Thời Sự Hàng Tuần 18-11-2017 Chuyện dài Sách Nhiễu Tình Dục

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Chuyện dài Sách Nhiễu Tình Dục

Một tháng trước ngày bầu cử Thương Nghị Sĩ Hoa Kỳ, đơn vị Tiểu Bang Alabama, ông Roy Moore, ứng cử viên Cộng Hoà bị một bà tố cáo đã quấy nhiễu tình dục bà ta. Chuyện bắt đầu từ bài báo trên Washington Post nêu ra 4 phụ nữ tố cáo ông Moore. Chuyện thứ nhất xảy ra năm 1979, khi đó bà Beverly Young Nelson mới 14 tuổi và ông Moore 32 tuổi. Tổng cộng đến nay,  có 6 bà lên tiếng cáo giác ông Moore đeo đuổi họ và có các hành vi sách nhiễu. Ông Moore bác bỏ những tố giác trên. Nhưng phe Dân Chủ và ngay cả nhiều nhân vật Cộng Hoà yêu cầu ông Moore rút lui khỏi cuộc tranh cử. Nếu làm vậy, ứng cử viên Dân Chủ bất chiến tự nhiên thành. Trước khi có những lời tố giác, ông Moore dẫn trước đối thủ 9 điểm, và hiện nay thì bị thua đến 12 điễm. Tuy nhiên có rất nhiều cử tri tin rằng lời cáo buộc vô cớ và vẫn ủng hộ ông.

Trong 40 năm, ông Moore từng nhiều lần ứng cử và đắc cử các chức vụ cao trong ngành Tư Pháp và Toà Án mà không có ai lên tiếng. Nay cuộc tranh cử vào Thượng Viện đang ở giai đoạn chót khi ông đang thắng thế thì lại nổ ra? Với con số Thượng Nghị Sĩ 52 Cộng Hoà, 48 Dân Chủ, thì việc thắng bại ở Alabama có một ý nghĩa rất quan trọng. Trong cuộc tranh cử Thống Đốc Virginia vừa qua, phe Dân Chủ đã chơi một đòn không mấy đẹp. Đó là làm và tung ra đoạn video ám chỉ ứng cử viên Cộng Hoà Gillespie kỳ thị dân thiểu số; để rồi ông này đã thất cử. Trong những việc tố cáo sách nhiễu tình dục, rất khó mà kiểm chứng đúng hay sai. Nhất là sự việc đã xảy ra gần 40 năm trước. Trước pháp luật, một người được coi là vô tội cho đến khi công tố chứng minh được tội trạng. Việc sách nhiễu tình dục là xấu xa, không thể chấp nhận đối với một người dân cử. Nhưng khi chưa có sự chứng minh cụ thể, thì không nên buộc cho người ta cái tội này để ép buộc này nọ. Bởi vì quá dễ để mua chuộc một phụ nữ nào đó ra tố cáo vu vơ triệt hạ uy tín một người.

Trong một chương trình trên đài CNN, một bà khi tố cáo ông Moore sách nhiễu, đã cúi nhìn trên một vài trang giấy viết sẵn để đọc một cách không thông suốt. Bên cạnh là một bà luật sư của bà ta.  Và cũng có tin đồn rằng một vài bà nào đó đã được đề nghị cho một số tiền lớn để ra tố cáo ông Moore.

Chúng tôi không thể có nhận xét gì về việc này, vì hoàn toàn không có cơ sở nào để nhận xét. Nếu những lời tố cáo là đúng, thì ông Moore không xứng đáng tiếp tục tranh cử. Nhiều người đề nghị để cho cử tri Alabama tự quyết định.

Sách nhiễu tình dục cũng xảy ra trong phạm vi Quốc Hội

Cũng trong chuyện dài sách nhiễu này, Thượng Nghị Sĩ Al Franken (Minnesota) cũng bị cô Leeann Tweeden, ký giả thể thao đài KABC, tố cáo  đã bốc hốt cô khi họ đi lưu diễn cho quân đội ở Trung Đông vào tháng 12, 2006. Lúc đó ông Franken là một tài tử hài hước. Cô tố ông ta khi thực tập một màn hôn hít, cô không đồng ý; nhưng ông cứ kéo đầu cô vào mà hôn và đưa lưỡi vào miệng cô. Ngoài ra, hôm thứ Năm, trên truyền hình có chiếu một tấm ảnh cô Tweeden đang ngủ trên máy bay, và ông Franken thì đưa hai tay ra như đang bóp nhũ hoa cô này (xem ảnh). Ông Franken đã lên tiếng xin lỗi. Cũng có nhiều than phiền về sách nhiễu từ các cô thực tập hay nhân viên tại các văn phòng các vị dân biểu và nghị sĩ. Đến nỗi có một bà từng làm trong Quốc Hội phải nói: “Có sự trao đổi tình dục ở Capitol Hill (tức toà nhà Quốc Hội).” (There’s a little bit of a sex trade on Capitol Hill. If a part of getting ahead on Capitol Hill is playing ball with whatever douchebag — then whatever).

