Thời Sự Hàng Tuần ngày 14 tháng 07, 2018 Người Việt trên thế giới biểu tình yểm trợ quốc nội –

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Để biểu hiện sự yểm trợ, đồng hành cùng đồng bào trong nước đang sôi nổi hàng hàng lớp lớp đứng lên quyết tâm chống nhà cầm quyền Việt Nam Cộng Sản phản quốc; khắp nơi trên thế giới, người Việt Quốc Gia cũng tổ chức nhiều sinh hoạt như biểu tình, đêm thắp nến cầu nguyện, gửi thỉnh nguyện thư lên các lãnh tụ các quốc gia sở tại để yêu cầu can thiệp.

Tại thủ đôWashington, Cộng Đồng đã cùng Liên Hội Cựu Chiến Sĩ phối hợp tổ chức một cuộc biểu tình lớn tại công viên Sheridan, ngay trước toà Đại sứ Việt Cộng. Do thời gian chuẩn bị không nhiều, nên các cộng đồng khác không tổ chức kịp những phái đoàn đông đảo như mong muốn. Tuy nhiên cũng có sự góp mặt của 18 tổ chức Cộng Đồng các Tiểu bang, Thành phố và nhiều hội đoàn ở Thủ đô. Từ nơi xa xăm như San Jose, đoàn của Cộng đồng Bắc California lái xe liên tục hơn hai ngày hai đêm, vượt qua 2900 dặm để về kịp lúc. Tại cuộc biểu tình cũng có nhiều người Mỹ mang biểu ngữ và quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà để ủng hộ chính nghĩa của chúng ta.

Chúng tôi đã tường thuật trong chương trình Thời Sự Hàng Tuần cuối tuần trước. Nay chỉ xin chiếu thêm đoạn video khi nhóm Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hoà nối các cột dài để phất lá cờ vàng ba sọc đỏ lên cao hơn lá cờ Việt Cộng ngay trước toà Đại sứ của chúng. Đây là một sáng kiến táo bạo và lý thú. Cũng như khi đoàn biểu tình theo một hiệu lệnh ào qua bên kia đuờng, tràn ngập ngay trước toà nhà mà các cảnh sát làm ngơ thay vì họ có quyền ngăn lại. Sau cuộc biểu tình, nghe có tin bọn Việt Cộng trong toà Đại sứ gọi 911 báo cáo có người đặt chất nổ tại các thùng rác phía trước. Cảnh sát đã cho người dò tìm nhưng không thấy gì.

Tin từ Australia cho hay cuộc biểu tình diễn ra tại Thủ đô Canberra trước toà Đại sứ Việt Cộng và cả toà Đại sứ Trung Cộng. Gần 1000 người từ Melbourne (8 xe bus mỗi xe 40 người), Sydney (14 xe), Brisbane, Adelaide (2 xe), Wollòngton, Queensland (cách Canberra 1900 km). Đồng bào ở Perth vì ở phần đất phía Tây quá xa nên không về được. Nhưng họ cũng biểu tình trước toà Lãnh Sự Việt Cộng trong cùng ngày 7 tháng 7.

Tại Canada cũng có tổng biểu tình ở Ottawa, trước các toà Đại sứ Việt Cộng, Trung Cộng  và trước Quốc Hội với hơn 1000 người tham dự. Pháp, Đức, Bỉ cũng vậy.

Chuyến đi Georgia – Washington D.C.

Cùng ngày, sau khi nhận được bản thông cáo của Ủy Ban Đặc Nhiệm Yểm Trợ Quốc Nội vùng Hoa Thịnh Đốn ra ngày 27 tháng 6, 2018, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ liền gửi văn thư ủng hộ và thông báo đến các Cộng Đồng thành viên kêu gọi tham gia. Chỉ vỏn vẹn chưa tới 10 ngày, rất khó cho các nơi kịp tổ chức như ra thông cáo, ghi tên, thuê xe, đặt phòng khách sạn. Vì thế, mỗi nơi chỉ kịp lập một đoàn đại diện để đi. Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Georgia cũng ở trong tình trạng như thế. Họ đã muớn xe van 15 chỗ kèm thêm xe van nhà. Nhưng giờ chót, sáng thứ Sáu, hãng xe không có xe do khách chưa trả đúng hẹn. Vì thế chỉ đi một xe van 7 người mà thôi. Chúng tôi từ Austin, Texas, cũng khó mua vé đi thẳng Washington D.C. Chuyến bay nào cũng ghé qua một hai trạm, kéo dài 10, 15 giờ. Do đó phải mua đi từ Austin lên Atlanta để cùng đi với đoàn Georgia. Xe đi từ Atlanta lên DC mất hơn 10 giờ. Nhưng xế chiều khi qua vùng North Carolina, mây đen vần vũ, gió thổi lốc từng hồi và trời đổ xuống từng chặp mưa lớn. Đang sắp có một trận cuồng phong (tornado). Xa cứu hoả và cảnh sát chớp đèn đậu dài trên các overpass. Hầu hết các xe bị gió tạt mạnh phải tấp vào bên lề, bật đèn khẩn cấp để chờ qua cơn gió xoáy. Tài xế xe chúng tôi là một nữ lưu, nhưng rất cứng cựa. Cô không tỏ ra sợ hãi mà cứ tiếp tục lái xe đi để có thể đến DC vào lúc tối. Nhưng dù nguy hiểm thế nào, vẫn còn chưa thấm vào đâu so với đoàn Cộng Đồng Bắc California, lái tiên tục hai ngày hai đêm từ bờ Tây sáng tới bờ Đông nước Mỹ vĩ đại!

