Thời Sự Hàng Tuần ngày 08 tháng 09, 2018

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Việc bổ nhiệm Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện còn khó khăn

Buổi họp của Ủy Ban Pháp Lý Thượng Viện để xét thông qua việc bổ nhiệm Thẩm phán Brett Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện thay thế Thẩm phán Anthony Kennedy về hưu ngày 31 tháng 7, 2018 vừa qua bắt đầu hôm thứ Hai đầy sóng gió.

Ông Brett Michael Kavanaugh, 53 tuổi, đang là Thẩm phán của Toà Kháng Án cấp Liên bang thuộc địa hạt D.C. Ông được toàn thể thành viên của Hiệp Hội Luật Sư (The American Bar Association (ABA)) đánh giá cao nhất trong các thẩm phán. Trước đây, thời cựu Tổng Thống George W. Bush, ông Kavanaugh là Văn Thư Trưởng trong toà Bach Cung (White House Staff Secretary). Ông từng đóng vai trò quan trọng trong Ủy ban của Ken Starr điều tra vụ bê bối tình dục của cựu Tổng Thống Bill Clinton. Ông từng bị trở ngại khi được cựu Tổng Thống Bush bổ nhiệm vào toà Kháng Án năm 2003 và phải mất ba năm mới được Quốc Hội thừa nhận sau khi có sự thương lượng giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà.

Ngày 9 tháng 7, 2018, Tổng Thống Trump chính thức đề cử ông vào Tối Cao Pháp Viện và đưa hồ sơ qua Quốc Hội để xét phê chuẩn.

Sau gần hai tháng phía Dân Chủ gây khó khăn bằng cách đòi hỏi những tài liện về ông Kavanaugh mà kết quả đã có đến gần nửa triệu hồ sơ; sáng thứ Ba 4 tháng 9, Ủy Ban Pháp Lý Thượng Viện đã mở cuộc họp (confirmation hearing) công khai cho báo chí tham dự để xét việc phê chuẩn.

Nhưng ngay phút giây đầu tiên sau khi các Thượng Nghị Sĩ, ông Kavanaugh cùng gia đình và các người tham dự vừa yên vị thì một làn sóng chống đối nổ ra từ các Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ và tiếng la ó của vài người trong số tham dự phản đối đến nổi cảnh sát phải kéo khoảng hàng chục người ra khỏi phòng.

Các Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ như bà Kamala Harris (California), bà Dianne Feinstein (California), bà Mazie Hirono (Hawaii), ông Richard Blumenthal (Connecticut), ông Cory Booker (New Jersey)… liên tiếp ngắt lời Thượng Nghị Sĩ Chuck Grassley – Chủ Tịch Ủy Ban và là Chủ toạ buổi họp – đòi phải tạm ngưng và đời buổi họp với lý do mà họ đưa ra là chưa đủ hồ sơ để nghiên cứu về ông Kavanaugh.

Việc phản đối này kéo dài hơn 75 phút dù nhiều lần, ông Grassley trả lời rằng hồ sơ mà phe Dân Chủ đòi hỏi đã được công bố và nó gồm gần nửa triệu hồ sơ mà theo ông là nhiều hơn tổng số hồ sơ trong các buổi hearing trong quá khứ về việc bổ nhiệm những Thẩm phán trước ông Kavanaugh gộp lại. Theo ông Chủ Tịch Ủy Ban, thì các Thượng Nghị Sĩ đã có nhiều cơ hội, thì giờ để nghiên cứu hồ sơ. Ông cho hay trong hàng chục năm qua, với bao nhiều lần họp để bổ nhiệm, ông chưa bao giờ thấy tình trạng tồi tệ như hôm nay.

Thượng Nghị Sĩ John Cornyn của Texas đã phải than phiền rằng đây là buổi họp xác nhận thẩm phán đầu tiên mà bị gây rối như thể luật đường phố. (This is the first confirmation hearing subject to mob rule.). Ông cho rằng phản ứng của các thành viên Dân Chủ phải bị coi là “chống lại toà” nếu như sự việc này đang diễn ra ở một toà án. Dù những phá đám cứ tiếp tục, Thượng Nghị Sĩ Grasley sau cùng đã tiếp tục buổi họp bằng cách đọc diễn văn  khai mạc trong đó, ông ca tụng Thẩm phán Kavanaugh là người có đủ phẩm cách xứng đáng để được chọn.

Sau đó, Thượng Nghị Sĩ Grassley mời ông Kavanaugh giới thiệu các thành viên trong gia đình tham dự buổi hearing. Khi trình bày với Ủy Ban, Kavanaugh xác định rằng ông sẽ là một Thẩm Phán khách quan và luôn đứng về pháp lý. Ông hứa sẽ đứng ngoài tranh chấp đảng phái, giữ tính cách trung lập. Ông sẽ không phán xét dựa trên sự ưu đãi cá nhân hay chính sách; không đứng về phía bị cáo (defendant) hay phía nguyên đơn (plaintiff); phía công tố (prosecution) hay phía biện hộ (defense) mà sẽ luôn bảo vệ Hiến Pháp và luật pháp Hoa Kỳ.

