Thời Sự Hàng Tuần – 19/10/2019. Tranh luận lần 4 của phe Dân Chủ

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Buổi tranh luận lần 4 của các ứng cử viên Dân Chủ

12 ứng cử viên Dân Chủ

Lần tranh luận thứ 4 của các ứng cử viên đảng Dân Chủ diễn ra tại Westerville, Ohio, từ 7 đến 10 giờ (CT) ngày thứ Ba, 15 tháng 10, 2019 do đài CNN và nhật báo New York Times phụ trách với hai điều hợp viên của CNN là ông Anderson Cooper và cô Erin Burnett cùng ký giả Mark Lacey của NYT

Đứng trên sân khấu là 12 người kể theo thứ tự abc là: Joe Biden, Cory Booker, Peter Buttigieg, Juan Castro, Tulsi Gabbard, Kamala Harris, Amy Klobuchar, Beto O’Rourke, Bernie Sanders, Tom Steyer, Elizabeth Warren và Andrew Yang, So với kỳ trước, quý vị thấy có thêm hai người mới được đủ tiêu chuẩn để vào vòng này là ông Steyer và bà Gabbard. Cũng xin nhắc lại tiêu chuẩn để được vào vòng tranh luận là: (1) phải có ít nhất 2% cử tri ủng hộ trong ba lần thăm dò, và (2) phải trình ra bằng chứng có ít nhất 130 ngàn lần cho tiền của ít nhất 400 người trong ít nhất 20 tiểu bang.

Người già nhất trong đám là Bernie Sanders 78, kế là Joe Biden 76, và trẻ nhất là bà Tulsi Gabbard 38, dân biểu Liên bang từ Tiểu Bang Hawaii và Thị Trưởng Peter Buttigieg (37). Trong các thăm dò trước ngày tranh luận, bà Warren và ông Joe Biden đã luân phiên dẫn đầu với tỷ lệ mới nhất bà Warren 29%, Biden 25%, trong khi Sanders chỉ có 13%. Tệ nhất là Booker, Steyer, Gabbard, mỗi người 1%, Castro không có phần trăm nào.

Vì số lượng người quá đông – đông nhất từ trước đến nay trong 1 lần tranh luận – nên đã không có lời tuyên bố khai mạc như thường lệ (opening statement).

Vấn đề đàn hặc Tổng Thống Trump nằm trong câu hỏi đầu tiên như sau: “Chỉ còn 1 năm đến kỳ bầu cử, liệu việc đàn hặc Tổng Thống Trump có cần thiết so với việc để cho cử tri lựa chọn qua bầu cử vào năm 2020?

Gần như tất cả các ứng cử viên đều nói rằng Tổng Thống Trump là Tổng Thống tồi tệ nhất trong lịch sử, nào là vi phạm hình sự, vi phạm hiến pháp, vi phạm nhân quyền… nên cần phải đàn hặc và loại bỏ ông ta để lấy lại sự đoàn kết quốc gia và uy tín của Hoa Kỳ trước thế giới.

Biden mới đây có tuyên bố nếu đắc cử thì thành viên gia đình của ông sẽ không dính líu tới doanh nghiệp tại ngoại quốc. Điều hợp viên nhân đó đã hỏi về vụ của Hunter ở Ukraine trong khi Joe là Phó Tổng Thống, Biden đánh trống lãng mà yêu cầu tập trung vào Trump. Biden cho rằng con ông – Hunter Biden- không là điều gì sai! Và ông cũng chẳng có gì sai! “My son did nothing wrong, I did nothing wrong! …What we have to do now is focus on Donald Trump. I’m proud of the judgment he (Hunter) made.”

Nhưng trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC, chính Biden từng thú nhận đã sai lầm và có sự phán đoán kém cỏi khi để cho con mình ngồi vào ghế Hội Đồng Quản Trị của công ty Burisma.

Dân biểu Hawaii Tulsi Gabbard thì tỏ ra cẩn trong về việc đàn hặc khi bà nói việc này nếu mang tính chất phe đảng thì chỉ đưa đến sự nghi kỵ, gây thêm chia rẽ trong một đất nước vốn đang chia rẽ nghiêm trọng.

Về việc đánh thuế nhà giàu để chi trả cho kế hoạch “Free Medicare for All”, điều hợp viên hỏi có phải như thế là Sanders sẽ xoá sổ hết những nhà tỷ phú? Trong việc giảm tình trạng ngăn cách giàu nghèo, bà Harris cho rằng sẽ cấp Tax credit 6000 đô la cho mỗi người sẽ lợi hơn là đánh thuế nhà giàu.

