Ngành Chiến Tranh Chính Trị QLVNCH qua Cách Nhìn của một Quân Nhân Mỹ

This image has an empty alt attribute; its file name is va-co.jpg

Đỗ Văn Phúc tóm lược bài viết của Thượng sĩ Herb Friedman. Bài rất dài có nhiều hình ảnh và lời giải thích. Chúng tôi chọn giữ lại những đoạn quan trọng và sắp xếp lại cho phù hợp khuôn khổ tờ báo. Vị nào muốn xem hết bài, xin vào trang web: http://www.psywarrior.com/VietnamGPWD.html    

  

Huy hiệu CTCT gồm một ngôi sao bạc tượng trưng cho sự lãnh đạo, nằm giữa sáu mũi tên tượng trưng cho Lục Đại Chiến cùng thanh kiếm, mỏ neo và cánh bay. tượng trưng cho ba quân chủng Hải Lục Không Quân của Quân Đội. Lục Đại Chiến là sáu hình thái trong chiến tranh chính trị theo quan điểm của cố Tổng Thống Tưởng Giới Thạch của Trung Hoa Dân Quốc. Đó là: Tư Tưởng Chiến, Tâm Lý Chiến, Quần Chúng Chiến, Tình Báo Chiến, Tổ Chức Chiến, và Mưu Lược Chiến.

Khái niệm Chiến Tranh Chánh Trị (CTCT -Political Warfare – POLWAR), được du nhập vào Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1960, bắt nguồn từ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Tổng thống Ngô Đình Diệm, trong chuyến công du đến Đài Loan, được Tổng thống Tưởng Giới Thạch giải thích về chủ nghĩa Tam Dân. Theo yêu cầu của Tổng thống Diệm, một nhóm cán bộ Tâm Lý Chiến (TLC) của Đài Loan được gửi đến Việt Nam Cộng Hòa để giảng dạy các khóa học CTCT cho các sĩ quan của VNCH. Ngày 5/5/1965, Phái bộ Cố vấn CTCT được thành lập như một thành phần riêng biệt trong Bộ Tư Lệnh Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV) để cố vấn và hỗ trợ cho Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Sau nhiều lần tái tổ chức, chức năng cố vấn về TLC được giao cho Ban Cố Vấn CTCT, thuộc Khối Hoạt Động TLC của Phòng 3 (J3) của MACV.

Tổng Cục CTCT  chịu trách nhiệm soạn thảo và triển khai các chương trình CTCT trong QLVNCH để hoàn thành các nhiệm vụ như sau: (1) Phát huy và duy trì lòng trung thành của QLVNCH đối với các nhà lãnh đạo, lý tưởng Quốc Gia dân tộc, (2) Tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng và (3) Vận động binh lính địch kêu gọi họ hồi chánh, trở về hợp tác với phía chính phủ.

Cục Tâm Lý Chiến của TCCTCT có trách nhiêm thực thi các hoạt động góp phần hoàn thành cả ba nhiệm vụ của TCCTCT qua việc soạn ra những bài hát, vở kịch, thơ văn nêu cao tình yếu nước và tinh thần chống Cộng để nâng cao tinh thần chiến đấu của quân và dân.

Cơ quan báo chí và thông tin chịu trách nhiệm phát hành tạp chí Tin Phong, Chiến Sĩ Công Hòa, Cẩm Nang Chiến Sĩ và nhật báo Tiến Tuyến.     

Phòng Ấn Loát phát hành 30,000,000 truyền đơn, 800,000 áp phích, 600,000 tập cẩm nang, 100 biểu ngữ, 600,000 ấn bản báo Tuyền Tuyến và 10,000 tài liệu linh tinh mỗi tháng…  

TCCTCT  đã in 25,000 ấn bản báo Tiến Tuyến, là nhật báo cung cấp miễn phí mỗi ngày cho binh lính và gia đình. Nó được coi là tiếng nói không chính thức của các đơn vị chiến đấu Việt Nam.

Cục TLC in khoảng 155,000 ấn bản hàng tháng của tạp chí Thế Giới Tự Do. Nó được in bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, dày 82 trang. Mục đích là phổ biến vai trò của các lực lượng Thế giới Tự do tại Việt Nam: Mỹ, Úc, Đài Loan, Đại Hàn, New Zealand, Philippines, Tây Ban Nha, Thái Lan và Việt Nam.  

