Thời Sự Hàng Tuần 01/27/2018 Thế giới trước hiểm họa Trung Cộng

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Nghị sĩ Dân Chủ làm reo

Tuần trước, chúng tôi chờ đến chiều tối thứ Bảy vẫn chưa thấy Thượng Viện Mỹ thông qua ngân sách bổ túc để chính phủ được tiếp tục làm việc.

Sự cản trở này là do các thành viên Dân Chủ và cả vài vị Cộng Hoà nhất quyết bắt buộc phải đưa vào nghị trình vấn đề tiếp tục cho gần 1 triệu thành viên thuộc nhóm DACA được ở lại Mỹ như là điều kiện tiên quyết. Người cầm đầu vụ này là Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer. Rồi cũng chính ông này quay ra đổ thừa cho Tổng Thống Trump đã tạo ra sự “đóng cửa chính phủ” (Government shutdown).

Hậu quả là rất nhiều cơ quan chính phủ phải đóng cửa, ảnh hưởng không ít đến đời sống của công dân. Nhiều khách du lịch từ xa về Thủ Đô, New York hay các thắng cảnh đã thất vọng vì không thăm viếng được các tượng đài, công viên, bảo tàng. Hệ thống quản chế công lực cũng bi giới hạn. Quân đội cũng phải hủy bỏ vài chương trình huấn luyện trong lúc tình thế đang nóng dần lên bởi sự đe dọa của Trung Cộng, Bắc Hàn…

Đến chiều ngày thứ Hai 22 tháng 1, thì các Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ mới chịu cùng Cộng Hoà thông qua ngân sách cho chính phủ, chấm dứt ba ngày đóng cửa mà không đòi phải bàn vấn đề DACA. Đây là một bàn thắng lớn cho Tổng Thống Trump khi ông cương quyết không nhượng bộ.

Chúng tôi chỉ muốn nhắc nhở với những ai còn ủng hộ Dân Chủ mà đánh phá hành pháp Trump là: Trong 329 triệu người Mỹ, ngày hôm nay có 670 ngàn người vô gia cư, lang thang khắp vỉa hè đường phố, trong các công viên, gầm cầu xó chợ; hơn 39 triệu người sống dưới mức nghèo khó; hơn 46 triệu người đói đang nhận phiếu thực phẩm. Sinh viên Mỹ phải đi làm bồi bàn hay các việc ít lương để lấy tiền đóng học phí. Tại sao những người Đảng Dân Chủ từng tuyên bố đấu tranh cho giới lao động không chịu hợp tác với hành pháp để giải quyết những vấn nạn trên, mà bỏ công sức ngày đêm đi tranh đấu cho những người xâm nhập vào Mỹ bất hợp pháp và còn gây nhiều tội phạm?

Một vài người Việt Nam trách chúng tôi rằng chúng ta cũng là người tị nạn, sao lại chống đối di dân các nước?

Xin thưa, chúng ta đến Mỹ hợp pháp, được sự chấp thuận của chính phủ. Mục tiêu đến Mỹ của chúng ta là tránh họa Cộng Sản chứ không phải vì nghèo đói đi tìm sinh kế. Và dù có đi tìm sinh kế, thì những người di dân hợp pháp cũng đóng góp sòng phẳng cho xã hội Mỹ chứ không chây lười, ăn bám vào hệ thống phúc lợi xã hội.

Vụ điều tra Tổng Thống Trump xoay chiều

Hiện có it nhất 60 vị dân cử đang yêu cầu công bố các tài liệu tiết lộ nhiều việc làm mờ ám của hành pháp Obama trong đó có việc Obama đã theo dõi nghe lén ông Trump và ban tranh cử của ông trong mùa bầu cử 2016.

Phóng viên đài truyền Hình FOX News cho hay vụ này liên quan đến Đạo luật FISA (Foreign Intelligence Surveillance Act) mà hành pháp Obama đã lạm dụng để theo dõi, lập hồ sơ bôi xấu ông Donald Trump qua nhóm Fusion GPS mà bà Clinton thuê mướn. Vụ này được coi là tồi tệ hơn vụ Watergate rất nhiều.

Vào tháng 3 năm ngoái, Tổng Thống Trump đã lên tiếng phàn nàn cựu Tổng Thống Obama đặt con bọ nghe lén điện thoại của ông Trump. Nhưng liền đó, các cơ quan truyền thông dòng chính đồng loạt lên tiếng chỉ trích ông Trump là bịa đặt.

