Tai Vách Mạch Dừng

Đỗ Văn Phúc

Định nghĩa chữ Dứng và Dừng trong Tự Điển Tiến Đức trang 161

Có khá nhiều chữ của thời xa xưa mà ngày nay hầu như ít ai biết tới. Một lý do là các chữ đó diễn tả những thứ mà thời nay không còn hiện hữu, hoặc các chữ bị viết sai, nói sai hàng chục năm mà không ai thắc mắc và chịu bỏ thì giờ truy cứu ví cách nói sai lại có vẻ hợp lý hơn cách nói đúng.

Xin dẫn chứng ra một chữ mà chính bản thân người viết cũng chỉ mới khám phá ra mình sai sau gần một đời người học hành, viết lách! Để biết chắc hơn,chúng tôi đã gọi điện thoại hỏi các bạn quen biết – nhất là các bạn lớn tuổi gốc miền Bắc – hoá ra ai cũng sai như thế.

Đó là chữ “Rừng” trong thành ngữ “Tai vách mạch RỪNG” và “Bứt dây động RỪNG.

Tai vách mạch RỪNG” có ý là: Điều gì bí mật thì phải cẩn thận lời ăn tiếng nói vì có thể có người đang nghe lén sau tấm vách kia hay nấp đâu đó trong khu rừng bên cạnh.

Bứt dây động RỪNG” có ý là không nên tạo ra rắc rối một việc nào đó, vì nó sẽ gây đụng chạm đến thế lực cao hơn mà mang họa vào thân. Người ta lý giải rằng trong “RỪNG” có nhiều dây leo, nếu đụng chạm vào một dây nào đó thì sẽ làm lay động cả khu rừng!

Thật ra, chữ đúng trong hai thành ngữ trên là “DỪNG” chứ không phải là “RỪNG.”

Chúng tôi rất ngỡ ngàng với khám phá trên qua một cái post của một người trên trang Facebook. Chúng tôi vội lần tìm hết các cuốn tự điển online hay sách in có sẵn; và kết quả như sau:

1. Trong Việt Nam Tự Điển của hai ông Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ do nhà sách Khai Trí phát hành, ở trang 489, định nghĩa “DỨNG” (danh từ) là nan để dừng vách; “DỨNG” (động từ) là buộc nan làm phên, đan phên để trét đất (ví dụ: Dứng phên chắc, vách mới vững. Ngoài ra “DỨNG” còn có nghĩa là gầy dựng, sáng lập.

Cũng trong cuốn Tự Điển Việt Nam nói trên, chữ “DỪNG” (dấu huyền, động từ) có nghĩa là “cắp lá làm vách, ngăn làm hai, che khuất bằng tấm vách ngăn.” Có vài thí dụ rất dí dỏm “Chiều chiều con quạ lợp nhà, con cu chẻ lạt, con gà DỪNG phên.”

DỪNG khi là danh từ thì có nghĩa là tấm vách thấp bằng lá, bằng phên. Câu thành ngữ “Tai vách mạch DỪNG” được ông Lê Văn Đức đua vào làm thí dụ.

2. Tự Điển Tiến Đức, trang 161 cũng cho các định nghĩa tương tự về hai chữ DỨNGDỪNG..

DỨNG. Nan để làm cốt vách. Cũng như là “DỪNG.” thí dụ: Vách trát DỨNG.

DỨNG. Đan: thí dụ: DỨNG phên.

DỨNG. Mới bắt đầu gầy nên.

DỪNG. Cũng nghĩa như chữ “DỨNG.” Thí dụ: Rút dây động DỪNG.

Và đây là cách suy nghĩ của chúng tôi sau khi ngộ ra sự thật.

