Trở Mặt

Nhân đọc bài “Tiến Sĩ Nguyễn Hàm” của tác giả Văn Quang đăng trên một tập san xuất bản trong nước năm 2008.

Đỗ Văn Phúc

Bài viết dài 11 trang khổ nhỏ vinh danh về thân thế, tài đức, sự nghiệp của cụ Nguyễn Hữu Hàm như là một danh nhân địa phương; để cuối cùng kêu gọi đóng góp xây dựng đền miếu để theo như trong thư: “tôn vinh một bậc hiền tài của làng – việc này nhiều nơi đã làm, mà còn để con cháu noi theo, cố công học tập, rèn đức luyện tài để mai sau đóng góp sức mình xây dựng quê hương, và người các nơi đến sẽ biết thêm về thanh danh của làng. Làm thế cũng là một cách ủng hộ chủ trương khuyến học, khuyến tài của nhà nước vậy.

Tác giả Văn Quang là người trong nước, có thể là một cán bộ của Đảng hay nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Những điều ông nói và phán đoán về cụ Nguyễn Hàm hoàn toàn dựa trên quan điểm của Đảng, vì nhu cầu của Đảng. Nó lộ rõ cái bản chất ti tiện, cái thái độ tráo trở mà đảng CSVN từng áp dụng gần thế kỷ nay. Khi không cần đến thì rủa sả Việt Gian, tay sai Mỹ Ngụy, kết án quan lại, địa chủ, phản động; nhưng khi cần thì gắn vào những mỹ từ để tâng bốc hòng kiếm lợi.

Tôi là cháu ngoại đầu đàn của Tiến Sĩ Nguyễn Hữu Hàm. Mẹ tôi là con thứ hai, sau cậu Nguyễn Hữu Giảng (không vợ con) mà tác giả có đề cập trong bài. Tôi xin được phép lên tiếng đính chính những điều không đúng, hay chưa đúng của tác giả về ông Ngoại và các cậu của tôi và cũng xin góp thêm vài điều mà mẹ tôi và các dì tôi thường kể.

1. Sau khi đỗ Tiến Sĩ khoa Canh Tuất, cụ Nguyễn Hàm được nhà vua ban thưởng áo mão để vinh qui bái tổ. Vì là một trong bốn ông Nghè của khoa thi đó và lại là người địa phương Quảng Trị; nên cả làng, tổng họp nhau mang võng lọng đi lên tỉnh để đón tân khoa. Ông Ngoại tôi là một nhà Nho mẫu mực. Tuy thuộc dòng dõi Quận Công Nguyễn Văn Tường, nhưng thân sinh của ông tuy cũng đỗ cử nhân, nhưng không ra làm quan nên gia cảnh nghèo khó. Ông sợ nhà không có gạo tiền để đãi làng tổng, nên sau khi trình diện quan Tuần Phủ (Tỉnh Trưởng), ông lẻn cửa sau ra về. Làng tổng chờ mãi không thấy ông Nghè đâu cả, bèn vào hỏi và biết ông Nghè đã cải dạng nông dân đi bộ về làng từ lâu. Kết quả là cụ cố phải khăn đóng áo dài ra xin lỗi cả làng.

2. Cũng như hầu hết những người Việt Nam sống vào thời gian trong chế độ thuộc địa của Pháp, gia đình Ngoại tôi hun đúc tinh thần yêu nước và sẵn sàng đáp ứng lời kêu gọi của các phong trào kháng Pháp, cứu quốc thời bấy giờ. Lúc đó, Hồ Chí Minh đang lợi dụng lòng yêu nước của đồng bào, quyến rũ thanh niên ưu tú vào Mặt Trận Việt Minh, mà thực ra do đảng Cộng Sản lãnh đạo. Ba trong năm người con trai của ông tôi đều đi theo kháng chiến, và hậu quả ra sao? Xin đọc tiếp sau đây.

2.1. Cậu Nguyễn Hữu Giảng, là con đầu lòng và thuộc dòng chính thất, đã theo phong trào Duy Tân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, làm ký giả báo Tiếng Dân. Ông bị thủ tiêu năm 1940 (không rõ do bàn tay của Pháp hay Việt Minh).

2.2. Cậu Nguyễn Hữu Vọng, là con thuộc dòng thứ thất, theo kháng chiến và bị thương trong một trận đánh. Ông bị đồng bọn bỏ lại chiến địa và được chính phủ Quốc Gia săn sóc lành vết thương. Sau đó, ông ở lại Sài Gòn, có nhà trong một hẻm nhỏ đường Phan Thanh Giản, đi dạy tại trường Tabert. Tôi thường gặp ông mỗi lần ghé Sài Gòn, tôi không biết được khuynh hướng chính trị lúc đó của ông thay đổi ra sao. Nhưng con trai đầu của ông là Nguyễn Hữu Phước, tốt nghiệp Kỹ Sư Nông Lâm, thì hoạt động cho phong trào thanh niên sinh viên do Cộng Sản giật dây. Chú em này lấy vợ là người Quảng Ngãi, lúc đó phụ trách đặc công nội thành, có nhiều thánh tích gài bom, ném lựu đạn giết lương dân vùng Sài Gòn Chợ Lớn.