Dân Biểu Steve King nói ông rất thất vọng và buồn bã vì qua tập tài liệu, đã cho thấy những mờ ám của Bộ Tư Pháp, cơ quan FBI thời Obama cốt để đánh phá hạ bệ ông Trump và hỗ trợ cho ứng cử viên Hillary Clinton. Dân biểu Lee Zeldin đòi phải công bố tất cả tập hồ sơ này ngay lập tức vì công chúng Hoa Kỳ có quyền biết hết sự thật.

Phe Dân Chủ, nhất là Thượng Nghị Sĩ Diane Feinstein và Dân Biểu Adam Schiff thì đổ thừa Nga xúi dục chuyện đòi bạch hoá này!

Vấn đề chính hôm nay: Tham vọng lãnh đạo thế giới của của Trung Cộng

Tuần trước, chúng tôi có trình bày về nội dung bài diễn văn đầu năm của Tập Cận Bình, trong đó công khai nêu rõ tham vọng qua mặt Hoa Kỳ để lãnh đạo thế giới. Trước khi đi sâu vào nội dung, chúng tôi xin khẳng định rằng bài nay không có ý cổ vũ tư tưởng bài Hoa hay tạo sự kỳ thị chủng tộc. Chúng tôi cũng có nhiều bạn bè, bà con gốc Hoa mà chúng tôi rất quý mến. Mục tiêu của bài là nói về chính sách bành trướng của các nhà cầm quyền Trung Hoa, đặc biệt là Trung Cộng. Vì thế, để phân biệt, chúng tôi sử dụng hai chữ Trung Hoa khi nói về đất nước và con người, nhưng sẽ dùng chữ Trung Cộng khi nói về chính sách, chế độ.

Sơ lược lịch sử Trung Hoa thời cổ đại

Tuy chẳng có nhiều thì giờ để trình bày cặn kẽ về lịch sử Trung Hoa, nhưng chúng ta cũng cần biết qua sự hình thành và diễn tiến của các triều đại bên Tàu để có cái nhìn chính xác vào bản chất xâm lăng bành trướng cố hữu của bao thế hệ cầm quyền ở Trung Hoa.

Lịch sử Trung Hoa chỉ thực sự được ghi chép thành văn bản từ khoảng năm 1500 BC vào triều đại nhà Thương (Shang 1600 – 1046 BC). Trước thời gian đó là thời vô sử hay còn gọi là huyền sử, trong đó các sự kiện chỉ được miệng đời truyền tụng và thường có tính cách vẽ vời, phóng đại nhiều hơn là sự thật.

Theo tục truyền, từ hàng ngàn năm, người Hoa sinh sống quay quần ở vùng Hoa Bắc, giữa hai con sông lớn là Hoàng Hà và Dương Tử.

Khởi đầu là thời đại Tam Hoàng và Ngũ Đế. Sử Trung Hoa viết về danh tánh các vị này không đồng nhất. Chúng tôi tạm dùng một sử liệu phổ biến nhất cho rằng Tam Hoàng là ba vị Phục Hy (Fu Xi), Thần Nông (Shennong) và Hoàng Đế; Ngũ Đế là các vua Thiếu Hạo (Shaohao), Chuyên Húc (Zhuanxu), Đế Cốc (Ky), Đế Nghiêu (Yao) và Đế Thuấn (Shun).

Sau thời đó là ba triều đại lớn Hạ (2070–1600 BC), Thương (1600- 1046 BC) và Chu (1046 – 256 BC). Xem bàn đồ thời nhà Thương thì lãnh thổ của Trung Hoa chỉ bằng 1 phần 8 của nước Trung Hoa hiện nay. (Bản đố 1)

Năm 221 BC, Tần Thủy Hoàng dẹp tan 6 nước địch thủ trong thời Chiến Quốc để thống nhất Trung Hoa. Để tránh sự xâm lăng của các sắc dân Mãn Châu và Mông Cổ ở phương Bắc, Tần Thủy Hoàng cho xây Vạn Lý Trường Thành. (Bản đồ 2)

Điều này nói lên rằng dân Hoa Hạ, tức là dân Tàu chính gốc, phân biệt hẳn với các dân Mãn, Mông ở phương Bắc, dân Hồi và Tạng ở phương Tây, và dân Việt ở phương Nam. Trong hàng ngàn năm, người Hoa Hạ vẫn coi các dân tộc lân bang này là giống man di, mọi rợ.