Xin ghi nhận thiện chí và cám ơn tất cả những phái đoàn tham dự biểu tình ngày 7 tháng 7 vừa qua. Nếu Ban Tổ Chức cho biết sớm trước chừng 2 tuần, chắc số người tham gia phải lên nhiều ngàn người.

Tình hình giao thương Mỹ và Trung Cộng

Sau khi Hoa Kỳ đánh thuế 25% trên khoảng 34 tỷ đô la hàng nhập cảng từ Hoa Lục, Trung Cộng đã trả đũa bằng cách nâng mức thuế đánh trên sản phẩm của Hoa Kỳ. Bộ Thương Mại Trung Cộng hôm thứ Hai, cho hay số tiền thuế này sẽ được dùng để giúp các công ty bị ảnh hưởng thiệt thòi trong việc tranh chấp giao thương giữa hai nước. Họ không nói thêm chi tiết ngoài việc khuyến khích những nhà nhập cảng chuyển việc mua nông phẩm của Mỹ như đậu nành, qua những nhà sản xuất của các nước khác.

Trong khi đó thì các nhà sản xuất của Trung Cộng đang phải đau đầu đối phó trước việc tụt dốc các đơn mua hàng của Mỹ. Hoa Kỳ nhắm đánh mạnh vào các loại hàng y tế, vật liệu xây dựng, trang bị cơ xưởng làm cho những khách hàng ở Mỹ phải ngưng đặt mua của Trung Cộng.

Một Tổng Giám Đốc công ty dụng cụ y tế có tên Wuxi Yushou Medical Devices Co. ở Thượng Hải cho biết đã mất hết các đơn đặt hàng từ Hoa Kỳ. Công ty này chuyên sản xuất ống chích và những dụng cụ khác.

Theo ông Murray Huebert. một chuyên viên của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, D.C., Trung Cộng có thể sẽ dùng Việt Nam ‘đỡ đạn’ trong chiến tranh thương mại với Mỹ!!!

Theo tường thuật của tờ Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), hiện các viên chức Trung Cộng ở tỉnh Quảng Tây đang nhắm đến 7 khu vực mậu dịch giáp ranh giới với Việt Nam để đưa hàng hoá làm tại Hoa Lục đến lắp ráp sản phẩm tại đây và dán nhãn “made in Vietnam” nhằm đánh lừa Hoa Kỳ. Việc này từng xảy ra khi Trung Cộng xuất cảng nhôm, thép qua Mỹ trước đây và đã bị Tổng Thống Trump đánh thuế phạt đến 250%.

Quan điểm của Bắc Cao Ly trong việc hoá giải nguyên tử

Chuyến đi Pyongyang của Ngoại Trưởng Pompeo nhằm trấn an về tiến trình hoá giải nguyên tử sau cuộc thương thảo giữa hai lãnh đạo Mỹ- Bắc Cao Ly bị giới quan sát quốc tế coi là thất bại!

Chỉ vài giờ sau khi ông Pompeo rời thủ đô Pyongyang của Bắc Cao Ly và tuyên bố rằng cuộc nói chuyện là tích cực, Bộ Ngoại Giao Bắc Cao Ly phổ biến một thông cáo cho thấy kết quả ngược lại. Một đoạn trong thông cáo viết rằng: “Phía Hoa Kỳ đã đưa ra đòi hỏi thô bạo và đơn phương.” Bắc Cao Ly cho rằng thái độ của phía Mỹ về các cuộc đám phán là đáng tiếc.

