Thời Sự Hàng Tuần ngày 12 tháng 5, 2018 Mừng lễ Mother’s Day


Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận 

Mừng lễ Mother’s Day

Ngày mai là ngày lễ của các bà Mẹ. Có thể nói trong tất cả những gì mà Thượng Đế tạo ra cho thế gian, không có gì đẹp và cao quý bằng các bà Mẹ và tấm lòng thương con bao la cùng sự hy sinh vô bờ bến. Tôi cũng có bà Mẹ suốt đời chỉ biết hy sinh cho con cái mà không hề tìm vui thú riêng cho mình.

Tại Việt Nam trước đây, dân chúng lấy ngày lễ Vu Lan của Phật Giáo làm ngày lễ ghi nhớ công ơn Mẹ. Nhưng đúng ra người ta vinh danh lòng hiếu thảo của thầy Mục Kiền Liên chứ đâu phải nêu gương bà Mẹ gian ác của ông!

Tại Hoa Kỳ, lễ Mẹ được bắt đầu từ năm 1908 khi bà Anna Jarvis tổ chức lễ giỗ cho mẹ tại nhà thờ St Andrew’s Methodist Church ở thành phố Grafton, West Virginia. Trước đó 3 năm, 1905, bà Jarvis đã bắt đầu vận động để có một ngày lễ Mẹ cho toàn quốc khi mẹ bà qua đời. Bà là người hoạt động tích cực săn sóc thương binh cả hai bên trong thời Nội Chiến Hoa Kỳ. Bà thành lập Hội công tác ngày các bà Mẹ để săn sóc sức khoẻ cho dân chúng. Theo bà: “Mẹ là người đã hy sinh cho chúng ta nhiều hơn bất cứ ai khác trên cõi đời này.”

Năm 1908, Quốc Hội Hoa Kỳ bác bỏ đề nghị công nhận Ngày của Mẹ là ngày lễ hội chính thức. Họ còn giễu rằng sẽ lập thêm ngày các bà mẹ vợ, mẹ chồng “Mother-in-law’s Day”! Mãi cho đến năm 1911, để cám ơn những đóng góp lớn lao của bà Jarvis, tất cả các Tiểu Bang cử hành “Ngày của Mẹ”; và năm 1914, Tổng Thống Woodrow Wilson ký bản Nghị quyết công nhận “Ngày của Mẹ” là ngày lễ chính thức cấp quốc gia ấn định vào ngày Chủ Nhật tuần lễ thứ hai của tháng Năm để vinh danh các bà Mẹ.

Những nhà doanh nghiệp Mỹ rất nhây bén. Năm 1920, công ty bán thiệp Hallmark Cards và vài công ty khác bắt đầu thương mại hoá ngày lễ Mẹ. Bà Jarvis rất bực bội vì thấy những nhà kinh doanh đã ngộ nhận và khai thác ý nghĩa cao quý của ngày lễ. Theo bà, ngày của Mẹ là ngày cho tình cảm chưứ không phải cho lợi nhuận. Bà muốn những người con nên tự viết lá thư tay biểu hiện lòng biết ơn và tình thương với Mẹ chứ không phải lười biếng mua tấm thiệp hay chút quà là xong. Bà Jarvis quay ra tẩy chay ngày lễ mà bà tốn nhiều công vận động. Bà cũng đòi nộp đơn kiện các công ty sản xuất và bán thiệp cùng kẹo bánh… Bà tỏ sự chống đối những nhà sản xuất kẹo tại Philadelphia năm 1923 và tại cuộc meeting của Hội Các Bà Mẹ Chiến Sĩ (American War Mothers) năm 1925 khi hội này bán kẹo để gây quỹ.

Tôi tin rằng bà Jarvis có lý. Vậy thì xin quý vị nào hãy còn Mẹ, ngày mai, bỏ hết việc riêng tư, quy tụ về bên Mẹ mình để nói những lời chân tình biết ơn. Tôi xin tặng các bà Mẹ câu chuyện rất ngắn sau để minh định rằng: Đối với các bà Mẹ, con cái mình lúc nào cũng trên hết.  

