Thời Sự Hàng Tuần – Ngày 17 tháng 11, 2018 — Thành quả của Tổng Thống Trump hai năm qua

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Veterans Day: 100 năm ngày chấm dứt WW1 

Ngày 28 tháng 7, năm 1914, Thế chiến thứ 1 bùng nổ do sự khởi động của liên quốc Đức, Áo Hung (Austria-Hungary).  Nguyên nhân là do một người công dân nước Nam Tư đã ám sát Công tước Frank Ferdinand là vị Hoàng tử sẽ kế vị ngôi vua đế quốc Áo Hung. Vụ này xảy ra tại thành phố Sarajevo trên lãnh thổ nước Nam Tư cũ, mà nay là thủ đô nước Bosnia Herzegovina. Đây chỉ là nguyên nhân phụ và trực tiếp vì sự xung đột về lãnh thổ vùng Balkan đã diễn ra từ nhiều năm trước giữa đế quốc Áo Hung và vương quốc Serbia. Trước đó, năm 1912, cũng đã nổ ra cuộc chiến gọi là Chiến tranh Balkan thứ Nhất, mà đã kết thúc bởi Hiệp Định London lập ra nước Albania. Qua năm 1913, chiến tranh Balkan thứ Hai lại nổ ra khi Bulgaria và Serbia xâm chiếm nước Hy Lạp.

Thế Chiến thứ Nhất sau đó có thêm sự tham gia của đế quốc Ottoman và nước Bulgaria vào phe trục. Phe liên quốc đồng minh thì có Pháp, Anh, Nga, Serbia, Belgium, Montenegro, Italy, Nhật và Hoa Kỳ. Hoa Kỳ chỉ tham gia vào năm cuối của cuộc chiến để kịp cứu sống các nước Âu Châu khỏi bị tiêu diệt.

Sau 4 năm chiến tranh tàn khốc trên hầu hết lãnh thổ các nước Âu Châu, phe trục thất trận. Các nước phe trục lần lượt đầu hàng và ký các hiệp ước đình chiến. Tiếng súng ngưng hẳn vào lúc 11 giờ sáng ngày 11 tháng 11 năm 1918 sau khi nước chủ động chiến tranh là Đức ký hiệp định đầu hàng 6 giờ trước đó. Một hiệp ước hoà bình chính thức gọi là Treaty of Versailles được ký vào năm 1919.

Cuộc chiến tuy chỉ diễn ra trong 4 năm, nhưng đã gây một tổn thất rất lớn: phe Trục gần 4.4 triệu binh sĩ chết; phe Đồng minh có hơn 5.5 triệu binh sĩ hy sinh; trong đó Nga bị năng nhất (hơn 1.8 triệu), kế đó là Pháp (gần 1.4 triệu), Anh (hơn 1.1 triệu). Hoa Kỳ đóng góp 116 ngàn quân sĩ hy sinh. Quân nhân Mỹ chết trong Thế Chiến 1 và cả sau này trong Thế Chiến 2 hầu hết được chôn cất tại các nghĩa trang trên đất Pháp.

Hoa Kỳ và Pháp đều xem ngày Armistice 11 tháng 11 là ngày lễ chính thức. Cho đến ngày 1 tháng 6, 1954, Quốc Hội Hoa Kỳ đổi tên Armistic Day thàng Veterans Day và xem ngày này là để vinh danh tất cả các cựu chiến binh từng tham gia các cuộc chiến trong lịch sử Hoa Kỳ. Khác với ngày Memorial là ngày tưởng niệm các quân nhân đã chết, ngày Veterans vừa dành cho người chết lẫn người còn sống.

Vào dịp Veterans Day năm nay, một buổi lễ nghiêm tranh được cử hành long trọng tại nghĩa trang Quốc Gia Arlington nhưng vắng mặt Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump; vì ông bận phải tham gia một buổi lễ kỷ niệm ngày đình chiến tổ chức tại Pháp. Ông dù đi xa, vẫn không quên ngày trọng đại này. Lúc 4 giờ chiều, giờ Paris, Tổng Thống đã đến nghĩa trang Suresne, gần thủ đô Paris, nơi chôn cất hơn 1400 quân nhân Hoa Kỳ để cùng Chủ Tịch Ủy Ban Tham Mưu Liên Quân là Đại Tướng Joseph Lunford và Tham Mưu Trưởng Bạch Cung John Kelly để làm lễ nơi đây. Điều rất cảm động là dưới cơn mưa, các quan khách tham dự đều mặc cáo mưa; chỉ trừ các quân nhân cầm cờ đứng dọc hai bên đường vào nghĩa trang. Tổng Thống Trump đến nơi tự tay che chiếc dù cho mình. Khi lên khán đài danh dự, ông bỏ dù, ngồi cùng hai vị kia dưới cơn mưa và đã đọc diễn văn dài chừng 20 phút. Mưa thấm ướt hết đầu tóc và cả bộ suit ông mặc. 

Tinh thần Quốc Gia vs. Lòng Ái Quốc.

