Thời Sự Hàng Tuần ngày 16 tháng 12, 2017 Truyền thông phe tả loan tin láo

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Vài phát giác mới về vụ điều tra của FBI và ông Mueller.

Thật động trời khi người ta phát giác ra những nhân viên FBI trong ban Điều tra của James Comey là những người có nhiều liên hệ mật thiết với bà Clinton. Họ từng viết ra, nói ra những lời thoá mạ ông Trump. Nhất là vợ ông Peter Strzok (FBI) lại là người trong nhóm Fusion GPS, là tổ chức được bà Clinton dùng 9 triệu đô la tiền ăn cắp của Ủy Ban Tranh Cử Đảng Dân Chủ để thuê họ lập một tập hồ sơ bịa đặt đánh phá ông Trump.

Những phát giác trên đã cho thấy mức độ thiên vị của các ủy ban điều tra này đã làm lợi cho Clinton như thế nào, và đã dây dưa điều tra ông Trump về những điều cáo buộc mà đến nay không tìm ra bằng chứng.

Roy Moore thua phiếu chỉ 0.7%

Sau kỳ bầu cử 2016, đảng Cộng Hoà chiếm 52 ghế trong Thượng Viện, Dân Chủ được 46 ghế, và 2 ghế dộc lập. Khi Thượng Nghị Sĩ Jeff Session (Cộng Hoà- Alabama) được bổ nhiệm làm Bộ Trưởng Tư Pháp, Thống Đốc Alabama là Robert J. Bentley cử ông Luther Strange tạm thay thế trong khi chờ cuộc bầu cử bổ sung. Hôm thứ Ba ngày 12 tháng 12 vừa qua, cuộc bầu cử đã diễn ra sôi nổi giữa hai ứng cử viên là Doug Jones (Dân Chủ) và Roy Moore (Cộng Hoà).

Ông Roy Moore cầm đầu Tối Cao Pháp Viện Alabama, đã thắng phiếu ông Luther Strange ở vòng sơ bộ trong đảng Cộng Hoà. Nhưng khi chỉ còn một tháng trước ngày bỏ phiếu, ông Moore bị vài phụ nữ đứng ra tố cáo ông đã có hành vi xúc phạm tình dục họ từ 40 năm về trước. Dù việc tố cáo chưa rõ đúng hay sai, số phiếu thăm dò dành cho ông Moore tụt xuống rất nhiều. Tuy nhiên, ông vẫn khăng khăng chối bỏ các lời tố cáo đó. Sát ngày bỏ phiếu, con số người tin ông vô tội tăng thêm, và có một tỷ lệ cao không cho việc này là quan trọng. Đối thủ của ông, Doug Jones, là một cựu Công Tố của Khu Vực Bắc Alabama (Northern District) được bổ nhiệm bởi cựu Tổng Thống Obama.

Nhưng ngoài việc bị tố cáo về tình dục, ông Moore còn bị những chính trị gia phía Cộng Hoà phá thối. Rất nhiều Thượng Nghị Sĩ Cộng Hoà yêu cầu ông rút ra khỏi cuộc tranh cử. Ông Mitch McConnell, Chủ Tịch Khối Đa số Thưọng viện công khai lên tiếng kêu gọi đảng Cộng Hoà địa phương không yểm trợ cho ông Moore. Chính Tổng Thống Trump ban đầu cũng không, nhưng gần chót thì gửi ra lời kêu gọi dồn phiếu cho ông Moore.

Từ lúc chấm dứt bỏ phiếu lúc 7 giờ cho đền gần 10 giờ đêm, số phiếu ông Moore cao hơn phiếu của ông Jones ở mức 5, 6 phần trăm. Nhưng càng gần phút chót, phiếu ông Jones tăng dần và cuối cùng thì ông ta hơn phiếu ông More 1% (Khoảng 20 ngàn phiếu trong hơn 1.3 số phiếu bầu).

Tiểu bang Alabama là thành trì vững chắc của Đảng Cộng Hoà từ trước đến nay. Ông Jones là người đảng Dân Chủ đầu tiên được bầu vào Thượng Viện Hoa Kỳ kể từ năm 1992. Tại Alabama, các ứng cử viên Tổng Thống đảng Cộng Hoà luôn luôn thắng với số phiếu áp đảo.