Vì ông không phải là mẹ (Kính tặng các bà MẸ)

Sáng sớm mai đẹp trời. Ông Tám chợt thấy lòng khoan khoái vô cùng. Nhớ ra chiều nay sẽ có vài bạn từ phương xa đến chơi nhà, ông nghĩ đến việc đi săn kiếm ít mồi về đãi bạn. Ông quay vào nhà, mở tủ lớn lấy ra cây súng săn hai nòng báng gỗ mít còn thơm mùi verni và một hộp đạn. Xong, ông thay bộ áo quần ngụy trang màu lá rừng có nhiều túi, vớ lấy cái túi xách bằng vải dầy vẫn treo trên vách sau closet phòng ngủ. Ông khoá cửa và hướng về phía rừng sau nhà; ông đi.

Rừng rậm dần, ánh sáng mặt trời dần bị những tàn cây che khuất. Chỉ còn những sợi nắng mỏng manh toả xuống xuyên qua khe lá. Hương thơm lừng của vô vàn loài hoa làm tâm hồn ông ngây ngất. Ông nghe tiếng vỗ cánh của những con chim đi kiếm mồi muộn.  Một con chim mỏ nhát dừng lại hỏi.

–  Chào ông Tám, lâu lắm mới gặp lại. Hôm nay ông định săn gì?

–  Chào chị Mỏ nhát, sẵn có mấy người bạn sắp đến chơi, lão đi kiếm ít con chim non về chiều nướng đãi khách.

–  Chim non thì cũng khá nhiều. Nhưng tôi có bấy con mới sinh, ông tha cho chúng làm phúc nhé.

–  Được thôi. Nhưng làm sao tôi biết chim nào là con của chị?

–  Ông Tám ơi, ông đi vào sâu sâu trong rừng. Trên một cây bằng lăng, có một tổ nhỏ. Những con chim xinh xắn, đẹp đẻ nhất là con của tôi. Mong ông để cho chúng được sống mà lớn lên.

–  Ồ, gì chứ mấy con chim đẹp thì dù chị không dặn, tôi cũng phải chừa ra chứ.

–   Cám ơn ông. Chúc ông săn nhiều nhé.

Chim mừng rỡ bay đi, còn ngoái lại chào ông Tám một lần chót.

Sau gần một ngày vừa săn vừa nhâm nhi bầu rượu mang theo, ông Tám bắn được cả chục con chim con. Toàn những con chim lông đen, lông xám, xấu xí. Vì nhớ lời dặn của chim Mỏ Nhác, nên hể thấy con nào đẹp xinh là ông né đi. Thấy rừng đã trở nên sậm màu, ông xâu những con chim xấu số thành một xâu đeo qua vai và vui vẻ quay về.

Ra đến bìa rừng cũng là lúc các con chim bắt đầu trở về tổ sau một ngày kiếm ăn. Có nhiều chim còn mang mồi về mớm cho con.

Chị Mỏ Nhác từ xa cũng đang bay về. Gặp ông, chị đỗ lại.

–    Chào ông Tám. Săn được nhiều không?

–    Ồ, chỉ cần chục con thôi. Nhà còn mồi mà.

–  Thế ông không đụng đến các con của tôi chứ?

–   Chắc là không. Thấy tổ chim nào có các con chim con đẹp là tôi bỏ đi.

–   Ồ quý hoá thay. Nào cho xem ông bắn được bao nhiêu ?

Ông Tám với tay qua vai, lấy xâu chim con lắc lắc khoe :

–   Đây nè, toàn mấy con xấu hoắc như ma trơi không hà.

Chợt ông nghe một tiếng kêu não lòng, uất nghẹn từ miệng chị Mỏ Nhát :

–   Trời ơi ! Các con xinh xắn của tôi. Ông đã giết hết bầy con tôi rồi.

Ông già cúi xuống nhìn lại các con chim con xám xịt, xấu xí đang nghẻo đầu, cụp cánh trong tay mình

–  Thì chị bảo đừng giết con chị, là những con chim xinh đẹp cơ mà. Chị coi đây, toàn những con chim xấu xí thôi.

Chim mẹ nấc lên :

–   Ông không phải là mẹ. Ông không hiểu được lòng mẹ. Đối với bất cứ bà mẹ nào, con cái của mình cũng đẹp nhất trên thế gian.

Vài tin ngắn quốc tế

Kim Jong-un gặp Tập Cận Bình

Đầu tuần, lãnh tụ Bắc Cao Ly Kim Jong-un đã gặp chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình tại một thành phố cực bắc nước Trung Hoa. Đề tài bản luận chắc phải là vấn đề giải giới nguyên tử ở bán đảo Cao Ly và vấn đề hoà bình giữa Nam và Băc Cao Ly.

