Thời Sự Hàng Tuần 9 tháng 11, 2019 – Chuyện người vô gia cư

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận

Iran vi phạm thoả ước về hạn chế nguyên tử

Thật đáng báo động! Iran đã bất chấp thoả ước ký chung với nhiều cường quốc Tây Phương về việc giới hạn nghiên cứu nguyên tử. Hôm thứ Tư, Iran đã tiến hành một bước quan trọng khi họ cho tiêm hơi Uranium vào trong hơn 1044 ống ly tâm tại một trung tâm Fordo được coi là một pháo đài kiên cố được đào sâu dưới lòng đất. Behrouz Kamalvandi, phát ngôn viên của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (Atomic Energy Organization of Iran) cho báo chí biết rằng việc này được thực hiện vào lúc nửa đêm nhằm gia tăng năng lượng (enrich) uranium trong ống ly tâm thêm 4.5%.

Ở mức 4.5%, Iran đã có đủ khả năng bắt đầu kích thích phản ứng nguyên tử tại Bushehr, là nhà máy điện nguyên tử độc nhất của nước này. Theo thoả ước đã ký năm 2015 (mà Tổng Thống Hoa Kỳ đã tuyên bố rút ra khỏi vì việc Iran cứ tiếp tục vi phạm), Iran đã đồng ý không tiến hành những hoạt động ly tâm Uranium tại trung tâm Fordo và giữ mức tăng tối đa của uranium là 3.67%. Đó là mức uranium dùng cho những mục đích hoà bình so với 90% là mức có thể sử dụng chế tạo các vũ khí nguyên tử.

Chính quyền Iran tuyên bố họ có thể đổi hướng nếu như các cuờng quốc Tây Phương mở lối cho họ được bán dầu ra thị trường thế giới và bồi hoàn cho Iran những thiệt hại phát sinh do lệnh cấm vận của Tổng Thống Trump!

Về phía Hoa Kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao là bà Morgan Ortagus phản đối việc Iran thiết lập và cải tổ cơ sở Fordo như một pháo đài ngầm và kiên cố để thực hiện những công tác gia trọng nguyên tử một cách bí mật. Bà cho rằng Iran không có lý do nào đáng biện minh trong việc gia trọng chất uranium tại cơ sở Fordo hay bất cứ cơ sở nào khác vì như thế, chỉ làm cho họ thêm bị cô lập về chính trị và kinh tế.

Các nước Liên Âu cũng bày tỏ sự lo ngại trước hoạt động nguyên tử mới đây của Iran.

Iran vẫn bị coi là nước hỗ trợ khủng bố

Hoa Kỳ vẫn coi Iran là một quốc gia nằm trong trục ma quỷ, vừa là quốc gia hàng đầu trong việc ủng hộ khủng bố. Mỗi năm, Iran chi gần 1 tỷ mỹ kim để tài trợ cho các phong trào khủng bố Hồi Giáo như Hezbollah, Hamas và Palestinian Islamic Jihad.

Iran cũng có những âm mưu gieo rắc khủng bố tại nhiều nước trên thế giới như Belgium, France, Germany. Đó là cáo buộc từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ từ nhiều năm qua.

Từ sau năm 2018, tổ chức khủng bố al Qaeda càng ngày càng yếu đi, nhưng các nhóm tại các địa phương vẫn duy trì các hoạt động khủng bố, tuyển mộ và gây quỹ. Hoa Kỳ luôn duy trì quyết tâm phải triệt hạ các nhóm khủng bố trên tất cả các mặt trận mà trong đó, có cả việc gây áp lực tối đa lên chính quyền Iran.

Sau cái chết của al-Baghdadi, tên thủ lĩnh ISIS, Hoa Kỳ vẫn thận trọng cảnh giác trước khả năng phục hồi của bọn này vì sự có mặt của chúng không chỉ ở khu vực Trung Đông mà còn ở nhiều nước Nam Á, Đông Á, và Phi Châu. Bọn khủng bố tận dụng tất cả kỹ thuật tân tiến để hoạt động trong lãnh vực tình báo. Chúng có cả các máy bay không người lái, và có nhiều chuyên viên giỏi về computer.