Việc ông Jones đắc cử là một thiệt thòi rất lớn cho đảng Cộng Hoà tại Alabama và ngay cả ở Quốc Hội. Các chính sách của Tổng Thống Trump trước đây đã chật vật khi qua Thượng Viện dù Cộng Hoà là đa số, nay cán cân giữa hai đảng coi như nghiêng ngửa. Ông Trump không chỉ đối phó với sự chống đối quyết liệt của Nghị Sĩ dảng Dân Chủ mà còn với những Thượng Nghị Sĩ thuộc thành phần mà ông gọi là “Establisment” (chính trị gia chuyên nghiệp). Ông Moore thua phiếu là do rất nhiều cử tri Cộng Hoà đã không đi bỏ phiếu, trong khi phe Dân Chủ vận động cộng đồng người da đen rất mạnh. Những nhà bình luận xem việc thất cử của ông Moore là do phần lớn lỗi của ông Mitch McConnell.

Nhiệm kỳ của Thượng Nghị Sĩ Liên Bang là 6 năm. Việc bầu cử được sắp xếp để cứ hai năm thì sẽ bầu lại 1/3 số Thượng Nghị Sĩ. Lương tháng của Thượng Nghị Sĩ là 174 ngàn đô la mỗi năm. Năm 2004, có khoảng 40 vị Thượng Nghị Sĩ là triệu phú.

Những vụ tố cáo về tình dục, đúng sai chưa biết, nhưng đã làm hại sự nghiệp nhiều người, làm mất danh dự và uy tín của họ trước công chúng và gia đình. Ngày 14 tháng 12, một dân biểu Tiểu Bang Kentucky, ông Dan Johnson, đã tự sát bằng súng sau khi bị một phụ nữ tố cáo xúc phạm tình dục qua đài phát thanh NPR (National Public Radio). Ông cho rằng việc tố cáo là không đúng, và đã dùng cái chết để chứng minh vô tội. Trong thư để lại, ông viết: “Nước Mỹ sẽ không sống nổi qua những sự phán xét và những tin bịa đặt này…”

Khủng bố tại New York City

Thành phố New York, lúc 7:20 sáng sớm thứ hai, hàng triệu người dân New York ra khỏi nhà đi đến sở làm việc. Hàng chục ngàn người dùng đuờng xe điện ngầm là một phương tiện nhanh chóng và tiện lợi. Tại một hành lang dưới đất, gần kế trạm xe bus của Port Authority, một tiếng nổ vang dội làm hành khác chạy tứ tán. Trên mặt đất sòng soải một thanh niên da ngăm đen với những vết thương quanh bụng. Có thêm bốn hành khách khác chỉ bị thương nhẹ.

Đó là vụ nổ bất thành của tên Hồi Bangladesh Akayed Ullah, 27 tuổi. Akayed đã tự chế tạo lấy một trái bom loại bom ống dài 12 inches nối với một cục pin 9 volts bằng dây điện lấy từ các dây đèn Giáng Sinh. Trái bom đuợc nhồi vào với những chiếc đinh để khi nổ sẽ bay ra mọi hường, gây sát thương cho những người quanh đó. Anh ta quấn quanh bụng bằng velcro và dây nylon rồi từ khu nhà ở Brooklyn anh ta đến khu Manhattan để thực hiện công việc khủng bố bằng bom tự sát. Nhưng do ống bom anh ta làm không được hoàn chỉnh, nó đã nổ ngoài dự tình. Do đó không tạo ra được mức sát thương như mong muốn.

Tên Akayed bị thương ở bụng và tay và được đưa vào bệnh viện. Anh ta khai rằng bị khích động bởi tuyên truyền trên mạng của bọn khủng bố cực đoan ISIS mà tự hành động chứ không do sự sai khiến của tổ chức nào.

Akayed đến từ Bangladesh theo chương trình di dân dây chuyền (extended-family chain migration) năm 2011 và đang có thẻ thường trú tại Hoa Kỳ. Akayed là một công nhân một hãng điện. Nhân vụ này, nhiều người kêu gọi chính phủ và Quốc Hội phải xét lại luật di dân và chấm dứt việc bảo lãnh dây chuyền. Theo chủ trương của Tổng Thống Trump, ông chỉ chấp nhận những di dân nào có khả năng cống hiến, đến Hoa Kỳ với mục đích thăng tiến chứ không chấp nhận việc các gia đình bảo lãnh bà con kéo dài từ thế hệ này qua thế hệ nọ. Chương trình bảo lãnh nói trên đã giúp cho nhiều người đưa được hết cả đại gia đình, cả giòng họ. Có nhiều người Việt Nam còn đưa được cả làng qua Mỹ và chắc chắn không ít những người trong thành phần này là cán bộ, gia đình đảng viên Cộng Sản.

Bộ Trưởng Nội An, bà Kirstjen Nielsen đã lên tiếng rằng Bộ đang có những hành động tích cực để bảo vệ đất nước và công dân Hoa Kỳ trong bối cảnh bị nạn khủng bố đe doạ. Chính quyền sẽ có thêm những biện pháp an ninh chặt chẽ hơn nhằm ngăn chận bọn khủng bố xâm nhập vào Hoa Kỳ hoặc ngăn chận các tổ chức này tuyển mộ người trong nước.

