Vài suy nghĩ về ý kiến quanh trang sử Quân Đội Quốc Gia Việt Nam (1948-1955)
Đỗ Văn Phúc
Thời gian gần đây, có vài vị phê bình Trung Tá Trần Ngọc Thống trong cuốn sách Lược Sử QLVNCH dày gần 900 trang phát hành năm 2011 đã viết sơ sài về giai đoạn thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam từ 1950 đến 1955.

Ông chỉ đào sâu vào giai đoạn sau 1955, khi nước Việt Nam Cộng Hòa ra đời và khai sinh luôn Quân Đội VNCH. Lại có vị nặng lời mạt sát Sử gia Quân Đội là Đại Tá Phạm Văn Sơn về vài điều trung thực mà ông viết về binh sĩ thời xa xưa đó. Ông Trần Ngọc Thống không kể chi tiết giai đoạn này vào Lược Sử QLVNCH là có lý do rất đáng tôn trọng.
Đây là 1 vấn đề rất tế nhị mà chúng ta không thể chối bỏ trong các trang sử, nhưng cũng không nên nêu ra nếu không thật cần thiết khi nghiên cứu. Vì các trang này nhiều nước mắt và tủi nhục của thân phận một dân tộc nhược tiểu, bị đô hộ. Và cũng rất dễ bị chụp mũ là tuyên truyền cho Cộng Sản vì thời gian này, chính nghĩa dân tộc đã bị Hồ Chí Minh và đồng bọn cướp đoạt để nêu cao lá cờ giành độc lập, mà các đảng phái quốc gia vì yếu kém hay ngây thơ đã tan rã hay gia nhập vào Mặt Trận Việt Minh do Cộng Sản giật dây.
Ngày 11 tháng 3 năm 1945, nhờ sự có mặt của Phát Xít Nhật, vua Bảo Đại tuyên bố Việt Nam độc lập, xóa bỏ các Hiệp Ước đầu hàng Pháp ký từ thời gần cuối thế kỷ 19. Rồi khi Nhật bại trận, Pháp theo chân quân đội Anh trở lại Việt Nam, tái lập ách đô hộ. Ngày 7 tháng 12, 1947, Bảo Đại và Cao Ủy Pháp tại Đông Dương là Bollaert ký Hiệp Định Hạ Long công nhận Việt Nam độc lập nằm trong khối Liên Hiệp Pháp. Sau đó, do một nghị định của Thủ Tướng Pháp, cho ra đời Quân Đội Quốc Gia Việt Nam mà lực lượng lấy từ các đơn vị phụ lực người Việt bản xứ trong quân đội Liên Hiệp Pháp cộng với các thành phần dân binh như Bảo Chính Đoàn, Việt Binh Đoàn, quân đội các giáo phái chịu về hàng phục. Quân đội Quốc Gia Việt Nam do các sĩ quan Pháp chỉ huy và thường theo hành quân chung với quân Pháp cho đến năm 1955 khi người lính cuối cùng của thực dân Pháp rời Việt Nam.
Đó là chính sử, ghi trong nhiều sách vở của miền Nam trước đây! (tài liệu: Tập Quân Sử 4 – QLVNCH trong Giai Đoạn Hình Thành. Tác Giả: Đại Tá Phạm Văn Sơn. Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH ấn hành qua cơ sở Đại nam xuất bản 1972. Từ trang 191)
Trong cuốn “Lược Sử Hình Thành Binh Chủng Nhảy Dù Việt Nam”, hai tác giả Võ Trung Tín và Nguyễn Hữu Viên cũng ghi nguyên văn: “Ngày 11/5/1950, Quốc Hội Pháp chính thức chấp nhận thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt nam với quân số 60,000 người…” http://www.nhayduwdc.org/ls/qsnd/2015/ndwdc_ls_qsnd_2015_bcnd20nChiensu_A_tochuc_2015APR23.html
Các lý do mà chúng ta phải né tránh các trang sử của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam: (1) Nền độc lập mà Pháp cho VN thời đó chẳng có ý nghĩa gì khi Quốc Gia Việt Nam nằm trong Liên Hiệp Pháp, có một quốc trưởng bù nhìn bị kìm chặt bởi nào là Thống Sứ, Công Sứ, Khâm Sứ của Pháp. (2) Quân Đội một Quốc Gia VN mà được thành lập do một Nghị Định của Thủ Tướng Pháp, là một mẫu quốc thực dân, thì nó là quân đội của nước độc lập ư?
Trong suốt thời gian từ 1949 đến 1955, các đơn vị quân đội đó do Pháp chỉ huy, đi chung dưới lá cờ tam tài càn quét làng mạc miền Bắc, Bắc Trung Phần, hãm hiếp, đốt nhà, giết lương dân vô tôi! Ở các thành thị thì hùa theo bọn Lê Dương, viễn chinh, commando say xỉn, đập phá, chọc ghẹo, hà hiếp dân thường.