Khi đọc diễn văn tại Đại Hội Đồng LHQ, Tổng Thống Trump đã nói: “Chúng tôi phủ nhận ý thức hệ của chủ nghĩa toàn cầu mà chỉ ôm ấp học thuyết của chủ nghĩa ái quốc” (We reject the ideology of globalism, and we embrace the doctrine of patriotism). Sau đó, trong một lần nói chuyện với hàng ngàn cử tri Cộng Hoà, Tổng Thống Trump lập lại nhiều lần: “Tôi là một người quốc gia” (I am a nationalist).

Nhưng không rõ tại sao Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích Tổng Thống Trump về chữ Nationalist? Trước mặt khoảng 60 vị lãnh đạo, nguyên thủ các nước quy tụ về Paris để dự lễ kỷ niệm ngày chấm dứt Thế Chiến thứ Nhất, ông Tổng Thống Pháp đã lên tiếng như sau: “Chủ nghĩa Quốc Gia là một sự phản bội đối với Chủ nghĩa Ái quốc. Khi nói rằng quyền lợi của mình là trên hết, thì còn ai quan tâm đến quyền lợi kẻ khác? ” (Nationalism is a betrayal of patriotism by saying, ‘our interest first, who cares about the others?) Câu nói này nhắm vào Tổng Thống Trump, chỉ trích việc Tổng Thống Mỹ đã tự coi mình là người quốc gia và đã có một chính sách đối ngoại mà trong đó quyền lợi của Hoa Kỳ là tối thượng. Chúng tôi không thấy có sự khác biệt giữa hai chữ “người quốc gia” và “người yêu nước”. Vì rõ ràng, một người thật lòng yêu nước là người nghĩ đến quốc gia mình trước hết, trên hết. Theo tự điển Merriam-Webster, Chủ nghĩa Quốc gia là sự trung thành và dâng hiến cho đất nước mình. Còn chữ Chủ nghĩa Ái quốc  ra đời trước, có từ thế kỷ 17. được định nghĩa là tình yêu hay sự cống hiến cho nước của mình. Hai chữ có nghĩa tương đương.

Dĩ nhiên, ông Tổng Thống trẻ Macron này rất có lý khi nói rằng “chúng ta có một trách nhiệm to lớn nhằm đánh bại những thế lực tân thời đang đe dọa nền hoà bình.” Những thế lực này, theo ông, là những ác quỷ trước đây, đang quay trở lại, lộ diện để gây rối loạn và mang đến chết chóc. Không rõ câu nói sau này ông ám chỉ ai?

Qua thực tế, chỉ có giữa người và người là còn có chuyện hy sinh bản thân mình vì người khác. Tiến lên một vài bước xa hơn, không ai hy sinh hạnh phúc gia đình, tập thể, hay tổ quốc mình cho những gia đình, tập thể, đất nước của người khác. Chúng ta đặt đất nước lên hàng đầu không có nghĩa là làm ngơ trước thảm cảnh, tai ương của nước khác. Hoa Kỳ, trước hai cuộc Thế Chiến, đã chủ trương biệt lập; mà rồi cũng đem xương máu, tài sản của mình cứu cả thế giới.

Tổng Thống Trump chẳng những đã không phản ứng mà trong lúc nói chuyện tại một nghĩa trang quân sĩ Hoa Kỳ, đã khen Tổng Thống Macron về việc tổ chức buổi lễ và tiếp đón ông rất nồng nhiệt và chu đáo.

Tổng Thống Trump và Đệ Nhất Phu Nhân đã đến buổi lễ chậm và tách biệt với các vị khác vì lý do an ninh. Có nhiều người biểu tình trong đó có một phụ nữ khoả thân với hàng chữ chống đối ông trên ngực trần bà ta. Nghe đâu còn có âm mưu ám sát ông nhưng bất thành. Tổng Thống Putin, sau khi bắt tay Tổng Thống Trump, đã vỗ vào cánh tay ông và đưa một ngón tay cái ra dấu khâm phục. Chẳng hiểu có phải là ông ta muốn biểu lộ sự thân thiện không? Giữa hai Tổng Thống thời gian gần đây cũng có nhiều căng thẳng, đụng chạm. Lễ kỷ niệm chấm dứt chiến tranh này cũng được tổ chức tại nhiều nước từ Anh sáng Úc, New Zealand, Ấn Độ… Đức cũng có nhưng dưới hình thức truy điệu vì nước Đức là gây chiến và cuối cùng đã nước bại trận.

Sau khi dự lễ, Tổng Thống Trump đã ngồi lại đàm luận cùng Tổng Thống Macron về những điều khác biệt xoay quanh khuynh hướng quốc gia của ông trong các vấn đề của thế giới hiện nay. Hôm thứ Bảy, ông cũng nói với Tổng Thống Macron rằng các quốc gia đồng minh nên chia sẻ gánh nặng trong cuộc phòng thủ chung và trong việc giao thương. Ông nói: “Chúng tôi rất muốn giúp Âu Châu, nhưng phải có sự công bằng.” Theo ông, Hoa Kỳ đã chịu gánh nặng từ nhiều thập niên sau hai Thế Chiến mà những nước đồng minh, trong đó có Trung Hoa, đã bị tàn phá suy sụp hoàn toàn. Có rất nhiều lần trước đây, Tổng Thống Trump nói rằng Hoa Kỳ cần phải bày tỏ các nhu cầu của mình là chia gánh nặng kinh phí lên các nước nay đã phát triển và trở nên giàu mạnh. Trong lúc ngồi trên Air Force One, Tổng Thống Trump đã tweet ra phê bình việc Tổng Thống Macron muốn thành lập một quân lực Âu Châu và phàn nàn các nước NATO đã không chi phí xứng đáng cho việc phòng thủ của chính họ.

