Sản Phẩm Trí Tuệ và Tài Sản Trí Tuệ?

Đỗ Văn

Hai chữ Intellectual Property, viết tắt là IP, chỉ có thể được dịch qua tiếng Việt với nhóm chữ Tài Sản Trí Tuệ. Bất cứ cuốn tự điển nào cũng dịch chữ Property là “tài sản.”

Thế nhưng, trong một cuộc bút đàm, có một vị đã đòi phải dịch Intellectual Property là “Sản Phẩm Trí Tuệ:” vì ông ta lý luận rằng tài sản là những thứ vật chất như nhà cửa, heo gà, xe cộ, ruộng vườn… Nhưng ông quên mất rằng “Sản Phẩm” cũng chẳng khác gì tài sản, cũng bao gồm những vật chất như xe cộ, máy móc, rau trái, đồ dùng… Vị này còn dẫn chứng nhóm chữ “Sản Phẩm Trí Tuệ” có trong Hoa ngữ và được dùng từ rất xa xưa.

Chúng tôi không phản bác rằng không có chữ “Sản Phẩm Trí Tuệ”, nhưng chúng tôi tin rằng nó được dịch ra từ chữ Intellectual Product chứ không phải Intellectual Property.

Cả hai chữ đều có sẵn và có nghĩa giống nhau; chỉ khác cách dùng tùy trường hợp.

Thật thế, Sản Phẩm và Tài Sản có mẫu số chung là các thứ vật dụng.

Theo Collins Dictionary, sản phẩm là phẩm vật được làm ra và được bán với số lượng lớn, đó thường là kết quả của diễn trình sản xuất. (A product is something that is produced and sold in large quantities, often as a result of a manufacturing process.)

Tự điển Merriam Webster cũng định nghĩa “Sản phẩm là những gì đưa ra thị trường hay được bán ra như một hàng hoá. (Product is something (such as a service) that is marketed or sold as a commodity.)

1. Sản Phẩm, là bất cứ gì làm ra do tài năng, công sức con người hay do máy móc. Chúng ta có sản phẩm văn chương, văn học (thơ, truyện, tranh, nhạc…), sản phẩm nông nghiệp (gà heo, rau trái…), sản phẩm công nghiệp (máy móc, xe cộ…). Dịch vụ (services) cũng được coi là sản phẩm.

Một nhà văn, nhà thơ viết ra một cuốn sách, bài thơ; một họa sĩ vẽ ra bức tranh… Họ đã tạo ra sản phẩm trí tuệ mà chúng ta thường quen gọi là “tác phẩm”. Tác là làm ra những gì chưa ai làm trước mình. Chúng ta có những động từ sáng tác khi nói về những tác phẩm thuộc lãnh vực văn học nghệ thuật; lại có động từ sáng tạo khi nói về các lãnh vực khác như khoa học, công nghiệp. Lưu ý: trong môn toán học, product là kết quả của một phép tính nhân.

Có nhiều tranh luận xoay quanh việc có thể coi tác phẩm văn học là sản phẩm hay không.

Trong luận văn “Is Poetry a Job, Is a Poem a Product”, tác giả Murat Nemet-Mejat đặt vấn đề tiền bạc làm chuẩn cho sự đánh giá: “Who gets paid what for what labor.” Ông này nhắc đến lý thuyết kinh điển Marxism để nói rằng cây bút, cái máy đánh chữ (ngày xưa) hoặc cái máy computer (hiện nay) được coi là tư liệu sản xuất, là cái vốn, để nhà văn, nhà thơ làm ra tác phẩm đem lại lợi tức. Nếu tập thơ (hay cuốn sách) sẽ mang lại lợi tức, thì nó đã là một sản phẩm rồi.

Nhưng chúng ta không phải là người Marxist, chúng ta chỉ đồng ý rằng một khi tác phẩm đó được in thành sách qua sự sản xuất, phát hành và bày bán thì mới coi nó là sản phẩm. Như vậy, sản phẩm phải là thứ gì cụ thể (object) chứ không phải thứ trừu tượng (phantom).

2. Còn Tài Sản là những thứ vật chất do con người thủ đắc, thuộc quyền sở hữu của con người. Nó cũng bao gồm nhiều chủng loại, nhiều thứ từ nhỏ (nhẫn, vòng… đến lớn như xe, nhà, ruộng vuờn…)

Như hai định nghĩa trong tự điển Collins và Merriam Webster, thì rõ ràng “Sản phẩm” (Product) thiên về thị trường, dùng để trao đổi, mua bán. Còn “Tài sản” (property) là thứ mình cất giữ, của riêng mình, nó thiên về quyền sở hữu.

3. Sự đánh giá thế nào là sản phẩm trí tuệ cũng không có ranh giới rạch ròi. Trong một chiếc xe hơi, có tài sản trí tuệ của hoạ sĩ vẽ mẫu. Nhưng nó không được coi là sản phẩm trí tuệ, vì cái mẫu mã không phải là điểm chính khi người khách mua xe nhắm vào. Nhưng một cái máy điện toán, một cell phone đều có công lao ông kỹ sư nghiên cứu viết ra một lập trình cho các ứng dụng; vì thế cũng có thể gọi các món này là sản phẩm trí tuệ.

Viết ra một cuốn sách, đó là tài sản trí tuệ. Nội dung sách là tài sản trí tuệ vì chỉ có người sáng tác ra mới có quyền giữ nó, trao cho ai, bán cho ai để tạo thành sản phẩm.

Nhưng khi tác giả in và phát hành ra một đầu sách, thì đó là sản phẩm trí tuệ vì nó đem lại lợi tức. Ngoài tác giả ra, ai muốn in, bán thì phải xin và được phép của tác giả vì nội dung sách là tài sản trí tuệ của tác giả.

Nếu có ai đó vào nhà sách, cửa tiệm, nhà riêng đánh cắp một cuốn sách, lấy đi một món hàng; hành vi đó là ăn cắp sản phẩm và cũng là tài sản (vật chất chứ không phải trí tuệ). Nhưng khi có người lấy sáng kiến người khác để áp dụng vào sản phẩm của mình, hay lấy cốt truyện của một nhà văn đem in, dịch, đăng báo… thì đó là hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ.

Quí vị thấy cần uống một viên Tylenol chưa?