Thời Sự Hàng Tuần March 03, 2018 – Thương tiếc Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông


Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Thương tiếc nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Văn Đông

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông lìa đời vào lúc 19:30 ngày thứ Hai 26 tháng 2, 2018 tại bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn.

Trong phong trào nhạc trữ tình của miền Nam trước 1975, những bài ca của Nguyễn Văn Đông được xem là sáng giá nhất không chỉ vì tiết điệu nhẹ nhàng, gợi cảm mà còn qua lời ca trang nhã, bay bướm nhưng không cầu kỳ. Nhạc của anh phản ảnh sâu sắc tâm tư tình cảm của người thanh niên miền Nam thời chinh chiến cũng như của những thiếu nữ trong lứa tuổi yêu đương mà người tình đang hứng đầu tên mũi đan ngoài chiến trường. Có thể nói không ngoa rằng gần như tất cả thanh niên miền Nam đều mê và thuộc lòng tất cả những bản nhạc của anh.

Nguyễn Văn Đông là một sĩ quan cao cấp trong Quân Lực VN Cộng Hoà. Anh theo học tại trường Thiếu Sinh Quân và tốt nghiệp trường Sĩ Quan Trừ Bị, phục vụ quân ngũ cho đến ngày mất miền Nam với cấp bực cuối cùng là Đại Tá.

Anh sinh hoạt trong ngành âm nhạc từ thập niên 1950, từng làm trưởng đoàn văn nghệ Vì Dân, trưởng ban ca nhạc Tiếng Thời Gian của Đài Phát Thanh Sài Gòn; giám đốc hãng dĩa Continental. Ông từng lăng xê được nhiều ca sĩ nổi tiếng như Hà Thanh, Giao Linh, Sơn Ca… Nguyễn Văn Đông sáng tác rất nhiều bản nhạc. Khi viết về lính, anh ký tên thật; khi viết những bản nhạc yêu đương ủy mị, anh ký tên Phượng Linh; thấp hơn một chút thì ký tên Phương Hà, Vì Dân và Đông Phương Tử. Những bản nhạc ký các tên sau này ít nổi tiếng hơn là dưới tên Nguyễn Văn Đông và Phượng Linh.

Năm 1956, bản Chiều Mưa Biên Giới đưa anh lên đài danh vọng. Nó được trình diễn thành công tại nhiều quốc gia. Hồi đó, qua giọng ca trầm ấm của danh hài Trần Văn Trạch; về sau, chỉ có Hà Thanh là ca sĩ diễn đạt hay nhất các tác phẩm của anh.

Sau 1975, anh không di tản ra ngoại quốc như đa số sĩ quan cao cấp. Ở lại, anh bị đưa vào trại tù cải tạo trong khoảng 10 năm. Tôi gặp anh ở trại tù Suối Máu những năm 1976-1977. Khi đó anh đang bị nhiều bệnh nguy ngập, không đi đứng được; và tưởng sẽ bỏ thây trong tù.

Không rõ lý do nào mà sau khi ra tù, anh lại không xin đi tị nạn như các anh em khác trong chương trình định cư cựu tù nhân chính trị. Anh sống hiền hoà với người vợ chung tình. Những năm trước đây, thỉnh thoảng chúng tôi cũng liên lạc với anh và biết anh cũng tạm hồi phục. Trong những tấm hình thấy hai anh chị hạnh phúc lắm.

Tôi mê nhạc Nguyễn Văn Đông khi còn là học sinh, và còn mê hơn khi đã vào quân đội, tham gia chiến đấu ngoài chiến trường. Cuối năm 1969, khi chiến trận vừa tàn ở Đồng Xoài, chúng tôi, một đám sĩ quan trẻ lái xe mò về Bình Dương.  Kẻ thăm vợ, đứa thăm bồ, áo quần còn vương mùi thuốc súng và đất đỏ miền cao. Tự nhiên thấy thấm thía câu mở đầu trong bản nhạc Mấy Dặm Sơn Khê: “Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng. Ngoài mưa khuya lê thê qua ngàn chốn sơn khê…” Quả không có gì là cường điệu trong lời ca trên; mà chỉ có những người từng là lính mới viết ra một cách chính xác và gợi cảm.

Nhạc của anh nghe đi nghe lại hàng chục, hàng trăm lần vẫn không chán. Sau 1975, anh cũng sáng tác thêm một ít. Nhưng thành tâm mà nói, âm điệu không có gì mới lạ, nghe như trùng lặp với âm diệu những bài cũ và lời thì gượng ép có lẽ vì không còn sống trong môi trường đầy chất liệu như ngày xưa.