Chủ nghĩa toàn cầu thất bại!

Khi nói với báo Guardian, Thủ Tướng Canada Trudeau than phiền rằng những người dân bình thưởng tỏ ra thất vọng về chủ nghĩa toàn cầu. Ông muốn ám chỉ đến sự thay đổi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ coi Mỹ là trên hết, đến việc Anh đang thương lượng để rút ra khỏi khối Liên Âu cũng như sự trổi dậy trào lưu của các đảng phái thiên chủ nghĩa quốc gia trên toàn thế giới.

Nhân loại đã đi từ hình thái các bộ lạc, tiến lên quốc gia đô thị, rồi quốc gia rộng lớn hơn. Có khi lập thành đế quốc bao trùm nhiều nước. Nhưng cuối cùng vẫn lựa chọn hình thái quốc gia trong đó có một dân tộc có chung truyền thống lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ. Trừ Hoa Kỳ mới lập quốc hơn 200 năm dựa trên các di dân từ nhiều nước là có chủng tộc và văn hoá đa dạng.

Khi chủ nghĩa Cộng Sản ra đời, chủ trương vô sản toàn thế giới đoàn kết, tận diệt tư bản phong kiến để thành lập các quốc xa xã hội chủ nghĩa, tiến lên thế giới đại đồng. Nhưng chưa tới đại đồng thì các nước cộng sản đã đánh nhau chết bỏ. Tranh chấp Nga-Hoa, Hoa-Việt, Việt-Cambodia đã chứng minh rằng con người vẫn coi quyền lợi quốc gia của mình là quan trọng hơn cả, và sẽ không bao giờ chấp nhận một hình thái toàn cầu.

Các lãnh tụ chính trị, kinh tế các nước không cộng sản cũng nuôi tham vọng toàn cầu.  Các tổ chức quốc tế, Liên Hiệp Quốc, là hình thái nhẹ của chủ nghĩa toàn cầu.

Những nghĩa vụ quốc tế ấn định qua các Hiến chương Liên Hiệp Quốc, các thoả ước thường đặt gánh nặng lên một vài nước; trong khi nhiều nước ù lì không thi hành dù họ được hưởng nhiều lợi nhất. Ví dụ việc chống ô nhiễm môi sinh. Trong khi Hoa Kỳ đóng góp gần trọn ngân sách để làm sạch thế giới, thì Trung Cộng là nước thải khí độc nhiều nhất lại chẳng đóng một xu!

Chủ trương mở rộng cửa cho tự do giao thương đã đưa đến sự di chuyển ra ngoại quốc những công ty sản xuất, gây thất nghiệp cho dân trong nước trong khi chỉ làm lợi cho nước khác.

Hai mươi tám nước Âu Châu kết hợp năm 1993 là một thí điểm nhưng gần đây đã bộc lộ các khuyết điểm dẫn đến sự chuẩn bị ra đi của Anh Quốc. Một trong những thất bại của Liên Âu là các nước bị ràng buộc phải thi hành những điều mà họ không thể chấp nhận. Việc Liên Âu bắt buộc các nước phải nhận di dân Bắc Phi, Trung Đông là một thí dụ. Ngày nay, tình hình rối loạn xã hội tạo ra do bọn di dân Bắc Phi đang làm điên đầu các nước Anh, Thụy Điển, Belgium, Đức, Ba Lan, Pháp… Cũng vì chính sách mở cửa biên giới, những tên tội phạm, khủng bố thông dong đi lại các nước Liên Âu; gây khó khăn trong việc điều tra và truy lùng của các cơ quan an ninh. Một vài nước nay đã cưỡng lệnh Liên Âu không cho di dân lên bờ nữa.

Tóm lại, cũng như chủ nghĩa Cộng Sản không tưởng, chủ thuyết toàn cầu hoá rồi cũng chẳng bao giờ thành hiện thực. Đoàn kết trong một nước còn chưa xong, nói chi đến tham vọng đoàn kết cả nhân loại thành một khối!

Thành quả của Tổng Thống Trump hai năm qua.

Nếu so với các vị Tổng Thống trước đây, trong cùng một thời kỳ chưa tới hai năm làm việc, thì không thể phủ nhận thành quả của Tổng Thống Trump thật là vĩ đại.

Dù thừa kế một hành chánh tồi tệ, tham nhũng, dù bị gần như cả khối truyền thông hợp tác với đảng Dân Chủ đánh phá liên tục, dù bị những nhân viên sót lại của hành pháp Obama làm nội tuyến, tìm mọi cách cản trở, phá thối; Tổng Thống Trump đã thực hiện hầu hết những điều ông đã hứa. “Promises made, Promises kept.”