Mặc dù Pompeo cho rằng việc đàm phán với Bắc Cao Ly là tiến bộ, lạc quan; nhưng phía Bắc Cao Ly đã tỏ ra vô cùng giận dữ về những đòi hỏi của Hoa Kỳ mà họ cho là thô bạo (gangster-like). Ông Pompeo gạt bỏ lời cáo buộc này và giải thích rằng việc cấm vận của Hoa Kỳ không khác gì việc cấm vận của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc qua vài nghị quyết được thông qua với đại đa số phiếu thành viên. Theo ông, nếu Bắc Cao Ly cho rằng Hoa Kỳ là gangster, thì có khác cho Bắc Cao Ly coi cả thế giới này là gangster?

Pompeo thăm Việt Nam

Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Mike Pompeo vừa kết thúc chuyến đi Nhật bản và Bắc Cao Ly để bàn về tiến trình hoá giải vũ khí nguyên tử của Bắc Cao Ly. Trên đường về, ông đã ghé qua Việt Nam, gặp gỡ Thủ tướng và Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Cộng. Ông nói với Phạm Bình Minh rằng mối quan hệ giữa hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam thật là đặc biệt và mong ước sẽ thêm nhiều cải thiện để Bắc Cao Ly xem đây là mẫu mực để theo đuổi.

Tại Việt Nam, ông Pompeo đang tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn của Việt Nam trong việc thi hành lệnh cấm vận nghiêm minh đối với Bắc Cao Ly, và sự cấm vận này chỉ có thể được tháo bỏ nếu Bắc Cao Ly thi hành đến nơi đến chốn việc hủy bỏ vũ khí nguyên tử và tỏ ra ngay thật, trong sáng để Hoa Kỳ và các đồng minh kiểm chứng được.

Ông kêu gọi Bắc Cao Ly hãy xem gương Việt Nam đã có tiến bộ sau khi nối quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Điều này chứng minh rằng đối với Hoa Kỳ, những đối thủ trước đây không cần thiết phải duy trì mối thù hận với nhau.

Sau Việt Nam, ông Ngoại trưởng Mỹ ghé qua nước United Arab Emirates và sau đó đến Brussels, Belgium để cùng Tổng Thống Trump dự Hội Nghị Thượng Đỉnh khối NATO. Tổng Thống Trump đã lên đuờng đi Brussels hôm thứ Ba. Tin từ Brussels cho hay Tổng Thống Trump lập lại yêu cầu các nước NATO tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng và tăng sự chia sẻ gánh nặng phòng thủ với Hoa Kỳ. Ông cũng phê bình nước Đức đã bị lệ thuộc vào Nga qua việc ký kết đường ống dẫn dầu.

Tại nước Arab Emirates, ông Pompeo tái khẳng định lời hứa sẽ bảo vệ các đồng minh vùng vịnh trước sự dọa nạt hay tấn công của Iran.

Pompeo tỏ mối quan tâm về William Nguyễn

William Nguyễn là một thanh niên Mỹ gốc Việt 32 tuổi ở Houston. Anh là một sinh viên vừa tốt nghiệp Cao học về Chính Sách Công tại trường Đại Học Lý Quang Diệu ở Singapore. Tháng trước, anh đi Việt Nam thăm gia đình. Ngày 10 tháng 6, trong khi tham gia trong một cuộc biểu tình của đồng bào chống lại Luật An Ninh Mạng và Luật về Đặc Khu, anh đã bị công an Cộng Sản Việt Nam hành hung, lôi xềnh xệch trên mặt đường và bắt giam giữ đưa ra toà về tội tham gia biểu tình chống CS bán nước. Những đoạn video phổ biến trên các trang internet cho thấy anh bị đánh chảy máu đầu. Phiá Việt Cộng buộc anh vào tội tụ tập gây rối theo điều 318 Hình Luật Việt Cộng. Họ cho rằng anh đã xúi dục những người khác vượt qua rào chắn dựng lên để chống người biểu tình. Tài sản của anh tại khách sạn bị công an Cộng Sản Việt Nam tịch thu gồm cell phone, lap top, sổ thông hành, thẻ tín dụng và các vật dụng cá nhân khác.

Ngoại Trưởng Pompeo trong khi thăm Việt Nam đã nêu vấn dề quan tâm đến tình trạng anh William Nguyễn với những giới chức cao cấp Việt Cộng. Ông yêu cầu phía Việt Nam phải giải quyết nhanh chóng việc này. Chính phủ Việt Cộng chối việc họ dùng bạo lực đối phó với William Nguyễn, nhưng họ đồng ý cho nhân viên Lãnh sự quán Hoa Kỳ được thăm viếng anh này trong thời gian tù tội.

Hoa Kỳ thúc đẩy Đức chống Iran

Hiện nay, Hoa Kỳ đang lo ngại trước việc Iran có những kế hoạch nhằm chuyển vận số tiền hàng trăm triệu euros về nước họ.

