Những Chữ Có Thể Bị Hiểu và Dùng Sai: Tháng Tuổi

Đỗ Văn Phúc

Long Lanh, Lóng Lánh, Lấp Lánh, Lung Lay

Long lanh, lóng lánh, lấp lánh (sparkling) để diễn tả một vật gì sáng lên, nhấp nháy khi phản chiếu ánh sáng

Ví dụ: Long lanh đáy nước in trời. Đôi mắt em long lanh đẹp tuyệt. Hoa đèn lóng lánh mặt gương Quảng Hàn. Viên kim cương lóng lánh.

Lung lay (cũng như Lung linh, flickering) chỉ hiện tượng khi mờ khi tỏ do tác động nào đó

Ví dụ:Ngọn đèn lung linh mờ ảo. Hàng cây lá lung lay trước gió.

Tháng Tuổi

Từ hơn chục năm qua, nhiều người rất khó chịu khi nghe những câu trả lời về các em bé sơ sinh “Cháu xinh quá! Được mấy tháng tuổi rồi? Dạ. cháu mới được năm tháng tuổi”

Tuổi là do người Việt đọc trại từ chữ Tuế 歲 của Trung Hoa mà người Quảng Đông đọc là “Tsủi.” Tuế có nghĩa là năm, là tuổi tròn một năm. Người Hoa hỏi bao nhiêu tuổi: “Kỷ tố tsúi?”

Ví dụ:

Đá cũng trơ gan cùng tuế nguyệt

(Trích bài thơ “Thăng Long Thành Hoài Cổ” của Bà Huyện Thanh Quan).

Cây tùng bách tuế là cây tùng sống cả trăm năm.

Tuế nguyệt đây là năm tháng. Bách tuế là trăm năm.

Như thế, một đứa trẻ mới 9 tháng, chưa đầy năm không thể nói là 9 tháng tuổi, mà phải nói thật đúng: “Cháu mới được chín tháng.”

Người ta nói: “Tôi ba mươi lăm tuổi” chứ không ai nói: “Tôi ba mươi lăm năm tuổi” cả!

Như Là & Giống Như Là

Như được định nghĩa là giống, bằng (like, as).

Ví dụ: Cô ấy đẹp như một đoá hoa. Anh ta oai hùng như một chiến sĩ.

Giống như mang ý mạnh hơn, cụ thể hơn.

Ví dụ: Cô ta trông giống nữ tài tử Deborah Kerr. Cái bình này cũng giống như cái bình tôi mua hôm qua.

Chữ giống trong hai câu trên cho chúng ta hình ảnh so sánh rất tương quan giữa hai người, hai vật mà có thể nói như từ một khuôn đúc ra (resemble, look like).

Cũng có thể nói rằng: Cô ấy đẹp như (là) một đoá hoa; giống như (là) tài tử Deborah Kerr. Chữ có thêm là như một tiếng đệm thì cũng vui tai.

Ngoài ra, chữ Như còn có được dùng khi cần liệt kê những thứ gì đó (such as).

Ví dụ: Các con vật thuộc loài bò sát như (là): rắn, rết, giun, sâu, vân vân.

Vị Hôn Thê, Vị Hôn Phu

Người vợ hoặc chồng chưa cưới thì gọi là vị hôn thê và vị hôn phu. Chữ “vị” ở đây có nghĩa là chưa.

Hai chữ “hôn thê, và hôn phu” là sự ghép chữ hoàn toàn sai. Đã là phu (chồng) hay thê (vợ) tất là đã cưới nhau rồi, còn thêm hôn làm gì?

Như thế, chữ “vị hôn phu, vị hôn thê” là ghép các chữ “vị hôn” + “ thê”, hay “vị hôn” + “phu”. Chứ không phải “vị”+ “hôn thê”, hay “vị” + “hôn phu.”

Hồi trước tôi cũng có học và nói được tiếng Quan Thoại và Quảng Đông. Tôi còn nhớ “Phánh txấy, phánh phúa” là vợ, chồng. Txấy và Phúa là Thê và Phu, còn chữ Phánh này tôi không nhớ ký tự Hán văn nên không biết đọc theo chữ Nho là gì. Nhưng khi nói về vợ, người ta thường nói “Wò t’ai t’ai, n’i t’ai t’ai”  (Ngã Thái Thái, Nhĩ Thái Thái).

Hôn Nhân

Nhân tiện, nói sơ qua chữ “Hôn“.

Có 4 chữ Hôn trong Hán tự viết khác nhau 昏 昬 婚 惛. Ngoài ra có chữ Hôn 閽 là lính canh cửa (có thêm bộ môn)

Hôn 昏 là tối (không đứng một mình), như hoàng hôn, hôn dạ, hôn quân.

Ngày xưa bên Trung Hoa, lễ cưới kéo dài đến tối nên họ gọi là “Hôn Lễ” 昏禮; sau này mới đổi cách viết Hôn 婚 mà nghĩa hẹp là cưới vợ (cầu hôn, kết hôn), nghĩa rộng là nàng dâu. Trong chữ “Hôn” 婚 này, chúng ta thấy có ghép thêm chữ Nữ 女 là đàn bà ở trước chữ Hôn 昏. Vì thế, chỉ khi đàn ông đi lấy vợ với gọi là “hôn” như kết hôn, tái hôn… Vợ chồng mới cưới gọi là “tân hôn,” trai mới lấy vợ gọi là “tân lang,” gái mới lấy chồng gọi là “tân giai nhân.” Xin phân biệt chữ “tân lang” 新郞 (trai mới lấy vợ) với “tân lang” 檳榔 là cây cau.

Chữ Tân trong Hán tự có nhiều nghĩa. Ngoài nghĩa thông thường “Tân” là mới (新) còn có một chữ “Tân” 賓 có nghĩa là “khách”

Vì thế câu “Phu phụ tuơng kính như tân” 夫 婦 相 敬 如 賓 có nghĩa là vợ chồng ăn ở nên kính nể nhau như đối với khách. Lời khuyên này là để tránh các vợ chồng lấy nhau lâu sinh ra xàm xỡ, không giữ gìn ý tứ, lời ăn tiếng nói hay cử chỉ trong đời sống lứa đôi để đi đến sự chán ghét nhau, coi thường, thậm chí thù oán nhau..

Hiện nay, có tình trạng các đôi vợ chồng lớn tuổi bày trò tổ chức tiệc tùng, mặc áo quần diêm dúa mời bạn bè chung vui cái họ gọi là “hấp hôn.”

Chữ “hấp” này theo Hán tự có 4 chữ viết khác nhau  nhưng nghĩa tương đồng trong đó các nghĩa chính là:  吸  hút vào (hô hấp, hô là thở ra), 翕 thu liễm, hợp nhau.

Trong tiếng Việt thì Hấp có nghĩa “để một vật đang nóng, đậy lại. Ví dụ: hấp bánh, hấp trứng vào nồi cơm và một số nghĩa khác.

Do đó, việc đặt ra chữ “hấp hôn” là sai, chỉ có tính cách đùa giỡn chứ không chính đáng.