Turkey bắt được vợ tên thủ lĩnh al- Baghdadi

Tổng Thống Turkey hôm thứ Tư đã loan báo rằng lực lượng Turkey đã bắt được nhiều thân nhân của tên trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi, trong số có một bà vợ của tên này. Trước đó, vào ngày thứ Hai, họ cũng đã bắt được chị ruột của al Baghdadi là Rasmiya Awad trong lúc bà này sum họp với chồng, con dâu và 5 đứa con khác.

Baghdadi, có cả thảy 4 vợ, là mức tối đa theo quy định của đạo Hồi. Ngoài tên Baghdadi tự sát khi bị quân Mỹ vây khốn ở Idlib cuối tháng 10 vừa qua, tên phát ngôn viên của tổ chức ISIS là Abu Hassan al-Muhajir cũng đã tự sát khi bị bao vây bởi lực lượng Hoa Kỳ ở một địa điểm phía tây bắc của Syria. Tên này trước đó được xem là người sẽ thay thế Baghdadi. Baghdadi vào tháng 8, cũng chỉ định tên Abdullah Qardash thay thế anh ta khi có biến. Lúc đó Baghdadi đang bị liệt cẳng chân do mảnh đạn hoả tiễn trúng vào phần cột sống.

Nhưng hiện nay, tổ chức ISIS đã công bố tên thủ lĩnh mới là Abu Ibrahim al-Hashemi al-Qurayshi. Chúng tôi chưa thu thập được chi tiết về tên thủ lĩnh mới này.

Chuyện kinh hoàng bên kia biên giới

Vào đầu tuần này, một sự việc kinh hoàng đã xảy ra ở bên kia biên giới Mỹ và Mexico khi một đoàn 3 chiếc xe loại SUV đã bị bọn băng đảng ma túy phục kích, xả súng bắt chết tất cả gồm 3 phụ nữ và 6 trẻ em trên xe. Khi cảnh sát đến nơi, chỉ thấy xe đã bị châm lửa thiêu rụi với các cửa kính và thành xe bị đạn xuyên qua nhiều nơi. Có một số người trên những xe khác bị thương được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Biến cố này xảy ra tại Tiểu Bang Sonora là tiểu bang lớn thứ nhì của Mexico. Nó giáp ranh với hai tiểu bang California và Arizona của Hoa Kỳ. Đây là vùng mà bọn trùm mua bán ma túy hoành hành nhiều thập niên qua, mà cảnh sát Mexico đã tỏ ra bất lực hay có thể cũng vì ham tiền hay sợ hãi mà làm ngơ cho chúng tung hoành.

Những gia đình Mỹ thuộc một cộng đồng người theo đạo Mormon sinh sống ở một thị trấn nhỏ miền bắc nước Mexico, cách thành phố Douglas, Arizona chừng 70 dặm về phía nam. Họ di chuyển trên 3 chiếc SUV để đi về Mỹ thăm bà con.

Trong xe bị cháy, người ta tìm thấy người mẹ Rhonita Maria Miller, 31 tuổi và 4 đứa con Howard Jr. (12), Krystal (10), hai bé sinh đôi 8 tháng là Titus và Tiana. Xác của họ chỉ còn sót lại vài mẫu xương và tro mà thôi.  Hai bà mẹ khác là Christina Marie Langford Johnson, 31, và Dawna Ray Langford, 43, cùng 2 con trai Trevor Harvey Langford (11) và Rogan Jay Langford (2) đều bị bắn chết. Những người sau này đi trên xe khác và được tìm thấy cách hiện trường nơi có chiếc xe bị cháy không xa.

Theo lời của những người sống sót, bà Johnson đã giấu đứa con 7 tháng tên là Faith vào dưới sàn xe, khi đứa bé vẫn còn nịt trong chiếc ghế (car seat). Bà bước ra, đưa hai tay lên trời như để cho bọn côn dồ biết bà không mang vũ khí gì đe doạ chống lại chúng. Nhưng rồi bà cũng bị lôi ra xa cách đó 15 mét và bị bắn chết bằng cả tràng đạn. Đứa bé may mắn thoát nạn. Ngoài bé, còn có 7 đứa trẻ khác cũng thoát chết nhờ vào sự lanh trí và can đảm của một bé trai Devin Langford (13 tuổi). Sau khi thấy mẹ và hai em trai bị giết, em Devin đã nhanh chóng kéo những đứa em còn lại vào trong bụi rậm để ẩn nấp. Devin đã lội bộ trong 6 giờ, vượt 14 dặm đường sa mạc đến La Mora kêu cứu.