Việc thắng cử của ông là một thắng lợi thần kỳ, một phép lạ trong khi cả giới truyền thông đều đinh ninh rằng ông không có cơ may nào. Kế cả việc họ cho rằng việc ông tranh cử là một chuyện đuà. “He is a joke.”

Ông Trump nhiều lần nói đùa ông có cây đũa thần. Thật ra thì chẳng có gì là phép lạ mà là do tài năng kinh bang tế thế của một nhà tỷ phú, dám nghĩ, dám làm và đã làm đến nơi đến chốn.

Sau đây, xin kể sơ qua vài điểm chính quan trọng:

1 . Về Kinh Tế:

Nếu lấy chỉ số thị trường chứng khoán làm thước đo, thì đây: Tháng 11, năm 2016 chỉ có 18332 điểm! Ngày 17 tháng 1, 2018, chỉ số DOW Jones lên tới mức kỷ lục 26 ngàn điểm. Lên  7000 điểm trong chưa tới hai năm tức 40%. Kỷ lục tăng điểm bị phá liên tiếp 105 lần! Trước năm 2017, trong suốt hơn 1 thế kỷ, chưa bao giờ chỉ số này tăng lên 3500 điểm trong một năm!

Việc tăng chỉ số DOW Jones có nghĩa là tiền tiết kiệm của quý vị trong 401K cũng tăng vọt theo! Mấy vị thiên về Dân Chủ có chịu thấy điều này hay không?

  1. Tổng sản lượng kinh tế và nợ quốc gia.

Dù trong 7 năm sau của thời kỳ hành pháp Obama có tăng chút ít, thì thời kỳ này vẫn bị coi là tồi tệ trong lịch sử Hoa Kỳ sau chiến tranh. Mức tăng trưởng trung bình về GDP từ sau thời suy thoái 2009 chỉ vỏn vẹn trên 2.1% mỗi năm. Xin nhắc, mức tăng trưởng trung bình từ sau 1949 là trên 4% mỗi năm. Mức 2.1% không phải chỉ là tồi tệ mà bị coi là tai họa. Trung bình trong lịch sử, thì lẽ ra mức sống của dân Mỹ phải tăng 20% so với năm 2007 là năm cuối của hành pháp Bush.

Các nhà phân tích kinh tế cho rằng nguyên nhân của sự chậm tăng trưởng là do Obama và Quốc Hội Dân Chủ đã tăng các mức thuế. Thuế đánh vào lợi nhuận tư bản (capital gain) tăng từ 15% lên 20%; Ở mức cao nhất của thang thuế, gia tăng thuế từ 35% lên 39.6%. Cộng thêm loại thuế mới để chi trả cho bảo hiểm sức khoẻ Obama Care.

Còn thời Tổng Thống Trump?

Trong tam cá nguyệt thứ hai của năm 2018, mức tăng trưởng là 4.2%, qua tam cá nguyệt thứ ba là 3.5%. Lấy trung bình cả năm, phải hơn 3%, là điều mà Obama không có tài tạo ra được.

Về nợ quốc gia, thời kỳ của Obama, nợ này tăng rất nhanh. Nó là 20 ngàn tỷ đô la, gấp đôi con số mà cựu Tổng Thống Bush để lại.  Đem so sánh tỷ lệ giữa nợ quốc gia và GDP, Obama đã làm tỷ lệ này tăng ở mức 60% năm 2009, và 100% năm 2016.

Trong hai năm, Tổng Thống Trump chỉ làm nợ tăng 1.7 ngàn tỷ. Và bù lại, nhờ vào sự gia tăng GDP, tỷ lệ nợ và GDP càng ngày càng giảm.

  1. Công ăn việc làm, mức lương

Người ta gọi Tổng Thống Trump là Tổng Thống của việc làm (Jobs President). Tuần này, Bộ Lao Động loan báo con số 250 ngàn việc làm tạo thêm trong tháng 10, 2018. Từ chưa tới hai năm, Tổng Thống Trump đã tạo ra 4.3 triệu công việc cho lao động Mỹ. So sánh với thời kỳ hai năm đầu của Obama, mất 4.2 triệu công việc. Mức thất nghiệp hiện này là 3.7%, thấp nhất trong lịch sử hơn 50 năm qua.

Hàng triệu người Mỹ và nhiều công ty Mỹ hưởng lợi qua chương trình giảm thuế do Tổng Thống Trump ban hành cuối năm 2017. Công dân thì sẽ nhận được tiền trả lại từ sở thuế và còn nhận nhiều khoản tiền thưởng do các công ty được giảm thuế. Nhiều công ty đã mang cơ sở trở về lại Hoa Kỳ, giúp thêm công ăn việc làm cho dân Mỹ. Và tiền lương căn bản năm nay đã tăng ở mức hơn 3% so với năm ngoái chưa kể mức lương tối thiểu cũng tăng rất nhiều.