Thôi thì anh ra đi êm thắm, để lại trong tim muôn người những sự thương tiếc một tài hoa hiếm có của nền âm nhạc Việt Nam.

Thêm chi tiết vụ nổ súng tại Florida

Đã có nhiều tiết lộ thêm về những chi tiết đặc biệt sau vụ tên Nicholas Cruz xả súng liên thanh bắn chết 17 người tại trường Trung Học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, Florida.

Tên sát nhân sau khi giết các học sinh tại một hành lang, vẫn còn thủ trong người năm hay bảy băng đạn, tổng số khoảng 150 viên. Tên này tìm cách chỉa súng bắn ra bên ngoài, nhưng các cửa sổ đã làm cho việc sát thương này không hiệu quả.

Viên cảnh sát Scot Peterson do County phái đến trường đã né không dám buớc vào bên trong khi xảy ra vụ nổ súng. Ông ta đã tìm một chỗ núp sau gốc cây, tay thủ kỹ cây súng tiểu liên. Ông này đã bị lên án chê trách nặng nề và đã thôi việc. Nhưng luật sư của ông này bác bỏ nhận xét của nhiều người rằng ông ta hèn nhát. Kể cả Tổng Thống Trump cũng lên tiếng chê trách như thế. Luật sư Joseph DiRuzzo cho rằng ông cảnh sát này không vào vì tưởng rằng vụ nổ súng xảy ra ngoài phạm vi trường. Ông ta kết luận Scot Peterson đã thi hành đúng theo nguyên tắc của cảnh sát. Có nhiều tin cho hay ba cảnh sát đến sau đó cũng đứng chờ bên ngoài mà không chịu vào bên trong.

Ông Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Broward County Scott Israel cũng kết án anh cảnh sát đã tìm cách né tránh chạm trán với tên giết người. Nhưng ông ta cũng bị dân chúng yêu cầu từ chức sau vụ này vì đã lơ là, coi thường các lời cảnh báo từ trước. Thống Đốc Florida Rick Scott hứa sẽ mở cuộc điều để làm rõ mọi việc.

Trong vụ này, đã nổi bật lên nhiều gương hy sinh anh hùng. Ông Aaron Feis, 37 tuổi đã lấy thân mình che đạn cho các học sinh. Peter Wang, 15 tuổi, đã bình tĩnh đứng giữa cửa mở rộng cho các bạn thoát ra ngoài. Các học sinh đã yêu cầu chính phủ tổ chức tang lễ cho Peter Wang theo nghi lễ quân đội. Trường Võ Bị West Point truy nhận chú Wang là sinh viên West Point vì chú cũng là học sinh trong chương trình Thiếu Sinh Quân Sự Học Đuờng (JROTC).

Tuần này, học sinh đã tuần tự trở lại trường nhưng tâm tư trĩu nặng mối lo âu và thương cảm cho những bạn bè xấu số. 

Chuyện không vui của các vị Dân Chủ

Một người gay gắt lên án về việc sử dụng vũ khí, tranh đấu hết lòng cho luật nghiêm cấm súng đạn vừa rồi bị truy tố về tội lái súng (buôn bán súng bất hợp pháp)

Đó là ngài Leland Yee Mỹ gốc Hoa, Thượng Nghị Sĩ của Tiểu Bang California hiện đang bị cơ quan FBI tại San Francisco điều tra và lập hồ sơ truy tố ra toà hình sự cấp liên bang.

Theo hồ sơ của Toà công bố ngày thứ Tư tuần trước, khi một nhân viên FBI chìm giả dạng người mua súng đến hỏi, ông Leland Yee này đã giới thiệu cho một tên lái súng và hướng dẫn cho anh FBI này cách để mua được cả những súng tự động và hoả tiễn của bọn khủng bố Hồi Giáo ở Philippines. Số vũ khí mua bán có giá trị từ 500 ngàn đến 2.5 triệu đô la mà sẽ được nhập từ Philippines qua Mỹ. Trong khi trò chuyện cùng nhân viên FBI Emmanuel V. Pascua, ông Yee thổ lộ rằng ông không có hạnh phúc và muốn tìm một nơi ẩn náu bên nước Philippines. Ông ta muốn trở thành một người làm ăn tự do như ông FBI mà ông lầm tưởng là một nhân viên gián điệp. Ông cho hay sẽ đi Philippines vào tháng 10 sắp tới.