Một toán gồm nhiều người đàn ông, thân nhân của những nạn nhân, đã tìm cách đến cứu nhưng vì còn nghe tiếng súng nên phải quay trở lại chờ nhân viên công lực.

Khi lính Mexico đến nơi, họ thấy những hình ảnh tang thương khó hình dung được. Các em nhỏ đều bị bắn hoặc vào chân (Kylie, 14 tuối) và bàn chân (Cody, 8 tuổi), lưng (Zander, 4 tuổi) và ngực (Brixon, 9 tháng). Nhưng các em may mắn được trực thăng đưa đến bệnh viện Mỹ cấp cứu kịp thời.

Qua sáng thứ Tư, nhà chức trách bắt được một nghi phạm khi tên này giữ trong chiếc xe của y hai con tin bị trói gô và bị nhét giẻ vào miệng. Cảnh sát còn tìm thấy nhiều cây súng tiểu liên và áo giáp chống đạn.

Vì vùng này là nơi thường diễn ra các cuộc bắn giết giữa các băng đảng ma túy, nên nhà chức trách cho rằng ba chiếc xe của các gia đình này đã bị bọn băng đảng nhận diện lầm là thuộc bọn băng đảng đối thủ. Bọn giết người là thành viên của băng đảng có tên là Juarez. Bọn này có nhóm võ trang tên là La Linea chuyên giết người không gớm tay. Chúng thường xâm nhập vào lãnh địa của băng đảng Sinaloa để lập các địa điểm quan sát ở các điểm cao và phục kích trên các con lộ.

Bọn Juarez như muốn gửi ra một thông điệp rằng chúng nắm quyền kiểm soát trục lộ dẫn vào Chihuahua mà trên đường này, những gia đình xấu số đã lọt vào và nhận cái chết thê thảm.

Tổng Thống Trump cấp thời lên tiếng khi nghe tin về việc các gia đình Mỹ bị thảm sát. Ông yêu cầu phía Mexico hãy tuyên bố chiến tranh chống lại bọn băng đảng ma túy, quét sạch chúng ra khỏi mặt đất! Nhưng Tổng Thống Mexico Andrés Manuel López Obrador đã phản ứng bằng cách nói rằng chiến tranh là điều không nên xảy ra. Theo ông cần phải ôm ấp (hug) chúng thay vì đánh chúng, vì Tổng Thống tiền nhiệm của ông đã thất bại trong việc áp dụng chiến tranh chống tội phạm ma tuý.

Tại Culiacan thuộc Tiểu bang Sinaloa của Mexico, bọn băng đảng vừa giết viên cảnh sát Eduardo, 30 tuổi, là người đã bắt được con trai tên trùm ma túy El Chapo. Viên cảnh sát lãnh đủ 155 viên đạn vào người ngay tại một khu buôn bán giữa ban ngày.

Austin làm sạch thành phố

This image has an empty alt attribute; its file name is image-2.png

Những năm trước đây, tại thủ phủ Austin của Tiểu Bang Texas, hiện tượng người vô gia cư cắm dùi ở các khu công cộng ít khi thấy xảy ra. Chỉ một vài nơi như các ngả tư băng qua các xa lộ, thỉnh thoảng mới thấy một hay hai người mang tấm bảng carton xin tiền các xe dừng khi có đèn đỏ. Một nơi nhiều người vô gia cư nhất là một khoảng ngắn chừng 100 mét trên đường Guadalupe chạy dài theo bờ tây của khuôn viên Đại Học Texas. Những người này chỉ có tài sản vụn vặt chất trong cái túi xách hay một chiếc xe mua hàng lấy cắp từ các siêu thị. Khúc đường này là nơi có nhiều tiệm sách, tiệm ăn, bán các thứ trang bị cho sinh viên. Vì thế, việc những người vô gia cư đóng đô trên đó cũng tạo ra nhiều bất tiện nếu không nói là bất an cho sinh hoạt thường ngày của sinh viên.