Với một quá khứ 5 năm làm luật sư trong văn phòng Tư vấn của cựu Tổng Thống Bush, và hơn một thập niên làm ở Toà Kháng Án D.C., hồ sơ mà phe Dân Chủ muốn có về ông nhiều hơn của bất cứ vị thẩm phán nào trước đây được thông qua. Nhưng họ vẫn cứ đòi thêm, đòi thêm mãi và còn đòi thêm thời gian để tra cứu! Thậm chí bà Feinstein còn đòi cả những emails của tất cả những nhân viên làm việc cho Tổng Thống Bush ở Bạch Cung để tìm những gì liên quan đến ông Kavanaugh!

Thượng Nghị Sĩ Grassley phải mất kiên nhẫn mà nói rằng “việc này cần đến hàng tháng trời, với những hồ sơ không cần thiết. Chúng ta không dể tiền đóng thuế của dân tiêu pha cho đòi hỏi vô hạn của các vị Dân Chủ.

Thật ra thì phe Dân Chủ đã và đang làm bất cứ điều gì để cản trở công việc của Tổng Thống Trump. Từ ngay ngày đầu khi Tổng Thống Trump nhậm chức, họ đã tỏ ra ý định phải hạ bệ ông. Những lần ông bổ nhiệm thành viên hành pháp và đưa qua Quốc Hội đều bị phá bỉnh, kéo dài nhiều tháng trước khi thông qua. Tháng trước, Thượng Nghị Sĩ Cory Booker đã hùng hổ tuyên bố rằng bất cứ ai ủng hộ ông Kavanaugh đều là đồng lõa với tội ác. Còn nhiều Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ, trong đó có Bob Casey (Pennsylvania) thì đã tuyên bố sẽ bác bỏ bất cứ ai do Tổng Thống Trump đề cử, dù chưa biết ai là người được chọn! Họ đã cho rằng diễn trình phê chuẩn chỉ là một sự mặc cả bẩn thỉu với bọn phe hữu.

Hiện phe Cộng Hoà chỉ có 50 ghế (thiếu ông John McCain mới qua đời) so với Dân Chủ 49 ghế. Nếu Tiểu Bang Arizona chọn được người kế vị ông McCain, thì Cộng Hoà cũng chỉ có một đa số rất mong manh; nhưng họ vẫn hy vọng ông Kavanaugh sẽ được phê thuận trước cuối tháng 10 khi một nhiêm kỳ mới của Tối Cao Pháp Viện bắt đầu.

Tang lễ trở thành diễn đàn chính trị.

Tang lễ người Việt Nam nói riêng, hay Á đông nói chung rất buồn thảm. Tiếng than khóc của gia đình, thân quyến kéo lê thê não ruột hoà trong tiếng ê a tụng kinh của các sư ông sư bà. Trong khi đó, tang lễ của người Mỹ lại không có gì buồn cả mà là dịp để thân nhân bạn bè kể lại những kỷ niệm của người đã khuất hay vinh danh những điều tốt đẹp người đó đã làm khi sinh tiền. Nhiều khi còn nghe cả những tiếng cười vui vẻ! Cũng có mục sư hay linh mục đến đọc kinh, nhưng chỉ là một phần ngắn gọn chứ không kéo tràng giang hàng giờ như trong đám tang của Á Đông.

Tang lễ của cố Thượng Nghị Sĩ John McCain được xem là long trọng không thua gì tang lễ các vị Tổng Thống nổi danh như Kennedy. Nó cũng kéo dài nhiều ngày khi quan tài được chuyển đến nhiều nơi để làm lễ và cho khách thăm viếng. Từ một nhà thờ ở Arizona, chuyển qua toà nhà Quốc Hội Tiểu Bang, rồi bằng phi cơ về Quốc Hội Liên Bang và sau cùng đến Học viện Hải Quân Annapolis, nơi ông sẽ yên nghỉ ngàn thu. Mỗi lần như thế hàng hàng đoàn xe dài có hộ tống, hàng chục ngàn người sắp hàng chờ cả buổi để được vào chia tay ông lần cuối.

Biết là đối với người đã khuất, chúng ta nên tỏ ra sự kính trọng với gia đình họ mà không nói ra những điều tiêu cực. Nhưng khổ thay, chính những người tâng bốc quá đà đã vô tình hại người mình thương vì đã làm cho nhiều người khác vì bất đồng khó chịu mà bắt đầu tung ra những chuyện không vui. Nhiều ý kiến không hay về ông xuất hiện trên facebook, áp đảo những ý kiến tốt. Thậm chí có người viết: “Thôi, đem chôn cho sớm. Càng kéo dài rềnh rang, sẽ càng bị những điều xúc phạm (insulting).”