Đây là lần thứ hai mà hai lãnh tụ Trung Cộng và Bắc Cao Ly gặp nhau chỉ trong vòng 2 tháng. Lần gặp nay như để Trung Cộng có những khuyến cáo trước khi Kim Jong-un gặp Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Bắc Cao Ly mới đây bác bỏ luận cứ rằng họ chấp nhận giải giới nguyên tử là do sự cấm vận và đường lối cứng rắn của Hoa Kỳ. Thôi thì cũng để cho Ủn vung vít đôi chút, thoả mãn cái tự ái của mình. Miễn là Ủn chịu hủy bỏ chương trình nguyên tử là được.

Iran Deal 

Ngày thứ Ba, Tổng Thống Trump đã loan báo quyết định rút ra hẳn cái gọi là Thoả Thuận Iran (Iran Deal) và ra lệnh bắt đầu một diễn trình tái cấm vận kinh tế đối với Iran và cho một hạn kỳ để những doanh nghiệp nào làm ăn với Iran từ từ giản ra. Ông nói: “Hoa Kỳ không thể bị làm con tin trong việc dùng nguyên tử để hù doạ.” (America will not be held hostage to nuclear blackmail.) Vậy hiện nay, Iran có 3 lựa chọn (1) Tái thương lượng trên căn bản những điều do Hoa Kỳ đưa ra, (2) Tiếp tục cái deal với các nước Âu Châu mà không có Mỹ, (3) bỏ rơi cái deal để tiếp tục công trình nguyên tử của họ.

Theo cái deal thời Obama, phía Hoa Kỳ sẽ giải toả hàng tỷ đô la của Iran bị phong toả, và nới lỏng sự cấm vận. Đối lại, Iran phải chấm dứt các chương trình nghiên cứu nguyên tử, hủy bỏ các phòng thí nghiệm, lò hạt nhân, và để cho các đoàn kiểm soát quốc tế vào tận nơi thanh tra. Iran đã không thi hành đúng các điều cam kết. Vì thế Tổng Thống Trump muốn hoặc sẽ tái thương lượng hoặc sẽ rút hẳn ra và tái áp dụng các biện pháp chế tài. Điều kiện của Hoa Kỳ là (1) Iran không được có hoả tiễn liên lục địa ICBM, chấm dứt hẳn việc phát triển hoả tiễn có khả năng mang đầu đạn nguyên tử và ngưng cung cấp hoả tiễn cho các nước khác, (2) Iran phải ngưng tài trợ các nhóm khủng bố như Hizballah, Hamas, Taliban, và al-Qa’ida, (3) ngưng tuyên truyền đe dọa hủy diệt Israel, (4) ngưng đe dọa sự tự do hàng hải trên vùng vịnh Ba Tư và Biển Đỏ, (5) ngưng leo thang chiến cuộc Yemen và phá hủy sự ổn định trong khu vực qua việc yểm trợ bọn Houthis, (6) chấm dứt các cuộc tấn công trên mạng nhắm vào Hoa Kỳ và đồng minh của Hoa Kỳ, (7) chấm dứt các vi phạm nhân quyền chống lại chính nhân dân Iran, và (8) chấm dứt sự bắt bớ, giam cầm trái phép người ngoại quốc, trong đó có công dân Hoa Kỳ.

Sự cấm vận của Mỹ sẽ làm cho Iran khốn đốn thêm khi kinh tế của họ vẫn còn bấp bênh, chưa hồi phục. Dầu hoả của Iran sẽ bị ứ đọng, đầu tư từ nước ngoài sẽ bị cắt đi.

Sáng thứ Tư, Ayatollah Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao Iran tuyên bố nếu Mỹ bỏ rơi cái deal nếu không có sự bảo đảm vững chắc của các nước Liên Âu. Ông cũng có thể bỏ cái deal vì không tin tưởng gì những nước Âu Châu. Tại nghị viện Iran, một làn sóng bài Mỹ dâng cao. Dân chúng biểu tình đốt cờ Mỹ và đòi xóa bỏ cái deal. Tổng thống Iran Rouhani thì muốn thử làm việc với các nước còn lại là Liên Âu, Nga, Trung Cộng. Nhưng ông ra lệnh cho các chuyên viên sẵn sàng tiếp tục các chương trình nguyên tử mà theo đà này, các nhà chính trị thế giới tiên đoán Iran sẽ làm được trái bom nguyên tử chỉ trong vòng 1 năm.