Elizabeth Warren, người mới ngoi lên trên Biden trong các thăm dò mới nhất, đã bị truy dồn về vấn đề lấy tiền đâu để chi trả cho chính sách medicare miễn phí, liệu bà có đánh thuế nặng lên giới trung lưu hay không. Cũng như các lần tranh luận trước, bà ta né tránh trả lời “yes” hay “no” mà chỉ nói sẽ không ký các luật nào không có sự giảm giá cho giới trung lưu.

Buttigieg tấn công bà ta đã không trả lời dứt khoát, ông cho rằng bà này không có kế hoạch nào cụ thể để giải thích nguồn tiền khổng lồ cho chương trình của bà ta. Buttigieg chủ trương phải để cho người dân có quyền lựa chọn trong vấn đề bảo hiểm sức khoẻ.

TNS Amy Klobuchar cũng nhiều lần tấn công Warren. Bà nay luôn tự tách mình ra khỏi đám ứng cử viên như là một nhân vật trung dung (moderate) thay vì cấp tiến (liberal). Bà cho rằng Bernie Sanders ít ra còn lương thiện khi nói rằng đám trung lưu cũng sẽ bị ảnh hưởng về thuế tăng lên cao .

Một câu hỏi cho Andrew Yang: Tại sao lại hứa cho mỗi người 1000 đô la mỗi tháng mà lại không phải là tạo cho họ cơ hội làm việc. Anh chàng Yang cứ loanh quanh giải thích về hậu quả tai hại của sự tự động hoá làm công nhân mất việc làm.

Còn O’Rourke và Buttigieg thì cãi nhau về việc O’Rourke hứa sẽ thu hồi các súng tiểu liên AR-15 và AK-47. Buttigieg cho rằng O’Rourke không thực tế khi muốn ép buộc người có súng phải giao nộp. Amy Klobuchar và Elizabeth Warren chủ trương nên để dân chúng tự nguyện giao nộp vũ khí thay vì ép buộc.

Về thảm hoạ Opioid, mọi người đổ lỗi cho các công ty dược phẩm và chính sách của chế độ tư bản (Yang, Steyer và Klobuchar). Yang đi xa hơn muốn không bắt tội hình sự (decriminalize) việc sử dụng opioid với liều lượng nhẹ! Còn Harris thì muốn cho các chức sắc cao cấp (executives) nhà bào chế dược phẩm vào tù! Chẳng thấy ai nhắc đến thủ phạm chính là Trung Cộng, một nước thù địch mỗi năm đem nhập lậu vào Hoa Kỳ hàng ngàn tấn opioid và methamphetamine.

Kamala Harris nêu ra vấn đề quyền phụ nữ – nói trắng ra là quyền phá thai – mà đã bị bỏ sót trong những lần tranh luận trước. Bà cứ khăng khăng cho rằng phụ nữ nghèo, da màu bị chết vì những luật lệ ngăn cản khắt khe về phá thai. Bà đòi các nhà lập pháp phải để cho phụ nữ toàn quyền về nhân thân của họ tức là tự do phá thai.

Vấn đề rút quân ở Syria cũng được đưa ra. Buttigieg thì chủ trương đưa quân trở lại, Biden chống lại; Klobucha thì cho rằng phải nói chuyện với Turkey, Sanders không coi Turkey như là đồng minh. Gabbard thì chủ trương chấm dứt can thiệp để lật dổ chế độ ở một nước ngoài (regime change).

Đặc biệt hầu hết lên án Tổng Thống Trump phản bội đồng minh, hy sinh quyền lợi chung chỉ vì quyền lợi riêng của ông ta!

Một câu hỏi thú vị về tuổi tác. Điều hợp viên cho biết đa số cử tri ưa chuộng Tổng Thống tương lai sẽ dưới 70 tuổi. Điều hợp viên hỏi Biden và Sanders vừa về tuổi già, vừa về bệnh trụy tim mới đây của Sanders thì liệu có cáng đáng nỗi việc nước hay không?. Cả hai đều tự cho mình còn minh mẫn, có thừa kinh nghiệm… Còn về Tulsi Gabbard thì nếu đắc cử, sẽ là vị Tổng Thống trẻ nhất trong lịch sử (38 tuổi), bà Dân biểu trả lời bà có gần 7 năm trong Hạ Viện, 16 năm trong quân ngũ nên không lo sẽ thiếu khả năng.

Các ứng cử viên, nhất là Biden và Warren đã tấn công nhau liên tục trên nhiều vấn đề đến nỗi các điều hợp viên và cử tọa phải kêu gọi họ tỏ cư xử lịch sự. Những người theo dõi cho biết bà Warren là người nói nhiều nhất, chiếm hết 22 phút, kế đó là Sanders, 16 phút!