Triều đại nhà Hán kéo dài từ 206 BC đến 220 AD, là triều đại cai trị lâu nhất trong lịch sử Trung Hoa, và cũng là thời thịnh phát nhất. Các hoàng đế nhà Hán chinh phục bốn phuơng, thâu gồm Mãn Châu, Mông Cổ và cả miền Hoa Nam. (Bản đồ 3). Vì thế, về sau người Hoa tự xưng mình là người Hán.

Tưởng cũng cần biết rằng miền Hoa Nam vốn là cái nôi của các bộ lạc Việt. Truyền thuyết của Việt Nam nói rằng tổ tiên người Việt là Lạc Long Quân phát xuất từ Động Đình Hồ mà nay thuộc tỉnh Hồ Nam của Trung Hoa. Hồ Nam nằm ở phía Bắc của hai tình Quảng Đông và Quảng tây. Như thế đủ thấy lãnh thổ Việt ngày xưa rất rộng lớn, bao trùm cả miền Hoa Nam.

Người Việt đã bị người Hoa xâm chiến dần từ thời Tần Thủy Hoàng, bị đẩy dần xuống phương Nam và khi giành độc lập, đã mất toàn vùng Hoa Nam mà chỉ còn lại phần đất Bắc Việt ngày nay.

Các cuộc xâm lăng của người Hoa tiếp nối qua nhiều triều đại và đến thời nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, thì nó chiếm luôn Tây Tạng, bành trướng lãnh thổ ra đến gần 10 triệu cây số vuông. (Bản đồ 4)

Tại sao các nhà cầm quyền Trung Hoa ưa gây chiến tranh?

Trước hết, phải công tâm thừa nhận người Trung Hoa rất thông minh và xuất sắc. Hàng chục ngàn năm trước, Trung Hoa là trung tâm văn minh của nhân loại. Họ thoát ra khỏi thời kỳ săn bắt để tiến vào thời kỳ nông nghiệp sớm nhất trong các dân tộc trên thế giới. Chữ viết, thuốc súng, giấy, bánh xe, hoả tiễn… đều là phát minh của người Hoa. Người Hoa thời nhà Hạ, Thương, Chu, đã có một chính quyền có tổ chức, triều nghi; có nhiều học thuyết triết lý chính trị cao siêu; có một nền đạo đức sâu sắc và bền vững. Thời nhà Hán đã có hệ thống tiền tệ tiện lợi trong giao thương. Thời nhà Tống, Đường văn hoá phát triển và hưng thịnh.

Nhìn sơ qua, thì cũng như người Việt ta, dân Trung Hoa cũng có những người hiền lành dễ mến. Nhưng cũng không thiếu những người thô lỗ, hung hăng. Có lẽ đây cũng là do ảnh hưởng cuộc sống phải bon chen, tranh giành nhau trong những điều kiện khó khăn về vật chất để sinh tồn.

Dân số hiện nay của Trung Hoa là gần 1.4 tỷ người. Nếu tính theo định luật Malthus (cứ mỗi 25 năm, dân số tăng lên gấp đôi), thì tới thập niên 2030, sẽ có gần 3 tỷ người Tàu nhung nhúc, chen chúc nhau trong nước Tàu vốn khắc nghiệt về khí hậu thời tiết, ít đất canh tác. Nạn nhân mãn sẽ kéo theo nạn đói trầm trọng. Vì thế, nội chiến và xâm lăng là giải pháp để giải quyết nạn nhân mãn hữu hiệu.

Suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, người Trung Hoa ít khi yên ổn mà chỉ gây hấn, tranh chấp. Chiến tranh gần như xảy ra thường xuyên. Hết trong nhà đánh nhau vỡ đầu sứt trán, họ lại xoay qua gây hấn với lân bang. Niềm hãnh tiến của người Hoa chỉ tạm thời bị đè nén vì sự cai trị gần 100 năm của “rợ” Mông Cổ (tức nhà Nguyên từ 1271 đến 1368), và 268 năm bởi “rợ” Mãn Châu (Nhà Thanh 1644 đến 1912) và tiếp theo bị xâu xé bởi các quốc gia Tây Phuơng, rồi sự chiếm đóng của Nhật và nội chiến (1927-1949) kéo dài cho đến khi Đảng Cộng Sản Trung Hoa do Mao Trạch Đông giành phần thắng cuối cùng..

Mao Trạch Đông, sau khi chiếm Hoa Lục, thực hiện một chế độ Cộng Sản hà khắc vừa nhằm khôi phục đất nước đã quá tan hoang, nhưng cũng vừa ôm giấc mộng làm anh cả khối Cộng Sản ở vùng Á Châu, cạnh tranh cật lực với đàn anh Liên Sô và chống đỡ chính sách ngăm chặn của Hoa Kỳ.