Cựu Dân Biểu Mary Bono tháng này, đã công khai nói rằng bà từng phải chịu đựng những lời bình phẩm và đề nghị từ những đồng viện. Dân Biểu Linda Sanchez và cựu Dân Biểu Hilda Solis cũng kể nhiều chuyện với cơ quan thông tấn Associated Press về những câu bình phẩm lập đi lập lại không thích đáng của các Dân biểu nam giới. Tuần qua, lần đầu tiên sau hơn hai trăm năm lịch sử, Thượng Viện đã yêu cầu các Nghị Sĩ và nhân viên theo học lớp để tránh sự quấy nhiễu tình dục. Hạ Viện cũng làm theo điều này. Bà Dân Biểu Jamie Raskin (D-Md.) hôm thứ ba, nói rằng không có người phụ nữ nào làm việc trong Quốc Hội mà không trải qua một lần những hành vị bất xứng này.

Còn bà Dân Biểu Jackie Speier (D-Calif.) thì khui ra rằng Quốc Hội đã dùng tiền thuế của dân đến 15 triệu đô la để trả cho những dàn xếp về những vụ sách nhiễu tình dục và kỳ thị giới tính của những thành viên trong Quốc Hội.

Tổng Thống Trump đạt cả ba mục tiêu trong chuyến công du Á Châu

Tổng Thống Trump đã thưc hiện chuyến công du 5 nước Á Châu trong 12 ngày và đã gặt hái những thành công to lớn.

Ngày 4 tháng 11, ông dừng chân tại Hawaii và nói chuyện trước binh sĩ Hoa Kỳ đồn trú tại đây. Sau đó, ông đến Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Hoa, Việt Nam, và trạm chót là Philippines.

Tại các nước, ông đã được tiếp đón vô cùng trọng thể và đã làm việc với nguyên thủ các nước để giải quyết ba mục tiêu chính của chuyến đi:

1.- Vấn đề Bắc Hàn: Ông đã kêu gọi các nước áp dụng tối đa các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn như cấm vận, cắt đứt giao thương. Mục tiêu xa mà ông nêu ra là đưa đến sự hủy bỏ các chương trình nguyên tử ở bán đảo Triều Tiên. Sau khi gặp gỡ, các lãnh tụ nước chủ nhà đã đề ra các biện pháp như ông yêu cầu.

2.- Vấn đề giao thương với Hoa Kỳ: Tổng Thống Trump đã nói thẳng việc Hoa Kỳ bị bất lợi trong khi giao thương với các nước, dẫn đến sự thiếu cân bằng mậu dịch. Ông đề nghị việc buôn bán phải công bằng, tương trọng và lưỡng lợi. Kết quả là các nước đã ký những hợp đồng hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ đô la với Mỹ.

3.- Vấn đề Châu Á Thái Bình Dương: Tổng Thống Trump lần nữa đề nghị những nguyên tắc căn bản về mậu dịch, và lần này còn kêu gọi giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hoà bình, nhưng ông cũng tỏ ý bất bình về những gia tăng bất hợp pháp các việc khai thác hay các hoạt động quân sự ở biển đông (ám chỉ Trung Cộng).

Từ khi nhậm chức đến nay, Tổng Thống Trump đã thực hiện ba lần công du đều thắng lợi. Ông biểu lộ sức mạnh của Hoa Kỳ, đem lại uy tín và niềm tin mà hành pháp trước đã đánh mất vì những chính sách ngoại giao quá yếu đuối của Obama.

Bọn Cộng Sản Mỹ kêu gọi lật đổ Tổng Thống Trump.

Vài dân biểu Dân Chủ đang tổ chức kêu gọi “impeach” Tổng Thống Trump. To miệng nhất vẫn là bà Maxime Waters của Tiểu Bang California và những người phe tả. Lại thêm một nhóm tự xưng là “Tị Nạn Phát Xít” đã tố cáo Tổng Thống Trump và Phó Tổng Thống Pence là mối nguy cơ của nhân loại trên toàn thế giới.

Đảng Cộng Sản Cách Mạng Mỹ (The Revolutionary Communist Party USA) đã tổ chức những loạt biểu tình ngày 4 tháng 11 nhằm kêu gọi hạ bệ hai vị trên. Đảng Cộng Sản này là người thành lập ra nhóm “Tị Nạn Phát Xít” nói trên trong mùa bầu cử năm ngoái 2016.

Họ kêu gọi mọi người hãy xuống đuờng, chiếm cứ các khu phố, các nơi công cộng khắp nợi trên nước Mỹ; liên tục đêm ngày cho đến khi mục tiêu của họ đạt được. Đó là  triệt hạ chế độ Trump/Pence mà họ coi là một cơn ác mộng.

Các cuộc biểu tình đã diễn ra tại Akron (Ohio), Atlanta, Austin, Boston, Chicago, Cincinnati, Cleveland, Falmouth (Mass.), Honolulu, Indianapolis, Los Angeles, Miami, Minneapolis, New York City, Philadelphia, Pittsfield (Mass.), Portland, Salem (Mass.), San Francisco, Seattle, và Tuscon.