Trong năm nay, sẽ còn 2 lần tranh luận nữa: 20 tháng 11 tại Atlanta, Georgia và một lần vào tháng 12 chưa định ngày và điạ điểm.

Chuyện dài impeachment

impeach có lẽ sẽ không ngưng ngày nào Tổng Thống Trump còn ngồi trên ghế ở văn phòng Bầu Dục, toà Bạch Cung. Phe Dân Chủ trong Hạ Viện đã thề sẽ hạ bệ ông bằng bất cứ giá nào, bằng bất cứ thủ đoạn nào! Từ hơn hai năm nay, họ bỏ hết các việc hệ trọng chỉ để dồn hết nỗ lực lo việc impeach ông Trump!

Nhưng Tổng Thống Trump nhà ta cũng ngoan bướng vô cùng. Ban đầu thì ông chỉ có những lời đôi co phát ra hàng ngày trên trang tweeter hay qua phỏng vấn báo chí hay những tuyên bố trước cử tri. Nay thì ông càng bộc lộ thái độ bất hợp tác với cuộc điều tra do bà Nancy Pelosi và nhóm dân biểu Dân Chủ tiến hành. Phải thế thôi. Sự kiên nhẫn, nhún nhường cũng phải có giới hạn. Anh đeo đuổi tôi tận chân tường, quyết một sống một chết; thì tôi cũng phải quay lại dùng hết đòn phép để đánh lại. Ông Trump đang dùng thế “phong toả”, tức là không thêm trả lời trả vốn gì nữa. Trong một lá thư dài 8 trang do luật sư của Bạch Cung là Pat Cipollone gủi bà Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, có đoạn như sau: ““Tổng thống Trump và hành pháp của ông bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ, mà lại có tính chất vi hiến của quý vị nhằm gây rối loạn tiến trình dân chủ… Hành động không có tiền lệ của quý vị đã khiến cho Tổng thống không còn sự lựa chọn nào khác. Để làm tròn nghĩa vụ của ông đối với người dân Mỹ, Hiến pháp, Tổng thống Trump và hành pháp của ông không thể tham gia vào cuộc điều tra đầy tính chất đảng phái và vi hiến của quý vị trong lúc này.

Cuộc điều tra của Hạ Viện hiện đang nhắm vào vấn đề giữa Tổng Thống Trump và Ukraine khi họ kết án ông vi phạm luật bầu cử bằng cách dùng uy quyền để nhờ ngoại bang điều tra đối thủ của mình là cựu Phó Tổng Thống Joe Biden. Xin nhắc lại, ông Hunter Biden, dù không có chút kinh nghiệm, khả năng nào về năng lượng, nhờ vào vị thế cha mình là Phó Tổng Thống đang làm việc với Ukraine mà được đưa vào trong Hội Đồng Quản Trị đại công ty dầu khí Burisma của Ukraine với số lương gần 80 ngàn đô la mỗi tháng. Ông Hunter sau đó dính tới một vụ tham nhũng trong công ty và bị điều tra. Với tư cách Phó Tổng Thống Hoa Kỳ là nước đang thi ân với khoản viện trợ 1 tỷ đô la cho Ukraine, Joe Biden áp lực lên Tổng Thống Ukraine lúc đó là Petro Poroshenko để hủy bỏ cuộc điều tra và cách chức ông Biện Lý  Viktor Shokin. Điều này do chính Joe Biden huyênh hoang khoe với cử tri trong một cuộc gặp mặt năm ngoái. Ông nói Hunter không làm gì sai, vậy thì cần gì phải áp lực để hủy bỏ cuộc điều tra? Chính ông cũng đã sai khi dùng áp lực đối với Ukraine cho một việc riêng tư!

Bà Nancy đổi ý!

Ngày thứ Hai, một ngày trước cuộc tranh luận của các ứng cử viên Dân Chủ, bà Nancy Pelosi đột ngột tuyên bố sẽ tạm ngưng đưa ra trước toàn thể Hạ Viện để bỏ phiếu cho phép một cuộc điều tra chính thức trong việc đàn hặc Tổng Thống Trump.

 Việc bỏ phiếu này, nếu thuận (chắc phải thuận vì đảng Dân Chủ chiếm đa số tại Hạ Viện) sẽ giúp cho Toà Bạch Cung thêm khả năng triệu tập (subpoena) các nhân chứng của mình. Vì thế, các dân biểu Cộng Hoà đã thúc đẩy bà Pelosi phải có cuộc bỏ phiếu chính thức. Nhưng bà Pelosi đã cho ngưng với lý do cuộc bỏ phiếu là không cần thiết để cho phe Dân Chủ tiếp tục những việc tìm tài liệu chứng minh.