Xin chớ biện bạch rằng quân đội nước nào cũng có các hiện tượng cướp của, giết người, hiếp dâm! Quân đội Mỹ, Anh không ngoại lệ.
Nhưng nhìn vào tần số và tầm vóc, thì có thể nói những đạo quân legionnaire, Commando, của Pháp là tàn bạo không thua gì bọn Nhật phát xít, bọn Nga Cộng Sản…
Bọn ngoại bang làm bậy trên đất nước khác là chuyện thường. Còn lính thuộc địa đi theo dưới cờ hãm hại đồng bào của chính mình mới là điều đáng lên án.
Cái chính nghĩa chống Thực dân, giành độc lập do các chính đảng Quốc Gia đã bị Hồ Chí Minh và bọn CS cướp lấy để thu phục lòng dân. Đó là một thất bại quá lớn của người Quốc Gia.
Chúng ta là quân nhân của QLVNCH mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã khai sinh cùng lúc với chế độ Dân Chủ mới, độc lập. Thời đó, khoảng 1955, trong những lễ bàn giao quân đội, hạ cờ tam tài, đã kèm theo lễ đốt hết những lon lá, tàn tích thực dân.
Nếu các quân nhân già từng ở trong Quân đội Quốc Gia trước 1955 biết nhận vinh dự trở thành người lính Cộng Hoà, thì hãy quên đi cái quá khứ dưới quyền các quan một, quan hai, cai, đội của thực dân Pháp. Quá khứ nhục nhã, đau đớn lắm, khi mang thân phận của người dân bị trị.
Những năm sau này, thỉnh thoảng lại thấy hình ảnh các ông quân nhân VN ôm cờ, mặc quân phục đi theo các đoàn cựu chiến binh Pháp vào các nghĩa trang binh sĩ Pháp để truy điệu, vinh danh! Lạ lùng cho cái mặc cảm hèn kém,, vong bản đi cúi đầu dâng hoa cho những tên thực dân năm mươi năm trước từng hãm hiếp, đốt phá quê hương làng mạc của mình!
Thử hỏi các ông cụ già , ngày đó khi còn trẻ, mang một vạch, hai vạch kim tuyến vàng đi trong đoàn quân do Pháp chỉ huy, họ phục vụ cho ai? Cho mẫu quốc Pháp hay cho dân tộc Việt?
Họ có học và biết đến những anh hùng tử sĩ Phạm Hồng Thái, Trương Tử Anh, Nguyễn Thái Học, Đề Thám … đã vì độc lập cho đất nước mà phải chết dưới tay các quan thầy của họ?
Sử gia Đại Tá Phạm Văn Sơn, người đã dày công viết lên bộ Quân Sử VNCH giá trị được Bộ Tổng Tham Mưu ấn hành, cũng vì viết một vài câu về sự thật trong giai đoạn này mà cũng bị những kẻ thiếu hiểu biết, ngạo mạn phỉ báng bằng những câu sặc mùi bến đò Thủ Thiệm, chợ Cầu Muối.
Trích lời Bs Hoàng Cơ Lân cũng đã viết (rất tệ) về Đại Tá Phạm Văn Sơn, vu khống ông Sơn là than Cộng:
“Ông Phạm văn Sơn là ai? Sử gia uyên thâm? Giáo sư Sử Địa các trường Trung học miền Nam? Viết sách để kiếm cơm ? Nhân vật ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng Sản, như rất nhiều trí thức “đi chữ bát” hồi đó ? Riêng tôi không biết ông này là ai cả ! Có ai biết, xin chỉ dùm. “
Rồi thêm một anh học trò khóa 16 Quân Y của ông ta cũng hùa theo thầy, vu khống cho Đại Tá Sơn là tay sai của Việt Cộng!
Trích Nguyễn Ngọc Khôi SVHDQY16:
Ngoài ra tác giả lấy tài liệu tham khảo ở đâu?
Câu viết có đáng tin cậy không hay người viết chỉ là tay sai của VC mà bộ giáo dục thiếu sót không kiếm duyệt?
Nửa thế kỷ rồi mà mang ra sách của một anh tác giả không có thành tích trong giới viết lịch sử để tự bảo chữa cho thái độ của mình.
Yếu quá! Thái độ đi hàng hai!
Người miền Nam, nhất là giới quân nhân biết nhiều về Đại Tá Phạm Văn Sơn hơn là biết về một ông y sĩ Nhảy dù cao ngạo nhưng kiến thức chỉ luẩn quẩn trong vòng hạn chế! Xin hãy tự biết mình, khôn ngoan thì cứ đứng dựa cột mà nghe chớ nhảy leo vào chiếu những người khác mà hành trang thì nghèo nàn, rách rưới!
Than ôi!