Sau đó, thì ông Yee đã trung gian cho nhân viên FBI gặp tên lái súng tại một nhà hàng ở San Francisco vào đầu tháng 2 vừa qua.

Ông Yee bị bắt ngay hôm thứ Tư với tội danh âm mưu buôn bán vũ khí mà không có môn bài, thêm tội nhập cảng vũ khí bất hợp pháp. Ngoài ra, ông Yee còn bị buộc tội nhận hối lộ khi chấp nhận sự tài trợ hàng chục ngàn đô la góp vào quỹ tranh cử cũng như nhận những khoản tiền mặt để giới thiệu và giúp cho các doanh nhân được trúng thầu và gây ảnh hưởng đến các nhà lập pháp. Một thí dụ là việc ông Yee nhận 43 ngàn đô la từ một nhân viên FBI cải trang để hứa cho anh này dạt được vài yêu cầu đặc biệt nào đó.

Việc truy tố ông Yee gây ra một chấn động rất lớn trong cộng đồng người Mỹ gốc Hoa vì ông Yee từ lâu vẫn được xem là nhân vật lãnh đạo hàng đầu của họ trong dòng chính của chính trị Tiểu Bang. Cả hai ông David Lee, Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Dục Cử Tri Mỹ gốc Hoa và ông Ed Lee, Thị trưởng thành phố San Francisco cũng phải biểu lộ sự sửng sờ và thất vọng trước tin trên.

Ngoài ông Yee, còn có 25 người khác bị bắt vì dính líu vào vụ bán súng này trong đó có Raymond Chow, có biệt danh là Shrimp Boy, một tên đầu sỏ găng tơ ở Chinatown; và Keith Jackson, viên phụ tá của Yee. Hai người này bị bắt trong cuộc càn quét ở thành phố Sacramento và Vùng Vịnh.

Nếu bị buộc tội, Yee phải bị giam tù đến 20 năm và bị phạt một số tiền đền 250 ngàn đô la. Hiện ông ta đã thương lượng và nhận một trong các tội danh bị truy tố.

Thị Trưởng Oakland quyết bảo vệ bọn bất hợp pháp

Tối thứ Bảy tuần trước, bà Libby Schaaf, Thị Trưởng thành phố Oakland đã loan báo một tin khẩn cấp để báo động cho bọn di dân bất hợp pháp tại thành phố việc cơ quan cưỡng chế di dân (ICE) sẽ mở cuộc bố ráp trong khoảng 24 giờ. Bà kêu gọi bọn di dân bất hợp pháp phải cẩn thận, né tránh và còn chỉ cách không mở cửa khi nhân viên ICE đến tận nhà truy hỏi.

Khi trả lời cho các phóng viên truyền hình bà Libby Schaaf cho rằng bà ta làm đúng trách nhiệm lương tâm và đạo đức.

Hàng trăm người dân thành phố Oakland đã phẫn nộ gọi điện thoại vào tận văn phòng Thị Trưởng để chất vấn. Họ cáo buộc bà tội phản quốc khi có hành vi chống lại pháp luật nói trên. Họ đòi bà ta phải rời chức vụ ngay lập tức. Trong các cú điện thoại, có cả những lời đe dọa về thân trạng và cũng có những bình phẩm về giới tính của bà này!  Tuy thế, trong tuần này, cơ quan ICE đã bắt giữ hơn 150 người vi phạm luật Di Trú của Hoa Kỳ tại vài nơi ở vùng bắc California. Trong vùng Vịnh này, ICE cho biết hiện có khoảng 864 người bất hợp pháp phạm pháp hoặc có nguy cơ đe dọa đến an ninh trật tự xã hội.

Tiểu Bang California và thành phố Oakland từ lâu đã trở thành nơi che chở cho bọn di dân bất hợp pháp. Họ ra lệnh cảnh sát địa phương không đuợc tiếp tay với cảnh sát liên bang trong việc lùng bắt di dân bất hợp pháp.

Hành vi của bà Schaaf vừa rồi tạo ra cuộc tranh luận về vai trò của chính quyền và chính trị gia thành phố. Liệu có phải là nhiệm vụ của họ khi loan truyền các tin về hoạt động của chính phủ liên bang trong việc truy bắt bọn bất hợp pháp?

Tổng Thống Trump trong tuần qua cũng tweet lên trang mạng xã hội rằng ông đang nghĩ có nên rút hết nhân viên cưỡng chế ICE ra khỏi California để cho tội phạm sẽ bùng nổ ở tiểu bang này.