Theo bà Pelosi, Tổng Thống Trump đã vi phạm điều khoản Emolument Clause khi ông yêu cầu chính phủ ngoại quốc can dự vào công việc của chính phủ Hoa Kỳ và vào cuộc bầu cử. Điều khoản này nằm trong Mục 1, Phần 9 của Hiến Pháp Hoa Kỳ nghiêm cấm nhân viên chính phủ liên bang không được nhận quà cáp, lương bổng, lợi lộc, tước vị, chức vụ do của người lãnh đạo hay đại diện một nước khác hiến tặng.  

Bà cáo buộc Tổng Thống Trump đã đe dọa Ukraine sẽ ngưng số tiền viện trợ quân sự để nhờ họ giúp triệt hạ đối thủ trong cuộc bầu cử. Tiền viện trợ này do Quốc Hội đã chuẩn chi. Bà còn kết luận rằng việc vi phạm của Tổng Thống Trump gây tác hại đến nền an ninh quốc gia. Bà còn cuời bí hiểm  “Mọi con đường dường như đều dẫn đến Putin” (có ý là liên quan đến).

Ngoài cáo buộc này, Pelosi còn cho rằng Tổng Thống Trump vi phạm lời tuyên thệ khi nhậm chức là tận lực duy trì, bảo vệ Hiến Pháp. Bà Nancy đã quá nhanh nhẩu khi mới nghe xì tin về việc điện đàm của Tổng Thống Trump, chụp ngay cơ hội để mở cuộc điều tra đàn hặc trước khi đọc hay biết hết chi tiết cuộc điện đàm!

Văn bản cuộc điện đàm được Bạch Cung nhanh chóng công bố ngay hôm sau và làm cho đám Dân Chủ hố nặng!

Sự thật qua bản văn của cuộc điện đàm giữa Tổng Thống Trump và Tổng Thống Volodymyr Zelensky của Ukraine, không hề có câu nào nói về sự đe dọa làm chậm lại tiền quân viện; nghĩa là không có sự áp lực và điều mà chúng ta nghe đến là “Quid pro quo” (tiền trao cháo múc) như các dân biểu Dân Chủ vu cáo.

Cần nhắc lại chính vụ Hunter Biden mới thật sự là sự vi phạm điều khoản Emolument Clause, nhưng phe Dân Chủ đã lờ đi và cáo buộc ngược lại Tổng Thống Trump. Hôm đầu tuần, anh Hunter Biden xuất hiện bên cạnh cha anh và nói rằng nếu Joe Biden đắc cử Tổng Thống, anh ta sẽ không đảm nhận chức vụ nào của ngoại quốc!

Trong một buổi nói chuyện với cử tri, Tổng Thống Trump đã quá đà, mạnh miệng nói rằng ông Joe Biden “kissed Barack Obama’s ass!” Điều này thì không thể chấp nhận được từ miệng một Tổng Thống!

Liệu Tổng Thống Trump có vượt qua không?

Tổng Thống Trump bây giờ phải cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của khối cử tri Cộng Hoà bảo thủ và phải tìm mọi cách ngăn chặn phe Dân Chủ thu thập những bằng chứng bất lợi. Mới đây, ông đã ngăn việc cựu Đại Sứ Mỹ tại Liên Âu là Gordon Sondland ra điều trần trước Hạ Viện. Trước đó, quý vị còn nhớ, ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Mike Pompeo cũng từng tìm cách nộp trễ các tài liệu cho Hạ Viện. Hạ Viện hiện nay đang ra trát đòi (subpoena) nhân viên Toà Bạch Cung, Bộ Quốc Phòng, Văn Phòng Quản Trị và Ngân Sách cũng như Phó Tổng Thống Mike Pence ra điểu trần. Phó Tổng Thống Pence cũng theo gương Tổng Thống Trump, bất hợp tác với nhóm dân biểu Dân Chủ.

Ngay ông Rudy Giuliani, luật sư riêng của Tổng Thống Trump, cũng tuyên bố lì lợm rằng ông sẽ bất chấp trát đòi của Quốc hội và nói: “Lập trường mà tôi phát biểu lúc này cũng là lập trường của hành pháp.” Ông tiếp: “Hãy để họ kết tội khinh khi lệnh của họ cho tôi… Chúng tôi sẵn sàng ra tòa và thách thức sự cáo buộc của họ.”