Nhóm này khoe rằng họ đã tổ chức được tại 19 thánh phố và bỏ ra hơn 100 ngàn đô la để đăng lời kêu gọi trên trọn một trang của báo New York Times.

Người ta thắc mắc tổ chức nào tài trợ cho nhóm Cộng Sản này. Trung tâm nghiên cứu The Capital Research Center cho hay tổ chức Open Society Foundation của nhà tỷ phú George Soros đã tuồn nhiều tiền cho họ.  Tổ chức Refuse Fascism này đã gây ra cuộc bạo động để ngăn cản ông Milo Yiannopoulos đến diễn thuyết tại trường Đại Học California ở Berkeley hồi tháng 2 vừa qua.

Các chính trị gia cũng không ưa Tổng Thống Trump

Gác qua một bên những bất đồng trong cách điều hành, chính sách đối nội, đối ngoại… các chính trị gia chuyên nghiệp mà chúng ta thường nghe qua chữ “Establishment” rõ ràng không ưa Tổng Thống Trump vì ông từng đe doạ sẽ “drain the sewer” làm sạch và giản lược guồng máy chính quyền để nhẹ sự chi tiêu và loại ra những kẻ bất xứng, bám vào hệ thống thư lại để hưởng lợi. Có lần, ông đùa với phóng viên đài NBC rằng: “Tôi có thể chấm dứt nạn thâm thủng trong vòng 5 phút!” Làm thế nào ư? Ông nói:”Chỉ cần ban hành một đạo luật ấn định rằng nếu Quốc Hội làm thế nào mà ngân sách quốc gia thâm hụt trên 3%, thì các dân cử sẽ không được tái tranh cử!”

Với chức vụ Tổng thống, Hiến pháp ấn định tối đa là 2 nhiệm kỳ; còn các chức vụ dân cử thì không có giới hạn. Quý vị có thì giờ, cứ vào các trang web để xem các vị dân cử đã bám vào chiếc ghế trong Quốc Hội hàng chục năm; dù rằng chức vụ dân cử không phải là một nghề nghiệp như những nghề mà chúng ta học hành và đeo đuổi cả cuộc đời làm việc. Tại cấp liên bang, có nhiều vị làm 30, 40, có vị làm lâu nhất là 59 năm (ông John Dingell đã về hưu) Vị tại chức lâu nhất là các ông Thad Cochran, Don Young (45 năm), và ông Patrick Leahy, Chuck Grassley (43 năm)! Nếu tính cả hai cấp Tiểu Bang rồi lên Liên Bang thì có Dân Biểu Lloyd Doggett từ 1973 (44 năm),  Chuck Schumer 42 năm, Bà Maxine Waters làm dân biểu đến nay đã tròn 40 năm, Dân Biểu Nancy Pelopsi, 30 năm, Thượng Nghị Sĩ John McCain 34 năm… Với số lương khi là Dân biểu Tiểu bang khoảng 7200 đô la mỗi năm, cấp liên bang từ 174 đền 223 ngàn/năm. Không hiểu với số lương như thế, mà sau nhiều năm làm dân biểu, nhiều người hiện nay trở thành multi-millionaire.

Những dân cử cấp Liên Bang, dù chỉ làm vài năm, khi hết làm vẫn được hưởng lương hưu suốt đời là 174 ngàn mỗi năm. Ông Chủ Tịch Hạ Viện 223,500, lãnh tụ hai khối đa số và thiểu số 193,400. (Lương hưu của Tổng Thống là 180 ngàn).  So với lương trung bình một thầy giáo trung học là 40 ngàn, hay của một quân nhân dưới 40 ngàn mỗi năm, nếu làm việc liên tục cho đến khi về hưu chỉ lãnh vài chục ngàn mỗi năm.

Tổng Thống Trump nói rằng phục vụ trong Quốc Hội là một vinh dự, không phải là một nghề nghiệp. Các vị khai quốc có viễn kiến về những nhà lập pháp là mang tính cách công dân; vì thế họ chỉ nên phục vụ một hay vài nhiệm kỳ rồi trở về đời sống và công việc chính của họ.  (Serving in Congress is an honor, not a career. The Founding Fathers envisioned citizen legislators, so ours should serve their term(s), then go home and go back to work.) Mà cũng nên như thế, vì việc đại diện cho dân phải dành cho những người khác, nhất là các thế hệ nối tiếp chứ không thể ôm chiếc ghế suốt đời.

Mức nhập cư của di dân giảm sút

Trong thời gian cầm quyền gần 10 tháng qua, mức độ di dân vào Mỹ đã sút giảm hẳn từ 9945 người trong tài khoá năm ngoái, xuống còn 1242 người trong tài khoá năm nay. Đó là tỷ lệ giảm đến 87% tình đến đầu năm 2018 là khi tài khoá mới bắt đầu.

Những người di dân từ các nước Hồi Giáo từ 45% năm ngoái, nay chỉ còn 23%. Đó là do các biện pháp điều tra kỹ lưỡng và sự cấm nhập cư dân tị nạn từ vài nước bị coi là có vấn đề khủng bố trầm trọng. Nhưng việc ngăn cấm này nay đã hết hạn.