Tạp chí đề cập đến từng quốc gia đã giúp đỡ Việt Nam như:

Đài Loan – Một người lính chiến đấu vì hòa bình và tự do phải được trang bị tư tưởng mạnh mẽ. Năm 1964, Trung Hoa Dân Quốc đã gửi một nhóm TLC đến Việt Nam. Nhiệm vụ của nhóm là giúp các đơn vị chiến đấu Việt Nam phát triển và thực thiện các tổ chức CTCT của họ trong việc truyền bá chính trị, chiến tranh tâm lý, phúc lợi xã hội, v.v.

Phòng Văn Nghệ thì lo các chương trình giải trí, các hoạt động văn hoá, giáo dục cho binh sĩ qua những thơ văn, ca kịch và các bản nhạc cho các Trung Đội Văn Nghệ thuộc các Tiểu Đoàn CTCT cũng như các chương trình trên đài truyền hình, phát thanh của quân đội

Các sĩ quan CTCT được cấp phát một Cẩm Nang Dành Cho Cán Bộ CTCT Cấp Đại Đội với lời hướng dẫn như sau:  

Sinh hoạt đại đội để nghe đọc báo, nhưng chọn những dịp thuận lợi để đọc. Mỗi lần đọc không quá 15 phút. Các bài viết được chọn bởi Sĩ quan CTCT. Loa có thể được sử dụng để đọc báo nếu có hệ thống âm thanh. Trong trường hợp đơn vị được chia thành các nhóm nhỏ, Cán bộ CTCT sẽ phân công phụ tá đọc báo cho từng nhóm. Cán bộ CTCT nên tổ chức phân tích ngắn gọn về các sự kiện quan trọng mỗi tuần một lần hoặc hai tuần một lần. Tiến hành kiểm tra các vấn đề hiện tại bằng cách sử dụng các câu hỏi và câu trả lời đơn giản hoặc câu đố; và trao giải thưởng cho những người lính đã trả lời đúng các câu hỏi. Điều này sẽ tạo nhiệt tình trong những người lính.

Trong Cẩm Nang cũng có ghi:

Cán bộ CTCT phải khai thác các đối tượng bằng cách chuẩn bị các biểu ngữ thô sơ nói lên chính sách và công bố chiến thắng của Quân đội ta và những thất bại của kẻ thù. Các vật liệu được sử dụng để làm biểu ngữ có thể là bất kỳ vật liệu có sẵn nào như than, nước vôi, bột màu và sơn, v.v … Biểu ngữ có thể viết trên tường, đá hoặc thân cây.

TCCTCT cho rằng nội dung của áp phích thông tin phải phù hợp với các chủ đề giáo dục chính trị; nội dung có thể được chia thành các chủ đề: nhiệm vụ, giáo dục, tình hình kẻ thù, ca ngợi nhân sự tốt và công việc tốt, giải thích câu hỏi, giới thiệu âm nhạc và phim hoạt họa mới, v.v. Có nhiều hình thức poster thông tin, nhưng tùy khả năng của đơn vị.

Về công tác Địch Vận, Chiêu Hồi, tôi đã có một số ấn bản quân sự Việt Nam . Một tờ truyền đơn cho thấy một số cán binh Việt Cộng thuộc Trung đoàn 66 và 101 hồi chánh chụp cùng với các sĩ quan  Việt Nam Cộng Hòa tại Bộ Tư Lệnh Quân đoàn II.

Đây là những gì cán binh Cộng Sản đã viết cho đồng đội của họ:

Khi đơn vị di chuyển, chúng tôi đau, theo không kịp ở lại phía sau. Chúng tôi bị quân đội Việt Mỹ đổ bộ trực thăng bắt được. Thật là kinh hoàng, chắc chết 100% bởi vì các thủ trưởng thường nói: “Mỹ và Ngụy bắt được ta, chúng sẽ đánh đập tàn nhận, cho ăn cơm trộn vôi, rồi đưa về Sài Gòn bắn chết.”

Nhưng, lạ thay!!! Chúng tôi ra hng, không hề bị đánh đập. Ngược lại, được ăn uống no đủ, săn sóc thuốc men chu đáo. Khi đưa về đại bản doanh, chúng tôi được đối xử tử tế. Chúng tôi hy vọng rằng bạn sớm thức tỉnh và không lo sợ bất cứ điều gì. Hãy dùng giấy này và báo cáo cho các đơn vị Việt Nam Cộng Hoà hoặc các đồng minh của họ, hoặc bất kỳ cơ quan chính phủ nào khác. Bạn sẽ được đón nhận nồng nhiệt. “