Một tay sừng sỏ trong nhóm Dân biểu Hạ Viện là Adam Schiff, chủ tịch Ủy ban Tư pháp và là cầm đầu cuộc điều tra impeach, lại đe dọa ngược lại rằng Ủy ban của ông ta coi việc bất hợp tác của Tổng Thống Trump là bằng chứng của sự cản trở công việc của Quốc Hội dựa trên những quy định của Hiến Pháp. Do đó, cũng như thua đau trong vụ Trump câu kết với Nga, người ta có thể tiên đoán nhóm Dân Chủ sẽ xoay từ vấn đề Ukraine qua việc kết tội Tổng Thống Trump cản trở cuộc điều tra, tức là cản trở công lý (obstruction of justice).

Dù có làm gì đi nữa, thì mưu đồ bẩn thỉu của nhóm Dân Chủ đã để lộ từ những tháng qua, sẽ chẳng đi tới đâu mà chỉ làm cho cử tri chán ngán và xa rời!

Quanh việc Tổng Thống Trump rút quân khỏi Syria

This image has an empty alt attribute; its file name is image-2.png

Giữa lúc có những căng thẳng đang leo thang tại Syria, khi những cuộc ném bom hoá học làm chết 80 thường dân, thứ Ba tuần trước, Tổng Thống Trump tuyên bố rút quân ra khỏi Syria. Việc này đã gây nhiều phản ứng từ hai phía. Phe những người Dân Chủ cho rằng Tổng Thống Trump đã phản bội đồng minh trong khi phe ủng hộ Trump thì chứng minh ngược lại.

Tổng Thống đã giải thích việc rút quân là vì việc tiêu diệt quân ISIS đã hoàn tất, bây giờ là chuyện tranh chấp nội bộ của nhà cầm quyền Syria và phe đối kháng; giữa nước Turkey và phe kháng chiến người Kurd mà theo ông nhóm kháng chiến người Kurd này không hề là đồng minh của Hoa Kỳ dù họ đã sát cánh với liên minh quân sự do Mỹ cầm đầu để đánh ISIS.

Nội chiến ở Syria bắt đầu từ năm 2014 sau cuộc cách mạng diễn ra liên tiếp ở Tunisia (2011), Lybia, Yemen, Egypt và lan qua Syria cùng nhiều nước Arab khác. Trong thưc tế, Hoa Kỳ thời cựu Tổng Thống Barack Obama đã can thiệp vào Syria với chủ trương chống lại nhà độc tài Assad và khi nhóm khủng bố ISIS mạnh lên tại Syria và Iraq. Cuối năm 2014, Hoa Kỳ đã lập ra một liên quân hùng hậu gồm 10 quốc gia trong đó có nhiều nước Âu Châu như Anh, Pháp. Đức, Ý, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada. Sau đó, liên minh này phát triển với 60 quốc gia ủng hộ những chiến lược, chiến thuất để đồng lòng tiêu diệt ISIS và quyết không để cho chúng có một mảnh đất trú ẩn.

Quân lực Hoa Kỳ đã hiện diện trên đất Syria từ năm 2016 nhưng chỉ là một nhóm nhỏ gồm các cố vấn và huấn luyện viên để trợ giúp cho kháng chiến quân Syria, người Kurd và Arab trong vùng phía bắc và đông Syria. Con số binh sĩ cao nhất chưa lên tới 500 người vào đầu năm nay. Vào tháng Ba, có vài trăm binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ được gửi đến để giúp nhóm kháng chiến Syria về mặt yểm trợ pháo binh. Ngoài ra, cũng có một số nhỏ Biệt Động Quân đến Manbij giúp kháng chiến người Kurk chống lại quân Turkey. Manbij là một nơi mà kháng chiến quân đã chiếm lại từ tay ISIS vài tháng trước đó.

Về mặt yểm trợ, Hoa Kỳ chú trọng nhiều về không yểm và pháo yểm chứ không tham chiến trực tiếp bằng bộ binh. Tình đến tháng 3, vừa qua, Hoa Kỳ đã thực hiện được 7800 cuộc oanh kích tại Syria.

Việc điều quân đến Syria là do quyết định của các Tướng lãnh chỉ huy thuộc Bộ Tư Lệnh Trung Ướng mà không cần phải xin lệnh từ Tổng Thống là Tổng Tư Lệnh Tối Cao. Lý do là quân Mỹ đã phối trí sẵn ở Trung Đông rồi.

Trong cuộc chiến chống ISIS từ 2004 đến 2019, Hoa Kỳ đã đóng góp hơn 80% chi phí, trung bình mỗi năm 100 tỷ đô la mà cao điểm lên tới 200 tỷ mỗi năm trong thời gian từ 2007 đến 2011. Trong khi đó, 44 nước trong liên minh (trong đó có cả chục nước quốc gia Âu Châu) chỉ đóng góp khoảng 20% chi phí chiến tranh. Điều này tính ra là mỗi quốc gia ngoài Hoa Kỳ, chỉ chi chưa tới 500 triệu trong 10 năm chiến tranh!