Những năm trước, cựu Tổng Thống Obama chấp thuận cho mỗi năm 110 ngàn di dân vào Mỹ, Tổng Thống Trump đã hạ xuống còn 45 ngàn cho tài khoá bắt đầu từ tháng trước.

Ngoài ra, nhiều nhà hoạt động cũng đang đặt vấn đề yêu cầu bãi bỏ điều được gọi là “di dân theo dây chuyền” (Chain migration). Theo định nghĩa, thì “di dân dây chuyền” là cách mà các di dân từ các nước ngoài vào Hoa Kỳ do sự bảo lãnh của thân nhân đang là công dân Mỹ. Việc di dân này sẽ diễn ra như là bất tận. Vì những người được bảo lãnh, sau khi trở thành công dân, sẽ bảo lãnh tiếp thân nhân của họ; và cứ thế mà tiếp tục mãi. Trong những thập niên 1950 và 1960, trung bình mỗi năm có 250 ngàn di dân, nhưng do diễn trình di dân dây chuyền, con số tăng hơn 1.5 triệu từ sau 1990, tức là gấp 4 lần. Từ 1994, đã có hơn 5 triệu di dân vào Mỹ theo tiêu chuẩn diversity (đa dạng), gấp 345% số dự liệu. So với dân số Hoa Kỳ là 325 triệu, thì hiện đang có đến 44 triệu di dân đến Mỹ theo các tiêu chuẩn bảo lãnh dây chuyền.

Các nhà xã hội học coi dây là sự bùng nổ dân số mà đã đem lại nhiều hậu quả ảnh hưởng xấu đến lối sống của người Mỹ, như việc các trường học nay đã chứa quá khả năng hiện có, rồi hệ thống phúc lợi xã hội cũng bị quá tải, việc làm bị cạnh tranh, khan hiếm, những người lao động Mỹ và giới trung lưu phải cạnh tranh tìm việc với lao động ngoại quốc với mức lương rẻ mạt..

Theo Đạo luật Immigrant Act 1990, thì cấp khoản hàng năm cho việc di dân dây chuyền dành cho thân nhân trực hệ, với 4 thành phần ấn định như sau:

1.- Không giới hạn cho công dân Mỹ bảo lãnh cha, mẹ.

2.- Công dân Mỹ bảo lãnh các con cái chưa kết hôn (23,400 người mỗi năm).

3.- Những người thường trú bảo lãnh người phối ngẫu, các con cái chưa kết hôn (114 ngàn mỗi năm)

4.- Công dân Hoa Kỳ bảo lãnh các con cái cùng người phối ngẫu và con của những đứa con này (23,400 mỗi năm)

5.- Công dân Mỹ bảo lãnh anh, chị, em và người phối ngẫu cùng con cái họ (65 ngàn mỗi năm)

Nhưng nó không ngừng ở đây, mà sẽ tạo ra những dây chuyền mới khi những người được bảo lãnh vào Mỹ sẽ tiếp tục bảo lãnh thân nhân của họ sau khi họ đã có điều kiện pháp định. Ngoài ra còn những trường hợp thân nhân không trực hệ xin đến Hoa Kỳ thăm viếng nhưng không muốn chờ đợi thủ tục kéo dài lâu, đã quyết định nhập cư bất hợp pháp.

Đạo Luật Immigration Act đòi hỏi lập ra một Ủy Hội lưỡng đảng để duyệt lại và thẩm định ảnh hưởng của Đạo luật này cũng như các tu chính án do luật này đưa ra. Chính Ủy Hội thời bà Barbara Jordan làm Chủ Tịch ngày 28 tháng 6, 1995, đã đề nghị hủy bỏ các tiêu chuẩn di dân dây chuyền như nói trên mà phải đặt trên các tiêu chuẩn như tài năng mà người di dân sẽ đóng góp cho đất nước Hoa Kỳ.

Mới đây, Thượng Nghị Sị Tom Cotton đã giới thiệu một dự luật chấm dứt tình trạng bảo lãnh dây chuyền này. Cũng như mới đây, chính Tổng Thống Trump cũng đề nghị hủy bỏ việc cho nhập cư theo lối rút thăm vì lý do an ninh. Ông cũng chủ trương chỉ nhận những di dân nào có khả năng, thiện chí để làm lợi cho đất nước.

Ảnh hưởng về tài chánh của nhóm di dân

Do những chính sách rộng lượng và dễ dãi của chính phủ, và cũng từ lối làm việc tắc trách của những văn phòng dịch vụ, nhiều di dân – hợp pháp lẫn bất hợp pháp – đã lạm dụng khai báo gian lận và nhận những khoản trợ cấp mà lẽ ra họ không được hưởng. Theo những tham khảo mới đây của Bộ Di Trú và Biên Phòng cho thấy nhóm 6500 di dân xin nhập cư nhận hơn 10 triệu đô la tiền trợ cấp phúc lợi dù họ không thuộc thành phần được hưởng. Chính phủ đã công bố lệnh bắt buộc những người khai gian phải hoàn trả lại các khoản tiền này,trong đó có một người nay bị buộc trả lại 70 ngàn đô la. Vì sự gian lận, 7300 người đã bị chính phủ cắt hết các khoản trợ cấp căn bản cho họ. Tất cả các khoản tiền mà nhóm di dân này gian lận đều lấy từ tiền thuế của công dân Hoa Kỳ.