Ông Vọng sống âm thầm cho đến sau 30 tháng 4 năm 1975 thì dọn về Huế với tâm sự u uất, thất vọng, buồn nản. Hàng ngày, ông cùng con trai thứ ngồi chửi đổng chế độ Cộng Sản cho đến khi ông lìa đời.

2.3. Cậu Nguyễn Hữu Cát, theo kháng chiến từ thời trẻ. Khoảng năm 1964 – 65, từ chiến khu về nằm vùng ở căn nhà Ngoại tôi trong một khu vườn khá rộng ở bên trong thành nội Huế, sát cửa Hữu (còn gọi là cửa Hiển Nhơn?)

Sau tháng 4 năm 1975, ông Cát theo đoàn quân Cộng Sản vào Sài Gòn, không có chức tước, địa vị gì. Họ cho ông ở trong một góc nhỏ của trụ sở Hội Văn Nghệ trên đường Pasteur, Sài Gòn. Chúng tôi đến thăm thấy một ông già gầy yếu hom hem (dù ông lúc đó chỉ khoảng trên dưới 50) ngồi trên chiếc giường sắt có phủ tấm chiếu đã quá cũ, nhàu nát, hoen ố. Bên cạnh trên đầu giường là một cái bếp dầu hôi cũng cũ mèm che ba phía bằng những tấm bìa cắt ra từ cuốn lịch cũ. Ngoài vài thứ chăn màn, áo quần cũ, ông không có tài sản gì khác, và cái không gian cũng chỉ chừng đó thôi: trống hoác trong một tầng nhà mà xung quanh là đám thanh niên “cách mạng” đang ồn ào sinh hoạt. Ông Cát thừa hưởng đạo đức của dòng dõi, nên rất tự trọng. Dù khốn khó, ông cam chịu không than thở và cũng chẳng đón nhận bất cứ sự giúp đỡ gì của thân nhân. Khi tôi phải vào trại tù tập trung, ông thở dài với mẹ tôi, nói: “Tôi đi làm cách mạng để cháu phải vào trại tập trung!

2.4. Ngoài các câu Giảng, Vọng, Cát nói trên, ngoại tôi còn có hai cậu phục vụ trong Quân Đội VNCH. Một cậu, Nguyễn Hữu Hỷ, tử nạn khi đang là giảng viên tại trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam khoảng năm 1956. Câu út dòng thứ là Nguyễn Hữu Đồng, – Trung Úy Công Binh. – năm 1958, được Bộ Tổng Tham Mưu cho đi du học ở Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp nhiều bằng cấp đại học và ở lại Mỹ, lấy bà Mai Thanh Thủy (con gái Trung Tướng Mai Hữu Xuân). Câu cắt đứt liên lạc hoàn toàn với gia đình bên dòng chính thất từ khi qua Mỹ nên chúng tôi không biết gì hơn về cậu.

3. Như có nhận xét ở trên. Cộng Sản là loại người man trá, nhổ ra rồi lại liếm. Ngày xưa, họ không tiếc lời phỉ nhố, kết án và thề tiêu diệt các giai cấp “trí, phú, địa, hào”. Họ đã làm đấy. Họ đã thủ tiêu mờ ám hay công khai thảm sát hàng vạn địa chủ, trí thức, phú hộ, và quan chức các chế độ cũ. Rồi khi thời thế có đổi thay, họ bôi mặt, quay 180 độ, tâng bốc vuốt ve nhằm moi tiền những người mà họ từng thù ghét.

Ông Ngoại tôi, suýt nữa đã là nạn nhân của đấu tố cường hào, địa chủ; nhưng nay, qua bài viết của Văn Quang, lại trở thành một nhà cách mạng (theo nghĩa cách mạng CS)

Điều đúng là ông tôi có tinh thần ái quốc, khi làm quan cũng như sau khi hưu trí, có nhiều hành vi phản đối chính quyền thuộc địa. Ông tôi là một trong những người sáng lập Duy Tân Hội trong đó có các cụ Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Đặng Thái Thân…Nhưng khi chính tác giả viết: “…cụ chưa mạnh dạn dấn thân vào con đường cách mạng…”. Chúng tôi suy đoán lý do là cụ không cảm tình với cái cách mạng của Cộng Sản chứ không vì sức khoẻ suy yếu như tác giả viết.