Image: Courtesy of Herb Friedman

Về Đồng Minh Vận, Trung Úy William Pollock, Cố Vấn Mỹ tại Cục Tâm Lý Chiến khoảng năm 1969-1970, đã được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu in thiệp Giáng Sinh gửi quân đội Đồng minh. Trong thiệp là hình ảnh nhà thờ Công giáo ở phía trước một ngôi làng Việt Nam. Bên trái là một gia đình Việt Nam, bên phải là ba người lính. Trên thiệp có một thông điệp bằng tiếng Anh và tiếng Việt:

Mừng Giáng Sinh 1969

Thay mặt chính phủ và nhân dân Việt Nam Cộng hòa, tôi chân thành gửi đến tất cả các bạn đồng minh của chúng tôi những lời chúc tốt đẹp nhất cho một Giáng sinh vui vẻ và một năm mới hạnh phúc. Người dân VNCH vô cùng xúc động trước sự hy sinh cao cả của bạn vì bạn đã phải rời xa những người thân yêu và quê hương minh để giúp đỡ VNCH trong cuộc chiến chống xâm lược của Cộng sản và giữ gìn tự do và độc lập. Tôi tin rằng những nỗ lực chung của Đồng minh và VNCH sẽ sớm mang lại hòa bình cho Việt Nam.

Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa

Trung Úy Pollock nói rằng ông ngạc nhiên khi thấy Tổng thống Việt Nam đã làm một việc đặc biệt để thu hút cảm tình của chiến sĩ đồng minh qua kích thước rất lớn của tấm thiệp 9.25 x 14.75 inches. 

Trung sĩ Derrill de Heer là thành viên của đơn vị PSYOP số 1 của Úc. Ông đã đề cập đến tổ chức Tâm Lý Chiến của Việt Nam trong luận án Cao học của mình: Victoria per Mentum: Các hoạt động tâm lý được thực hiện bởi Quân đội Úc tại tỉnh Phước Tuy, Nam Việt Nam năm 1965 – 1971, có đoạn viết như sau: 

Tổng Cục CTCT  đã thực hiện các chương trình phát thanh, phim ảnh và các chương trình truyền hình. Phòng Văn hóa đã sử dụng các nghệ sĩ và nhà văn để hỗ trợ nâng cao tinh thần của QLVNCH và dân chúng bằng cách tài trợ cho các cuộc thi về thơ, bài hát, bản nhạc, truyện ngắn và tiểu phẩm hay nhất có nội dung làm suy yếu nỗ lực của cộng sản. Các trung đội Chính Huấn. Tâm Lý Chiến của Tiểu đoàn CTCT đã tiến hành các hoạt động nhằm củng cố tinh thần của người dân và quân đội. Phòng Cố vấn TLC Hoa Kỳ đã làm việc với TCCTCT trong các lĩnh vực tuyên truyền, giáo dục quân đội và phúc lợi xã hội, cũng như thực hiện nhiều trách nhiệm giúp giải toả bớt những trách nhiệm của nhân viên Hoa Kỳ trong các hoạt động dân vận và TLC.

Biên bản của Hội nghị Phối hợp PSYOP / POLWAR tháng 8 năm 1969 có ghi thêm nhiều chi tiết về nhiệm vụ này:

Khác với khái niệm hoạt động tâm lý chiến của Hoa Kỳ, đối tượng mục tiêu chính của CTCT Việt Nam là những người lính cùng gia đình họ, là thường dân, quân địch gồm VC và quân Bắc Việt, là lực lượng quân sự thế giới tự do và các đồng minh của họ. Mục tiêu chính là để có được sự hỗ trợ tự nguyện cho Chính phủ Việt Nam. Để đáp ứng mục tiêu của CTCT, các dịch vụ xã hội được cung cấp cho các nhân viên quân sự và dân sự trực thuộc Bộ Quốc Phòng và gia đình họ. Mục tiêu cuối cùng của sự giúp đỡ này là tạo ra các điều kiện để duy trì lòng trung thành nơi những quân nhân.

TCCTCT có Cục Chính Huấn, Tâm Lý Chiến, An Ninh Quân Đội, Xã Hội, Quân Tiếp Vụ, Nha Tuyên Úy; ngoài ra còn có 5 tiểu đoàn CTCT mà nhiệm vụ là yểm trợ công tác CTCT cho các quân khu thuộc QLVNCH. Các công tác đó bao gồm giáo dục, động viên về chính trị, tuyên truyền, dân sự vụ và yểm trợ tâm lý chiến cho các cuộc hành quân. Mỗi tiểu đoàn CTCT có một Ban Chỉ Huy Tiểu Đoàn, một Đại Đội Hành Chánh và Kỹ Thuật, một Trung Đội Văn Nghệ, và bốn Đại Đội CTCT. Đại Đội CTCT thì có các toán Tâm Lý Chiến, Chính Huấn và 4 trung đội.   