Hoa Kỳ từ lâu vẫn xem Iran là quốc gia yểm trợ cho các tổ chức và các nước khủng bố. Hoa Kỳ cáo buộc Iran dùng tiền của Thoả thuận để tăng cường quân đội và tài trợ các nhóm khủng bố như Hezbolla và Hamas. Iran cũng vi phạm các quy luật khi làm tiền giả để phá kinh tế nước Yemen lân bang cũng như tích cực yểm trợ bọn phiến loạn Houthi chống lại chính phủ Yemen. Ngay sau khi Tổng Thống Trump tuyên bố rút ra khỏi cái Deal, Do Thái đã ồ ạt oanh kích bằng hoả tiễn vào Kisweh, gần thủ đô Damascus của Syria. Theo các giới chức Do Thái, phía quân đội Iran đóng ở Syria đã có những hành động khả nghi nên Do Thái chơi màn tiên hạ thủ vi cường. Theo tin từ Syria, Israel phá hủy một dàn radar và một kho vũ khí của Iran. Sau đó, từ lãnh thổ Syria, Iran đã bắn qua đất Israel 20 hoả tiễn nhưng trái thì chưa tới tầm, trái thì bị Iron Dome của Israel bắn hạ. Hai bên đang pháo kích qua lại.

Giám Đốc Tư Pháp New York từ chức.

Ông Eric Schneiderman vừa lên tiếng từ chức sau khi bị bốn bà tố cáo xâm phạm tình dục. Ngày 7 tháng 5, hai ký giả Jane Meyer và Ronan Farrow của báo The New Yorker đăng tin có 4 bà tố cáo ông có những hành vi xúc phạm và có khi bạo hành đối với họ. Ông Schneiderman bác bỏ các sự tố cáo và cho rằng những hành vi của ông với các bà này đều do sự đồng thuận. Ông Giám Đốc Tư Pháp Schneiderman là người tích cực ủng hộ cho phong trào #MeToo của các phụ nữ từng biểu tình chống đối sự xâm phạm tình dục. Ông cũng là người đưa vụ Harvey Weinstein ra trước toà án New York để khởi tố.  Ông giữ chức Giám Đốc Tư Pháp Tiểu Bang New York từ ngày 1 tháng 1, 2011. Trước đó từng là Thượng Nghị Sĩ cấp Tiểu Bang ở New York từ 1999 đến 2010.

Chuẩn phê chức vụ Giám Đốc CIA

Bà Gina Haspel, người được Tổng Thống Trump đề cử giữ chức vụ Giám Đốc cơ quan CIA thay thế ông Mike Pompeo, sáng thứ Tư đã ra trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện để trả lời nhiều câu hỏi hóc búa trước khi Thượng Viện quyết định có chấp thuận bà không.

Bà Gaspel năm nay 61 tuối. Bà hoạt động trong ngành tình báo CIA từ năm 1985. Trước khi là phụ tá Giám Đốc CIA, bà đã qua nhiều chức vụ quan trong và từng đảm trách nhà tù bí mật  tại Thailand là nơi giam giữ tra tấn bọn khủng bố al-Qaeda sau vụ đánh bom toà tháp đôi New York năm 2001.

Bà Haspel đã nhiều lần khẳng định sẽ không chấp thuận những hình thức tra tấn trái với lương tri và pháp luật. Ngoài các thành viên đảng Dân Chủ (49 vị), thì trong 51 thành viên Cộng Hoà, đã có ông McCain hiện gần chết không thể trở lại làm việc, còn ông Rand Paul vẫn giữ thái độ thù nghịch với Tổng Thống Trump, đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống. Vì vậy, bà Haspel phải cật lực vận động để có vài vị Dân Chủ ủng hộ thì mới mong được thông qua. Nếu được chấp thuận, bà là phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức Giám Đốc CIA.