Nhưng qua hai năm nay, do sự dễ dãi của Hội Dồng Thành Phố Austin, hiện tượng người vô gia cư tràn lạn chiếm ngụ, giăng lều bạt ở các khu công cộng, đường phố ở trung tâm thành phố đã trở nên trầm trọng. Vài tháng trước, Hội Đồng Thanh Phố với ông Thị Trưởng Steve Adler thuộc đảng Dân Chủ đã ban hành quyết định cho phép những ngườivô gia cư được dựng lều bạt trên các đường phố, khu buôn bán, khu công cộng. Họ còn ngăm cấm cảnh sát không được can thiệp nếu những người vô gia cư không có hành vi gây hấn, phá phách. Dân chúng, nhất là các chủ tiệm buôn bán rất bất bình trườc quyết định này. Họ nhiều lần thỉnh nguyện lên chính quyền để giải toả nhưng đành bất lực. Sau cùng, ông Thống Đốc Greg Abbotts phải ra tối hậu thư cho ông Thị Trưởng Steve Adler. Nếu ông này không hành động, thì ông Thống Đốc sẽ dùng lực lượng cưỡng chế pháp luật của tiểu bang làm thay.

Sau khi gần 700 người tình nguyện làm việc từ 3 giờ sáng thứ Bảy để tìm biết con số người vô gia cư đang sống rải rác khắp nơi trong thành phố; qua ngày thứ Hai, lực lượng cảnh sát và cứu hoả thành phố và tình nguyện viên đã tham gia trong chiến dịch làm sạch thành phố. Họ giải toả và dọn dẹp rác rưởi hết tất cả những khu có người vô gia cư. Bắt đầu từ các đường phố, đến các khu công cộng, dười gầm cầu, góc đường xa lộ.   Những người vô gia cư được cấp một khu đất trống góc highway 71 và đường 183 để cắm lều. Chính quyền cũng dự trù xây lên nhưng nhà lớn có sức chứa khoảng 300 giuờng với tiện nghi điện nước, máy điều hoà không khí và nhà vệ sinh.

Theo bà Ann Howard, Giám Đốc của Tổ chức trợ giúp người vô gia cư có tên là Austin’s Ending Community Homeless Coalition (ECHO), việc làm của 700 thiện nguyện viên tại Austin là một phần trong nỗ lực chung Point in Time (PIT) của tất cả các thành phố trên toàn quốc để kiểm kê dân số người không nhà; đồng thời cung cấp cho họ những thứ cần dùng căn bản và tiện nghi vệ sinh. Chương trình hàng năm Point in Time (PIT) này dưới sự chỉ đạo của của Bộ Phát Triển Gia Cư và Đô Thị Hoa Kỳ để bộ lượng định một ngân sách liên bang giúp đỡ giải quyết nạn người vô gia cư. Các thành phố, tiểu bang khác đã làm việc kiểm kê này từ hồi tháng 1, 2019.

Vài con số dân vô gia cư trên nước Mỹ

Thống kê về số người vô gia cư khó tìm. Chúng tôi chỉ biết nó tăng lên một cách rất nhanh vào những năm gần đây tại những thành phố do phe Dân Chủ cầm quyền.

Vào tháng 1, 2011, tại Travis County và thành phố Austin, có 2300 người vô gia cư. Trong số có 217 gia đình có con cái, cộng là 662 người (tức 28% số người vô gia cư).

Học Khu Austin thì cho hay có từ 3000 đến 5000 học sinh thuộc thành phần vô gia cư!

Có 21% người vô gia cư (501 người) bị các chứng bệnh tâm thần; 33% (781 người) bị nghiện ngập các loại ma túy.

Cho đến năm 2012, thành phố giải quyết được nơi trú vĩnh viễn cho 1251 người, thiếu nơi cho 353 người khác. Nơi trú này là các căn phòng tập thể có giường nệm cho người vô gia cư. Con số người vô gia cư tăng lên 5% trong năm 2018 với 2147 người tại thành phố Austin, trong đó có 1014 người ngủ ngay trên đường phố. Cũng trong năm 2018, thành phố được cấp 5 triệu đô la từ quỹ của Bộ Phát Triển Đô Thị nhằm tìm nơi trú ẩn cho các thanh niên tuổi từ 18 đến 24. Bộ cũng hứa sẽ tiếp tục tài trợ nều chuơng trình thành công.