Nhà tranh vách đất ở thôn quê ngày xưa làm bằng vách có khung tre được trét đất trộn với rơm, mái thì lợp bằng tranh, DỨNG (dấu sắc) theo các tự điển là cái sườn (nan) do các thanh tre chẻ nhỏ, đan ngang, dọc làm cái khung hay còn gọi là cốt. Ngăn cách phòng khách ở gian giữa và buồng ngủ không phải là vách mà là một tấm mành tre, cũng gọi là DỨNG (hay còn gọi là  DỪNG). DỪNG cũng là cái liếp tre che nắng ở trước hiên nhà. Những cái DỪNG này có thể rút lên, hạ xuống bằng một sợi dây. Cho nên, “rút dây, động DỪNG” là thế, hay “DỪNG có mạch, vách có tai!” mà chúng ta thường nhắc nhau “cẩn thận lời ăn tiếng nói; coi chừng ‘tai vách, mạch DỪNG”.

Hai chữ DỨNG DỪNG là các chữ xưa, nay không ai dùng nữa. Dân quê đã thay hai chữ đó bằng chữ “cốt tre” và “mành tre.”

Chuyện chữ “mạch dừng” bị đọc thành “mạch rừng” có thể được giải thích như sau:

Ở Việt Nam, nhất là ở nhiều tỉnh đồng bằng miền Bắc, đa số dân quê nói ngọng, phát âm không đúng vài phụ âm. Các chữ bắt đầu bằng mẫu tự “d” hay “gi” thành mẫu tự “r”; các chữ bắt đầu bằng mẫu tự “tr” thành “t”; nói ngược hai mẫu tự “l” và “n.”

Ví dụ: họ nói “cụ Diệm, con dao, cái giuờng” thành “cụ Riệm, con rao, cái rường.” “Con trâu trắng, Hà Nội, đừng lo lắng” thành “Con tâu tắng, Hà Lội, đừng no nắng.”

Dân miền Bắc chạy nạn Cộng Sản đã đem thành ngữ “tai vách mạch dừng” theo vào miền Nam và người miền Nam nghe quen các chữ ngọng “tai vách mạch rừng” nên nó trở thành phổ biến. Một bạn đọc quen thuộc là ông Phạm Minh Huyên ở Nam California, sau khi đọc bài này vừa đăng trên báo,  có gửi điện thư cho chúng tôi để xác nhận rằng ông từng học Việt Văn với nhà thơ Bàng Bá Lân và được Giáo Sư Lân giảng về câu “tai vách mạch dừng.”

Ai sống ở miền Nam trước 1975 cũng biết hay nghe đến ông Hà Thế Ruyệt, là một người hoạt động chính trị, hình như từng là Nghị Viên Hội Đồng Đô Thành Sài Gòn. Tên đúng của ông là Duyệt. Duyệt có nghĩa là từng trải, lịch duyệt. (Tín Đức Tự Điển trang 159); chứ Ruyệt hoàn toàn chẳng có nghĩa gì cả, và không thấy có trong các tự điển Việt Nam. Cha mẹ ông khi đem ông di cư vào Nam và làm lại các giấy tờ hộ tịch tại Toà Hoà Giải, đã khai tên Hà Thế Duyệt nhưng vì họ đọc thành Hà Thế Ruyệt nên ông nhân viên Hộ Tích cứ thế mà gõ vào máy chữ để làm tờ thế vì khai sinh cho ông với tên Hà Thế Ruyệt mà ông phải chấp nhận suốt cả một đời. Đây cũng là trường hợp một anh bạn sĩ quan chung trại tù cải tạo Xuân Phước với chúng tôi. Anh này khi sinh ra ở miền Bắc, cha mẹ đặt Trần Xuân Dĩnh. Dĩnh có nghĩa là sáng suốt, đỉnh ngộ (Tín Đức Tự Điển trang 153). Rồi khi di cư vào Nam, đi làm hộ tịch cũng được cha mẹ khai với nhân viên là Trần Xuân Rĩnh theo cách phát âm Phát Diệm.

Trong thực tế, có rất nhiều người khi nói đã ngọng; và khi viết ra cũng viết ngọng luôn. Chúng tôi từng thấy người miền Nam viết chữ “rồi” thành “gồi”, “đi ra đi vô” thành “đi ga đi dzô.”