Phải nói rằng các ông nghị sĩ này thiếu thực tế. Trong ngành điệp báo, những nhân viên hoạt động được huấn luyện rất khắt khe; có thể nói là được trui luyện để có sức chịu đưng như những người bằng thép. Chỉ dùng các biện pháp thẩm vấn nhân đạo, không dám đụng đến thân thể họ, thì làm sao bắt họ mở miệng mà khai thác tin tức. Ngay cả cái biện pháp đổ nước (waterboarding) chẳng có gì ghê gớm cả, chẳng gây di hại gì cho nhân thân. Ấy thế mà cũng bị quý ngài văn phòng lên án. Đặc biệt đối với bọn khủng bố chuyên chặt đầu, moi bụng, đặt bom chết hàng trăm thì dù có phải dùng cách tra tấn nào đi nữa cũng cần làm. Không nhân đạo với bọn ác thú được.

Putin: Tổng thống muôn năm?

Vladimir Putin vừa mới được bầu lại làm Tổng Thống nước Nga thêm một niệm kỳ 6 năm nữa. Tính đến nay, Putin đã nắm chức vụ Tổng Thống trong 3 nhiệm kỳ liên tục 18 năm từ tháng 12 năm 1999.

Putin, năm nay 65 tuổi. Từ năm 1970, khi còn chế độ Cộng Sản Sô Viết, Putin gia nhập đảng Cộng Sản và năm 1975 trở thành một sĩ quan ngành mật vụ KGB tàn ác khét tiếng. Năm 1991 khi cuộc đảo chánh lật đổ Mikhail Gorbachev, Trung tá mật vụ Putin từ bỏ ngành và chọn theo phe đảo chánh. Năm 1999, ông tuyên bố rằng “Chủ nghĩa Cộng Sản như đi vào một thung lung mù mịt, xa với đối với văn minh nhân loại

Sau khi tái đắc cử, Putin tuyên bố sẽ cống hiến hết cuộc đời mình cho dân tộc và đất nước Nga. Điều này phải chăng là ý đồ muốn làm Tổng Thống suốt đời?

Trong những ngày qua, các tổ chức đối lập biểu tình chống đối kết quả bầu cử. Nhưng như mọi lần, Putin cho cảnh sát công an đàn áp thẳng tay.

Tuy không còn là người Cộng Sản, nhưng Putin lại là một người cực đoan về chủ nghĩa quốc gia. Ông ta luôn mơ ước đưa nước Nga trở lại thời kỳ huy hoàng, thống trị thế giới như thời các Sa Hoàng hay ít nhất cũng như thời Sô Viết.

Ông ít khi chia sẻ với ai về tín ngưỡng của mình. Dù có gốc gác là Cộng Sản, nhưng khi còn bé, Putin được bà mẹ đem đến nhà thờ làm Báp Têm một cách bí mật. Cha ông thì vô thần, nhưng mẹ là một tín đồ của Giáo Hội Chính Thống Nga và rất ngoan đạo. Bà thường đưa Putin đi nhà thờ xem lễ.

Nhưng theo chính lời Putin, ông thực sự cảm nhận về tôn giáo sau một tai nạn đụng xe kinh khủng xảy ra cho vợ ông năm 1993; rồi theo đó là căn nhà vợ chồng ông bị thiêu rụi năm 1996. Bà vợ ông, Lyudmila Putina cưới nhau năm 1983, đã ly dị vào tháng 6, năm 2013.

Tài sản của Putin

Năm 2007, tài sản của Putin khai báo là 150 ngàn đô la trong ngân hàng, một căn apartment trên 800 sq ft ở Saint Petersburg. Lúc đó lợi tức trong năm là 80 ngàn đô la. Thu nhập của Putin năm 2012 được ghi nhận là 3.6 Rubbes (113 ngàn đô la). Không rõ đây có phải là lương mỗi năm của Tổng Thống Nga hay không.

Nhưng theo nguồn tin của báo giới và các chính trị gia Nga, Putin sở hữu hàng triệu đô la một cách bí mật. Tài sản này được kể đến là những phần hùn trong nhiều công ty Nga.