Cho đến lần kiểm kê mới nhất, người ta đưa ra con số 12152 người được sự giúp đỡ, trong đó 7498 người thực sự là vô gia cư. Có 303 người được đưa vào các nhà ở vĩnh viễn, 761 người được đưa vào các nhà tạm trú, và 469 người nhận sự tài trợ gia cư tối thiểu.

Chính quyền đã chi ra trung bình 230 đô la cho mỗi người trong một tháng để chuyển một người vô gia cư vào dưới một mái nhà.

Các con số từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau chồng chéo rất khó chính xác!

Nhìn qua phía Tây, Tiểu bang California dẫn đầu Hoa Kỳ về số người sống vô gia cư. Từ năm 2016, do chính sách rất phóng khoáng của các Thống Đốc, Thị Trưởng đảng Dân Chủ, số người vô gia cư tại California tăng vọt lên ở mức khủng khiếp.

Vào đầu năm 2018, Bộ Phát Triển Gia Cư và Đô Thị ước đoán con số này là 129,972 người, chiếm 1 phần tư số người vô gia cư trên toàn quốc. Theo số liệu chính thức, có 6702 gia đình, 10836 là cựu chiến binh, 12,396 là thanh niên từ 18 đến 24 tuổi không có thân nhân, và 34,332 người được xem là vô gia cư thường trực. Theo tài liệu của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ, có 246296 học sinh các trường công lập ở trong tình trạng vô gia cư trong suốt năm học trong đó 7533 em hoàn toàn không có nơi cư trú, 17,061 được có mái nhà tạm trú, 10,095 sống trong các motel, hotel.

Tuy so về mức độ các thành phố, thì New York dẫn đầu về số người vô gia cư; nhưng nơi đây có đến 95% số người này đã được cấp nơi tạm trú. Còn Quận Los Angeles đứng thứ hai với 55 ngàn người vô gia cư, là số cao nhất tiểu bang California. nhưng chỉ có 25% được có nơi tạm trú; do đó vẫn bị coi là thành phố có số vô gia cư cao nhất nước.

Như chúng tôi thường đưa tìn, người vô gia cư tại các thành phố thuộc Tiểu bang California dựng các lều bạt, sinh hoạt lê lết ở khắp các nơi, từ công viên, đường phố, đến khu du lịch, thể thao. Họ phóng uế ra ngay mặt đường, trên vỉa hè. Họ vứt bừa bãi những kim chích ma tuý và bao cao su ra đường, nơi các em học sinh hàng ngày qua lại. Người dân địa phương đã quá ngán ngẩm với tình trạng này, nhưng nhà cầm quyền thì chẳng đếm xỉa tới.

Tin mới về vụ impeachment

Các dân biểu phe Dân Chủ loan báo họ sẽ tiến hành giai đoạn mới của tiến trình đàn hặc Tổng Thống Trump vào tuần tới. Bắt đầu ngày 13 tháng 11, họ sẽ mở cửa cho công chúng theo dõi các buổi điều trần của các nhân chứng. Số nhân chứng này đã bị các dân biểu Dân Chủ thẫm vấn vào những phiên họp kín của họ trong tuần trước mà các dân biểu Cộng Hoà đã phải xông vào phản đối.

 Phe Dân Chủ cũng đã đưa ra biên bản của những lần họp điều tra kín mà theo họ cho thấy thêm chi tiết về việc Tổng Thống Trump đã ngăn cản viện trợ quân sự cho Ukraine một cách vô lý để đòi Tổng Thống Volodomyr Zelensky của nước này phải điều tra về sự tham những của hai cha con ông Joe Biden.

Các nhân chứng sẽ phải ra buổi điều trần ngày 13 tháng 11 là: William Taylor, nhân viên ngoại giao cao cấp của Mỹ tại Ukraine, Phụ tá Bộ Trưởng Ngoại Giao George Kent.  Qua ngày 15 sẽ có bà cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại Ukraine Marie Yovanovitch.

Các buổi điều trần sẽ do Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện điều khiển với sự chủ toạ của dân biểu Adam Schiff (California). Các dân biểu Cộng Hoà trong Ủy ban cũng tham dự nhưng sẽ không thể có vai trò chủ động vì họ thuộc đảng thiểu số.