Thành phố New York với dân số hơn 8.6 triệu người đã rất nhiều lần là mục tiêu của bọn khủng bố. Từ biến cố 11 tháng 9, 2001đến nay, cơ quan công lực đã ngăn chặn đuợc 26 âm mưu phá hoại, khủng bố. Chưa đầy hai tháng trước đây, một tên Uzbekistan đã lái xe tông vào những người dạo chơi bằng xe đạp ở khu hạ Manhattan, giết chết 8 người vô tội.

Không rõ chính quyền sẽ đưa tên khủng bố này ra toà như một chiến binh thù địch hay là như một tội phạm hình sự? Nếu xử như một tội hình sự, tên này được hưởng quyền theo Tu Chính Án 15 là luật Miranda, và đươc toà án cho luật sư bảo vệ. Nếu xử theo tư cách chiến binh địch, thì chắc phải qua một toà án Quân Sự với khung hình phạt cao hơn và không có đặc quyền.

Lại cháy lớn ở Nam California

Vài tháng trước đây, một cơn hoả hoạn thiêu rụi 2000 căn nhà và cơ sở ở 8 counties thuộc Tiểu Bang California. Chưa kịp hoàn hồn thì tuần trước nữa, lại cháy. Lần nay ảnh hưởng đến 4 counties thuộc vùng nhà giàu cũng ở gần Montecito và Carpinteria. Nặng nhất là khu vực gần bờ biển ở Quận Santa Barbara County, cách Los Angeles khoảng 75 dặm vế hướng Tây Bắc. Ngày 4 tháng 12, ngọn lửa bắt đầu cháy ở vùng gần Ventura County rồi lan qua các quận Los Angeles, Riverside và San Diego; nhưng nhân viên cứu hoả đã ngăn được và làm chuyển hướng ngọn lửa về vùng chân đồi Santa Barbara.

Vì có những cơn gió mạnh, ngọn lửa lan rất nhanh theo các thung lũng và dọc theo các triền đồi rồi lan đến khu rừng công viên Los Padres, nơi 10 năm trước cũng làm mồi cho cơn hoả hoạn lớn hàng thứ tư tại California.

Ngọn lửa lớn mạnh ngoài sự kiểm soát và ngăn chặn. Nó chia làm hai nhánh. Một cháy lan xuống các đồi ở Santa Barbara và nhánh kia chuyển qua hướng Tây Bắc  đến tận hồ Cachuma. Nó đã thiêu rụi 800 căn nhà và cơ sở trên một diện tích 230 ngàn acres và đuợc xem là lớn thứ năm trong lịch sử California. Có ít nhất 200 ngàn người phải di tản khỏi nơi cứ trú. Tuy nhiên về nhân mạng chỉ có 1 người chết.

Khu vực phía sau của Montecito không bị lửa lan tới, là nơi có nhiều căn nhà của những triệu phú và các tài tử nổi tiếng như Oprah Winfrey, Jeff Bridges, Ellen DeGeneres và Rob Lowe.

Truyền thông phe tả loan tin láo

Brian Ross của đài ABC, trong chương trình phỏng vấn đã bịa chuyện Tổng Thống Trump, lúc còn là ứng cử viên, đã ra lệnh cho ông Michael Flinn tiếp xúc với Nga. Vài ngày sau bị phanh phui chuyện láo này, ngày 1 tháng 12, trong chương trình World News Tonight, Brian đã thú nhận mình loan tin không có thật. Đài ABC thì đã có biện pháp với ký giả Brian Ross sau khi ông thú nhận. Ross bị cho nghỉ việc 1 tháng không lãnh lương. Tuy nhiên, họ đổ thừa cho ban biên tập đã không tra cứu kỹ.

Hôm tối thứ Sáu, Tổng Thống Trump đến Pensacola nói chuyện, dường như ở trong một sân vận động, đông nghẹt người và còn nhiều người bên ngoài không vào được, nhưng ký giả Dave Weigel của báo Washington Post đã post lên một tấm ảnh khu vực vắng hoe, chỉ thấy những hàng ghế trống.

Đài CNN thì cũng đã lên tiếng đính chính về một tin bịa đặt rằng trong thời gian tranh cử 2016, nhóm vận động của Tổng Thống Trump – trong đó có Trump Jr. – đã tìm đọc đuợc những tài liệu do Wikileaks thu thập. Sự thật, thì các vị này đã đọc các tài liệu đã được công bố.

