Lại thêm vài từ ngữ bị ngộ nhận

Đỗ Văn Phúc

This image has an empty alt attribute; its file name is unnamed.jpg

Chuyện Dài Chữ Nghĩa in ra lần đầu vào tháng 3 năm 2022, nhiều bạn bè đã nhận xét cho rằng chuyện này này có lẽ sẽ vô tận vì chữ nghĩa mỗi ngày một biến đổi, tăng cường. Quả thế, hình như bên Việt Nam không có ngày nào là không nghe, đọc thêm một vài chữ mới; có khi hợp lý và cũng có khi rất kỳ lạ. Những ai muốn tìm vài phút giải trí thì cứ tìm đọc các bài viết từ Việt Nam chuyển qua; bảo đảm sẽ có những trận cười rũ rượi vì cách dùng chữ ngây ngô và những chữ sai chính tả vì do những người nói ngọng viết ra. Điều đáng buồn là nhiều vị ở hải ngoại tiếp tay phổ biến mà không chỉnh sửa lại các lỗi đó.

Như chúng tôi đã trình bày, ngôn ngữ Việt Nam rất phong phú. Có nhiều từ ngữ khác nhau có cùng ý nghĩa, nhưng lại được dùng cách khác nhau, cho những trường hợp khác nhau.

1. Lan Toả là gì?

Mới đây, trong một điện thư của một nhóm người trẻ tại Mỹ gửi ra để giới thiệu cuốn phim tài liệu 2000 Mules đưa ra bằng chứng không thể chối cãi về gian lận bầu cử Mỹ năm 2020, có đoạn: “Bây giờ điều chúng ta cần làm là: … lan tỏa các bản tin, phát DVD cho các quan chức, gửi link cho cảnh sát địa phương hay thậm chí tổ chức công chiếu.”

Tôi đã có vài lần đọc thấy chữ Lan Tỏa  này trong một tờ bán nguyệt san bán rất chạy ở các thành phố của Mỹ với cách dùng tương tự. Có lẽ đây là lần đầu chúng tôi đọc hai chữ Lan Toả mà họ ghép lại từ hai động từ “Lan” và “Toả,” nhưng khi dùng thì không đúng cách của nó.

Lan: rải rộng ra (Tự Điển Tiến Đúc, trang 202).

Ví dụ: Cỏ lan ra đầy vườn. Nước lan ra mặt bàn.

Tỏa: Tóe ra, tủa ra (TĐTĐ, trang  527).

Ví dụ: Khói hương tỏa ra nghi ngút. Mùi thơm hoa lài tỏa ra không gian. Đèn bật lên, ánh sáng tỏa ra khắp phòng.

Nhưng khi nói về sự truyền rộng ra những loại như tin tức, kiến thức, báo chí, vân vân để mọi người biết đến, người ta dùng chữ phổ biến, loan tải, loan truyền.

Ví dụ: Hãy phổ biến 2000 Mules tới mọi người xung quanh

Trong trường hợp loan truyền với mục đích cho người nhận thông hiểu, người ta dùng chữ ”Truyền Đạt, Truyền Bá.”

Ví dụ: Truyền đạt sứ điệp của Toà Thánh Vatican cho giáo dân. Hãy truyền bá sâu rộng chữ quốc ngữ đến toàn dân.

2. Chung Thủy hay Thủy Chung?

Lại có một số điện thư bàn cãi về hai chữ Chung ThủyThủy Chung. Vài vị thì cho rằng chữ Chung Thủy chỉ dùng cho tình nghĩa vợ chồng, còn với bạn bè thì phải nói chữ Thủy Chung. Họ cũng cho rằng không dùng chữ Thủy Chung cho các trường hợp khác. Thật ra, “Thủy Chung” hay “Chung Thủy” chỉ là một do cách hoán vị của chữ sao cho êm tai mà thôi.

Thủy là khởi đầu, Chung là kết thúc. Thủy Chung là có trước, có sau. Có người viết và đọc thành Chung Thủy, cũng chẳng làm sai ý nghĩa của nó.

Trong mối quan hệ vợ chồng, đôi nam nữ thề hẹn với nhau sẽ giữ tình yêu thủy chung cho đến lúc răng long đầu bạc; đó là giữ được nghĩa tình trọn vẹn với nhau từ khi cưới nhau cho đến khi cái chết làm cho chia cách. Trong quan hệ bạn bè, đồng chí, nếu người ta giữ một lòng một dạ với nhau từ lúc mới quen, mới cộng sự cho đến khi xa lìa, kết thúc thì gọi là có thủy có chung. Trong phạm trù cao hơn, thì đó là lòng trung thành. Trung thành với tổ quốc, trung thành với lý tưởng mình theo đuổi. Thậm chí cũng có thể áp dụng chữ trung thành trong tình vợ chồng, tình bạn bè.

Xét cho cùng, dùng chữ Thủy Chung chính xác hơn chữ Chung Thủy.

Xin lưu ý rằng người ta có khuynh hướng hoán vị các chữ để nghe thuận tai, thuận vần, thuận âm bằng trắc như trường hợp các câu thơ, lời nhạc. Trong tiếng Việt, có rất nhiều từ ngữ (đa số là tĩnh từ) có thể hoán vị mà không thay đổi ý nghĩa. Nếu chịu khó sưu tầm, con số có thể lên đến cả trăm chữ ghép.

Ví dụ: Chung thủy/thủy chung, lửng lơ/lơ lửng, may rủi/rủi may, cơ duyên/duyên cơ, kiều diễm/diễm kiều, trang điểm/điểm trang, vui buồn/buồn vui, phúc họa/họa phúc, tha thiết/thiết tha, thướt tha/tha thướt, vấn vương/vương vấn, tươi thắm/thắm tươi, vân vân.

Tưởng cũng cần lưu ý thêm. Có hai chữ “Chung Tình”   hay “Chung Ái”  có nghĩa là “rót cả ái tình vào một người.” Tự Điển Tiến Đức, trang 138.

Chữ Chung trong trường hợp này có nghĩa là “rót vào, đúc lại, họp, chứa,” khác với chữ Chung  trong Thủy Chung. Nhưng người Việt Nam ta lại  thường nói “Chung Tình” để chỉ sự thủy chung trong tình yêu đương trai gái. Điều này không đúng. Nhưng đã dùng quen rồi thì đành chấp nhận vậy; bởi chúng ta không thể cứ khăng khăng dùng Hán Tự làm chuẩn để bắt bẻ cách dùng trong tiếng Việt.

Đỗ Văn Phúc