Chúng tôi xin trích một đoạn đầu lá thư của dì tôi – bà Nguyễn Thị Hoan, là người con gái út được nhiều dịp sống gần gũi với Ngoại, qua đời tại Oklahoma City cách đây vài năm.

Bà viết:

Tháng 8 năm 1945, Việt Minh khởi nghĩa. Họ triệu tập cuộc nói chuyện tại sân trường An Cư (là nguyên quán và trú quán của cụ Nguyễn Hàm sau khi về hưu). Vốn tính hiếu kỳ, tôi đến xem; thấy cô Diệu Muội đứng lên tuyên truyền. Tôi không nhớ nhiều, nhưng khi hát bài có câu ‘diệt trừ tư bản, diệt trừ đế quốc sài lang. Hỡi dân bạn nghèo, nhà ta không cần lo, đời ta không cần tiếc; thù kia mau trả hết; mong cho thế giới đại đồng…’  tôi cảm nhận được không thích hợp với tư tưởng và giai cấp mình

Thế rồi không bao lâu đang giấc ngủ ngon, nghe tiếng ồn ào; mở mắt nhìn qua cửa sổ ra đường thấy từng bó đuốc sáng rực không rõ xuất phát từ đâu; mỗi người hay hai ba người cầm một bó hô to ‘đả đảo Trí, Sĩ, Phú, Địa’. Họ dừng lại trước cổng nhà hô lớn hồi lâu.

Sau này, ông Hiếu và ông Thâm thỉnh thoảng đến nhà trò chuyện với thầy tôi (trong các gia đình quan lại miền Trung, con gái gọi cha mẹ là ‘thầy, mẹ’); mời thầy tôi tham gia trong chính quyền cách mạng. Thầy tôi từ chối [nại lý do] vì sức khoẻ kém. Các ông ấy thừa biết không thích hợp với thầy tôi!”

Cũng trong thư dì tôi cho hay lúc Việt Minh phát động thu thuế nông nghiệp:

“Nhà bán sạch bách từ đồ sành, đồ cổ đến mâm thau; từ nồi một đến nồi bung (nồi 10) vẫn không đủ đóng thuế…. Lúc Mẹ tôi bị đưa ra đấu tố đợt đầu; may 1954 hoà bình nên được thoát nạn.”

Thế ra, ông bà Ngoại tôi suýt chút nữa là nạn nhân của cuộc đấu tố đẫm máu như từng xảy ra ở miền Bắc từ năm 1953. Lý do cuộc đấu tố chưa kịp thực hiện ở miền Trung vì biến cố Hiệp Định Geneve năm 1954.

Sau tháng 4, 1975, bọn dân làng theo Việt Cộng hồi kết trở về làng An Cư. Chúng chiếm ngụ hết những nhà cửa của đa số dân làng mà chúng gọi là thành phần theo ‘ngụy’. Chúng vì ghen tị, thù hằn mà phá phách mồ mả của các gia đình có tiếng tăm trong làng. Khu nhà của ngoại tôi bị chúng chiếm làm hợp tác xã rồi làm trụ sở thôn.

Sau này, nghe con cháu dòng họ cụ Nguyễn Hàm thành đạt ở Hoa Kỳ, bọn họ ngửi thấy mùi tiền, bèn bắt đầu ve vuốt. Họ viết những bàn văn ca tụng công đức cụ Nguyễn Hàm và cụ Quận Công Nguyễn Văn Tường. Họ đưa ra đề nghị xây một nhà kiểu như một bảo tàng nhỏ nhằm lưu niệm công đức của một danh nhân địa phương. Họ nhờ người gửi thư qua Mỹ cho chúng tôi để thuyết phục gửi tiền về đóng góp xây dựng.

Chúng tôi thừa biết cái mưu mô làm tiền của họ vì sau xây dựng sẽ còn thêm nhiều khoản tiền, tu bổ, nhang khói, giỗ chạp. mà mỗi lần như thế, có một phần lớn sẽ vào túi bọn quan chức địa phương. Theo chúng tôi nhận định: nếu dân làng, vì nhớ ơn nên muốn tôn vinh người có tiếng tăm thì chính họ bỏ tiền và công sức ra xây đền, dựng miếu. Chứ con cháu không thể bày ra để buộc họ biết ơn được. Chúng tôi mà làm chuyện này thì chướng lắm! Mà biết đâu, về sau, tính đố kỵ cố hữu trong một số dân quê nghèo đối với người danh giá sẽ dẫn đến những chuyện phức tạp khác. Chúng ta biết Cộng Sản luôn khích động lòng đố kỵ để biến những người dân hiền lành trở nên một đám đông hung bạo, làm nòng cốt cho đấu tranh cách mạng Cộng Sản.

Đỗ Văn Phúc