Tham vọng của Trung Hoa

Người Trung Hoa vốn thông minh, tài ba nhưng lại ngạo mạn, hãnh tiến. Họ luôn tự coi mình là hơn người, là trung tâm của vũ trụ. Quốc hiệu Trung Hoa, Trung Quốc nói lên điều đó.

Thực hành chính sách của Cộng Sản, Mao Trạch Đông đã thất bại trong các chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất, Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại, Trăm Hoa Đua Nở mà đã đưa đến cái chết của hàng chục triêu dân Tàu; nền kinh tế suy sụp.

Phải đến khi Mao chết (1976), Đặng Tiểu Bình ngoi lên với những ý tưởng mới mẻ để vực dậy kinh tế Trung Hoa. Với quan niệm “mèo đen, mèo trắng cũng như nhau; miễn bắt được chuột”, Đặng đã cởi trói cho kinh tế tư nhân. Trung Hoa khá lên từ đó. Nhưng thời này cũng xảy ra nhiều biến cố đẫm máu do chính sách tàn bạo, độc đoán, đàn áp dã man về nhân quyền như vụ Thiên An Môn năm 1989. Từ năm 1986, Trung Cộng thực hiện chính sách mở cửa, cho phép các nước ngoài vào đầu tư, khuyến khích kinh tế thị trường và cho phép các doanh nghiệp tư hoạt động. Năm 1989, Trung Hoa bắt đầu mở ra thị trường chứng khoán ở Shangai và Shenzhen (Thượng Hải và Thiên Tân). Kết quả khả quan là Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thừa nhận kinh tế Trung Hoa tiến lên hàng thứ ba trên thế giới, sau Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Bây giờ, sau gần 70 năm cật lực xây dựng một nước Trung Hoa khá mạnh về kinh tế, và tân tiến về quốc phòng; Trung Cộng bắt đầu ý thức sức mạnh và vai trò của mình trên thế giới. Họ tung các vòi bạch tuộc ra bên ngoài, mở đầu chương trình thực dân mới.

Ngày nay, qua chủ trưong “một vành đai, một con đường“ (OBOR), các lãnh chúa Trung Hoa Đỏ ở Bắc Kinh không còn che dậy tham vọng toàn cầu của họ. (Bản đồ 5)

Tại Á Châu

Trung hoa lục địa tiếp giáp với Nga ở phía bắc, Kazakjstan, Kyrgizstan, Takittstan, Afghanistan, Pakistan ở phía Tây; Pakistan; India, Nepal,  Bhutan, Myanmar, Laos và Việt Nam ở phía Nam. Ở phía đông giáp North Korea, nhìn qua biển thì gần Nhật Bản, Taiwan và Philippines. Đã hơn một thập kỷ qua, họ đã xâm nhập thật sâu vào các nước Nam Á như Myanmar, Lào, Cambodia, Việt Nam. Họ chiếm các đảo ở biển Đông Việt Nam, vẽ ra đuờng 9 đoạn để tự xác nhận chủ quyền bao trùm một vùng biển rộng lớn xâm phạm chủ quyền và ngăn cản hải lộ của các nước trong vùng. Họ tạo ra các đảo nhân tạo, lập các căn cứ quân sự ở đây để mưu toan làm chủ Thái Bình Dương.

Chính sách thực dân của Trung Hoa là sau khi xâm chiếm, họ sẽ cho dân Tàu di cư sang sinh sống để ngày càng trở thành đa số tại quốc gia họ chiếm. Tại Nội Mông, dân Hán hiện chiếm đa số. Tại Tibet, Trung Cộng liên tiếp di dân qua đây. Chỉ trong một năm 1996, đưa 500 ngàn dân Hoa sang khai thác các mỏ. Hiện nay người Hoa chiếm đến 70% dân số ở thủ đô Lhasa và 95% trong số nhân viên công quyền. Tại Tân Cương, hiện nay có 8.5 triệu người Hoa chiếm đến 39% tổng số dân tại đây, trong khi dân Uyghur chỉ còn 11 triệu (46%).