Iran đang xin chuyển khoảng 300 triệu euros tương đương 350 triệu đô la từ các trương mục ngân hàng ở Đức và chuyển về Tehran.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Đức là Richard Grenell đã tiết lộ cho tờ báo Bild rằng việc Iran rút tiền Euso về nước là mối quan tâm lớn hiện nay của Mỹ. Bild là một tờ báo bán chạy có nhiều ấn bản tại Đức. Ông Grenell đã vận động các giới chức cao cấp tại Đức can thiệp để ngăn cản kế hoạch của Iran bằng cách không cho nước này rút tiền.

Iran là một nước thù địch hàng đầu của Mỹ. Họ vẫn lén lút thí nghiệm nguyên tử và lại được giải toả những cấm vận quốc tế qua cái “thương thảo” (deal) họ ký với các nước Âu Châu và Mỹ. Tổng Thống Trump đã tuyên bố rút ra khỏi cái deal đó vì biết Iran không hề chấp hành các điều khoản đã ký; nhưng các đồng minh Đức, Pháp và Anh vẫn tái xác nhận cái deal này do họ nghĩ rằng chỉ với deal này mới ngăn cản được Iran phát triển vũ khí nguyên tử. Ông Trump thì coi thái độ của đồng minh này là ưu đãi cho Iran.

Đề nghị của Đại sứ Grenell bị phản đối bởi Johann Wadephul, một lãnh tụ của nhóm Bảo Thủ trong Quốc Hội và là người phụ tá của Thủ Tướng Angela Merkel.

Một phát ngôn viên của bộ Tài Chánh Đức cho hay chính phủ đang cứu xét những yêu cầu của Iran dựa trên những hướng dẫn để xem số tiền này có phải để rửa tiền hay tài trợ cho các nhóm khủng bố hay không. Phiá Bộ Ngoại Giao thì cho hay phải xem xét xem việc rút tiền này có vi phạm điều khoản nào trong chính sách cấm vận.

Iran không chỉ coi Mỹ và Do Thái là kẻ thù mà họ còn là mối nguy cơ của ngay những nước Ả Rập, Hồi Giáo chung quanh. Các nước Âu Châu chỉ vì khuynh hướng thiên tả, không hài lòng với Mỹ mà tỏ ra khoan nhượng quá sức cho Iran. Một mai kia nếu Iran có chơi xấu, gây hấn thì họ lại quay sang cầu viện Mỹ như hồi Thế Chiến thứ Hai thôi.

OPEC gia tăng sản lượng dầu

Mấy tuần trước, chúng tôi có loan tin Tổng Thống Trump có yêu cầu Saudi Arabia gia tăng sản lượng dầu thô lên 1 triệu thùng mỗi ngày. Thùng đây là loại thùng phuy có sức chứa 50 gallons (200 lít). Theo Thông Tấn Xã Reuter, Saudi Arabia đã cho tổ chức các Quốc Gia Xuất Cảng Dầu Hoả (The Organization of the Petroleum Exporting Countries – OPEC) hay trong tháng 6 vừa qua, họ bơm được 10.488 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Tính ra tăng thêm 458 ngàn thùng mỗi ngày so với sản lượng của tháng Năm. Saudi đã cung cấp cho thị trường số lượng dầu nhiều hơn so với lượng dầu bơm lên. Họ bán ra thị trường nội địa và ngoại quốc 10.579 triệu thùng/ngày trong tháng 6 này; có lẽ lấy từ các kho chứa.

Tháng trước, Tổng Thống Trump lên án OPEC đã đẩy giá dầu lên cao. Ông đòi các nước OPEC phải có biện pháp để hạ giá dầu. OPEC có hứa với Nga và các đồng minh sản xuất dầu rằng họ sẽ tăng sản lượng từ tháng Bảy.

Vua Saudi là Salman bin Abdulaziz Al Saud hứa với Tổng Thống Trump sẽ tăng mức sản xuất. Ông cũng nói rằng Saudi có khả năng thặng dư là bơm thêm 2 triệu thùng mỗi ngày để thay thế sự cung cấp của Iran và Venezuela. Như thế, có thể quân bình giá dầu.

Công nhân ngoại quốc rời Saudi

Bất bình về phong cách làm việc của dân Saudi, 800 ngàn công nhân ngoại quốc đã rời bỏ nước này, tạo nên một khủng hoảng nhân công nghiêm trọng cho Saudi Arabia.

Những nhân công ngoại quốc cho rằng đàn ông đàn bà Saudi lười biếng và không thiết tha với công việc.