Mục đích mà phe Dân Chủ cho ra công luận lần này, theo Adam Schiff, là để dân chúng có cơ hội hbiết thêm và lượng giá những nhân chứng coi họ có đáng tín hay không trong những lời khai về các hành xử bất xứng của Tổng Thống Trump.

Tuy thế, người ta vẫn nghi ngờ phe Dân Chủ có thể đưa ra dàn Hạ Viện thông qua việc đàn hặc khi mà những tin tức nêu ra trong thời điểm hiện nay không đủ sức mạnh thuyết phục.

Đạo đức sa sút từ các dân cử!

Trong lần bỏ phiếu tại Hạ Viện để thông qua tiền trình điều tra nhằm buộc tội Tổng Thống Trump, chúng ta thấy vắng mặt bốn dân biểu. Đó là ông Elija Cummings chết ngày 17 tháng 10 và ba vị từ chức: Sean Duffy (Wisconsin), ông Chris Collin (New York) và bà Katie Hill (California).

Katherine Lauren Hill thuộc đảng Dân Chủ, mới 32 tuổi, được bầu vào Hạ Viện ngày 3 tháng 1, 2019, chưa tròn một năm. Bà là ngưòi công khai ra mặt mình là lưỡng tính (bisexual) ngay sau khi vừa rời trường trung học. Tuy nhiên bà cũng có chồng là Kenny Heslep, cưới nhau vào tháng 7, năm 2010 và qua năm 2019, người chồng đệ đơn ly hôn vì bà Hill gian díu ngoại tình với một nhân viên văn phòng. Người phụ nữ này cũng từng là quản lý tài chánh trong chiến dịch tranh cử của Hill. Ban đầu Hill chối không nhận sự cáo buộc mà còn tố ngược anh chồng là lạm dụng và đang tìm mọi cách hạ phẩm giá của bà. Bà cũng lên tiếng cho rằng các đối thủ chính trị của bà lợi dụng việc này để tranh thắng lợi. Nhưng sau khi có kết quả của Cảnh Sát tại Hạ Viện, Ủy Ban về Tác Phong của Hạ Viện (House Ethics Committee) đã mở cuộc điều tra chính thức vào ngày 23 tháng 10 vừa qua. Cùng ngày đó, Hill gửi ra một điện thư cho cử tri của mình thú nhận sự gian díu với cô nhân viên của mình trước khi Hill đắc củ vào Hạ Viện! Điều này như là để tránh mang tội lạm dụng quyền lực mà quan hệ tình dục với nhân viên thuộc cấp.

 Ngoài ra, nhiều báo chí và trang truyền thông xã hội cũng tìm được và đang lên các hình ảnh khỏa thân của bà. Nhiều hình ảnh cho thấy bà trong y phục Eva đang hôn hít say đắm các phụ nữ khác. Tấm hình gây chấn động nhất là hình bà vửa khoả thân vừa đang hút ma túy bằng cái ống thủy tinh gọi là “bong”.  Hình này chụp ngày 11 tháng 9, 2017, trước khi Tiểu Bang California cho hợp pháp hoá việc sử dụng ma túy để giải trí! Trên đùi gần ngay háng của bà có xâm một hình chữ thập thường thấy lồng trong chữ vạn, biểu tượng của Đức Quốc Xã! Điều này làm cho người ta phê phán bà Hill là tự mâu thuẫn khi chính bà Hill từng tuyên bố lên án những cái post trên Facebook mang tính chất kỳ thị chủng tộc và có kèm những biểu tượng của thập tự giá nhuộm máu của tổ chức KKK. Ngoài ra, còn tấm hình Hill khoả thân đang chải tóc cho cô bồ Morgan Desjardins, 24 tuổi, ở Santa Clarita. Cô này bắt đầu quan hệ tình dục tay ba (threesome) với vợ chồng bà Katie Hill vào năm 2017 khi cô bắt đầu làm việc cho Hill. Hai vợ chồng Hill cũng có một lịch sử quan hệ tình dục tay ba với vài ohụ nữ khác

Những hình ảnh về cuộc sống sa đọa tình dục của Katie Hill được bà ta và cả anh chồng khoe lên các trang mạng dưới tiêu đề ‘WouldYouF**kMyWife’ (Bạn có muốn … vợ tôi không)

Do những cáo giác về hành vi dính tới tình dục bất chính và bất xứng với các phụ nữ tòng sự trong văn phòng của bà tại Hạ Viện, đầu tháng 11 vừa qua, Hill từ chức dân biểu.