Lúc 8:40 sáng thứ Hai, lúc các đài khác loan tin về vụ nổ bom tại New York, đài CNN để ra cả 5 phút để đem chuyện Tổng Thống Trump ưa thích các tiệm ăn fast food và thói quen uống cả lố 12 lon coke diet ra nhạo báng. Đến chiều, lúc khoảng gần 4 giờ, cô xướng ngôn viên Brooke Baldwin lập lại chuyện này bằng cách mời thêm cô Jeanne Moos để diễu cợt chuyện 12 lon Coke của Tổng Thống Trump. Không hiểu CNN nghĩ thế nào khi cứ lôi những chuyện vụn vặt ra để cốt làm mất mặt một vị Tổng Thống?

Tổng Thống Trump hôm Chủ Nhật đả lên tiếng chỉ trích truyền thông mà ông gọi là “the Fake News Media.” Ông cho rằng họ đã như con ngựa vượt ra khỏi sự kiểm soát sau khi liên tục loan ra những tin bịa đặt về ông.

Trong cuộc họp báo tối thứ Hai, bà Sarah Huckabee Sanders, Tham Vụ Báo Chí Toà Bạch Cung đã cực lực lên án nhóm truyền thông tả khuynh đã cố ý vặn vẹo tin tức để đánh phá Tổng Thống Trump (gần 90% tin họ loan về Tổng Thống Trump là tin xấu). Khi phóng viên CNN giải thích những việc loan tin sai chỉ là sự lầm lẫn trong lương thiện, bà Sanders lập lại rằng “lầm lẫn lương thiện” (honest mistakes) khác rất xa với với việc cố tình gạt gẫm quần chúng (purposefully misleading the American people), là điều mà giới truyền thông thiên tả này gây ra thường xuyên.

Hoa Kỳ và Nam Hàn tập trận

Sau khi Bắc Hàn coi thường sự lên án của thế giới, cho thử nghiệm hoả tiễn tối tân nhất từ trước đến nay; và dù Bắc Hàn lên tiếng cảnh giác và đe doạ, Quân Lực Hoa Kỳ đã tập trận chung với Quân Đội Nam Hàn trong một quy mô rộng lớn

Cuộc thao dượt hàng năm này có tên là Vigilant Ace (con chủ bài cảnh giác), được khởi sự hôm thứ Sáu tuần trước với sự tham dự của 6 chiếc chiến đấu cơ tàng hình F-22 cùng hơn 220 phi cơ đủ loại khác trong đó có F-35, những phóng pháo cơ B-1B Lancer và những chiến đấu cơ thế hệ thứ 5. Các phi cơ này xuất phát từ 8 căn cứ khác nhau trên đất Nam Hàn. Có 12 ngàn binh sĩ Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tham gia cuộc thao dượt này. Bắc Hàn xem đây là một sự khiêu khích!

Mục đích cuộc thao dượt là để nâng cao mức độ sẵn sàng và khả năng tác chiến, cũng như nhằm bảo vệ hoà bình và ổn định khu vực bán đảo Triều Tiên. Thứ ba tuần này, cuộc thao diễn được chấm dứt trước kỳ hạn.

Ủy Ban Thống Nhất Tổ Quốc trong Hoà Bình của Bắc Hàn đã miêu tả Tổng Thống Trump là bệnh hoạn và cho rằng cuộc thao dượt này sẽ đẩy tình hình vốn đã căng thẳng lên thêm mức độ mới là có thể nổ ra cuộc chiến tranh nguyên tử.

Cơ quan thông tấn Bắc Hàn KCNA trích lời một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Bắc Hàn nói rằng ông Trump đang cầu khẩn có chiến tranh nguyên tử khi ông thúc đẩy cuộc tập trận như chơi một canh bạc. Từ nhiều năm nay, Bắc Hàn vẫn dùng những lời lẽ hùng hổ để đe dọa Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh!

Nam Hàn thành lập đơn vị phi cơ không người lái có vũ trang.

Như để chuẩn bị đối phó với một cuốc chiến có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Quân Đội Nam Hàn đã thành lập thêm một đơn vị đặc biệt sử dụng các phi cơ không người lái (drones) được vũ trang.

Đơn vị này sẽ đi vào hoạt động vào năm tới, coi như một sự thay đổi trong chiến lược. Các phi cơ này đuợc gọi là Dronebot, ghép từ hai chữ Drone và Robot, sẽ được dùng để thám thính, và khi cần sẽ phóng ra những cuộc tấn công từ trên không.

Sáng kiến thành lập đơn vị Dronebot này có sau khi Bắc Hàn thử nghiệm hoả tiễn liên lục địa Hwasong 15 có thể bay một thời gian 50 phút và lên đến cao độ 2800 dặm (gấp 10 lần độ cao của các trạm không gian). Sau vụ thử này, Cố vấn An ninh Quốc Gia H.R. McMaster báo động rằng khả năng một cuộc chiến càng ngày càng cận kề. Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham cũng kêu gọi di tản hết gia đình của 25 ngàn quân nhân Mỹ ở Nam Hàn nhưng Bộ Quốc Phòng chưa có kế hoạch nào.