Sau khi Đông Cung Thái Tử Muhammad bin Nayef bị vua cha Salman bin Abdulaziz Al Saud hạ chức, Mohammed bin Salman được nâng lên hàng Đông Cung tức là người sẽ kế vị nếu vua qua đời.  Trong khi vua cha cũng là Thủ Tướng, ông con là Phó Thủ Tướng thứ Nhất, Chủ Tịch Hội Đồng Kinh Tế Phát Triển, vừa là Bộ Trưởng Quốc Phòng.

Đông Cung Thái Tử Mohammed bin Salman (thường được gọi dưới tên tắt MBS) tự ví mình là một người có khuynh hướng tân tiến, hiện đại hoá. Ông có những việc làm để chuyển hoá những sự cấm đoán về mặt xã hội cho cởi mở hơn lên. Nhưng lúc này ông cũng phải tranh đấu cật lực để chuyển hoá đất nước thoát ra khỏi khó khăn tài chánh do mất lòng tin vào nền kinh tế.

Ông ta cũng có vài thành công trong việc cải cách như ban hành nhiều thể lệ nhằm hạn chế quyền hành của cảnh sát tôn giáo, bãi bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe… Dười thời ông ta, lần đầu tiên đã có những chương trình ca nhạc công cộng do nữ ca sĩ trình bày, vận động trường đầu tiên nhận phụ nữ tham gia, và nhất là sự tăng gia góp mặt của phụ nữ trong lực lượng lao động.

Nhưng trong khi ông cố gắng củng cố quyền lực và chuyển hướng nền kinh tế mới, thì ông đã chịu áp lực của giá dầu suy sụp, đầu tư ngoại quốc tuột dốc thê thảm, sự chảy máu nguồn vốn ở mức độ cao.

Người ta cho rằng sự bất ổn định xảy ra là do ông có quá nhiều tham vọng và thiếu thực tế. Những kế hoạch canh tân nền kinh tế được thúc đẩy, hưng phấn bởi những nỗ lực lấp đầy lỗ hổng công nhân ở lãnh vực tư do những công nhân ngoại quốc bỏ đi. Tính từ cuối năm 2016 đến tháng 4 năm nay, đã có hơn 800 ngàn người rời Saudi Arabia. Việc này báo động cho các công ty trong nước biết rằng rất khó kiếm được những người thay thế các công nhân ngoại quốc.

Việc công nhân ngoại quốc bỏ việc một phần cũng do Thái Tử Mohammed bin Salman đã cố sức để kéo nước ông ra khỏi sự lệ thuộc vào sản xuất dầu trong kế hoạch đa dạng hoá kinh tế. Kế hoạch có tầm vóc này bao gồm việc thuyết phục người dân Saudi tham gia vào những công việc ở lãnh vực nhà nước. Cần biết lãnh vực này sử dụng đến 2 phần ba nhân lực của Saudi; Nó cũng khuyến khích những người chưa có việc làm hãy nhận các công việc đang thiếu nhân công. Nhà cầm quyền Saudi muốn tạo ra đến 450 ngàn việc làm trong lãnh vực tư cho người Saudi trước năm 2020.

Trung Cộng muốn là chủ nợ các nước Arab

Nhằm mục đích gây thanh thế và tạo ảnh hưởng kinh tế vào vùng Trung Đông, Tập Cận Bình, Chủ Tịch Trung Hoa Cộng Sản đã lên tiếng hứa sẽ bỏ ra 23 tỷ đô la cho các nước Arab vay mượn cũng như đầu tư vào các chương trình viện trợ nhân đạo. Các nước Arab này là nguồn cung cấp năng lượng mà Trung Cộng rất cần cho sự phát triển của họ.

Tập Cận Bình nói với các vị lãnh đạo các quốc gia Arab trong một cuộc hội nghị ở Bắc Kinh rằng ông sẽ dành ra 91 triệu đô la viện trợ nhân đạo cho các nước Syria, Yemen, Jordan và Lebanon. Ngoài ra còn 151 triệu đô la khác cho các dự án khác trong tổng số tiền dự trù 23 tỷ đô la; nhưng Tập không cho biết thêm chi tiết cách nào, và khi nào sẽ phân phối số tiền.

Trung Hoa và các nước Arab phải cùng nhau phối hợp trong tinh thần sáng tạo những sách lược phát triển để theo đuổi giấc mơ chung là làm trẻ trung hoá các nước liên đới” Đó là câu tuyên bố đầy tham vọng của Tập.

Thực sự thì những việc làm này nằm trong sách lược “một vành đai, một con đường” với tham vọng của Trung Cộng là bành trướng thế lực tại vùng các nước Arab nhằm cạnh tranh với Hoa Kỳ và Âu Châu.