Từ những năm gần đây, Trung Cộng không ngừng đưa hàng chục ngàn thanh niên người Hoa qua Việt Nam dưới dạng công nhân để làm việc trong các xí nghiệp, nhà máy như ở khu mỏ Bauxite ở Lâm Đồng. Họ xâm nhập sâu vào tận đồng bằng miền Nam, cao nguyên miền Trung… Du khách Tàu tràn qua biên giới ồ ạt. Họ nghênh ngang hống hách với ngay cả nhân viên công lực Việt Cộng như thể họ là chủ nhân của đất nước Việt.

Trên đất liền thì tranh chấp với Ấn Độ ở vùng Aksai Chin, vùng nam Tibet và đòi giải phóng Đài Loan.

Ngoài khơi thì Trung Cộng tranh chấp chủ quyền các đảo với Philippines, Nhật Bản, Việt Nam. Họ vẽ ra đường 9 đoạn còn gọi là đuờng lưỡi bò, ngang nhiên công bố chủ quyền trên hải phận biển Đông. Việc này mang tính cách chiến lược rất nguy hiểm cho Việt Nam, vì xem đó như là cuộc vây hãm nước Việt về mặt Đông. Nhìn trên bản đồ, cái lưỡi bò này nó thè ra tận hải phận của Indonesia là nơi cách lục đia Trung Hoa cả hai ngàn hải lý. Các căn cứ quân sự trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đe dọa an ninh của Việt Nam ngày và đêm. Ngoài ra còn tính cách kinh tế, là triệt hạ nguồn sống của ngư dân Việt Nam khi các tàu tuần tiểu Hải Quân Trung Cộng sẵn sàng bắn chìm các tàu đánh cá Việt Nam ngoài biển khơi. Trung Cộng cũng khai thác dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, mà phía Việt Nam không dám phản kháng.

Trung Cộng còn thò bàn tay qua tận Pakistan và vài nước Trung Á, Tây Á qua các dự án lớn xây đập thủy điện, hợp tác kinh tế mà luôn luôn phần lợi nằm trong tay người Hoa. Vào tháng 11, năm 2004 Trung Cộng đã ký một thoả ước giao thương với 10 quốc gia Đông Nam Á. Thoả ước này sẽ bao trùm đến 25% dân số thê giới trong một khu vực mậu dịch tự do.

Trung Cộng tại Phi Châu

Những thập niên vừa qua, Trung Cộng rất cần những nguồn nguyên liệu khổng lồ cho nhu cầu phát triển kinh tế quá nhanh của họ. Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế (The International Energy Agency), dự đoán Trung Cộng sẽ là nước tiêu thụ dầu hoả lớn nhất thế giới vào đầu thập niên 2030.

Kỹ nghệ Trung Hoa rất cần nguồn cung cấp nhiên liệu dài hạn mà họ chỉ có thể khai thác dễ dàng ở mỏ dầu và khoáng sản ở Phi Châu. Tuy có nhiều sự phản đối của người bản xứ về cung cách làm doanh nghiệp đầy thủ đoạn của Trung Cộng, cũng như sự lên án về sự vi phạm nhân quyền và sự thất bại của Trung Cộng trong việc quản lý, Trung Cộng cũng đã đặt được đôi chân vào các nuớc Phi Châu này với sự đồng ý của các chính quyền nơi đây.

Sau nguồn từ Trung Đông, Trung Cộng hiện nhập cảng dầu thô nhiều nhất từ Phi Châu (1.4 triêu thùng mỗi ngày), nhiều nhất là từ Angola, kế đó là Cộng Hoà Congo và South Sudan.

Để được đặt chân vào Phi Châu, Trung Cộng thực hiện một sách lược ngoại giao mang tính thương mại mà các nước Mỹ, Âu không thể đáp ứng. Đó là những thương lượng về đầu tư, viện trợ cung cấp cho các nước Phi Châu tài trợ hạ giá và lao động rẻ mạt cho những dự án hạ tầng cơ sở tại đây.

Từ năm 2009, Trung Cộng vượt qua Hoa Kỳ trong việc giao thương với Phi Châu,. Trung Cộng nhập 16% hàng hoá từ các nước Nam Phi (sub-Saharan) và bán sang đây 21% tổng số  nhập cảng của họ.

Sự tài trợ của Trung Cộng là dưới hình thức các khoản nợ hay tín dụng do Ngân Hàng Nhân Dân Trung Hoa, Ngân Hàng Phát Triển Trung Hoa, Ngân Hàng Xuất Nhập Cảng Trung Hoa và Ngân Hàng Phát Triển Trung Hoa-Phi Châu. Từ năm 2000 đến năm 2014, họ đã cho Phi Châu vay 86 tỷ đô la.