Cơ quan tình báo cho hay Bắc Hàn có khoảng từ 25 đến 60 vũ khí nguyên tử, nhưng không tin rằng họ có đủ trình độ kỹ thuật để sử dụng hiệu quả các vũ khí này khi bắn vào các mục tiêu trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Nhưng Bộ Trưởng Bộ Thống Nhất của Nam Hàn thì cho rằng theo đà hiện nay, Bắc Hàn sẽ phát triển nhanh chóng để có khả năng dó trong vòng năm tới.

Trung Cộng cảnh giác Hoa Kỳ không nên đụng tới Bắc Hàn

Trong khi Hoa Kỳ và Nam Hàn thực hiện cuộc thao diễn lớn chưa từng có, Trung Cộng đã có phản ứng cấp thời khi muốn đề cập đến vai trò của họ đối với đồng minh Bắc Hàn mà họ từng có những minh ước khi Trung Cộng tham chiến bên cạnh Bắc Hàn trong cuộc chiến tranh Cao Ly vào đầu thập niên 1950. Nói rõ hơn, Trung Cộng muốn tỏ ý họ sẽ lần này, lại đứng về phía Bắc Hàn nếu cuộc chiến nổ ra tại đây!

Đúng vào lúc cuộc thao dượt của Hoa Kỳ bắt đầu, Trung Cộng đã phối trí các phi cơ thám thính của họ dọc theo hành làng Hoàng Hải và Đông Hải gần bán đảo Triều Tiên, là vùng mà theo họ, Trung Cộng chưa hề bay qua trước đây.

Theo Li Jie, một chuyên viên quân sự Trung Cộng, thì mặc dù Trung Cộng đồng ý với Hoa Kỳ rằng việc tiến hành vũ khí nguyên tử của BắcHàn là mối nguy chung, nhưng Trung Cộng vẫn muốn duy trì nhà nước Bắc Hàn. Việc họ động binh hiện nay là một cảnh báo cho Hoa Kỳ và Nam Hàn rằng hai nước này không nên thách thức Bắc Hàn thêm nữa.

Trung Cộng và Bắc Hàn có nhnữg quan hệ buôn bán rất sâu đậm, mà theo Hoa Kỳ, Trung Cộng có thể dùng như vũ khí để áp lực Kim Jong Un. Nhưng Trung Cộng lại xem Bắc Hàn như một trái độn để tránh cho Hoa Kỳ có thể bố trí quân đội sát biên giới của họ trong trường hợp Hoa Kỳ chiếm được Bắc Hàn.

Liệu Trung Cộng có đánh Bắc Hàn không?

Biên giới giữa Trung Cộng và Bắc Hàn dài 880 dặm. Bắc Hàn luôn bị xem là một láng giềng bất ổn, khó tiên đoán được hành vi của họ. Nếu nổ ra chiến tranh, thì Trung Cộng sẽ có sự lựa chọn nào để đối phó?

Bắc Hàn, đối với Trung Cộng, vừa là một đứa con ân sủng, nhưng cũng là đứa con đáng nguyền rủa (blessing and curse). Nước Cộng Sản này luôn luôn công khai hiếu chiến, hung hăng đe dọa Hoa Kỳ và các đồng minh nhưng không tỏ ra sự đe doạ trực tiếp đối với Trung Cộng.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Trung Cộng và Bắc Hàn đã có nhiều dấu hiệu xấu đi trong những năm gần đây. Những vi phạm luật pháp quốc tế của Bắc Hàn đưa Trung Cộng vào thế khó xử và càng ngày, càng mất kiên nhẫn đối với đứa con hư..

Có nhiều tin đồn liên tiếp rằng Trung Cộng cũng đã chuẩn bị can thiệp vào Bắc Hàn trong trường hợp chính phủ nước này bị sụp đổ hoặc khi Bắc Hàn quay ra đe dọa Trung Cộng.

Trong trường hợp Trung Cộng nhúng tay, thì cả chế độ đuơng thời, Kim Jong Un hay bất cứ ai cầm đầu, sẽ bị xoá sạch rất nhanh chóng. Những rối loạn xã hội, nhất là hệ thống phân phối lương thực vốn đã nghèo đói, sẽ đẩy hàng triệu người chạy trốn ra khỏi Bắc Hàn. Biên giới với Nam Hàn và Nga thì bị khoá chặt. Con số hàng triệu này sẽ dồn qua ngả Trung Hoa mà chắc chắn người Tàu sẽ không thể chấp nhận.