Trong các nước Arab, Saudi là đồng minh thân cận của Mỹ, nhưng lại là nước đứng hàng thứ hai cung cấp dầu cho Trung Cộng; Iraq cũng là đồng minh của Mỹ, lại là nước đứng hàng thứ ba mà Trung Cộng nhập cảng dầu. Vùng Trung Đông là những mắt xích quan trọng trong kế hoạch “một vành đai, một con đuờng” nối liền Hoa Lục đến Âu Châu và Phi Châu bằng hệ thống gồm những hải cảng, đuờng xe lửa, đặc khu phát triển kinh tế và các nhà máy điện lực.

Trung Cộng tỏ ra sự quan tâm đến các công trình xây cất mạng lưới tiếp vận trong tương lai để nối vùng Trung Á đến Đông Phi, Ấn Độ Dương nối với Địa Trung Hải.

Về phương diện chính trị, Trung Cộng ngỏ ý muốn làm trung gian hoà giải cho cuộc tranh chấp giữa Palestine và Israel. Họ cũng yểm trợ tích cực cho Tổng Thống độc tài Bashar Assad của nước Syria trong cuộc nội chiến dài 7 năm nay.

Trung Cộng áp lực Liên Âu chống Mỹ

Thật ra Trung Cộng đang vận động các quốc gia Liên Âu ra một tuyên cáo chung nhằm chống lại chính sách giao thương của Tổng Thống Trump trong một cuộc họp thượng đỉnh vào cuối tháng này. Tại những lần họp ở Brussels, Berlin và Bắc Kinh (thủ đô Belgium, Đức và Trung Hoa) mới đây, các nhân vật lãnh đạo cao cấp của Trung Cộng trong đó có Phó Thủ Tướng Liu He, Bộ Trưởng Ngoại Giao Wang Yi, họ đã đề nghị lập ra một liên minh giữa hai cường quốc kinh tế (Trung Cộng và Liên Âu) và vuốt ve, dụ dỗ bằng cách hứa hẹn sẽ mở thêm thị trường ở Hoa Lục cho Liên Âu như chứng minh thiện chí của Trung Cộng. Họ lại đưa thêm một đề nghị có những hành động chung giữa Trung Cộng và Liên Âu nhằm chống lại và cô lập Hoa Kỳ tại Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO)

Nhưng bẽ bàng thay cho anh chàng ma mánh. Trước ngày khai mạc Thượng Đỉnh Trung Cộng và Liên Âu tại Bắc Kinh trong 2 ngày 16, 17 sắp tới, Liên Hiệp Âu Châu bác bỏ tất cả đề nghị liên minh với Trung Cộng để chống lại Hoa Kỳ. Có ít nhất 5 vị lãnh tụ trong khối Liên Âu đã cho Thông Tín Reuter biết điều này. Liên Âu hiện nay có mức giao thương lớn nhất toàn cầu. Dĩ nhiên tách các nước ra thì không ai qua mặt Hoa Kỳ, nhưng tính cả khối Liên Âu thì họ mạnh thật.

Phía Liên Âu cho rằng hội nghị thượng đỉnh sắp tới chỉ nên ra một thông cáo chung khiêm tốn nhằm xác định sự cam kết của hai bên trong một cơ cấu thương mại đa phương cũng như hứa hẹn sẽ lập ra một nhóm công tác để giúp hiện đại hoá tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO).

Hội nghị thượng đỉnh Âu-Hoa hàng năm sắp tới sẽ có mặt Tập Cận Bình, Thủ tướng Li Keqiang và các nguyên thủ các nước Liên Âu.

Trong những cuộc gặp riêng tư, Phó Thủ Tướng Trung Cộng Liu He nói rằng nước ông đã sẵn sàng mở ra cho Liên Âu những khu vực kinh tế để đầu tư vào.

Phản ứng của Liên Âu

Trong khi đó, các báo chí quốc doanh của Trung Cộng thì cứ lải nhải cho rằng khối Liên Âu đứng về phe Trung Cộng. Điều này làm cho các lãnh tụ Liên Âu khó chịu và bối rối. Cần nhắc lại hai kỳ hội nghị thượng đỉnh 2016, 2017 đã kết thúc mà không có thông cáo chung vì có nhiều bất đồng về các vấn đề biển Đông và thương mại!!!??? Một bài bình luận đăng trên Tân Hoa Xã hôm thứ Tư tuần trước có viết rằng Trung Cộng và Liên Âu nên tay trong tay cùng chống lại chủ nghĩa bảo vệ mậu dịch của Hoa Kỳ! Báo còn viết “Trung Hoa và các nước Liên Âu là những “bạn bè, bồ bịch tự nhiên” (natural partners). Chúng ta tin rằng tự do mậu dịch là động lực mạnh nhất để phát triển kinh tế thế giới!