Tại Hạ Viện có 22 dân biều thuộc thành phần LGBT (lesbian, gay, bisexual, transgender), trong đó 15 vị Dân Chủ, 7 vị Cộng Hoà. Tại Thượng Viện thì có 3 vị, toàn Dân Chủ: Harris Wolford (PA), Tammy Baldwin (Wisconsin), Kysten Sinema (AR)).

Vụ 39 nạn nhân tại Anh Quốc

Vụ 39 nạn nhân bị chết trong chiếc xe vận tải chở hàng đông lạnh ở Essex, nhà chức trách Anh đến nay vẫn chưa hoàn toàn công bố danh sách người bị nạn. Ưu tiên hàng đầu theo ông Tim Smith, Phó Cảnh Sát Trưởng ở địa phương, là điều tra thật kỹ lưỡng về tội ác dẫn đến cái chết đau thương của 39 nạn nhân, và cũng nhằm bảo vệ danh dự của họ, cùng tìm cáh giúp đỡ thiết thực cho gia đình nạn nhân.

Theo nhiều tin không chính thức trên các trang xã hội, phái đoàn Anh khi đến các làng xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nơi xuất phát của những người bị nạn thì bị công an cũng như giới chức địa phương gây khó khan, cản trở. Trong lúc đó, nhà cầm quyền Anh thì đã tiếp đón phái đoàn Công An và cán bộ từ Việt Nam qua một cách tận tình. Chính phủ Anh ngỏ ý sẽ dàn xếp giúp đỡ các gia đình nạn nhân đến Anh gồm việc cấp visa miễn phí và những giúp đỡ tại chỗ khác. Theo tin chưa chính thức, Anh sẽ chu cấp khoảng 50 ngàn đô la cho gia đình mỗi nạn nhân để đưa thi hài về nước.

Người dân phê phán kịch liệt một bản thông cáo của Sở Ngoại Vụ tỉnh Hà Tĩnh khi trong đó có câu viết rằng những gia đình nạn nhân nào muốn giúp đỡ thì hãy làm đơn gửi lên chính quyền. Điều này cho thấy cách làm việc vô lương tâm, thiếu trách nhiệm của một cơ quan nhà nước trước thảm kịch của người dân. Tại các nước không Cộng Sản, chính nhà chức tránh tự tìm đến thăm hỏi, săn sóc và có biện pháp giúp đỡ nạn nhân trong những giây phút đau thương của họ chứ không ngồi chờ họ xin xỏ rồi mới ban ơn!

Phía Việt Nam tỏ ra không muốn để cho vụ này nổi bật lên vì sẽ đưa tới những cáo buộc về vi phạm nhân quyền. Bộ trưởng Công An Tô Lâm còn ngăn cản báo chí không đưa tin về 39 người nạn nhân vì như thế sẽ gây cho tình hình thêm phức tạp! Họ cũng yêu cầu các nhà báo không tiếp xúc với gia đình nạn nhân mà họ biện giải rằng “đã quá đau khổ rồi!”

Ngày 1 tháng 11 vừa qua, cảnh sát Ireland đã bắt giữ tên Eamonn Harrison, 22 tuổi. tên này sẽ bị dẫn độ về Anh để trả lời về tôi ngộ sát. Còn tên tài xế Maurice Robinson cũng bị buộc cùng tội ngộ sát. Công an Việt nam cho hay họ cũng bắt giữ 2 nghi phạm tại Hà Tĩnh, 8 nghi phạm khác tại Nghệ An, là những người dính líu đến việc buôn người hay chuyên chở người bất hợp pháp ra ngoại quốc.

Buôn người hay chuyển người?

Nhiều thính giả đặt câu hỏi rằng việc đưa những người Việt trốn vào Anh có phải là một hiện tượng buôn người không.

Ngày xưa, các tay lái buôn người lùng mua những người da đen bi bắt từng xâu, đưa lên tàu viễn dương chở sang Mỹ để bán làm nô lệ mãn đời tại những nông trại. Cũng không khác trường hợp các phụ nữ, trẻ em bị bắt cóc, bịt mắt, trói tay chân và bị thảy lên xe rồi bị bán vào các nhà thổ để làm nô lệ tình dục. Nạn nhân các loại này bị bắt, đánh đập, bạc đãi, coi như món hàng trao đổi.