Năm 2016, có 11 triệu hồ sơ của tổ hợp luật Mossack Fonseca ở Panama bị lộ ra cho tờ báo Süddeutsche Zeitung ở Đức và Tổ Chức Ký giả International Consortium of Investigative Journalists có trụ sở ở Washington trong đó có tuy không có tên của Putin, nhưng có những công ty với tài sản lên đến 2 tỷ đô la, và có tên 3 cộng sự viên thân tín của Putin trong đó. Báo Süddeutsche Zeitung cho rằng những người trong gia đình của Putin có dính vào đó. Sồ tiền 2 tỷ đô là này được bí mật chuyển vào các trương mục và các công ty trong bóng tối do thủ hạ thân tín của Putin đứng tên trong đó một trương mục trong Bank Rossiya được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho là của cá nhân Putin. Một người bạn thân nhất của Putin là Sergei Roldugin, tuy chỉ là nhạc sĩ, không có làm ăn gì, nhưng đã tích lủy một tài sản có thể hơn 100 triệu đô la! Người này coi như đứng mũi chịu sào gìùm cho Putin vì ít ai để ý đến ông là một người vô danh.

Khủng bố ở Pháp và Tổng Thống Trump

Trong khi tham dự buổi meeting của Hội Súng Trường (National Rifle Association) tại Dallas vào cuối tuần qua, Tổng Thống Trump đã bày tỏ lập trường của mình bảo vệ quyền mang súng theo Tu Chính Án số 2 của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Đây là lần thứ ba, ông tham dự đại hội thường niên của NRA. Trước ông, chỉ có Tổng Thống Ronald Reagon là tham dự đại hội của tổ chức này với tư cách Tổng Thống Hoa Kỳ.

Cũng trong dịp này, khi nhắc đến vụ thảm sát 130 người ở nhà hát Bataclan Paris vào tháng 11, năm 2015 do bọn ISIS chủ trương; Tổng Thống Trump đã nói rằng thiệt hại sinh mạng đã có thể giảm nếu như người Pháp cũng được quyền mang súng. Dư luận Pháp tỏ ra rất bất bình, lên án Tổng Thống Trump coi thường nạn nhân trước thảm kịch này. Nhất là có một câu thiếu lựa chọn để bị lên án cho rằng mang tính cách đùa bỡn trên nỗi đau người khác.

Nguyên văn ông nói: “They took their time and gunned them down one by one — boom, come over here, boom, come over here, boom…” Nếu dịch ra sát nghĩa thì: “Bọn chúng thư thả bắn chết từng người một. Boom, tới dây, boom; tới đây, boom…”

Chúng tôi vẫn chê trách cách cư xử, ăn nói bổ bả của ông Trump. Nó hoàn toàn không thích hợp với tư cách của một nhà lãnh đạo. Ông ta nói khi chưa kịp suy nghĩ hết câu và ý mình muốn nói. Nhưng suy kỹ ra thì qua câu trên, chẳng phải ông ta dè bỉu, coi thường hay xúc phạm. Mà chỉ vì lối diễn tả không tế nhị, thiếu đắn đo khi nói về một sự kiện mà theo cách nhìn chung là thiếu tôn trọng đối với những người chết. Công chúng chỉ muốn nghe nói về người chết với sự trân trọng!

Vả lại, ông cũng có lý phần nào. Nếu công dân Pháp được mang súng thì chắc chắn sẽ có vài người dư can đảm để đối đầu với tên hung thủ kịp thời trước khi nó có thể giết một cách dễ dàng đến 130 người vô tội.

Cũng trong bài diễn văn, Tổng Thống Trump có nói đến các vụ giết người ở Anh. Theo ông, Anh là nước kiểm soát vũ khí gắt gao. Nhưng không có súng, bọn giết người lại dùng dao thay thế. Câu nói của ông cũng bị lên án khi ông ví một bệnh viện ở London như một bãi chiếnn (war zone) với máu me tung toé khắp nơi trên nền nhà (They don’t have guns. They have knives and instead there’s blood all over the floors of this hospital,… They say it’s as bad as a military war zone hospital … knives, knives, knives. London hasn’t been used to that. They’re getting used to that. It’s pretty tough.)

Cũng vì tội nói năng hớ hênh!

Trong lần gặp vợ chồng Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull tại Sydney, Tổng Thống Pháp Macron đã nói trong phần cuối buổi họp báo chung để cám ơn Thủ Tướng Úc đã tiếp đón trọng thể; ông nói: “I want to thank you for your welcome. Thank you and your delicious wife for your warm welcome.” Chữ Delicious tiếng Pháp là “delicieux”. Trong tiếng Pháp “delicieux” có thể dùng thay chữ “lovely” hay “delightful”. Nhưng tiếng Anh thì chỉ có nghĩa là ngon miệng, hài lòng.  Người ta nói món ăn delicious, chứ không ai nói người vợ delicious! Bộ ông Macron có nếm thử bà Turnbull rồi hay sao? Nên nhớ rằng ông Macron nói tiếng Anh rất lưu loát. Cho nên, khi nói có lỡ lời thì cũng nên thông cảm.