  1. Đối ngoại

Trong khi Obama tiêu cực, bi quan cho rằng Nhà Nước Hồi Giáo Iraq và Syria (ISIS) sẽ tồn tại ít lắm cũng một thế hệ, Tổng Thống Trump đã thề sẽ diệt bọn khủng bố này và ông đã làm điều này ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Từ con số 60 ngàn tên chiếm cứ một vùng rộng lớn ở Syria và Iraq, nay chúng chỉ còn không tới 1000 ẩn náu trong các vùng hẻo lánh, trong khi lãnh thổ Syria và Iraq đã được khôi phục.

Ngoài các nỗ lực về quân sự, Tổng Thống Trump đã gặp gỡ Giáo Hoàng Francis và 50 lãnh tụ các nước Hồi Giáo, lãnh tụ Âu Châu và Israel  trong chuyến công du đầu tiên để yêu cầu các lãnh tụ Hồi phải loại bỏ bọn cực đoan trong nước họ.

Ông đã trừng phạt Pakistan vì nước này còn bao che bọn khủng bố. Ông ngăn chặn 221 triệu đô la mà Obama đã chuẩn bị chuyển cho Pakistan và từ chối trợ giúp về an ninh cho nước này. Ông cũng giảm hết 50% tiền viện trợ cho Palestine. Ông thẳng thừng tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không làm việc với bất cứ tổ chức Hồi Giáo nào yểm trợ bọn Hồi cực đoan.

Trong chuyến công du thành công ở Á Châu, Tổng Thống Trump đã có những thương lượng ước lượng trị giá 300 tỷ đô la. Ông cũng đã giải quyết hiểm họa nguyên tử từ Bắc Cao Ly sau khi họp thượng đỉnh với lãnh tụ Kim Jong un. Ông cũng đã tái thương lượng cho một hiệp ước giao thương mới giữa Mỹ, Canada và Mexico; là điều mà Obama từng hứa năm 2007 nhưng không hề làm!

  1. Đối nội

Tổng Thống đã vượt qua nhiều cam go do sự phá bỉnh từ những dân cử đảng Dân Chủ để bổ nhiệm thành công hai Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Neil Gorsuch năm 2017 và Brett Kavanaugh gần cuối năm nay. Tổng Thống cũng đã ký hơn 90 lệnh hành chánh trong vòng 100 ngày đầu của nhiệm kỳ nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách. Xin kể một số như sau:

Hủy bỏ sáng kiến về vấn đề thay đổi thời tiết do Obama ký.

Cấm cửa những cá nhân từ một số nước đang bị nhiễm khủng bố Hồi Giáo.

Cưỡng chế việc cải tổ các thể lệ điều hành (regulatory reform).

Bảo vệ các lực lượng cuỡng chế pháp luật.

Chiến thắng ISIS

Tái dựng quân lực hùng mạnh

Tái dựng tường biên giới

Cắt tài trợ cho các thành phố bao che (sanctuary cities).

Chấp thuận đường ống dẫn dầu Keystone và Dakota.

Giảm bớt các thể lệ trong sản xuất.

Tạm ngưng tuyển mộ nhân viên liên bang,

Rút ra khỏi thoả ước TPP, Khí hậu Paris..

Báo The Washington Examiner liệt kê đến 289 thành quả của Tổng Thống Trump trong 20 tháng đầu tiên. Tổ chức The Heritage Foundation còn đánh giá thành quả của Tổng Thống Trump lên hàng đầu, cao hơn của cố Tổng Thống Reagan. Tuy nhiên đa số báo chí, truyền hình dòng chính vẫn làm ngơ, không đả động đến những thành quả này, mà chỉ moi móc tìm thêm những chuyện vụn vặt để đánh phá cho bằng được!

Một điều mà phe Dân Chủ tuyên truyền là chính sách giảm thuế các công ty là bảo vệ quyền lợi giới giàu có. Chúng tôi xin làm một bài tính để xem lợi hại ra sao:

Giả thử có 100 đại công ty đang sản xuất tại Mỹ. Nếu lợi tức của mỗi công ty là 1 triệu. Tổng cộng của 100 công ty là 100 triệu. Nếu mức thuế là 45%, thì nhà nước sẽ thu vào 45 triệu. Nhưng vì thuế cao, có 50 công ty chuyển ra nước ngoài, nhà nước chỉ còn thu 22.5 triệu. Số công nhân bị thất nghiệp sẽ không đóng xu thuế nào mà còn lãnh hàng trăm triệu tiền thất nghiệp và phúc lợi xã hội. Nay chính phủ hạ mức thuế còn 35%, các công ty sẽ đem sản xuất trở về. Chính phủ sẽ thu được 35 triệu. Công nhân có việc làm sẽ đóng thuế lợi tức, và chính phủ đỡ tốn tiền phúc lợi cho họ. Kết quả, giảm thuế vẫn là biện pháp tốt hơn. Phải không thưa quý vị?