Sự tham chiến của Hoa Kỳ

Cuộc chiến chống ISIS, tuy coi là kẻ thù chung của văn minh nhân loại, đặc biệt là Tây Phương, nhưng các quốc gia bị trực tiếp đe doạ là các nước Arab, rồi đến các nước Âu Châu. Nay bọn ISIS tan tành, mối đe dọa của bọn tàn quân khủng bố xâm nhập vào Âu Châu càng vô cùng nặng nề vì sát nách so với mối đe dọa đó đối với Hoa Kỳ vì phải qua một đại dương.

Như thế, lẽ ra các nước Âu Châu, nhất là Turkey phải đóng góp nhiều hơn vừa về phí tổn lẫn nhân sự cho chiến cuộc chống ISIS! Cuộc chiến kết thúc, trên đất Syria có 11 ngàn tên tù binh ISIS cần phải cai quản. Chẳng có nước liên quân nào chịu góp sức mà lại đổ cho nhóm quân dân người Kurd do Mỹ yểm trợ. Tổng Thống Obama là người đưa quân tham chiến tại Syria. Tổng Thống Trump từ hơn năm nay đã đánh tiếng sẽ rút quân với mong đợi các nước trong liên minh sẽ chia bớt gánh nặng. Chỉ cần mỗi nước Âu Châu gửi thêm tới Syria 100 quân nhân mỗi nước là giải quyết vấn đề giam giữ tù binh ISIS. Chẳng ai động tay cả. Do sự thiếu sót đó mà hàng ngàn tên tù binh đã lẫn lộn trong đám người Syria tị nạn để trốn thoát.

Thế là Tổng Thống Trump tuyên bố rút quân Mỹ ra khỏi Syria. Mà trong thực tế, số quân Mỹ ở Syria cũng chỉ vài trăm quân có nhiệm vụ cố vấn huyấn luyện chứ đâu phải quân chiến đấu! Số nhân viên khác là những người dân sự thuộc các hãng thầu chứ không do điều động của Quân Lực Mỹ.

Tổng Thống Trump, ngay khi mới nhậm chức đã nói huỵch toẹt ra rằng Mỹ không thể cứ đi làm nhiệm vụ cảnh sát quốc tế, đem của nhà, máu xương thanh niên Mỹ đi xây dựng các nước khác trên thế giớ mãi.

Ban đầu, cuộc chiến tranh ở Syria là cuộc nội chiến giữa chính phủ độc tài Assad và các nhóm kháng chiến võ trang chiến đấu cho dân chủ tự do. Sau đó, nẩy sinh ra thêm nhiều nhóm kháng chiến và các nhóm khủng bố Hồi cực doan. Nước Turkey ở sát nách phía Tây Nam của Syria cũng đương đầu với nhóm kháng chiến người Kurd. Người Kurd ở phần dất phía bắc Iraq trước đây bị tàn sát bởi Saddam Hussein. Người Kurd có dân số rất đông tại Turkey cũng bị bạc đãi, đàn áp. Hoa Kỳ có can thiệp vào chiến sự thì cũng mục tiêu chính là tiêu diệt ISIS chứ không phải là để yểm trợ kháng chiến Syria và người Kurd.

Ngay khi Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Syria, Turkey đã xua quân qua Syria đòi chiếm luôn một dãi đất dọc biên giới rộng 35 cây số, dài hơn 700 cây số. Quân Thổ nhân dịp đã tàn sát hơn 200 người Kurk ở đây! Quân dân Kurd đã phải ký hoà ước với Syria để chống lại Turkey! Nga cũng đưa quân biệt kích sang hỗ trợ. Nhìn chung, đó là một nồi cháo hổ lốn phức tạp. Né đi càng tốt!

Phản ứng của Hoa Kỳ là Tổng Thống ra lệnh bộ Thương Mại không hợp tác mua bán với Turkey và áp đặt mức thuế 50% trên các hàng hoá mua từ Turkey. Âu Châu cũng có biện pháp cấm vận đối với Turkey. Tổng Thống Erdogan của Turkey lúc đầu tỏ ra coi thường lệnh cấm vận của Mỹ và Âu Châu, ông tuyên bố sẽ không có ngưng bắn. Nhưng sau khi Phó Tổng Thống Pence đã cầm đầu một phái đoàn Hoa Kỳ đi Turkey để thảo luận dàn xếp, thì đã chấp thuận tạm ngưng bắn giữa Turkey và nhóm người Kurd.