Trong khi đó, những người vượt biên, vượt biển tự làm chủ  ý định và cuộc đời họ. Họ phải bỏ tiền ra để nhờ cậy những người khác đưa ra khỏi nước, đến nơi do chính họ lựa chọn. Những người dắt mối, tài xế, giao nhận người chỉ làm điều mà chúng ta tạm coi là những dịch vụ để kiếm tiền. Vì thế, dịch vụ này nên xếp vào loại “chuyển lậu người” thì đúng hơn.

Những người vượt biên loại này khi đã đến được nơi lựa chọn, có thể bị cưỡng ép làm việc như nô lệ, hay cũng có thể tự mình tìm lấy một công việc thích nghi. Sau một thời gian kiểm đủ sở hụi để trả nợ ở quê nhà, họ sẽ tiếp tục làm việc dành dụm gửi về giúp gia đình hay chính họ sẽ trở về hưởng thụ thành quả mà họ vất vả nhiều năm nới xứ người.

Còn việc những phụ nữ Việt Nam nghe lời dụ dỗ đi lấy chồng hay đi làm viêc ở các nước khác cũng nằm trong tội danh chuyển người nhưng cũng có thể gán tội buôn người.

Theo pháp luật, Human Trafficking được định nghĩa khá rộng. Đó là việc mua bán người, đặc biệt là đàn bà và trẻ em, có thể từ nơi này đến nơi khác hay tại chỗ. Còn chữ Human Smuggling/ Migrant Smuggling là khi có sự đồng thuận của nạn nhân.

Vì vậy trường hợp 39 người VN trên hay các trường hợp tương tự rơi vào định nghĩa sau, và có thể gọi là Human Smuggling/ Migrant Smuggling

Không mua thực phẩm của Việt Nam

Theo tin mới nhất, hôm thứ Hai ngày 4 tháng 11 vừa qua, Cơ quan Thanh Tra và An Toàn Thực Phẩm thuộc Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (United States Department of Agriculture – Food Safety and Inspection Service USDA-FSIS) vừa ra lệnh thu hồi 44,000 cân Anh thịt gà do một công ty tại Orange County nhập cảng từ Việt Nam. Số hàng này đã không thông qua sự kiểm soát của cơ quan Thanh Tra và An Toàn Thực Phẩm. Cũng theo cơ quan này,

Công ty nhập cảng có tên là Cay Thi Queentrees Food USA ở thành phố Garden Groove đã nhập vào khoảng 43,848 cân để phân phồi cho nhiều siêu thị trên toàn nước Mỹ từ những ttháng đầu năm 2019 nhưng mãi đến gần đây mới bị phát hiện.  Sản phẩm bị cấm và thu hồi này gồm các loại:

“Slow-Cooked Black Chicken GA AC Tiem Five Spice NGU VI” Lô hàng mang số  8324/T8352 

“Slow-Cooked Black Chicken GA AC Tiem Cordyceps Sinensis Dong Trung Ha Thao” thuộc lô hàng số  H9007

 “Slow-Cooked Black Chicken GA AC Tiem Ginseng’s Nhan Sam”, lô hàng số A8328.

Tất cả ba sản phẩm trên đều được đựng trong trong các bao nylon, có trọng lượng 1 pound (454 grams) và có ghi thời hạn bán ra trước ngày 2 tháng 1, 2020 hoặc 25 tháng 1, 2020. Chúng được bày bán tại các siêu thị Á Đông hoặc rao bán trên internet hoặc trên các catalogue gửi qua bưu điện.

Cơ Quan Thanh Tra và An Toàn Thực Phẩm kêu gọi những ai trót mua các loại hàng này không nên ăn vào mà hãy trả lại nơi bán hay vứt vào thùng rác.

Một điều cần ghi nhớ là Hoa Kỳ không cho phép nhập các thức ăn làm từ gà vịt (poultry) do Việt Nam sản xuất. Tốt nhất là không mua bất cứ thực phẩm nào từ Việt Nam.

https://www.fsis.usda.gov/wps/portal/fsis/topics/recalls-and-public-health-alerts/recall-case-archive/archive/2019/recall-106-2019-release