Đố ai an táng được hương linh?

Đỗ Văn Phúc

Con người khi sống có hai phần: thể xác và linh hồn. Phần thể xác (corpse/body) gọi là nhục thể (không phải nhục thân). Tự điển Hán Việt chỉ có hai chữ nhục thể 肉體 mà không có chữ nhục thân 肉身. Nhục 肉 là xác thịt; thể 體 là nói về toàn bộ thân thể con người; còn thân 身chỉ là phần tử cổ xuống đến bẹn, không bao gồm đầu và tứ chi. Ví dụ khi nói đến thân cây (trunk) là chỉ phần không có rễ và cành lá. Phần linh hồn (spirit/ghost) của con người khi đã chết bên Phật Giáo gọi là hương linh 香靈 hay vong linh 亡靈.

Vì vậy khi con người qua đời, theo niềm tin các tôn giáo thì phần linh hồn của những người hiền lương sẽ rời phần thể xác để được Thánh Phê Rô hay Phật A Di Đà đón về cõi thiên đàng hay niết bàn hưởng phước đời đời – tuỳ theo người này là tín đồ Thiên Chúa Giáo hay Phật Giáo. Còn nếu phạm nhiều tội lỗi thì sẽ sa xuống địa ngục để nhận các hình phạt.  Phần thể xác còn lại thì tuy ý thích mà được chôn hay thiêu ra tro rồi gửi vào nơi thờ tự hoặc đem rải ra sông, biển.

Chúng tôi đi dự nhiều tang lễ của bên Phật Giáo và nghe các vị Đại Đức trong mấy ngày làm lễ từ tẩm liệm đến phát tang, cúng cơm cho đến kết thúc đều đọc nhiều lần các câu đại khái như sau:

Hôm nay là ngày mồng… tháng… năm…, tang quyền tụ tập về đây để làm lễ an táng cho nhục thân hương linh Nguyễn Văn X. pháp danh Y. Z.

Nhục thể (hay nhục thân) được an táng hay hoả thiêu thì đúng rồi, chẳng có chi thắc mắc. Nhưng hương linh thì đã ra khỏi phần xác, đang lảng vảng quanh quẩn đâu đó chờ nghe ông sư và tang quyến đọc hết mấy chục lần niệm khẩn xin Phật A Di Đà rước về cõi vĩnh hằng. Có khi hương linh đã nhanh nhẩu tung cánh bay đi xa mất rồi cũng nên. Thế thì an táng hay hoả táng hương linh là thế nào đây?

Thời chúng tôi còn nhỏ, các vị sư tu hành thường có trình độ Hán văn khá thâm sâu. Họ không những đọc và hiểu các bản kinh mà còn có tài viết các bài văn, thơ chữ Hán. Ngày nay có lẽ những vị sư trẻ không mấy rành nên chẳng tìm thấy những điểm không đúng ngay trong những lời tụng hàng ngày của mình.

Vài nơi thấy trong tờ cáo phó ghi chữ “mạng chung” thay vì “mệnh chung” mà theo Hán tự, gọi là “chung mệnh” 終命. Khi hỏi tang chủ, mới biết là họ nhờ vị sư viết giùm. Mạng là chữ nôm dịch từ chữ “mệnh” 命 trong Hán tự. Các chữ ghép với “mệnh” và có nghĩa khác nhau như mệnh lệnh, thiên mệnh, định mệnh, tài mệnh tương đố… Chữ “mệnh” trong “chung mệnh” này nghĩa là mạng. Được chết lành gọi là khảo chung mệnh 考終命, không được chết lành gọi là tử ư phi mệnh 死於非命. Thôi thì người Việt mình đảo ngôi vị hai chữ này thành “mệnh chung” cũng tạm được. Chứ viết thành “mạng chung” thì khó nghe quá.