Tượng và Tượng Đài

Đỗ Văn Phúc

Mới đây, qua vụ “Tượng Đài Chiến Thắng Cổ Thanh Quảng Trị”, có vài vị nêu lên rằng hai chữ “Tượng Đài” là của Việt Cộng; còn VNCH chỉ gọi là “Tượng” thôi. Vị này lý luận rằng hai chữ Tượng Đài không có trong tự điển của Khai Trí, nhưng lại có trong tự điển bên Việt Nam. Thế là vị này cho rằng hai chữ “tượng đài” do Việt Cộng chế ra.

Chúng ta không nên quá câu nệ phân biệt từ ngữ Việt Cộng, từ ngữ VNCH… Tất cả là từ ngữ của dân tộc qua nhiều đời, thăng trầm mà biến đổi, thêm bớt. Chúng ta thấy do sự tiến hoá trong đời sống xã hội mà có thêm nhiều từ ngữ mới.

Thời VNCH, ngành điện toán còn sơ khai nên từ ngữ về Điện toán có rất ít. Sau 1975, điện toán, điện tử trở thành thông dụng nên nhiều từ ngữ cần dịch ra. Ví dụ: input, output, hardware, software, chip, bit, byte… Người ngoài nước VN quen dùng nguyên ngữ Anh Văn. Trong nước họ phải dịch ra tiếng Việt cho công chúng. Ví dụ: input, output họ dịch là đầu vào, đầu ra…  Phần mềm, phần cứng…

Chúng ta nên chấp nhận vì các chữ đó cũng hợp lý, chính xác với nguyên từ. Nếu ai không đồng ý, xin đưa ra những chữ dịch cho hay và đúng nghĩa hơn để lựa chọn!

Nước VN nhỏ bằng một phần ba diện tích của tiểu bang Texas, nhưng có ba miền chính và hàng chục địa phương nhỏ hơn. Mỗi vùng có thổ âm, thổ ngữ riêng mà người vùng khác hoàn toàn không biết tới.

Ví dụ: cái tô (Nam), cái đọi (Trung), cái bát (Bắc); tía má (Nam), bọ mạ (Trung), thầy u (Bắc).

Ngày trước, miền nam chỉ biết thổ ngữ miền bắc qua số dân di cư mà hầu hết tập trung ở vài vùng chứ không phân tán mỏng ra đều. Vì thế, người Nam không biết rất nhiều thổ ngữ Bắc.

Sau 1975, một số thổ ngữ Bắc mà dân Nam chưa hề nghe tới, bị gán cho là từ ngữ VC! Chuyện ngôn ngữ rất nhiêu khê; nói hoài không dứt.

Cũng thế, miền Nam sính dùng từ Hán Việt, rồi khi nghe từ thuần túy Việt Nam (Nôm) thì la oai oái: “chữ VC!”

Phi trường/sân bay, Phi cơ/máy bay, Trực thăng/lên thẳng thì khác nhau cái gì? Có chữ nào sai? Tại sao cho rằng “máy bay lên thẳng” là chữ Việt Cộng? Đã chắc gì chữ Hán Việt đúng hơn chữ thuần túy Việt Nam?

Chẳng qua nó gọn hơn. Chỉ cần hai chữ Hán Việt là thay thế cho một dãy chữ Nôm cùng nghĩa.

Ví dụ: Quân nhu là đồ trang bị cho quân đội, chiêu hồi là kêu gọi trở về, trấn không là canh giữ vùng trời…

Quý vị chọn “Bộ Giữ Nước” hay “Bộ Quốc Phòng”?

Chẳng qua ít nghe tới thì không thấy hay bằng chữ thường dùng!

Nghe chữ “Thủy Quân Lục Chiến” nghe hay hơn là “Lính thủy đánh bộ”!

Nói cho đủ, thời VNCH, cũng phát sinh ra nhiều từ ngữ kỳ quặc trong dân gian. Nhưng xài lâu, nghe quen thì chấp nhận và nó dần đi vào văn học. Ví dụ: Bỏ đi tám, mút chỉ cà tha, mút mùa Lệ Thủy, xì tin…

Liệu chúng ta có dùng đúng chữ không? Chưa chắc đâu.

