Xàm Xỡ hay Sàm Sỡ?

Đỗ Văn Phúc

Mỗi khi nghe câu: “Ông này tính nết xàm xỡ lắm, ” thì chúng ta thường nghĩ đến hành vi không lịch sự của vài người đàn ông vốn có máu dê, tay chân thường táy máy tìm cách sờ soạng, bốc hốt phụ nữ hay có những lời nói bậy bạ không đứng đắn. Rất nhiều người đã nói hay viết thành “sàm sỡ.” Quả thực nhiều người trong chúng ta thường phân vân không biết chắc chữ nào đúng, chữ nào sai.

Các bài viết, bản tin trên báo chí bên Việt Nam đều viết chữ “sàm sỡ.” Sách luật của Việt Nam Cộng Sản định nghĩa “sàm sỡ hành vi dùng lời nói hoặc cử chỉ với mục đích quấy rối tình dục hoặc làm nhục người khác, xâm phạm đến quyền được bảo hộ sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của công dân đươc pháp luật bảo hộ” (sic).

Trong cuốn Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, “xàm” được định nghĩa là bậy, quấy. Có các chữ ghép với “xàm” như “xàm xỉnh” là bậy bạ, “xàm xỡ” là quấy phá. Nói xàm là nói bậy bạ. (Tiến Đức trang 647). Nói xàm còn nghĩa là nói nhảm nhí, vô duyên.

Ông Lê Ngọc Trụ cũng định nghĩa “xàm” là nói càn bậy, nói như người điên với các chữ ghép như “xàm xĩnh, bá xàm, nói tầm xàm.” (Việt Ngữ Chính Tả Tự Vị, trang 430)

Ngoài ra còn một chữ “sàm” từ chữ Hán 讒 mà theo định nghĩa là “gièm pha, thêu dệt các lời nói bậy làm cho mất cái hay cái phải của người đi gọi là sàm.”

Trong Tự Điển Tiến Đức có thêm các chữ ghép với sàm là:  sàm nịnh, sàm bang, sàm ngôn: đều mang cùng nghĩa gièm pha (Tiến Đức trang 481).

Cuốn Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh thì chỉ có chữ “sàm” (trang 182) mà không có chữ Xàm (vì xàm là tiếng Việt thuần túy dĩ nhiên không có trong Hán Việt Tự Điển). Trong 16 chữ ghép với chữ “sàm” thì đa số mang ý nghĩa gièm pha, chỉ có một chữ “sàm” vớí nghĩa là lộn xộn, không chỉnh tề.

Việt Hán Tự Điển của Huỳnh Minh Xuân trang 690 có chữ “sàm”với ví dụ “nói sàm” với ý nghĩa gièm pha. Ở trang 918 có chữ “xàm” với các thí dụ: xàm xỉnh, xàm xỡ.

Trong Sổ Tay Chính Tả Tiếng Việt của nhóm ông Nguyễn Song Thuận (Hùng Sử Việt xuất bản, 2017) thì không thấy chữ “xàm” mà chỉ có chữ “sàm” với cả hai nghĩa suồng sã và gièm pha. Ví dụ: Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng (Kiều). Cũng câu Kiều này mà trong Việt Nam Tự Điển viết chữ “xàm xỡ.”

Chúng tôi cố gắng tìm thêm và thấy có chữ “sỗ sàng” có nghĩa là không câu nệ lễ phép, Thí dụ: ăn nói sỗ sàng là nói năng thiếu lễ phép. lịch sự (Tiến Đức, trang 494).

Ghế trên ngồi tót sỗ sàng (Kiều)

Như thế, qua tra cứu nhiều tài liệu khả tín cả cũ lẫn mới, hai chư “xàm xỡ” và “sàm sỡ” khó xác định chữ nào đúng chữ nào sai. Có thể đoán rằng chữ “sàm” gốc chữ Hán bị đọc trại thành “xàm” chăng? Vả lại, nếu sử dụng chúng mà không gây ngộ nhận hay sai ý nghĩa thì chúng ta cũng không nên khắt khe bắt bẻ.

Cũng lưu ý: Trong bài này có chữ “gièm pha” mà thấy đa số tự điển ghi “gièm” nhưng cũng có vài tự điển ghi cả hai chữ “dèm” và “gièm.”

Đỗ Văn Phúc