Nhưng điều bị phê phán nhiều nhất là chuyện người ta đã biến tang lễ ông McCain tại Thánh Đường Quốc Gia ở Washington, D.C. (National Cathedral in Washington) thành diễn đàn chính trị để đả kích Tổng Thống Trump, là người mà ông McCain vì hận cay đắng mà đã tỏ ý không muốn ông Trump dự tang lễ của mình. Tuy tên Trump không hề được nhắc đến trong các bài điếu văn tại tang lễ vào ngày thứ Bảy; nhưng cả hai cựu Tổng Thống Bush và Obama, cô con gái Meghan McCain đều nhân dịp này mà lên tiếng đả kích ông với sự có mặt của con cái ông Trump là cô Ivanka và anh rể Jared Kushner. Họ như được mời đến để bị nghe những lời xúc phạm.

Họ đã nói gì?

Khi cựu Tổng Thống Bush nhắc đến hoạt động của John McCain trong lãnh vực đối ngoại, ông đã nói rằng McCain rất ghét sự lạm dụng quyền lực, ghét bạo chúa. Câu này làm cho người nghe liên tưởng đến việc Tổng Thống Trump từng lên tiếng khen ngợi các nhà độc tài mà ông McCain từng chống đối.

Còn Obama thì dường như muốn miêu tả Tổng Thống Trump và chính sách mà phe Dân Chủ lên án là gây chia rẻ khi nói: “Nền chính trị hiện nay coi bộ nhỏ nhen, bạo tợn; toàn những lời đao to búa lớn vô nghĩa và xúc phạm; với những mâu thuẫn giả dối và những phẫn nộ tự tạo. Đó là thứ chính trị giả bộ là can trường nhưng thực ra nó phát sinh từ sự sợ hãi…” (So much of our politics can seem small and mean and peTổng Thốngy, trafficking in bombast and insult, in phony controversies and manufactured outrage. It’s a politics that pretends to be brave, but in fact is born of fear.)

Cô Meghan là con của ông McCain và bà vợ sau Cindy thì nói khía: “Sự vĩ đại của nước Mỹ là điều hiện thực, không phải là câu khẩu hiệu rẻ tiền của những kẻ chưa hề hy sinh như ông [McCain] đã hy sinh với sự tự nguyện, cũng không phải là sự tiếm đoạt có tính cơ hội của những kẻ chuyên sống trong trong tiện nghi và đặc quyền trong khi ông [McCain] từng phục vụ và trải qua những chịu đựng…. Nước Mỹ của John McCain không cần phải làm cho vĩ đại nữa, vì nó đã vĩ đại sẵn.” (American greatness. The real thing, not cheap rhetoric from men who will never come near the sacrifice he gave so willingly, nor the opportunistic appropriation of those who lived lives of comfort and privilege while he suffered and served. The America of John McCain does not need to be made great again, because it is already great.)

Sau câu nói này, báo The New York Post trong số báo ngày Chủ nhật, đã chế diễu cô Meghan McCain với hỗn danh “The Meg”. “The Meg” là tên một con cá mập lớn quá khổ trong cuốn phim cùng tên mà tài tử chính là Jason Staham. Phim vừa được trình chiếu cuối mùa hè qua. Cô Meaghan cũng là một phụ nữ có thân hình quá khổ (over-sized).

Cô Meghan là một ký giả truyền hình từng làm việc cho Fox News, hiện làm cho chương trình The View của đài ABC. Cô sao chóng quên quá những việc chỉ mới chưa tới 2 năm trước, khi còn thời hành pháp của Tổng Thống Obama mà Hoa Kỳ đánh mất sự vĩ đại của mình trước thế giới. Khi chiến thuyền Hải Quân bị Iran chặn bắt, hàng chục người vừa sĩ quan lẫn thủy thủ Mỹ phải chịu quỳ xuống đưa tay lên trời trước bọn lính Iran. Tàu bị lục soát, máy móc súng đạn bị tịch thu, quân lính bị giam giữ chờ cho Obama lên tiếng xin lỗi mới thả về. Nước Mỹ có vĩ đại không khi Tổng Thống Mỹ phải chui cửa sau của phi cơ mà xuống, không kèn trống, không thảm đỏ, không nhân vật cao cấp ra đón tại Trung Hoa và còn bị một tên Trung Cộng cấp nhỏ mạt sát? Obama nói chính sách của Trump phát sinh ra từ sự sợ hãi? Thế còn ông khi mới nhậm chức, đi một vòng các nước cúi gập đầu trước các vua Nhật, vua Saudi… thì chính sách của ông phát sinh ra từ thứ gì nếu không phải là hèn hạ?

Chỉ sau khi ông Trump lên nhậm chức, uy tín Mỹ mới phục hồi và được minh chứng bằng những lần ông đi thăm chính thức các quốc gia.