Ngoại trừ vài lãnh tụ Phi Châu cho rằng việc giao dịch với Trung Hoà là có lợi, đa số dân chúng thì có cái nhìn khác hẳn. Nhiều quốc gia đã phản ứng chống lại. Họ phản đối từ việc Trung Cộng không thực hiện đúng  đắn quy định an toàn, vi phạm tiêu chuẩn môi sinh, vi phạm luật lệ sở tại và bất công trong việc điều hành doanh nghiệp. Từ đó, họ nhìn ra sự bóc lột và lợi dụng của Trung Cộng. Phong trào bài Trung Hoa nổ ra bắt đầu từ khu mỏ than ở Zambia, lan qua Nigeria. Tại Mali và Nam Sudan, đã xảy ra vụ sát hại lính Trung Cộng trong đạo quân bảo vệ hoà bình. Tại Cameroon, nhiều thợ thuyền Trung Cộng bị bắt cóc.

Về lãnh vực quân sự, hiện Trung Cộng có một căn cứ Hải Quân rất lớn tại Djibouti để nhòm ngó vào vùng Trung Đông và gây áp lực trên vùng Hồng Hải và Ấn Độ Dương.

Xâm Nhập Hoa Kỳ 

Người Trung Hoa có mặt ở Hoa Kỳ rất sớm, ngay từ thời lập quốc. Những người đầu tiên đến Mỹ năm 1820. Sau đó có thêm 325 người đến Mỹ vào thời kỳ đi tìm vàng rộ lên ở California. Đến năm 1852, con số tăng lên 25 ngàn, rồi 105.5 ngàn vào 1880.

Số người Trung Hoa tại Mỹ năm 2000 là 2,432,585, nhảy vọt gấp đôi năm 2015 (4,948,000). Họ chiếm chiếm khoảng 1.5% tổng số dân Mỹ và 26% tổng số dân Mỹ gốc Á Châu. Hơn một nửa số người Hoa sinh sống tại New York và California. Số người Hoa nhập cư vào Mỹ hàng năm hiện nay vượt xa người từ Mexico.

Hơn 27% người Mỹ gốc Hoa có bằng Đại Học, 27% khác có bằng trên Đại Học so với dân Mỹ gốc Á 30% có bằng Đại Học và 21% trên đại học. Tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ của người Mỹ nói chung (19% và 11% tương ứng).

Khả năng Anh ngữ của người Mỹ gốc Hoa kém hơn người gốc Á nói chung (59% so với 70%). Dĩ nhiên người Hoa sinh tại Mỹ thì rất trội (92%), còn người không sinh tại Mỹ chỉ có 42% là biết tiếng Anh.

Nhưng những điều vừa nêu ở trên không phải là điều đáng quan ngại, mà trái lại, Hoa Kỳ cũng rất cần những công dân giỏi dang và thiện chí, cần mẫn để phát triển, thăng tiến.

Điều đáng ngại là âm mưu của Trung Cộng lũng đoạn Hoa Kỳ.

Tuy có khả năng sẽ theo kịp Mỹ về vũ khí, không gia, khoa học kỹ thuật; tuy có một đội quân hùng hậu hơn 6 triệu lính vừa chính quy vừa trừ bị; Trung Cộng cũng dư biết rằng họ còn rất xa mới kịp Mỹ, và một cuộc đối đầu quân sự sẽ là một cuộc tự sát tập thể. Vì vậy họ chọn hình thức xâm lăng mềm bằng kinh tế, giao thương, văn hoá và dễ nhất là bằng di dân.

Hiện đang có khuynh hướng những đảng viên Cộng Sản và những người Trung Hoa giàu có do làm ăn bất chính hay cấu kết với chính quyền Cộng Sản cũng đang tìm mọi cách vào Mỹ. Việc các thai phụ Trung Hoa mỗi năm đẻ ra tại Mỹ 40 ngàn trẻ em mang quốc tịch Mỹ mà chúng tôi đã nói đến trong tuần trước cũng là một trong những mưu đồ di dân, xâm lăng theo hình thức mềm của chính quyền Cộng Sản. Trong việc di dân này, không ít gián điệp Trung Cộng xâm nhập vào Mỹ, len lỏi rất cao vào các ngành quốc phòng, kỹ thuật quân sự, giáo dục. Chúng tôi từng nói về vụ tên Ng Lap Seng thân cận với hành pháp Obama và vụ nữ Đại Tá tình báo Trung Cộng Yangpin Chen Frame làm việc tại Bộ Quốc Phòng Mỹ cũng như mở trường Đại Học tại Virginia.

