Dịch Thuật hay Dịch Vật?

Đỗ Văn Phúc

Nhân nói đến việc dịch thuật

Trong những năm gần đây, trên các báo chí, truyền thông xã hội có đưa ra hình ảnh những bảng hiệu, biểu ngữ, văn bản bên Việt Nam với những chữ dịch từ Việt Ngữ sang Anh Ngữ một cách ngớ ngẩn như: ô mai (salted apricot) dịch là “umbrella tomorrow,” khô mực (squid) dịch là “dried ink,” [con] công Ấn Độ (peacock) dịch là “Indian public”… Không ai bắt bẻ chê bai những người dân bình thường trình độ thấp kém. Nhưng khổ nỗi việc dịch bậy bạ này xảy ra ở các lãnh vực công quyền, báo chí.

Trên báo VNExpress ngày 15 tháng 10, 2021 có đăng bản tin về việc cô Jennifer Gates kết hôn với một anh đua ngựa. Tác giả đã dùng tựa đề “Con gái ‘ngậm thìa vàng’ của tỷ phú Bill Gates.” Không biết có bao nhiêu người Việt Nam hiểu ý nghĩa của tựa đề này!

Tây Phương có thành ngữ “Born with a silver spoon in his mouth” (Sinh ra với chiếc muỗng bạc trong miệng) để chỉ những người sinh ra trong gia đình giàu có vì ngày xưa chỉ có giai cấp này mới sử dụng dao muỗng làm bằng bạc. Dân thường chỉ có đồ gỗ hay đồ sắt mà thôi. Người dịch đúng sẽ không dịch sát từng chữ mà có thể dịch “sinh ra trong gia đình giàu sang” hoặc hay nhất là “đẻ bọc điều,” một thành ngữ Việt Nam mà ai cũng biết.

Tác giả bài báo đã chơi trội khi anh ta đã sửa chữ “bạc” (silver) thành chữ “vàng” vì có lẽ anh quan niệm thìa bạc chưa đủ để nói hết cái sang giàu!

Khi còn trong trại tù A-20 đầu thập niên 1980, chúng tôi có lần mượn từ thư viện trại cuốn sách tựa đề Vật Lý Đại Chúng do Ủy Ban Khoa Học Nhà Nước phát hành để xem giết thì giờ vì tưởng rằng những vấn đề trong sách là ở tầm mức đại chúng như tựa đề sách đã ghi. Đâu ngờ khi mở ra mới thấy các phần về nghiên cứu thiên thạch, hố đen, ngân hà… là những lãnh vực cao cấp mà ở Mỹ, chỉ dạy trong môn Modern Physics (một trong những môn khó nhất) vào năm chót chương trình kỹ sư. Hoá ra những trí thức trong cái gọi là Ủy Ban Khoa Học của Việt nam Cộng Sản đã hiểu chữ “universal” trong tựa đề Anh ngữ Universal Physics (Vật Lý Vũ Trụ) theo nghĩa thông thường là “đại chúng.”

Cũng trong sách nói trên, ở chương nói về thiên thạch (meteorite), họ đã dịch chữ “The Indians living in Colorado” là “người Ấn Độ  ở bang Colorado!”

Trong cuốn Tự Điển Anh Việt (phát hành những năm cuối 1970s), họ đã dịch chữ “Ladies” là nhà cầu dành cho phụ nữ; “Gentlemen” là nhà cầu dành cho đàn ông!

Câu “He didn’t make it” trong cách nói thường ở Mỹ là “anh ta không sống được,” nhưng rất nhiều lần chúng tôi thấy bên VN họ dịch thẳng là “anh ta không làm điều đó.” Đúng là dịch vật, phải không thưa quý vị?