Trong tháng 3, 2018, một người theo ISIS cũng đã bắt con tin và giết hế 3 người, làm bị thương 16 người khác tại thành phố Carcassonne phía Nam nước Pháp. Tên khủng bố, Redouane Lakdim, 26 tuổi, nói rằng nó hành động thay mặt cho nhóm Nhà Nước Islam. Tên này đã bắn giết tại ba điạ điểm khác nhau mà đầu tiên là giết một tài xế để cướp đoạt một chiếc xe ở Carcassonne rồi sau đó, giữ những con tin trong một siêu thị Super-U ở Trebe. Trong khi giữ con tin, tên này thương lượng đòi nhà chức trách phải thả tên Salah Abdeslam, là tên khủng bố giết 130 người ở Bataclan nói trên. Một cảnh sát đã nêu gương hy sinh khi ông chấp nhận nộp mình để tên hung thủ thả một bà mà hắn đang sử dụng như một tấm khiên che khỏi bị cảnh sát bên ngoài bắn vào.

Tên hung thủ sau đó đã bị bắn chết. Người cảnh sát anh hùng cũng bị thương rất trầm trọng.

Redouane Lakdim là người gốc Maroc, từng bị cảnh sát an ninh để ý và giam giữ vì những hoạt động phạm pháp và cực đoan. Y có thể đã đến Syria tham gia vào tổ chức ISIS.

Những vụ khủng bố gần đây tại Pháp

Từ năm 2015 đến nay, Pháp bị nhóm ISIS khủng bố nhiều lần và phải đặt trong tình trạng báo động cao độ. Sau đây và vài vụ lớn:

Từ ngày 7 đến ngày 9 thnág 1, 2015, 2 tên khủng bố Hồi xông vào toà soạn tờ báo Charlie Hebdo, giết chết 17 nhân viên toà soạn. Một tên khác bắn chết 1 cảnh sát và bắt giữ con tin trong một siêu thị của người Do Thái ở Paris. Bốn con tin bị bắn chết trước khi cảnh sát giết được tên khủng bố. Ngoài ra còn 2 tên khác cũng bị hạ sát.

Ngày 13 tháng 11, 2015 là vụ bọn Hồi Giáo tấn công vào hí viện Bataclan giết 130 người.

Ngày 13 tháng 6, 2016, Một tên Hồi theo ISIS dùng dao giết chết 2 cảnh sát ở Magnanville, phía tây thủ đô Paris

Ngày 14 tháng 7, 2016, một tên Hồi gốc Tunisie lái xe vận tải ủi vào đám khách bộ hành trên bãi biển ở Nice nhân ngày Quốc Khánh Pháp gây tử vong cho 86 người.

Ngày 26 tháng 7, 2016, hai tên Hồi tấn công cắt cổ một Giáo Sĩ trong một nhà thờ ở Normandy.

Ngày 1 tháng 10, 2017, bọn Hồi lại đâm chết hai phụ nữ ở một trạm xe lửa điện ở Marseille.

Vụ mới nhất như đã nói ở trên.

TNS John McCain không muốn Tổng Thống Trump tham dự tang lễ của ông. 

TNS John Sidney McCain đệ Tam hiện đang bị bệnh cancer ở giai đoạn chót và không còn có thể chữa trị. Ông đang ở trong tình trạng chờ chết.

Nhưng khác với đa số người khác là sẵn sàng thứ tha trước khi lìa đời, ông MCCain vẫn còn hận Tổng Thống Trump về câu ông Trump chê McCain không phải là anh hùng. Vì thế, ông McCain đã tuyên bố không muốn có mặt Tổng Thống Trump trong tang lễ của ông sắp tới đây.

Ông McCain sinh ngày 29 tháng 8, năm 1936. Nay đã 82 tuổi. Ông là con trai của Đô Đốc John S. McCain Jr., từng là Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương thời chiến tranh Việt Nam. Ông nội, John S. McCain Sr. cũng là một Đô Đốc 4 sao trong Thế Chiến thứ Hai.