Một giải pháp mà Trung Cộng sẽ lựa chọn nếu can thiệp vào Bắc Hàn là lập vùng trái động ngăn chận di dân, rồi chuyển ba Lộ Quân 78th, 79th và 80th (Army, tương đương cấp Quân Đoàn) thuộc Bộ Tư Lệnh Chiến Trường phía Bắc (Northern Theater Command) thọc sâu xuống Pyongyang và thiết lập một chính phủ bù nhìn để tạo ngay một sự ổn định cấp thời. Hiện nay, Bắc Hàn chỉ bố trí hai trong 6 quân đoàn (gồm bô binh, pháo binh, thiết giáp, cơ giới) của Quân Đội Nhân Dân Triều Tiên (Korea People’s Army (KPA)) tại biên giới tiếp giáp Trung Cộng. Họ dành đến ba quân đoàn phòng thủ Pyongyang. Có đến 70 toàn lực của Bắc Hàn dồn vào biên giới tiếp giáp Nam Hàn, tức là vùng vỹ tuyến 38.

Với hai quân đoàn, Bắc Hàn chắc không thể chống đỡ . Các quân đoàn kia sẽ bị kẹt cứng tại chỗ do vận chuyển và tiếp liệu khó khăn gây ra bởi sự cấm vận của Trung Cộng. Nếu chính quyền Bắc Hàn sụp đổ, cả đạo quân lớn của Bắc Hàn sẽ rối loạn và tạo thêm nguy hiểm xã hội. Vì thế, người ta đoán Trung Cộng sẽ bí mật câu kết với các chỉ huy quân sự Bắc Hàn thuyết phục họ không chống cự và tiếp tục duy trì trật tự.

Nhưng người ta cũng nghi ngờ khả năng chiến trận của quân đội Trung Cộng nữa. Lần cuối mà Trung Cộng tham chiến quy mô là khi đánh 6 tỉnh biên giới của Việt nam năm 1979 mà đã mang lại cho họ sự tổn thất vô cùng to lớn.

Chính Đặng Tiểu Bình đã thú nhận thất bại và thề thốt rằng Trung Cộng sẽ không bao giờ dấn thân vào một cuộc chiến hao tốn xương máu như thế. Cho dù ngày nay, quân đội Trung Cộng có những thay đổi bề mặt, họ vẫn chưa chắc có đủ tự tin cho một cuộc chiến lớn.

Nhưng lại có nhận xét lạc quan hơn. Họ cho rằng dù quân đội Trung Cộng thua xa quân đội Hoa Kỳ, thì vẫn còn rất khá hơn quân đội Bắc Hàn.

Nhưng điều nguy hiểm nhất mà thế giới lo ngại là sự chạm trán giữa hai lực lượng có cùng một mục đích tiêu diệt Kim Jong Un nhưng chủ trương tối hậu thì khác nhau. Một là Trung Cộng đánh từ bắc (sông Áp Lục) xuống Pyongyang, và hai là Hoa Kỳ cùng Nam Hàn đánh từ nam lên. Liệu hai người khổng lồ này có chạm nhau nảy lửa không?

Người ta suy đoán rằng trong thời gian này, có lẽ Trung Cộng chưa tính chuyện thôn tính Bắc Hàn, vì xét cho cùng thì lợi bất cập hại. 

Nga chuẩn bị đối phó tình hình Bắc Hàn

Dù Nga cũng như Trung Cộng phản đối việc phát triển vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn, cả hai nước này đang lưỡng lự phải đứng phía nào trong cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn.

Về phía Nga, tuy họ bày tỏ ý muốn giải quyết các vấn đề Bắc Hàn bằng phương tiện chính trị và ngoại giao; họ cũng có sự chuẩn bị cho cuộc chiến ở Bắc Hàn khi tình hình căng thẳng đang gia tăng mà sẽ đưa đến cuộc chiến toàn diện. Đó là lời ông Cố Vấn Anh Ninh của Tổng Thống Putin, Nikolai Patrushev, Chủ Tịch Hội Đồng An Ninh Nga nói với Thông Tấn Xã RIA Novosti vào hôm thứ Sáu. Ông không nói rõ Nga sẽ đóng vai trò gì, nhưng chắc chắn Nga sẽ có biện pháp.

Giữa Nga và Bắc Hàn có một đoạn biên giới ngắn ở vùng Primorye. Tại vùng này Nga cũng có biên giới với Trung Cộng nữa. Từ ba tháng qua, Nga vẫn duy trì các cuộc thao dượt quân sự gồm Hải Quân, Không Quân và lính Nhảy Dù.

Mới nhất là sau vụ thử nghiệm hoả tiễn của Bắc Hàn, Nga tái lập cuộc thao dượt ở Primorye. Lần này có thêm sự tham dự của Thủy Quân Lục Chiến thực tập đổ bộ từ biển lên bờ.