Bà Elizabeth Hampton, Phụ Tá Bộ Di Trú than phiền rằng có nhiều di dân đã dùng tiền trợ cấp này để gửi về cho thân nhân ở nước họ. Di dân Việt chắc nằm trong thành phần này!

Canada đối phó nạn di dân bất hợp pháp

Tại Mỹ, có khoảng 300 ngàn người di dân từ các nước Trung Mỹ và Haiti đang có nguy cơ bị trục xuất sau khi hành pháp Trump hủy bỏ tình trạng được che chở tạm thời của họ.

Cuối tuần trước, bà Elaine Duke, quyền Bộ Trưởng Nội An loan báo rằng bộ sẽ gia hạn cho khoảng 57 ngàn người Hondura đến tháng 7, 2018 và tình trạng che chở sẽ bị chấm dứt sau hạn này. Cùng lúc, bà báo tin hủy bỏ tình trạng che chở cho 2500 người Nicaragua. Lệnh này có hiệu lực từ tháng 1, 2019. Những người nói trên trước đây là nạn nhân của thiên tai xảy ra do cơn bão Mitch năm 1999 và được Hoa Kỳ cho vào tạm cư với những thời gian được gia hạn nhiều lần. Nhưng này, bà Duke nói rằng các điều kiện để biện minh cho sự che chở này không còn hiện hữu nữa. Những người này lại không muốn trở về cố quốc. Họ nhìn qua Canada, nghĩ rằng nước này có chế độ dễ dãi cho họ nên từ mấy tháng qua, nhiều người đã vượt biên giới trốn qua Canada, tạo ra gánh nặng cho nước này.

Chính phủ Canada đã bày tỏ sự lo ngại làn sóng ồ ạt những di dân bất hợp pháp sẽ tràn qua biên giới Mỹ Canada một khi Mỹ không còn chứa chấp họ. Vào cuối tháng 10, Canada đã dựng lên ở nhiều điểm dọc biên giới các tiểu bang New York và Vertmont những tấm biển nhằm ngăn chặn di dân từ Mỹ tràn qua. “Stop. Vượt biên giới tại đây hay những nơi nào ngoài các cửa xuất nhập là bất hợp pháp. Các bạn sẽ bị bắt và bị giam giữ.”  Còn các biển khác thì viết như sau: Không phải ai cũng đủ tình trang hợp lệ để xin tị nạn; và việc xin tị nạn không phải là cái vé để tự do nhập cư vào Canada.

Bên cạnh những việc làm cảnh báo đó, chính phủ Canada còn có gửi nhân viên đến các thành phố, tiểu bang của Mỹ nơi có nhiều thành phần di dân nói trên (như Miami, Los Angeles) để tổ chức những buổi nói chuyện có tính cách cộng đống. Những nhân viên này có những dân biểu Canada thông thạo tiếng Tây Ban Nha và thổ ngữ Creole sẽ giải thích về các luật lệ di trú của Canada. Mười hai toà Lãnh Sự Canada tại Mỹ cũng được huy động vào việc tuyên truyền, giáo dục nói trên.  Ông Jean-Pierre Fortin, Chủ tịch Hiệp Hội Di Trú và Thuế Quan của Canada, đại diện cho trên 10 ngàn nhân viên biên phòng luôn nhắc nhở rằng sẽ có những làn sóng người tràn vào Canada, mà nước này thì chưa chuẩn bị đủ để đối phó.

Từ đầu năm đến nay, đã có 35 ngàn người nhập cư bất hợp pháp và Canada, so với 24 ngàn trong năm 2016. Dù chính phủ Canada tìm mọi cách để làm cho họ nản chí, nhưng hiện nay, mỗi ngày vẫn có hàng mấy chục người tràn vào. Trong số 13 ngàn người nhập cư đã nộp đơn, chỉ có 300 đơn được cứu xét, và cũng chỉ có một nửa số trường hợp được chấp thuận. Nhưng những người chờ đợi cứu xét cũng được cấp pháp làm việc và hưởng sự săn sóc y tế.

Những khuynh hướng mâu thuẫn trong dư luận quần chúng

Canada với lãnh thổ suýt soát 10 triệu cây số vuông nhưng chỉ có 35 triệu dân trong đó 22.3% là di dân mới. Từ 1990 đến 2008, dân số tăng thêm 5.6 triệu người, từ hơn 20% dân số sẵn có. Từ 2011 đến giữa năm 2016, dân số lại tăng thêm 1.7 triệu mà 2/3 là di dân. Với đà di dân hiện nay, người ta ước tính đến năm 2036, thì tỷ lệ di dân so với dân số sẽ là 1/3. Sở dĩ Canada có một chính sách mở cửa đối với di dân là vì đất quá rộng, người lại thưa (3.7 người trên mỗi cây số vuông). Các chính đảng cổ vũ cho sự thu nhận di dân để phát triển kinh tế, và cũng vì lý do nhân đạo là đoàn tụ gia đình cho những người đến từ trước. Mỗi năm có khoảng trên dưới 300 ngàn người đến định cư ở Canada.