Image: Phù hiệu CTCT QLVNCH (courtesy of Michael Do)

Phía Hoa Kỳ khuyến cáo rằng vì hệ thống đặc biệt của Việt Nam, một tiểu đoàn CTCT Việt Nam không thể coi là tương đương với một tiểu đoàn TLC của Mỹ. Mỗi tiểu đoàn CTCT Việt Nam hoạt động trong một Quân Khu/Quân Đoàn dưới quyền vị Tư Lệnh Quân Đoàn. Tiểu đoàn 10 CTCT đóng ở Đà Nẵng, yểm trợ cho Quân đoàn I song song với Tiểu đoàn 7 TLC của Hoa Kỳ; Tiểu đoàn 20 CTCT ở Pleiku thì yểm trợ cho Quân đoàn II; Tiểu đoàn 30 CTCT ở Biên Hoà thì yểm trợ cho Quân đoàn III; Tiểu đoàn 40 CTCT ở Cần Thơ thì Quân đoàn IV; Tiểu Đoàn 50 CTCT ở ngay Sài Gòn là đơn vị trừ bị phục vụ cho Thủ Đô. 

Vào năm 1969, TCCTCT đã gửi 62 sĩ quan sang Hoa Kỳ theo học các khoá học căn bản về Tâm Lý Học, Điều Hợp Thông Tin, Tuyên Úy, và các khóa căn bản về kỹ năng trong nghề. Đó như là sự chuẩn bị khởi đầu cho các trường tương tự tại Việt Nam. Ngoài ra, TCCTCT  đã liên lạc với Đoàn 4 PSYOP để được cung cấp các nhu cầu và đào tạo đặc biệt.

Tôi muốn nhân đây nói sơ qua về Trường Đại Học CTCT (Political Warfare College). Qua lời của Michael Do, là người đã tốt nghiệp đại học nầy nhưng đã chuyển ám số chuyên nghiệp qua ngành chỉ huy để làm đơn vị trưởng tác chiến ở Sư đoàn 5 Bộ binh.

Năm 1966, do nhu cầu cấp thiết cho một thế hệ cán bộ trẻ mới chịu trách nhiệm về tinh thần binh sĩ, Trường ĐHCTCT được thành lập tại Đà Lạt, một trong những thành phố đẹp nhất của Việt Nam. Trường này cung cấp chương trình giảng dạy hai năm cho các thí sinh tình nguyện và trúng tuyển sau một kỳ thi tuyển cam go và đạt được sức khoẻ theo yêu cầu.

Điều kiện nhập học: Quốc tịch Việt Nam; Từ 18 đến 24 tuổi; Không có tiền án; Có bằng tú tài (tương đương với học sinh tốt nghiệp Trung học Hoa Kỳ); Không kết hôn và cam kết không kết hôn trong thời gian đào tạo.   

Chương trình đào tạo trong hai năm:

Quân sự: (1050 giờ); 96 tuần huấn luyện tại Trườn Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tại Đà Lạt về các môn quân sự cơ bản và trung cấp.

Văn Hoá: (1504 giờ); các khoa Luật và Kinh tế; Nhân văn. Khoa học Chính trị; Sinh ngữ.

CTCT và Kỹ thuật CTCT: (804 giờ); Lý thuyết Cách Mạng, Nghiên Cứu về Đối phương; Công Tác và Kỹ thuật CTCT

Huấn luyện Thể chất và Tác phong (312 giờ); Thể Dục, Võ Thuật và Thể thao: (254 giờ); Linh tinh (372 giờ). 

Tôi muốn đề cập đến một số lớp học mà họ được dạy. Bạn có thể hình ảnh học điều này tại một trường quân sự Hoa Kỳ? 

Các tôn giáo: Phật giáo; Công giáo; Cao Đài; Hòa Hảo; Tin Lành.

Giáo dục: Vị trí của văn học trong đời sống tinh thần; Lịch sử triết học phương Đông; Triết học Hy Lạp cổ đại. 

Có hàng tá các khóa học như vậy, và bạn có thể thấy nơi một sinh viên tốt nghiệp là một sĩ quan được giáo dục kỹ càng, có sự hiểu biết thấu đáo về nhu cầu cơ bản của người lính.

Nhờ những thành công của các sinh viên tốt nghiệp, TĐHCTCT đã được trao giây biểu chương màu Anh Dũng Bội Tinh.