Mỹ không xem kháng chiến người Kurd là đồng minh!

Người ta phê phán rất nặng câu tuyên bố của Tổng Thống Trump khi ông nói về việc rút quân ra khỏi Syria và trong đó, nói rằng người Kurks chưa hề là đồng minh của Mỹ. Bây giờ, nếu lại xảy ra chiến tranh thì cũng là cuộc chiến trong vùng giữa các thế lực Hồi Giáo. Hoa Kỳ chẳng tin được nhóm người Syria và cả nhóm người Kurd!

Nhiều người bênh Tổng Thống Trump giải thích việc ông không coi kháng chiến quân người Kurd là đồng minh là có lý do. Trước hết, khi Hoa Kỳ yểm trợ kháng chiến quân Syria để chống Tổng Thống Assad; trong số các thành phần kháng chiến Syria cũng có nhiều nhóm theo khủng bố Hồi cực đoan. Rồi sau đó, trong cuộc chiến chống ISIS, Hoa Kỳ cùng kháng chiến quân Syria, Kurd… hợp sức với nhau. Những thành viên trong cùng một mặt trận tuy có chung kẻ thù, nhưng chưa là bạn của nhau và cũng chẳng ai tin ai cả. Hai chữ “Đồng Minh同盟, nếu phân tích cho đủ, thì chữ Minh có nghĩa là thề ước. Ngày xưa, các phe, các nước hội nhau lại tại một địa điểm, cùng nhau thề nguyền hợp lực để chống một kẻ thù chung như Hội Thề Lũng Nhai của kháng chiến quân Lê Lợi. Sau Thế Chiến thứ 2, Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO – North Atlantic Treaty Organization) là cam kết quân sự vững chắc giữa các nước Tây Âu và Hoa Kỳ, Canada để đối phó với hiểm họa Cộng Sản từ Liên Sô và các nước Đông Âu. Thời chiến tranh Việt Nam, có khối Liên Minh Phòng Thủ Úc Mỹ Tân Tây Lan (ANZUS – The Australia, New Zealand, United States Security Treaty), và Minh Ước Phòng Thủ Đông Nam Á (SEATO – South East Asia Treaty Organozation) ra đời năm 1954 khi sự đe dọa của khối Cộng ngày càng lớn dần với sự ra đời của nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (tức Việt Cộng). Các Liên Minh quân sự này bị ràng buộc bằng những Minh ước (Treaty). Việt Nam Cộng Hòa, người trực tiếp đương đầu với Cộng Sản Bắc Việt, tuy không phải là thành viên của SEATO; nhưng đã được sự yểm trợ tích cực của các nước SEATO trong đó có Hoa Kỳ. Như vậy, hai chữ “đồng minh” chỉ được dùng cho các nước cùng ký trong một Hiệp Ước phòng thủ chung. Và các nhóm Kurd thì không hội đủ điều kiện là đồng minh của Hoa Kỳ, nên không thể đòi hỏi Hoa Kỳ phải đứng ra bảo vệ! Dù có rút quân ra khỏi Syria, hàng ngàn quân Mỹ vẫn còn đóng tại Iraq và vài nước Ả Rập để có thể tiếp trợ khi cần!

Chiến tranh Thương Mại Mỹ Hoa

Cuộc tranh chiến về thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng đến nay đã gần 1 năm rưỡi! Vừa rồi, một phái đoàn Trung Cộng do Phó Thủ Tướng Lưu Hạc cầm đầu đã đến Washington để tiếp tục đàm phán với Hoa Kỳ trong 2 ngày.

Trong cuộc họp mới nhất sau một thời gian gián đoạn sau khi có sự đe dọa của Tổng Thống Trump sẽ tăng thuế suất đối với 250 tỷ đô la hàng nhập từ Hoa Lục, Trung Cộng đã xuống nước, chịu hứa mua của Mỹ từ 40 đến 50 tỷ đô la nông sản. Lời hứa này nêu ra vài ngày trước khi việc tăng thuế của Tổng Thống Trump có hiệu lực (15 tháng 10). Trung cộng, trong quá khứ, từng hứa mua nông sản; nhưng rồi lại thất hứa!

Ngoài việc này, Toà Bạch Cung cho hay có nhiều tiến bộ trong các vấn đề quan trọng hơn như cải thiện các luật lệ lỏng lẻo của Trung Cộng đối với tài sản trí tuệ. Nhưng vấn đề Trung Cộng ép buộc các công ty ngoại quốc đầu tư tại Hoa Lục phải giao nộp kỹ thuật thì chưa nghe nói đến!