Một nhà ngoại giao Liên Âu phải bực mình nói: “Trung Cộng muốn Liên Âu đứng về phe họ để chống Hoa Kỳ. Chúng ta không làm điều này và cũng đã cho họ biết lập trường của chúng ta rồi.

Trong thực tế, mặc dầu mức thuế quan mà Tổng Thống Trump đánh vào các hàng sắt thép nhập cảng từ Liên Âu cũng như những lời đe doạ của ông sẽ nhắm vào kỹ nghệ xe hơi của Âu Châu; các nước Liên Âu vẫn chia sẻ mối quan tâm của Hoa Kỳ về chính sách đóng cửa thị trường của Trung Cộng. Họ thưà nhận rằng Trung Cộng rất ma đầu trong giao thương nhằm mục đích thống lĩnh thị trường thế giới.

Một nhà ngoại giao Âu Châu nói: “Chúng tôi đồng ý với hầu hết những phàn nàn của Hoa Kỳ đối với Trung Cộng. Chúng tôi chỉ không bằng lòng cách mà Hoa Kỳ giải quyết vấn đề mà thôi.

Mưu đồ của Trung Cộng là lợi dụng chính sách thuế quan của Tổng Thống Trump và những bất đồng của Liên Âu, Nhật, Canada với Hoa Kỳ để phá vỡ mối quan hệ thắm thiết giữa Hoa Kỳ và Liên Âu, và cũng là nhắm vào việc cướp đoạt vai trò lãnh đạo thế giới. Chính một nhà ngoại giao Âu Châu cũng nhận ra rằng Trung Cộng còn muốn gây chia rẽ khối Liên Âu trong nhiều lãnh vực như ngoại thương, nhân quyền. Họ ngây thơ tưởng rằng họ có thể làm được. Nhiều vị còn nói rằng từ hội nghị thượng đỉnh 2017, họ đã cảm nhận ra được Trung Cộng sẽ lợi dụng chính sách “America First” của Tổng Thống Trump để gây chia rẽ Mỹ- Âu.

Xưa rồi Tám ơi! Các chú Ba chẳng qua mặt nổi thế giới Tây Phương dân chủ. Họ tuy bất đồng nhưng không bất hoà. Các chú ba không dễ gì trục lợi trước những tranh cãi của các lãnh tụ Tây phương đâu! Hoa Kỳ và Liên Âu chia sẻ chung một văn hoá, từng là đồng minh thân thiết và còn là đồng minh lâu dài trong tương lai.

Bề trái của Trung Cộng

Trong một báo cáo tháng 4 mới đây của nhóm nghiên cứu mang tên Rhodium Group ở New York, đã cho thấy rõ ràng Trung Cộng có nhiều hạn chế rất khắt khe đối với những nhà đầu tư ngoại quốc trong mọi lãnh vực, ngoại trừ lãnh vực địa ốc. Trong khi đó, các nước Liên Âu thì thả lỏng cho các công ty cá mập của Trung Cộng chiếm đoạt nhiểu khu vực mà Liên Âu chẳng thể xâm nhập được vào Hoa Lục.

Dù Trung Cộng có tuyên bố sẽ hạ mức thuế xe hơi nhập cảng từ Liên Âu, thì cũng chẳng có lợi gì mấy cho Âu Châu vì doanh số nhập xe hơi là rất nhỏ nhoi trong thị trường Hoa Lục. Điều nữa là Trung Cộng đang có khuynh hướng chuyển qua việc sử dụng xe hơi chạy bằng điện trong khi xe hơi Âu Châu còn chạy bằng xăng.

Một lãnh tụ Liên Âu nói mỉa mai rằng: “Chờ cho đến khi tàu đã chạy khỏi ga, họ mới cho chúng ta vào sân ga!”

Tuy nhiên, điều mà Trung Cộng hứa hẹn mở rộng thị trường tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới phản ánh mối quan tâm của họ là sẽ chạm trán phải sự thắt chặt hơn của Liên Âu và với những quy chế để ngăn cản Trung Cộng có thể chiếm đoạt vai trò và những nỗ lực của Hoa Kỳ.

Khối Liên Âu đang có những cố gắng thông qua những đạo luật để có thể điều tra sâu sát hơn những đầu tư của ngoại quốc. Chúng ta có thể hiểu rằng họ nhắm vào Trung Cộng.

Vào ngày 6 tháng 7 này, Tổng Thống Trump sẽ áp dụng việc đánh thuế cao trên hàng chục tỷ hàng hoá Trung Cộng; và sẽ tiếp tục như thế cho đến khi đánh gục Trung Cộng.

