7 vừa qua, thế giới lên án Saudi chỉ trong một ngày mà xử tử đến sáu người, trong đó có một người bị kết tội buôn lậu ma túy.

Sau nhiều cuộc tranh đấu cho nữ quyền tại Saudi kéo dài hàng chục năm, vua Salman vừa loan báo trong một nghị định rằng qua tháng Sáu sang năm, sẽ cấp bằng lái xe cho phụ nữ là điều mà từ hàng chục năm nay vẫn cấm đoán.

Theo chính phủ Saudi và các lãnh tụ tôn giáo ở đây, sở dĩ họ cấm phụ nữ lái xe vì việc này có ảnh hưởng đến những giá trị gia đình hay theo họ, có thể đưa đến sự gia tăng về tình dục và phim ảnh khiêu dâm!

Chiến tranh Việt Nam không thể là một cuộc “nội chiến”! 

Theo định nghĩa: Nội chiến là cuộc chiến giữa những người, hay nhóm người trong cùng một nước “a war between opposing groups of citizens of the same country” https://www.merriam-webster.com/dictionary/civil%20war;

Hoặc theo https://en.wikipedia.org/wiki/Civil_war, thì đó là cuộc chiến giữa những nhóm có tổ chức trong một nước. Mục đích là giành quyền kiểm soát cả nước hay một vùng nào đó, hay giành độc lập cho một vùng, hay nhằm thay đổi chính sách.” ( also known as an intrastate war in polemology, is a war between organized groups within the same state or country. The aim of one side may be to take control of the country or a region, to achieve independence for a region or to change government policies)

Cuộc nối chiến có thể có sự giúp sức từ các thế lực ngoại bang, nhưng không phải do sự dàn dựng, thúc đẩy của ngoại bang nhằm phục vụ cho lý tưởng, quyền lợi của ngoại bang.

Trong lịch sử Việt Nam, cuộc chiến tranh giữa 12 sứ quân từ năm 944 đến 968, cuộc chiến tranh giữa nhà Mạc và hậu Lê (1527), hay cuộc chiến giữa hai Chúa Trịnh và Nguyễn (1627 đến 1672) đích thực là những cuộc nội chiến.

Cuộc chiến tranh Việt Nam tuy do hai phe cùng là người Việt đánh nhau suốt hơn 20 năm, nhưng không thể gọi là nội chiến. Khi Hồ Chí Minh đến Pháp, tham gia đảng Cộng Sản Pháp rồi sau đó qua Liên Bang Sô Viết đuợc huấn luyện để trở thành một tay hoạt động cách mạng. Hồ đã lập ra Đảng Cộng Sản Đông Dương năm 1930, và từ đó tự coi mình là “một bộ phận của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản”. Hồ đã phát động cuộc chiến, núp dưới danh nghĩa đánh Pháp giành độc lập, nhưng thực chất là chiến tranh cách mạng nhằm phát triển, bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản xuống Đông Dương theo lệnh của Đệ Tam Quốc Tế. Nhất nhất, mọi hoạt động đều làm theo chỉ thị của Staline và Mao Trạch Đông.

Sau khi Hiệp Định Geneve được ký kết, chia nước Việt Nam thành hai quốc gia đối đầu nhau. Miền Nam là Việt Nam Cộng Hoà, là một nước độc lập, có chủ quyền, đuợc cả trăm nước trên thế giới công nhận. Đảng Cộng Sản đã để lại miền Nam hàng chục ngàn cán binh nhằm gây dựng cơ sở cho đến khi chin muồi thì phát động kháng chiến. Họ đã gửi quân chính quy từ Bắc vào Nam để yểm trợ.

Như thế, cuộc chiến Việt Nam là do nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà xâm lăng miền Nam chứ không phải là do dân chúng bất bình nổi dậy chống đối chính quyền. Vì thế không thể coi là nội chiến. Nhìn xa hơn, thì Cộng Sản Bắc Việt lại là tay sai của Cộng Sản Quốc Tế, nên chữ nội chiến càng không đúng trong trường hợp này.

Hai nhà làm phim Ken Burns và Lynn Novick, trong bộ phim 10 tập, đã cố gắng biện minh rằng chiến tranh Việt Nam là nội chiến, để lên án Hoa Kỳ đã tham dự vào một cách sai trái!

Trong lãnh vực chính trị, xã hội, việc sử dụng đúng chữ rất quan trọng trong các văn bản, tài liệu. Người ta cân nhắc cả từng chữ, từng câu, ngay cả dấu chấm, dấu phẩy; để người đọc không thể hiểu sai, và những kẻ hoạt đầu không thể bóp méo, xuyên tạc văn bản theo ý mình.

Người viết bình luận, khảo cứu hay viết sách cũng thế. Người đọc chưa có thì giờ đọc hết nội dùng để biết luận cứ của tác giả mà chỉ nhìn qua tựa đề. Tựa đề là sự thu gọn quan điểm, nội dùng mà tác giả muốn trình bày.

Mới dây, có một cuốn sách dày gần ngàn trang của một tác giả là Luật sư Nguyễn Văn Thắng (?) với nhan đề “Cuộc Nội Chiến Việt Nam, Ai Thắng Ai”. Tựa đề cuốn sách đã gây tranh cãi trong các giới của cộng đồng người Việt tị nạn. Một luật sư nổi tiếng ở San Jose có giới thiệu nội dùng cuốn sách giá trị và có lập trường đúng đắn. Chúng tôi tôn trọng cách nhìn và đánh gia của mọi người tùy theo hiểu biết và kinh nghiệm riêng của họ. Nhưng chúng tôi vẫn muốn đề nghị tác giả nên xem lại tựa đề, vì không thể để cho người ta hiểu sai lạc bản chất chiến tranh Việt Nam. Xin rất cẩn thận đừng tạo cơ hội cho những kẻ xấu lợi dụng bóp méo lịch sử chúng ta!