Đếm lại phiếu ở 2 tiểu bang

Tại ba tiểu bang Florida, Georgia, do sự chênh lệch phiếu giữa người thắng kẻ bại không hơn 0.5% (tức 5 phần ngàn), những người thua cuộc đã đòi kiểm phiếu lại. Ứng cử viên Thống Đốc Florida Andrew Gillum được 49.2% chỉ thua ông Ron DeSantis 33,684 phiếu tức 4 phần ngàn phiếu. Ông DeSantis có 49.6% phiếu bầu. Sau khi có kết quả, Gillum đã xác nhận sự thua cuộc, nay tuyên bố rút lại lời xác nhận. Việc đếm lại phiếu cũng áp dụng luôn cho phiếu bầu Thượng Viện. Cùng lúc, ông Rick Scott chỉ thắng đối thủ Dân Chủ Bill Nelson có 0.14% nên cũng bị đếm lại. Đặc biệt, tại Broward County của Florida, người ta phát giác chủ sự phòng phiếu Brenda Snipes hủy bỏ nhiều phiếu cử tri và gian lận khi dùng tên những người chết để bỏ phiếu. Sự gian lận này thể hiện qua việc số phiếu ghi danh nhiều hon dân số cử tri. Lại có tin có những phiếu bầu bằng email! Thêm truờng hợp khi xe chở các thùng chứa phiếu đến phi trường để chuyển lên máy bay, một nhân viên hãng cho mướn xe phát giác có 1 thùng bị bỏ lại. Anh ta báo với cảnh sát. Báo hại phi trường Ft. Laudedale phải một phen báo động, tạm đóng vì tưởng thùng chất nổ. Khi một dân biểu tiểu bang đến quan sát việc chất các thùng phiếu lên xe thì bị nhân viên tại đây đẩy ra không cho lại gần. Có những lá phiếu bất hợp pháp bị vô hiệu hoá. Luật sư của ứng cử viên Dân Chủ phản đối việc này. Khi được hỏi tại sao bà Snipes có quá nhiều việc làm phi pháp mà không bị đuổi, câu trả lời là vì bà ta cũng là viên chức dân cử, nên ngoài thẩm quyền của các viên chức hành pháp Tiểu Bang. Việc gian lận còn đuợc khám phá ở Palm Beach County.

Tại Geogia, ông Brian Kemp của Cộng Hòa thắng bà Stacey Abrams (Dân Chủ) trong cuộc bầu Thống Đốc. Ông Kemp được 50.3% phiếu, bà Abrams được 48.8%, cách nhau 1.5%. Nhưng bà Abrams không chịu nhận mình thua mà còn khiếu nại đòi đếm phiếu lại.

Tại Arizona, trong ngày thứ ba, khi có đến 99% số phiếu được kiểm; kết quả cho thấy bà Martha McSally (Cộng Hòa) thắng bà Kyrsten Sinema (Dân Chủ). Nhưng sau vài ngày số phiếu bà Sinema tăng thêm. Đến tối Chủ Nhật bà Simnema được 49,7% trong khi bà McSally có 48%. Như thế, Cộng Hoà mất một ghế Thượng Viện cho Dân Chủ. Kết quả mới cho thấy tỷ số giữa hai đảng coi như không thay đổi so với trước: 51/47 và 2 ghế chưa xác định. Tại Hạ Viện, Dân Chủ có 228, Cộng Hòa có 199, và 8 ghế các đảng khác.

Trong các lần phỏng vấn trên truyền hình, những vị dân biểu Dân Chủ đã hé lộ cho thấy chương trình của họ là (1) bảo vệ Obamacare, (2) duy trì Ủy ban Điều tra của ông Mueller, (3) mở ra hàng chục cuộc điều tra khác nhắm vào Tổng Thống Trump… 

California lại cháy lớn

Nhìn trên bản đồ tiểu bang, thấy các đám cháy bao trùm cả một vùng rộng từ Bắc xuống Nam, chỉ chừa khoảng giữa là ít cháy. Đặc biệt nhiều khu ngoại vi của Los Angeles cũng bị cháy lớn. Nhiều gia đình các tài tử nổi tiếng cũng phải di tản ra vùng an toàn.

Hình ảnh những đám cháy hãi hùng ngay cả tại những vùng dân cư được chiếu liên tục trên các màn ảnh truyền hình làm xúc động lòng người.  Vụ cháy này được xem là thiệt hại to lớn nhất từ trước đến nay.

Có hơn 56 người được ghi nhận chết, hàng trăm người chưa rõ số phận, 250 ngàn người phải di tản. Ngọn lửa thiêu rụi gần 300 ngàn héc ta, hơn 7000 kiến trúc trong đó có nhà cửa và cơ sở kinh doanh. Có hơn 8000 lính cứu hỏa đang quần thảo với thần lửa. Texas cũng gửi lính cứu hoả đến tăng viện. Nhiều chuyện đáng buốn xảy ra là có hàng chục vụ hôi của. Những kẻ xấu lợi dụng tình hình để đi ăn cắp đồ đạc những gia đình bị nạn. Nhưng cũng có gương hy sinh đáng khen khi một nữ y tá tình nguyện ở lại săn sóc nạn nhân ở vùng bị cháy. Bà này đã gọi điện thoại báo cho chồng biết là bà có thể bị chết trong biển lửa!

Tiểu Bang California năm nào cũng bị thần hỏa chiếu cố nặng nề. Ngoài ra còn bị đe dọa bởi những trận động đất có cường độ lớn, có nguy cơ hủy diệt cả vùng ven biển giáp Thái Bình Dương.