Vấn đề công ty Huawei cũng không nghe nhắc đến. Huawei là một đại công ty về viễn thông lớn nhất của Trung Cộng mà Hoa Kỳ từng cáo giác đã đánh cắp bí mật kỹ thuật Hoa Kỳ cũng như gài các con bọ vào sản phẩm của họ để ăn cắp lý lịch người sử dụng tại Mỹ; gây ra mối nguy về an ninh quốc phòng. Hoa Kỳ đã có những biện pháp trừng phạt Huawei vì cho rằng công ty này đang làm công tác gián điệp

Và cũng chưa có văn bản nào được ký kết giữa hai bên! Do đó, phía Hoa Kỳ, coi như còn nắm con dao đánh thuế vào hàng Trung Cộng treo lơ lửng trên đầu họ. Tổng Thống Trump vẫn chưa từ bỏ kế hoạch đánh thuế thêm vào 160 tỷ hàng Trung Cộng gồm đa phần là hàng tiêu dùng như áo quần, đồ chơi, điện thoại thông minh. Nếu điều này xảy ra, coi như Hoa Kỳ đánh thuế cao lên toàn bộ hàng nhập từ Trung Cộng!

Vì thế, nhiều nhà phân tích coi đây như một chiến thuật trì hoãn của phía Trung Cộng chứ chưa thấy thiện chí của họ.

Trong thời gian có chiến tranh thương mại, chỉ số Dow Jones cứ dao động, lên xuống thất thuờng. Tâm lý dân tiêu thụ thì cứ lo sợ vật giá tăng lên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiêu xài của họ.

Một trong vài tiến bộ là phía Trung Cộng đồng ý sẽ làm minh bạch hơn trong việc định giá đồng Yuan và mở cửa thị trường cho các ngân hàng cũng như các dịch vụ tài chánh của Mỹ. Đó là theo lời ông Steven Mnuchin, Bộ Trưởng Ngân Khố và là trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ.

Hà Nội Jane bị còng tay.

Thứ Sáu tuần trước, cô đào ci nê nổi tiếng Jane Fonda, người từng đến Hà Nội chụp hình bên cổ pháo cao xạ với quân lính Cộng Sản Việt Nam và có những câu tuyên bố phản chiến, mạt sát những quân nhân Hoa Kỳ, nhất là những tù binh Mỹ bị Việt Cộng giam cầm tại nhà tù Hoả Lò Hà Nội, vừa qua đã bị cảnh sát còng tay khi cô đến toà nhà Capitol để tham gia vào một chương trình gọi là “Fire Drill Fridays”. Chương trình này biểu hiện sự bất tuân dân sự nhằm tranh đấu cho cái mà những người liberals gọi là cô gọi là “Mối Đe Dọa Trầm Trọng của sự Thay Đổi Thời Tiết”

Jane Fonda, năm nay 83 tuổi, cho hay cô sẽ dùng thân thể của cô (lấp châu mai, hay làm đuốc sống?) để đến Quốc Hội tham gia biểu tình vào những ngày thứ Sáu. Nhiều người trong nhóm biểu tình cũng bị bắt giữ.

Nhóm tranh đấu nêu lên những đòi hỏi phải chấm dứt ngay lập tức các khoản tài trợ và cấp giấy phép cho việc khai thác, phát triển, sản xuât và xuất cảng những nguồn nhiên liệu từ thiên nhiên dưới mặt đất.

Cô tin vào điều tiên đoán vào năm ngoái của Tổ Chức Liên Chính Phủ về Thay Đổi Thời Tiết rằng trái đất chỉ còn tồn tại 12 năm nữa thôi nếu không chịu cải thiện về môi sinh. Như thế, theo cô, chỉ còn có 11 năm nữa. Sau đó trái đất sẽ không còn là nơi mà nhân loại có thể sống được!

Những tiên đoán tương tự từng xảy ra hàng chục năm trước đây, khi mà những người chủ chốt như Al Gore lên tiếng báo động về thảm hoạ tiêu diệt của nhân loại do sự hâm nóng địa cầu. Nhưng các tiên đoán đều trật lất, chẳng thấy có gì xảy ra cả!

Jane Fonda rất nhiều lần bị các cựu chiến binh Mỹ lên án kịch liệt và mạt sát thậm tệ. Một lần cô ta bước vào một tiệm rượu, thấy không ai quan tâm tới mình. Cô hách dịch khoe mình là Jane Fonda, tưởng chủ quán sẽ tiếp đãi trọng thể. Không ngờ chủ quán chỉ tay ra cửa, đuổi cổ cô đào phản bội này ngay lập tức.