Canada rất ưu đãi di dân, giúp cho họ nhiều điều kiện thuận lợi để thành công và leo lên các nấc thang cao trong xã hội. Mỗi năm, ngân sách chính phủ bỏ ra hơn 1 tỷ đô la cho các chương trình huấn nghệ, dạy sinh ngữ để dân nhập cư nhanh chóng thích ứng vào đời sống mới. Họ cũng cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục công cộng có phẩm chất tốt, cũng như tiền học tại Đại Học khá thấp.

Công luận Canada ủng hộ việc cho nhập cư này. Có đến 72% dân chúng được hỏi đến đã cho rằng chính sách di dân làm lợi cho kinh tế Canada. Tuy nhiên cũng có 54% thì cho rằng có quá nhiều người nhập cư không chịu thừa nhận các giá trị xã hội của Canada. Chắc quý vị cũng có thể biết đây là thành phần nào rồi.

Mới đây, Thủ Tưóng Justin Trudeau cũng phải nhận rằng làn sóng nhập cư ồ ạt không chỉ gây khó khăn cho hệ thống tiếp vận, mà còn là mối nguy ảnh hưởng đến chính sách di dân rộng rãi vì người dân dần dần sẽ nhìn thấy đây cũng là mối nguy hiểm.

Đầu tháng này, chính phủ đã đưa ra một kế hoạch ba năm, cho phép 1 triệu di dân được hưởng tình trạng thường trú. Trong 1 triệu này, 58% là di dân kinh tế, số còn lại chia hai: một nửa là đoàn tụ gia đình và nửa kia là thành phần tị nạn các loại. .

Không thể nào khốn nạn hơn!

Thượng Nghị Sĩ John McCain từng là Đại Tá của Hải Quân Hoa Kỳ hồi hưu năm 1981 sau đó đắc cử vào Hạ viện Hoa Kỳ hai nhiệm kỳ từ 1982 đến 1986. Qua 1987, ông đắc cử vào Thượng Viện 1987 cho đến nay. Trong chiến tranh Việt Nam, ông là Thiếu Tá lái máy bay chiến đấu A-4E Skyhawk thuộc Phi Đoàn của Hàng không Mẫu hạm USS Oriskany. Ngày 26 tháng 10, năm 1967, máy bay của ông bị bắn rơi trên vùng trời Hà Nội. Ông nhảy dù xuống Hồ Tây và bị dân quân Cộng Sản Bắc Việt bắt sống với nhiều vết thương gãy cả hai tay và chân. Ông bị giam giữ tại nhà giam Hoả Lò nơi mà người Mỹ đặt tên là Hanoi Hilton cho đến ngày 14 tháng 3, 1973 thì được trao trả cho phía Mỹ. Tổng cộng ông bị tù năm năm sáu tháng.

Chính giới Hoa Kỳ phê bình ôngMcCain có nhiều lập trường mâu thuẫn về nhiều vấn đề quan trọng. Khi thế này, khi thế nọ tùy theo chiều gió hay tùy theo dư luận chung, như vấn đề Iraq, vấn đề chống khủng bố, vấn đề tra tấn tù binh…

Trong thời gian làm Thượng Nghị Sĩ, ông đi Việt Nam nhiều chuyến cổ vũ cho sự hàn gắn vết thương chiến tranh. Lần đầu khi ông đến Việt Nam, ông đã tìm gặp tên Việt Cộng ngày xưa bắt sống ông để ôm tên này và nói những câu tâm sự. Ông nhiều lần thúc đẩy quốc hội và chính phủ Mỹ bình thường hoá quan hệ hai nước và giúp đỡ cho Việt Cộng tái thiết phát triển.

Cách đây vài năm, có một lần nhà cầm quyền Việt Cộng chơi xỏ, trao tặng ông tấm tranh cảnh ông bị bắt làm tù binh. Mới đây, tên Nguyễn Chí Vịnh là tướng công an Việt Cộng đến thăm ông và trao tặng ông một món quà rất bất ngờ. Đó là một tập gồm những lá thư đã bạc mầu mà ông McCain đã viết từ trong nhà tù Hoả Lò gửi về cho gia đình. Hình ảnh đáng thương là ông McCain gầy hốc hác, ngồi trên chiếc xe lăn vì đang ở trong giai đoạn điều trị bệnh ung thư. Hai tay ông run rẩy nhận gói quà và mở ra để thấy bao nhiêu tâm tình của mình là người tù vô vọng gửi về gia đình đã bị bọn Cộng Sản Hà Nội ém đi hơn nửa thế kỷ nay. Phải chờ đến khi ông McCain gần đất xa trời, chúng nó mới chịu trả lại.