Đoàn di dân Honduras

Sau khi thêm nhiều đoàn nhỏ từ Guatemala, và bớt đi một số chấp nhận ở lại Mexico, đoàn di dân hiện còn khoảng 6000 người. Một vài toán đầu tiên đã đến biên giới Hoa Kỳ. Các video cho thấy nhiều người đã ngang nhiên leo lên ngồi trên bức tường. Cũng video cho thấy đoàn người được những tổ chức nào đó lo rất chu đáo. Từ xe bus chở do các doanh nghiệp Mexico lo; đến các lều trại, cung cấp thực phẩm trên đường… Phe truyền thông Dân Chủ chi chiếu những hình ảnh các bà mẹ và con nhỏ để gợi lòng nhân và lên án TT Trump; trong khi nhiều phóng viên khác cho thấy có đến 80% số người di dân là đàn ông, thanh niên rất bặm trợn, hung hăng. Họ đã dùng gạch đá, bom xăng chống lại cảnh sát Mexico và Guatemala.

Hiện có khoảng 5500 binh sĩ Hoa Kỳ tăng cường với cảnh sát biên giới. Con số binh sĩ có thể lên đến trên 7000. Một công ty xây dựng trúng thầu để bắt đầu xây tường dài khoảng 20 dặm ở biên giới Texas và Mexico.

Một thăm dó cho biết có đến 150 triệu người lớn trên thế giới muốn di dân đến Hoa Kỳ! 

Chiến sự vùng Trung Đông

Israel – Palestine

Israel tuần qua cho một toán biệt kích cải trang dân thường đi xe hơi vào phần đất Gaza thuộc Palestin tấn công giết chết 7 loạn quân Hồi Hamas trong đó có hai chỉ huy cao cấp. Khi bị phát hiện, họ đã gọi phi cơ yểm trợ để thoát thân. Phản lực cơ Israel đã bắn chết nhiều người Palestine. Hôm sau, nhóm Hamas trả đũa bằng cách bắn qua lãnh thổ Israel 17 hoả tiễn. Hoả tiễn rơi vào khu dân cư có nhiều trường học. Cuộc giao tranh đã xảy ra dữ dội ở dọc biên giới. Một Trung Tá Israel và nhiều binh sĩ Hamas tử thương. Vụ này xảy ra chỉ sau một ngày hai phe Israel và Hamas đạt được một thoả thuận gián tiếp trong đó Israel bằng lòng để cho Palestine nhận thêm xăng dầu và khoảng 15 triệu tiền viện trợ của nước Qatar. Thủ Tướng Netanyahu đang tham dự ngày Armistic tại Paris phải nhanh chóng quay trở về nước. Những ngày kế đó, Palestine bắn hàng trăm hoả tiễn vào Israel nhưng đa số bị Iron-Dome của nước này bắn hạ trên không. Hiện hai bên đã chịu cho Egypt đứng ra đàm phán ngưng bắn.

Yemen

Tại thành phố Hodeida ở Yemen, chỉ trong một ngày giao chiến giữa hai phe phiến loạn và phe chính phủ, có đến 149 người chết trong đó có nhiều dân thường. Thành phố đang do bọn phiến quân Houthi do Iran yểm trợ này là thành phố hải cảng sát Hồng Hải và là cửa ngõ để tiếp nhận viện trợ nhân đạo cho nước Yemen nghèo khổ này..

Phe thân chính phủ do nước Saudi yểm trợ cho hay nhóm Houthi đã đẩy lùi được cuộc tấn công lớn của họ nhằm mở đường tiến đến hải cảng Hodeida. Trong một cuộc giao tranh suốt đêm, phe phiến quân có 110 người chết và thiệt hại về phe thân chính phủ là 32. Thiệt hại bên phía Housthi đa số là do phi cơ oanh kích.

Kể từ đầu tháng 11 đến nay, có hơn 600 người chết tại thành phố này. Hiện trong nước Yemen, có 14 triệu người đang lâm vào cảnh đói khát và thiếu hẳn chăm sóc y tế. Những tổ chức y tế cứu trợ nhân đạo còn lại rất hiếm, nhưng thiếu các phương tiện và thuốc mẹn. Hàng ngày, họ phải đối đầu với cái chết do bom đạn cả hai bên.

Chiến tranh thương mại làm sản xuất tại Trung Cộng đình đốn.

Tuy bên ngoài còn làm bộ cứng cỏi, nhưng bức tranh của nền sản xuất tại Trung Cộng đang dần mang màu sắc ảm đạm. Trung Cộng đã xoay chuyển nền kinh tế dựa trên đầu tư (investment-driven economy) sáng nền kinh tế dựa trên sự tiêu thụ (consumption-driven economy). Trong khu vực sản xuất chế tạo, họ đang chú trọng vào những ngành chế tạo máy móc tân tiến như robotics, xe hơi chạy bằng điện, là những sản phẩm có giá trị cao. . Thoạt đầu, sự sản xuất có vẻ phát triển cho dù thương vụ bán xe bị giảm sút.