Về kinh tế, hàng hoá Trung Hoa tràn ngập thị trường Mỹ. Có ít nhất 80% các món hàng bày bán có xuất xứ từ Trung Hoa, từ hàng kỹ thuật điện tử cao cấp cho đến áo quần, giàu dép, dồ chơi trẻ em, hàng gia dụng và ngay cả rất nhiều thực phẩm, hoa trái và hải sản. Mỗi năm, mức chênh lệch về giao thương giữa Mỹ và Trung Cộng là trên dưới 350 tỷ đô la, phần lợi nghiêng về Trung Cộng. Dù nỗ lực của Tổng Thống Trump nhằm giảm bớt mức thâm thủng mậu dịch, mức này vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Trong 11 tháng của 2017, Mỹ nhập từ Trung Cộng 461 tỷ trong khi chỉ xuát cảng sang Trung Cộng 116.5 tỷ. Đáng lo là sản phẩm của Trung Cộng đa số là kém phẩm chất và nguy hiểm vì độc hại.

Về khoa học kỹ thuật: Trung Cộng cho sinh viên du học, làm việc tại Mỹ rồi tiếp tục đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ để phát triển và cạnh tranh trở lại với Mỹ. Niên khoá 2015-2016, có gần 350 ngàn sinh viên Trung Hoa theo học tại các đại học Mỹ so với con số 60 ngàn muời năm trước. Ngay ở bậc trung học, học sinh từ Hoa Lục chiếm 2/5 tổng số học sinh ngoại quốc tại Mỹ.

Về xã hội: Hàng năm Trung Cộng nhập lậu vào Mỹ hàng tấn ma túy chế biến bằng phương pháp hoá học (Synthetic) mà mức dộ độc hại cao gấp chục lần các ma tuý chế từ thiên nhiên. Chất ma túy Opioid rất độc, nó đóng góp đền 75% trong số 64 ngàn người Mỹ chết mỗi năm vì quá liều lượng. Các băng đảng mafia Tàu thường có liên hệ với nhóm Mafia bên Hoa Lục nhất là tự Thượng Hải, Ma Cao.

Xâm nhập về văn hoá

Trung Hoa đi đến đâu, chiếm đóng nước nào thì nỗ lực Hán hoá đến đó. Qua 1000 năm đô hộ Việt Nam, nhờ tinh thần dân tộc cao độ mà dân Việt vẫn bảo tồn được văn hoá, ngôn ngữ của mình. Ngày nay, nhờ bọn Cộng Sản Việt Nam tiếp tay, kế hoạch Hán hoá đang có mòi phát triển nhanh. Sách giáo khoa in tại Trung Hoa mang đầy hình ảnh sinh hoạt, phong cảnh của Tàu. Hoa Ngữ trở thành bắt buộc từ tiểu học.  Tiếng Việt đang được Bùi Hiển cải biên cho giống Hoa ngữ. Hình ảnh văn hoá Trung Hoa tràn lan khắp nơi. Các ngày lễ hội Việt Nam biến mất dần dần để thay bằng những ngày lễ hội Trung Hoa! Chiếc áo dài thướt tha cũng bị thay bằng chiếc áo kiểu “Xường xám”.

Tại Hoa Kỳ, đang có những lời cảnh báo về việc Trung Cộng cho mở hàng trăm trung tâm “Khổng Tử” tại các đại học của Mỹ.

Khổng Tử là một nhà triết lý chính trị, đạo đức. Học thuyết của ông bị Mao Trạch Đông và đảng Cộng Sản Trung Hoa bài bác và triệt hạ ngay khi mới lên cầm quyền.

Ngày nay, khôi phục lại Khổng Học không phải vì mục đích vãn hồi nền văn hoá đạo đức xưa, mà chỉ là một công cụ chính trị văn hoá của nhà cầm quyền Trung Cộng. Bộ Giáo Dục Trung Cộng có một “Hán Ban” Hanban (Office of Chinese Language Council International) lo về việc tuyên truyền này. Hán Ban có 12 thành viên từ các Bộ Ngoại Giao, Cơ Quan Quản Trị Thông Tin và Phát Hành (là cơ quan tuyên truyền của nhà nước). Tổng Giám Đốc Hán Ban là một thành viên của Hội Đồng Nhà Nước có 35 vị, là cơ quan cao nhất điều hành của Trung Cộng.