Điều mà nhà cầm quyền Cộng Sản gọi là ưu ái đối với ông McCain khi giao trả những lá thư, thật ra là một hành vi mất tính người khi dẫm đạp lên tình cảm của tù nhân. Nó bộc lộ cho thế giới văn minh thấy chân tướng của bọn vô lương, mà chắc chúng cũng từng làm thế với bao nhiêu tù binh Hoa Kỳ thiếu may mắn rơi vào tay chúng.

Đối với những người chiến sĩ VNCH bị tù đày, thì điều này chúng tôi đã biết ngay từ những ngày đầu ở các trại tù. Chúng nó rêu rao rằng chúng nhân đạo, khoan hồng cho tù nhân gửi thư thăm gia đình. Nhưng chỉ có một số nhỏ là lọt qua được để đến tay gia đình, nếu trong thư chỉ viết đúng những điều do chúng hướng dẫn. Còn nếu chỉ cần một chữ than thở, biểu lộ sự lo âu… là sẽ gặp rắc rối ngay. Đa số các lá thư từ trại tù gửi ra hay từ gia đình gửi vào đều nằm trong các thùng phân vì bọn Việt Cộng dùng làm giấy vệ sinh cả.

Chúng tôi còn nhớ thời gian bọn cai tù kêu gọi tù nhân viết thư về nhà để báo cho gia đình làm giấy bảo lãnh và cam kết đi vùng kinh tế mới. Biết bao người đã gửi gắm hy vọng vào những là đơn bảo lãnh đó. Bao nhiêu công sức các bà vợ, bà mẹ nhiều ngày chầu chực để xin con dấu… Nhưng sau cùng, tất cả hy vọng của tù nhân và gia đình đều nằm gọn trong các hố phân hố rác của trại.

Không rõ khi nhận những lá thư trên, ông McCain có ân hận rằng mình đã bỏ bao nhiêu công sức để thuyết phục chính phủ Hoa Kỳ giúp đỡ cho bọn Cộng Sản Việt Nam? Ấy thế mà mới đây, khi Tổng Thống Trump đến Việt Nam, ông McCain chê ông Trump không nhắc đến vấn đề nhân quyền với Việt Cộng!

Tổng Thống Trump quên chuyện nhân quyền ở Việt Nam?

Trước ngày Tổng Thống Trump và Đệ Nhất Phu Nhân đến Việt Nam, ngày 7 tháng 11, có 20 vị dân cử Hoa Kỳ đã gửi đến Tổng Thống một lá thư dài hơn 3 trang trong đó yêu cầu Tổng Thống khi gặp gỡ các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam, hãy đặt các vấn đề tự do truyền thông internet, tự do tôn giáo, giải quyết nạn buôn người, nhấn mạnh đến cải cách pháp luật để thực thi các quyền tự do, thả tù nhân lương tâm, và bồi hoàn cho những người Mỹ gốc Việt từng bị cướp đoạt tài sản.

Nhưng trong những ngày ở Việt Nam, không rõ bên trong ra sao, nhưng bên ngoài thì Tổng Thống Trump đã không nhắc đến các điều này với các chủ tịch nước, thủ tướng Việt Cộng.

Cũng có nhiều người Việt Nam phê bình Tổng Thống Trump như thế. Nhưng họ quên rằng ông Trump đến Việt Nam là để dự Hội Nghị APEC mà Việt Nam là nước chủ nhà, đứng ra tổ chức. Người ông Trump tiếp xúc là chủ tịch nước Trần Đại Quang, tuy đứng đầu quốc gia để tiếp đón các vị nguyên thủ các nước; nhưng Quang không có chút quyền hành chính trị nào. Tất cả quyền nằm trong tay Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản là Nguyễn Phú Trọng. Dù ông Trump có nhắc nhở Trần Đại Quang thì cũng vô ích mà thôi.

Khi thay mặt Hoa Kỳ đến dự Hội Nghị APEC, ông Trump phải nhắm vào các mục tiêu chính là giao thương, kinh tế, và phát triển mà ông sẽ dành lại thế thượng phong, ít ra thì cũng là sự công bình, tôn trọng lẫn nhau và các bên đều có lợi. Trong bối cảnh nền an ninh khu vực bị đe dọa bởi sự hung hăng hiếu chiến của Bắc Hàn, ông Trump đã phải thuyết phục các nước trong vùng tìm biện pháp đối phó. Và trước sự xâm lấn ở Biển Đông của Trung Cộng, chính Tổng Thống Trump khi phát biểu với một cử tọa Việt Nam, đã khêu gợi tinh thần ái quốc qua việc dẫn chứng cuộc chiến đấu của hai bà Trưng. Qua câu nói :”Hãy chọn tương lai với lòng yêu nước, niềm tự hào, thịnh vượng chứ không phải là nghèo khó hay lệ thuộc…” ông đã gửi một thông điệp nhắc đến tinh thần quật cường, tính độc lập là những yếu tố mà hiện nay người Việt Nam quốc nội đang cần hun đúc.