Đúng là từ 40 năm qua, nhất là về sau này khi sách vở báo chí, truyền thanh truyền hình hải ngoại thiếu nhân viên chuyên nghiệp thuần túy nên bê nguyên bài vở của VC vào cho đầy chương trình. Và cũng do số người Việt từ trong nước di dân qua ồ ạt, ngôn từ mới bên VN tràn qua nhanh, mang theo những chữ, những câu kỳ lạ, chói tai hay cách dùng sai be bét. Nhưng trong chúng ta, có nhiều vị quá cứng ngắt và nặng về chính trị nên cái gì từ bên VN đều cho là của VC, đều là sai, xấu. Cái gì của phe ta đều đúng và hay. Theo chúng tôi, không nên cực đoan mà cần xem xét cái gì phù hợp thì chấp thuận.

Điều đáng nói là nhiều người Việt dễ tính, thiếu ý thức… đã sử dụng những ngôn từ này theo cách sai và làm cho nó lan xa. Ngay cả nhiều nhà báo, nhà văn có tiếng nhiều lúc cũng vô tình sử dụng nó.

Ví dụ: nhà báo quá cố CTD (còn có bút hiệu HNV) rất nhiều lần dùng các chữ “sự cố”, Bác Sĩ NYĐ thì dùng rất nhiều chữ “hội ý” (với nghĩa bàn bạc), “Thống nhất” (với nghĩa đồng ý), “lên phương án” (với nghĩa lập chương trình); nhà văn nữ TMT dùng chữ “cặp đôi” khi nói về một đôi vợ chồng…

Bên Việt Nam ngày nay, có khuynh hướng dùng danh từ như dùng động từ:

Thay vì nói “Tôi có ấn tượng tốt/xấu về anh ấy”, “Tâm tư tôi luôn hướng về anh”, “Tôi xem tài tử ấy là thần tượng”; họ nói “Tôi ấn tượng anh ấy”, “Tôi rất tâm tư chị”, “Tôi thần tượng cô ta.

Hoặc ký lạ như:

Ký giả A đi tác nghiệp ở Đồng Nai.” “Chúng tôi giao lưu suốt một buổi tối

Đó! Đó mới là những thứ ngôn từ cần phê phán, cần tránh né!

Họ cũng có khuynh hướng xén bới các từ ngữ kép (ví dụ: quản, quyết… thay vì quản lý, quyết định), ghép chữ một cách kỳ quặc (ví dụ: cặp đôi) hay có cách dùng, cách định nghĩa khác với chúng ta (ví dụ: xử lý rau!). Đó là điều mà chúng ta nên tránh.

Trở lại hai chữ Tượng Đài, chúng tôi có hiểu “đài” là một kiến trúc cao hơn mặt đât mà trên đó gười ta sẽ dựng lên một kiến trúc khác. Ví dụ: kỳ đài, lễ đài, khán đài, võ đài, đài tử sĩ vân vân.

Khi ghép hai chữ Tượng Đài với nhau là để chỉ một phức hợp vừa có tượng dựng trên một đài cao. Chẳng có gì sai và cũng không chói tai, phi lý, kỳ quặc. Nếu chỉ nói là “tượng” thì chỉ có cái hình người mà thôi. Còn khi hình người đặt trên một cái nền cao, thì phải gọi là gì nếu không là “tượng đài”?

Như thế là giải tỏa xong vấn đề hai chữ “Tượng Đài” vì việc ghép hai chữ như thế này là điều từng xảy ra ở Việt Nam.

Ngoài ra bạn trên cũng thắc mắc hai chữ “tự điển” không phải là chữ ngày xưa mà là của VC xài! Thật ra, “từ điển” hay “tự điển”, “tự vị” đều đúng cả.

Dù sao, tranh cãi là để tìm ra cái đúng, bổ khuyết cho nhau. Làm người khó hoàn hảo, không ai biết rành hết mọi điều mà cần phải học hỏi lẫn nhau. Nhưng khi tranh cãi, không nên cực đoan vì dễ đưa đến bất hoà, chụp mũ nhau là Việt Cộng, là thân cộng khi thấy ai đó sơ suất dùng từ ngữ mới bên Việt Nam. Rốt ra rồi ai cũng là Việt Cộng, và có khi chính người chụp mũ cũng là Việt Cộng, vì sẽ có lúc anh ta không tránh khỏi sơ suất! Chính tôi – dù rất cẩn trọng – cũng đã được bạn bè nhắc nhở một hai lần trong việc dùng chữ.