Khủng hoảng Bắc Hàn cũng làm cho Nga điên đầu lắm. Nga vừa chống lại sự phát triển nguyên tử của Bắc Hàn, nhưng cũng phản đối việc các nước khác lật đổ chế dộ Bắc Hàn!

Nhật Bản cũng muốn có hoả tiễn đủ bắn tới Bắc Hàn.

Lo ngại trước sự hung hãn đe dọa của Bắc Hàn, Nhật Bản hiện nay cũng dành một khoản lớn tiền trong ngân sách quốc phòng năm 2018 để nghiên cứu xem các chiến đấu cơ F-15 có thể phóng ra được các hoả tiễn tầm xa có thể bắn tới lãnh thổ Bắc Hàn như loại Joint Air-to-Surface Standoff Missile (JASSM-ER) của hãng Lockheed Martin. Loại này phóng từ trên không, có thể vươn tới tầm xa 620 dặm. Nhật cũng tham khảo loại hoả tiễn của hãng Kongsberg Defence & Aerospace ở Na Uy, loại này chỉ bắn xa 310 dặm thôi nhưng có thể gắn trên chiến đấu cơ tàng hình F-35.

Nhưng hiện nay, Nhật Bản còn bị ràng buộc bởi Hiến Pháp “Hoà Bình” và việc mua các hoả tiễn trên không nằm trong ngân sách 46.76 tỷ mà Bộ Quốc Phòng đệ trình. Bộ Trưởng Itsunori Onodera nói rằng Nhật phải cậy đến Hoa Kỳ để tấn công các căn cứ của địch, và họ chưa tìm ra phương cách để chia sẻ phần trách nhiệm. Vì lý do này, Thủ Tướng Shinzo Abe tỏ dấu hiệu sẽ xin sửa đổi Hiến Pháp. Cụ thể hơn là việc tu chính lại điều khoản số 9 “No War Clause” để có thể cho phép nước này tổ chức một quân đội tấn công thay vì chỉ phòng vệ. Xin nhắc lại là sau Thế Chiến thứ Hai, Nhật là nước thua trận bị buộc chỉ được phép thành lập đội quân phòng vệ mà thôi.

Trong quần chúng Nhật, thì có hai ý kiến trái nghịch. Một thì chỉ muốn Nhật duy trì nguyên trạng, còn phần kia thì muốn tăng cường vũ trang sau những đợt thử nghiệm hoả tiễn của Bắc Hàn mà nhiều lần bắn vào vùng biển rất gần Nhật và có khi vòng qua lãnh thổ Nhật ở đảo Hokkaido.

Hôm thứ Hai, Quốc Hội Nhật đã tuyên bố Bắc Hàn là mối nguy cận kề và có thể sẽ mở đường cho Thủ Tướng Abe để tìm những biện pháp mạnh nhằm chống đỡ sau khi theo ông”các cuộc thương thuyết là vô ích.”

Coi chừng mất đồ khi dân Bắc Hàn ghé qua

Trên một hòn đảo nhỏ của Nhật Bản, khi một số nhóm ngư dân Bắc Hàn tạm đổ bộ lên trú ẩn, mọi thứ đều biến mất.

Ông Shusaku Yoshida, 67 tuổi, là người quản lý một khu cư trú cho ngư dân ở đây đã than phiền rằng: “Họ đánh cắp mọi thứ. Họ tháo gỡ những vật dụng bằng kim loại, ngay cả cái núm cửa, bản lề cửa…”

Do thời tiết xấu trên biển, một chiếc thuyền gỗ trên đó có 10 ngư dân Bắc Hàn đã xin đổ bộ vào tạm trú trên một đảo nhỏ ở Hokkaido cực bắc Nhật Bản.

Sau khi được dân chúng sở tại cho trú ẩn và đưa vài người đi bệnh viện chữa trị bệnh bao từ, nhóm người này rời đảo. Lập tức dân chúng phát giác ra rằng nhiều món đồ trong các toà nhà của họ biến mất. Ông Yoshida cho hay khoá cửa bị cạy phá và mất nhiều thứ đồ trong khu tạm trú trong đó có 2 máy TV, ba tủ lạnh, một máy giặt, một microwave, hai dàn máy stereo, một máy chiếu DVD, một cưa điện, một lò sưởi, một máy phát điện, một xe gắn máy, nhiều tấm solar panels, chăn mền… Cái danh sách còn dài.