Hiện tượng Mai Khôi

Khi hàng triệu người Việt Nam đổ ra đường vui mừng chào đón Tổng Thống Trump, thì có một cô ca sĩ Mai Khôi trơ trọi cầm một tấm bảng phản đối ông với một câu rất thô bỉ, nhục mạ. Cô Mai Khôi này không lạ gì ở Việt Nam, được nổi tiếng không vì giọng hát mà vì cách ăn mặc và lối trình diễn kỳ quặc, phô bày dục tính nhiều hơn nghệ thuật. Cô được coi là một Lady Gaga Việt Nam. Cô này cũng tự nhận mình là người đấu tranh nhân quyền. Năm ngoái, cô Mai Khôi đã đi một vòng nhiều nước trong đó có Hoa Kỳ để hát trong những buổi sinh hoạt nhỏ quy tụ vài chục người. Tại Washington, cô được bà nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình và một số cao niên đứng ra tổ chức cho ca hát. Nhưng cô đã thoái thác khi thấy có chưng lá cờ Việt Nam. Lạ thay, những người tổ chức, trong đó có cả vị Chủ tịch Hội Cao Niên, cựu Chủ Tịch Cộng Đồng Hoa Thịnh Đốn và vài người có tiếng tăm trong Cộng Đồng Washington đã chiều theo ý Mai Khôi mà dời lá quốc kỳ vào cuối phòng.

Có những việc làm, những câu nói phản đối ở Hoa Kỳ hay Tây Phương xem là thường, thì ngược lại ở các nước khác là không thích ứng, nhất là tại các nước Á Đông mà người ta không quen những từ ngữ tục tỉu ngoài công cộng! Chúng tôi không muốn mất thì giờ về những loại người như Mai Khôi mà chỉ muốn nói đến một hiện tượng khác đã nhiều lần xảy ra trong cộng đồng người Việt hải ngoại.

Đó là mỗi khi xuất hiện một nhân vật, hay nổi lên một sự kiện khác lạ, người ta thường chỉ nhìn phớt qua bên ngoài để đánh giá một cách hời hợt, mà không tìm hiểu kỹ bản chất sự việc hay con người đó. Một số người đã vồ vập, tung hô, bơm lên tận mây xanh những người chỉ mới xuất hiện với vài câu tuyên bố xanh rờn. Họ phong cho những người này nào là: anh hùng, anh thư, thánh nữ, cứu tinh dân tộc …

Nhưng khi tìm hiểu ra, đó chỉ là những kẻ bất mãn với nhà cầm quyền trong một chính sách nào đó, trong một thời gian nhất định nào đó. Còn bản chất, họ vẫn là những kẻ còn mê muội về  chủ nghĩa Cộng Sản, còn tôn sùng Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Ngoài ra, còn kể đến những kẻ hoạt đầu, giả hình, hay cò mồi của địch.

Chúng tôi xin đơn cử vài tên như Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Kim Chi, Bùi Minh Hằng, Mai Khôi… Trong nhất thời, những người này cũng có thể cùng chúng ta nhắm vào một mục đích là chống nhà cầm quyền Việt Nam Cộng Sản; nhưng chúng ta cần biết rõ họ có mục tiêu tối hậu khác với mục tiêu của chúng ta. Chúng ta muốn xây dựng chế độ dân chủ tự do, còn họ chỉ muốn tái lập cái chế độc Cộng Sản thời Hồ Chí Minh mà họ ngỡ là tốt đẹp.

Để có một đánh giá tương đối về con người, ngoài tài trí, đức độ, khả năng mà phải có một thời gian đủ dài để chứng minh; thì còn phải tìm hiểu quá trình nhận thức, tư tưởng, và những hoạt động của họ. Có thế, chúng ta mới trao sự tin tưởng, ủng hộ và cổ động cho họ. Còn nếu ngược lại, thì khi khám phá những điều không vừa ý, sự thất vọng sẽ đưa đến mất niềm tin về sau và sự chán chường trong cộng đồng chúng ta. Đó là chưa kể đến cũng vì các anh hùng, anh thư, cứu tinh giả hiệu này mà đã gây chia rẽ ngay trong hàng ngũ những người quốc gia do có những người bênh và có nhiều người chống. Rồi thay vì chỉ tập trung phân tích về đối tượng, thì những người cùng chiến tuyến chuyển mũi dùi vào nhau, mạt sát, hạ nhục nhau còn khiếp sợ hơn là họ làm đối với kẻ thù chung!

Thù của kẻ thù chưa hẳn là bạn! Người Cộng Sản khôn ngoan hơn chúng ta nhiều khi họ biết tận dụng những người mà họ nhận ra đó là “thù của thù”. Khi Hồ Chí Minh lập ra Mặt Trận Việt Minh, ông ta đã thu hút nhiều nhà ái quốc phe quốc gia để tăng uy tín và sức mạnh nhưng không bao giờ ôm ấp như đồng chí, chiến hữu. Hồ và các đảng viên Cộng Sản không bao giờ tin cậy những người Quốc Gia. Khi đã tạo ra được sự vững vàng, họ loại ngay những người Quốc Gia không thương tiếc.

Hình như đó là một trong những bài học mà người quốc gia không chịu học thuộc.