Cũng nhân trò chuyện, các bạn tôi còn nhắc đến chữ “Ta Thán” (Tự Điển Tiến Đức trang 502) mà rất nhiều người nói sai thành “Ca Thán.” Lý do những người biện minh cho chữ “Ca Thán” là họ cho rằng đồng nghĩa với hai chữ “Ca Cẩm” mà trong ngôn ngữ bình dân có những thành ngữ ”ca bài con cá,” “ca sáu câu vọng cổ” khi nói đến việc than van, phàn nàn, oán giận.

Chữ “Nền Nếp” (Tự Điển Tiến Đức trang 364) cũng có nhiều người viết và nói trại thành “Nề Nếp.”

Rắc rối quanh phụ âm “GI”

Chữ Glà phụ âm thì ai cũng biết và cách đọc cũng dễ.

Ví dụ 1: Ga, Gồng Gánh, Gay Go, Gào thét, Gãy Gục, Gông cùm

Trong tiếng Việt, hợp âm “GI” cũng được xem là một phụ âm kép. “GI” được ghép với một hay nhiều nguyên âm hay một hợp âm khác để tạo thành một chữ. Cách đọc phụ âm “GI” giống như phụ âm “Y” trong Anh Ngữ. Theo Phiên Âm Quốc Tế (IPA) thì phụ âm Y được ghi bằng ký hiệu /j/; trong khi ký hiệu Anh Ngữ Bắc Mỹ là /y/. Chúng tôi xin theo ký hiệu Bắc Mỹ /y/ để quý vị dễ theo dõi. Ở trang 145 trong cuốn Chuyện Dài Chữ Nghĩa, chúng tôi có đề nghị thay thế phụ âm “GI” bằng phụ âm “Y” để tránh các rắc rối mà chúng tôi sắp nêu ra sau đây.

Ví dụ 2: Gi-à (Ya), Gi-ải (Yải), Gi-ặt (Yặt), Gi-úp (Yúp), Gi-ỏi (Yỏi)

Bây giờ chúng ta điểm sơ qua vài chữ “”, “GÌN”, GỊA” để thấy sự rắc rối. Chữ Gịa (Giặt Gịa, Tín Đức Tự Điển trang 218) này chúng ta thường đọc như âm trong chữ “phịa, địa, khịa, bịa…”

Trong các chữ trên, nếu coi “G” là phụ âm và tách riêng ra, chúng ta không thể đọc như hiện nay mà phải đọc “G-ì” thanh Ghì, G-ìn thành Ghìn, và G-ịa thành Ghịa (như cách đọc các chữ Gãy, Gục, Gồng…). 

Còn nếu coi “GI” là phụ âm để đọc như âm “Y”, như trong ví dụ 2, thì không thể chấp nhận việc đánh dấu thanh theo một phụ âm như chữ “, -n, GỊ-a””. Vả lại, khi coi  “” trong hai chữ n là một phụ âm, thì chưa có hợp âm nào theo sau để tạo thành một chữ. Trong chữ GỊA, nếu đưa dấu nặng vào dưới chữ “A” thay vì dưới chữ “I”, thì chữ GI-Ạ sẽ được đọc thành Yạ chứ không phải Y-ịa. Muốn viết và đọc chữ “GÌ” như hiện nay, thì phải viết “GI-Ì”. Tương tự các chữ ‘N, GỊA” phải viết thành “GI-ìn, GI-ịa”

Đúng là Tiếng Việt Rắc Rối!

Chỉ trong hơn một trang lạm bàn về phụ âm “GI,” chúng tôi đã làm cho quý vị thấy nhức đầu lắm rồi. Có rất nhiều vị gửi email khuyến khích chúng tôi cứ tiếp tục nghiên cứu và đưa ra những điều cần sửa sai; nhưng cũng có nhiều vị khác cho rằng các trường hợp vừa nói trên đã được dùng hàng trăm năm nay trong đời sống thường ngày và cả trong văn học. Vì thế sẽ rất khó mà sửa đổi trừ phi sau này có một Viện Hàn Lâm Ngôn Ngữ Việt nghiên cứu cái cách cho hợp lý. Chúng ta tạm coi đó là các ngoại lệ, bất quy tắc mà trong ngôn ngữ bất cứ nước nào cũng đều có