Bài báo trên tờ The New York Post cũng chê trách tang lễ đã trở thành cuộc tập hợp chính trị phe đảng. Báo cũng nhắc lại sự phản thùng của ông McCain khi vi phạm lời hứa sẽ hủy bỏ Luật Obamacare mà ông từng nhắc lại nhiều lần. Trong cuộc bỏ phiếu hủy bỏ Obamacare mang tính quyết định vào tháng 7, năm 2017, ông McCain là 1 trong 3 Thượng Nghị Sĩ Cộng Hoà đã bỏ phiếu chống lại đồng viện của mình mà còn nói với Thượng Nghị Sĩ phe Dân Chủ đối lập Chuck Schummer câu thách đố Tổng Thống Trump: “Để xem Donald [Trump] làm cho nước Mỹ vĩ đại ra sao.” (Let’s see Donald make America great again now). Câu nói này chứng tỏ ông McCain phản lại lập trường và đồng liêu Cộng Hoà của mình chỉ vì ghét mà trả thù Tổng Thống Trump!

Những người ở nhà xem qua truyền hình đã thấy những người tham dự mà đa số là các chính khách và báo giới đã nồng nhiệt vỗ tay như là đang cổ vũ trong các cuộc tập hợp chính trị chứ không phải là trong một tang lễ. Họ cho đó là sự xúc phạm khi chính trị hoá cái chết của một người. Phản ứng trên các diễn đàn, truyền thông xã hội càng gay gắt. Người ta chê trách giới ưu tú mà đã thiếu tự giác, có những hành vi bất xứng, đầy mâu thuẫn, thiếu cả đạo đức khi lợi dụng một tang lễ để tấn công chính trị có tính đảng phái.

Trong lúc đó, Tổng Thống Trump bình thành chơi golf tại sân của ông (Trump National Golf Club) tại quận Loudoun County, VA. Trên đường đi từ sân chơi trở về Bạch Cung, ông gửi ra một cái tweet vỏn vẹn 4 chữ: “MAKE AMERICA GREAT AGAIN!”

Chuyện dài các nhân vật Xã Hội Chủ Nghĩa

Trong chương trình “Meet the Press” của đài NBC ngày Chủ Nhật trước, ứng cử viên Dân Chủ ra tranh chức Thống Đốc Florida là Andrew Gillum đã lên tiếng cám ơn 2 nhà tỷ phú thân Cộng George Soros và Tom Steyer đã giúp tài trợ cho chiến dịch tranh cử của anh ta. Anh đã nói nhiều lần sự biết ơn tận đáy lòng về khoản tiền mà Soros đã cho.

Gillum đang là Thị trưởng thành phố Tallahassee ra tranh với Dân Biểu Ron DeSanti đại diện đảng Cộng Hoà. Ông ta là người da đen, theo cương lĩnh cấp tiến, chủ nghĩa xã hội. Ông chủ trương bảo hiểm sức khoẻ cho tất cả mọi người, giải tán Cơ quan Cưỡng chế Di Dân (ICE).

Còn cô  Alexandria Ocasio-Cortez cũng của đảng Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa ra tranh cử chức Nghị Sĩ của New York vừa qua bị lên án vì đã khích động các trẻ em để chống lại Tổng Thống Trump. Việc này xảy ra tại khu vực Queens khi cô đang tập họp nhiều trẻ vị thành niên và cho chúng biết rằng cô ta và một cô khác tên là Jumaane Williams đang làm mọi việc để chống Tổng Thống Trump. Jumaane Williams thì đang ứng cử chức Phó Thống Đốc cùng đảng với Cortez. Trong một đoạn video chiếu trên các đài truyền hình, Cortez đã kêu gọi các em hãy ủng hộ cô ta để chống lại ông Trump “We need your help to fight Trump.”

Ứng cử viên đảng Xã Hội Chủ Nghĩa nói láo

Một ứng cử viên khác của đảng Xã Hội Chủ Nghĩa là Julia Salazar tranh cử chức Nghị sị Tiểu bang New York, đơn vị Brooklin. Cô đã bị phanh phui là toàn bịa chuyện láo khoét. Cô này còn bị gia đình tẩy chay và từ bỏ.

Vì là ứng viên đảng Dân Chủ Xã Hội, cô này được giới báo chí chiếu cố đặc biệt. Nhất là khi cô tự khoe mình có gốc gác  Do Thái và xuất thân từ giới lao động. Khi tiếp xúc với báo chí, cô cho hay cô sinh ra ở nước Colombia, cha là người Do Thái mà ông bà tổ tiên thời Trung Cổ đã bị xua đuổi ra khỏi nước Spain. Khi gia đình cô mới di cư đến Hoa Kỳ, họ ít giao tiếp với cộng đồng Do Thái mà chỉ biết tự mình xây dựng sự nghiệp. Ngày nay, cô gái 27 tuổi đại diện đảng Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa ra tranh cử chức Nghị viên của Tiểu Bang, coi như một thành viên của thế hệ trẻ đứng về phía tả trong một nước mà người hữu khuynh như Trump đang nắm quyền.

Những người trẻ đang lên án nhà nước Israel mong chờ ở những người cấp tiến như cô. Cô  khoe rằng cô từng hoạt động với những tổ chức chống người Do Thái như tổ chức “pro-BDS Jewish Voice for Peace” hay tổ chức thiên tả Mondoweiss.

Nhưng những điều do cô nói về mình hoá ra là bịa đặt, láo khoét. Cô không phải người gốc Do Thái, cũng không từ giới lao động!

Một tờ báo của người Do Thái truy tầm sâu về quá khứ của cô Salazar cho hay qua những chuyện đăng tải trên mạng xã hội và qua lời những người quen biết cô ở Đại Học Columbia cho thấy vào những năm đầu tuổi 20, cô này là người Thiên Chúa Giáo hữu khuynh và thân Do Thái. Năm 2012, 2013, cô là Chủ Tịch phong trào Quyền Sống ở Đại học Columbia chủ trương chống phá thai. Cô từng lên tiếng phản bác các giáo sư Columbia nào chống đối nước Do Thái.

Ngay những người trong gia đình cô cũng cung cấp những chi tiết khác với lời cô nói ra. Khi thân phụ cô qua đời, tang lễ đã cử hành ở nhà thờ Công Giáo “Prince of Peace Catholic Church” ở Ormond Beach, Florida. Người anh của cô là Alex Salazar cho biết họ có người chú là tu sĩ dòng Tên (Jesuit). Anh ta cho hay không có ai trong trực hệ của gia đình anh là Do Thái cả; và anh chị em của anh không ai được giáo dục trong môi trường Do Thái.

Tên thật của cô là Julia Christine Salazar chứ không phải là Julia Carmel Salazar. Báo New York Daily News tiết lộ cô Salazar chỉ mới ghi danh hoạt động với đảng Dân Chủ có 1 năm nay thôi.

Ngoài ra, cô chẳng phải là xuất thân lao động từng làm người giữ trẻ hay lau chùi các khu chung cư. Cô cũng không phải là di dân từ Columbia vì mẹ cô lớn lên ở New Jersey và theo học tại trường West Morris Central High School ở Chester Township. Và dân cư vùng này thì không thuộc loại lao động nghèo khó!

Cô nói láo rằng mẹ cô không chồng mà nuôi cô. Bà không có bằng cấp gì cả. Còn người cha thì chưa học xong trung học. Sự thật: Mẹ cô có bằng BA về Tâm Lý Học. Gia đình cô cho hay những chuyện cô nói từng đi làm tiệm tạp hoá khi mới 14 tuổi là chuyện bịa. Còn cha cô là một phi công dân sự có lương cao đến 6 số (hàng trăm ngàn mỗi năm). Họ có một căn nhà tại thành phố Jupiter (Florida) nhìn ra bờ sông trong một khu rất đẹp. Như thế, gia đình cô ít nhất cũng trên trung lưu chứ không phải gia đình lao động!

Mỹ ngưng viện trợ cho Pakistan và Palestine

Bộ Quốc Phòng Mỹ cho hay sẽ ngưng khoản viện trợ quân sự trị giá 300 triệu đô la cho Pakistan với lý do nước này đã không thực hiện đủ những điều cần thiết để chống lại bọn khủng bố hoạt động trong nội địa Pakistan.

Việc ngưng viện trợ này xảy ra trước khi có một chuyến đi Islamabad (thủ đô Pakistan) của ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Mike Pompeo và Chủ Tịch Ban Tham Mưu Hỗn Hợp, Đại Tướng Joseph Dunford.

Vào tháng giêng đầu năm nay, Bộ Quốc Phòng đã ngưng một khoản quân viện 1 tỷ đô la cho Pakistan vì các viên chức cao cấp Mỹ cho rằng Pakistan đã thất bại trong việc triệt hạ hệ thống bọn khủng bố Haqqani.

Bọn Haqqani là một tổ chức gồm nhiều nhánh như một mạng lưới. Chúng bắt cóc những công dân các nước Tây phương làm con tin. Hai năm trước chúng bắt ông Kevin King, một giáo sư dạy trường Đại Học Mỹ (American University) tại Kabul cùng với một giáo sư người Úc. Vào tháng 10 năm ngoái, chúng có đưa ra một video để cho thấy ông King hiện còn bị giam giữ.

Bên cạnh tin này, còn tin Mỹ đã cắt hoàn toàn tất cả các khoản tiền viện trợ đóng góp cho Liên Hiệp Quốc để giúp dân tị nạn Palestine.

Hoa Kỳ luôn luôn là nước đóng góp nhiều nhất cho quỹ của Liên Hiệp Quốc nhằm cứu trợ dân tị nạn Palestine có tên là “UN Relief and Works Agency for Palestine Refugees (UNRWA)”. Tổ chức này được thành lập từ năm 1949 sau khi Israel lập quốc và dân Palestine phải bỏ ra đi. Từ đó đến nay có đến khoảng 5 triệu người Palestine ở trong tình trạng tị nạn. Vào tháng 1 năm nay, Tổng Thống Trump đã tuyên bố đóng băng một khoản 300 triệu đô la đóng góp cho quỹ này.

Phiá nhà cầm quyền Palestine tỏ ra vô cùng giận dữ về chuyện này. Họ lên án Tổng Thống Trump là độc ác và vô trách nhiệm.

Có hàng triệu người Palestine phải rời bỏ nhà cửa đi tị nạn vì cuộc tranh chấp dai dẳng giữa Israel và Palestine. Hoa Kỳ thì luôn ủng hộ nhà nước Israel và coi tổ chức cứu trợ nói trên là tạo thêm hoàn cảnh không cần thiết tại Trung Đông để duy trì tình trạng tị nạn của dân Palestine.

Còn về phía nhà cầm quyền Palestine, trọng tâm của họ là quyền trở về sau 70 năm bị Israel đuổi ra khỏi đất tổ do việc thành lập nước Israel năm 1048.

Saeb Erekat, người đại diện Palestine trong cuộc thương lượng về tương lai của Palestine cho rằng Hoa Kỳ phá hỏng những cuộc hoà đàm trong tương lai bằng cách áp đặt nguyên trạng hiện nay để trở thành vĩnh viễn. Palestine muốn có giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine.

Tổng Thống Trump qua việc thừa nhận thủ đô Jerusalem của Israel và dời Toà Đại Sứ Hoa Kỳ vào đây cũng đã là một đòn mạnh đánh vào Palestine. Rồi ông còn cắt xén mất 200 triệu đô la viện trợ cho vùng Gaza và West Bank. Vùng West Bank có 19 trại tị nạn với khoảng 500 ngàn dân Palestine.

Những nhà lãnh đạo Palestine chỉ còn cách cắt đứt quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Họ cho rằng Hoa Kỳ cổ vũ sự khủng bố và vi phạm các quyết nghị của Liên Hiệp Quốc. Chủ tịch nhà nước Palestine dự định sẽ gửi đơn lên Liên Hiệp Quốc để khiếu nại các việc làm của Mỹ.

Hiện nay, Jordan, một trong 2 nước Ả Rập ký hoà ước với Israel, đã loan báo sẽ mở một hội nghị quyên góp khi có cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng tới tại New York. Đồng thời, Jordan cũng cố gắng thuyết phục Hoa Kỳ duy trì sự đóng góp tài chánh.

Bà Heather Nauert, Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết Hoa Kỳ sẽ đối thoại tích cực với Liên Hiệp Quốc, các chính phủ liên quan và các tổ chức quốc tế để tìm ra một phương cách và khảo hướng mới trong việc giúp đỡ dân tị nạn Palestine.

Trung Cộng ve vãn các nước Phi Châu

Dù bị quốc tế tăng gia sự chỉ trích về chính sách ngoại viện bằng những khoản nợ nặng nề, Trung Cộng cũng đứng ra tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh tại Beijing với các lãnh tụ các nước Phi Châu nhằm giới thiệu viễn kiến của Trung Cộng để phát triển lục địa Phi Châu.

Cuộc họp hai ngày này có tên Diễn đàn Hợp Tác Trung Hoa- Phi Châu (Forum on China-Africa Cooperation (FOCAC)). Trước mặt các nguyên thủ các nước Phi Châu, Tập Cận Bình trình bày về kế hoạch hạ tầng cơ sở của tham vọng “Một Vành Đai, Một Con Đường” (OBOR) mà chủ đích là xâm nhập các thị trường, khai thác tài nguyên các nước cũng như bành trướng ảnh hưởng của Trung Cộng ra khắp thế giới.

Miệng lưỡi bọn Trung Cộng rất dẻo. Vương Nghị, Bộ Trưởng Ngoại Giao ve vuốt rằng qua hội nghị, sẽ đưa ra những viễn ảnh đặc biệt củng cố sự hợp tác, xây dựng cộng đồng Hoa-Phi chia sẻ một tương lai chung …

Trung Cộng đã bỏ ra hàng tỷ đô la cho các nước Á Phi vay để xây đường sá cầu cống, đường xe lửa, hải cảng và nhiều dự án xây dựng quan trọng khác. Các nước trên thế giới thì đang lên án Trung Cộng đang chôn những nước thụ nhận vào những khoản nợ khổng lồ mà sẽ khó hoàn trả. Và kết quả hiển nhiên khó tránh là sự lệ thuộc.

Tại Hội Nghị lần trước ở Johannesburg năm 2015, Tập Cận Bình đã loan báo chi ra 60 tỷ đô la dùng viện trợ và cho vay đối với các nước Phi Châu.

Ít hiểu biết về Trung Cộng, đa số các nước Phi Châu hớn hở tin rằng Trung Cộng vì cảm thông mà đầu tư vào hạ tầng cơ sở để giúp họ kỹ nghệ hoá đất nước!

Trong các lãnh tụ tham dự Hội nghị này cả Omar al-Bashir, lãnh tụ Sudan là người đang bị Toà Án Hình Sự Quốc Tế truy nã về những tội ác chiến tranh, tội chống lại nhân loại, tội diệt chủng khi tiến hành cuộc chiến ở Darfur. Nhưng Tập Cận Bình đã nồng nhiệt tiếp đón anh ta và lên án thế giới đã can dự vào chuyện nội bộ của Sudan!.

Chủ nghĩa thực dân mới?

Năm 2000, phi Châu nhận của Trung Cộng trên 100 triệu đô la. Con số này vọt lên 12 tỷ đô la năm 2015. Các dự án quan trọng hiện nay tại Phi Châu là các nhà máy điện ở Ivory Coast, phi cảng tại Rwanda và đuờng xe lửa tại Kenya.

Trong khi mối quan hệ giữa Trung Cộng và các nước Phi Châu xem có vẻ khả quan, những nhà kinh tế, chính trị thì càng lưu tâm đến các hệ lụy của sự có mặt Trung Cộng trong vùng. Djibouti là nước nằm ở sừng Phi châu, ngay cửa ngõ từ Vịnh Aden trên Ấn Độ Dương đi vào Hồng Hải là vị trí chiiến lược quan trọng nhất thì đã coi như lệ thuộc hẳn vào Trung Cộng về mặt tài chánh! Trung Cộng đã xây dựng một căn cứ quân sự rất lớn tại nước này. Nếu có chiến tranh, họ sẽ khống chế cả khu vực!

Tại nhiều nước khác, dân địa phương đã có nhiều phàn nàn về tác phong và việc Trung Cộng đem nhân công từ Hoa Lục qua tràn ngập để thực hiện các công trình thay vì mướn nhân công bản địa.

Ngay tại các nước vùng Đông Nam Á kể cả Australia, những mối quan tâm và lo ngại đã nổi lên khi họ đặt câu hỏi cái giá phải trả cho sự giúp đỡ của Trung Cộng là quá cao. Ví dụ, Malaysia vừa qua đã hủy bỏ hợp đồng với Trung Cộng trị giá 20 tỷ đô la để thực hiện dự án đường xe lửa ở nước này. Trong dịp đi Beijing tháng 8 vừa qua, Thủ Tướng Malaysia Mahathir Mohamad cũng lên tiếng cảnh báo về một chương mới của chính sách thực dân.

Hành pháp Hoa Kỳ miêu tà sáng kiến hạ tầng cơ sở của Trung Cộng là một thách thức đối với ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Để đối phó, Hoa Kỳ đang thảo luận với Nhật Bản và Australia về những đầu tư lớn vào hạ tầng cơ sở ở vùng Á Châu – Thái Bình Dương.

Phi Châu được Trung Cộng xem là một mặt trận quan yếu, là nơi xuất cảng dầu cung cấp cho kỹ nghệ của Hoa Lục. Giao thương giữa Trung Cộng và Phi Châu năm 2017 lên tới 170 tỷ đô la, tăng 14% so với năm trước.

Từng bước một, Trung Cộng đang phát triền quyền lực mềm của mình tỏa ra trong vùng. Họ cấp học bổng cho sinh viên và trí thức Phi Châu. Họ gửi quân tình nguyện bảo vệ hoà bình ở Mali và Nam Sudan. Theo thăm dó của Pew Global Attitudes , các nước Phi Châu có cái nhìn về Trung Cộng tích cực trong khi các nước Âu Châu, Mỹ Latin và Á Châu thì đã thấy bộ mặt thực dân của Trung Cộng.

Nga thao diễn quân sự lớn ở Vostok

Vào tháng trước, Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu loan báo sẽ tổ chức một cuộc thao dượt mang tên Vostok rất lớn tại vùng viễn đông của nước Nga. Đây là cuộc thao diễn lớn chưa từng có với sự tham gia của hơn ba trăm ngàn binh sĩ thuộc hai Quân Khu miền Đông và Trung Tâm. Ngoài ra còn có một ngàn phi cơ, 500 xe tăng, tất cả các đơn vị nhảy dù; và các chiến hạm thuộc Hạm Đội Bắc và Thái Bình Dương. Cuộc thao diễn sẽ kéo dài 5 ngày, bắt đầu ngày 11 và kết thúc ngày 15 tháng 9 này.

Trước đây 4 năm vào năm 2014, Nga cũng đã tổ chức cuộc thao dượt rất lớn ở Vostok với từ 100 ngàn đến 150 ngàn binh sĩ, 1500 xe tăng và 70 chiến hạm.  Còn cuộc thao dượt 2017 mang tên Zapad thỉ diễn ra ở miền tây của Nga và vùng Belarus như để đối đầu với khối NATO. Còn lần này ở miền Đông thì mang tính chất đối đầu với Hoa Kỳ.

Trong cuộc thao diễn này, Nga sẽ thử nghiệm mức độ lưu động của các lực lượng bộ chiến từ miền Tây qua miền Đông. Liệu có phải họ lo ngại Hoa Kỳ sẽ phóng ra cuộc tấn công bằng thiết giáp loại lớn Abram từ Mỹ vượt qua eo biển Bering không?

Trong cuộc thao dượt Vostok 2018 này, Nga có mời 3200 binh sĩ Trung Cộng tham gia! Chắc là họ đang muốn gửi ra một thông điệp chống lại điều mà họ gọi là một môi trường quốc tế bất thân thiện và gây chiến tuy không nói rõ, nhưng nhắm vào Hoa Kỳ và Nhật Bản..

Nếu điều này là đúng, thì liệu Trung Cộng và Nga có thể trở thành một liên minh hay không? Những bản tuyên bố từ hai thủ đô hai nước Nga và Trung Cộng cho thấy rõ giữa hai nước có những dị biệt. Phát ngôn viên từ Điện Kremlin (Nga) nói rằng sự tham dự của binh sĩ Trung Cộng chứng minh sự hợp tác toàn diện của hai nước. Tuy nhiên, phía Bộ Quốc Phòng Trung Cộng thì nói rằng cuộc thao dượt là để nâng cao khả năng phản ứng phối hợp trước những mối đe dọa về an ninh mà không nhắc đến đối tượng nào. Những nhà phân tích về an ninh Trung Cộng nhanh chóng làm sáng tỏ vấn đề rằng Vostok 2018 không phải là một liên minh quân sự mới giữa hai nước. Trong năm nay họ từng có những cuộc thao diễn chung nhu tại Shangai mới đây.

Từ sau cuộc chiến với Việt Nam năm 1979, quân lính Trung Cộng không có thêm kinh nghiệm quân sự nào. Vì thế, họ tham gia như để học hỏi kinh nghiệm của Nga là nước tham chiến trong chiến tranh Syria.

Lực lượng của Trung Cộng tham dự trong Vostok 2018 gồm các binh sĩ tinh thuệ thuộc Bộ Tư Lệnh Chiến Trường miền Bắc, 30 phi cơ và 900 “pieces of military hardware.”??? Hình ảnh từ vệ tinh nhân tạo cho thấy có ít nhất 13 chiếc xe tăng loại 99 tối tân cùng 2 xe cơ giới được chở bằng xe lửa vượt biên giới ở thành phố Manzhouli để vào đất Nga. Dường như binh sĩ tham dự đa số là lính gốc Mông Cổ.

Nga có nhắm vào Trung Cộng không?

Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà quan sát nhìn khác đi. Họ cho rằng cuộc thao dượt này nhắm vào Trung Cộng nhiều hơn là Hoa Kỳ!

Chúng ta còn nhớ vào những thập niên 1960, 1970 giữa hai nước anh em đồng chí Trung Cộng và Liên Sô từng có những xung đột biên giới mà có nguy cơ xảy ra chiến tranh thậm chí chiến tranh nguyên tử. Họ gầm gừ nhau còn hơn giữa khối Warsaw và khối NATO. Dù thời gian qua tình hình có dịu đi, thì giữa Nga và Trung Cộng vẫn cứ dè chừng nhau như là những đối thủ chiến lược trong tương lai.

Một trong những thách thức hiện nay là Nga thì có ảnh hưởng ở Trung Á, muốn bành trướng xuống Nam Á qua ngõ Crime, Syria, bắt tay với Iran; trong khi Trung Cộng cũng rắp ranh phát triển thế lực qua vùng Trung Á, Địa Trung Hải qua con đường tơ lụa mới. Điều này dĩ nhiên đe dọa đến ảnh hưởng lâu đời của Nga với các nước cựu Sô Viết. Và cũng đừng quên rằng Nga là nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ, là nước mà Tung Cộng coi là địch thủ chiến lược.

Những dị biệt giữa Trung Cộng và Nga không hẳn sẽ dẫn đến chiến tranh, nhưng nó làm rõ nét họ không chia sẻ với nhau những mối quan tâm sâu sắc dù họ cùng nhìn Hoa Kỳ là đối thủ. Nếu hai nước có hợp tác với nhau thì cũng chỉ là giai đoạn mà thôi.

Phát ngôn viên khối NATO Dylan White cho hay NATO cũng được Nga thông báo về cuộc thao diễn và những tùy viên quân sự các nước NATO tại Nga được mời quan sát

Ngoài Vostok 2018, tuần lễ đầu tiên của tháng 9, Nga còn tập trận ở vùng đông Địa Trung Hải với khoảng 25 chiến hạm, 30 phi cơ mà mục đích theo Bộ Quốc Phòng Nga là để thực tập phòng không và chống tiềm thủy đỉnh.

Israel lên tiếng phản đối vì cuộc tập trận của Nga gây trở ngại cho các phi cơ dân sự bay qua lại trong vùng. Họ đòi Nga phải chuyển hướng các đường bay qua vùng Cypus vì đó là đường không hành dân sự. Nhất là trong tháng này có ba ngày lễ lớn của Israel (Rosh Hashana, Yom Kippur, và Succot) và phi trường Ben Gurion thì rất bận rộn với số hành khác cao nhất trong năm. Người ta ước tính có 90 ngàn du khách vào ngày thứ Tư đến trên 588 chuyến bay. Qua hôm thứ Năm, số lượng du khách tăng lên đến 107 ngàn với 650 chuyến bay.