Nhưng Trung Cộng lâm vào tình trạng quá thừa năng lực (overcapacity) trong vài ngành kỹ nghệ như luyện thép dù đã ra sức ngăn chặn tình trạng này. Overcapacity là tình trạng sản xuất quá dư thừa so với sự tiêu thụ; cung nhiều hơn cầu. Hậu quả dẫn đến nạn thất nghiệp tràn lan. Từ trước, việc tiêu thụ cao và xuất cảng mạnh đã giúp Trung Cộng trong giai đoạn chuyển tiếp. Nhưng nay, sự tranh chấp ngoại thương với Hoa Kỳ đã đánh mạnh vào tận gốc rễ của sự tăng trưởng. Nhu cầu mua sắm những vật dụng xa xỉ có phẩm chất cao đang giảm một cách nghiêm trong trong giới tiêu thụ Trung Hoa. Có lẽ đó là do tình hình kinh tế không khả quan nên người tiêu thụ ngưng mua sắm để thăm dò. Việc đầu tư vào doanh nghiệp tại Hoa Lục cũng bị ảnh hưởng xấu. Nhiều công ty tạm ngừng sản xuất. Lãnh vực xuất cảng càng tồi tệ hơn. Thị trường chứng khoán tan vỡ, thị trường địa ốc chậm lại. Giới kinh tế gia cho rằng kinh tế Trung Cộng đang bị trì trệ, đình đốn là do hâu quả cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ.

Tuần trước, Tổng Thống Trump tuyên bố với cơ quan truyền thông Bloomberg rằng: “Chúng ta đang có một tranh chấp lớn, rất lớn [với Trung Cộng], và chúng ta đang thắng. Trung Hoa rất muốn thương lượng. Mà dù cho họ không muốn, chúng ta chẳng quan tâm.”

Khi trình bày quan điểm của mình, Tổng Thống đã dùng sự so sánh thị trường chứng khoán (Equity market) yếu ớt của Trung Cộng so với thị trường vững mạnh của Hoa Kỳ.

Một điều đáng lưu ý là Trung Cộng không phải là quốc gia theo chế độ dân chủ. Vì thế, nhà cầm quyền không bị công luận và truyền thông theo dõi, phê bình. Kinh tế thành hay bại không ảnh hưởng đến việc bầu cử như tại Hoa Kỳ. Chỉ có việc là nếu kinh tế khá lên thì nhà cầm quyền có thể ngăn được sự bất ổn xã hội. Nay chiến tranh thương mại có làm đình đốn kinh tế Trung Cộng, nhà cầm quyền xem như bị chạm nọc. Họ đang mong chờ Hội Nghị G-20 tại Argentina khi ông Tập Cận Bình có thể sẽ gặp Tổng Thống Donald Trump để bàn bạc chính thức.

Chuyện Bắc Cao Ly

Trung tâm Nghiên Cứu Chiến lược phát giác ra một số khoảng 13 cơ sở của Bắc Cao Ly còn bí mật hoạt động thí nghiệm và sản xuất hỏa tiễn và nguyên tử. Những cơ sở này không dùng làm nơi phóng hỏa tiễn. Họ xem như Bắc Cao Ly chưa thực tâm trong cam kết với Hoa Kỳ về nghĩa vụ giữa hai bên, trong đó Bắc Cao Ly phải từ bỏ hoàn toàn việc thí nghiệm, phát triển hoả tiễn và nguyên tử. Theo báo cáo, lẽ ra những cơ sở này phải được Bắc Cao Ly khai báo và để cho nhân viên có trách nhiệm kiểm soát chúng.

Bề ngoài mặt, họ đã cho phá hủy các cơ sở nơi đặt bệ phóng và vài cơ sở nghiên cứu. Phát ngôn viên chính phủ Nam Cao Ly Kim Eui-kyeom đã nói rằng việc phát hiện các cơ sở bí mật này không có gì là mới vì Nam Cao Ly cũng biết rồi; và coi đó là những trọng đề mà Hoa Ký và Bắc Cao Ly sẽ đưa ra trong lần thảo luận mới. Theo ông, Bắc Cao Ly không hứa sẽ hủy bỏ những căn cứ hỏa tiễn tầm ngắn tại vùng cách thủ đô Seoul 84 dặm về hướng tây bắc.  Phía Bắc Cao Ly cũng cho hay Chủ tịch Kim Jong-un chưa thoả thuận việc ngưng phát triển vũ khí nguyên tử hay hoả tiễn trong những lần thảo luận với Tổng Thống Trump hoặc với Bộ trưởng Ngoại giao Pompeo!

Ông Abraham Denmark, một giám đốc của Trung Tâm Wilson nói rằng việc Bắc Cao Ly tiếp tục phát triển nguyên tử hay hoả tiễn liên lục địa không có gì là ngạc nhiên. Cho dù có những cuộc thảo luận với Hoa Kỳ, Nam Cao Ly, mối đe doạ của Bắc Cao Ly ngày hôm nay cũng chẳng khác gì năm trước đây! Theo ông, việc cải thiện quan hệ với Bắc Cao Ly là một mục tiêu buồn cười. Ai cho rằng mối đe dọa nguyên tử của họ đã được giải quyết thì chẳng qua chỉ là sự lừa bịp, hay chỉ là một mơ ước mà thôi.