Hội Thảo Kỷ Niệm 50 Năm Chương Trình Việt Nam Hoá Chiến Tranh 1969-2019.

Đỗ Văn Phúc

<>

This image has an empty alt attribute; its file name is DVP.jpg

Trong ba ngày cuối tuần vừa qua, từ 25 đến 27 tháng 4 2019, Trung Tâm và Văn Khố Việt Nam (The Vietnam Center and Archive) thuộc trường Đại Học Kỹ Thuật Texas (Texas Tech) đã tổ chức một chương trình hội thảo với đề tài “1969: Chính Sách Việt Nam Hoá và Năm Chuyển Tiếp của Chiến Tranh Việt Nam” tại khách sạn MCM Elegante Hotel trên đuờng Avenue Q, thành phố Lubbock. Lubbock là nơi có trường Đại Học Kỹ Thuật nổi tiếng, mà Vietnam Center là một cơ sở trực thuộc, nằm trong khuôn viên của trường.

Do đề tài rất hấp dẫn, năm nay đã thu hút hơn 200 khách tham dự. Trong số gần 100 diễn giả từ 8 quốc gia đến, có 20 diễn giả người Việt Nam mà đa số thuộc cộng đồng người Việt quốc gia, vài sinh viên từ Việt Nam đang theo học các năm chót cấp tiến sĩ tại Nam Hàn, Hoa Kỳ, Germany và vài người thuộc thành phần giảng dạy tại các Đại Học Nhân Văn Sài Gòn, Huế.

Trong hai ngày hội thảo, có 32 chương trình ngắn (sessions), mỗi session dài 90 phút, có từ 2 đến ba thuyết trình viên, và mỗi người chỉ có 20 phút để trình bày đề tài. Sau đó 30 phút còn lại dành cho cử tọa đặt câu hỏi.

Trong thành phần người Việt hải ngoại năm nay có nhiều vị từng giữ những chức vụ quan trong trong hai nền đệ nhất và đệ nhị Cộng Hoà như ông Hoàng Đức Nhã (Tổng Trưởng Dân Vận và Chiêu Hồi), ông Phạm Kim Ngọc (Bộ Trưởng Kinh Tế), ông Nguyễn Đức Cường (Bộ Trưởng Giao Thương và Kỹ Nghệ), ông Trần Quang Minh (Bộ Trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn). Ngoài ra còn có những nhà báo, nhà văn tên tuổi như bà Vũ Thanh Thủy, Triều Giang, Phan Nhật Nam và Đỗ Văn Phúc.

Đa số các bài thuyết trình nhắm đúng trọng tâm là chính sách Việt Nam Hoá do Tổng Thống Richard Nixon đề ra vào năm 1969 nhằm tiến hành việc chuyển giao trọng trách chiến đấu hoàn toàn cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà để Hoa Kỳ rút hết quân về nước vào năm 1972, chấm dứt sự can thiệp quân sự tại miền Nam Viêt Nam. Các diễn giả hầu như cùng đưa ra nhận định rằng chính sách này đã thất bại do thiếu chuẩn bị và thi hành quá gấp rút vì áp lực của quần chúng Mỹ qua một Quốc Hội do đảng Dân Chủ cầm đầu, Một lý do không kém quan trọng là biến cố Watergate đã làm cho uy tín của Tổng Thống Nixon bị suy giảm trầm trọng đưa đến việc ông phải từ chức.

Trong bài thuyết trình quan trọng của Tiến Sĩ Pierre Asselin thuộc Đại Học San Diego State University tựa đề là “Tìm hiểu kẻ thù: Các yếu tố giúp cho Hà Nội thắng cuộc”, ông Asselin đã nêu ra các lý do: (1) những chính sách công an trị cực kỳ tàn bạo, gian xảo, dai dẳng để lừa bịp, ép buộc dân chúng chỉ còn một con đuờng là tham gia chiến đấu cho đến chết, (2) vừa lợi dụng tranh chấp Nga Hoa mà đu dây khôn khéo để tranh thủ sự yểm trợ tích cực của khối Cộng Sản; (3) và lại vừa biết cách tuyên truyền mị dân để lôi kéo sự ủng hộ của ngay quần chúng Hoa Kỳ là nước đồng minh của Việt Nam Cộng Hoà. Ông đã nói lên một kết luận mà ít ai dám thừa nhận rằng: “dù có kéo dài thêm chiến tranh, với các chính sách tàn bạo và lừa bịp của Cộng Sản, Hoa Kỳ cũng không thể nào chiến thắng.”

Một phần các diễn giả phía Việt Nam Cộng Sản thì chọn các đề tài có tính chất trung dung như nói về nền học vấn đại học miền Nam, vai trò báo chí. Có cô sinh viên du học năm chót chương trình tiến sĩ thì nói về các toán cố vấn lưu động của Hoa Kỳ hoạt động với lực lượng diện địa mà trong đó đã nêu ra những gương hy sinh, tình đồng đội xảy ra giữa những người lính Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ.