Hãy nghe lời của Bộ Trưởng bộ Tuyên Truyền Trung Cộng là Liu Yunshan trên nhật báo Nhân Dân năm 2010: “Phối hợp với những nỗ lực tuyên truyền trong nước và hải ngoại, tạo thêm nhiều môi trường quốc tế thuận lợi cho chúng ta, nhắm vào những vấn đề quan yếu có tầm ảnh hưởng về chủ quyền và an ninh của chúng ta; chúng ta cần chủ động trong mặt trận tuyên truyền quốc tế… Chúng ta phải thực hiện tốt việc xây dựng và điều hành các trung tâm văn hoá và viện Khổng Tử tại hải ngoại.”

Viện Khổng tử đầu tiên được mở ra tại Nam Hàn năm 2004, theo sau là tại Japan, Australia, Canada và Europe. Trung Cộng hiện tài trợ cho việc thành lập khoảng 100 Viện Khổng Tử tại Hoa Kỳ trong đó dạy các môn văn hoá, ngôn ngữ và lịch sử Trung Hoa. Nhân viên Trung Cộng còn điều hành hàng trăm lớp “Khổng Học” ở các trường tiểu học Mỹ. Hệ thống giáo dục công tại Chicago, là một thí dụ.

Mỗi viện Khổng Tử này đều có quan hệ với một đại học bên Trung Hoa. Các bài giảng, giáo sư đều do Trung Cộng cung cấp.

Các vị viện trưởng các đại học Mỹ thì cho rằng Viện Khổng Tử là để giúp cho sinh viên có những trang bị sẵn để thành công trong một thế giới đang tiến lên toàn cầu hoá. Nhưng theo nhà nước Trung Cộng, thì mục tiêu của cc viện Khổng Tử lại khác hẳn.

Năm 2011, Li Changchun, một thành viên Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Trung Hoa khẳng quyết rằng: “Viện Khổng Tử là một ngành hấp dẫn để bành trướng văn hoá của chúng ta tại hải ngoại. Nó đóng góp phần quan trọng trong việc phát triển ‘quyền lực mềm’ của chúng ta. Khổng học tự nó có sức hấp dẫn và chúng ta dùng chiêu bài giảng dạy ngôn ngữ Trung Hoa để che đậy cho những chuyện khác trông có vẻ hợp lý hơn (reasonable and logical)”. Việc khác là những việc nào? Tuy không nói ra, nhưng chắc chúng ta cũng đoán ra được. (The Confucius Institute is an appealing brand for expanding our culture abroad. It has made an important contribution toward improving our soft power. The ‘Confucius’ brand has a natural attractiveness. Using the excuse of teaching Chinese language, everything looks reasonable and logical.)

Hiện nay có trên 500 cái gọi là Viện Khổng Tử này tại nhiều trường Đại Học trên thế giới do Trung Cộng chi ra khoảng 10 tỷ đô la hàng năm để điều hành, gây sức hấp dẫn đối với sinh viên các nước sở tại.

Tại các viện này, giảng trình do nhà nước Trung Cộng soạn thảo và chấp thuận trong đó làm ngơ các vấn đề về nhân quyền, nhưng lại xuyên tạc lịch sử về bành trướng xâm lăng của Trung Hoa như vấn đề Đài Loan và Tây Tạng.

Các học giả Mỹ đã lên tiếng và đã có vài trường đóng của viện Khổng Tử. Nhưng cũng có vài trường lại cho mở ra hoặc phát triển thêm cơ sở và môn học tại viện Khổng Tử đã có sẵn. Thật ra thì việc này cũng như mở một loạt tiệm ăn franchise. Chỉ cần có địa điểm, còn thức ăn, nấu nướng… đã có chủ franchise bao hết. Các đại học Mỹ thu học phí của sinh viên nhưng học trình, giáo sư thì do Trung Cộng lo. Nói cách khác, đây là một thương vụ chỉ có tiền vào mà không phải bỏ tiền ra. Còn sinh viên thì ghi tên học để lấy tín chỉ một cách nhẹ nhàng bù vào cho đủ số để ra trường thay vì ghi danh các môn học khó nuốt.

Sự dễ tính và tính chất lợi nhuận kiểu chủ nghĩa tư bản là một nhược điểm mà Hoa Kỳ đã mở toang cửa cho Trung Cộng tha hồ nhảy vào thực hiện công tác tuyên truyền.

Vì thì giờ hạn hẹp, chúng tôi không thể tiếp tục. Xin hẹn có dịp trở lại vấn đề này với nhiều tình tiết khác hấp dẫn hơn