Sau lời cảnh báo của bà Thị Trưởng, đã có những phàn nàn ngay từ các nhân viên chính quyền địa phương rằng nó tạo ra sự hoảng sợ trong dân chúng. Ông Sam Liccardo, Thị Trưởng San Jose cũng nói rằng việc làm của bà Schaff làm cho các gia đình hoang mang không biết phải làm gì để tự bảo vệ. Nhưng chính ông Liccardo này sau khi trò chuyện chia sẻ tin về bố ráp của ICE, ông ta cũng đã trấn an di dân trong thành phố rằng ông ta đứng sau lựng họ.

Còn Thị Trưởng Los Angeles Eric Garcetti thì cho biết ông ta không hay biết gì về cuộc bố ráp. Ông nói cơ quan cảnh sát thành phố cần biết về cuộc bố ráp để can thiệp bảo vệ đám di dân bất hợp pháp mà thành phố đã bao che. Ông cũng nói rằng ông ủng hộ bà Schaff nhưng sẽ không biết mình có nên loan tin này ra báo động cho bọn di dân bất hợp pháp như bà Schaff đã làm không! Theo ông, thì cảnh sát địa phương của ông vẫn hợp tác cới cảnh sát liên bang trong việc truy bắt bọn găng tơ và bọn buôn người.

Những dân cử thuộc đảng Dân Chủ thì khăng khăng bào chữa cho lý do nhân đạo là không muốn thấy cảnh bắt bớ, trục xuất làm cho gia đình ly tán. Đó là lời Miguel Santiago, nghị viên Hội Đồng thành phố Los Angeles.

Quận Alameda, trong đó có thành phố Oakland, bỏ ra 1 triệu đô la để thiết lập đuờng dây điện thoại “hot line” nhằm giúp di dân gọi vào cầu cứu một khi bị cơ quan liên bang bố ráp.

Một cựu công tố viên thì cho rằng việc cung cấp tin tức đặc biệt về hoạt động của cơ quan cưỡng chế có thể dẫn đến tội danh “ngăn cản pháp luật” (Obstruction of Justice)

Chicago phát thẻ căn cước cho di dân bất hợp pháp

Ông Emanuel Rahm, thị trưởng Chicago cho hay những di dân bất hợp pháp tại thành phố sẽ được cấp thẻ căn cước. Ông gọi đó là Chicago Key (chìa khoá của thành phố) ý muốn nói biện pháp này sẽ mở cửa cho những người bất hợp pháp được ra ngoài ánh sáng, không phải lo sợ, trốn chui trốn nhủi.

Những người có thẻ căn cước này sẽ được quyền đi bỏ phiếu cấp thành phố, và ngay cả những cuộc bỏ phiếu cấp liên bang, tiểu bang nếu có những vấn đề liên quan đến thành phố Chicago.

Làm việc này, ông Rahm đã bắt chước Tiểu Bang California khi nơi này phát thẻ căn cước cho hàng trăm ngàn người cư trú bất hợp pháp. Cũng như California, Chicago đang lâm vào tình trạng tài chánh kiệt quệ, mang nợ lên tới 50 tỷ đô la và được coi là thiên đường của bọn tội phạm. Nhưng năm gần đây số người bị giết vì bọn tội phạm lên đến khoảng 500, 600 mỗi năm.

Thành phố “Công Xã Nhân Dân”

Hậu quả của chính sách phóng túng tại vài thành phố ở California đã dẫn đến nhiều tệ trang mà chúng tôi có nói vài lần trước đây.

Đó là con số người không nhà, lang thang lên rất cao. Họ dựng những căn lều vải dọc các con lộ, đường phố. Vì thiếu hoàn toàn điều kiện tiện nghi căn bản, họ đã phóng uế ra ngay nơi công cộng. Chúng tôi xin chiếu một đoạn video quay ở San Francisco để quý vị nhìn thấy rõ là rác rến tràn ngập khắp nơi, Hàng trăm bãi phân người trên các đường phố mà nhân viên vệ sinh hàng ngày phải dùng xe xịt nước chùi rửa. Trên mặt đường, đâu đâu cũng thấy những ống chích do bọn sử dụng ma tuý vứt bừa bãi. Mà tệ thay, đó là những con đường các trẻ em hàng ngày đi qua lại để đến trường. Những dãy lều của dân vô gia cư tiếp tục bung ra trên những đường phố trung tâm các thành phố San Diego, Los Angeles và San Francisco. Tại Santa Ana, nó kéo dài đến 2 dặm đến cả khu giải trí Disneyland. Chúng đã thực sự trở thành khủng hoảng vệ sinh công cộng. Xe vận tải đã phải thu dọn 250 tấn rác, 1100 cân (khoảng gần 600 ki lô) phân người và hơn 5000 kim chích ma túy.

Trên nước Mỹ có khoảng 500 ngàn dân vô gia cư, thì Tiểu bang California chiếm hết ¼ con số đó; cao nhất so với các tiểu bang khác. Riêng khu Orange County đã có đến 4800 người. Đó là các con số do Bộ Gia Cư và Phát Triển Đô Thị đưa ra.

https://youtu.be/B5n-6mSe9os

https://youtu.be/HGpEkS8XNxE

Chúng tôi suy nghĩ rằng những người vô gia cư này là dân Mỹ; vì dân bất hợp pháp thì phải trốn núp, không dám chường mặt ra ngoài đường lộ liễu. Vậy thì những người dân cử từng tuyên bố đấu tranh cho dân nghèo ở đâu? Hay họ đang gào thét đả kích chính quyền Liên Bang để bảo vệ cho những người không phải là công dân của Mỹ, những người thậm chí chưa cầm lá phiếu bầu họ! Sao lại có sự bất công ngang trái và mâu thuẫn như thế?

Nếu nhìn thêm về các khía cạnh khác, thì California đang đối diện với khó khăn nghiêm trọng về tài chánh. Hạ tầng cơ sở bị hư hỏng nhiều vì già nua, không thấy sửa chữa. Số người lãnh an sinh xã hội và tem phiếu thực phẩm thì có tỷ lệ cao nhất nước.

Liberal tấn công cả chữ nghĩa

Sau khi tấn công vào những biểu tượng có tính tôn giáo, sắc tộc tại các trường học, công sở mà mũi dùi tấn công nhắm vào Thiên Chúa Giáo và những danh nhân da trắng thời Nội Chiến, nay đám dân liberal quay qua tấn công việc sử dụng những từ ngữ mà chữ “man” nằm ở vị trí thủ ngữ và vỹ ngữ (prefices và suffices). Theo họ, “man” là đàn ông, vì thế khi nói đến “human”, “mankind” (loài người), “manager” (quản đốc), “manpower” (nhân lực), “seaman, airman, postman…” lính hải quân, lính không quân, người đưa thử; “man made” (do người làm ra)…, thì chỉ chú trong đến nam giới. Như thế là kỷ thị đối với nữ giới.

Vì vậy, họ đòi phải thay đổi toàn bộ những từ ngữ nào có chữ “man” trong đó sao cho phù hợp, phản ảnh đủ cả nam nữ hay ít nhất phải mang trung tính (Neutral).

Việc này khởi phát từ trường Đại Học Perdue khi trường khuyến khích sinh viên nên tránh dùng những từ ngữ chung chung nào có lồng chữ “man” trong đó.

Thực ra, trong nhiều chữ, cái thủ ngữ Man từ tiếng Latin có nghĩa là bàn tay (manual, Maifold, manuscript, manufacture, manicure…

Trước đây cũng đã có những người đòi hỏi phải điều chỉnh lại trong phần khai lý lịch. Vì chỉ có hai giới tính là Nam, Nữ. Họ đòi phải thêm vào đó nhiều giới tính khác như gay, lesbian, homosexual, bi-sexual …

Chúng tôi không rõ lắm là ngày trước khi kê khai về sắc dân, có bao nhiêu mục. Nhưng ngày nay phải kể đến hàng tá: da trắng, da đen, Hispanic, latino, Asian, Native American, Asian Islander,…

Những việc này thực tế không làm giảm đi sự phân biệt chủng tộc, giới tính mà còn gây thêm nhiều trở ngại, phí phạm thời giờ và gây nhiều mặc cảm, bực bội.

Nhân vụ này, cũng xin nói thêm vụ một thể tháo gia Mỹ, cô Lauren Gibbs, người đã cùng cô Elana Meyers Taylor về hạng nhì, đoạt huy chương bạc môn bobsleigh nữ. Cả hai cô đều là người da đen.Trong buổi lễ bế mạc có sự tham dự của cô Ivanka Trump, con gái Tổng Thống Mỹ Donald Trump, cô Gibbs đã đến gặp Ivanka và chụp chung 1 tấm ảnh lưu niệm. Liền sau khi tấm ảnh này post trên facebook, có rất nhiều ý kiến phản đối, nhục mạ cô Gibbs về hành vi này. Những lới phát biểu mạ lị cô Gibbs đã chạy theo bám lấy cô da trắng Ivanka mà theo họ là cả nhà ông Trump đều là người kỳ thị chủng tộc. Điều này cho thấy chính những người da đen tự mình mang mặc cảm và mang tinh thần kỳ thị da trắng quá sâu đậm.

Bản Memo của phe Dân Chủ

Dân biểu Devin Nunes trong một bản tuyên bố, có nói rằng “Người dân Mỹ hiện đã nhìn thấy rõ ràng việc FBI sử dụng những chiêu thức bẩn được phía Đảng Dân Chủ trả tiền để theo dõi công dân Hoa Kỳ phe Cộng Hoà… Đảng Dân Chủ không chỉ che đậy việc này mà òn cau kết với một vài cơ quan chính phủ trong việc che đậy.”

Trong bản Memo Dân Chủ, họ cũng thừa nhận rằng Steele dossier là do phe bà Clinton bỏ tiền ra, và việc cơ quan FBI và Bộ Tư Pháp đã dùng cái dossier này để xin án lệnh của toà cho phép đặt máy nghe lén ông Carter Page.

Xin nhắc lại là bản Memo của ông Nunes kết tội cơ quan FBI và Bộ Tư Pháp đã lạm dụng Đạo Luật Theo Dõi An Ninh Ngoại Quốc (FISA) trong việc điều tra xem giữa Nga và ông Trump có sự câu kết nào không.

Bản Memo của phe Dân Chủ dài 10 trang vừa được tiết lộ hôm thứ bảy tuần trước coi như một phản công đối với bản của Cộng Hoà, mà phía Dân Chủ cho rằng hạ giá trị của các cơ quan an ninh FBI và Bộ Tư Pháp, cũng như ông Robert Mueller, người cầm đầu cuộc điều tra. Phe Dân Chủ cũng cáo buộc rằng bản Memo của Cộng Hoà gây ra mối nguy hại về an ninh quốc gia khi trong nó tiết lộ những nguồn tin và phương pháp nhạy cảm không phục vụ lý do chính đáng nào.

Điều phản bác của phe Dân Chủ là họ cho rằng bản Memo của Cộng Hoà bỏ bớt vài chi tiết cốt để chứng minh rằng FBI đã làm sai khi đặt máy theo dõi ông Carter Page, là người mà FBI nghi là làm việc cho chính phủ Nga. Bản Memo cũng nói rằng Bộ Tư Pháp xin án lệnh khi dựa vào bằng chứng không thể chối cãi cùng lý do để tin rằng ông Page đang trợ lực cho hoạt động tình báo của nước Nga trong lãnh thổ Hoa Kỳ. Theo Dân biểu Schiff của đảng Dân Chủ thì tiểu sử của Carter Page cho thấy làm việc cho tình báo ngoại quốc, từng được Nga nhắm vào để tuyển mộ, những chuyến đi Nga và nhiều điều khác nữa.

Bản Memo cũng phản bác lời cáo buộc của phe Cộng Hoà rằng FBI đã khởi sự việc điều tra vào tháng 7, 2016 dựa trên tin tức không kiểm chứng do cựu nhân viên gián điệp của Anh là Christopher Steele soạn thảo bằng tiền chi trả của Ủy Ban Toàn Quốc Đảng Dân Chủ. Theo phe Dân Chủ thì trước đó, FBI đã mở cuộc thăm dò vào những cá nhân dính líu đến ban tranh cử của Tổng Thống Trump. Trong bản memo bị bôi đen nhiều chỗ, người ta thấy chỉ có tên Page trong bản văn là không bị bôi. Nhưng ở phần footnote (ghi chú cuối trang), thì còn có tên Gates, cựu Cố vấn Anh ninh Quốc Gia Michael Flynn, George Papadopoulos, và Paul Manafort.

Theo bản Memo, FBI nhận được bản báo cáo của Steele vào giữa tháng 9, tức là 6 tuần sau khi họ mở cuộc điều tra về ông Page. Phe Dân Chủ cho rằng FBI chỉ sử dụng rất ít tài liệu của Steel.

Bản memo cũng nêu ra nghi vấn ông Page và những người quanh Tổng Thống Trump đã giúp Nga vạch ra một kế hoạch phức tạp qua internet để giúp cho Trump thắng cử. Nhưng nghi vấn này không tìm ra được câu trả lời.

Vì vậy, có thể nói bản memo 10 trang chẳng làm sáng tỏ gì thêm cho phía Dân Chủ cả, mà rốt đã củng cố những gì bản Memo của ông Nunes thuộc Đảng Cộng Hoà đưa ra trước đây!

Tập Cận Bình sẽ làm Tổng Thống suốt đời 

Tập Cận Bình đã nắm vai trò lãnh đạo cao nhất nước Trung Cộng hơn năm năm rồi nhưng vẫn chưa thoả mãn tham vọng. Trong một thông cáo loan đi trên Tân Hoa Xã hôm Chủ nhật cho thấy vài chi tiết nhưng rất quan trọng. Đó là đề nghị của Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Hoa liên quan đến vai trò lãnh tụ mà sẽ dẫn đến việc Tập Cận Bình làm Chủ Tịch muôn năm.

Năm nay 64 tuổi, theo hiến pháp Trung Cộng thì chức vụ Chủ Tịch nhà nước phải chấm dứt sau hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ là 5 năm. Vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên, ông ta sẽ được chính thức bầu vào nhiệm kỳ 2 trong cuộc họp thường niên của Quốc hội bù nhìn sẽ họp vào ngày 5 tháng 3. Các chức vụ Chủ tịch Đảng và Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương thì không có giới hạn, dù rằng thông thường thì chỉ tối đa 10 năm. Tập đang ở vào nhiệm kỳ thứ hai trong hai chức vụ vừa nói. Ông ta được bầu vào Đại Hội Đảng tháng 10 năm ngoái.

Zhang Lifan, một nhà bình luận chính trị, nói rằng đề nghị của Trung Ương Đảng CS về chức vụ của Tập Cận Bình không phải là điều bất ngờ, và cũng khó mà tiên đoán đuợc Tập sẽ giữ chức vụ quyền lực trong bao lâu nữa.

Trên thế giới, từng có Robert Mugabe tham quyền, bám lấy vai trò lãnh đạo nước Zimbabwe trong 4 thập niên cho đến khi bị lật đổ. Không rõ Tập Cận Bình có bám lấy lâu hơn Mugabe không?

Dân chúng Trung Hoa tuy không phản ứng chính thức (làm sao dám?), nhưng qua các truyền thông xã hội đã tỏ ra rất bất bình. Một người viết lên đó rằng: “Nếu hai nhiệm kỳ mà chưa thoả mãn, thì có thể thêm 1 nữa thôi. Cái gì cũng phải có giới hạn chứ.”

Đánh giá mức tham nhũng trên thế giới

Quyền lực làm hư đốn con người!

Từ khi con người có tổ chức công quyền, có quyền lực trên những người khác trong xã hội, là bắt đầu có tham ô nhũng lạm. Mức độ tham những ít nhiều tuỳ theo tình trạng văn minh, văn hoá của xã hội. Nhưng chưa hẳn những nước nghèo lại có tham nhũng hơn nước giàu và trái lại.

Theo sưu tầm của Corruption Perceptions Index  trong năm 2016, thì trên thế giới hện nay không có quốc gia nào là ở trong tình trạng hoàn hảo về sự trong sạch.

Nếu dùng định mức từ 0 (tham nhũng nặng) cho đến 100 (hoàn toàn trong sạch) thì có đến 2/3 trong số 176 quốc gia rơi vào điểm dưới 50.  Điểm trung bình toàn cầu là 43 về mức tham nhũng trong lãnh vực công. Nhìn vào bản đồ, màu vàng biểu thị cho mức tham nhũng ít nhất, màu cam cho mức tham nhũng vừa, và màu đỏ cho mức tệ hại. Chúng ta thấy hai màu cam và đỏ lấn áp màu vàng.  Quý vị có thấy Hoa Kỳ có màu vàng sậm trong khi Canada màu vàng nhạt. Nga có màu đỏ đậm hơn Trung Cộng.

Kết quả nghiên cứu trong năm nay cho thấy có sự tương quan giữ mức độ tham nhũng và tình trang bất bình đẳng xã hội. Bất bình đẳng trong cà hai lãnh vực phân phối tài sản và phân phối quyền lực.

Tại rất nhiều nưcớc, dân chúng không nhận đuợc những nhu yếu phẩm rất căn bản của đời sống. Mỗi đêm họ phải lên giường ngủ với cái bụng đói meo; trong khi giới lãnh đạo thì hưởng thụ cuộc sống đế vương sung túc thừa mứa.