Bản thân ông McCain cũng tốt nghiệp trường Sĩ Quan Hải Quân nổi tiếng Annapolis năm 1958 và phục vụ ngành phi hành, lái máy bay chiến đấu cất cánh từ các hàng không mẫu hạm.

Vào tháng 10, 1967, khi oanh tạc Hà Nội, phi cơ ông bị phòng không Việt Cộng bắn rơi. Ông nhày dù và bị dân quân Hà Nội bắt trên Hồ Gươm với nhiều thương tích. Ông bị giam tại Hoả Lò Hilton thì được thả năm 1973 sau khi Hiệp Định Paris về Hoà Bình cho Việt Nam được ký kết. Ông giải ngũ năm 1981 với cấp bậc cuối cùng là Đại Tá Hải Quân (Captain).

Sau đó, ông tham gia hoạt động chính trị và được bầu vào Hạ Viện Hoa Kỳ từ tháng 1, 1983 đến tháng 1, 1987; sau đó vào Thượng Viện Hoa Kỳ đầu tháng 1 năm 1987 của đơn vị Arizona. Ông là một thành viên đảng Cộng Hoà.

Năm 2000, ông ra tranh cử chức Tổng Thống đối đầu với ông George H Bush ở vòng sơ bộ của đảng Cộng Hoà. Nhưng sau đó, thấy khó ăn, ông bỏ cuộc và hai tháng sau tuyên bố ủng hộ ông Bush.

Qua năm 2008, ông cùng bà Sarah Palin tranh cử chức Tổng Thống và Phó Tổng Thống đối đầu với một anh chuyên viên cộng đồng tay mơ là Barack Hussein Obama. Ai cũng tưởng một người nổi tiếng như ông sẽ thắng dễ dàng một đối phương lúc đó còn là vô danh tiểu tốt! Nhưng ông đã lại thua cay đắng với tỷ số phiếu đại cử tri 173 – 365.

Khi còn là ứng cử viên, ông Trump đã trả lời một câu hỏi báo chí về ông McCain. Ông cho rằng việc ông McCain bị bắt làm tù binh không làm cho ông ta trở thành anh hùng. Điều này cũng chẳng có gì là đáng bàn. Anh hùng hay không là do cách nhìn của mỗi người về hành vi người khác. Ông McCain chiến đấu anh hùng và bị bắt làm tù binh trong 6 năm. Nhưng việc bị bắt làm tù binh chưa hẳn là anh hùng, chỉ là sự sa cơ thất thế. Nếu bị bắt làm tù binh là trở nên anh hùng, thì ở Việt Nam có hàng triệu anh hùng của cả hai quân đội Nam và Bắc? Anh hùng hay không là do những việc làm, thái độ của người tù binh trong gông cùm của kẻ địch. Chúng tôi có đọc, xem được nhiếu tài liệu, youtube do những tù binh Hoa Kỳ cùng thời với ông McCain trong đó có nhiều phê bình không tốt về thái độ của ông khi trong tù!

Chỉ vì bị coi là không anh hùng, ông McCain đã bộc lộ thái độ bất thân thiện, chống đối Tổng Thống Trump ngay từ khi Trump nhậm chức. Ông McCain, một thành viên Cộng Hoà trong Thượng Viện, luôn luôn hùa với đám Dân Chủ bỏ phiếu chống lại bất cứ những gì do Tổng Thống Trump đưa ra!

Ngay giờ phút gần bên cái chết, ông còn hận ông Trump và ngay cả người đứng chung liên danh là bà Sarah Palin. Ông đổ thừa vì bà Palin mà ông bị thất cử hồi 2008.

Tuy ông McCain có công nhiều đối với những cựu tù nhân khi vận động Quốc Hội Hoa Kỳ chấp nhận cho họ định cư tại Mỹ, nhiều người Việt tị nạn vẫn bất bình về ông McCain là chính McCain đã vận động tích cực cho việc nối lại bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Sản. Ông đã đi Việt Nam để gặp và cám ơn tên cán binh VC từng bắt ông ở hồ Gươm. Không rõ ông cám ơn về điều gì? Với kẻ thù hành hạ ông hơn 6 năm mà ông còn tỏ sự thân thiện, biết ơn. Nhưng với một người cùng đảng chỉ về không khen ông mà ông giữ lòng thù oán. Như thế, rõ ràng Tổng Thống Trump đã nói đúng. Ông McCain chẳng phải là anh hùng gì ráo!