Trong năm nay, Lực Lượng Tuần Duyên Nhật đã phát hiện hơn 60 tàu của ngư dân Bắc Hàn trong vùng biển Nhật Bản gần đảo này. Họ cho rằng các ngư dân này theo lệnh nhà cầm quyền Bắc Hàn đi đánh cá xa tới Nhật để thu được nhiều cá hơn. Nhưng do những con thuyền củ kỹ máy móc hay bị trục trặc, hay bị cạn nhiên liệu; nên ngư dân Bắc Hàn thường kêu cứu với Duyên Phòng Nhật.

Còn nạn ăn cắp vặt, chắc dân Bắc Hàn cũng không thua gì dân du lịch của nước Việt Nam Cộng Sản.

Syria vẫn còn là điểm nóng

Dù nhà nước Hồi Giáo ISIS đã tan vỡ, quân đội Hoa Kỳ sẽ vẫn còn có mặt tại Syria và việc này có thể đưa đến xung đột mới với Nga và Iran.

Ông Eric Pahon, Phát Ngôn Viên Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nói với phóng viên Pháp AFP rằng: “Chúng tôi sẽ duy trì sự cam kết cần thiết với các nhóm quân do chúng tôi yểm trợ để ngăn chận sự tái sinh của lực lượng khủng bố.” Mục đích là bảo đảm chắc chắn sự tan vỡ của ISIS, không cho chúng tái tập trung, tái hoạt động để chiếm lại các vùng dất đã mất cũng như thực hiện những âm mưu khủng bố tại các quốc gia Tây Phương.

Ông Pahon nói việc rút quân Mỹ ra khỏi Syria còn tùy nhiều điều kiện và không cho biết một thời khoá biểu trong tương lai. Hoa Kỳ đã gửi quân viện yểm trợ các lực lượng kháng chiến chống chính phủ Assad năm 2012, và đã bắt đầu dùng phi cơ ném bom xuống các vị trí của ISIS năm 2014.

Hiện có khoảng 1723 quân sĩ Mỹ tại Syria. Số quân này để yểm trợ cho lực lượng Dân Chủ Syria (Syrian Democratic Forces) là lực lượng hỗn hợp đa số người Kurd với người Arab và các sắc dân thiểu số khác. Họ chiến đấu chống ISIS với mong muốn sẽ thành lập một nước tự trị Kurdish.

Cả Hoa Kỳ và liên quân Nga-Syria-Iran đều đánh ISIS trên dất Syria; nhưng căng thẳng diễn ra không ngừng giữa hai thành phần này.

Liên quân do Hoa Kỳ yểm trợ thì thắng lớn, chiếm lại Raqqa vào tháng 10 (Raqqa được xem là thủ đô của ISIS). Qua tháng sau, Nga và đồng minh tái chiếm thành phố Deir Ezzor ở phía Tây.

Liền sau khi quân Syria và Iraq bắt tay nhau tại biên giới nay đã sạch bóng quân ISIS, Bộ Trưởng Quốc Phòng Syria lên án sự có mặt của Hoa Kỳ và các nước ngoại quốc trên lãnh thổ Syria mà không có sự đồng ý của chính phủ là sự xâm lăng và tấn công vào chủ quyền của nước Cộng Hoà Arab Syria, là vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc và luật lệ của Liên Hiệp Quốc.  Ông kêu gọi các nước này hãy lập tức rút quân vô điều kiện.

Trong khi ISIS trên đà tan vỡ, Nga đã dành quyền đứng ra mở cuộc thương lượng hoà bình với sự cộng tác của Iran và Turkey. Iran thì yểm trợ nhóm kháng chiến Shia Muslim thân chính phủ Assad, Turkey thì yểm trợ nhóm Arab Sunni Muslim vừa chống Assad, ISIS vừa chống dân Kurd.

Cũng như Syria và Iran, Nga lên tiếng thắc mắc về tính hợp pháp của sự can thiệp của Hoa Kỳ tại Syria. Nga lại kết án Hoa Kỳ yểm trợ khủng bố và các nhóm cực đoan trong suốt 6 năm tranh chấp tại đây. Ngược lại, Hoa Kỳ tố cáo Nga đã thảm sát hàng ngàn thường dân qua những cuộc ném bom.

Tuy nhiên, vào giai đoạn chót khi các ổ kháng cự của ISIS bị vây chặt và đè bẹp, thì cả Nga lẫn Hoa Kỳ đã hợp tác giúp cho đơn vị người  Kurd (Kurdish People’s Protection Units (YPG)) tấn công vào mặt trận Deir Ezzor là ổ kháng cự cuối cùng của ISIS.

Trong mấy ngày cuối này, phi cơ của Nga và Mỹ cũng tấn công vào những vị trí ISIS ở phía đông Syria. Nga đã thoả thuận để cho những người Kurds đảm trách giữ an ninh trong khi Nga và nhân viên chính phủ Syria làm việc với các cộng đồng địa phương nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh.