Thời Sự Hàng Tuần, ngày 29 tháng 9, 2018 – Vụ Phê Chuẩn ông Brett Kavanaugh

Đỗ Văn Phúc biên tập

Tổng Thống Hoa Kỳ đọc diễn văn tại Liên Hiệp Quốc

 Sáng thứ Ba 25 tháng 9, 2018, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đến tham dự đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York và đã đọc bài diễn văn dài khoảng 40 phút trước nguyên thủ của các quốc gia trên thế giới. Tháp tùng ông có Đệ Nhất Phu Nhân Melanie, ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Mike Pompeo, bà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley và nhiều nhân vật quan trọng khác. Đây là lần thứ hai, Tổng Thống Trump đọc diễn văn tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Có thể nói đây là cương lĩnh đối ngoại của hành pháp Trump. Trọng tâm của bài diễn văn là chủ trương “Hoa Kỳ phải do chính người Mỹ định đạt, nêu cao lý tưởng yêu nước, không chấp nhận chủ nghĩa toàn cầu” (America is governed by Americans. We reject the ideology of globalism and accept the ideology of patriotism.)

Trước hết, ông nêu lên thành tựu của Hoa Kỳ trong chưa đầy 2 năm ông cầm quyền mà theo ông là lớn lao hơn các hành pháp trước ông. Đó là việc tài sản Hoa Kỳ tăng thêm 10 ngàn tỷ đô la, chỉ số DOW Jones cao nhất chưa từng có, tạo thêm 4 triệu công ăn việc làm trong đó có hơn nửa triệu việc làm trong lãnh vực sản xuất, mức thất nghiệp giảm còn 3.8%; tăng cường bảo vệ biên giới và gia tăng ngân sách quốc phòng năm nay là 700 tỷ, qua năm sau sẽ lên đến 716 tỷ. Theo ông, Hoa Kỳ đang mạnh hơn, an toàn hơn và giàu hơn bao giờ hết.

Ông nêu ra nguyên tắc của Hoa Kỳ là độc lập và hợp tác, không chấp nhận bị ràng buộc bởi các thế lực, tổ chức toàn cầu. Đối với ông, quyền lợi Hoa Kỳ là trên hết, nhưng ông cũng tôn trọng quyền lợi các dân tộc yêu chuộng hoà bình. Ông khoe thành tích hiếm có khi đạt những thỏa thuận với Bắc Cao Ly qua cuộc họp Thượng đỉnh tại Singapore giữa ông và Chủ tịch Kim Jong-un; mà theo ông sự đe dọa nguyên tử đã được tháo gỡ. Ông ca ngợi Kim Jong-un đã can đảm vượt qua khó khăn. Tuy nhiên ông cũng tuyên bố rằng sự cấm vận đối với Bắc Cao Ly chỉ nới lỏng một khi nước này hủy bỏ hoàn toàn chương trình nguyên tử và hoả tiễn.

Về Trung Đông, ông chủ trương hợp tác tích cực với các quốc gia vùng vịnh để chống lại việc tài trợ cho các nhóm khủng bố, tạo dựng một nền an ninh và ổn định trong khu vực; đồng thời tăng ngân khoản giúp đỡ dân chúng Yemen và Syria. Ông đe rằng sẽ phản ứng mạnh nếu chính phủ Assad của Syria sử dụng vũ khí hoá học chống lại dân chúng. Ông lên án Iran đã gieo mầm xáo trộn, hủy diệt ở khu vực. Việc cấm vận đối với Iran sẽ tăng thêm vào tháng 11 này và sẽ còn tăng thêm nữa.

Về giao thương, ông than phiền Hoa Kỳ chịu đựng thâm thủng đến 800 tỷ mỗi năm. Chỉ trong hai thập niên, Hoa Kỳ thiệt thòi 13 ngàn tỷ đô la. Vì thế, ông phải tái thương lượng với các nước để có một giao thương công bằng, lưỡng lợi.

Ông còn đề cập đến nhiều vấn đề như Thoả Ước về Khí Hậu Paris, Toà Án Hình Sự Quốc Tế, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, mà theo ông là thiếu khả năng và không hiệu quả nên Hoa Kỳ đã rút ra và không yểm trợ những tổ chức này.

Ông cũng đề cập về vấn đề di dân và lên án việc chuyển vận người bất hợp pháp. Theo ông, mỗi quốc gia vì hoàn cảnh riêng mà có một chính sách di dân thích ứng sao cho bảo vệ được an toàn xã hội và quyền lợi của công dân mình. Vấn đề là giúp cho dân chúng tại nước khác xây dựng được một tương lai đầy hy vọng cho họ ngay trên quê nhà của họ.

Ông cũng lên án các chế độ theo chủ nghĩa Cộng Sản hay chủ nghĩa xã hội, điển hình là Venezuela; từng là một trong những quốc gia giàu có trên hành tinh, nhưng đã bị phá sản bởi chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa! Ông cho rằng những người theo Chủ Nghĩa Xã Hội có tham vọng quyền lực nhưng chỉ mang đến sự đàn áp, băng hoại, đau thương và tham nhũng.

Ông cam kết sẽ đóng góp giúp đỡ cho Liên Hiệp Quốc trở nên hiệu quả hơn và đáng tin cậy hơn. Việc Hoa Kỳ chỉ đóng góp không hơn 25% vào ngân sách Liên Hiệp Quốc là nhằm thúc đẩy các quốc gia thành viên phải tham gia tích cực hơn, chia sẽ gánh nặng tài chánh.

Trong đoạn cuối cùng, ông nhấn mạnh một tương lai của lòng ái quốc, thịnh vượng và kiêu hãnh; và sự chọn lựa hoà bình và tự do thay vì sự thống trị và chiến tranh nhằm đánh bại đối phương.

Qua hôm sau, thứ Tư 26 tháng 9, Tổng Thống Trump đã chủ toạ buổi họp của Hội Đồng Bảo An mà chủ đề là vũ khí nguyên tử. Mở đầu, ông lập lại quan điểm của Hoa Kỳ về tình hình thế giới. Theo ông, Hoa Kỳ là nước đầu tiên chống lại các vũ khí giết người hàng loạt, trong đó có nguyên tử, hoá học và sinh học. Ông kêu gọi thế giới cùng hợp tác ngăn cản những vũ khí này phát triển hoặc rơi vào tay những chế độ chủ trương bạo lực và bao che cho khủng bố. Ông nói thẳng ra nước Iran.

Nhân dịp này, Tổng Thống Trump cũng đã gặp gỡ nhiều nguyên thủ các nước, đặc biệt các thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng Thống Nam Cao Ly Moon Jae-in. Thủ Tướng Nhật và Tổng Thống Trump đã ăn tối chung và có cuộc trò chuyện rất bổ ích về giao thương và đầu tư, cũng như tái xác nhận cam kết trong việc hoá giải nguyên tử ở Bắc Cao Ly. Ông Abe vừa tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ 3 năm. Hai Tổng Thống Nam Cao Ly và Hoa Kỳ đã ký một thỏa ước trao đổi mậu dịch tự do. Thoả ước này theo Tổng Thống Trump là rất công bình và hai bên đồng có lợi, sẽ giảm mức thâm thủng mậu dịch và tăng thêm cơ hội cho Hoa Kỳ xuất cảng hàng hoá sang Cao Ly. Các mặt hàng như xe hơi, thuốc men và sản phẩm nông nghiệp. Thoả ước mới này là nhằm giảm bớt nạn thư lại và gia tăng sự thịnh vượng chung. 

Vụ phê chuẩn ông Kavanaugh – Trò bẩn vào giờ thứ 25

Cho đến hôm nay, những điều bà Chrristine Blasey Ford tố cáo ông Brett Kavanaugh mang tính chất mơ hồ, không ngày tháng, không biết nơi xảy ra, các nhân chứng bà Ford đưa ra đều tuyên bố không nhớ được gì. Tất cả chỉ là điều vu vơ “bà nói này, ông nói kia” khó cho người thứ ba xét đoán là đúng hay sai. Chỉ có nhóm Dân Chủ Liberal thì nằng nặc xác định một điều chưa ai chứng minh được là ông Kavanaugh phạm tội! Cuối cùng, ông Kavanaugh đã truy tìm ra những bằng chứng để minh oan. Ông tìm ra được thời khoá biểu của ba tháng 6, 7, và 8 của mùa hè năm 1982 mà ông sẽ trao cho Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện, trong đó không hề có cái “party” mà bà Ford miêu tả. Bởi một lẽ đơn giản là thời gian đó ông Kavanaugh đang đi chơi nghỉ hè tại một bãi biển xa nhà. Khi ông ta còn ở nhà, thì trong tấm lịch có ghi đi chơi những trận basket ball, football, đi xem phim, đi phỏng vấn thi vào đại học, và có vài buổi tiệc liên hoan có ghi rõ những bạn bè tham dự nhưng không thấy có tên những người bà Ford nêu ra. Trong lúc đó, về phía bà Ford thì chính bà thú nhận bà không nhớ được các chi tiết! Hai trong những người do bà Ford đưa ra, ông Patrick J. Smith và ông Mark Judge thì nói họ chẳng nhớ đến cái party đó và cũng không hề thấy ông Kavanaugh làm gì sai quấy. Một người khác, bà Leland Keyser thì nói rằng bà không biết ông Kavanaugh và cũng không nhớ có tham dự party chung với ông hay không. Như thế, cả 3 nhân chứng bà Ford đưa tên đều phủ nhận.

Michael Avenatti , luật sư của bà Ford đã xin Ủy Ban Tư Pháp đời ngày hearing từ thứ Hai đến ngày thứ Năm vì cho rằng họ không kịp chuẩn bị! Ông ta cũng đòi Ủy Ban Tư Pháp phải nhận cho họ nhiều điều kiện.

Lạ lùng nhất là có bà Kirsten Gillibrand, Thượng Nghị Sĩ Liên Bang thuộc đơn vị New York tuyên bố một câu rất ngớ ngẩn, buồn cười. Bà nói rằng nếu ông Kavanaugh vô tội, tại sao ông ta không nhờ FBI điều tra! Bà Killibrand từng là một luật sư, từng là Dân biểu từ năm 2007! Thói thường, ai tố cáo thì kêu gọi cảnh sát điều tra người bị tố cáo; có bao giờ người vô tội (hay có tội) lại tự đứng ra xin điều tra bao giờ! Rõ vớ vẩn!

Một số vị trong phe Dân Chủ cũng có một lý luận lạ đời rằng hể quý bà tố cáo quý ông thì coi như đáng tin, là sự thật. Trong đó, có các bà Thượng Nghị Sĩ Feinstein, Hirono, Gillibrand. Họ quên rằng trước đây, khi các bà Paula Jones, Kathleen Willey, Juanita Broadrick, Leslie Milwee tố cáo cựu Tổng Thống Clinton, thì cả phe Dân Chủ hùa vào bênh vực ông này và mạt sát các bà! Thì ra hể các ông Dân Chủ thì luôn vô tội, các ông Cộng Hoà thì đương nhiên có tội!

Bom này sắp tịt ngòi, lại tung bom khác!

Thấy quả bom Christine Ford xem như sẽ tịt ngòi, cuối ngày Chủ Nhật, phe Dân Chủ lại tung ra quả bom mới. Những người theo phe tả khuynh đã tiếp xúc với bà Deborah Ramirez, 53 tuổi, cũng theo đảng Dân Chủ; để bà nhảy ra khai với báo The New Yorker, tố cáo ông Kavanaugh đã có những hành vi bất xứng với bà ta trong thời gian hai người cùng học đại học. Bà này khai rằng bà và ông Kavanaugh cùng theo học các môn Tâm Lý Học và Xã Hội Học tại Đại Học Yale. Trong một buổi party trong khu nội trú, họ uống rượu say mèm; rồi ông Kavanaugh đã móc của quý ra khoe trước mặt bà ta, ép bà ta phải sờ vào nó nhưng bà đã đẩy ra!

Bà Ramirez tuyên bố rằng việc tố cáo của bà không phải vì mục đích chính trị mà vì bà quan tâm tranh đấu cho vấn đề nhân quyền, công lý xã hội và sự thay đổi xã hội!

Cũng như bà Ford, Ramirez thú nhận không nhớ gì nhiều đến sự việc. Nhưng còn tệ hơn bà Ford, chính Ramirez nhận rằng bà ta say mèm trong khi chuyện xảy ra. Bà ta không nhớ gì ngoại trừ tên Brett Kavanaugh và nơi xảy ra là một phòng tại Laurence Hall của Đại Học Yale lúc hai người còn là sinh viên năm thứ nhất! Bà khai rằng bà uống say mèm, và nhận ra mình nằm trên sàn nhà trong trạng thái chơi vơi mơ màng, say đến líu lưỡi không nói được; và có mặt vài nam sinh viên trong đó có một anh ấn vào mặt bà ta một dương vật bằng plastic. Rồi người thứ ba là ông Brett Kavanaugh thì tụt quần, khoe của quý cho bà xem. Bà khai rằng bà có nói: “Đó không phải là chim thật” Bà nói bà sẽ không sờ vào dương vật trước khi bà lấy chồng! Đối với hai người kia, bà đề nghị dấu tên, chỉ nêu tên ông Kavanaugh mà thôi.

Nhân chứng phủ nhận!

Lại cũng như trường hợp tố cáo của bà Ford, lần này, một bạn trai mà bà Ramirez dẫn ra làm nhân chứng cũng tuyên bố ông ta không nhớ gì đến buổi party này. Thêm vào đó, một tờ báo có đăng lời tuyên bố của 6 bạn học ông Kavanaugh trong đó có đoạn: “Chúng tôi có thể nói một cách tự tin rằng nếu sự việc này có xảy ra thì chúng tôi đã nghe được. Nhưng chúng tôi không hề nghe chuyện ày. Những hành vi mà bà Ramirez miêu tả về ông Kavanaugh hoàn toàn không đúng với tư cách của ông ấy.

Bản tuyên bố còng viết thêm: “Thêm vào đó, một số chúng tôi biết bà Debbie Ramirez trong nhiều năm và chưa hề nghe bà ta kể chuyện này cho đến hôm nay, là lúc Thượng Viện đang hoãn việc phê chuẩn ông Kavanaugh!”

Trong số 6 bạn học ký tên, có một bà khai là bạn rất thân của bà Ramirez, từng chia sẽ mọi chuyện riêng tư trong cuộc đời; nhưng chưa hề nghe bà Ramirez nói về chuyện này và cũng không nghe ai nói tới.

Bà Ramirez và ngay cả Thượng Nghị Sĩ Dianne Feinstein cũng đòi đình hoãn việc phê chuẩn ông Kavanaugh và đòi cơ quan FBI phải điều tra vụ này! Trong khi đó, chính báo chí phe tả cũng phải ghi nhận rằng họ chưa tìm ra được sự xác nhận của những nhân chứng về sự có mặt của ông Kavanaugh tại buổi tiệc vui này. Ông Kavanaugh phủ nhận tất cả lời tố cáo của bà Ramirez. Ông tố ngược lại rằng đây là một chiến địch bẩn thỉu nhằm bôi nhọ ông vì những việc 35 năm trước mà các bà tố cáo không hề xảy ra. Những người quen biết ông cũng xác nhận như thế.

Những người công chính không thể kết luận các vụ này có hay không vì họ không là người trong cuộc. Nhưng hầu hết đều nhìn thấy sự việc tung ra những trái bom lớn vào giờ thứ 25 của việc phê chuẩn cho ông Kavanaugh tại Thượng Viện là điều cần suy nghĩ và phán đoán.

Những người công chính không thể kết luận các vụ này có hay không vì họ không là người trong cuộc. Nhưng hầu hết đều nhìn thấy sự việc tung ra những trái bom lớn vào giờ thứ 25 của việc phê chuẩn cho ông Kavanaugh tại Thượng Viện là điều cần suy nghĩ và phán đoán.

Cận ngày bỏ phiếu lại them một Luật sư Avanatti nêu ra lời của bà Swetnick tố cáo ông Kavanaugh cầm đầu một bang đảng hiếp dâm tập thể! Thật quá lố đến độ chẳng ai muốn để tâm. Ông Luật sư này cũng là luật sư của Stormy Daniels, cô đào phim con heo từng kiện cáo Tổng Thống Trump về việc ăn nằm với bà ta để kiếm một số tiền khá bộn.

Ngày thứ Năm, hai bên sẽ lần lượt ra trước Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện để trình bày. Ngày thứ Sáu, Ủy ban sẽ họp bỏ phiếu để thuận (hay không) đưa ra toàn Thượng Viện biểu quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm ông Brett Kavanaugh.

Vài nhận xét

Tuần trước, cũng trong phần về ông Kavanaugh, chúng tôi có nhận định rằng việc điều tra những loại như thế này không nằm trong phần hành (jurisdiction) của FBI. Trên nguyên tắc về hình sự, FBI chỉ lo những vụ trọng tội cấp liên bang như khủng bố, tội phạm có tổ chức, trọng tội về bạo lực, vi phạm nhân quyền, tham nhũng, rửa tiền, gian lận ngân hàng, địa ốc, buôn bán ma túy, súng đạn, tội về an ninh lien mạng (cyber crimes) vân vân. Nhưng suốt tuần cứ nghe các nhà làm luật mà kiến thức luật là bậc thầy của chúng tôi cứ lải nhải kêu gọi FBI điều tra, chúng tôi lại sợ rằng sự hiểu biết của mình sai chăng. May thay, tối thứ ba, được nghe nhiều ông bà luật sư trên đài FOX xác định FBI không đi điều tra các vụ tạp nham này, đó là thẩm quyền của cảnh sát thành phố. Nhưng có lẽ vụ này nặng tính chất chính trị chăng?

Về buổi hearing ngày thứ Năm 27 tháng 9, Ủy Ban đã mời CôngTố viên Rachel Mitchell từ Arizona để đặt câu hỏi.

Bà Christine Ford có những lời khai không ăn khớp (Trước đây thì nói không nhớ nơi chốn, vì sao có mặt tại đó…nay kể ra vanh vách country club, đi bơi, lặn…). Bà ta nhận đã qua máy dò sự thật (polygraph) bởi chính luật sư của mình, và do người khác trả tiền, Luật sư thì do văn phòng Thượng Nghị Sĩ Feinstein giới thiệu. Sau lưng bà có nhiều tổ chức xúi dục… Nhân chứng bà đưa ra thì khai không biết gì về vụ này. Thậm chí bà Leland Keyser rất thân cũng không xác nhận. Các Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Kamala Harris (CA), Hirono (HI) Cory Booker (NJ) cứ xác nhận tin bà Ford là đúng? Làm như họ có mặt khi xảy ra sự việc. Feinstein còn kể ra bằng cấp, chức vụ của Ford, làm như ngưiời có bằng cấp thì đáng tin hơn người ít học! Về phần ông Kavanaugh, rất mạnh dạn kết án nhóm Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ đã chuẩn bị việc đánh phá từ lâu. Ông dẫn chứng lời của Thượng Nghị Sĩ Schumer và Feinstein rằng họ sẽ làm bất cứ gì, dung bất cứ cách gì để ngăn ông Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện. Ông cũng lên án việc dùng những cáo buộc mơ hồ để hủy hoại danh dự, sự nghiệp và ngay cả gia đình ông. Ông nói: Quý vị gieo gió ngày hôm nay, tương lai đất nước sẽ gánh cơn bão. Phe Dân Chủ bổn cũ soạn lại, cứ hỏi văn ông Kavanaugh sao không để FBI điều tra. Có 2 Thượng Nghị Sĩ Cộng Hoà nêu ra sự việc từ khi ông Kavanaugh được đề cử đã hơn 2 tháng và từ khi bà Ford tố cáo cũng hơn một tháng rưởi, tại sao không nêu vấn đề ra. Các thành viên đã hàng chục lần tiếp xúc ông Kavanaugh; Ủy Ban cũng đã họp để tìm hiểu về ông Kavanaugh nhưng các vị Dân Chủ không tham dự.

Vào buổi sáng, Ủy Ban đã dành cho bà Ford một sự công bằng khi trình bày; nhưng vào buổi chiều, phe Dân Chủ đã truy vấn tới tấp, đặt những câu hỏi xa vấn đề. Đến nỗi Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham cũng phải chỉ vào đám Dân Chủ mà kết án họ là “farce, sham” (trò đùa, phí thì giờ). Ông nói đây không còn là buổi hearing để chọn người mà là một địa ngục (hell) để đánh gục người khác.

Kết quả sau một ngày là ai tin bên tố thì cứ tin, ai tin bên bị tố thì cứ tin. Chẳng đưa ra kết luận nào cả. Nhưng rõ ràng như 2 với 2 là 4, rằng bên Dân Chủ đã có kế hoạch phá cuộc phê chuẩn này t ừlâu. Dù ông Kavanaugh hay một vị nào khác, họ cũng tìm mọi cách để ngăn cản! Qua hai vụ tố cáo mơ hồ như thế, chúng ta cũng thấy mục tiêu của những Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ không chỉ là thắng hay thua, mà là trì hoãn cuộc bổ nhiệm Thẩm Phán Kavanaugh. Họ sẽ tìm thêm cách phá bỉnh để cho qua kỳ bầu cử vào tháng 11 này với hy vọng đảng Dân Chủ lấy lại đa số tại Quốc Hội thì vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện sẽ là người do họ chọn.

Ngày thứ Sáu, Ủy Ban Tư Pháp lại họp để tiến hành biểu quyết. Có vài Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ đã bỏ ra khỏi phòng như Blumenthal, Horono, Kamala…sau khi đòi hỏi ngưng cuộc bỏ phiếu của họ bị Ùy Ban bác bỏ. Phe Dân Chủ cứ nằng nặc đòi phải có điều tra của FBI. Thượng Nghị Sĩ Grassley đã nhiều lần trưng ra lá thư của nhân chứng Mark Judge ký với sự xác nhận của luật sư và có tính hợp pháp vì nếu khai gian sẽ bị tội cản trở pháp luật. Người đáng chú ý nhất trong mấy ngày qua là Cory Booker, Thượng Nghị Sĩ từ New Jersey. Anh này da đen, hung hăng và luôn phát biểu quá thời hạn cho phép. Anh ta biểu lộ rõ sự căm phẫn đối với ông Kavanaugh. Chúng tôi còn nhớ đôi mắt căm thù của anh khi ống kính chiếu vào anh lúc Tổng Thống Trump đọc diễn văn tại Quốc Hội. Đó cũng là nét mặt và đôi mắt của Hillary Clinton khi nghe TT Bush đọc diễn văn hàng năm khi bà ta là Thượng Nghị Sĩ. Anh Booker này sau khi nói quá thời lượng, cũng kéo ghế bỏ ra khỏi phòng họp. Dường như các Nghị Sĩ Dân Chủ chí muốn nói mà không có đủ lịch sự tối thiểu để ngồi nghe người khác!

Phần bỏ phiếu xảy ra lúc 1:40 giờ Washington, 11 vị Cộng Hoà bỏ phiếu thuận, 10 vị Dân Chủ bỏ phiếu chống. Đúng2 giờ, Thượng Nghị Sĩ Grasley tuyên bố chấm dứt. Việc phê chuẩn sẽ được đưa ra trước toàn thể Thưọng Viện. Tuy nhiên, có một ý kiến từ Thượng Nghị Sĩ Jeff Flake (Cộng Hoà) yêu cầu đình hoản chở FBI điều tra mà theo ông, chỉ khoảng 1 tuần!

Tin giờ chót cho hay Toà Bạch Cung đã đồng ý chiều theo ý kiến các vị bên Thượng Viện và yêu cầu FBI điều tra bổ túc. Như thế, đây sẽ là cuộc điều tra có tính chất chính trị chứ không mang tính hình sự. Nó sẽ làm sáng tỏ ông Kavanaugh có lương thiện, thành thật hay không.

Tại Norristown, Pennsylvania, hôm nay toà án đã tuyên phạt ông Bill Cosby từ 3 đến 10 năm tù về tội dùng thuốc để cưỡng hiếp bà Andrea Constant và nhiều bà khác cách đây nhiều năm. Mức án này có nghĩa là ông Cosby sẽ ở tù tối thiểu ba năm, sau đó có thể ra trước một hội đồng ân xá để giảm án. Ông còn bị ghi vào danh sách những kẻ theo đuổi quấy rối tình dục và sẽ trình diện các buổi tham vấn cho đến hết đời. Bill Cosby năm nay 81 tuối, là một nhạc sĩ, tài tử hài hước nổi danh từ thập niên 1960. Ông cũng làm chủ một show hài hước The Cosby Show trên truyền hình. Ông bị đến 60 bà tố cáo đã dùng thuốc mê hay kích thích để xâm hại tình dục họ. Ông cũng bị tố cáo tội sách nhiễu tình dục trẻ em. Ông ta có bằng Tiến Sĩ Giáo Dục năm 1976. Ngoài ra, ông nhận được nhiều giải thưởng như hai lần giải Golden Globes, 3 lần giải Emmys; 9 giải Grammys. Năm lần nhận các huy chưong mà cao nhất là Huy Chương Tự Do do Tổng Thống Bush trao tặng. Ông cũng được nhiều trường đại học cấp đến 60 bằng Tiến Sĩ Danh Dự thuộc nhiều phân khoa.

Kẻ thù bên trong

Bản tin op-ed trong tờ New York Times hôm 5 tháng 9 của một tác giả nặc danh tiết lộ những xáo trộn trong toà Bạch Cung, những xung khắc, âm mưu của những nhân viên cao cấp làm việc xung quanh Tổng Thống Trump. Mới đây, họ tiết lộ tin ông Rod Roseinstein, Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp vào năm ngoái 2017, đã đề nghị với ông Andrew McCabe, Quyền Giám Đốc FBI lúc đó cho ông ta bí mật đeo dây và máy thu âm trong mình để theo dõi và truyền đi những đối thoại của Tổng Thống Trump với nhân viên. Mục đích của Roseinstein là tìm sai phạm của Tổng Thống Trump và khởi động Tu Chính Án 25 nhằm truất phế Tổng Thống. Khi tin này lộ ra ngoài, ông Roseinstein đã chối bỏ cho rằng ông không hề toan tính chuyện này. Phần ông McCabe, cũng cho hay ông không có vai trò gì trong việc cung cấp tin tức cho báo chí. McCabe là Phó Giám Đốc FBI từ tháng Hai, 2016 đến 20 tháng Một 2018 thì bị Bộ Trưởng Tư Pháp Jess Session bãi chức chỉ trước hơn ngày ông ta đến lúc về hưu.

Tổng Thống Trump cho đến hôm nay từ chối không cho báo chí biết ông ta có ý định sa thải ông Roseinstein hay không. Ông chờ cho đến ngày thứ Năm, sau khi gặp riêng ông Roseinstein mới quyết định được.

Roseinstein là nhân viên tư pháp cao cấp nhất trong việc điều tra mối quan hệ giữa Tổng Thống Trump và Nga. Dân biểu Jerry Nadler thuộc đảng Dân Chủ, trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai, tuy không nói đến việc đàn hặc Tổng Thống Trump, nhng cũng nói rằng ông sẽ có thể sử dụng phương cách hợp pháp nếu đảng Dân Chủ chiếm đa số sau bầu cử và ông ta nắm chức Chủ Tịch Ủy Ban Pháp Lý Hạ Viện. 

Tấn công trong lễ diễn binh của Iran

Tại thành phố Ahvar ở Tây Nam Iran, cuộc diễn binh hàng năm hôm thứ Bảy tuần trước của các Quân Đoàn Vệ Binh Cách Mạng Iran đã trở nên hỗn loạn do bị tấn công bất ngờ bởi một nhóm người. Những người này cải trang thành binh sĩ và nổ súng vào đám quân nhân diễn hành. Số người chết lên đến 25, trong đó có 12 quân nhân của Vệ Binh Cách Mạng là binh chủng ưu tú nhất của Iran. Có 53 người bị thương.

Một nhóm ly khai người Arab nhận đây là hành vi của họ nhắm chống lại nhà cầm quyền độc tài Iran. Ayatollah Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao Iran thì đổ thừa cho Saudi Arabia, United Arab Emirates và Hoa Kỳ đã đứng sau lưng cuộc tấn công này. Còn giới quân sự cao cấp thì cảnh cáo Hoa Kỳ và Israel rằng họ sẽ trả thù đích đáng.

Trong những đoạn video quay được, người ta thấy những binh sĩ Iran mặc quân phục tiểu lễ, trang bị đầy đủ. Nhưng khi súng nổ, thì họ bò lê trên mặt đường để tránh đạn mà không hề bắn trả lại phát súng nào. Nhiều binh sĩ đã bỏ chạy tháo thân.

Cuộc tấn công đã tàm tăng thêm sự căng thẳng giữa Iran và các quốc gia vùng vịnh cùng với đồng minh Hoa Kỳ.  Hoa Kỳ từ lâu đã tỏ ra vô cùng cứng rắn với Iran. Tổng Thống Trump rút ra khỏi thoả thuận về nguyên tử và đồng thời áp đặt sự cấm vận kinh tế làm cho nước này khốn đốn. Còn các đồng minh như Saudi Arabia và United Arab Emirates thì từng có những xung đột với Iran tại nước Yemen, Qatar và Syria.

Sau vụ này, cơ quan an ninh Iran đã bắt giữ hơn 22 người mà họ tình nghi có dính líu. Họ cũng lục soát nhà một số người, cho hay đã tịch thu nhiều vũ khí, chất nổ, trang bị truyền tin.

Chiều thứ Hai, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis tuyên bố không quan tâm đến lời đe dọa của Iran. Ông coi những cáo buộc của Iran là vô căn cứ. Còn Israel và Saudi Arabia cũng không lên tiếng về vụ này.

Trong khi đó, lại có sự lên tiếng của nhóm Islamic State (DAESH) và một nhóm khủng bố địa phương là Al-Ahvaziya. Cả hai nhận việc tấn công là họ chủ trương và tiến hành.

Tổng Thống Iran Rouhani bác bỏ ý kiến về một cuộc gặp gỡ với Tổng Thống Trump, trong khi đó Tổng Thống Trump lên án Iran gieo những mầm mống hỗn loạn, hủy diệt, chết chóc. Ông nói nếu Iran muốn ngồi lại nói chuyện, thì trước hết phải thay đổi giọng điệu.

Nhân tiện cũng loan thêm tin Nga đã viện trợ cho Syria hệ thống hoả tiễn phòng không tối tân S-300. Hoa Kỳ cực lực lên án việc này, coi đây như là một bước làm thêm căng thẳng tình hình tại khu vực.

Sự quan trọng của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ

Cứ mỗi 4 năm, có một cuộc bầu cử tổng thống và các dân cử. Giữa hai nhiêm kỳ Tổng Thống, cũng có cuộc bầu cử tổng quát diễn ra vào tháng 11. Cuộc bầu cử này gọi là mid-term election, trong đó 435 dân biểu phải bầu lại vì nhiệm kỳ của họ là 2 năm; còn đối với thượng viện, sẽ có 1/3 số Thượng Nghị Sĩ được bầu lại. Nhiệm kỳ của các Thượng Nghị Sĩ là 6 năm, mỗi năm bầu lại 1/3 nhân số. Năm nay, 2018, sẽ có 34 vị Thượng Nghị Sĩ được bầu lại.

Ngoài ra, nhiệm kỳ các vị Thống Đốc là 4 năm. Năm nay cũng bầu lại 36 trong 50 Thống đốc các Tiểu bang trong đó có 2 Thống Đốc Vermont và New Hampshire nhiệm kỳ chỉ có 2 năm. Các dân cử cấp Tiểu Bang và Quận, thành phố cũng được bầu trong kỳ này.

Thông thường, những kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ không lôi cuốn nhiều cử tri so với mùa bầu cử Tổng Thống. Trong vòng 60 năm qua, các cuộc bầu cử Tổng Thống thường có số người đi bầu là khoảng 60%, thì các cuộc bầu cử midterm chỉ có khoảng 40%. Điều kỳ lạ là trong các cuộc bầu midterm, đảng của Tổng Thống đương nhiệm thường mất nhiều ghế.

Năm 1956, đảng Cộng Hoà của Tổng Thống Eisenhower mất 48 ghế Hạ Viện, 13 ghế Thượng Viện; năm 1964, đảng Dân Chủ của Tổng Thống Johnson mất 47 ghế Hạ Viện, 3 ghế Thượng Viện;  năm 1972, đảng Dân Chủ của Tổng Thống Carter mất 15 ghế Hạ Viện, 3 ghế Thượng Viện; năm 1984, đảng Cộng Hoà của Tổng Thống Reagan mất 5 ghế Hạ Viện, 8 ghế Thượng Viện; năm 2004, đảng Cộng Hoà của Tổng Thống Bush mất 30 ghế Thượng Viện, 6 ghế Hạ Viện; và năm 2012, đảng Dân Chủ của Tổng Thống Obama mất 13 ghế Hạ Viện, 9 ghế Thượng Viện. Chỉ có năm 1996 thời Tổng Thống Clinton, là thêm 5 ghế Hạ Viện và không thêm bớt ghế Thượng Viện. Người ta cứ cho rằng kỳ bầu cử midterm năm nay sẽ là cuộc trưng cầu dân ý về Tổng Thống Trump. Nhưng nếu năm nay Cộng Hoà mất ghế, thì cũng như theo quy luật chung mà chúng ta vừa thấy qua lịch sử bầu cử Hoa Kỳ. Nhưng nếu ngược lại, Cộng Hoà thắng thêm ghế, thì phải xem đây là một thông điệp rất rõ ràng rằng dân Mỹ triệt để ủng hộ Tổng Thống Trump.

Trong số 326 triệu dân, có khoảng 270 triệu dân ở lứa tuổi đi bầu; nhưng may ra chỉ có khoảng 100 triệu người đi bầu. Dù Hoa Kỳ là một quốc gia hàng đầu trên thế giới về dân chủ; nhưng đôi lúc tiến trình bầu cử để quyết định ai sẽ nắm quyền chính phủ trung ương xem ra cũng rất mất dân chủ.

Tại sao lại nói như thế?

Lý do thứ nhất là số cử tri đi bầu thấp. Cuộc bầu cử midterm với 30, 40% cử tri đi bầu thì không thể đại diện cho ý chí của đa số. Trong bầu cử midterm năm 2014, chỉ có 35.9% cử tri đi bầu. Tỷ lệ cao nhất là vào năm 1996 có 48.7%. Đại đa số những công dân đủ điều kiện đi bầu đã chọn ở nhà mà không buồn lết tới phòng phiếu. Trách ai, đổ tội cho ai nếu không phải là chính những công dân Hoa Kỳ! Theo tài liệu của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew, trong 35 quốc gia dân chủ hàng đầu, Hoa Kỳ đứng hạng 31, gần chót, về tỷ lệ cử tri đi bầu!

Nhìn chung các cuộc bầu cử đều có tỷ lệ thấp. Cao nhất là năm 1960 với 64%. Từ thập niên 1970, càng ngày tỷ lệ càng thấp.  Chỉ có hai lần bầu Tổng Thống năm 2008 đạt đến 62% và Obama đã thắng kỳ này; và mùa bầu mới đây 2016 được 61.4% và Tổng Thống Trump đắc cử.

Những cuộc bầu midterm thường dân chúng ít nhiệt tình cũng vì mức độ cạnh tranh giữa các ứng cử viên không sôi nổi. Kết quả thường các vị tái ứng cử đa phần đạt số phiếu hơn 90%.

Một lý do khác mà chúng tôi thấy không thích ứng. Nhiều người đổ thừa cho các Tiểu Bang ban hành luật lệ khắt khe hơn khi ghi danh và khi đi bầu như đòi phải trình thẻ căn cước có ảnh. Họ cho rằng như thế là hạn chế những người nghèo, những người cao niên hay những nhóm dân thiểu số vì những người này không có tiền để đi làm căn cước!!!??? Theo nghiên cứu của trường Đại Học Wisconsin, năm 2016 có 17 ngàn cử tri tại Tiểu Bang này đã bị từ chối không cho đi bỏ phiếu vì không có căn cước dán ảnh! Những người phe tả cho rằng từ những năm 2012, 2014 có đến 16 triệu người bị loại ra khỏi danh sách cử tri cũng vì lý do trên.

Lý luận như thế là quá liberal! Theo chúng tôi việc bắt buộc này là hợp lý nhằm tránh nạn gian lận bầu cử khi các thành phần chưa phải là công dân mà cũng được đi bầu như đã xảy ra tại nhiều Tiểu Bang. Làm một căn cước chỉ tốn ngang một cái hambuger mà thôi! Ngoài ra còn có việc ghi danh cả những người đã chết, những tội phạm hình sự…

Việc phân chia khu vực bầu cử bất minh (Gerrymandering)

Tại 37 tiểu bang, các chính khách tiểu bang có quyền phân ranh khu vực bầu cử các thành viên Quốc Hội Liên Bang cũng như địa phương.

Đây là việc làm có tính thủ đoạn của nhiều Tiểu Bang khi họ vạch lại ranh giới khu vực bầu cử sao cho ứng cử viên đảng mình đạt được tỷ lệ phiếu cao hơn đối phương. Ngày nay với khoa học điện toán tinh vi, họ sử dụng những mô thức, thảo chương để tìm ra những khu vực bầu cử có những đặc tính về sắc dân, kinh tế, mà sẽ chọn Cộng Hoà hay Dân Chủ trong các cuộc bầu cử sẽ được nghiên cứu sao cho thật lợi tối đa cho đảng mình. Ví dụ, trong cuộc bầu cử năm 2012, đảng Cộng Hoà giành được 60 ghế trong 99 ghế Hạ Viện Tiểu Bang, tức 60%; trong khi chỉ đạt được có 48.6% số phiếu cử tri. Tình hình tương tự xảy ra tại Tiểu Bang Maryland với Dân Chủ đạt đa số ghế, nhưng ít phiếu cử tri.

Những ai quan tâm đến tương lai đất nước thì nên sốt sắng ghi tên và đi bỏ phiếu, chọn đúng những người có khả năng, có chương trình làm viêc hợp với ý nguyện của mình.