Hai diễn giả bị quay nhiều nhất là Nguyễn Hùng và Triệu Huy Hà cùng thuộc Đai Học Nhân Văn Sài Gòn. Ông Hùng nói về thảm sát Mỹ Lai, và ông Hà nói về phong trào Phật Giáo. Họ đã bị liên tiếp nhiều cử toạ phê bình là chỉ biết nói theo một luận điệu xảo trá của Cộng Sản mà không biết tham khảo các tài liệu trung thực. Điều này chẳng có gì lạ. Những người này lớn lên, học hành trong một môi trường mà thông tin bị bưng bít, chỉ có một nguồn độc nhất là do đảng Cộng Sản đưa ra mà thôi. Diễn giả về Mỹ Lai bị hỏi dồn về vụ thảm sát Mậu Thân mà đến nay sau hơn 50 năm, nhà cầm quyền Việt Cộng chưa lên tiếng nhận tội và xin lỗi gia đình gần 7000 nạn nhân bị giết một cách dã man tại Huế. Diễn giả Triệu Huy Hùng thì hoàn toàn lúng túng vì trình độ Anh Ngữ kém cỏi đến nỗi một vị người Việt phải dịch các câu tiếng Anh ra tiếng Việt cho anh ta hiểu. Nhưng cuối cùng anh cũng không trả lời được các câu hóc búa mà lại có dẫn chứng đàng hoàng về sự thật hiễn nhiên rằng Phật Giáo Ấn Quang cùng các phong trào sinh viên, phụ nữ thời đó bị cán bộ Việt Cọng xâm nhập và đã trở thành các công cụ của Cộng Sản.

Chúng tôi, vì có một lúc 4 panels diễn ra tại 4 phòng khác nhau trong cùng một lúc, nên không thể theo dõi hết các phần thuyết trình mà chỉ chọn panels nào cần theo dõi; nhất là các panels của những diễn giả từ Việt Nam đến.

Một điều lạ là sự có mặt của Cù Huy Hà Vũ, người mà cho đến nay vẫn còn tôn thờ thần tượng Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp; người mà coi ngày quốc hận 30 tháng tư là “ngày Đại thắng, ngày vinh quang của dân tộc”. Một phóng viên truyền hình địa phương hỏi anh ta về việc đồng bào vượt biên. Cù đã không che đậy mà đổ thừa rằng vì “sau 30 tháng 4, đời sống vật chất có nhiều khó khăn nên dân chúng bỏ nước ra đi.” Khi phóng viên hỏi về việc Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ, Cù trả lời cho rằng vì “ông Trọng đi ngoài nắng mà không đội nón nên bị cơn nắng tác hại…” Cù còn cho hay anh được một phụ nữ trong cộng đồng Việt Nam (xin tạm dấu tên) khuyến khích đến dự hội thảo. Trong ngày thứ Bảy, sau ăn trưa, chúng tôi đã thấy bà Nancy Bùi tức ký giả Triều Giang, đã dẫn Cù Huy Hà Vũ đến giới thiệu làm quen với Tiến Sĩ Steve Maxner, Giám Đốc Trung Tâm Việt Nam. Không rõ Cù đang tính đòn phép gì đây; vì cũng theo người phóng viên, Cù thổ lộ rằng chỉ có những người trong nội bộ Cộng Sản mới lật đổ được nhà cầm quyền hiện nay.

Nhìn chung, cuộc hội thảo năm nay đã diễn ra vô cùng sôi nổi. Các diễn giả người Việt quốc gia hầu hết đã lớn tuổi. Họ đến được Lubbock là cả một sự cố gắng rất lớn. Bên cạnh đã nổi lên vài diễn giả trẻ như Tiến Sĩ Phan Quang Trọng ở Dallas có bài “Hiệu Quả của Kế Hoạch Việt Nam Hoá”; Nguyễn Hải của Harvard University có bài “Ký Ức và Động Lực: Một Quá Khứ Mới của Chiến Tranh Việt Nam,” Tiến Sĩ Tường Vũ, Giáo sư Sử Học thuộc Đại Học Oregon không có bài diễn thuyết nhưng tham gia với tư cách điều hợp viên cho vài panels.

Từ hàng chục năm qua, kể cả trong thời còn chiến tranh, truyền thông thiên tả của Mỹ đã bóp méo sự thật về cuốc chiến Việt Nam. Theo đuôi là các thành phần giảng dạy đại học mà hậu quả  đa số quần chúng bị mắc lừa, coi chiến tranh này là do Hoa Kỳ hiếu chiến, đưa quân giết hại đồng bào Việt Nam trong khi coi Việt Cộng là những người yêu nước nổi dậy giành độc lập.

 Người Việt phải tiếp tục chiến đấu trên mặt trận này để hoá giải những luận điệu xuyên tạc vô cùng tai hại.  Chúng tôi rất ao ước các trí thức trẻ trong cộng đồng tích cực hơn trong những công việc quan trọng này. Diễn đàn Lubbock mở rộng cho các khuynh hướng, kể cả phía Cộng Sản Việt Nam. Nếu người Việt quốc gia thờ ơ không tham dự, mặc nhiên chúng ta để diễn đàn cho đối phương tha hồ tuyên truyền khoét lác trước cử tọa người Mỹ hay quốc tế.