Tin hôm thứ Tư cho hay Trung Cộng dọa sẽ gửi hồ sơ lên WTO để kiện Hoa Kỳ vì việc áp dụng thuế quan lên hàng hoá nhập từ Hoa Lục. Làm như Tổng Thống Trump sợ WTO lắm. Nếu cần, ông cũng phủi đít rút ra WTO.

Tổng Thống Trump đề cử Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện

Sau nhiều tuần tham khảo, phỏng vấn cả chục vị có đủ khả năng và uy tín, hôm thứ Hai, Tổng Thống Trump đã đề cử ông Brett Kavanaugh để vào Tối Cao Pháp Viện thay thế Thẩm phán Anthony Kennedy 81 tuổi, sẽ về hưu cuối năm nay.

Hiện nay Tối Cao Pháp Viện có 9 vị Thẩm Phán trong đó có 5 vị Đảng Cộng Hoà hữu khuynh là  John Robert, Anthony Kennedy, Clarence Thomas, Samuel Alito, Neil Gorsuch, và 4 vị đảng Dân Chủ, tả khuynh là Ruth Ginsberg, Stephen Breyer, Sonia Sotomayer, Elena Kagan. Tổng Thống Trump chắc chắn sẽ bổ nhiệm một người hữu khuynh để nắm được Tối Cao Pháp Viện nhằm giành thắng lợi trong những tranh tụng về chính sách. Bà già Ginsburg 85 tuổi, nhưng đã quá yếu, thường ngủ gục trong các lần họp. Nhưng bà cứ lì lợm trụ trì vì sợ nếu về hưu thì sẽ mất thêm ghế của Dân Chủ về tay Cộng Hoà. Ngoài hai vị này, các Thẩm Phán đều dưới 60 tuổi.

Việc bổ nhiệm của Tổng Thống Trump chắc sẽ gặp nhiều rắc rối, phá đám t  phía các dân biểu, nghị sĩ Dân Chủ; nhất là ở Thượng Viện khi số ghế Thượng Nghị Sĩ Cộng Hoà chỉ có 51, so với Dân Chủ có 47 ghế và 2 ghế Thượng Nghị Sĩ độc lập. Dĩ nhiên, phe nào cũng muốn chiếm lĩnh Tối Cao Pháp Viện. Chúng ta nhớ lần Thẩm Phán Antonin Scalia bị đột tử vào giữa tháng 2, 2016. Lúc đó Tối Cao Pháp Viện còn 4 Cộng Hoà, 4 Dân Chủ. Các dân cử Cộng Hoà dù là thiểu số ở hai viện, đã làm khó dễ để không cho Obama đề cử người thay thế vì chắc ông ta sẽ đưa người Dân Chủ vào. Mãi đến tháng 4 năm 2017, Tổng Thống Trump mới nhậm chức vài tháng trước, mới bổ nhiệm ông Gorsuch sau rất nhiều thời gian gay go tranh cãi.

Lần này cũng thế. Dù biết trước sau gì cũng thêm một ghế Cộng Hoà trong Tối Cao Pháp Viện, phe Dân Chủ cũng sẽ phá rối, bác bỏ bất cứ ai do Tổng Thống Trump đưa ra cho đến khi nào mệt mỏi phải đầu hàng.

Người được đề cử, ông Brett Kavanaugh được Tổng Thống Trump ví là một Thẩm Phán của các Thẩm Phán, là người lãnh tụ trong giới thẩm phán mà không còn ai xứng đáng hơn.

Ông Kavanaugh sinh ngày 12 tháng 2 năm 1965, năm nay 52 tuổi hiện là Thẩm Phán cấp Liên Bang của Toà Kháng Án Quận Columbia (the United States Court of Appeals for the District of Columbia Circuit). Thời cựu Tổng Thống George W. Bush, ông là Bí Thư của Toà Bạch Cung.

Ông này cũng là khắc tinh của cựu Tổng Thống Playboy Bill Clinton. Ông từng phụ tá cho Điều tra viên Ken Starr, người phụ trách điều tra vụ bê bối Clinton và Monica Lewinsky. Ông có chủ trương “pro-life” coi trọng sinh mạng; đối nghịch chủ trương “pro-choice” chủ trương chấp nhận cho phá thai. Ông cũng chống lại việc tài trợ cho tổ chức Planned Parenthood. Vì thế, những ngày vừa qua, nhóm liberal không ngớt biểu tình chống đối sự bổ nhiệm ông.

Ông Kavanaugh tuyên bố rằng vai trò của Thẩm phán là giải thích pháp luật chứ không làm ra luật; phải giải thích Hiến pháp đúng và sát ý nghĩa như nó đã được viết ra, được minh chứng qua lịch sử và những tiền lệ. Thẩm phán phải được độc lập.