Hậu quả chính trị là khi các nhà lãnh đạo thất bại trong việc chống lại nạn tham nhũng; dân chúng sẽ quay sang trông cậy, ủng hộ những nhà chính trị dân túy là những người luôn có lời hứa hẹn ngọt ngào chống tham nhũng và đặc quyền. Trong thực tế, thì nó sẽ làm tình hình xấu hơn thay vì giải quyết được vấn đề. Những nhà dân túy sẽ được bơm lên tận mây xanh, nhưng rồi tình hình vẫn như cũ, mà có khi tệ hơn nguyên trạng.

Những nước bị đánh giá thấp trong bản index trên thường có một hệ thống công quyền bất xứng, bất khả tín và vô hiệu năng. Cho dù luật pháp, hiến pháp của họ có ghi đầy đủ những điều khoản chống tham nhũng, nhưng khi đụng với thực tế, chính các cơ quan cảnh sát và hệ thống tư pháp sẽ coi thường những việc này. Dân chúng thường ngày đối diện với nạn đòi của đút lót, sách nhiễu làm tiền. Họ phải lệ thuộc vào những dịch vụ căn bản mà thường bị cắt xén do việc ăn chặn ngân sách. Họ phải tiếp xúc những công chức vô cảm khi cần nhờ vả đến chính quyền.

Trong những nước tham nhũng, nhà cầm quyền thường câu kết với giới doanh nghiệp để chuyển tài sản từ nên kinh tế quốc gia vào các trương mục riêng tư, làm lợi cho một số nhỏ trên sự đóng góp của một đại đa số. Đó phải được xem là một vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Trong khi đó, những nước được đánh giá cao về mức trong sạch thì thường có mức cao về tự do ngôn luận. Người dân dễ dàng tìm được những tin tức về chi tiêu quốc gia, về tiêu chuẩn của các viên chức nhà nước, và tại các nước đó, nhất thiết là có một hệ thống tư pháp độc lập. Nhưng tuy thế, vẫn có những điều bất toại ý, vì ngay cả ở các quốc gia này cũng có những vụ thương lượng kín đáo, mâu thuẫn về quyền lợi, nhnữg tài trợ bất hợp pháp, những lổ hổng trong cơ quan cưỡng chế mà có thể làm sai lệch chính sách lẽ ra rất công minh.

Thử xem các đánh giá ở vài khu vực trên thế giới:

Khu vực Mỹ Châu: Chỉ có Hoa Kỳ và Canada là khá trong sạch. Còn từ Mexico trở xuống các nước Trung và Nam Mỹ thì rất tệ. Venezuela ở mức tệ nhất thế giới.

Á Châu Thái Bình Dương: Trừ Nhật Bản, Úc Châu và New Zrealand, còn lại da số ở mức dưới trung bình về tham nhũng. Điều này đi đôi với các chính quyền độc tài. Mức độ xã hội dân sự kém cỏi làm cho nỗ lực chống tham nhũng chỉ là lời hứa suông của chính quyền.

Âu Châu và vùng Trung Á: Khà hơn nhiều nhưng cũng có vài nước ngoại lệ như Turkey và một số nước Trung Á. Trong sạch nhất vẫn là các nước Scandinavian (Sweden, Norway, Finland), Anh, Đức, Thụy Sĩ, Hoà Lan, Đan Mạch. Nga vừa tính theo Âu, vừa tính theo Á, là nước tham nhũng trầm trọng hàng đầu.

Vùng Trung Đông và Phi Châu: Vẫn không có tiến bộ dù rằng cuộc cách mạng Hoa Lài xảy ra 6 năm trước. 90% các nước Ả Rập nằm ở dưới mức trung bình.

Xin kể qua mười lăm quốc gia hàng đầu về trong sạch: Dan Mạch, New Zealand, Finland, Sweden, Switzerland, Norway, Singapore, Netherland, Canada, Germany, Luxembourg, Anh, Australia, Iceland, Belgium, Hong Kong.

Nước Mỹ đứng ở hạng thứ 18 .

Và sau đây là 10 nước hạng bét (từ ít kém đến kém nhất): Haiti, Republic of Congo, Angola, Eritrea, Iraq, Venezuela, Guinea-Bissau, Afghanistan, Libya, Sudan, Yemen, Syria, North Korea, South Sudan, Somalia

Việt Nam Cộng Sản đứng hàng thứ 113 trên 176 nước.