Sự Yểm Trợ của các Đơn Vị Hoa Kỳ

Ngành CTCT Việt Nam có khoảng 18 cố vấn Hoa Kỳ thuộc các quân chủng Hải Lục và Không Quân. Ngoài ra còn có một số sĩ quan Trung Hoa Dân Quốc và Đại Hàn. Các cố vấn này sống bên ngoài trà trộn trong dân chúng; cho đến khi tình hình an ninh buộc họ phải đời vào cư xá sĩ quan độc thân.

Đoàn 7 TLC Hoa Kỳ đóng ở Okinawa sẵn sàng giúp đỡ về ấn loát, kỹ thuật, lập kế hoạch… khi TCCTCT  cần đến.

Tiểu đoàn 14 TLC là đơn vị có tính cách chiến thuật có khả năng ấn loát di động, phát thanh di động, với các toán trang bị đầy đủ dụng cụ về âm thanh và phim ảnh. Tuy nhiên, có khoảng 50% công tác của Đoàn 7 TLC được thực hiện tại Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ, RSC, Manila.

Đội đặc nhiệm 15 TLC (tương đương một tiểu đoàn) là đơn vị có tính cách chiến lược. Đơn vị này cung cấp kế hoạch, phân tích, nghiên cứu và thông tin tình báo, và lượng giá của tất cả các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương.

Đội đặc nhiệm 244 TLC (sau này là tiểu đoàn) là một đơn vị địa phương nhỏ chịu trách nhiệm về các hoạt động tuyên truyền ở Đông Nam Á. Đội quân này có các nhà văn và họa sĩ từ ĐNÁ. Phần lớn nhân viên Việt Nam trong đơn vị từng phục vụ trước đây với Sở Công Vụ Hoa Kỳ (JUSPAO).

Các Trở Ngại trong ngành CTCT Việt Nam

Chính phủ VNCH thành lập Tổng Cục CTCT  làm cơ quan tuyên truyền nhưng ngay khi bắt đầu chiến tranh, đã thấy có nhiều vấn đề. Đó là sự khác biệt về mức độ ưu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.  Từ 1964 đến 1971, miền Nam đã có thay đổi đến 12 Bộ Trưởng Thông Tin mà kết quả là đưa đến tình trạng bất ổn định trong cơ cấu tổ chức. Trong bài thuyết trình tại Hội Luận về Việt Nam, được tổ chức tại Đại học Texas Tech, Lubbock, Texas vào ngày 11 đến 13 tháng 4 năm 2002, ông Michael Do đã đề cập đến năm điều bất thuận lợi trong ngành CTCT của Quân Lực VNCH mà chúng tôi trích dẫn hai điều chính như sau:

(Trích)

Thiếu sự yểm trợ của Hoa Kỳ.

Vì không có cơ quan tương đương trong quân lực Hoa Kỳ, nghành CTCT Việt Nam đã không có đủ tài khoản để điều hành. Tổng cục phải dùng tiền viện trợ dành cho Cục Tâm lý chiến để trang trải hoạt động cho toàn tổng cục. Ðó cũng là lý do giải thích tại sao tổng cục CTCT sáp nhập cục Quân tiếp vụ vào cơ cấu tổ chức của mình: để lấy thêm ngân sách. Sự khác biệt về văn hoá đã làm cho các cố vấn Hoa Kỳ không hiểu rõ thực trạng của cuộc chiến tranh nhân dân do Mao và Giáp đề xướng. Sự thiếu thốn tài chánh và yểm trợ từ phía Hoa Kỳ làm cho nghành CTCT trở nên yếu kém so với các nghành khác, và cản trở họ thực thi những dự án quan trọng.

Trong khi các sĩ quan chính trị trong quân đội Bắc Việt là các đảng viên Cộng sản và có quyền vượt hẳn các đơn vị trưởng, sĩ quan CTCT trong quân đội miền Nam không theo một đảng nào. Vì thế họ không có quyền lực. Ở cấp đại đội, họ là người thứ hai trong đơn vị; nhưng càng lên cấp cao hơn, họ là người lép vế nhất trong các sĩ quan tham mưu. Ðại đa số các sĩ quan chỉ huy lại không thấy tầm quan trọng của hoạt động CTCT. Ngoài ra, các sĩ quan CTCT thế hệ cũ lại có ít kiến thức về CTCT và là một trở lực lớn cho những dự án sáng tạo và năng động. Những sĩ quan trẻ trong nghành CTCT thường ưu tư về sự thăng tiến so với các sĩ quan các nghành khác.

(Hết trích)

Mời đọc nguyên bản trong hai trang web:

Tác giả Herb Friedman khuyến khích độc giả góp thêm ý kiến cho bài viết này. Xin gửi email về [email protected]